Giống Rồng

Chương 105: Giết kẻ tiểu nhân, nghĩa nhân mang tội


Đọc truyện Giống Rồng – Chương 105: Giết kẻ tiểu nhân, nghĩa nhân mang tội

Giống Rồng

Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

Hồi thứ hai mươi mốt

Họ Phạm xuôi dòng Đáy giết tham quan

Tồn Thành bỏ Ái về Hoan dựng trại

Chương 21.5 Giết kẻ tiểu nhân, nghĩa nhân mang tội

Phạm Đan vuốt râu đứng hiên ngang, tay chỉ mặt từng thằng lâu la:

– Đứa nào dám xông tới!

Nói rồi Phạm Đan cầm chiếc gậy chạc ba giương lên, thằng nào thằng nấy nhìn nhau không dám xông lên. Tên bị què chân nằm lê dưới đường, tay chỉ trỏ ra lệnh:

– Bọn ngu chúng mày, sao còn đứng đấy! Xông lên giết chết nó cho tao! Ông tao làm huyện lệnh cái huyện Vũ Bình này, bọn mày sợ gì chứ!

Cả đám xông lên dùng gậy gộc nhắm người Phạm Đan mà đánh. Phạm Đan không muốn dùng sức chạy vòng tròn quanh phủ nhốn nháo cả thành Đỗ Động. Được bảy tám vòng, đám lâu la kia mệt lả, Phạm Đan cũng thở chẳng ra hơi. Có một thằng nãy giờ không đuổi Phạm Đan thấy Đan chống tay thở hổn hển toan xông tới thì Phạm Đan bất thình lình dùng chiếc gậy ba chạc đâm trúng ngực hắn, tiếng kêu rắc rắc như gãy cả giàn xương sườn. Hắn ngã gục, máu tươi thổ ra đẫm áo.

Mắt méo xệch, bọn lâu la và tên què kia căm tức, kéo nhau vào trong huyện phủ. Bấy giờ sư gia và viên bổ đầu huyện nha nghe nhốn nháo ra ngoài hỏi chuyện. Mấy tên lâu la kể lể này nọ, khóc sướt mướt thê thảm vấy tội lên đầu Phạm Đan.

Bọn này chắc lại cùng một ruộc với nhau, nghe chừng họ Phạm khó mà thoát tội. Phạm Đan định bụng kéo dài thời gian cho đến khi gặp được Liêu Đức Thinh.

Đám dân chúng đi qua chỉ dám liếc nhìn, Phạm Đan ngồi ung dung trước cửa ngẩng cao đầu trò chuyện đối đáp với bọn chúng. Qua lại được mấy lời, tên sư gia bắt đầu văng tục chửi bậy rêu rao khắp cửa phủ.


Phạm Đan vốn chẳng ưa bọn quan lại kiểu này nên ra sức hăm dọa, nhưng tình thế chuyển thay bất lợi cho họ Phạm. Đám sai nha, lính tốt đều đã tập trung ở cửa phủ, lăm le nhìn họ Phạm. Mà đến thật lạ rằng, xưa huyện Vũ Bình, quân tốt đều là lính của nghĩa quân mà không kẻ nào nhận ra họ Phạm lừng lẫy hỏa thiêu cả thành huyện Thái Bình, giết quân Hàn?

Phạm Đan trộm nghĩ xem ra bọn cầm quyền cũ chẳng coi hàng ngũ của nghĩa quân ra gì rồi. Bọn lính này chắc chắn cũng đã phần nhiều ngả theo bọn cai trị này chứ chẳng sợ những người trong nghĩa quân họ Dương. Phạm Đan đành phải xưng danh, xưng hiệu để đe nẹt bọn chúng.

Ấy thế mà chỉ có mấy tên xì xào to nhỏ với nhau, còn lại lại hưởng ứng theo bọn sư gia, bổ đầu coi thường một tên nông dân theo nghĩa quân lại còn xưng tướng với tá ở chỗ này. Bọn chúng ùa vào bắt giữ lấy Phạm Đan. Phạm Đan cau mày dùng đòn thương của một tên lính chọc trúng yết hầu của tên sư gia. Đan hắng giọng:

– Thằng nào xông tới, nó phải chết!

Tên chân què nhếch mép:

– Tướng tá cái nỗi gì! Có giỏi thì giết đi! Rồi cả cái Vũ Bình này biết, cả Giao Châu này biết bộ mặt thật của nghĩa quân! Coi mạng người như cỏ rác, hống hách trước điện phủ, coi thường luật lệ! Giết đi!

Tên sư gia đái ra máu, đôi chân run run, mặt tái mét van xin. Phạm Đan bẻ đôi dòn thương, lao thẳng về phía tên chân què. Mũi thương đâm trúng đùi trái của hắn, quần rách tả tơi, máu dính đầy mặt đất. Hắn hoảng hồn chửi bới thì bị Phạm Đan vung chân đá bao kiếm của tên bổ đầu trúng miệng, răng rụng đến bảy tám chiếc, máu me đầy mồm. Xem ra hắn có định kêu gào cũng chẳng còn mồm miệng đâu để mà nói.

Phạm Đan đạp chân tên sư gia ngã khuỵu xuống, dùng gậy chạc ba cướp lấy thanh kiếm trên tay tên bổ đầu. Thanh kiếm vung lên, đám lính tráng và sai nha cúi xuống van xin:

– Xin tướng quân tha tội! Bọn tiểu nhân không dám! Chỉ vì các đại nhân đây ra lệnh mà đã mạo phạm với tướng quân.

Phạm Đan nguôi cơn giận, xua tay đuổi bọn ấy đi và đòi cho gặp tên huyện lệnh, yêu cầu bọn sai nha thả Tô Trung Trực ra khỏi nhà lao. Đứa nào đứa nấy cúi đầu xin vâng, ba tên sư gia, bổ đầu và cháu ngoại của huyện lệnh kia dẫu tức tối cũng đành phải thậm thọt cúi đầu đi vào phía trong.

Một lúc sau, gã huyện lệnh tuổi chạc sáu mươi bước ra cửa phủ, mặt lăm lăm chỉ vào mặt Phạm Đan hỏi tội:

– Thằng giặc! Mày dám động vào cả cháu của lão! Mày muốn chết lắm rồi phải không? Họ Phạm nhà ngươi dâm dục trong quân làm ô nhục nghĩa quân mà còn dám tới đây đòi lẽ phải công bằng cái thá gì. Coi thường luật lệ! Lão gia cho bắt mày vào ngục!

Nói rồi một đội binh giáp, giáo thương đi từ ba phía ập tới. Phạm Đan cau đôi mày rậm, nói lời lý lẽ với tên huyện lệnh đáng tuổi cha tuổi chú họ Phạm. Tên huyện lệnh còn chưa nguôi cơn giận, lại nghe lời lý lẽ mà tỏ thái độ khinh miệt sai quân bắt lấy Phạm Đan.


Đan chống cự nhưng sức người hữu hạn chẳng thể làm gì được bọn nha dịch. Thật may lúc đó có viên thanh tra châu tới kịp lúc. Họ Liêu ra dấu cho thả người. Viên huyện lệnh bực dọc sai người thả Phạm Đan ra.

Gã huyện lệnh cùng hai tên sư gia, bổ đầu quay vào trong phủ. Đan và Đức Thinh hồ hởi chào hỏi nhau. Hai người quay lưng đi, dường như có thứ gì đó lạnh sắc đằng sau gáy họ Phạm. Liêu Đức Thinh bất giác quay lại thấy một mũi tên phóng liền xô Phạm Đan ngã ra, mũi tên cắm vào bắp tay của họ Liêu, máu cháy đầm đề.

Phạm Đan đứng dậy hỏi thăm, ánh mắt nhìn trông theo bọn lính tráng. Một tên cung thủ mắt liêng láo nhìn xung quanh, khuôn mặt tái vội vàng cúi xuống van lài:

– Xin các đại nhân tha mạng. Con bị ông cháu huyện lệnh ép buộc. Xin các đại nhân tha mạng.

Dứt lời, Phạm Đan dùng gậy chạc ba đánh què cái chân của tên cung thủ. Liêu Đức Thinh nghiến răng chịu đau, sai đám lính bắt lấy tên cung thủ. Một nửa theo, một nửa không theo, hai bên đánh nhau nhốn nháo trước cửa huyện nha.

Phạm Đan chạy tới chỗ họ Liêu rút mạnh mũi tên găm trên từng thớ thịt. Rách toang một mảng da, họ Phạm lại dùng áo choàng xé ra bọc lấy vết thương cho Đức Thinh. Thinh ngất lịm đi vì mất máu quá nhiều, Đan cho người lấy ngựa đưa họ Liêu trở về.

Đúng lúc đó hai ông cháu huyện lệnh thập thò đi từ cửa đông huyện nha ra. Nhìn thấy bóng dáng tên huyện lệnh, Phạm Đan dùng mũi tên phi trúng gáy tay huyện lệnh. Thằng cháu thậm thọt quỳ xuống ôm lấy ông, máu chảy ướt hết lưng áo, lão ngắc ngắc rồi lăn ra chết.

Liêu Đức Thinh nghe tin mà lòng nóng như lửa đốt, sai người bắt bớ hết người nhà quan huyện giam vào trong ngục tối. Những kẻ có mặt ở cuộc nhốn nháo ấy đều bị Đức Thinh cho nhốt vào trong nhà lao hòng giấu biệt chuyện đi và bẻ gãy lời khai của bọn chúng.

Dần dà hơn một tháng trời, chuyện ở thành Đỗ Động bị vỡ lở ra đến tai cha con họ Dương. Dương Thanh cho gọi Phạm Đan lên chầu kiến, họ Phạm nhận tội xin bãi quan, đi lao dịch ở huyện Quân Ninh, châu Ái, gia đình bị tước hết quan lộc, ruộng đất bị thu hồi.

Tới huyện Quân Ninh, họ Phạm được dân chúng ở đấy mến mộ, có kẻ sĩ còn tới tận nhà lao viết lên bức tường một bài thơ:

“Trăm năm mới có một hiền nhân

Chẳng quản giàu sang hay túng bần

Thương kẻ đức tâm chịu oan tội


Ra tay hiệp nghĩa giết bạo quân”.

Sau này mới biết người đó là Đỗ Kiêm nghe theo lời Tồn Thành tới chào hỏi họ Phạm. Đỗ Kiêm đút lót đám sai nha mấy nén bạc cùng ít sản vật mà dân chài huyện Sùng Bình mới đánh bắt được. Kiêm được đưa vào trong nhà lao gặp họ Phạm.

Xem ra nhà lao này không đến nỗi nhếch nhác, đúng là chỗ để giam giữ đám người vốn là quan gia, binh tướng. Nhà lao này thoáng đãng, dài rộng vuông vắn mỗi bức tường dài đến trăm trượng, cây cối được tỉa tót gọn ghẽ. Lối đi vào rộng rãi, hai bên tường cao đến ba trượng, rào gai mây xung quanh, khó lòng kẻ khác đột nhập vào chứ chẳng nói đến chuyện thoát ra ngoài.

Trong này, Phạm Đan được đối đãi tử tế, lại gặp được một người ở hương Thụy Gia, anh này cũng từng bị bên hào trưởng tên Quảng kia bắt bớ vị tội chòng ghẹo gái xóm. Anh tên là Mặc, họ là Sinh, người cao chừng bảy thước, mắt lác, bụng ỏng, tay như que đóm có tật ở khuỷu tay trái do ngày bé anh bị ngã vào kệ bếp nhà lão Quảng. Người làng sau đó gọi là thằng Mắc Lác đọc chệch đi của chữ Mắt Lác, có người gọi là thằng Mặc Kệ, phần vì lẽ đó, phần cũng bởi tính tình anh này chẳng màng chuyện người khác, lời của người khác bàn tán về mình, gia đình mình.

Sinh ra ở làng Thụy, cha làm thuê cho hào trưởng Quảng, mẹ làm người ở trong nhà lão Quảng. Sinh Mặc giọng nói không to nhưng mỗi khi anh nói, giọng anh lúc nào cũng văng vẳng bên tai người nghe. Lúc thanh niên, anh và bọn thanh niên trong làng xung quân nhưng anh bị loại vì cái tật ở tay và đôi mắt lác. Cũng vì mắt lác mà mang họa vào người.

Có lần anh theo mẹ đi qua con kênh nước mát ở đầu làng, mẹ anh bảo anh quay mặt đi vì dưới đó có đám con gái trong làng đang tắm trần. Mắt anh liếc nhìn ra chỗ khác nom trời nom đất kẻo có kẻ rèm pha.

Lúc bấy có thằng con trai lão Quảng tên là Giang đi qua, đứng trên bờ chòng ghẹo bọn con gái. Đứa nào đứa nấy xua đi, quay mình trần ra chỗ mẹ của Mặc. Thấy lấp ló sau lưng bà lão là anh chàng mắt lác, hai con ngươi nhìn chằm chằm vào bọn con gái đang lõa lồ dưới dòng nước. Bị con gái nhí nháu chỉ trỏ, thằng con trai lão Quảng quay lại nhìn thấy Sinh Mặc ánh mắt vẫn đang nhìn bọn con gái tắm mới tức lên quát tháo Mặc.

Mặc kệ cho lời nói của gã, cứ lẳng lặng cúi mặt bước đi. Hai thằng đi theo Giang chạy ra trói tay Sinh Mặc, bắt về đình làng để xử theo lệ làng. Làng có cái lệ, con gái tắm ở kênh đầu làng, con trai nhà nào trông thấy mà bị bắt được sẽ bị rạch một bên khóe mắt trái cho đến tận mang tai.

Lúc xử tội Mặc, có sáu ông hội đồng ở trong làng thì có đến năm ông có vết sẹo ở mắt trái, một ông có sẹo cả hai bên. Xử tội xong, Mặc bị nhốt vào chuồng trâu nhà lão Quảng do trong làng không có chỗ để bắt người phạm tội.

Suốt mấy ngày ăn uống chẳng ra cơm, ra cháo, bố mẹ Mặc thấy tội cho con trai vào hỏi han. Mặc cười nhạt coi là chuyện chẳng có gì. Bố mẹ vừa ra khỏi chuồng trâu, nghe thấy tiếng mấy đồng lẻ lóc xóc, có thằng ra hỏi chuyện xin tiền.

Bố mẹ Mặc tích cóp mãi mới được có ngần ấy tiền, chẳng nể nang gì ông bà đã ở cái nhà này suốt cả mấy chục năm nay, bọn oắt choai choai kia vẫn vặn vẹo gột hết sạch tiền của ông bà. Mặc nhìn từ xa, vết rạch trên khóe mắt nhức nhối không chịu được khi nhìn thấy bố mẹ van nài bọn nhãi ranh liền chạy vội ra dùng hai tay đang bị trói vặn cổ một thằng tím tái mặt mày rồi tức thở mà chết.

Bọn kia sợ hãi đi báo tên hào trưởng Quảng. Quảng xử tội trăm roi, đuổi hai bố mẹ Mặc ra khỏi hương, lang bạt một thời gian rồi hai người ốm chết. Mặc chờ xử tội chết bị giam ở ngục tối ngoài thành Long Biên năm dặm. Sau đó nghe tin bố mẹ bị chết, Mặc bàn với mấy tên bị giam dựng cảnh thoát khỏi ngục vào đêm rằm tháng bảy.

Trốn được ra ngoài, Mặc rủ mấy tên cũng thù ghét với lão Quảng xông vào trang của hắn ở hương Thụy Gia hòng giết chết cái gai trong mắt. Đêm ngày mười bảy, lúc sảy giường chiếu lão Quảng thấy có con rắn lằn trắng lằn đen bò ở trên đầu giường, lão hốt hoảng chạy ra ngoài thì gặp ngay Mặc đã lẻn vào trong gian phòng của lão từ lúc nào không hay.

Hô hào, bọn gia nhân vây chặt lấy trang trại, con rắn bổ nhào trúng gáy lão Quảng. Không ai trông thấy, chỉ thấy lão Quảng lăn đùng ra sùi bọt mép rồi chết. Mặc bấy giờ tay cầm con dao nhỏ, chối cãi nhưng chẳng ai nghe.

Sau đó, tên quan huyện Vũ Bình là anh em con dì con cậu với lão Quảng dùng tiền mua chuộc tên sư gia và lão lang ở thành Long Biên viết bản luận tội cho Mặc. Quan huyện Long Biên bấy giờ là Đỗ Mạnh, cháu của Đỗ Phụng Quán tướng quân theo lời luận tội của viên sư gia mà ký cáo trạng Mặc vô tình giết chết lão Quảng nên bị khổ đầy tới huyện Ninh Hải, huyện Ninh Hải không chứa lại đầy tới Võ An, Võ An tù nhân quá nhiều nên đành phải đẩy tới huyện Quân Ninh ở châu Ái.


Đỗ Kiêm gặp được Phạm Đan, lại được nghe câu chuyện của Sinh Mặc liền thuật lại cho Tồn Thành. Tồn Thành nghe Đỗ Kiêm kể lại chuyện Tô gia, Sinh Mặc và Phạm Đan, tay vò chặt lấy lá thư Đoàn Uyển vừa gửi cho họ Đỗ ném xuống dưới đất mà gằn giọng:

– Cứ thế này, dân nam ta bao giờ mới thoát được khổ ải, thoát được sự nhiễu nhách của bọn cường hào. Dẫu là người nam cai trị nhưng với những tên mặt giặc như vậy thì để người nam làm chủ cũng đâu được cái phúc gì cho dân!

Đỗ Kiêm chưa hiểu ý, nhặt lá thư lên hỏi Tồn Thành:

– Đoàn Uyển lại có ý muốn ta quay trở về Nhật Nam làm quan. Giờ họ Dương nắm quyền binh ở Giao Châu, ý Tồn Thành là thế nào?

Tồn Thành xoa hai bên cằm, nhấp ngụm nước cho nguôi cơn giận mà than thở, lưng không tựa ghế nữa mà nhổm dây nói:

– Giao Châu chưa thuộc về họ Dương lúc nào cả! Lúc trước tôi theo hắn, hắn đối xử tệ bạc với đám người có công lại bỏ bê đám quan lại cũ khiến nhiều người có ý lật lọng. Sau này, chắc hắn đã hiểu nhưng xem ra thâm ý của anh Sĩ Giao hắn chưa hiểu hết. Nay nghĩa quân và đám quan lại cũ thù hằn sâu sắc, chắc hẳn dân nam lại một phen điêu đứng nữa. Đoàn Uyển này là một trong đám quan lại cũ, đứng giữa Hoan – Diễn với các châu phía bắc, hẳn là cái gai trong mắt của họ Dương. Tôi và các anh e rằng sẽ không thể ổn yên ở châu Ái này mãi được. Anh cho gọi Đỗ Trang ở huyện nha trở về, chắc có lẽ chúng ta phải rời đi trước khi Đoàn Uyển lùng sục chúng ta.

Kiêm cho lời của Thành là phải liền đi đón cả nhà Đỗ Trang trở về.

Ba ngày sau, đúng như lời Thành nói với Kiêm, Uyển cho người tới rước kiệu Tồn Thành nhưng khi vào tới trang ấp thì Tồn Thành đã cùng mấy chục trai tráng trong trang ấp đi về phía nam. Đỗ Kiêm và Đỗ Trang cũng dẫn theo gia quyến bỏ quan tước ở huyện Sùng Bình đi theo đường núi vượt qua năm đèo bảy ngọn thì gặp được Tồn Thành và đám huynh đệ đi cùng.

Đoàn Uyển sai người lùng sục khắp Ái Châu thì bấy giờ đã quá muộn, tới cửa ải Hàm Hoan vào Diễn Châu, quân lính châu Ái buộc lòng phải quay trở về. Uyển lại nghe ở trong nhà lao huyện Quân Ninh vừa xảy ra chuyện liền cho người tới dò xét.

Ra là viên cai ngục huyện Quân Ninh tên là Nguyễn Thương trước là học trò của Liêu thái công, ông nội của Liêu Đức Thinh lưu lạc về tới châu Ái làm chức cai ngục ở đó. Nghe tin Phạm Đan vì Đức Thinh mà bị tù đầy đã dựng câu chuyện có kẻ trà trộn vào trong quân hạ độc thủ tiêu bọn quản ngục để nhà giam phía nam xổng mất tội phạm.

Nguyễn Thương bị bắt vì tội quản giáo không nghiêm. Mấy ngày sau, bọn quản ngục mấy tên sợ chết đã khai ra Nguyễn Thương đứng đầu bày trò. Đoàn Uyển chém đầu bêu thị chúng. Suốt dọc đường đi về đến châu Hoan, Tồn Thành nghe Phạm Đan kể lại chuyện mà khóc tế họ Nguyễn rằng:

“Ái Châu dòng lệ tuôn

Người tráng sĩ tên Thương

Vì nghĩa quên danh lợi

Tiếng lừng khắp bốn phương”

Tồn Thành đã thoát khỏi Ái Châu, liệu rồi đây chí trai có được thỏa, ước nguyện có được toại lòng. Những nghĩa sĩ đi theo Tồn Thành có đủ vây đủ cánh để chống lại được thế loạn của thời cuộc? Những câu hỏi đau đáu ở trong đầu của một người nghĩa sĩ ở phương xa cách họ Đỗ cả nghìn dặm đường.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.