Gió Lạnh Đêm Hè

Chương 23


Bạn đang đọc Gió Lạnh Đêm Hè – Chương 23


Chiều hôm ấy, thi xong, Khang Thu Thủy đắc ý về bài vở, thoải mái rời khỏi giảng đường. Hắn lại trông thấy bóng dáng thiểu não đáng thương của Đỗ Lê đang thất thểu đi phía trước. Hắn sợ cô sinh viên thất tình này bị giật mình thêm phiền, nên hắn rón rén chậm bước, rồi né tránh nàng.
Bước vào trạm điện thoại, hắn quay số bẩy lần, vẫn không nghe một ai nhấc ống nói lên. Hắn lấy làm lạ: Kiều Lê Vân đi đâu? Bác Văn gái nữa? Như chưa nản lòng, hắn quay thêm ba lần nữa. Nhưng vẫn không có ai tiếp nghe. Hắn thầm đoán:
– Chắn hẳn Vân tìm đến nhà Hồ Bình rồi.
Nhưng bỗng hắn sực nhớ: không phải! Hồ Bình với Diệp Lạc cùng đang có mặt ở trường mà!
– Phải chăng lại mới xảy ra chuyện gì? Mình phải lập tức đến xem.
Hắn lẹ làng đi lấy xe mô tô, mở máy chạy như bay… Hắn thêm ga, tăng tốc độ, tăng nữa, tăng thêm nữa…
Đến trước cửa nhà nàng, hắn hối hả ấn chuông. Hắn nghe tiếng bước chân người, rồi có tiếng hỏi:
– Ai đấy?
– Thưa bác, Thủy con đây ạ.
Cánh cổng mở. Hắn nhận thấy đôi mắt bà Văn còn ướt lệ, thì thầm đoán có chuyện gì xảy ra. Hắn vùn vụt đi vào nhà, miệng gọi lớn:
– Vân ơi! Vân ơi! Anh tới đây. Em ở đâu?
Phòng khách vắng tanh. Phòng riêng của nàng cũng vắng lạnh. Hắn lại chạy ra phòng khách, hớt hải hỏi:
– Bác ơi! Vân đâu ạ? Vân đi đâu rồi?
Bà Văn giụi mắt lắc đầu:
– Bác cũng không biết nữa. Nó gửi lại cho cháu một phong thư đây. Cháu cầm lấy xem đi.
Mở lá thư, đôi tay hắn run run giơ ra, và đọc thấy:
“Anh Thủy,
Đừng buồn khổ khi biết em ra đi, anh nhé! Mối tình của chúng ta, cứ để nó được lưu lại mãi mãi trong ký ức não tâm chúng ta! Giờ chấm dứt này của nó, sẽ là đầu mối trở lại sự yên ổn và hạnh phúc của anh. Chứ nếu nó cứ tiếp tục nữa thì bi kịch sẽ có lúc xảy ra. Anh cứ hỏi, má em sẽ kể lại cho anh biết cái sự thể đáng sợ, mới xảy ra ngày hôm nay.
Chỉ còn cách tốt nhất là em phải đi xạ Anh đừng có tìm kiếm em. Em có thể kiên cường mà sống. Chỉ mong sao anh có thể quên được nỗi đau buồn mau chóng. Hãy vùi đầu vào sách vở. Anh đạt tới thành công và hạnh phúc trong tương lai, ấy là niềm an ủi lớn lao cho em vậy.
ái tình chân chính không nhất thiết phải cần có sự sống chung trọn đời. Anh hiểu như thế chứ? Anh Thủy! Phần em, em không bị cô đơn buồn bã đâu, vì em đã có bức chân dung của anh bên mình. Mỗi khi nhớ đến em, anh hãy cầm cây đàn violon lên! Tiếng đàn sẽ giúp anh quên đi nỗi buồn đau nhung nhớ.

Thôi, chúng ta xa nhau nhé! Anh Thủy ơi! Đây là tiếng kêu gọi cuối cùng của em.
Vân
(viết vội)”
Đọc xong lá thư ngắn ngủi, nước mắt Khang Thu Thủy đã rơi xuống ướt đầm cả tờ giấy. Hắn gần như nổi điên:
– Không! Con phải có Vân! Con không thể sống thiếu Vân! Con phải đi tìm Vân!
Bà Văn càng đau buồn, chẳng biết an ủi Khang Thu Thủy bằng lời lẽ nào. Rồi bỗng thấy hắn quỳ xuống đất, ôm choàng lấy chân bà mà van lơn năn nỉ:
– Bác ơi! Bác cho con biết đi! Vân đã đi đâu thế? Để con đi tìm Vân về. Chứ bác với bác trai không thể thiếu Vân bên cạnh được!
Bà gắng kéo hắn đứng lên. Bà mấp máy đôi môi run run hồi lâu, mà chưa nói nên lời. Bởi lẽ bà không thể phá hỏng kế hoạch của con gái.
– Bác ơi! Con… Con… Con cần phải có Vân, thì mới sống được.
Bà Văn nói một cách khó khăn ấp úng:
– Em nó… Nó bỏ ra đi bất ngờ, không báo trước gì cả.
Đột nhiên Khang Thu Thủy chạy vụt ra ngoài như điên. Bà Văn hoảng sợ, chạy theo ra kêu gọi:
– Cháu Thủy! Thủy ơi! Cháu Thủy!
Nhưng Thủy đau khổ đến mê man đầu óc, đã nhảy lên xe mô tô chạy đi rồi. Bà Văn vẫn đứng ở cổng gọi với:
– Thủy ơi! Cẩn thận nhé! Coi chừng cẩn thận, cháu ơi!
Bà quay vào, tay gạt nước mắt. Thật ra bà không quen phụ diễn màn tuồng đau khổ loại này. Còn biện pháp nào nữa? Chỉ vì cần có một trái tim chân thành để cứu chữa cái chân tật nguyền của con gái, mà bà phải gắng làm theo ý nó.
o0o
Đã ba ngày rồi, không thấy Khang Thu Thủy xuất hiện nữa. Bà Văn thầm đoán: Chắc là hắn giận con gái bà dứt tình bỏ nghĩa, nên thôi không tìm đến nữa. Nếu hắn bỏ thật, thì lại là một cái may lớn trong sự không may.
Nhưng vấn đề có đơn giản như thế không? Tình yêu giữa đôi trẻ không thể trong chốc lát mà thanh toán đi được.
Khi một con người ngồi cô đơn ở nhà, thường không khỏi nghĩ quẩn.

Hôm ấy, sau một hồi suy nghĩ, bà Văn đang định đứng dậy đi kiếm công việc gì trong nhà để làm cho khuây khỏa… thì bỗng chuông điện reo lên. Bà thầm thắc mắc:
– Chắc không phải Thu Thủy tìm đến!
Thật thế! Chẳng phải Khang Thu Thủy. Nhưng cũng chẳng phải chồng bà, hay con gái bà trở về… Mà đây là cha mẹ và em gái Khang Thu Thủy! Cả nhà họ Khang đã kéo đến nhà họ Kiều vậy.
Sắc mặt cả ba người đều lầm lì và bất ổn. Bà Văn bất giác lui lại một bước, thì bà Viễn cười nhạt một tiếng:
– Thưa bà, hôm nay chúng tôi lại quấy rầy bà lần nữa.
– Không dám! Mời bà, mời ông, mời cô vào chơi.
ông Viễn đến đây lần thứ nhất, nên tự giới thiệu:
– Thưa bà, tôi là ba Thu Thủy, nay đến thăm gia đình ta.
– Dạ, rất hân hạnh. Kính mời ông bà ngồi chơi.
Bà Văn lăng xăng đem thuốc điếu, rót nước trà mời khách, và không có một phán đoán vội vàng nào về mấy người khách bất ngờ này. Chờ cho bà Văn ngồi xuống đối diện, rồi ông Viễn mới lựa lời vào đề:
– Bởi có một việc, cần phải đến gặp bà. Vậy xin bà thứ lỗi đường đột.
Bà Viễn chẳng buồn nhường lời chồng trước mặt người ta, cứ tranh lấy lời:
– Anh Viễn! Anh cứ ngồi đó, để tôi thưa chuyện với bà Văn. Tại sao anh không nói thẳng vào chuyện?
Và bà quay nhìn bà chủ nhà:
– Thưa bà, con trai tôi nó đi biệt dạng đã ba ngày nay chưa thấy về nhà, cũng không bước chân đến trường học. Chúng tôi đoán hẳn nó đến với con gái bà, hoặc đem nhau đến một nơi nào rồi. Tóm lại, xin bà trả cháu nó về với chúng tôi.
– Tôi thật không khỏi giật mình!
Bà Văn không thể không nói như vậy. Bà tiếp:
– Tại sao tôi phải giấu cậu ấy đi nhỉ? Lẽ nào tôi lại để cho cậu ấy đem con gái tôi đi chơi xả Bà ăn nói như thế, tôi thiết tưởng thật có chỗ…
– Nếu không vì cô Vân, thì con trai tôi đâu có lâm vào tình trạng vô phương cứu chữa như ngày nay!

Bà Văn cố nén cơn tức giận trong lòng:
– Thưa ông Viễn! ông nghĩ thế nào về lời nói của bà nhà?
– Tôi… Tôi…
ông Viễn tắc kỳ ngôn lộ, thì cô con gái láu lém của ông xen vào:
– Thưa bà, ba tôi cũng nghĩ như má tôi vậy.
Bà Viễn khoanh hai tay trước ngực, trông giống như hạng đàn bà tinh quái đanh đá:
– Con gái tôi nó nói đúng. Hôm nay chúng tôi tới đây là để được gặp mặt con trai chúng tôi.
Bà Văn vẫn trang nghiêm, không hề lớn lời to tiếng:
– Thật là điều không thể bàn luận được! ông bà bảo tôi phải đi tìm hắn ở đâu? Tôi thành thật cho ông bà hay rằng: Cũng đã ba ngày qua, không thấy hắn tới đây. Dẫu thế nào thì đối với hắn, tôi cũng quan tâm không ít.
– Hừm! (Bà Viễn lạnh lùng hừm một tiếng).
ông Viễn nói:
– Thưa bà, cháu Thủy là đứa con trai duy nhất nối dõi tông đường nhà tôi. Vạn nhất, rủi xảy chuyện gì bất ngờ, thì hậu quả không thể tưởng tượng được. Dù thế nào cũng mong cô Hai nhà ta buông bỏ nó ra.
Bà Viễn tiếp lời chồng, vẫn với giọng chướng ta khó nghe:
– Còn cứ dan díu với nó, thì nhà ông bà cũng chẳng được hay, được lợi gì. Tôi xin nhắc lại thêm một lần nữa: Chúng tôi quyết không thay đổi chủ ý, không bao giờ để cho nó lấy cô Hai đâu.
– Dẫu sao, thì một khi bước chân đến đây, ông bà cũng là khách của nhà tôi, tôi không hề ăn nói xúc phạm đến ông bà. Nhưng ông bà đã xúc phạm đến tôi hơn nhiều rồi.
Bà Viễn vẫn “hừm” một tiếng lạnh lùng. Bà Văn tiếp:
– Thưa ông, thưa bà, thưa cô Ba! Có một sự thật mà quý vị cần biết rõ là: Con gái tôi vì nghĩ đến khói hương nhà họ Khang, đến tương lai sự nghiệp của Thu Thủy, e ngại cho tính mạng của bà, nên nó đã hạ quyết tâm: dứt khoát bỏ cậu Thủy rồi, không còn ngó ngàng tơ tưởng gì đến cậu ấy nữa! Đối trước sự hy sinh tinh thần của nó như thế, kẻ làm mẹ như tôi cũng cảm thấy tự hào tự kiêu. Đương nhiên, tôi hiểu rõ nỗi đau khổ của con tôi lắm.
Bà Viễn vẫn còn hoài nghi:
– Có thật như thế chăng?
– Thưa bà, can cớ gì tôi lại phải nói dối nhỉ? Vậy, từ hôm nay, mong rằng bà hãy giữ gìn răn cấm con trai bà đi, đừng cho hắn tìm đến đây nữa, ấy là tôi tạ Ơn trời đất. Nếu không, tôi cũng đành bó tay, bởi vì tình yêu là một cái gì kỳ diệu lắm. Con cái chúng nó không nghe lời cha mẹ, thì cha mẹ biết làm thế nào?
– Được rồi! (Bà Viễn đứng dậy) Mong bà răn dạy cô Hai chọ Tôi thì răn dạy con tôi. Thôi, chúng tôi về.
Không ai nói thêm nửa lời, vợ chồng con cái nhà ông Viễn ùn ùn ra khỏi phòng khách. Bà Văn lặng lẽ tiễn chân họ ra cổng.
Trở vào nhà bếp, bà Văn xới một bát cơm, thêm vào ít thức ăn, rồi bưng vào buồng cho con gái. Bà buồn bã hỏi:

– Con ơi! Con nghe lọt hết rồi chứ?
– Má à! Lúc này con chỉ thắc mắc về anh Thủy: Không hiểu anh ấy bỏ đi đâu? Vạn nhất, rủi anh ấy… thì chẳng hóa ra con làm hại đời anh ấy hay sao?
Bà Văn trấn tĩnh con:
– Hắn cứng cỏi lắm, quyết không làm chuyện gì ngu xuẩn đâu. Thôi, con hãy ăn chút cơm.
– Con không thể ăn được.
– Kìa con! Đã ba ngày rồi con không ăn gì cả.
– Tốt hơn hết là chết đói cho yên.
– Đừng ăn nói gở như thế! Này, ăn đi, má đút cho.
– Con ăn không được! Con nuốt không vào nữa.
Bà Văn phải lựa lời khéo léo:
– Nhịn đói thì thân thể sa sút, thiểu não khó coi. Nếu con còn để cho Thủy nó nhìn mặt, nó sẽ càng buồn đau con ạ.
Kiều Lê Vân động lòng vì lời mẹ nói. Nàng gượng ngồi dậy, vẻ mặt đã có phần tiều tụy, và nàng sợ hối tiếc vì hành vi của mình: “Mình làm khổ mình thì không quan hệ mấy; nhưng không nên để cho Thủy phải khổ đau!”
– Không hiểu anh ấy bỏ đi đâu?
– Chắc chắn là hắn đi tìm con đấy.
– Phải rồi! Chắc thế! Anh ấy đã từng nói: Nếu một ngày nào đó không thấy mặt con nữa, thì anh ấy sẽ đi khắp chân trời góc biển để tìm con.
– Kìa con!…
Kiều Lê Vân đã từ trên giường đùng đùng bước xuống:
– Má ơi! Con phải đi tìm anh ấy. Con phải đem anh ấy về. Con không thể để cho anh ấy khổ thân như vậy.
Bà Văn nắm tay con, giữ lại:
– Biển người ngập đất, con biết hắn ở đâu mà tìm!? Ngồi xuống đi, con! Con đã ốm yếu đi nhiều rồi. Này, hãy cố ăn chút cơm. Nếu không, con sẽ ngã bệnh liệt giường mất!
– Ôi chao! Má ơi! Má…
Nàng lại phục xuống lòng mẹ mà khóc nức nở, thật thê lương đau xót, khiến ai nghe cũng tê tái lòng, huống chi mẹ nàng! Và mẹ nàng chỉ biết để mặc cho đôi hàng lệ tuôn trào.
Bà đã khuyên lơn an ủi nhiều rồi. Bà còn biết nói gì khác để hàn gắn vết thương lòng cho con gái? Bàn tay mặt của bà vuốt ve mái tóc rối bù của con, bàn tay trái bưng bát cơm cũng run lên lẩy bẩy. Bà phải đặt bát cơm lên chiếc bàn đêm. Rồi không nén được nữa, bà ôm lấy con. Hai mẹ con ôm nhau mà khóc.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.