Giờ G

Chương 1: Khai từ


Đọc truyện Giờ G – Chương 1: Khai từ

Ngày 19 tháng Mười một

Trong câu lạc bộ luật gia, mọi người quây quần xung quanh lò sưởi đang cháy. Toàn những người làm việc trong ngành pháp lý. Có hội thẩm Martindale, luật sư Rufus, chàng luật gia trẻ tuổi Daniels – mới nổi lên sau vụ án Carstairs, và nhiều luật gia nổi tiếng khác: thẩm phán Cleaver, Levris, và cuối cùng là ông già Treves.

Ông Treves năm nay đã ngoài tám mươi. Từng trải nhưng vẫn tinh tường, tuy tuổi già nhưng ông vẫn là người được ngoài xã hội cũng như trong giới luật gia kính trọng. Là người hiểu rất rõ phần chìm dưới sâu của cuộc sống nước Anh hôm nay, ông có uy tín rất lớn trong lĩnh vực tội phạm học. Những người không hiểu bảo ông nên viết hồi ký, nhưng ông già Treves không làm thế, vì ông biết quá nhiều thứ. Tuy ông cụ đã nghỉ từ lâu, nhưng rất nhiều đồng nghiệp trẻ vẫn tìm đến ông để hỏi ý kiến. Và mỗi khi ông cụ cất lên giọng nói nhỏ nhẹ, mọi người xung quanh đều nín thở lắng nghe từng lời ông nói.

Mọi người sôi nổi bàn tán xung quanh vụ án đang được xét xử, nhất là về phiên tòa diễn ra mới chiều nay tại hội trường Old Bailey. Đó là một vụ giết người, và bị cáo đã được tòa xử trắng án. Mọi người điểm lại mọi tình tiết về nguyên nhân và những vấn đề kỹ thuật trong cuộc xét xử.

Công tố viên tại phiên tòa, Depleach, đã phạm sai lầm nghiêm trọng là dựa quá nhiều vào lời khai của một nhân chứng. Lẽ ra ông ta phải thấy ngay rằng làm như thế là mở đường cho bên bị đơn mọi khả năng phản bác. Luật sư Arthur đã lập tức tận dụng sai lầm đó, vạch ra những điều vô lý trong lời khai của những người làm công trong gia đình. Bentmore vội vã rọi vào vụ án một luồng ánh sáng đúng đắn, nhưng quá muộn. Hội đồng xét xử đã bị chàng luật sư kia thuyết phục.

Hội đồng xét xử đúng là nực cười! Thay đổi xoành xạch nhận định, không ai đoán trước được. Và khi họ đã tin vào một điều gì thì khó ai lay chuyển nổi. Về chuyện cái kẹp tóc ấy, hội đồng tin ngay là cô ta khai đúng. Và không ai làm được cho các vị thẩm phán ấy xem lại vấn đề. Lời thẩm định của bác sĩ pháp y cũng bị các thẩm phán bỏ ngoài tai. Thật ra một phần còn vì các nhà khoa học này bao giờ cũng dùng những từ ngữ tối om, chẳng ai hiểu nổi, và chẳng biết vị bác sĩ ấy định nói cụ thể là thế nào. “Có khả năng là thế này” rồi lại “có khả năng là thế kia” vân vân và vân vân.

Các luật gia ngồi đây đã sôi nổi trình bày ý kiến của họ, nhưng toàn những nhận xét tủn mủn, không đi vào cốt lõi của vụ án. Tất cả đều cảm thấy dường như còn thiếu một điều gì đó rất cơ bản, chưa ai nói ra được. Vì vậy, sau một lúc bàn luận, tranh cãi, mọi người im lặng quay cả vào nhìn ông già Treves, là người từ nãy chưa phát biểu câu nào. Rõ ràng tất cả đều chờ ý kiến ông.

Ngả người trên lưng ghế xa lông, ông già Treves lau cặp mắt kính, hình như ông đang mải nghĩ chuyện đâu đâu. Thấy mọi người đột nhiên im lặng, ông mới ngẩng đầu lên.


– Xin lỗi – Treves nói – Hình như các vị định hỏi tôi điều gì phải không?

Chàng luật sư Lewis ngập ngừng một chút rồi trả lời là họ đang bàn về vụ án Lamorne.

– Chính tôi cũng đang suy nghĩ về vụ án ấy. – Ông già nói.

Ông Treves lại tiếp tục lau đôi mắt kính. Mọi cặp mắt vẫn chăm chú nhìn ông chờ đợi.

– Nhưng, – Ông già nói tiếp – tôi e nhận định của tôi về vụ án ấy có phần quái gở. Tại tôi già quá rồi chăng?… Vào tuổi tôi, con người ta có quyền được sống bằng những ảo giác.

– Vâng đúng, là như thế! – Chàng luật sư Lewis công nhận.

Giống như mọi người có mặt, anh ta cũng hơi ngạc nhiên nghe câu nói của ông già Treves.

– Vụ án này tôi không nhìn nó nhiều về khía cạnh pháp lý, – Ông già Treves nói tiếp – về mặt đó, quả là vụ án rất lý thú, hết sức lý thú. Và tôi nghĩ, nếu bản phán quyết của Tòa không phải như vừa rồi thì rất có cơ sở để tiến hành phúc thẩm. Tuy nhiên, vấn đề tôi quan tâm không phải ở chỗ ấy. Tôi nhắc lại, tôi nhìn vụ án không theo khía cạnh pháp lý, mà qua những con người liên quan đến vụ án ấy…


Vẻ ngạc nhiên hiện lên trên mọi gương mặt. Những con người? Nghĩa là bị cáo và các nhân chứng… tất cả những người có mặt trong phiên tòa?… Và một câu hỏi nổi lên trong đầu tất cả họ: “Trong ngần ấy lời khai, có chi tiết nào đáng chú ý?” Trong số những người ngồi đây không ai nghĩ đến chuyện bị cáo có tội không? Hay y vô tội, như lời kết luận của hội đồng xét xử?

– Các vị biết không – Ông già Treves trầm ngâm nói – Họ đều là con người và là những con người không ai giống ai, cả thể xác lẫn tinh thần. Có người thông minh, có người không. Họ từ các nơi đến đây: Lancashire, xứ E-cốt, vân vân và vân vân. Viên chủ hiệu ăn là người Italia, cô giáo là người ở chỗ nào đó trong miền Trung Tây. Vụ án liên quan đến tất cả họ, và họ tụ họp tại Tòa án London vào một ngày u ám tháng Mười một. Mỗi người trong số họ góp vào đây một phần, và tất cả tạo thành một vụ án hình sự…

Ông già Treves ngừng nói, những ngón tay gõ nhẹ lên đầu gối.

Ông nói tiếp:

– Tôi thích đọc những cuốn tiểu thuyết hình sự hay. Nhưng nhìn chung tôi thấy các tác giả mở đầu tồi: Chín phần mười trường hợp, cuốn sách bắt đầu bằng một vụ án. Thật ra hành động gây án chỉ là điểm kết thúc. Câu chuyện lẽ ra phải bắt đầu từ trước đó lâu, có khi rất nhiều năm. Bao nhiêu sự việc tủn mủn, tưởng chừng vô nghĩa, nhưng lại dắt dẫn một số con người gặp gỡ nhau tại cùng một địa điểm. Các vị thử nhớ lại lời khai của cô hầu phòng kia! Nếu cô bạn đồng nghiệp không cướp mất người yêu của cô, cô đã chẳng rầu rĩ suốt tám ngày liền, chẳng đến nhà gia đình Lamorne và thành nhân chứng chính của vụ án. Đối với anh chàng Guiseppe Antonelli kia cũng vậy. Anh ta đến làm thay cho người anh một tháng. Người anh anh ta có mắt mà như mù, không hề nhìn thấy những thứ Guiseppe nhìn rõ như ban ngày. Rồi nếu anh chàng nhân viên cảnh sát không tán tỉnh cô nấu ăn ở số nhà 48, anh ta đã chẳng đi tuần khuya đến thế…

Cụ già Treves lắc đầu rồi kết luận:

– Tất cả những chi tiết vụn vặt ấy đã cùng hội tụ vào một điểm… để rồi đến một thời điểm, vụ án nổ bung ra! Đó chính là Giờ G…


Ông già nhắc lại “giờ G” và khẽ rùng mình.

– Ông lạnh à? – Một người nào đó hỏi. – Vậy ông ngồi vào gần lò sưởi ấy.

– Không – Ông già Treves đáp. – Đấy chỉ là tôi rùng mình, như thể có người giẫm chân lên ngôi mộ của tôi vậy. Thôi, bây giờ tôi phải về…

Ông già chào lần lượt từng người rồi đứng lên, bước chân chậm chạp nhưng vững chãi.

Không khí bỗng lặng lẽ hẳn đi, như thể mọi người đang bối rối. Rồi luật sư Rufus lên tiếng:

– Đúng là ông cụ già quá mất rồi.

Thẩm phán Cleaver tiếp lời:

– Đó là một bộ óc siêu phàm, nhưng tuổi tác cuối cùng đã làm ông cụ không còn tỉnh táo nữa.


Luật sư Rufus nói tiếp:

– Tim ông cụ cũng yếu lắm. Cụ “đi” lúc nào chưa biết đấy.

– Đúng thế. – Chàng Lewis công nhận.

Trong lúc đó, ông già Treves đang trên đường về nhà trong chiếc ô tô nhãn Daimler êm ái. Nhà ông nằm trên một đường phố vắng lặng, yên tĩnh. Cậu hầu phòng vồn vã giúp ông chủ cởi áo pan tô, rồi ông già vào phòng sách, nơi một ngọn lửa nóng rực đang cháy trong lò sưởi. Phía bên kia là cửa thông sang phòng ngủ. Do tim không được khỏe, ông già Treves không bao giờ lên thang gác.

Ông già ngồi xuống bên cạnh lò sưởi, tay cầm mấy lá thư gửi đến trong lúc ông đi vắng.

Ông nghĩ lại những lời ông vừa nói ở Câu lạc bộ.

“Chính lúc ấy, – Ông già thầm nghĩ – một sự kiện, một vụ án mạng nào đó đang chín dần. Nếu mình phải viết một cuốn tiểu thuyết đầy máu, mình sẽ bắt đầu như thế này: một ông già ngồi trước lò sưởi, mở tập thư từ, và ông đâu có ngờ rằng ông đang đi dần đến cái giờ G…”

Ông già Treves mở chiếc phong bì đầu tiên, đọc hờ hững, rồi đột nhiên thái độ ông thay đổi hẳn.

– Con khỉ! – Ông già lẩm bẩm – Thật đáng ngán… Sao lại có thể như thế được!… Sau ngần ấy năm trời!… Thế là bao dự định của mình đổ vỡ hết!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.