Giết Con Chim Nhại (To Kill A Mockingbird)

Chương 12


Đọc truyện Giết Con Chim Nhại (To Kill A Mockingbird) – Chương 12

Jem đã mười hai. Thật khó sống chung được với anh ấy, bất nhất, bất thường. Sự thèm ăn của anh thật khủng khiếp, và biết bao lần anh bảo tôi đừng làm phiền anh nữa, tôi hỏi ý kiến bố Atticus, “Không lẽ anh ấy bị sán sơ mít sao?” Bố Atticus nói không, Jem đang lớn. Tôi phải kiên nhẫn với anh và càng ít làm phiền anh càng tốt.

Sự thay đổi này của Jem xảy ra chỉ mới vài tuần. Bà Dubose còn chưa lạnh trong nấm mồ của bà – Jem có vẻ biết ơn khi tôi đã đi cùng anh khi anh đến đọc sách cho bà. Rồi đột nhiên, có vẻ Jem đã có được một hệ thống những giá trị mới mẻ và đang cố áp đặt nó lên tôi: nhiều lần anh thậm chí còn bảo tôi phải làm gì. Sau một trận cãi lộn nọ, Jem hét lên, “Đã đến lúc em làm một đứa con gái và cư xử cho đàng hoàng rồi đó!” Tôi khóc và chạy tới chỗ Calpurnia.

“Cô đừng lo lắng quá nhiều về cậu Jem….” Bà mở lời.

“Cậu Jem?”

“Phải, giờ cậu ấy sắp là cậu Jem rồi.”

“Anh ấy đâu có già đến cỡ đó,” tôi nói. “Anh ấy chỉ cần ai đó đập cho một trận, mà cháu thì chưa đủ lớn.”

“Bé con,” Calpurnia nói, “tôi không thể làm vậy nếu cậu Jem sắp lớn. Bây giờ cậu ấy muốn được yên thân một mình, làm những gì các chàng trai vẫn làm, vì vậy cô chỉ có cách xuống bếp khi cảm thấy cô đơn. Mình sẽ tìm ra nhiều việc để làm ở đây.”

Bước khởi đầu của mùa hè đó là điềm tốt lành: Jem có thể làm như anh thích; Calpurnia cũng làm gì tùy ý cho đến khi Dill về đây. Bà có vẻ vui khi thấy tôi xuất hiện trong nhà bếp và qua việc quan sát bà tôi bắt đầu nghĩ có một số kỹ năng liên quan đến việc làm thân con gái.

Nhưng mùa hè tới và Dill không đến. Tôi nhận một lá thư và một bức ảnh Dill gửi. Lá thư nói nó có ba mới mà nó gửi hình kèm theo, và chắc nó phải ở lại Meridian vì họ lên kế hoạch đóng một cái thuyền đánh cá. Ba mới của nó là luật sư giống như bố Atticus, chỉ có điều trẻ hơn nhiều. Ba mới của Dill có khuôn mặt dễ chịu, tôi thấy mừng vì Dill có được ông ta, nhưng lòng tôi tan nát. Dill kết luận bằng cách nói nó sẽ yêu tôi mãi mãi và đừng lo, nó sẽ đến với tôi và cưới tôi ngay khi nó có đủ tiền, lá thư thật tuyệt.

Sự kiện tôi có một vị hôn phu lâu dài là sự đền bù nhỏ bé cho sự vắng mặt của nó: tôi chưa bao giờ nghĩ về nó, nhưng mùa hè nghĩa là có Dill bên cạnh hồ cá hút sợi thuốc, mắt Dill sống động với những kế hoạch phức tạp để làm Boo Radley xuất hiện; mùa hè nghĩa là Dill nhanh nhẹn chồm lên hôn tôi khi Jem không để ý, là những khao khát đôi khi chúng tôi cảm thấy đứa kia đang có. Có nó, cuộc sống trôi qua như thường lệ, không có nó, cuộc sống thật không chịu nổi. Tôi thấy khổ sở như thế trong hai ngày.

Như thể điều đó chưa đủ, cơ quan lập pháp tiểu bang lại được triệu tập họp khẩn cấp và bố Atticus xa chúng tôi hai tuần. Thống đốc hăm hở cải thiện hiệu năng của chính quyền tiểu bang; đã có những cuộc đình công ngồi lì ở Birmingham 1; những hàng người chờ phát bánh mì tại các thành phố ngày càng dài hơn, người dân vùng nông thôn càng nghèo đi. Nhưng đấy là những sự kiện xa vời ngoài thế giới của Jem với tôi.

Một sáng chúng tôi ngạc nhiên khi thấy một tranh biếm họa trên tờ Montgomery Advertiser với chú thích, “Finch của Maycomb.” Nó vẽ bố Atticus chân trần mặc quần soóc, bị xích vào bàn giấy: ông đang chăm chú viết lên một tấm bảng đá đen trong khi một số cô gái có vẻ phù phiếm gào lên, “Yoo-hoo!” vào mặt ông.

“Đó là một lời khen ngợi,” Jem giải thích. “Bố dành thời gian của bố để làm những việc mà chúng sẽ không thể hoàn tất nếu không có ai làm.”

“Vậy hả?”

Ngoài những đặc điểm mới phát triển của Jem, anh đã có được cái vẻ thông thái dễ ghét.

“Scout này, nó giống như việc tái tổ chức hệ thống thuế của các hạt và các thứ đại loại như vậy. Đó là loại việc khá vô vị đối với hầu hết mọi người.”

“Sao anh biết?”

“� , đi chơi đi, để anh yên. Anh đang đọc báo.”

Jem muốn thế thì được ngay thôi. Tôi bỏ đi xuống bếp.

Trong khi đang tách vỏ đậu, bất ngờ Calpurnia nói, “Chủ nhật này tôi làm gì với vụ đi nhà thờ của cô cậu đây?”

“Con chắc là khỏi phải làm gì cả. Bố Atticus có để lại cho tụi con tiền quyên góp cho nhà thờ mà.”

Đôi mắt của Calpurnia nheo lại và tôi có thể đọc được những gì dang diễn ra trong đầu bà. “Cal,” tôi nói, “bà biết tụi con sẽ ngoan mà. Mấy năm nay tụi con đâu có gây chuyện gì trong nhà thờ.”

Rõ ràng là Calpurnia đang nhớ lại một Chủ nhật trời mưa khi chúng tôi vừa không có bố vừa không có giáo viên trông coi. Được tháo cũi sổ lồng, cả lớp đã buộc Eunice Ann Simpson vào một cái ghế và đặt nó trong phòng lò sưởi. Bọn tôi quên mất nó, lần lượt kéo nhau lên lầu đến nhà nguyện, và khi chúng tôi đang im lặng lắng nghe bài giảng thì những tiếng va đập khủng khiếp phát ra từ ống dẫn lò sưởi, liên tục không ngừng cho đến khi ai đó đi tìm hiểu và đưa được Eunie Ann ra và nói rằng con bé không muốn đóng vai Shadrach 2 nữa – Jem Finch nói con bé sẽ không bị thiêu cháy nếu nó có đủ đức tin, nhưng dưới đó quá nóng.

“Với lại, Cal, đây đâu phải lần đầu bố Atticus để bọn con ở nhà một mình đâu,” tôi phản đối.

“Phải, nhưng ông ấy yên chí là giáo viên của cô sẽ có mặt ở đó. Lần này tôi không nghe ông nói thế – chắc là ông quên.” Calpurnia gãi đầu. Bất chợt bà mỉm cười. “Cô với cậu Jem có thích đi nhà thờ với tôi ngày mai không?”

“Thật ư?”

“Chịu không?” Calpurnia cười toét.

Nếu trước đó Calpurnia thường tắm rửa mạnh tay cho tôi, thì cũng chẳng có gì sánh được sự chăm nom của bà về những việc thường lệ của đêm thứ Bảy đó. Bà chà xà bông khắp người tôi hai lần, múc nước sạch trong chậu mỗi lần dội; bà nhấn đầu tôi vào bồn và gội bằng xà bông Octagon và xà bông Tây Ban Nha. Bà đã tin cậy Jem nhiều năm nay, nhưng đêm đó bà xâm phạm sự riêng tư của anh và khiến anh cự lại dữ dội, “Trong nhà này bộ người ta không thể tắm mà cả nhà không nhìn sao?”

Sáng hôm sau bà bắt đầu sớm hơn thường lệ, để “kiểm tra kỹ quần áo của chúng tôi.” Khi Calpurnia sang ngủ qua đêm với chúng tôi, bà ngủ trên giường xếp trong nhà bếp; sáng hôm đó nó đầy quần áo ngày Chủ nhật của bọn tôi. Bà đã hồ chiếc đầm của tôi quá nhiều đến độ nó giương lên như cái lều khi tôi ngồi xuống. Bà bắt tôi mặc một váy lót dài và thắt một dải thắt lưng màu hồng. Bà chà kỹ đôi dày da của tôi với một chiếc bánh nướng nguội đến độ bà soi thấy mặt mình trên đó.

“Cứ như mình sắp đi hội Mardi Gras 3 vậy,” Jem nói. “Tất cả chuyện này để làm chi vậy, Cal?”

“Tôi không muốn người ta nói rằng tôi không chăm sóc bọn trẻ của tôi,” bà lầu bầu. “Cậu Jem, cậu tuyệt đối không được đeo cái nơ đó với bộ đồ đó. Nó màu xanh lá cây mà.”


“Nó có sao đâu?”

“Bộ đồ màu xanh da trời mà. Cậu không biết hả?”

“Ha, ha,” tôi rú lên, “Jem mù màu.”

Mặt anh đỏ lên vì giận, nhưng Calpurnia nói, “Cô cậu thôi đi được rồi đó. Cô cậu sẽ đến First Purchase với nụ cười trên môi.”

Nhà thờ First Purchase của người Da đen nằm ở bên ngoài ranh giới phía Nam thị trấn, đối diện với khu đường mòn của khu xưởng cưa cũ. Nó là một tòa nhà cũ kỹ đã tróc sơn nhiều chỗ, nhà thờ duy nhất ở Maycomb có tháp chuông và chuông, được gọi là First Purchase 4 bởi vì nó được mua bằng những đồng tiền đầu tiên những nô lệ được giải phóng kiếm được. Người Da đen thờ phụng trong đó vào các ngày Chủ nhật và người da trắng đánh bạc trong đó vào những ngày khác trong tuần.

Sân nhà thờ bằng đất sét cứng như gạch nung, như nghĩa trang cạnh nó. Nếu có ai chết vào mùa khô, xác họ sẽ được ướp đá cho đến khi mưa làm mềm đất. Vài ngôi mộ trong nghĩa trang được đánh dấu bằng những bia mộ đổ nát; các ngôi mộ mới hơn được rào quanh bằng những miếng kính màu sặc sỡ và những chai Coca-Cola bể. Những cây cột thu lôi trên một số ngôi mộ cho thấy người chết yên nghỉ không được thoải mái lắm; những mẩu nến thừa đứng ngay đầu các nấm mồ trẻ con. Đó là một nghĩa trang hạnh phúc.

Mùi ngòn ngọt đăng đắng nồng ấm của người Da đen sạch sẽ trùm lấy chúng tôi ngay khi bước vào sân nhà thờ – mùi dầu gội Hearts of Love hòa quyện với mùi tỏi tây, thuốc lá hít, nước hoa Hoyts Cologne, thuốc lá nhai Browns Mule, mùi bạc hà, và phấn rôm tử đinh hương.

Khi thấy Jem và tôi đi cùng Calpurnia, đàn ông bước lùi lại và nhấc mũ ra; phụ nữ đan tay trước bụng, những cử chỉ tỏ vẻ trân trọng thường thấy. Họ tách ra tạo thành một lối đi nhỏ đến cửa nhà thờ cho chúng tôi. Calpurnia đi giữa Jem và tôi, đáp lại những lời chào của các láng giềng ăn mặc sặc sỡ của bà.

“Chị làm gì vậy, Cal?” Một giọng nói từ sau lưng chúng tôi vang lên.

Hai bàn tay Calpurnia lần đến vai chúng tôi và chúng tôi dừng lại, quay lại nhìn: đứng trên lối đi sau lưng chúng tôi là một phụ nữ da đen cao. Chị ta đứng trên một chân, khuỷu tay chống hông, bàn tay ngửa lên chỉ vào chúng tôi. Chị ta có cái đầu tròn nhỏ, với đôi mắt hình quả hạnh đào kỳ lạ, mũi thẳng, miệng cong. Nhìn chị ra phải cao tới gần hai mét.

Tôi cảm thấy bàn tay Calpurnia bấu chặt vai tôi. “Cô muốn gì, Lula?” Bà hỏi bằng giọng điệu tôi chưa từng nghe thấy bao giờ. Bà hỏi nhỏ nhẹ, đầy khinh bỉ.

“Tôi muốn biết tại sao chị đưa mấy nhóc da trắng đến nhà thời của dân da đen.”

“Chúng là khách của tôi,” Calpurnia nói. Tôi lại thấy giọng bà nghe là lạ: bà nói chuyện giống hầu hết bọn họ.

“Phải, tôi cho là bà cũng là khách của nhà Finch suốt cả tuần.”

Tiếng xì xầm lan khắp đám đông. “Đừng lo.” Calpurnia thì thầm với tôi, nhưng những bông hoa trên mũ bà run lên đầy phẫn nộ.

Khi Lula bước sấn về phía chúng tôi, Calpurnia nói, “Đứng lại đó, con mọi đen.”

Lula dừng lại, nhưng chị ta nói, “Chị không việc gì phải đưa bọn nhóc da trắng đến đây…. chúng có nhà thờ của chúng, chúng ta có nhà thờ của chúng ta. Đây là nhà thờ của chúng ta, đúng không, cô Cal?”

Calpurnia nói, “Chúng thờ cùng một Chúa với ta, đúng không?”

Jem nói, “Mình về thôi, Cal, họ không muốn tụi tôi ở đây….”

Tôi đồng ý: họ không muốn chúng tôi ở đây. Tôi có cảm giác, hơn là thấy, rằng chúng tôi đang được đẩy tới. Có vẻ như họ đang tiến lại gần chúng tôi hơn, nhưng khi tôi nhìn Calpurnia thì thấy có một sự thích thứ trong mắt bà. Khi tôi nhìn xuống lối đi lần nữa, Lula đã đi mất. Ngay chỗ chị ra là một đám đông những người da màu.

Một trong số họ bước khỏi đám đông. Đó là Zeebo, người quét rác. “Cậu Jem,” anh ta nói, “chúng tôi rất hân hạnh khi cô cậu đến đây. Đừng quan tâm đến Lula, cô ta ưa gây sự bởi vì Cha Sykes dọa không cho cô ấy vào nhà thờ. Cô ấy là người hay gây rối từ lâu nay, có những ý nghĩ quái gở và cung cách phách lối…. tụi tôi rất hân hạnh khi cô cậu đến đây.”

Thế là Calpurnia dẫn chúng tôi đến cửa nhà thờ nơi Đức cha Sykes đón chào chúng tôi, ông dẫn chúng tôi tới hàng ghế đầu.

Nhà thờ First Purchase không đóng trần và không được sơn bên trong. Dọc bức tường nhà thờ có những cây đèn dầu hỏa chưa thắp sáng treo trên những giá đỡ bằng đồng, những băng ghế gỗ thông được dùng làm ghế nguyện. Phía sau bục giảng bằng gỗ sồi xù xì là một biểu ngữ bằng lụa hồng đã bạc màu có dòng chữ Thiên Chúa Là Tình Thương, nó là món trang trí duy nhất của nhà thờ nếu không kể bản in kẽm trong bức tranh The Light of the World 5 của Hunt. Không có bóng dáng của đàn dương cầm, phong cầm, những tập thánh ca, những chương trình hành lễ – những thứ quen thuộc của nhà thờ mà chúng tôi thường thấy mỗi Chủ nhật. Bên trong tối mờ, với cái lạnh ẩm ướt dần dần bị xua tan khi giáo dân tập trung vào. Ở mỗi chố ngồi có một cái quạt bằng bìa giấy cứng rẻ tiền in hình Khu vườn Gethsemane 6 lòe loẹt, quà tặng của công ty Tydals Hardware Co. (Với khẩu hiệu Bạn-cần-gì-chúng-tôi-bán-nấy).

Calpurnia đẩy chúng tôi xuống cuối hàng ghế và ngồi giữa chúng tôi. Bà lục tìm trong ví, lôi ra chiếc khăn tay, mở lấy một mớ tiền lẻ cột ở góc khăn. Bà đưa một đồng mười xu cho tôi và một đồng mười xu cho Jem. “Tụi con có tiền rồi,” anh thì thầm với tôi. “Bà cứ giữ lấy.”Calpurnia nói, “Cô cậu là khách của tôi.” Tôi thoáng thấy nét do dự về đạo đức trên mặt Jem xem có nên giữ lại đồng mười xu của mình nhưng thói lịch sự bẩm sinh của anh đã thắng và anh nhét đồng mười xu vào túi. Tôi làm theo không chút băn khoăn.

“Cal,” tôi thì thầm, “sách thánh ca đâu?”

“Tụi tôi không có cuốn nào hết,” bà nói.

“Sao lại…”

“Suỵt,” bà nói. Cha Sykes đang đứng sau bục giảng nhìn giáo đoàn ra hiệu im lặng. Ông là người thấp, chắc nịch trong bộ đồ đen, nơ đen, và sơ mi trắng, và một dãy đồng hồ vàng lấp lánh trong ánh sáng từ những cửa sổ đầy tuyết.

Ông nói, “Hỡi anh chị em, chúng ta đặc biệt vui vì có những người bạn đến với chúng ta sáng nay. Cậu và cô Finch. Tất cả các bạn đều biết cha họ. Trước khi bắt đầu tôi sẽ đọc mấy thông báo.”

Cha Sykes lật giở mấy tờ giấy, chọn một tờ và giơ thẳng ra trước mặt. “Hội truyền giáo họp ở nhà chị Annette Reeves thứ Ba tuần sau. Đem theo đồ may vá của các bạn.”


Ông đọc một tờ giấy khác. “Tất cả các bạn đều biết vụ rắc rối của người anh em Tom Robinson. Anh ấy là thành viên trung tín của First Purchase từ hồi còn là cậu bé. Tiền quyên góp được hôm nay và trong ba Chủ nhật tôi sẽ gửi đến cho Helen – vợ của Tom, để giúp chị ấy lúc túng quẫn ở nhà.”

Tôi thúc Jem, “Đó là cái ông Tom mà bố Atticus sắp….”

“Suỵt!”

Tôi quay sang Calpurnia nhưng đã bị chặn lại trước khi kịp nói ra. Tôi nén lại, dán sự chú ý vào Cha Sykes, người có vẻ như chờ tôi bình tĩnh trở lại. “Sẽ có người phụ trách âm nhạc hướng dẫn chúng ta trong bài thánh ca đầu tiên,” ông nói.

Zeebo nhỏm dậy khỏi ghế và bước tới lối đi ở giữa, dừng lại trước mặt chúng tôi và đối diện với giáo đoàn. Anh cầm một cuốn thánh ca đã sờn cũ. Anh mở nó ra và nói, “Tất cả chúng ta sẽ hát bài số hai trang bảy mươi ba.”

Đến vụ này thì tôi hết chịu nổi. “Làm sao mà hát được khi không có cuốn thánh ca nào cả?”

Calpurnia mỉm cười, “Suỵt, cô bé,” bà thì thầm, “cô sẽ thấy ngay thôi.”

Zeebo hắng giọng và đọc nghe như tiếng rền của đạn pháo từ xa;

“Có một vùng đất bên kia con sông.”

Kỳ diệu thay, cùng với độ cao, cả trăm giọng cùng hát to những lời của Zeebo. Âm tiết cuối cùng, tan thành tiếng ngân nga khàn khàn, kế theo đó là tiếng của Zeebo.

“Mà chúng ta gọi là miền đất dấu yêu mãi mãi.”

Âm nhạc lại dâng lên quanh chúng tôi ; nốt cuối cùng ngân dài và Zeebo nối sang câu hát kế tiếp, “Và chúng ta chỉ tới được bờ đó bằng sức mạnh đức tin.”

Giáo đoàn ngập ngừng, Zeebo lập lại câu đó một cách cẩn thận, và mọi người hát theo. Tới đoạn đồng ca, Zeebo gấp sách lại, một dấu hiệu cho giáo đoàn hát tiếp mà không cần anh lĩnh xướng.

Khi từ “Lễ mừng,” tắt dần Zeebo nói, “trong miền đất xa xôi dấu yêu mãi mãi đó, ngay bên kia dòng sông sáng rực.”

Từng câu một, mọi người hát theo với sự hòa âm đơn sơ cho đến khi kết thúc bài thánh ca bằng tiếng thì thầm buồn bã.

Tôi nhìn Jem, anh đang liếc nhìn Zeebo. Tôi cũng chẳng tin, nhưng cả hai chúng tôi đều nghe thấy nó.

Sau đó Cha Sykes cầu Chúa ban phúc cho những kẻ bệnh tật và đau khổ, một thủ tục không khác thủ tục của nhà thờ chúng tôi, trừ việc Cha Sykes xin Thượng đế chú ý đến vài trường hợp cụ thể.

Bài giảng của ông là sự tố cáo tội lỗi một cách thẳng thắn, một tuyên ngôn đơn giản về phương châm trên tường sau lưng ông: ông cảnh báo con chiên của ông trước những tai ương của rượu chè, cờ bạc, phụ nữ lạ. Bọn buôn bán rượu lậu đã gây đủ rắc rối trong khu này rồi, nhưng phụ nữ còn tồi tệ hơn. Một lần nữa, như tôi thường thấy trong nhà thờ của chúng tôi, tôi gặp phải học thuyết về sự ô uế của phụ nữ vốn có vẻ như ám ảnh mọi tu sĩ.

Jem và tôi nghe bài giảng giống vậy hết Chủ nhật này đến Chủ nhật khác, với duy nhất một ngoại lệ. Cha Sykes sử dụng bục giảng của ông một cách thoải mái hơn để biểu lộ các quan điểm của mình về những sa ngã cá nhân: Jim Hardy đã vắng mặt ở nhà thờ năm Chủ nhật và anh ta không hề bệnh; Constance Jackson nên cẩn thận hơn trong cách cư xử của mình … cô ta đang gặp nguy hiểm vì cãi nhau với những láng giềng; cô ta đã dựng lên hàng rào thù hận duy nhất trong lịch sử của khu dân cư này.

Mục sư Sykes kết thúc bài giảng của mình. Ông đứng cạnh cái bàn trước bục giảng và kêu gọi quyên góp buổi sáng, một nghi thức kỳ lạ với Jem và tôi. Từng người một, giáo đoàn tiến về phía trước bỏ những đồng năm xu và mười xu vào bình cà phê phủ mem đen. Jem và tôi cũng bắt chước, và nhận được lời nói dịu dàng, “Cám ơn, cám ơn,” khi những đồng mươi xu của chúng tôi bỏ xuống kêu leng keng.

Trước sự ngạc nhiên của bọn tôi, mục sư Sykes đổ chiếc bình ra bàn và hốt những đồng xu trong tay. Ông đứng thẳng người và nói, “Bấy nhiêu chưa đủ, chúng ta phải có mười đô.”

Giáo đoàn xôn xao. “Tất cả các bạn đều biết nó để làm gì….Helen không thể bỏ bọn trẻ để đi làm trong khi Tom ở tù. Nếu mọi người đều cho thêm một đồng mười xu nữa, chúng ta sẽ có đủ….” Mục sư Sykes vẫy tay gọi ai đó ở phía sau nhà thờ. “Alec, đóng các cửa lại. Không ai rời khỏi đây cho đến khi chúng ta có đủ mười đô.”

Calpurnia móc trong túi ra chiếc ví da mòn cũ đựng tiền xu. “Không, Cal,” Jem thì thầm, khi bà trao cho anh đồng hai mươi lăm xu sáng loáng, “tụi con có thể góp tiền của tụi con vào. Đưa anh đồng mười xu của em, Scout.”

Nhà thờ trở nên ngột ngạt, và tôi nhận ra rằng mục sư Sykes có ý định để cho các con chiên của ông đổ mồ hôi hột đúng mức. Quạt kêu xoanh xoạch, những bàn chân bồn chồn, những người nhai thuốc lá bực bội.

Mục sư Sykes làm tôi giật mình bằng câu nói nghiêm khắc, “Carlow Richardson, ta chưa thấy con đi trên lối đi này.”

Một người đàn ông gày gò trong chiếc quần ka ki bước trên lối đi và đóng góp một đồng xu. Giáo đoàn lầm rầm tán đồng.

Sau đó mục sư Sykes nói, “Ta muốn tất cả các con, trừ trẻ em, hy sinh một chút và mỗi người cho mười xu nữa. Vậy là chúng ta sẽ có đủ.”

Từ từ, một cách đau khổ, mười đô được gom đủ. Cửa mở ra, và một luồng khí ấm làm chúng tôi tỉnh lại. Zeebo đọc từng câu trong bài thánh ca On Jordans Stormy Banks, và buổi lễ kết thúc.

Tôi muốn ở lại để tìm hiểu thêm, nhưng Calpurnia đã đẩy tôi theo lối đi trước bà. Tại cửa nhà thờ, trong khi bà dừng lại để nói chuyện với Zeebo và gia đình anh, Jem và tôi nói chuyện với mục sư Sykes. Trong tôi dấy lên cả đống thắc mắc, nhưng tôi quyết định để chúng cho Calpurnia trả lời.


“Chúng tôi đặc biệt vui khi cô cậu đến đây,” mục sư Sykes nói. “Nhà thờ này không có người bạn nào tốt hơn cha cô cậu.”

Cơn tò mò của tôi bộc lộ, “Tại sao mọi người đều tham gia quyên góp cho vợ của Tom Robinson?”

“Cô không biết lý do à?” Mục sư Sykes hỏi. “Helen có ba đứa con nhỏ dại và cô ấy không thể bỏ nhà đi làm được….”

“Sao cô ấy không mang chúng theo, mục sư?” Tôi hỏi. Những người Da đen có con nhỏ mà phải làm việc ngoài đồng thường đặt chúng dưới bất cứ bóng mát nào ở đó trong khi họ làm việc – thường thì những đứa bé ngồi trong bóng mát giữa hai hàng cây vải bông. Những đứa chưa tự ngồi vững thì được buộc vào những túi địu trên lưng mẹ chúng, hoặc ở trong những túi vải họ mang theo.

Mục sư Sykes ngập ngừng. “Nói thật với cô, cô Jean Louise. Hồi này Helen khó mà tìm được việc làm…. khi đến mùa gặt hái, ta nghĩ ông Link Deas sẽ nhận cô ấy.”

“Sao không, mục sư?”

Trước khi ông kịp trả lời, tôi cảm thấy bàn tay Calpurnia đặt lên vai tôi. Trước sức ép của nó, tôi nói, “Chúng cháu cảm ơn ông vì đã cho chúng cháu đến.” Jem lặp lại lời tôi, và chúng tôi lên đường về nhà.

“Cal, con biết Tom Robinson đang ở tù và anh ta đã làm điều gì đó khủng khiếp, nhưng tại sao người ta không thuê Helen vậy?” Tôi hỏi.

Calpurnia, trong bộ áo váy voan xanh nước biển và chiếc mũ hải quân, đi giữa Jem và tôi nói. “Đó là do những gì người ta cho là Tom đã làm,” bà nói. “Người ta đâu có muốn ……dính líu đến một ai trong gia đình anh ta.”

“Thế anh ta đã làm gì vậy, Cal?”

Calpurnia thở dài. “Lão già Bob Ewell đã buộc anh ta tội cưỡng hiếp con gái lão ta và khiến anh ta bị bỏ tù….”

“Ông Ewell?” Ký ức tôi khuấy động. “Anh ta có quan hệ gì với mấy thằng Ewell chỉ đến trường ngày đầu năm học rồi nghỉ luôn không? Bố Atticus nói họ là thứ hoàn toàn không ra gì…. Con chưa từng nghe bố Atticus nói về người khác theo kiểu ông nói về người nhà Ewell. Ông nói….”

“Phải, chính cái nhà đó đó.”

“Nếu ai ở Maycomb cũng biết người nhà Ewell là thế nào, thì họ phải vui vẻ thuê Helen chứ….. mà cưỡng hiếp là gì vậy, Cal?”

“Đó là điều mà cô nên hỏi ông Finch,” bà nói, “ông có thể giải thích nó rõ hơn tôi. Cô cậu đói chưa? Ông mục sư mất nhiều thời gian giải quyết công việc sáng nay quá, thường thì ông không chán ngắt như thế.”

“Ông ấy cũng giống như Cha giảng đạo của tụi con,” Jem nói, “nhưng sao mọi người ở đây hát thánh ca theo kiểu đó?”

“Hát theo hả?” Bà hỏi.

“Nó gọi là vậy phải không?”

“Phải, nó được gọi là hát theo. Người ta làm thế từ lâu lắm rồi.”

Jem nói họ có thể để dành tiền quyên góp trong một năm để mua sách thánh ca.

Calpurnia bật cười. “Chẳng ăn thua gì,” bà nói. “Họ đâu có biết đọc.”

“Không biết đọc?” Tôi hỏi. “Tất cả à?”

“Đúng vậy,” Calpurnia gật đầu. “Không biết đọc, cả giáo xứ First Purchase này đều không biết đọc trừ khoảng bốn người…. trong đó có tôi.”

“Bà học trường nào vậy, Cal?” Jem hỏi.

“Chẳng ở trường nào cả. Cô cậu muốn biết ai dạy chữ cho tôi hả? Đó là gì của cô Maudie Atkinson, cô Buford già….”

“Bà già tới vậy sao?”

“Tôi già hơn cả ông Finch nữa đó.” Calpurnia mỉm cười. “Nhưng chắc không lớn hơn bao nhiêu. Có lần chúng tôi bắt đầu nhớ lại, ráng tính xem tôi bao nhiêu tuổi… Tôi có thể nhớ xa hơn ông ấy vài năm, tức là tôi không lớn hơn ông ấy nhiều lắm, khi đó mình rút ra kết luận rằng đàn ông không nhớ dai bằng đàn bà.”

“Sinh nhật của bà là ngày nào, Calpurnia?”

“Tôi cứ cho nó trùng với Giáng sinh, như thế dễ nhớ hơn – tôi không có ngày sinh nhật thật.”

“Nhưng bà Cal này,” Jem phản đối, “trông bà thậm chí còn chưa già bằng bố Atticus.”

“Người da màu không lộ vẻ già nua nhanh lắm,” bà nói.

“Chắc tại họ không biết đọc. Cal, bộ bà dạy Zeebo đọc hả?”

“Phải, cậu Jem. Hồi nó còn nhỏ, thậm chí ở đây một ngôi trường cũng chưa có nữa. Dù vậy tôi vẫn bắt nó học.”

Zeebo là con trai lớn của Calpurnia. Nếu tôi từng nghĩ về điều này, hẳn tôi đã nhận ra từ trước kia rằng Zeebo đã tới tuổi trưởng thành rồi – Zeebo đã có con hơi lớn rồi – nhưng hồi đó tôi không nghĩ ra được như vậy.

“Bà dạy anh ấy theo một cuốn sách vỡ lòng, như tụi con vậy hả?” Tôi hỏi.

“Không, tôi bắt nó học mỗi ngày một trang Kinh Thánh, còn cô Buford thì dạy tôi theo một cuốn sách khác – tôi chắc là cô cậu không biết ở đâu mà tôi có được nó,” bà nói.


Chúng tôi không biết.

Calpurnia nói, “Cụ nội Finch của cô cậu cho tôi đó.”

“Bà từng ở Landing hả?” Jem hỏi. “Bà chưa hề kể cho tụi con nghe chuyện đó.”

“Phải rồi, cậu Jem. Tôi lớn lên ở đó giữa điền trang nhà Buford với Landing. Suốt ngày tôi phải làm việc hoặc cho Buford hoặc cho Landing, và tôi chuyển đến Maycomb khi bố và mẹ cô cậu cưới nhau.”

“Cuốn sách đó là cuốn gì vậy?” Tôi hỏi Cal.

“Commetaries của BlackStone 7.”

Jem kinh ngạc. “Ý bà là bà đã dạy Zeebo theo cuốn đó hả?”

“Phải, thưa cậu Jem.”Calpurnia rụt rè đưa những ngón tay lên che miệng. “Tôi chỉ có mấy cuốn đó. Ông nội cậu nói Blackstone viết tiếng Anh rất chuẩn….”

“Đó là lý do tại sao bà không ăn nói giống như những người còn lại đó,” Jem nói.

“Những người còn lại nào?”

“Những người da màu khác. Cal, nhưng bà ăn nói giống như người ta ăn nói trong nhà thờ…”

Tôi chưa từng nghĩ Cal có một cuộc sống kép giản dị. Ý nghĩ bà có một cuộc sống riêng lẻ ngoài gia đình tôi là một ý tưởng mới lạ, chưa nói đến chuyện bà thông thạo hai loại ngôn ngữ.

“Cal,” tôi hỏi, “sao bà dùng lối-nói-mọi-đen với… với người của bà trong khi bà biết nói thế không đúng?”

“Ờ thì, thứ nhất tôi là người da đen…”

“Điều đó không có nghĩa là bà phải nói theo cách đó khi bà hiểu biết nhiều hơn,” Jem nói.

Calpurnia nghiêng mũ và gãi đầu, rồi cẩn thận kéo mũ trùm xuống tai. “Quả là khó noi,” bà nói. “Giả sử như cậu và Scout dùng lối nói của người da màu ở nhà thì quả là không phù hợp, phải không? Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu như tôi dùng lối nói của người da trắng tại nhà thờ này, với người hàng xóm của tôi? Họ sẽ nghĩ tôi làm ra vẻ ta đây hơn người.”

“Nhưng Cal, bà biết nhiều hơn cơ mà,” tôi nói.

“Không cần thiết phải nói mọi điều mình biết. Như thế không đúng kiểu quý cô – thứ hai, người ta không thích xung quanh ai đó biết nhiều hơn họ. Nó làm cho họ bực thêm. Cô sẽ không thay đổi được bất kỳ ai trong số họ bằng việc nói đúng, tự họ phải cảm thấy muốn học hỏi, và khi họ không muốn học thì cô chẳng thể làm gì ngoài việc im miệng hoặc nói bằng thứ ngôn ngữ của họ.”

“Cal, thỉnh thoảng con có thể đến gặp bà không?” Tôi hỏi.

Calpurnia nhìn xuống tôi, “Gặp tôi, bé cưng? Cô gặp tôi mỗi ngày mà.”

“Tới nhà bà đó,” tôi nói. “Đôi khi sau giờ làm việc được không? Bố Atticus có thể dẫn con tới.”

“Bất cứ lúc nào cô muốn,” bà nói. “Chúng tôi rất vui được đón cô.”

Chúng tôi đang đi trên lề đường ngang nhà Radley.

“Nhìn hàng hiên đằng kia kìa,” Jem nói.

Tôi nhìn sang nhà Radley, mong được thấy con người bí ẩn đó đang sưởi nắng trên xích đu. Chiếc xích đu trống trơn.

“Ý tao nói hiên nhà mình kìa,” Jem nói.

Tôi nhìn xuôi theo con đường. Thích chí, thẳng tưng, kiên quyết không rời, bà Alexandra đang ngồi trên chiếc ghế bập bênh chính xác như thể bác đã ngồi đó từng ngày một suốt cả đời bác.

— —— —— —— ——-

1 Biểu tình ngồi lì: một vũ khí hữu hiệu của giới công nhaanh ở thời Đại khủng hoảng kinh tế, họ ngồi tại xưởng, họ không làm việc và không cho ai khác làm việc, cho đến khi giới chủ chịu đàm phán với họ.

2 Một trong ba người bị vua Nebuchadnezzar ném vào lò lửa, theo sách Daniel trong Cựu ước. Nhờ đức tin vào Thiên chúa, cả ba thoát nạn không chút hề hấn.

3 Mardi Gras (gốc tiếng Pháp, nghĩa đen là thứ Ba béo): đợt lễ hội, vui chơi và diễu hành khi bước vào tuần chay mùa Phục sinh của người Công giáo, bắt đầu bằng thứ Tư lễ Tro.

4 Nghĩa là món mua sắm đầu tiên.

5 Nghĩa là: Ánh sáng của thế gian

6 Kinh thánh tiếng Việt phiên âm thành Ghếtsêmani: nơi Jesus tới cầu nguyện vào đêm trước khi bị đóng đinh trên thập giá.

7 Một trong những tác phẩm quan trọng nhất về luật pháp của Anh.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.