Đọc truyện Giếng Thở Than – Chương 21: Hai bác sĩ
Kinh nghiệm cho tôi thấy, tìm được những mẫu giấy kẹp trong các quyển sách là chuyện bình thường. Cái đáng lạ là ở chỗ, chúng đều rất thú vị. Vẫn xảy ra như vậy đấy, thành ra không mấy khi người ta vứt đi mà không nhìn xem nó là cái gì. Trước chiến tranh, thỉnh thoảng tôi mua những quyển sổ cái giấy tốt và vẫn còn nhiều tờ giấy trắng, để trích ra làm nháp ghi chép. Năm 1911 tôi mua được một quyển như vậy với món tiền mọn. Chúng đóng rất chặt, bìa được bọc lại bởi bao năm phải ôm thêm bao tờ giấy ngoài. Ba phần tư các trang giấy ngoài này chẳng còn quan trọng gì đến đời sống con người. Riêng một mớ thì không. Nó thuộc về một luật sư, đó là điều chắc chắn vì được đề bên ngoài: Trường hợp kỳ lạ nhất mà tôi được biết, có các chữ đầu tên họ, và một địa chỉ ở Grays Inn. Đây chỉ là tư liệu cho một vụ kiện, mang lời của nhiều người làm chứng, có điều bị cáo hay tù nhân không thấy đâu. Hồ sơ không đầy đủ, nhưng chỉ vậy thôi cũng lộ ra một bí ẩn có bàn tay siêu nhiên nhúng vào. Bạn xem thử xem có đúng không?
Sau đây là câu chuyện tôi lấy từ đó ra.
Bối cảnh câu chuyện là ở Islingtonnm 1718, thời gian là tháng Sáu, tại vùng quê một buổi chiều chờ gia nhân đem ngựa tới để đi thăm bệnh. Người đầy tớ tin cẩn của ông ta là Luke Jennett, ở với ông ta đã hai mươi năm, tới gặp ông. Lời anh ta như sau:
“Tôi nói tôi cần nói chuyện với ông độ mười lăm phút. Ông bảo tôi vào phòng làm việc, một gian phòng trông ra lối đi trong vườn, nơi ông đang đi dạo. Ông vào đó, ngồi xuống. Tôi bảo tôi phải tìm chỗ làm khác, dù không thích thế. Ông hỏi lý do, bởi tôi làm với ông đã từ lâu thế kia mà. Tôi nói hy vọng ông làm ơn bỏ qua cho thì tôi rất cám ơn, bởi vì (hồi đó thể thức phải nói như vậy) tôi là người muốn sự vật chung quanh phải vui tươi. Tôi còn nhớ ông nói ông cũng vậy, nhưng ông mong tôi cho biết tại sao tôi thay đổi ý định sau nhiều năm như thế, ông còn nói “Anh cũng nên biết nếu anh bỏ công việc ở đây ngay bây giờ thì trong di chúc của tôi sau này không còn phần của anh nữa.” Tôi nói tôi biết việc đó.
“Vậy là anh có điều phàn nàn chứ gì, việc gì tôi có thể giải quyết được thì tôi sẽ làm. ” Tôi bèn nói ra, nghĩ việc gì phải để bụng chứ. “Thưa đó là vấn đề về bản khai có tuyên thệ trước toà (của tôi) trước đây và đồ vải của cái giường trong phòng khám bệnh và phát thuốc, trong một ngôi nhà có những việc ấy xảy ra thì tôi không ở được.” Đến đây ông ta nhìn tôi, một cái nhìn hắc ám, không nói gì thêm, gọi tôi là điên, và nói sẽ trả tiền công cho tôi sáng mai. Ngựa đến, ông ra đi. Đêm đó tôi tới ở nhà ông anh rể ở gần Bhattle Bridge, sáng hôm sau tôi đến ông chủ cũ, ông ta làm rất to chuyện việc tôi không làm ở nhà ông ta nữa, và trừ đi một đồng cuaron trong tháng lương còn nợ tôi.”
“Sau đó tôi làm việc lẩn quẩn đây đó một thời gian, không gặp lại ông ta nữa, rồi tôi đến làm cho bác sĩ Quinn ở Dodds Hall thuộc Islington.”
Lời khai trên có chỗ không rõ – chẳng hiểu bản khai có tuyên thệ trước toà là cái gì, cũng chẳng hiểu vấn đề đồ vải của cái giường là sao? Sợ rằng tờ này bị lấy đi rồi vì nghe nó quá kỳ cục. Bản chất câu chuyện để về cuối ta sẽ đoán ra nhưng trong tay ta thì thực chẳng có manh mối gì hết.
Mục sư ở Islington, Jonathan Pratt, là người làm chứng tiếp theo. Ông đưa ra vị thế, tiếng tăm của bác sĩ Abell và bác sĩ Quinn, cả hai cùng sống và làm việc trong giáo khu của ông. Ông nói “Dĩ nhiên không thể đòi hỏi các bác sĩ đi dự đầy đủ lễ sáng và đọc kinh chiều hoặc nghe giảng đạo chiều thứ Tư, nhưng trong chừng mực có thể thì hai vị này làm đầy đủ bổn phận của con chiên Anh giáo. Đồng thời (nếu các vị muốn hỏi riêng ý kiến tôi) thì dùng từ ngữ học đường là distinguo – khác biệt hẳn nhau. Bác sĩ Abell đối với tôi là một nguồn bối rối nhưng bác sĩ Quinn dưới mắt tôi là người có lòng tin đơn giản, chân thành, không tìm hiểu quá sâu về đức tin, chỉ thực thi nghề nghiệlp của mình sao cho phù hợp với hiểu biết. Còn ông kia thì thường hay quan tâm đến những câu hỏi mà Thượng Đế, theo tôi hiểu, cũng không cho ta câu trả lời. Thí dụ, ông hỏi tôi nghĩ gì về vị trí của các sinh vật ấy, những sinh vật nằm trong kế hoạch được tạo ra, nhưng không hình thành được vì các thiên thần phản loạn đã rơi xuống, hoặc giả không vượt qua được ranh giới của chúng mà đạt tới đỉnh điểm.”
“Câu trả lời đầu tiên của tôi là một câu hỏi đã. Ông ta có gì bảo đảm mà cho rằng có những sinh vật đó tồn tại? Bởi tôi nghĩ ông ta đã biết trong Kinh Thánh làm gì có chuyện ấy? Có vẻ như là – tôi mà nói về đề tài này thì phải kể toàn bộ câu chuyện ra kia – ông ta dựa vào những đoạn như là đoạn về Thần Dê mà Jerome kể cho chúng ta nghe khi nói chuyện với Antony, ông ta cũng nghĩ là có vài chỗ trong Kinh Thánh có thể được trích dẫn để ủng hộ ý kiến của ông ta. “Và hơn nữa” ông ta nói “Ông biết đấy, mọi người đều tin rằng có những sinh vật sống cả ngày lẫn đêm ở ngoài kia và nếu ông cũng có xu hướng như tôi, muốn đi trên những con đường nhỏ ở miền quê vào ban đêm ông sẽ không ngạc nhiên nếu như tôi có thể nhìn thấy ông ngoài đó chỉ bởi ám thị của tôi.” “Vậy là ông có đầu óc của Milton rồi” tôi nói “Milton cho rằng hàng triệu sinh linh đang vật vờ trên Trái Đất, không ai nhìn thấy cả, kể cả khi ta thức hay ngủ.”
“Tôi cũng không biết nữa” ông ta nói “Nhưng tại sao Milton lại nói là “Không ai nhìn thấy cả” hẳn ông ta mù nên viết câu ấy. Còn ngoài ra, những gì ông ta viết đều đúng. Phải, tôi bảo “Dẫu không thường xuyên như ông, nhưng cũng không hiếm khi tôi phải ra ngoài muốn, vậy thì suốt bao nhiêu năm sống ở đây tôi chưa bao giờ gặp một thần dê nào trên các con đường nhỏ của Islington, và nếu ông là người gặp may, hẳn Hội Hoàng gia sẽ sung sướng được biết điều này.”
“Sở dĩ tôi nhớ mấy câu vặt vãnh trên đây vì bác sĩ Abell có vẻ rất khó chịu vì chúng, ông ta chạy bổ ra khỏi phòng nói cái gì không rõ, tựa như là các mục sư tự cao và khô khan này không có mắt nhìn đi đâu khác ngoài quyển kinh và ly rượu ra.”
“Nhưng đó không phải là lần duy nhất cuộc chuyện trò của chúng tôi xoay ra chiều hướng đó. Một buổi tối, ông ta tới, lúc đầu có vẻ vui tươi hào hứng, nhưng sau đó ngồi hút thuốc bên lò sưởi đăm chiêu mơ màng, nhằm làm ông ta vui lên tôi hỏi đùa lâu nay ông còn gặp các người bạn kỳ quặc nữa không. Câu hỏi quả làm ông tỉnh hẳn, trông ông hoang mang như sợ tôi “Ông đã ở đó đấy chứ? Tôi không trông thấy ông? Ai đưa ông đến?” Sau đó với một giọng nói trấn tĩnh hơn, “Ông nói chuyện gặp gỡ nào vậy? Tôi đang ngà ngà ngủ.
Tôi trả lời rằng chỉ muốn nói đến các vị thần đồng áng, và quái vật đầu người mình ngựa trên con đường tối tăm ấy chứ không nghĩ đến người Sabbath của các phù thủy đâu, nhưng xem chừng ông ta vẫn nghĩ khác.
“Tôi có thể cãi rằng cả hai ý đều không có tội, nhưng tôi thấy ông đa nghi hơn là cái áo ông mặc đấy. Nếu như ông muốn biết về con đường tối thì cứ hỏi bà trông coi việc nhà của tôi, bà sống ở cuối con đường đó từ khi còn là một đứa trẻ.” “Vâng” tôi nói “và hỏi cả những bà già trong nhà tế bần và bọn trẻ con nơi cống rãnh nữa. Tôi mà là ông ấy à, thế nào tôi cũng nhờ ông Quinn anh em của ông cho ông một viên thuốc thật to cho sáng sủa đầu óc ra. “Quinn chết tiệt” ông ta nói “Hắn đã rủ rê mất bốn bệnh nhân tốt nhất của tôi tháng này, cái thằng người ở đáng nguyền rủa làm việc cho ông ấy nữa, thằng Jennett trước ở với tôi ấy, hắn không bao giờ chịu im cái lưỡi đáng bị đóng gông cho cùm vào một chỗ.” Lần ấy là lần duy nhất ông ta để lộ cho tôi biết ông ta có hiềm khích với bác sĩ Quinn và Jennett, và vì đó vốn là công việc của tôi cho nên tôi tìm hết cách để bảo rằng ông ta đã nhầm về hai người này. Nhưng quả thật không sao chối cãi được là có một số gia đình đáng kính trong giáo khu lạnh nhạt, xa lánh ông ta mà không nói rõ lý do. Kết cục, ông ta nói, ông ta làm ăn ở Islingtonnày không kém cỏi gì và thừa sức sống thoải mái ở bất cứ đâu nhưng dù sao cũng không hận gì ông Quinn. Tôi nhớ ra lúc đó có đưa ra một số nhận xét khiến ông ta bị lôi kéo vào một luồng tư tưởng mà sau đó ông ta theo đuổi đến cùng. Tôi tin là mình đã nói đến mấy mánh khóe lừa bịp mà em tôi ở miền Đông Ấn đã chứng kiến ở bàn ăn của Vương công Ấn độ tại Mysore. Bác si Abell đã bảo tôi “Một cách khá thuận tiện, nếu thu xếp làm sao đó để người ta có sức mạnh truyền chuyển động và năng lượng tới những vật vô tri vô giác?” Cứ như là cai rìu tự nó nâng lên ấy ư, đại loại như vậy?” Phải, thực ra tôi cũng không nghĩ đến một điều như thế lắm đâu, nhưng đại để ông có thể gọi một quyển sách từ trên giá xuống hoặc ra lệnh cho nó mở đúng trang ông muốn đọc.”
“Ông ta ngồi bên lò sưởi – tối đó trời lạnh – và duỗi tay ra thế là cái que sởi lửa bằng sắt rơi về phía ông ta với một tiếng loảng xoảng lớn, ông ta nói gì tôi không nghe rõ. Nhưng tôi bảo là rất khó nhồi nhét vào trong đầu khái niệm “thu xếp” ấy – theo kiểu ông ta nói – một kiểu thu xếp phải trả giá nặng nề hơn bất cứ sự trả giá nào mà người Cơ đốc giáo phải chịu, ông ta cũng đồng ý thế, nhưng ông ta bảo “Tôi tin chắc sự mặc cả sẽ hấp dẫn lắm và có tính thuyết phục lắm. Ông vẫn không ủng hộ chứ gì, phải không?”
“Đó là những gì tôi biết về đầu óc bác sĩ Abell và tình cảm giữa hai vị bác sĩ này. Bác sĩ Quinn, như tôi đã nói, là một nhân vật đơn giản, lương thiện, người mà tôi hẳn đã hỏi ý kiến khi có những vấn đề về công việc – thực tế tôi đã từng đến gặp ông ta. Tuy nhiên gần đây, trước đây thì đôi khi thôi, ông thường có những rối loạn về tâm thần, đặc biệt những giấc mơ làm ông hoảng loạn không thể không tâm sự với một người nào đó, ông kể với những người quen biết, trong đó có tôi. Một hôm, tôi ăn cơm tối ở nhà ông, đến giờ tôi về, ông muốn giữ lại và bảo “Ông mà về thì tôi đành phải vào giường và lại mơ đến con nhộng mất thôi.” Ông không được vui vẻ khoẻ mạnh như trước thì phải “Không phải thế”. Ông lắc đầu tựa như không hài lòng với những gì trong óc mình. “Tôi chỉ muốn nói”, tôi bảo, “Con nhộng là con vật lành chứ có chuyện gì đâu nhỉ.” “Nhưng con nhộng này thì không” ông ta nói “Và thôi tôi cũng chẳng cần nghĩ đến nó làm gì.”
“Tuy nhiên, tôi chưa kịp về thì ông đã kể cho tôi nghe – do tôi thúc ép – đó là một giấc mơ gần đây ông cứ gặp hoài, thậm chí một đêm mấy lần. Tự nhiên ông cứ muốn dậy không sao đừng được, rồi đi ra ngoài. Thế là ông mặc quần áo vào rồi đi ra vườn. Ở cửa ra vườn có một cái xẻng, ông cầm lấy, ra đến vườn tới một bụi cây đã định trông rất tỏ tường, vì có trăng (thường đêm nào cũng trăng sáng vằng vặc trong giấc mơ) ông cảm thấy hăm hở muốn đào đất lên. Đào một lát thì lộ ra một vật sáng màu, theo ông là một thứ vải vóc bằng lanh ‘lin’ hay len gì đó, lấy tay gạt ra xem nó là cái gì. Lần nào cũng vậy, cỡ to bằng người thật, còn hình thù như con nhộng của một loài bướm đêm, các nếp gấp sẵn sàng cho người ta mở ra.”
“Lúc này được bỏ chạy vào nhà thì sướng không biết thế nào mà kể nhưng không dễ dàng thoát được. Thế là ông rên rỉ, bởi đã biết trước sẽ nhìn thấy gì, ông lật nếp gấp của tấm vải ra, có thể nói là một cái màng cũng được, lộ ra một cái đầu người phủ lớp da hồng, lớp da bật tung ra khi toàn thân người đó động đậy, ông nhìn thấy chính bộ mặt mình, đã chết. Kể ra xong, tâm thần ông hoảng hốt ghê gớm, thành ra tôi thương ông quá, phải ngồi lại tới tận đêm khuya, nói chuyện tầm phào với ông. Ông còn nói giấc mơ này cứ trở đi trở lại và lần nào ông cũng khó thở kinh khủng, phải cố lắm mới thở được.”
Một đoạn khác trích từ lời Luke Jennett, tiếp theo như thế này.
“Tôi không bao giờ kể những chuyện về bác sĩ Abell với hàng xóm láng giềng. Khi rời nhà ông đi làm những việc khác, tôi nhớ có kể với ai đó về chuyện đồ vải của cái giường, nhưng không bao giờ nói về những người liên quan tức là tôi và ông chủ cũ vì cảm thấy khó mà tránh mặt với nguy hiểm, cứ im miệng là tốt nhất. Khi trở về Islington thấy ông bác sĩ Abell vẫn còn ở đó – trong khi người ta nói ông ta đã rời khỏi giáo khu – tôi càng thấy rõ phải hết sức kín đáo, bởi tôi sợ ông ta ghê lắm, không thể nào nói ra điều gì xấu về ông ta được. Chủ tôi, bác sĩ Quinn, là người lương thiện, chính trực, không bao giờ làm điều hại cho ai. Tôi tin chắc ông không hé môi hoặc nhúc nhích một ngón tay để rủ rê bất cứ bệnh nhân nào từ bác sĩ Abell về với ông, không bao giờ thuyết phục họ để ông khám bệnh cho, nếu cần thì gửi họ tới bác sĩ khác ở trên thị trấn.
“Tôi tin chắc bác sĩ Abell đã từng đến nhà chủ tôi không phải một mà nhiều lần. Chúng tôi mới có một cô gái từ Hertfordshire tới, cô này hỏi tôi xem ai đã đến thăm ông chủ – tức là bác sĩ Quinn – trong khi ông đi vắng, người khách có vẻ không mấy bằng lòng vì không gặp được ông chủ. Cô ta kể, ông này chẳng biết là ai, nhưng tỏ ra thông thạo đường đi lối lại trong nhà, chạy thẳng vào phòng giấy rồi cả phòng khám bệnh của ông chủ, cuối cùng chạy vào cả phòng ngủ nữa. Tôi hỏi cô hình dáng ông khách, tả ra thì rất phù hợp với bác sĩ Abell, cô ta cũng nói có lần gặp ông ta ở nhà thờ và hỏi thì người ta bảo là bác sĩ Abell.”
“Ngay sau đó thì chủ tôi đêm đêm có những giấc mơ dữ dội, ông phàn nàn với tôi và cả với những người khác nữa, đặc biệt vô cùng khó chịu với gối và khăn giường. Ông nói sẽ phải tự tay mình đi mua cho hợp với mình. Cuối cùng ông mua về một gói lớn nói là chất lượng thích hợp nhất với ông, ông mua ở đâu không ai biết, chỉ biết bên ngoài thêu bằng chỉ, hình một vòng hoa với con chim. Phụ nữ nói là rất tinh xảo và loại hàng này hiêm gặp, chủ tôi thì nói chúng ấm cúng đến tuyệt vời chưa từng thấy, khiến ông ngủ rất say và êm. Loại lông vũ bên trong gối là loại hảo hạng, nằm vào đó ông như được phủ trong mây, nhiều lần đến đánh thức ông, chủ tôi nhận xét mặt ông như bị cái gối từ hai bên phủ lên che kín.
“Sau khi về Islington tôi không có quan hệ gì với bác sĩ Abell nữa, nhưng một hôm gặp ông trên đường phố, ông hỏi tôi óc tìm việc khác hay không tôi là thằng cứng đầu khó bảo, chẳng mấy nữa đâu lại cầu bơ cầu bất cho mà xem, mà đúng như vậy thật.”
Tiến sĩ Pratt lại là người làm chứng tiếp theo sau anh đầy tớ.
“Ngày mười sáu tôi được gọi đến bên giường bệnh của bác sĩ Quinn, nghe nói là ông ta sắp chết, lúc đó mới năm giờ sáng, trời vừa mới rạng. Đến nhà ông tôi biết đó là sự thực. Toàn bộ gia nhân trừ người ra mở cửa cho tôi đều đứng trong phòng ông, nhưng không ai chạm vào người ông. Ông nằm thẳng giữa giường, ngay ngắn, trong tư thế sẵn sàng đem đi chôn, thậm chí hai bàn tay chắp trước ngực. Có điều lạ là không nhìn thấy mặt ông ra làm sao bởi hai rìa gối hầu như ôm lấy mặt ông, phủ kín nó. Tôi lập tức kéo gối sang bên, đồng thời quở trách những người có mặt ở đó, nhất là anh giúp việc, sao không tới hỗ trợ ông chủ, anh này chỉ nhìn tôi lắc đầu không tỏ ra có hy vọng nào, bởi trước mặt chúng tôi chỉ còn là một cái thây không gì khác.”
“Rõ ràng ai có đôi chút kinh nghiệm đều hiểu rằng ông đã chết ngạt. Và cũng không thể vì vô tình mà bị gối phủ kín mặt. Nếu thấy khó thở thì tự tay ông lẽ nào không gạt ra? Toàn bộ khăn giường chung quanh đều phẳng phiu không nếp gấp, người ta đi tìm thầy thuốc. Tôi cho người đi gọi ngay bác sĩ Abell, ông này đi vắng và bác sĩ ngoại khoa gần nhất không thể nói gì hơn như chúng ta đã biết, trừ trường hợp mổ tử thi.”
“Còn về vấn đề có ai vào phòng với ý đồ xấu (việc mà tiếp sau đó cần làm rõ) thì rõ ràng chốt cửa bị bung, cột chống, then cửa bị gãy, bằng cớ được nhiều người làm chứng, kể cả ông thợ làm khoá, và mới chỉ bị như thế này trước khi tôi đến ít phút mà thôi. Phòng ngủ ở tầng cao nhất, cửa sổ lại khó mà leo vào và cũng không có vết chân người leo vào hoặc leo ra trên bậc cửa và trên lớp đất mềm bên dưới”.
Chứng cớ do bác sĩ ngoại khoa đưa ra dĩ nhiên là một phần trong biên bản điều tra nhưng các nội tạng lớn không hề có tổn thương, vài phần trong cơ thể có hiện tượng máu đông, cũng chẳng cần sao chép lại làm gì. Cái chết được tuyên bố “Do Chúa đến thăm”
Đính vào giấy tờ còn có một tờ mà tôi mới đầu cho là nhầm lẫn. Xem kỹ thì thấy có lý do.
Nó kể về việc cướp bóc một lăng mộ vùng Middlesex trong một công viên (nay đã hoang tàn) tài sản của một gia đình quý tộc mà tôi không nêu tên. Vấn đề là ở chỗ không phải nhằm đào trộm xác chết như thường thấy (thường là để bán cho các nhà phẫu thuật nước Anh thời xưa). Mà mục đích là trộm cắp. Báo cáo ngắn gọn, nghe thật kinh khủng. Tôi không trích ra đây làm gì. Một người bán hàng ở Bắc London bị phạt tiền rất nặng vì đã tiêu thụ của ăn cắp từ vụ trộm trên.