Giang Hồ Đoạt Kiếp

Chương 30: Pháp sự Thiếu Lâm


Đọc truyện Giang Hồ Đoạt Kiếp – Chương 30: Pháp sự Thiếu Lâm

Cách Tung Sơn năm dặm là một thị trấn, khi Tiêu Lân đến đó thì trời cũng sụp tối. Chàng rảo bước đi quanh thị trấn. Thị trấn này có lẽ gần ngôi danh tự Thiếu Lâm, nên đâu đâu cũng có đền miếu thờ đủ các vị Bồ Tát. Tiêu Lân cảm nhận thị trấn này khá là tĩnh lặng và yên bình.

Chàng tìm đến một khách điếm dành cho khách thập phương đến tá túc để viếng cảnh chùa. Chọn một chỗ ngồi xong.

Như thường lệ, gã tiểu nhị bước ra.

– Khách nhân dùng chi?

– Một con gà thật to và hai cân rượu thật ngon.

Gã tiểu nhị nhìn chàng điểm nụ cười giả lả.

Tiêu Lân thấy gã cười, chau mày :

– Sao! Điếm chủ không nghe tại hạ nói à?

– Dạ tiểu nhân nghe chứ, nhưng ở đây tiểu nhân chỉ bán đồ chay!

– Đồ chay là sao?

– Những thức ăn chay thôi? Những thức ăn như đậu tương, như các vị cao tăng trên Thiếu Lâm tự thường dùng.

Tiêu Lân nhướng mày :

– Cũng được! Gần danh tự thì phải bán thức ăn chay chứ bán thịt thì chắc khiến các vị cao tăng phá giới mất. Cho tại hạ đậu tương gì đó và hai cân rượu.

– Tiểu nhân mang ra ngay.

Gã quay vào trong, Tiêu Lân chỏi tay tựa cằm nhìn ra ngoài. Chàng nghĩ vẩn vơ :

– “Ả nha đầu khi nãy hẳn là đến Thiếu Lâm viếng cảnh chùa. Cá tính cao ngạo đó hổng biết ai chỉ đường cho ả nhỉ”.

Gã tiểu nhị bưng thức ăn ra. Đĩa thức ăn chỉ có đậu hũ còn nóng hổi cùng với vò rượu hai cân.

– Mời khách gia.

– Tốt tốt! Để cho tại hạ.

Gã tiểu nhị quay vào trong.

Tiêu Lân bưng dĩa đậu hũ lên mũi ngửi. Mùi đậu tương thơm nồng xông vào mũi chàng. Tiêu Lân khẽ gật đầu.

Chàng nhủ thầm :

– “Lâu lắm mình chưa ăn chay lần nào. Hôm nay làm hòa thượng xem có gì khác với chúng sinh ở cõi dương gian ô trọc không”.

Rót rượu ra chén, Tiêu Lân bưng uống một ngụm. Chàng chép lưỡi :

– Ái chà! Rượu cũng thơm mùi đậu. Ngon đấy. Ngon đấy.

Gắp một miếng đậu hũ vừa cho vào miệng thì thiếu nữ vận Hồng y và hai gã đại hạn xồng xộc bước vào. Cả ba người đứng sõng ra ngay ngưỡng cửa nhìn vào khách điếm. Thấy ba người, Tiêu Lân toan quay mặt né tránh nhưng thiếu nữ đã sớm phát hiện ra chàng. Nàng chau mày, tỏ vẻ hậm hực, bước ngay đến bàn Tiêu Lân.

Tiêu Lân vẫn còn ngậm miệng đậu hũ trong miệng tròn mắt nhìn nàng.

Thiếu nữ nói :

– Nho sinh! Ngươi đúng là tên súc sinh, chỉ đường bậy bạ cho bổn cô nương.

Nàng vừa nói dứt lời, Tiêu Lân nhăn mặt rồi phùng má ho khan một tiếng, số đậu hũ đang ngậm trong miệng chàng phun thẳng vào mặt thiếu nữ.

Thiếu nữ hét lên :

– Ngươi… Ngươi dám làm bẩn mặt bổn cô nương?

Tiêu Lân ôm quyền :

– Tiểu thư! Tại hạ lỡ miệng. Để tại hạ lau mặt cho cô nương.

Miệng nói, tay Tiêu Lân đã thộp vào chiếc khăn dùng để lau bàn, chà lên mặt thiếu nữ.

Nàng giãy nảy :

– Ngươi…

Tiêu Lân nhìn lại tay mình :

– Chết thật! Tại hạ luống cuống thế nào mà lại dùng ngay nùi giẻ lau mặt cho cô nương. Miễn thứ! Miễn thứ.

Thiếu nữ thét lên :

– Nho sinh súc sinh! Ngươi dám làm nhục Triệu Hỷ tiểu thư! Ngươi đáng chết thật mà. Bổn cô nương phải trừng trị ngươi.

Nàng vừa nói vừa vung roi da quật thẳng đến mặt Tiêu Lân.

Nhanh như chớp mắt, Tiêu Lân vươn trảo thộp ngay đầu ngọn roi da của nàng. Chàng giật mạnh một cái, Triệu Hỷ chúi về phía mình, tả thủ của Tiêu Lân đã chớp nhoáng điểm vào Tịnh huyệt nàng.

Hai gã đại hán toan xông đến, nhưng Tiêu Lân quát :

– Đứng lại!

Hai gã đứng sững ra.

Tiêu Lân nhìn hai gã đó trầm giọng nói :

– Hai ngươi có muốn tiểu thư của hai ngươi biến thành cái xác không hồn không? Có muốn biến tiểu thư của hai ngươi thành xú nữ không?

Hai gã kia nhìn chàng gần như không chớp mắt.

Tiêu Lân nhìn lại Triệu Hỷ.

– Triệu cô nương! Mau lệnh cho hai gã đó buông binh khí xuống.

Triệu Hỷ gắt giọng nói :

– Bổn cô nương không lệnh! Không lệnh!

– Hay! Được! Nếu cô nương không lệnh thì bổn thiếu gia sẽ trét đậu hũ vào mặt cô nương, sau đó bắt cô nương bỏ vào tổ kiến lửa. Bọn kiến lửa mà đánh hơi thấy được mùi đậu hũ sẽ bám vào mặt cô nương. Chúng ăn hết đậu hũ rồi sẽ ăn tới lớp da mặt trắng mịn của quí tiểu thư.

Tiêu Lân chắt lưỡi :


– Ái chà! Khuôn mặt khả ái của quí tiểu thư sẽ bị bọn kiến biến thành một cái rổ! Đầy lỗ chích, xấu ơi là xấu! Chẳng ma nào dám nhìn đến. Phàm những xú nữ như thế thì chẳng bao giờ có một đấng phu quân để nâng khăn sửa túi. Ai gặp cũng đã co giò bỏ chạy rồi còn đâu mà để mắt đến trang tiểu thư lá ngọc cành vàng.

Tiêu Lân hất mặt :

– Tiểu thư chịu như thế không?

Sắc diện Triệu Hỷ tái nhợt. Nàng miễn cưỡng nói :

– Ngươi dám làm như vậy với bổn cô nương!

– Có gì mà không dám nào.

Tiêu Lân vừa nói vừa toan lấy đậu hũ trét lên mặt nàng. Triệu Hỷ biến sắc :

– Khoan! Đừng làm vậy với ta.

– Nếu không muốn tại hạ làm như vậy thì cô nương phải nghe lời tại hạ.

– Ngươi… sẽ hối hận.

– Hây… Chuyện đó sẽ tính sau, còn bây giờ cô nương phải nghe lời Tiêu thiếu gia.

Nàng nhìn sững chàng.

– Ngươi họ Tiêu?

– Họ Tiêu thì có gì mà nhìn dữ vậy? Có nghe bổn thiếu gia không thì bảo?

Nàng bặm môi rồi nói :

– Buông binh khí xuống!

Hai gã đó vội vã buông trường kiếm không chờ nàng nói lần thứ hai.

Tiêu Lân mỉm cười với Triệu Hỷ rồi nói :

– Bảo họ ngồi xổm xuống đất.

Triệu Hỷ thở hắt ra một tiếng rồi nói :

– Hai ngươi làm theo lời của gã đi.

Hai gã kia ngồi xổm xuống đất.

Tiêu Lân nói tiếp :

– Hai ngươi chống nạnh, nhảy ra ngoài khách điếm! Nghe chưa?

Hai gã lưỡng lự.

Tiêu Lân đanh giọng nói :

– Hai ngươi không nghe ta nói à?

Hai gã miễn cưỡng nhảy chồm hổm ra cửa khách điếm.

Hai gã đó nhảy hẳn ra cửa rồi, Tiêu Lân mới nhìn lại nàng :

– Triệu cô nương hẳn đến Thiếu Lâm để viếng cảnh chùa?

– Việc của bổn cô nương không liên can đến ngươi.

– Tất nhiên là không liên can rồi. Nhưng tại hạ tò mò muốn biết vậy thôi.

Chàng nâng cằm Triệu Hỷ.

Mặt nàng đỏ bừng :

– Ngươi buông tay ra.

Tiêu Lân lắc đầu :

– Xem dung diện của tiểu thư cũng xinh xắn, đoan thục lắm, cớ sao lại xấu tính, xấu nết như vậy chứ? Chắc là tiểu thư được chiều chuộng quá nên như vậy. Tại hạ muốn dạy quí tiểu thư một bài học.

Tiêu Lân nói rồi ấn Triệu Hỷ ngồi xuống ghế. Chàng bước qua chấp tay đứng trước mặt nàng, khẻ ngón trỏ vào trán Triệu Hỷ.

Hành động của Tiêu Lân khiến Triệu Hỷ vừa thẹn vừa giận đến biến sắc. Nàng gay gắt nói :

– Ngươi định làm gì bổn cô nương?

– Chỉ dạy cho tiểu thư thôi. Trước nhất bổn thiếu gia dạy cho tiểu thư bài học về công dung ngôn hạnh. Phải học thuộc bài học đó mới có thể lên Thiếu Lâm bái Phật cầu duyên. Chưa học thuộc bài vỡ lòng thì chưa thể lên Thiếu Lâm làm lễ Bồ Tát cầu duyên được.

Chàng đặt tay lên đầu nàng :

– Nghe bổn sư gia nói không?

Triệu Hỷ ngậm miệng không nói tiếng nào. Nhưng lệ thì đã trào ra khóe mắt.

Thấy nàng khóc, Tiêu Lân nói :

– Mới có học bài vỡ lòng đã khóc rồi. Nhớ lời bổn sư gia căn dặn, nhi nữ phải biết câu công dung ngôn hạnh để tu sửa thân mình. Còn kiểu cách như cô nương chẳng giống nhi nữ chút nào. Không chừng lại là một ả biến thái cũng nên.

Nàng nhìn Tiêu Lân lệ lưng tròng.

Triệu Hỷ gằn giọng nói :

– Ngươi có phải là Tiêu Lân không?

– Tiêu Lân chính là Tại hạ.

– Vậy ngươi mới là kẻ biến thái chứ đâu phải ta.

Tiêu Lân tròn mắt nhìn nàng.

– Sao bổn thiếu gia là kẻ biến thái?

– Ở Dương Châu ai cũng biết điều đó mà. Gã biến thái! Mau tránh xa bổn cô nương.


Tiêu Lân gõ vào trán nàng.

– Hồ đồ! Nghe cho rõ đây. Bổn thiếu gia phải chịu nhục ở Dương Châu là do Thường Tam Lĩnh làm ra. Bổn thiếu gia đã minh chứng cho mọi người biết rồi. Chỉ có nàng là chẳng biết gì. Đừng có gắn cho bổn thiếu gia những chuyện đó nữa nhé.

Triệu Hỷ cương cường nói :

– Bổn cô nương không tin.

– Không tin thì bổn thiếu gia khẻ vào đầu nàng cho nàng tin.

– Ngươi…

– Thế nàng có tin không. Hay đợi bổn thiếu gia trét đậu hũ vào mặt rồi mới tin.

Triệu Hỷ cúi mặt nhìn xuống.

Tiêu Lân nói :

– Nếu như nàng không tin thì phải tìm cho ra sự minh bạch, cớ đâu cứ không tin thì cho mình là đúng. Bỏ chuyện đó qua một bên! Thiếu gia muốn nàng từ nay phải biết lẽ công dung ngôn hạnh! Có được không?

– Ngươi không phái là sư gia của ta.

– Thì bổn thiếu gia là gia sư của nàng đây.

– Triệu Hỷ chưa khấu đầu nhận ngươi.

– Thì khấu đầu đây.

Vừa nói Tiêu Lân vừa ấn đầu Triệu Hỷ xuống ba cái.

Nàng thét lên :

– Tiêu Lân ngươi sẽ hối hận! Ngươi sẽ hối hận.

– Còn những câu đó nữa, bổn sư gia lại trét đậu hũ vào mặt nàng bây giờ đó.

Triệu Hỷ im bặt. Nàng nhìn Tiêu Lân bằng ánh mắt hằn học.

Tiêu Lân nạt ngang :

– Nhìn gì dữ vậy?

Triệu Hỷ bặm môi cúi gằm mặt xuống.

Tiêu Lân gắp đậu hũ bỏ vào miệng mình ăn ngon lành. Chàng bưng cả vò rượu tu luôn một hơi dài rồi nhìn lại Triệu Hỷ.

– Lần sau nàng có đến cửa Phật môn thì nhớ bài học vỡ lòng hôm nay của bổn sư gia đó. Còn không nhớ thì chẳng có ai chứng cho nàng đâu. Nghe lời ta nói chứ?

Triệu Hỷ bặm môi cúi gằm mặt xuống.

Tiêu Lân mỉm cười :

– Hôm nay bổn sư gia dạy như thế đủ rồi? Ta đi đây.

Triệu Hỷ ngẩng lên.

– Ngươi không giải huyệt cho ta à?

Tiêu Lân cau mày :

– Hê… Học trò mà dám gọi sư gia là ngươi! Đúng là phải tát một cái để chừa thói vọng ngôn mới được.

Vừa nói Tiêu Lân vừa vung tay, Triệu Hỷ nhăn mặt :

– Sư gia…

Tiêu Lân hạ tay xuống mỉm cười :

– Bắt đầu ngoan ngoãn rồi đó. Có ngoan ngoãn, có là thục nữ may ra mới có thể tìm được một vị phu tướng mà nâng khăn sửa túi! Còn cứ khư khư giữ thái độ kẻ cả tiểu thư thì chỉ nhận được có mỗi một cái mặt rỗ chằng rỗ chịt thôi.

Tiêu Lân hừ lạt rồi nói :

– Ngồi đây. Hai gã kia sẽ vào giải huyệt cho nàng.

Tiêu Lân đặt một nén bạc lên bàn rồi ôm vò rượu. Chàng vừa quay bước thì chạm mặt ngay với Đoạn Hồn Chưởng Đoàn Chủng và Thiết Chưởng Chu Sa. Hai gã vận trường y xám xịt bước vào.

Đoạn Hồn Chưởng Đoàn Chủng nhìn Tiêu Lân.

Thiết Chưởng Chu Sa nói :

– Tiêu Lân tiểu tử! Mau quỳ xuống theo chân chúng ta về Tổng đàn võ lâm.

Tiêu Lân chau mày :

– Nhị vị tôn giá bắt tại hạ quỳ. Quỳ thì làm sao mà đi được? Đi không được thì sao cùng với nhị vị tôn giá đến Tổng đàn võ lâm? Thú thật với nhị vị tôn giá, bổn thiếu gia chỉ chạm mặt với nhị vị tôn giá thôi đủ biết điềm dữ nhiều hơn điềm lành rồi. Cổ nhân có câu Tứ hải giai huynh đệ! Những người không quen, không biết khi gặp nhau cũng ráng nặn một nụ cười cầu tình. Đàng này nhị vị tôn giá vừa chạm mặt Tiêu Lân đã khoác bộ mặt chẳng khác đưa đám. Nếu không đưa đám thì cũng giống bộ mặt của bọn đạo tỳ.

Đoạn Hồn Chưởng Đoàn Chủng nói :

– Tiêu Lân! Ngươi có quì xuống không!

– Bổn thiếu gia chỉ biết quì trước hai vị song đường. Còn với nhị vị tôn giá, Tiêu Lân sẽ bồi tiếp bằng Huyết Điểm chỉ của Tiêu thúc thúc.

Chàng thốt ra câu này bởi biết mình có nói gì thì Đoạn Hồn Chưởng Đoàn Chủng lẫn Thiết Chưởng Chu Sa cũng không thể để cho không được yên. Nên miệng vừa thốt ra câu nói đó, Tiêu Lân dụng cả tả chưởng lẫn hữu chưởng. Hai đạo huyết chỉ do Tiêu Lân phát tác công trực diện Đoạn Hồn Chưởng Đoàn Chủng và Thiết Chưởng Chu Sa.

Chớp thấy Tiêu Lân phát động chỉ công, Đoạn Hồn Chưởng Đoàn Chủng lẫn Thiết Chưởng Chu Sa cũng không chút e dè, cả hai chớp động chưởng pháp đón thẳng lấy hai đạo huyết chỉ của Tiêu Lân.

Sấm chưởng trổi lên làm rung chuyển cả tòa khách điếm.

Ầm!

Thiết Chưởng Chu Sa, lẫn Đoàn Chủng đồng thối về sau một bộ, trong khi Tiêu Lân vẫn trụ yên một chỗ.


Thiết Chưởng Chu Sa lẫn Đoạn Hồn Chưởng Đoàn Chủng ngây mắt ra nhìn Tiêu Lân, cả hai những tưởng mình hoa mắt. Họ đâu thể nào tin được một nho sinh chỉ vừa đôi mươi lại có nội lực siêu phàm xuất chúng như vậy.

Tiêu Lân biết mình hơn hắn đối phương liền nói :

– Nhị vị tôn giá còn muốn bổn thiếu gia quì nữa không? Nói cho nhị vị biết, vừa rồi bổn thiếu gia chỉ mới có dụng đến năm thành công lực thôi mà nhị vị tôn giá đã phải thối bộ. Nếu như nơi này không phải là đất Phật môn thì nhị vị tôn giá đã phái hứng chịu hậu quả như thế nào không? Nếu bổn thiếu gia dụng đến “Hấp Tinh Đại Tà công”, chắc nhị vị khó mà đứng nổi.

Đoàn Chủng nhìn sang Thiết Chưởng Chu Sa.

Y nhìn lại Tiêu Lân :

– Tiêu công tử. Dù công tử có võ công cao cường đến mấy cũng phải đến Tổng đàn võ lâm để diện kiến Minh chủ. Nếu công tử không đến Võ lâm Minh chủ không để cho công tử có chỗ đứng trên giang hồ đâu.

Tiêu Lân chau mày. Chàng hỏi :

– Nhị vị tôn giá! Tại hạ không can dự đến những chuyện xảy ra trên võ lâm, nếu như Minh chủ buộc Tiêu Lân phải gánh chịu những chuyện mà Tiêu thúc thúc đã làm, hóa ra làm chuyện giận cá chém thớt. Nói như thế nhưng Tiêu Lân sẽ đến Võ lâm Tổng đàn gặp Giang minh chủ.

Thiết Chưởng Chu Sa nói :

– Công tử biết Giang minh chủ?

– Giang minh chủ không biết tại hạ nhưng tại hạ thì biết Giang minh chủ bởi Tiêu Lân đã gặp người một lần ở biệt cung của Huyền cung Cung chủ Chu Tuyết Ngọc.

Đoạn Hồn Chưởng Đoàn Chủng nói :

– Công tử đã nói vậy! Ta và Thiết Chưởng Chu Sa huynh sẽ báo lại với Minh chủ.

– Nhất định Tiêu Lân sẽ đến Võ lâm Tổng đàn. Nhờ nhị vị tôn giá nói lại với Minh chủ.

Đoàn Chủng nhìn sang Thiết Chưởng Chu Sa.

– Thiết Chưởng Chu Sa! Chúng ta đi.

Tiêu Lân ôm quyền :

– Hẹn gặp lại nhị vị tôn giá.

Thiết Chưởng Chu Sa và Đoạn Hồn Chưởng Đoàn Chủng đi rồi, Tiêu Lân mới cầm lấy vò rượu. Chàng nhìn lại Triệu Hỷ.

Tiêu Lân lưỡng lự rồi nói :

– Triệu cô nương giờ đã biết võ lâm như thế nào rồi chứ? Đừng chen chân vào mà vấy bẩn chân của cô nương đó.

Nói rồi, Tiêu Lân thả bước ra cửa.

Chàng bất ngờ cách không điểm chỉ giải huyệt cho Triệu Hỷ rồi thi triển “Hành Tẩu Di Hình bộ” nhắm thẳng núi Tung Sơn lao đi.

Vừa giải huyệt, Triệu Hỷ bật đứng lên. Nàng gọi :

– Nho sinh!

Triệu Hỷ vừa đứng lên thì Tiêu Lân đã thoát đi mất hút rồi. Triệu Hỷ vội chạy ra cửa khách điếm nhưng không còn thấy bóng dáng của Tiêu Lân đâu nữa.

* * * * *

Đại Hồng bảo điện.

Hai bên Đại Hồng bảo điện là những bức chạm khắc những vị Bồ Tát với đủ tất cả những tư thế, kéo dài đến phần chính điện là Kim Thân Phật Tổ Như Lai. Vẻ uy nghiêm và trang trọng của tòa Đại Hồng bảo điện khiến bất cứ ai bước vào cũng phải xóa bỏ tạp niệm, lẫn những dục vọng thấp hèn nơi chốn dương thế.

Tiêu Lân những tưởng khi bước vào Đại Hồng bảo điện, chàng sẽ đối mặt với hai hàng cao tăng của Thiếu Lâm tự? Nhưng lại không như Tiêu Lân tưởng tượng, mà trong tòa đại điện chỉ duy nhất có một vị lão tăng tướng mạo phương phi, vẻ mặt thâm trầm ngồi dưới đài Kim Thân Phật Tổ trên một chiếc bồ đoàn hoa sen.

Vừa thấy Tiêu Lân, vị cao tăng liền niệm Phật hiệu :

– A Di Đà Phật.

Tiêu Lân bước đến trước mặt vị cao tăng ôm quyền hành đại lễ rồi nói :

– Vãn bối Tiêu Lân tham kiến đại sư.

Vị cao tăng nhìn chàng. Đôi mắt của người sáng ngời, toát ra vẻ uy nghi vốn có ở những vị tăng nhân đạt tới cảnh giới siêu thoát.

– A Di Đà Phật! Lão nạp đã chờ thí chủ ở đây lâu lắm rồi.

Nghe vị cao tăng thốt ra câu nói này, Tiêu Lân không khỏi sững sờ. Chàng nghĩ thầm :

– “Mình có nói với vị cao tăng nào ở Thiếu Lâm biết mình đến đâu mà vị đại đức tăng này biết mình đến mà chờ!”

Tiêu Lân vừa nghĩ vừa tò mò nhìn vị cao tăng Thiếu Lâm.

Tay lần chuỗi Bồ đề, Pháp chủ Tuệ Thiện đại sư niệm Phật hiệu :

– Cõi vô minh, chúng sinh luôn chìm ngập trong vòng sinh tử luân hồi đâu thấu đáo được căn cơ của tạo hóa. Hỷ, nộ, ái, ố, sinh, tử, bệnh, lão là bản chất của con người. Nếu thoát ra khỏi vòng cương tỏa của những phiền toái đó tất sẽ thấu đáo được chân quả vô vi huyền diệu của cõi vô sinh.

Tiêu Lân lắng nghe Tuệ Thiện nói. Chàng chờ cho Tuệ Thiện đại sư nói xong rồi mới nói :

– Đại sư! Vãn bối không đạt được đạo hạnh thoát tục như đại sư, nên phải chìm đắm trong cõi nhân sinh. Chính vì sự chìm đắm đó, vãn bối mới thỉnh cầu đại sư…

– A Di Đà phật! Thí chủ, không phải ở trong cõi nhân sinh cũng đều chìm đắm trong cương tỏa của hỷ, nộ, ái, ố và sinh, tử, bệnh, lão. Cũng có những cư sĩ sinh ra lấy đạo đời làm hướng đi của mình. Tất cả đều do sự tuần hoàn của tạo vật. Mà họ phải nhận sứ mạng lẫn trọng trách của mình đối với chúng sinh.

Tiêu Lân ôm quyền xá :

– Đa tạ đại sư đã chỉ giáo.

– A Di Đà phật! Thiện tai, Tiêu thiếu hiệp hãy trao bất cứ thứ gì mà người muốn trao cho lão nạp.

Lại một lần nữa Tiêu Lân phải sững sờ. Chàng nghĩ thầm :

– “Thật là vô biên. Lão đại sư cũng biết cả việc mình đến đây”.

Tiêu Lân nghĩ rồi lấy tín vật của Khấu Đà Tử dâng lên Tuệ Thiện đại sư.

Tiếp nhận miếng tín vật của Khấu Đà Tử, Pháp chủ Tuệ Thiện đại sư nhìn Tiêu Lân nói :

– A Di Đà phật! Tiêu thiếu hiệp, phải chăng Khấu Đà Tử lão bang chủ Cái bang đã gặp nạn?

– Đại sư biết tất cả khiến vãn bối ngạc nhiên vô cùng.

Chàng thuật lại dấu tích ấn thủ đỏ ối trên ngực Khấu Đà Tử, và Lão bang chủ đã vận dụng đến Ngọa Long Thiếp mới có thể tránh khỏi cái chết đặng giao tín vật cho chàng đến gặp Tuệ Thiện đại sư.

Sau khi nghe Tiêu Lân nói xong, Pháp chủ Tuệ Thiện đại sư niệm Phật hiệu rồi nói :

– Xem ra Khấu Đà Tử lão bang chủ không dứt được kiếp trần. Âu đây cũng là nghiệp của lão Đà Tử.

Nhìn lại Tiêu Lân :

– Tiêu thiếu hiệp! Lão nạp có điều này muốn nói với thiếu hiệp.

Tiêu Lân ôm quyền :

– Vãn bối thỉnh cầu sự chỉ giáo của đại sư.

– A Di Đà Phật! Trong sự chuyển quán của càn khôn khi thì dương thịnh, lúc thì âm thịnh. Dương thịnh hay âm thịnh cũng tạo ra sóng gió cho bá tính. Đã đến lúc Tứ Đỉnh Thiên Can rời bỏ chức trách hòa nguyện âm dương tạo ra thế cân bằng. Để lập lại sự công bằng âm dương phải có một người khác thay thế. Theo chuyển dịch càn khôn, kẻ thay thế chính là Tiêu thiếu hiệp.

Tiêu Lân nheo mày lắc đầu :


– Lão đại sư nói thế là thế nào nhỉ? Ta chẳng hiểu gì cả.

Ý niệm đó trôi qua, Tiêu Lân ôm quyền nói :

– Đại sư vãn bối không hiểu gì cả.

– Có những chuyện thuộc về tuần hoàn của tạo vật, không thể nói ra được, nên mới có câu thiên cơ bất khả lậu. Lão nạp nhận được tín vật của lão Khấu Đà Tử, tất biết thời điểm hoán chuyển càn khôn đã đến. Thiếu hiệp phải tiếp nhận sự hoán chuyển càn khôn trong thời điểm này.

Mặt Tuệ Thiện đại sư trang trọng hẳn lại. Người niệm Phật hiệu rồi tiếp :

– Lão nạp sẽ dụng Dịch Cân kinh chuyển hóa công phu tu vi của mình qua thiếu hiệp. Việc làm này của lão nạp có mục đích. Thiếu hiệp đừng ngại mà hãy tiếp nhận.

Tiêu Lân bối rối :

– Đại sư! Bỗng dưng vãn bối lại…

Tuệ Thiện đại sư lần chuỗi bồ đề niệm Phật hiệu :

– A Di Đà Phật! Tất cả mọi sự vât dịch chuyển trong cõi nhân sinh đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Sự chuyển dịch vô vi kia, Tiêu thiếu hiệp sẽ nhận ra và tiếp nhận nó. Còn hiện tại lão nạp chỉ làm đúng chức phận của mình đối với chúng sinh. A Di Đà Phật.

Nói rồi Tuệ Thiện đại sư chấp tay giữa ngực cách không truyền nội lực sang Tiêu Lân mà không cần chàng có thắc mắc hay tiếp nhận không.

Từ đôi bản thủ của vị cao tăng Thiếu Lâm một đạo hào quang ngũ sắc thoát ra trùm lấy Tiêu Lân. Ngay lập tức toàn thân chàng như có một màn ngũ quang bao bọc.

Tiếp nhận huyền công tiên khí của Tuệ Thiện đại sư, Tiêu Lân cảm nhận một sự thư thái hoan hỷ và thanh thản đến tột cùng. Chàng như thể quên hẳn tất cả thực tại mà chìm vào một lạc cảnh ngay cả nằm mơ cũng không sao tưởng tượng được.

Tiếng đại hồn chung cất lên.

Boong!

Tiếng đại hồng chung đưa Tiêu Lân từ lạc cảnh quay về với thực tại. Mặc dù đã trở lại với thực tại nhưng chàng vẫn còn ngỡ ngàng với sự kiện đột ngột này.

Pháp chủ đại sư Tuệ Thiện nhìn chàng :

– A Di Đà Phật! Thiện tai! Thiện tai! Lão Đà Tử bang chủ quả không chọn lầm người! Thiện tai! Thiện tai!

Tiếng đại hồng chung lại vang lên một lần nữa.

Tuệ Thiện đại sư nói :

– A Di Đà Phật! Tiêu thí chủ hãy bước qua bên.

Tiêu Lân hành đại lễ rồi bước qua một bên. Chàng vừa yên vị vào chỗ của mình thì hai hàng cao tăng Thiêu Lâm từ ngoài cửa Đại Hồng bảo điện chấp tay trước ngực, thả bước tiến vào đứng hai bên Pháp chủ Tuệ Thiện đại sư.

Tiếng đại hồng chung thứ ba lại cất lên.

Boong!

Tiếng đại hồng chung xa dần rồi chìm vào cõi hư vô.

Khi tiếng đại hồng chung tan vào cõi hư vô thì Võ lâm Minh chủ Giang Hàn từ ngoài thả bước tiến vào.

Giang Hàn bước đến trước mặt Tuệ Thiện đại sư.

Đôi chân mày của Giang Hàn hơi nhíu lại khi nhận ra Tiêu Lân. Lão liếc nhanh về phía Tiêu Lân rồi nhìn lại Tuệ Thiện đại sư.

Giang Hàn ôm quyền xá :

– Bổn tọa đến tham vấn đại sư.

Tay lần chuỗi Bồ đề, Tuệ Thiện đại sư niệm Phật hiệu :

– A di dà phật! Minh chủ đến tham vấn lão nạp về đại hội Long Chuẩn võ lâm?

Giang Hàn ôm quyền :

– Đại sư đoán không sai, bổn tọa đến Thiếu Lâm tự này cốt thỉnh ý Pháp chủ đại sư về chuyện đại sự Long Chuẩn võ lâm.

– A Di Đà Phật! Vậy theo thiên ý của Minh chủ thì như thế nào?

Giang Hàn vuốt râu nói :

– Bổn tọa chỉ là Võ lâm Minh chủ, trên bổn tọa còn có Tứ Đỉnh Thiên Can. Lần này bổn tọa đến thỉnh ý đại sư, nên muốn nghe chỉ ngôn của người trước.

– A Di Đà Phật! Thiện tai! Thiện tai! Nếu như thí chủ đã có lòng kính lão nạp, thỉnh ý lão nạp thì lão nạp chỉ có một ý duy nhất nói với thí chủ. Nên lấy chúng sinh làm đầu. Đó mới là chánh đạo.

Giang Hàn nheo mày :

– Đại sư? Bổn tọa muốn đại sư chủ trì Long Chuẩn đại hội.

– A Di Đà Phật! Thịnh ý của thí chủ lão nạp đã hiểu. Nhưng chuyện này lão nạp không thể nhận lời được. Phận của lão nạp đã đến thời khắc phải viên tịch qui nạp Niết Bàn hầu phục Phật Tổ Như Lai. Tất cả mọi sự còn lại hẳn phải do Minh chủ chu toàn.

Tuệ Thiện đại sư nói rồi chấp tay niệm Phật hiệu.

– A Di Đà Phật! Phận sự của võ lâm đã xong, đến phận sự Thiếu Lâm.

Tuệ Thiện đại sư định giọng nhìn về phía Pháp Lạc đại sư đứng gần đó.

– Pháp Lạc sư đệ.

Pháp Lạc đại sư bước ra, quì xuống ngay trước mặt Tuệ Thiện đại sư :

– Pháp chủ sư huynh! Pháp Lạc đang khấu đầu chờ nghe huấn thị của Pháp chủ.

– A Di Đà Phật! Trước di thân Như Lai Phật Tổ, và có mặt của Võ lâm Minh chủ Giang tôn giá, bần tăng trao chức vị Pháp trượng Thiếu Lâm cho Pháp Lạc sư đệ.

Pháp Lạc đại sư hành lễ.

– A Di Đà Phật.

Tuệ Thiện đại sư chấp tay trước ngực :

– Nam mô bổn sư Thích Ca mâu ni Phật. Truyền đem y bát tăng trượng.

Thiền trượng bằng cây lên nước bóng ngời của Đạt Ma sư tổ cùng chiếc bình bát được hai vị cao tăng cung thỉnh ra Đại Hồng bảo điện.

Hai vị cao tăng đặt mộc trượng và bình bát xuống trước mặt Tuệ Thiện đại sư.

Chấp tay trước ngực, Tuệ Thiện đại sư niệm Phật hiệu :

– A Di Đà Phật. Bần tăng cung thỉnh Pháp Lạc sư đệ tiếp nhận y bát tăng trượng.

Pháp Lạc đại sư hành đại lễ rồi tiếp nhận mộc trượng và bình bát từ chính tay của đại sư Tuệ Thiện.

Sau khi Pháp Lạc đại sư tiếp nhận mộc trượng và bình bát tăng trượng, Tuệ Thiện đại sư mới cất lời kệ bài kinh Khổng Tước kinh. Tất cả chư tăng có mặt tại Đại Hồng bảo điện đồng loạt chấp tay kệ theo Tuệ Thiện đại sư.

Giang Hàn nghe tiếng tụng kinh của các vị cao tăng, từ từ thối bộ rời Đại Hồng bảo điện.

Tiêu Lân chấp tay lắng nghe tiếng kinh Khổng Tước.

Thời khắc chầm chậm trôi qua, khi kinh Khổng Tước được các vị cao tăng kệ xong, thì ba hồi đại hồng chung được gióng lên. Các vị cao tăng đồng hướng về Kim thân Phật Tổ Như Lai hành lễ, duy có Tuệ Thiện đại sư thì không.

Vị Pháp chủ Thiếu Lâm đã viên tịch ngay khi tiếng kệ Khổng Tước kinh vừa dứt.

Sự viên tịch của Tuệ Thiện đại sư càng làm cho Tiêu Lân ngạc nhiên hơn nữa. Chàng có cảm tưởng vị cao tăng Thiếu Lâm đã chuẩn bị tất cả mọi sự việc trước khi người viên tịch.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.