Giang Hồ Ân Cừu Ký

Chương 28: Gặp kỳ ngộ trong bãi sa mạc


Đọc truyện Giang Hồ Ân Cừu Ký – Chương 28: Gặp kỳ ngộ trong bãi sa mạc

Hai người khám xét kỹ lưỡng con trăn, thấy vẩy và da của nó không còn có ánh sáng như trước, và cũng không thấy có cái gì khác lạ, liền quay người đi ra chỗ cách xa chừng bốn, năm thước.

Phương Sách lại trông thấy có luồng ánh sáng vàng lờ mờ tỏa ra. Chàng ngạc nhiên vô cùng, vội nói với Lợi Man:

– Sư muội, chắc ở trong bụng con trăn này thế nào cũng có vật báu gì đây ? Chúng ta thử mổ bụng nó ra xem.

Nói xong, chàng cúi xuống, lật bụng con trăn xem kỹ lại lần nữa, mới hay vẩy và da ở dưới bụng nó cứng rắn như sắt đá, hiện thời hai người lại không có dao kiếm gì cả, thì làm sao mổ bụng cho nó được ?

Lợi Man rút đôi kim câu ra, đâm chọc mãi cũng chỉ bẩy nổi vài cái vẩy của con vật ra thôi.

Phương Sách bỗng cất tiếng nói:

– Sư muội hãy tránh ra !

Chàng vận công vào song chưởng dồn xuống mười đầu ngón tay, rồi dùng chỉ như dao nhằm từng miếng vẩy một mà bổ xuống.

Giây lát sau, chàng đã chém rớt được một đống vẩy và đã thấy da bụng trắng như tuyết của con trăn rồi. Phương Sách lại lấy chưởng thay đao, nhằm bụng con trăn rạch một cái, đã xẻ ra được một đường dà chừng năm sáu thước.

Lợi Man dùng song câu căng bụng con trăn ra, làm mặt xấu nói bóng với Phương Sách rằng:

– Đại ca chui vào đi !

Phương Sách hơi định thần, dồn hết toàn thân chân lực vào nơi đơn điền, xương của chàng bỗng rút hẳn lại, người bé nhỏ hơn trước rất nhiều.

Lợi Man thấy thế cũng hết sức kinh ngạc, nàng không ngờ người yêu của mình lại còn biết cả môn “Túc Cốt Thân Cân” như vậy.

Phương Sách thọc hai tay vào trong bụng con trăn trước rồi người mới chui vào.

Tuy con vật chết đã lâu, nhưng trong người con trăn vẫn còn nóng, máu tanh xông lên mũi.

Chàng phải nín thở, đưa mắt nhìn xung quanh, cảm thấy mình như chui vào một con đường hầm hình tròn, mà bên trong đầy rẩy những cơ quan máy móc vậy.

Chàng bắt đầu chui xuống đuôi, từ chỗ đuôi bò lên đầu, đi đi lại lại ba bốn lần, tìm kiếm hồi lâu bỗng đụng phải một vật gì cứng rắn. Chàng vội rút ra xem, mới hay đó là một thanh trường kiếm rất cổ kính.

Phương Sách mừng rỡ khôn tả, vội chui ngay ra bên ngoài.

Lợi Man thấy người chàng dính đầy máu tanh, không khác gì một con người máu, tanh hôi khôn tả, nên nàng vừa bịt mũi, vừa tủm tỉm cười. Nhưng khi vừa trông thấy thanh kiếm thì nàng cả kinh, vội chạy lại xem, thấy thanh kiếm ấy rất cổ kính, trên cán có khảm ba hạt châu đỏ, xanh và trắng. Hạt châu nào cũng có ánh sáng lờ mờ tỏa ra.

Cán kiếm được bọc bằng da cá xấu.

Phương Sách một tay cầm cán kiếm, một tay cầm bao kiếm, rút luôn lưỡi kiếm ra.

“Xoẹt” một tiếng, một luồng ánh sáng rất trong tỏa ra, hơi lạnh của thanh kiếm làm buốt xương hai người.

Cả hai đều kinh ngạc vô cùng, liền rùng mình đến thót một cái.

Thân kiếm rất mảnh, chỉ rộng chừng hai tấc và dầy hai phân thôi, trên có khắc ba chữ triện:

“Tuyết Liễu Kiếm”. Đọc xong ba chữ ấy, Phương Sách liền giật mình kinh hãi. Thì ra thanh kiếm này là một trong ba vật báu mà sư phụ chàng đang tìm kiếm.

Pho “Phong Tuyết Kiếm Pháp” mà chàng đã học hỏi được cần phải có thanh kiếm này phối hợp thì mới có oai lực vô cùng mạnh mẽ.

Kiếm này là của một vị dị nhân tên là Phương Ngoại Khách. Ông ta sang Ấn Độ trau dồi Phật học, lúc trở về chế tạo ra nó. Dị nhân ấy có để lại ba vật báu là Tuyết Liễu Kiếm, Phi tuyết Kiếm pháp với nghìn thế thức của Thiên Phật Hồ.

Huyền Cốc Dị Tú lượm được Phi Tuyết Kiếm Pháp, tự học hỏi, rồi căn cứ theo pho kiếm pháp ấy mà sáng tạo ra “Phong Tuyết Kiếm Pháp”, oai lực còn mạnh mẽ hơn, nhưng vì không có thanh bảo kiếm nên oai lực bị giảm đi mất.

Khi Phương Sách được lệnh hạ sơn, Huyền Cốc Dị Tú đã dặn bảo chàng cố tìm kiếm cho ra thanh bảo kiếm này. Nếu tìm ra được thanh bảo kiếm đó, đem phối hợp với pho Phong Tuyết kiếm pháp thì có thể trở nên vô địch thiên hạ.

Ngẫu nhiên tìm thấy thanh bảo kiếm đó, Phương Sách không mừng rỡ sao được ?

Hơn nữa, chàng đang cần có một môn võ khí để xử dụng, thật là trời ban cho kỳ trân.

Thật không ngờ vật báu hãn hữu ấy lại ở trong bụng con trăn như thế ?

Chàng đoán chắc mình mẩy con trăn có ánh sáng tỏa ra, có lẽ là vì thanh bảo kiếm này cũng nên ? Chàng thử nhảy ra ngoài xa nhìn lại con trăn, quả nhiên không còn thấy ánh sáng lờ mờ tỏa ra như lúc nãy nữa.

Chàng vâng theo lời dặn bảo của sư phụ, thử ấn tay vào hạt châu đỏ xem sao, liền nghe thấy có tiếng kêu “coong”. Lưỡi kiếm dài bốn thước ấy bổng đứt ra thành ba khúc, mềm nhũn như ba chiếc lá liễu tỏa xuống.

Chàng lại bấm vào hạt châu trắng thử xem, lại nghe thấy một tiếng kêu “coong” nổi lên, ba lá liễu bỗng biến thành mấy chục mảnh thép, nhưng mảnh nào cũng có một sợi dây thép cột vào nhau, nên không bị rời ra.

Lợi Man thấy vậy ngạc nhiên vô cùng.

Phương Sách thuận tay rung một cái, rồi múa tít. Thoạt tiên còn trông thấy rõ từng thế, từng thức một, dần dần chỉ thấy gió lạnh nổi lên như hoa tuyết bay múa, chứ không trông thấy bóng người nữa.

Lợi Man tuy đứng cách xa ba trượng mà cũng cảm thấy hơi lạnh buốt xương.

Nàng phải vận nội công để chống lại, nhưng vẫn không chịu đựng nổi, phải vội lui về phía sau hai trượng. Lợi man đứng xem giây lát, không còn trông thấy hình bóng của Phương Sách đâu nữa, mà chỉ tựa như trời đang mưa tuyết, và gió Bắc lồng lộng.


Nàng cũng phải lắc đầu thè lưỡi, khen ngợi môn tuyệt học độc đáo của vị Kỳ nhân thế ngoại quả thật khác thường, hai vật váu hợp bích lại càng tương đắc thêm.

Phương Sách bỗng thâu kiếm lại, mặt không hề biến sắc. Chàng lại khẽ bấm vào hạt châu màu lam. Lạ thật, những mảnh thép bỗng thu lại như trước ngay, quay trở lại thanh nhuyễn kiếm rộng bằng hai ngón tay như lúc ban đầu.

Thì ra thanh bảo kiếm đó có máy móc. Ba hột châu đỏ, trắng, lam chính là then chốt để bấm, khiến một thanh kiếm biến thành ba, nên khi múa không khác gì mấy chục người với mấy mươi lưỡi kiếm cùng ra tay một lúc, oai mạnh như thế nào không cần phải nói rõ, tất ai ai cũng hay biết rồi.

Nếu không cần xử dụng tới, chỉ cần bấm vào hạt châu màu lam là có thể phục hồi ngay, chứ không có một tí vết tích nào. Khi được xử dụng, thanh bảo kiếm này còn công hiệu và dễ dùng hơn cả thanh kiếm của Miến Điện.

Nói tóm lại, một thanh kiếm có thể hóa thành một bộ kiếm để xử dụng, và cũng có thể dùng như ba thanh kiếm hoặc mấy chục thanh kiếm, đủ thấy người tạo thanh kiếm này thông minh và khôn ngoan biết bao.

Hiện tại Huyền Cốc Dị Tú đã nghĩ ra được pho Phong Tuyết kiếm pháp để xử dụng thanh kiếm này, quả thật là trước sau hai người cùng xuất sắc và độc đáo trong võ lâm.

Phương Sách mừng rỡ vô cùng, nhận thấy thanh kiếm này còn tốt hơn thanh bảo kiếm của mình đã bị thất lạc nhiều. Đồng thời, chàng cũng hoàn thành được một tâm nguyện của sư phụ.

Chàng trông thấy Lợi Man bỗng nghĩ đến thanh kiếm lấy được ở trong bụng con trăn, mà con trăn này là do nàng ta giết chết, dường như mình không nên chiếm đoạt vật sở hữu của nàng. Vì vậy, chàng vội cởi thanh kiếm ra, hai tay bưng thanh kiếm đưa cho Lợi Man, miệng nói:

– Sư muội, nếu luận công luận sức thì thanh kiếm này phải là vật của sư muội mới đúng.

Lợi Man đỡ lấy thanh bảo kiếm, đưa mắt liếc nhìn trộm thấy Phương Sách rất thành khẩn, chứ không có gì là giả bộ hết, nàng cảm động vô cùng, liền đeo vào ngang lưng cho chàng, lườm chàng một cái, đôi môi mấp máy như muốn nói mà không sao thốt ra tiếng được, rồi bỗng ứa hai hàng lệ ra.

Phương Sách vội ôm nàng vào lòng, lẩm bẩm khẽ nói:

– Sư muội ! Sư muội thật tử tế với ngu huynh quá. Ngu huynh…

Lợi Man từ khi thấy Phương Sách mắc phải chứng bệnh quái gở đến giờ, lúc nào cũng muốn thừa cơ để âu yếm với chàng nhưng Phương Sách rất khôn ngoan, trốn tránh được hết. Bây giờ thấy chàng tự động ôm chặt lấy mình, và cảm thấy người chàng như có một luồng hơi nón dồn sang. Lợi Man hơi ngửng mặt lên, hai mắt nhắm nghiền, gục đầu vào ngực chàng.

Phương Sách là một thiếu niên vừa đa tình, vừa chính trực, lúc này chàng cũng cảm thấy tình yêu giao hợp, nên không sao cầm lòng được, liền cúi đầu xuống hôn vào môi Lợi Man…

Không biết trải qua bao lâu, hai người mới buông nhau ra.

Lúc này Lợi Man mới cảm thấy tâm thần của mình đã dâng hiến cho chàng rồi, nên nàng khẽ thốt:

– Đại ca !

Nàng đưa mắt nhìn Phương Sách, đôi môi mấp máy, muốn nói lại thôi, thái độ của nàng trông rất đáng yêu. Chàng không sao đứng yên được, liền vuốt tóc nàng, với giọng dịu dàng khẽ nói:

– Hiền muội có chuyện gì cứ nói đi ? Thế nào đại ca cũng vui lòng nhận lời…

Lợi Man thừa cơ nói tiếp:

– Đại ca, tiểu muội rất e ngại….

Phương Sách hỏi:

– Sư muội lo ngại điều chi thế ?

Lợi Man đáp:

– Tiểu muội chỉ lo ngại đại ca bị một cô nương khác cướp mất.

Lúc này Phương Sách đã hoàn toàn đắm đuối trong mối nhu tình với nàng ta, nên chàng cương quyết đáp:

– Man muội, ngu huynh vĩnh viễn yêu hiền muội, không ai có thể chia rẽ được tình yêu của đôi ta.

Lợi Man cả mừng, tự động ngửng đầu lên hôn chàng một cái, rồi cả hai song song tiến về phía Tây Bắc.

Mục đích của hai người là đi đến bãi sa mạc ở Tân Cương để tìm kiếm một vị thần y ẩn thế để chữa bệnh cho Phương Sách.

Hai người đã đi tới bãi sa mạc, tuy đã tìm hết mấy ngày, mà vì không biết tên họ của vị thần y cái thế ấy, nên không sao hỏi thăm ra được.

Hôm đó, hai người đang định quay trở về, thì bỗng thấy ba người cỡi ngựa từ đằng trước phóng tới.

Ba người ấy đều mặc võ trang màu xám, tóc bù rối và xõa xuống tận vai. Cả ba đều để râu quai nên trông càng hung ác và oai mãnh thêm.

Khi ba người đó phi ngựa tới trước mặt vợ chồng Phương Sách, chúng thấy Lợi Man đẹp như hoa nở, cả ba đều kêu “ủa” một tiếng, mặt lộ vẻ kinh ngạc, trông rất quái dị.

Lợi Man giả bộ như không hay biết, quay mặt nơi khác, nhưng Phương Sách không sao nhịn nổi.

Chàng định lên tiếng mắng chửi, thì ba đại hán kia đã từ trên lưng ngựa nhảy xuống, tiến tới trước mặt Lợi Man.

Người đi đầu há to cái mồm đỏ hỏn trông như một chậu máu, cười khì nói:

– Tiểu tử kia, anh em chúng ta là Qua Bích Tam Hồ, từ khi lọt lòng mẹ đến giờ đây là lần đầu tiên được trông thấy nàng đẹp như một vị tiểu nương tử. Lại đây, để ba anh em chúng ta hưởng thụ…

Cả ba tên cùng nhăn mày nháy mắt, trông thật xấu xí, quái đản và từ từ giơ tay ra định rờ mó vào người Lợi Man.

Lợi Man vẫn đứng yên, nhưng đã ngấm ngầm vận công lực để đề phòng.


Lúc ấy Phương Sách thấy thế vừa buồn cười vừa tức giận nhưng chàng vẫn lẳng lặng đứng yên để xem bọn chúng định giở trò gì ra nữa.

Người anh cả của bọn Qua Bích Tam Hồ đi trước, tên y là Đại Hồ Qua Qua Đáp.

Tên thứ hai là Nhị Hồ Mễ Mễ La, còn người đi sau cùng là Tam Hồ Gia Gua A.

Xưa nay bọn chúng vẫn tung hoành ở sa mạc, chuyên cướp bóc bọn khách qua đường và rất hiếu sắc, hễ trông thấy cô gái người Hồi nào là anh em chúng hãm hiếp ngay.

Từ khi lọt lòng mẹ đến giờ, chúng chưa từng được thấy người nào xinh đẹp như Lợi Man, chàng lại tưởng nàng là tiên nữ từ Trung Nguyên tới.

Tam Hồ trông thấy Lợi Man xinh đẹp như vậy liền rõ rãi ngay. Nhưng thấy Lợi Man đeo song câu ở phía sau lưng chúng biết ngay nàng không phải là tay tầm thường, chắc thể nào cũng là một bông hồng có gai.

Tuy vậy, thấy nàng chỉ đi với một thiếu niên, chúng yên chí có thể bắt nạt được.

Hơn nữa lửa dục dồn lên tận mắt khiến chúng quên mất chàng thiếu niên đó lại là một đại sát tinh và đang đứng ở cạnh bên nàng ta.

Đại Hồ Qua Qua Đáp thấy Lợi Man đứng yên không động, nghi ngờ nàng đã sợ hãi mình nên y càng táo bạo thêm, liền giơ bàn tay hộ pháp ra, nhằm ngực nàng chộp tới.

Lợi Man vẫn đứng yên, chờ gan bàn tay trái của đối phương cách chỗ mình chừng ba tấc, thì đột nhiên giơ tay phải lên, dùng hai ngón tay nhằm yếu huyệt ở cổ tay y điểm luôn. Đồng thời, nàng còn giơ chân lên đá nghe “bộp” một tiếng, thân hình của Qua Qua Đáp cao lớn vạm vỡ như thế mà bị đá văng ra ngoài xa hơn hai trượng, chúi đầu xuống cát.

Qua Bích Tam Hồ giật mình kinh hãi, chúng không biết nàng ta đã ra tay như thế nào mà lại đẩy được Đại Hồ bắn ra ngoài xa như thế, nên nhất thời cả ba đều ngẩn người ra.

Qua Qua Đáp biến sắc mặt, đưa mắt ra hiệu cho hai người em, rồi lại tiến lên, cỡi một chiếc cung nhỏ đeo ở ngang lưng ra trông như trò chơi của trẻ con, giương lên, nhằm Lợi Man định bắn.

Lợi Man cười thầm, nghĩ bụng:

“Khí giới này chỉ để dọa nạt những hành khách ở trên bãi sa mạc để cướp tiền bạc thì được, chứ đối phó với ta thì thật là buồn cười…” Nàng vừa nghĩ tới đó đã nghe thấy tiếng kêu “soạt”, ba mũi tên đã nhằm mặt nàng bắn tới.

Nàng vội giơ bàn tay ngọc lên đẩy một cái, đột nhiên có ba tiếng nổ, ba mũi tên ấy bỗng gãy ra làm đôi và có một làn khói trắng tỏa ra.

Nàng vừa ngửi thấy mùi thơm, chưa kịp nghĩ cách đối phó thì người đã mềm nhũn, ngã lăn ra đất ngay.

Nói về võ công của Qua Bích Tam Hồ thì anh em chúng chỉ biết có mấy miếng võ quê mùa cục mịch thôi, nhưng sở dĩ chúng có thể tung hoành được khắp bãi sa mạc, không ai địch nổi là nhờ ở mấy mũi tên có thuốc mê ấy xuất kỳ bất ý tấn công lên người.

Thứ hương mê này là một thứ thuốc đặc biệt sản xuất ở bãi sa mạc, công hiệu rất lớn, hễ người nào ngửi thấy là tinh lực sẽ mất hết ngay. Đã có biết bao nhiêu giang hồ hảo hán với thiếu nữ khuê các đều bị thiệt thòi bởi những mũi tên hương mê này.

Vì quá khinh địch, Lợi Man mới bị thất thế như vậy.

Phương Sách cũng sơ ý nên khi chàng định nhảy tới cứu thì Lợi Man đã bị Đại Hồ ôm ngang lưng, nhảy lên mình ngựa quất roi cho ngựa phón đi ngay.

Phương Sách giật mình kinh hãi, vội giở thần pháp nhanh như điện chớp đuổi theo, nào ngờ đâu bãi sa mạc mênh mông như vậy, chàng đã không sao phân biệt ra được phương hướng.

Lúc ấy bỗng có một luồng gió thổi tới, lôi cuốn cát bụi bay tung lên như một tấm màn cát.

Mới tới sa mạc lần đầu, Phương Sách không biết tiết trời nơi đây, nhất là hai mắt bị cát bụi che lấp, chỉ trong nháy mắt chàng đã không còn thấy tung tích của Tam Hồ đâu hết.

Phương Sách lo âu vô cùng, chỉ ước đoán, phương hướng của đối phương vừa đào tẩu mà giở hết binh sinh công lực ra tung mình nhảy lên như một con chim ưng mà đuổi theo.

Chàng lo âu khôn tả, mồ hôi toát ra như tắm, nghĩ bụng:

“Nếu Lợi man có xuy xuyển chút nào là do ta đã hại nàng…” Nửa giờ đồng hồ sau, chàng đã thấy phía trước có ba đám cát bụi bay tung, lại rảo cẳng đi thêm một quãng nữa. Chàng trông thấy những người cỡi ngựa ở phía trước chính là bọn Qua Bích Tam Hồ, Lợi Man thì bị Đại Hồ cắp ở phía dưới nách. Chàng mừng rỡ khôn tả, bỗng thấy thân hình của Tam Hồ trầm xuống, dường như chúng chạy xuống dưới đèo. Chàng vội đuổi theo, nhưng không thấy hình bóng của Tam Hồ đâu nữa. Chàng vô cùng lo lắng, đưa mắt nhìn xung quanh thấy phía bên trái có một khu rừng và có vết chân ngựa tiến thẳng về phía ấy, nên chàng đoán chắc ba anh em Tam Hồ đã đi vào trong rừng rồi.

Phương Sách không suy nghĩ gì hết, vội tiến thẳng về phía đó để theo dõi vào trong rừng xem sao.

Quả nhiên khu rừng này là nơi có cây cối duy nhất trên bãi sa mạc, ở giữa còn một cái hồ nhỏ.

Hồ ấy tuy không lớn rộng lắm, nhưng nước rất trong. Cây cối trong khu rừng không rậm rạp lắm, nhưng là một chỗ để nghĩ chân bãi sa mạc thì thật rất tốt.

Chàng trông thấy trong khu rừng có bóng người thấp thoáng. Khi tới nơi, chàng rất đổi ngạc nhiên và ngẩn người ra ngay, vì chàng thấy có ba người bị trói treo trên cây, còn ba con ngựa đều bị giết chết dưới chân bọn chúng.

Ba kẻ đó chính là anh em Qua Bích Tam Hồ.

Phương Sách vội nhảy tới trước mặt Đại Hồ, quát hỏi:

– Nàng ta đâu ?

Chàng hỏi luôn mấy câu, không thấy Đại Hồ trả lời, vội định thần nhìn kỹ, mới hay ba anh em chúng mắt đều trợn tròn, mồm há hốc, dường như bị người điểm trúng yếu huyệt câm và tê vậy.

Chàng liền ra tay giải huyệt cho chúng.

Ngờ đâu, khi đụng tay vào người, chàng mới biết cả ba đều lạnh ngắt và đã tắt thở rồi.

Phương Sách thấy thế càng đau lòng và bực mình thêm. Chàng vội khám xét khu rừng đó, tìm kiếm khắp mọi nơi mà vẫn không thấy hình bóng của Lợi Man đâu cả.


Chàng vừa đi quanh tìm kiếm, vừa lớn tiếng kêu gọi, nhưng không thấy nàng trả lời nửa câu.

Phương Sách quay lại anh em Tam Hồ, mới hay chúng đã bị người ta dùng khí công điểm trúng tử huyệt mà chết, nên chàng đoán chắc Lợi Man thế nào cũng được người đó cứu đi rồi.

Nếu người đó cũng lại là một tên ác như anh em Tam Hồ, thì Lợi Man sẽ còn khốn khổ hơn trước.

Chàng tìm kiếm nửa ngày, cho tới lúc mặt trời lặn, người chàng đã mỏi mệt vô cùng.

Ở tron sa mạc mà không tìm thấy một chút tung tích gì thì biết đi đâu mà tìm cho ra Lợi Man ?

Nghĩ đến Lợi Man đối xử với mình, chàng nhận thấy nàng đi với mình không quản ngại ngàn dặm xa xôi để khổ công tìm kiếm danh y, chẳng qua cũng chỉ vì mình mà nàng phải chịu khổ sở, nay lại bị người ta bắt cóc đem đi như thế, chàng không đau lòng sao được ?

Chàng không sao nhịn được, liền ngồi xuống khóc hu hu. Càng khóc, chàng càng cảm thấy đau lòng và nhận hết tội lỗi về phần mình. Chàng chỉ muốn đâm đầu xuống hồ và vĩnh viễn chìm dưới đáy hồ mới yên lòng.

Đang lúc chàng ngồi nhìn mặt nước, bỗng thấy mặt hồ rung động, cả bóng trăng nổi ở trên mặt hồ cũng bị phá tan. Thoạt tiên, chàng tưởng đó là một luồng gió thổi tới, sau thấy nước hồ vẫn đục dần và lại còn có tiếng kêu “xè xè” nữa, chàng rất kinh hãi, vội nhìn thẳng xuống mặt hồ thì đã có kỳ tích xuất hiện ngay.

Chàng thấy nước hồ rẽ ra làm đôi, ở giữa có một chiếc thuyền rất lộng lẫy từ từ nổi lên, trước mũi thuyền có một thiếu nữ rất xinh đẹp đứng sừng sững ở đó, trông không khác gì Hằng Nga tiên nữ ở trên trời giáng xuống vậy.

Lạ nhất là chiếc thuyền nổi lên trên mặt nước mà thân thuyền không bị ướt chút nào, cả quần áo của thiếu nữ nọ cũng vậy.

Chưa nói đã cười, giọng nói như tiếng chim hoàng oanh kêu, khiến ai nghe thấy cũng phải cảm động. Nàng thỏ thẻ hỏi Phương Sách rằng:

– Tại sao người lại khóc lóc như vậy làm chi ?

Phương Sách thấy nàng ta hỏi như vậy, rất hổ thẹn, nhưng vẫn rầu rĩ đáp:

– Tại hạ họ Phương… Thanh Diện Truy Hồn Khuất Nhục Tử, có người sư muội đi cùng với tại hạ bị Qua Bích Tam Hồ bắt cóc tới đây, rồi bỗng mất tích…

Thiếu nữ nọ cứ ngắm nhìn Phương Sách hoài, dường như nàng ta muốn dò xét tâm sự của chàng.

Nàng lại mỉm cười hỏi tiếp:

– Nàng ta chỉ là sư muội của ngươi thôi ư ? Hừ ! Nếu chỉ là sư muội, thì chưa chắc đã làm cho người ta phải đau lòng đến như thế.

Phương Sách mặt đỏ bừng. Chàng rất ngạc nhiên, nghĩ thầm:

“Chẳng lẽ nàng đã biết rõ lai lịch của ta rồi chăng ?” Nghĩ tới đó, chàng vội định thần, trang trọng hỏi lại:

– Nàng ta quả thật là sư muội của tại hạ. Không biết cô nương là ai, có thể cho tại hạ được biết rõ họ tên không ?

Thiếu nữ nọ đáp:

– Tôi tên là Bạch La Sát…

Phương Sách kinh hãi thầm, nghĩ tiếp:

“Một con người xinh đẹp như thế này, sao lại có cái tên hung ác đến như thế !” Dường như thiếu nữ tên là Bạch La Sát ấy đã đoán biết chàng đang nghĩ gì rồi, nên nàng vừa cười vừa nói tiếp:

– Tên tuổi của người ta chỉ dùng để gọi thôi, chứ không phải cái tên đó chứng tỏ bổn cô nương đáng sợ như La Sát đâu. Cũng như ngươi chẳng hạn, chưa chắc ngươi đã là Truy Hồn sứ giả…

Càng nghe càng hoài nghi, Phương Sách cảm thấy thiếu nữ này như đã biết cái tên Thanh Diện Truy Hồn không phải là tên thật của mình, nên chàng ngẩn người ra.

Giây lát sau, chàng mới ấp úng hỏi:

– Bạch… Bạch cô nương, tại hạ xin thỉnh giáo điều này. Sư muội của tại hạ, Thái Y Đoạt Phách Cô Oán Nữ cô…

Không đợi cho chàng nói dứt, Bạch La Sát đã cất tiếng cười lanh lảnh, đỡ lời:

– Khéo xứng đôi thật ! Một người là Thanh Diện Truy Hồn, một người là Thái Y Đoạt Phách.

Thấy đối phương cứ chế nhạo mà không chịu nói đến việc chính, Phương Sách có vẻ bực tức lắm.

Nhưng chàng vẫn phải cố nhẫn nhịn, nghiêm sắc mặt nói:

– Xin cô nương nên nói thẳng vào vấn đề thì hơn. Tại hạ là một kẻ võ phu, không sao hiểu được những lời bí ẩn ấy của cô nương.

Bạch La Sát cũng nghiêm sắc mặt hỏi Phương Sách:

– Bổn cô nương hãy hỏi ngươi câu này trước đã. Hai người không quản ngại ngàn dặm xa xôi tới đây với mục đích gì ?

Phương Sách càng hoài nghi thêm, nghĩ bụng:

“Sao nàng lại biết ta đi xa hàng ngàn dặm tới đây ?” Nghĩ đoạn, chàng hỏi lại rằng:

– Chẳng lẽ cô nương đã trông thấy tại hạ đi từ đâu tới đây, – Cứ xem người vận võ trang Trung Nguyên, quần áo dính đầy bụi bậm như vậy, chẳng phải đã đi xa hàng ngàn dặm tới đây là gì ?

Phương Sách thấy nàng ta nói như vậy cũng phải khen ngợi nàng có một đôi mắt sáng suốt và có bộ Óc thông minh nên chàng thành thật trả lời:

– Vâng, cô nương nói đúng đấy. Tại hạ ra ngoài sa mạc này là để đi tìm kiếm một người.

Bạch La Sát hỏi:

– Người ấy tên là gì ?

Phương Sách đáp:

– Là một vị ẩn thế y thánh.

Bạch La Sát hỏi tiếp:


– Tên họ là gì ?

Phương Sách lắc đầu, đáp:

– Tại hạ không biết rõ tên họ của ông ta.

Bạch La Sát cười ha hả, nói:

– Sao người lại hồ đồ đến như vậy. Không biết tên họ của người ta mà dám đi xa hàng ngàn dặm ra tận đây tìm lại còn để cho người yêu bị thất lạc một cách oan uổng.

Hà ! Thật vừa tội nghiệp, vừa đáng thương…

Phương Sách cau mày lại. Chàng không biết lai lịch của thiếu nữ này ra sao, lòng nóng như thiêu, liền lớn tiếng quát bảo:

– Chẳng lẽ cô nương cũng là người cùng bọn với lũ hồ quái yêu ma chăng ? Xin cảnh cáo cho cô nương biết, muốn cầu lợi với tiểu gia này thì đừng có hòng.

Bạch La Sát vẫn không tức giận gì hết, chỉ tủm tỉm cười, nói tiếp:

– Người này lạ lùng thật, bỗng tự dưng lên tiếng quát mắng người ta như thế, không sợ bị người ta vả vào mồm cho hay sao ?… Này, bổn cô nương hãy hỏi người câu này:

Mặt mũi cô bạn gái của người như thế nào ?

Nói tới câu “bạn gái”, nàng cố ý kéo dài giọng và còn làm mặt xấu để diểu cợt là khác…

Lúc này Phương Sách đã nổi giận thực sự, liền trợn tròn xoe đôi mắt hổ lên, giận dữ quát mắng tiếp:

– Nếu cô nương còn trả lời một cách không đứng đắn, thì đừng có trách tiểu gia này độc ác…

Bỗng từ trong khoang thuyền có tiếng quát bảo vọng ra:

– Mai nhi nói bông nói đùa gì thế ? Lớn như vậy mà vẫn không đứng đắn chút nào.

Nghe giọng nói khàn khàn, Phương Sách đoán chắc người trong khoang thuyền đó thế nào cũng là một bà cụ già.

Bạch La Sát quay đầu nhìn về phía khoang thuyền, vừa cười vừa đáp:

– Thưa mẹ, có một kẻ hồ đồ tới đây, bảo tìm kiếm người nhưng lại không biết tên họ của người ấy. Mẹ bảo như vậy có tức cười không ?

Phương Sách nghe nàng ta nói như vậy, thật là giở khóc giở cười. Bà cụ Ở trong khoang thuyền lại lên tiếng.

– Con hãy đưa y tới trước mặt cha, để cha hỏi y xem sao.

Bạch La Sát quay lại vẫy tay gọi.

Phương Sách có vẻ chần chừ, không dám bước chân xuống dưới thuyền ấy. Bạch La Sát thấy vậy lại cất tiếng cười ha hả, nói:

– Bảo người là kẻ hồ đồ, người lại không chịu nhìn nhận. Cha tôi ít khi tiếp kiến người ngoài, nay mẹ tôi đã nói như vậy, cha tôi mới phải tiếp người. Vậy người còn sợ gì nữa ?

Phương Sách không muốn cãi vã với nàng ta, liền nhìn vào trong khoang thuyền, lớn tiếng hỏi:

– Trong khoang là vị tiền bối nào thế ? Tại hạ là Thanh Diện Truy Hồn, xin mạn phép vào yết kiến.

Dứt lời, chàng chấp tay vái một lạy. Trong khoang thuyền liền có tiếng người nói vọng ra:

– Ngươi cứ việc xuống thuyền đi. Còn kẻ mà hiện ngươi đang đi tìm kiếm hiện đang ở dưới hồ.

Phương Sách cả mừng, tưởng Lợi Man đã được những người này cứu giúp cho nên chàng phi thân ngay xuống chỗ đầu mũi thuyền.

Bạch La Sát vén tấm rèm cửa khoang lên, chỉ tay vào bên trong, bảo chàng cứ việc tiến vào.

Phương Sách nhìn vào bên trong, thấy một bà cụ đầu tóc bạc phơ, hai mắt đã mù, đang chắp tay vái mình, chàng vội quỳ ngay xuống vái lạy.

Bạch La sát khẽ vỗ vào mông chàng một cái, liền có một luồng tiềm thủy lực đẩy ngay chàng vào tron khoang.

Thân thuyền tròng trành một chút rồi từ từ chìm xuống nước luôn.

Lạ thật, nước hồ ở quanh thuyền chứ không sao lọt vào trong khoang được. Giữa khoang có một hạt châu to bằng trái đấm, ánh sáng chiếu ra chói lọi.

Lúc này chàng mới vở lẻ, biết hạt châu đó là Ty Thủy Minh Châu, nên nước mới không vào trong thuyền được.

Cũng không rõ thuyền chìm xuống sâu bao nhiêu, bỗng thấy thân thuyền vừa ngừng lại, chàng đã thấy yếu huyệt ở ngang lưng bị người ta điểm trúng, liền ngã ra chết giấc.

Khi tĩnh lại, chàng thấy đang ở trong một căn thạch thất bên tai còn nghe thấy tiếng nước kêu róc rách, mũi ngửi thấy mùi thơm.

Chàng đưa mắt liếc nhìn xung quanh, thấy căn thạch thất ấy khá lớn rộng. Giữa gian thạch thất có treo một hạt minh châu màu lam khiến căn phòng sáng như ban ngày. Chàng thấy một người ngồi ở sau một bàn đá. Kẻ đó chính là Bạch La Sát.

Phương Sách vừa đứng dậy thì Bạch La Sát đã cười hi hí, chỉ tay vào góc tường hỏi:

– Người nào kia ?

Phương Sách vội nhìn theo về phía đó, liền giật mình kinh hãi, trong lòng vô cùng mừng rỡ.

Thì ra ở chỗ góc tường đang có một người bị trói vào một trụ đá. Người ấy chính là Lợi Man đã bị Tam Hồ bắt cóc đem đi mất tích.

Chàng vội chạy lại, nhưng phía sau đã có một giọng khàn khàn quát bảo:

– Nghiệt súc ! Có mau quỳ xuống không ?

Phương Sách quay đầu lại nhìn, hoảng sợ đến toát mồ hôi lạnh ra, vội quỳ xuống ngay.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.