Đọc truyện Giang Đông Song Bích – Chương 5: Giao tranh
Editor: Vện
Chu Du đi rất chậm, dưới mưa thu mịt mùng lại nhớ phụ thân ở Lạc Dương năm xưa quen biết không ít quan lớn quý nhân, biết đâu có thể viết được phong thư… Nhưng Đổng Trác vào kinh, triều cục hỗn loạn, mọi người khó giữ thân mình, còn hơi đâu đi giúp người khác?
Lưng chừng sườn núi, trời bắt đầu xẩm tối, Chu Du chần chừ một lát, gõ cửa chùa.
“Trí Tĩnh đại sư.” Chu Du nói, “Cho mượn cái đèn lồng.”
Cổng tre “cọt kẹt” mở ra, một tiểu tăng nói, “Đại sư mời Chu Lang vào uống chén trà cho ấm mình.”
Chu Du cười nói, “Người khác thì thôi, sao cả ngươi cũng theo gọi Chu Lang Chu Lang?” Nói rồi lại véo mặt tiểu tăng, gác cần câu bên cạnh, tháo mũ, bước vào chùa.
Một lão hòa thượng đang nghiền bánh trà, mày bạc râu trắng, rũ mắt, Chu Du vào cũng không nói tiếng nào, ngồi xuống hành lang lất phất mưa. Khi cha còn sống vẫn thường đến Cô Sơn chơi cờ với lão hòa thượng Trí Tĩnh trong ngôi chùa lưng chừng núi này. Sau khi Chu Dị qua đời, Chu Du thường xuyên đến thăm lão, khi đến hai tay trống trơn, cũng không nói chuyện, lão hòa thượng tu đạo á thiền, tức lời ít ý nhiều, gần như chưa bao giờ mở miệng, thi thoảng chỉ đánh mắt nhìn đã hiểu, không duyên thì chẳng thể lĩnh hội thôi.
Nước trà nóng rót vào chén Chu Du, núi rừng tĩnh mịch, chỉ vang tiếng lá tùng xào xạc. Xưa nay Chu Du thích nhất nơi này, vì có thể nói thoải mái, cũng có thể chẳng cần mở miệng nói gì. Thích nói thì nói, không thích thì ngồi ngẩn người uống trà.
“Sao đại sư biết hôm nay ta đến mà chuẩn bị sẵn cái chén vậy?” Chu Du suy nghĩ, tự trả lời, “Phải rồi, hẳn là có Lỗ Tử Kính đến trước một bước rồi.”
“Hai người cán không rời cân, cân không rời cán.” Tiểu tăng tiến lên, cười nói, “Trước đó Lỗ công tử cũng đến đây uống trà, chén của Chu Lang chính là chén trà hắn đã dùng, vừa khéo ta cũng chưa rửa chén, đỡ mất công.”
Trí Tĩnh đưa chén cho Chu Du, Chu Du nhận bằng hai tay. Tiểu tăng ra hành lang, kéo cửa giấy, tiếng kẽo kẹt nặng nề vang lên, Chu Du cùng Trí Tĩnh ngồi giữa ánh vàng ấm áp, hai chiếc bóng đổ dài.
“Vẫn chưa có tin tức gì của đội thương buôn.” Chu Du thở dài, “Nếu phụ thân còn làm quan ở Lạc Dương, không chừng huyện Thư sẽ không hoảng loạn như vậy.”
Trí Tĩnh chỉ nghe Chu Du nói, không tỏ thái độ, nhấc ấm thêm trà vào chén Chu Du. Chu Du lại nói, “Du tự biết mình thua kém tiên phụ quá nhiều…”
Bóng người lay động, ngữ điệu đượm vẻ tự trách, “Không thể chăm lo cho gia mẫu và người khác.”
Gió lùa qua sông núi, ngàn vạn cây tùng rung rinh. Trí Tĩnh châm ba chén trà thượng đẳng, Chu Du uống, im lặng một lát, lại nói, “Đại sư, ta nghĩ, mấy hôm nữa liệu có nên đến Lạc Dương một chuyến.”
Trí Tĩnh thoáng nhìn Chu Du, tiểu tăng mở cửa giấy, cung kính nói, “Chu công tử nên xuống núi thôi, trời tối rồi.”
Nói rồi tiểu tăng xoay người đi lấy đồ, Chu Du đặt chén xuống bàn, trầm ngâm giây lát, do dự nói, “Nhưng ta chỉ là hạng tầm thường, chưa lên Hiếu liêm, ở kinh thành không quyền cũng không thế. Mẹ già ở nhà thu đến sợ lạnh, thật sự khiến ta… không yên lòng… Haiz!”
Tiểu tăng đi đến, tay trái cầm một túi thảo dược, tay phải cầm đèn lồng, nói, “Số thuốc này là cho lão phu nhân, mời Chu công tử.”
Chu Du cất túi thuốc vào ngực, nói với tiểu tăng, “Không cần tiễn, ta về đây.”
Trí Tĩnh đại sư ra hành lang, xỏ guốc gỗ, nhận đèn lồng của tiểu tăng, làm động tác mời, muốn đích thân đưa Chu Du xuống núi.
Chu Du suy nghĩ, chợt hiểu có lẽ hôm nay Trí Tĩnh muốn thốt lời vàng ngọc nói gì đó với mình. Dù sao đi nữa, ngôi chùa trên Cô Sơn này rất hiếm khi có khách, mặc kệ là quan lớn quý nhân hay quý tộc địa phương cũng đều bị Trí Tĩnh cự tuyệt ngoài cửa. Văn sĩ nổi danh thiên hạ cũng chưa từng được ông lão thanh tu á thiền này tự mình đưa ra cửa, đây chính là lần phá lệ đầu tiên.
“Mời đại sư.” Chu Du vội khom người nói.
Vạt áo tăng trắng toát của Trí Tĩnh tung bay trong gió thu, đốt đèn lồng, đi phía trước, mưa phùn như bụi bay đầy trời. Chu Du yên lặng theo sau.
Sơn đạo tối om một màu, chỉ có ánh sáng lờ mờ từ đèn lồng của Trí Tĩnh. Chu Du ngẫm nghĩ một lúc, rốt cuộc không nhịn được lên tiếng, “Đại sư có gì muốn nói à?”
Nhưng Trí Tĩnh không dừng chân, ánh đèn lồng hắt bóng hai người lên vách núi, rọi sáng rừng tùng, soi con đường mòn tối tăm, đưa Chu Du xuống chân núi, cách huyện Thư không xa.
Trí Tĩnh giao đèn lồng vào tay Chu Du, Chu Du ngơ ngác. Ngay sau đó, Trí Tĩnh chắp tay trước ngực, hành lễ với Chu Du.
“Đại sư…”
Trí Tĩnh làm một động tác ngoài dự đoán của Chu Du, lão vái chào theo lễ thiền, quỳ xuống làm đại lễ với Chu Du.
“Đại sư!” Chu Du nhất thời luống cuống, muốn quỳ xuống trả lễ. Trí Tĩnh lại đứng dậy, xoay người, vạt áo tăng phơ phất, rời đi ngay, không nhìn Chu Du lấy một lần.
Chu Du tay cầm đèn lồng đứng dưới núi, vô vàn suy nghĩ lướt qua trong thoáng chốc. Ý của Trí Tĩnh là… muốn hắn đi xa, hay có thâm ý gì khác?
Mãi đến khi trời trở lạnh, Chu Du mới xách đèn, chậm rãi nhấc bước về nhà. Vừa vào nhà đã có người hầu tiếp đón, ai nấy lo lắng chờ thiếu gia đến hơn nửa đêm, cả phủ luống cuống nhóm lò sưởi bưng trà gừng.
Chu Du mắt điếc tai ngơ, đổi một thân y phục sạch sẽ vào phòng mới thấy mẹ Chu bước ra, khiển trách, “Con đi đâu hơn nửa ngày làm cả nhà lo muốn chết.”
Chu Du bẻ miếng bánh đút cho cắt trắng, nói, “Lên núi một lát.”
“Gặp lão hòa thượng Trí Tĩnh à?” Mẹ Chu hỏi.
Chu Du gật đầu, mẹ Chu ngồi xuống đối diện con trai, mẹ con hai người cách cái bàn thấp. Chu Du lại nói, “Thư của Bá Phù cũng đến.”
Mẹ Chu đọc một lần, nói, “Thật vất vả cho nó, suốt ngày bôn ba vì con, quả là tri kỷ.”
Chu Du nói, “Bá Phù đã tra xét nhưng không có tin tức, hơn phân nửa là y cũng không có cách nào.”
Mẹ Chu lại thở dài, giữa đôi mày hằn vẻ âu lo. Chu Du lấy túi thuốc ra, nói, “Con có hàn huyên với Trí Tĩnh một lát.”
“Năm đó phụ thân con còn sống…” Mẹ Chu thổn thức, “Lão hòa thượng ấy rất tốt với con, lúc còn chưa á thiền đã nói tương lai con thành đạt khi vắng bóng phụ thân.”
Chu Du hơi dao động, cũng không dám đón ánh mắt mẫu thân. Mẹ Chu thấy túi thuốc, lại hỏi, “Đây là cái gì?”
“Trí Tĩnh đại sư bốc thuốc cho mẹ.” Chu Du mở túi. Mẹ Chu nhìn thoáng qua, nói, “Sao lại cho thuốc? Mẹ đâu có bị bệnh.”
Chu Du cũng thấy kỳ quái, trong túi nhỏ chỉ có vài loại dược liệu, bèn kiểm tra dưới ánh nến. Mẹ Chu hỏi, “Đây chẳng phải là vương bất lưu hành à?”
Chu Du trầm mặc, trong nháy mắt, hắn đã hiểu ý của Trí Tĩnh đại sư.
Một túi giấy, ba loại thảo dược: tri mẫu, viễn chí, vương bất lưu hành.
“Vương bất lưu hành à…” Chu Du lẩm bẩm.
Mẹ Chu không hiểu ý nghĩa số thảo dược, càng không biết đại lễ dưới núi của Trí Tĩnh là đưa tiễn Chu Du, xin hắn hãy đến Lạc Dương trị thế an dân, cứu lấy muôn dân trăm họ. Mẹ Chu nhìn ra hành lang, gọi, “Du Nhi.”
“Vâng… vâng.” Chu Du ngẩng đầu nhìn mẫu thân.
Mẹ Chu nói, “Con còn muốn ở nhà với mẹ già đến khi nào nữa đây?”
Chu Du, “Mẹ, con lo mẹ…”
“Mấy ngày qua…” Mẹ Chu ngắt lời Chu Du, “Mẹ thường suy nghĩ, không biết có nên sắp xếp cho con một mối hôn nhân, để con an tâm định cư tại huyện Thư, trông coi cửa hàng tơ lụa, lấy vợ sinh con? Hay là làm theo di ngôn của phụ thân con, đốc thúc con bình định thiên hạ? Không biết phải làm sao mới tốt.”
Vành mắt Chu Du đỏ ửng.
“Năm đó…” Mẹ Chu nói, “Mẹ hỏi con có muốn theo Bá Phù đến Trường Sa hay không, con nói không dứt được chuyện nhà, chưa hết ba năm chưa bỏ áo tang. Nhưng mẹ biết, trong lòng con sao lại không muốn cho được.”
Chu Du không lên tiếng, mẹ Chu lại nói, “Bây giờ chuyện làm ăn cũng đứt đoạn, theo mẹ thấy thì nên đóng cửa thôi. Cứ trì hoãn như vậy, không lẽ chôn vùi tuổi trẻ của con ở đây mãi sao.”
“Khi còn sống phụ thân cho con đọc sách không phải để con chôn chân ở huyện Thư.” Mẹ Chu đứng dậy, “Không cần phải lo cho mẹ, con thích làm gì thì hãy làm đi.”
Chu Du ngẩng đầu nhìn mẫu thân bước đi.
Đêm khuya, Chu Du quỳ trong phòng, trịnh trọng dập đầu lạy ba lạy với phòng mẫu thân.
Bóng mẹ Chu in trên cửa sổ, sau khi Chu Du rời đi, cửa “kẽo kẹt” mở ra.
Mấy ngày sau, non núi phủ mờ sương, Chu Du đeo kiếm, vác một bọc hành lý, cưỡi ngựa, cùng Lỗ Túc chạy dọc hồ Sào, tiến vào Cô Sơn.
“Tử Kính! Không cần tiễn nữa!” Chu Du ghìm ngựa, quay đầu nói với Lỗ Túc, “Ta đến Lạc Dương trước thăm dò tình hình, huynh về đi!”
Lỗ Túc nói, “Rồi rồi, ta về báo một tiếng rồi mới đi với ngươi. Nhìn sao cũng thấy ngươi giống chó hoang, cảm giác cứ sai sai.”
Chu Du cười nói, “Lúc ta không có mặt, xin nhờ huynh chăm sóc mẹ ta.”
Lỗ Túc nhướn mày, “Đi được chưa đây?”
Chu Du cười xua tay, Lỗ Túc cười nhạo, “Đi gặp Bá Phù của ngươi đi, hoa nở trên mặt rồi kìa.”
Chu Du nhận ra mình biểu hiện quá rõ, thích thú trầm mặt xuống, nghiêm túc nói, “Nói nghiêm chỉnh, ta chỉ là đến Lạc Dương thăm dò tin…”
“Biến nhanh đi.” Lỗ Túc nói, “Khỏi giải thích, mặt trời sắp xuống núi rồi.”
Chu Du, “…”
Lỗ Túc ném qua một cái túi nặng trịch, nói, “Cầm theo bên người!” Nói rồi quay đầu ngựa, trước lúc chia tay lại nhớ ra gì đó, nói, “Gặp Bá Phù thì thay ta chào một câu.”
Chu Du lại gọi, “Tử Kính!”
Lỗ Túc quay lưng với Chu Du, hơi nghiêng đầu. Chu Du lại nói, “Nói với người nhà đội buôn để họ yên tâm, ta đi đây.”
Lỗ Túc nghiêm túc nói, “Bình an trở về, phải chăm sóc bản thân.”
“Sa!”
“Sa!”
Hai người cưỡi ngựa lao đi, một về huyện Thư, một đến Cô Sơn, giữa sương mù mông lung, cách biệt đôi đường.
“Sa!” Âm thanh Chu Du toát sự hưng phấn khó kiềm, chạy xuyên Cô Sơn.
“Sa!” Trời thu vời vợi, lá vàng chao liệng. Dõi mắt nhìn, lá rụng hai bên quan đạo như bức màn trùm khắp đất trời. Ruộng đồng phủ một màu vàng óng, như tấm thảm dệt trải dài đến tận cùng.
“Sa!” Nghìn núi trăm sông, ra Dương Châu, đến Lư Giang. Một sáng nhiều ngày sau, Chu Du chờ đò bên bờ sông cuộn sóng, sau khi qua bờ cũng không dừng chân, phóng thẳng đến phía Bắc quận Hạ Bi, chạy theo hướng Tây. Khoảng cách càng gần, cỏ dại ven đường càng um tùm, ruộng đất bỏ hoang càng nhiều.
Mấy ngày sau, Chu Du ăn ngủ ngoài trời cúi người múc nước suối rửa mặt súc miệng, bỗng thấy một thi thể trôi theo dòng nước, người đầy vết chém.
Chu Du trầm mặc chốc lát, lại thấy một thi thể nữa trôi xuống.
Hắn đổ nước trong túi xuống suối, nắm chuôi kiếm, dắt ngựa đi lên phía trước mấy dặm, thấy hai bên quan đạo là chó gặm xác chết, con nào con nấy gầy trơ xương.
“Học y? Hành y tế thế?”
Lời phụ thân văng vẳng bên tai.
“Chỉ sợ cứu được người, không cứu được thế gian.”
“Học văn đi, làm một văn sĩ.”
“Lúc đó con trị là trị thế, cứu là cứu đời.”
Khi còn bé Chu Du không hiểu, quay đầu nhìn Lạc Dương phồn hoa, Dương Châu sầm uất, sáo trúc vang xa, đèn hoa vạn chiếc.
“Con thấy những thứ này, cái kia, cái đó nữa… chẳng phải đều rất tốt sao?” Chu Du bé ngây thơ hỏi.
“Sau này lớn con sẽ hiểu.” Chu Dị vuốt râu thở dài, bất đắc dĩ lắc đầu.
Năm nay Đổng Trác vào kinh, thiên hạ gặp nạn đói, người chết đói khắp nơi, xác chết la liệt. Trước mắt khung cảnh thê lương, Chu Du không còn nỗi hào hứng lúc mới rời nhà, trong lòng chỉ thấy ngột ngạt nặng nề, dâng lên nỗi bức bách không tên. Nhớ năm xưa còn nhỏ, cùng phụ thân lên kinh, quận Hoằng Nông nào có điêu tàn thế này.
Nhìn lại còn chưa đến mười năm, sao đã thành như vậy? Chu Du cưỡi ngựa chạy trên quan đạo, tâm trạng rối bời, khung cảnh xa lạ này không còn là Hoằng Nông hắn từng biết nữa. Đi qua thôn trấn tám năm trước hắn cùng phụ thân từng nghỉ chân, nay cháy đen một mảnh, vườn không nhà trống.
Phải mau chóng tìm quân đội của Tôn Sách, rốt cuộc Chu Du đã ý thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc, liền thúc ngựa chạy nhanh về hướng Tây, phải tìm được Tôn Sách trước khi trời tối. Nhưng vừa qua đỉnh núi đã nghe tiếng chém giết từ xa truyền đến.
Hoàng hôn, dòng suối đỏ thẫm màu máu, chấn động lòng người. Chu Du cả kinh, dòng nước đã bị nhuộm thành màu tím đen, hiển nhiên đã đánh gần một ngày.
Trên chiến trường, một phe mặc giáp đen, phe kia giáp trắng tua đỏ, hai bên đánh nhau kịch liệt, giáp trắng đã vấy bẩn, quân giáp đen cầm trường đao vung vẩy, ép quân giáp trắng lùi về bờ suối. Chu Du mấy lần muốn tiến lên, rồi lại kiêng kỵ thế lực đối phương, đơn độc xông vào e sẽ gặp nguy hiểm.
Nhìn sao cũng không thấy cờ chiến đối phương, Chu Du giục ngựa chạy vòng ngoài tìm cờ hai phe. Quân giáp trắng bị giết máu chảy thành sông, đã bị dồn vào suối. Quân giáp đen thay đổi trận hình, đều răm rắp, đúng là đã được huấn luyện nghiêm chỉnh, quan sát toàn bộ chiến trận, thấp thoáng thấy một quân tiên phong điều động mấy nghìn người.
Không mang cờ, nhưng ai cũng biết chủ soái ở đâu. Chu Du chưa từng thấy đội quân nào mạnh như vậy, hắn không do dự nữa, giục ngựa phóng đi.
Ngay khoảnh khắc đó, quân giáp trắng phản kích, binh lính xông lên hô giết. Chu Du nghe khẩu âm có vẻ là người phương Bắc, chiến mã nào phải ngựa tầm thường, lập tức rút ngắn khoảng cách. Đối phương hiển nhiên không định tha cho hắn, huy động hơn mười người đuổi theo.
Chu Du không ngừng kêu khổ, đuổi theo ta làm gì! Hắn quay đầu ngựa, lao đến hướng quân giáp đen, hai bên say sưa chém giết, không ngờ có người giữa chừng xông ra, sắc trời lại tối, tình hình vô cùng hỗn loạn.
“Tên kia là ai?” Thống soái quân giáp đen vóc người cao to, hai chân kẹp bụng ngựa, vung trường kích chém người, vô tình quay đầu thì phát hiện có người phá trận. Thuộc hạ hô to, “Chủ công! Không biết lai lịch người kia!”
“Rút!” Thống soái quát.
Quân giáp đen lùi về như thủy triều, quân giáp trắng thì uốn lượn như rắn, bám sát Chu Du không tha, Chu Du hết sức bất đắc dĩ, vừa phi nước đại vừa rút trường kiếm, “xoẹt” một tiếng, cổ kiếm Xích Quân ma sát vỏ kiếm tạo âm thanh chấn động, vang vọng khắp khe núi, như tiếng rồng gầm giữa trời quang!
“Kiếm tốt!” Thống soái phấn khích hô to.
Chu Du không có thời gian trả lời, một lính giáp trắng đã đuổi sát phía sau, vung thương! Chu Du gập người luồn qua bụng ngựa, nhanh chóng ngồi lại yên, cổ kiếm tỏa ánh sáng lạnh lẽo, chẻ đầu thương thành hai nửa!
“Hay!” Quân giáp đen vỗ tay như sấm, trán Chu Du mướt mồ hôi, thấy tướng sĩ giáp trắng đã bắt kịp, trường thương chặn hết đường lui của hắn. Chu Du phi thân, vạt áo phất bay, trường kiếm quét ngang, hắn xoay một vòng giữa không trung, kiếm vung một đường gọn gàng, quét bay mấy đầu người, một chân đạp đầu ngựa, lưu loát nhảy trở về.
Chiến mã hí dài, chồm lên tung vó, bóng Chu Du vút qua, lập tức tách ra.
Ngay khi Chu Du thoát khỏi vòng vây, trước mấy chục bước lại xuất hiện một người.
Thống soái quân giáp đen cao to kia đẩy nón sắt lên, hai mắt sắc bén, giắt trường kích ra sau lưng, lấy cung tên, quát, “Lui!”
Trong nháy mắt, quân giáp đen thụt lùi như đàn kiến, trong mắt Chu Du phản chiếu dáng người cao to dũng mãnh dưới ánh chiều tà đỏ thẫm, đầu tên lóe sáng.
Cùng lúc đó, tướng sĩ giáp trắng lại xông lên, tên bắn như mưa, Chu Du dù có phân thân thành trăm vạn cũng không thể tránh được, đành mặc cho số phận, nằm sấp trên lưng ngựa, nhắm chặt hai mắt.
Hai bên đồng loạt bắn tên, thống soái giáp đen giương cung, gác tên, bắn liên tục, tên lao vút như cái bóng, mũi thứ nhất bắn về phía Chu Du, xẻ mũi tên hướng về phía hắn làm hai, phát thứ hai bắn rụng truy binh sau lưng Chu Du, mũi thứ ba, thứ tư phân ra như mưa tên, thoáng chốc đã quét sạch quân giáp trắng bao vây Chu Du.
Quân giáp đen hô một tiếng, tàn sát như dời non lấp biển. Quân giáp trắng thế đã bại, không còn sức chống cự, hai bên lao vào đánh lượt cuối cùng. Chu Du bị vờn qua vờn lại giữa hai phe, cực lực khống chế ngựa, lưng áo thấm ướt mồ hôi, một cánh tay mạnh mẽ vươn ra nắm lấy hắn.
“Thư sinh chạy ra đây làm gì?” Ngữ khí lạnh lùng, ngờ ngợ nhận ra là giọng của thống soái kia, Chu Du liều mình giãy dụa, hô, “Tướng quân hạ thủ lưu tình! Ta là…”
Chưa nói xong, thống soái đã tiện tay đập một phát vào cổ Chu Du. Trước mắt Chu Du tối sầm, ngã khỏi lưng ngựa, ngất xỉu. Thống soái giáp đen đặt Chu Du lên ngựa mình, quát, “Các anh em, lui quân!”
Lệnh phát, thu binh, quân giáp trắng đã rút vào núi, không đánh tiếp được nữa, quân giáp đen đánh chưa đã tay rượt theo sau, miệng mắng cứ mắng, tên bay cứ bay.