Giải Mật

Chương 15


Đọc truyện Giải Mật – Chương 15

Đúng là anh đến để đưa Kim Trân đi.

Vào dịp hè hàng năm, trường đại học N vẫn có những người đến tuyển người, nhưng anh là người độc nhất vô nhị. Anh là người của một đơn vị cỡ lớn, đến rất bí mật, đến là vào ngay phòng Hiệu trưởng. Văn phòng Hiệu trưởng không có ai, anh sang văn phòng của Chánh văn phòng nhà trường ngay kế bên, lúc ấy hiệu trưởng đang ở đấy bàn công chuyện với ông Chánh văn phòng. Anh vào, bảo cần gặp Hiệu trưởng, ông Chánh văn phòng hỏi anh là ai. Anh nửa đùa nửa thật, nói: “Đến tuyển người!”

Ông chánh văn phòng nói: “Vậy anh đến phòng sinh viên.”

Anh nói: “Tôi cần gặp Hiệu trưởng trước.”

Ông Chánh văn phòng: “Có việc gì?”

Anh nói: “Tôi có cái này, muốn cho ông Hiệu trưởng xem.”

Chánh văn phòng: “Cái gì thế, tôi xem nào.”

“Ông có phải Hiệu trưởng không? Chỉ Hiệu trưởng mới được xem.” Anh nói rất kiên quyết.

Ông Chánh văn phòng nhìn ông Hiệu trưởng, ông Hiệu trưởng hỏi: “Cái gì thế, đưa tôi xem.”

Biết chắc đấy là Hiệu trưởng, anh mới mở xà cột, lấy ra một cặp tài liệu, cái cặp rất thông dụng, cặp làm bằng bìa cứng, hầu hết các thầy giáo đều có. Anh lấy một tờ công văn, đưa cho ông Hiệu trưởng, yêu cầu ông đọc.

Ông Hiệu trưởng tiếp nhận tờ công văn, lùi lại vài bước và đọc. Ông Chánh văn phòng chỉ có thể thấy mặt sau của văn thư, tờ giấy không lớn, không cứng, cũng chẳng có trang trí đặc biệt, không khác gì những giấy giới thiệu thông thường. Nhưng nhìn phản ứng của ông Hiệu trưởng, vẻ khác biệt khá lớn. Anh chú ý, ông Hiệu trưởng chừng như chỉ lướt qua, có thể ông thấy con dấu đóng ở góc bên phải, vẻ mặt lập tức trở nên nghiêm túc và thận trọng.


“Anh là Trịnh, Trưởng phòng à?”

“Đúng vậy.”

“Xin lỗi, tôi không biết.”

Ông Hiệu trưởng nhiệt tình mời anh ta sang phòng của mình.

Không ai biết đấy là công văn của cơ quan nào mà có phong độ như vậy, khiến ông Hiệu trưởng phải kính nể. Ông Chánh văn phòng nhà trường cần phải biết bí mật, vì nhà trường quy định tất cả các công văn của các nơi gửi đến đều do văn phòng giữ. Về sau, ông không thấy ông Hiệu trưởng giao lại công văn kia, một hôm ông hỏi, ông Hiệu trưởng bảo đốt đi rồi. Ông Hiệu trưởng nói: câu đầu tiên của công văn kia viết: đọc xong phải đốt ngay. Ông chánh văn phòng cảm thán: rất bí mật hay sao? Ông Hiệu trưởng nói: quên chuyện ấy đi, đừng nói lại với ai.

Sự thật thì, ông Hiệu trưởng đưa Trịnh Thọt về văn phòng của mình, tay anh đã cầm sẵn bao diêm, chờ ông Hiệu trưởng đọc xong, anh quẹt diêm, nói với ông Hiệu trưởng:

“Tôi đốt đi nhé?”

“Ừ, đốt đi.”

Vậy là đốt.

Hai người ngồi không nói gì nhiều, chỉ lặng lẽ nhìn ngọn lửa thiêu tờ giấy thành tro.

Tờ giấy cháy hết, ông Hiệu trưởng hỏi: “Anh cần bao nhiêu người?”


Anh đưa một ngón tay ra: “Một người.”

Ông Hiệu trưởng hỏi: “Chuyên ngành nào?”

Anh lại mở cặp hồ sơ, lấy ra một tờ giấy, nói: “Đây là suy nghĩ và yêu cầu của tôi về người tôi cần, không nhất thiết toàn diện, đây chỉ là tham khảo”.

Tờ giấy lớn bằng tờ công văn vừa rồi, giấy khổ A4, không đóng dấu, không phải chữ in, mà là viết tay. Ông Hiệu trưởng nhìn lướt qua, hỏi:

“Tờ giấy này đọc xong cũng đốt ngay à?”

“Không.” Anh cười: “Ông cho đây là bí mật hay sao?”

“Tôi chưa kịp nhìn.” Ông Hiệu trưởng nói: “Không biết có gì bí mật không.”

“Không có gì bí mật.” Anh nói: “Ông có thể đưa cho những người có liên quan hay sinh viên xem, ai cảm thấy thích hợp thì đến gặp tôi, tôi ở ngay trong chiêu đãi sở của trường, phòng số 302, gặp vào lúc nào cũng được.”

Ngay tối hôm ấy, có hai sinh viên giỏi của khoa toán được nhà trường đưa đến phòng số 302. Sau đấy phòng 302 liên tiếp có người ra vào, đến chiều ngày thứ ba có đến hai mươi hai sinh viên do nhà trường giới thiệu hoặc tự đến phòng số 302 để gặp Trịnh Thọt bí ẩn. Những sinh viên này phần đông thuộc khoa toán, trong đó có bảy nghiên cứu sinh trong số chín người thuộc khoá thứ hai nhà trường mới tuyển chọn, cá biệt có những sinh viên chuyên ngành toán của các khoa khác. Tóm lại, khả năng toán học là điều kiện thứ nhất để Trịnh Thọt tuyển chọn, chừng như đây cũng là điều kiện duy nhất. Nhưng, những người sau khi đến gặp đều nói chuyện vớ vẩn, ai cũng nghi ngờ tính nghiêm túc, chân thật của sự việc. Nói đến bản thân Trịnh Thọt, thậm chí mọi người nghiến răng nghiến lợi chửi anh ta là kẻ thần kinh, chân thọt cộng thêm thần kinh. Một nửa trong số đó sau khi vào phòng anh ở, anh không thèm ngó ngàng, họ đứng hoặc ngồi ngẩn ngơ hồi lâu, anh xua tay bảo họ về. Giáo sư Quan của khoa toán được sinh viên phản ánh, ông đến chiêu đãi sở trực tiếp hỏi Trịnh Thọt cho ra nhẽ, người đến chưa hỏi chưa nói gì đã bị xua đuổi, câu trả lời nhận được là: đấy là cách làm việc của tôi.

Trịnh Thọt nói: “Mèo có lối đi của mèo, chó có lối đi của chó, huấn luyện viên thể dục dựa vào xương cốt chọn vận động viên, tôi chọn người có tố chất tâm lí vững vàng. Có người thấy tôi không để mắt đến, người ấy tỏ ra không tự nhiên, đứng ngồi không yên, bối rối, tôi không cần những người có tố chất tâm lí như thế.”


Giọng nói nghe hay hơn hát, thật hay giả chỉ một mình anh ta biết.

Buổi chiều hôm thứ ba, Trịnh Thọt mời ông Hiệu trưởng đến chiêu đãi sở để nói về tình hình tuyển người lần này, cảm giác chung là không lí tưởng, nhưng cũng không phải không có hi vọng. Anh đưa cho ông Hiệu trưởng danh sách năm trong số hai mươi hai người mà ông đã gặp, muốn xem hồ sơ lí lịch của những người ấy, có thể người mà anh ta sẽ chọn là một trong số năm người này. Ông Hiệu trưởng thấy công việc đã đi đến hồi kết, lại nghe nói anh ta ngày mai sẽ đi, nên ông ở lại ăn bữa cơm thường với anh tại chiêu đãi sở nhà trường. Đang ăn, Trịnh Thọt như sực nhớ ra điều gì, hỏi ông Hiệu trưởng về ông Lily Hiệu trưởng cũ, ông Hiệu trưởng nói:

“Nếu ông cần gặp ông Hiệu trưởng cũ, tôi sẽ mời ông ấy đến.”

Trịnh Thọt nói: “Làm gì có chuyện ông ấy đến gặp tôi, mà phải là tôi đến gặp ông ấy.”

Tối hôm ấy, Trịnh Thọt đi gặp ông Lily.

(Ghi theo lời kể của thầy Dung)

Hôm ấy tôi xuống mở cửa cho anh ta, tôi không quen mà cũng không biết anh ta là con người bí ẩn đã hai hôm nay trong khoa vẫn kháo nhau. Lúc đầu cha cũng không biết, nhưng tôi đã nói với cha về chuyện có người đang đảo lộn cả khoa. Sau đấy cha biết đấy là con người bí ẩn kia, cha gọi tôi vào, giới thiệu với anh ta. Lúc ấy tôi rất hiếu kì, hỏi anh ấy lấy người để làm việc gì. Anh ấy không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, chỉ nói để làm một công tác vô cùng quan trọng. Tôi hỏi, quan trọng đến mức nào, có liên quan đến sự sinh tồn hay phát triển con người? Anh ta nói có liên quan đến an nguy quốc gia. Tôi hỏi, việc tuyển chọn đến đâu rồi, chừng như anh ta không thật thoả mãn, nói: bó đũa chọn cột cờ vậy.

Trước đấy, chắc chắn anh đã nói chuyện này với cha tôi rồi. Chừng như cha biết anh cần người như thế nào. Trông cái vẻ không thoả mãn của anh, cha nói như đùa: thật ra, có người rất thích hợp yêu cầu của anh.

Ai? Anh ta tỏ ra rất nghiêm túc.

Cha vẫn như đùa, nói: xa tận chân trời, gần ngay trước mắt.

Anh ta cho rằng, người cha nói là tôi, anh lập tức hỏi thăm tình hình tôi, cuối cùng cha chỉ Trân trong khung kính, nói: cậu kia. Anh ta hỏi đấy là ai? Cha lại chỉ vào tấm ảnh cô tôi, nói: anh không thấy hai người kia giống nhau hay sao? Anh ta đến gần khung kính, nhìn kĩ, nói: giống lắm. Cha nói: lớp sau của cô kia, là cháu.

Trong ấn tượng của tôi, chưa bao giờ cha giới thiệu với ai về Trân như thế, chừng như đấy là lần đầu tiên. Mà cũng không biết tại sao cha lại nói như thế, cũng có thể anh ta là người ngoài, không hiểu tình hình, cho nên cha nói có phần tuỳ tiện. Hơn nữa, anh ta là người đã tốt nghiệp Đại học N, tất nhiên phải biết cô tôi là ai. Nghe cha tôi nói, anh ta bỗng phấn chấn hẳn lên, liền hỏi thăm chúng tôi về Trân. Cha cũng rất phấn khởi nói về Trân, nói có phần khoa trương. Nhưng cha nhắc nhở anh ta, đừng đụng đến đầu óc Trân. Anh ta hỏi tại sao, cha nói: vì đề tài nghiên cứu của tôi cần đến Trân. Cha cười, không nói gì thêm, cho đến khi anh ta sắp ra về cha cũng không nói thêm gì, tạo nên cảm giác cha đã quên hẳn Trân.

Sáng hôm sau, Trân về ăn cơm, nói tối hôm qua rất muộn có người đến tìm. Hồi ấy, điều kiện của nhóm nghiên cứu rất tốt, Trân thường làm việc đến khuya, ở lại văn phòng, chỉ về nhà ăn cơm. Trân nói, tất nhiên cha biết người đến tìm là ai, cha cười: xem ra anh ta vẫn chưa từ bỏ ý định.


Trân hỏi: người ấy là ai?

Cha nói: mặc người ta.

Trân nói: ông ấy rất muốn em về cơ quan ông ấy.

Cha hỏi: em có muốn không?

Trân nói: em nghe lời thầy.

Cha nói: vậy thì mặc kệ người ta.

Đang nói chuyện thì có tiếng gõ cửa, người đến lại là anh ta. Cha trông thấy, việc đầu tiên là mời anh ta cùng ăn sáng, anh ta nói đã ăn ở nhà khách, cha mời anh ta lên gác ngồi chơi, cha sẽ ăn xong ngay. Ăn xong, cha bảo Trân đi, vẫn nhắc lại câu nói: mặc kệ người ta.

Trân đã đi, tôi cùng cha lên lầu, thấy anh ta đang ngồi hút thuốc ở phòng khách. Cha tỏ ra rất khách khí, nhưng trong lời nói lại không có gì khách khí. Cha hỏi, anh đến chào từ biệt hay đến lấy người? Cha nói, nếu đến lấy người thì cha không tiếp, vì tối hôm qua đã nói, đừng nghĩ đến Trân, có nghĩ đến cũng vô ích. Anh ta nói: xin bác tiếp tôi, tôi đến để chào bác.

Cha mời anh ta vào thư phòng.

Vì buổi sáng tôi có giờ, chỉ nói chuyện với anh ta vài câu rồi về phòng riêng để chuẩn bị. Lát sau tôi ra, định chào anh ta một câu, nhưng thấy cửa thư phòng của cha đóng kín, nghĩ bụng, thôi, không chào nữa. Đến lúc hết giờ trên lớp, mẹ tôi rất buồn, nói Trân phải đi. Tôi hỏi đi đâu, vậy là mẹ tôi khóc, nói: đi với người kia, cha đồng ý rồi.

Không ai biết Trịnh Thọt nói gì với ông Lily trong thư phòng đóng kín cửa. Thầy Dung bảo, cha cấm mọi người hỏi đến chuyện ấy, hễ hỏi là cha nổi cáu, bảo có những chuyện chôn chặt trong bụng, nói ra sẽ gây phiền phức. Nhưng có điều rõ ràng là không được nghi ngờ, tức là: thông qua buổi nói chuyện bí mật, Trịnh Thọt đã làm cho ông Lily vốn khó thay đổi trở nên hồ đồ. Nghe nói, hai người nói chuyện chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ, vậy mà lúc ra khỏi phòng, ông Lily nói với vợ, chuẩn bị để Kim Trân đi.

Khỏi phải nói, qua chuyện này, sự bí ẩn của Trịnh Thọt đạt đến cực điểm, sự bí ẩn ấy về sau không ngừng tán phát trong đầu óc Kim Trân.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.