Giặc Bắc

Chương 37: Đằng châu dấy binh


Đọc truyện Giặc Bắc – Chương 37: Đằng châu dấy binh

Không biết Hồ phu nhân đã nói những điều gì với con trai mà Hồ Phong tỏ cử chỉ thân thiện với kẻ cầm sổ giang hồ bằng cách nắm tay dặc dặc mấy lần đoạn nói nhỏ:

– Thúc thúc… Thúc thúc muốn xem cháu thi triển kiếm thuật giết ruồi không…

Hiểu được sự nôn nóng của Hồ Phong nên kẻ cầm sổ giang hồ cười thốt:

-Ta rất muốn được thấy công phu khổ luyện của cháu tiến bộ đến mức độ nào…

Quân lính Đằng Châu reo hò cổ võ cho cuộc biểu diễn vũ thuật. Vòng tay bái tổ lẫn nhau đúng với phong cách giang hồ xong hai đối thủ đứng im triển công phu trầm tịnh. Đấu trường lặng trang. Người người chăm chú nhìn nhất là Tam Phong Kiếm Hồ Vũ Hoa. Tuy biết cháu nội đích tôn của mình được một kiếm thủ lừng danh truyền thụ thứ kiếm thuật giết người độc địa nhất giang hồ hiện nay, song ông ta chưa từng mục kích cho nên không tường thực hư hay dở như thế nào.

Hai đối thủ chìm mất trong công phu trầm tịnh. Hồ Vũ Hoa gật gù mỉm cười khi nhận xét cháu nội thi triển công phu trầm tịnh. Một vũ sĩ giang hồ càng có công phu trầm tịnh cao thâm chừng nào càng dễ dàng tiến tới tình trạng khí hòa, thần định, tâm bình; một cảnh giới khó đạt nhất trong vũ thuật. Hồ Phong quả có công phu trầm tịnh khá cao siêu so với thời gian khổ luyện vũ thuật ngắn ngủi và nhất là với số tuổi bảy tám.

Không một cử động nhỏ nhặt nào báo trước bàn tay nhỏ nhắn của Hồ Phong hất ngược về sau ngay chỗ chuôi kiếm ló lên. Rẹt… Lồng trong âm thanh khô lạnh mũi kiếm nhọn hoắt xẹt ra tợ ánh chớp. Hồ Vũ Hoa chớp mắt khi nhận xét thuật xử kiếm điêu luyện của Hồ Phong.

Bựt… Người người không hẹn buột miệng kêu thành tiếng kinh dị khi thấy mũi kiếm nhọn hoắt của Hồ Phong chĩa ngay yết hầu của kẻ cầm sổ giang hồ và mũi kiếm chỉ vừa chạm da. Hồ phu nhân bụm miệng còn Tam Phong Kiếm Hồ Vũ Hoa thở hơi dài. Thần tốc và chuẩn xác là hai yếu tố quan trong nhất trong thuật xử kiếm độc địa của kẻ cầm sổ giang hồ. Dù không nói ra vị trang chủ lừng danh của Hồ gia trang phải thán phục cho cái gan dạ và liều lĩnh của kẻ cầm sổ giang hồ. Y đứng im không né tránh mũi kiếm dường như tin tưởng vào thuật xử kiếm của Hồ Phong đồng thời tự tin mình có thể hóa giải chiêu kiếm trên.

Nhìn Hồ Phong với vẻ hài lòng kẻ cầm sổ giang hồ cất giọng trầm trầm:

– Tuyệt… Cháu đã lĩnh hội được tinh hoa trong kiếm pháp giết ruồi của ta. Chỉ cần hai mươi năm khổ luyện nữa thôi cháu sẽ trở thành đệ nhất kiếm thủ của giới giang hồ Đại Việt…

Quay sang Tam Phong Kiếm Hồ Vũ Hoa y cười thốt:

– Tre tàn măng mọc… Hai mươi năm nữa tại hạ và Hồ lão trang chủ sẽ không là đối thủ của cháu Phong…

Hồ phu nhân vọt miệng xen vào:

– Tôn ông nói quá lời… Phong nhi mới có tám tuổi thời làm gì…

Hồ Vũ Hoa cười sang sãng:

– Túc hạ nói cũng nhằm lý. Trong lãnh vực vũ thuật đôi khi tài không đợi tuổi song trường hợp này hiếm hoi lắm. Thôi chúng ta về trung dinh nói chuyện tiếp…

Sau khi thay đổi y trang Hồ phu nhân, kẻ cầm sổ giang hồ được mời tới trung dinh. Phạm Bách Hổ ngồi ghế chủ vị. Hồ Vũ Hoa ngồi đầu bàn đối diện với chủ nhân. Kẻ cầm sổ giang hồ ngồi cạnh Hồ Vũ Hoa còn Hồ phu nhân ngồi cạnh y tiếp theo là Hồ Phong. Tiệc được dọn lên. Tuy không có sơn hào hải vị nhưng vì mệt và đói nên Hồ phu nhân ăn nhiều hơn thường lệ. Phần kẻ cầm sổ giang hồ chỉ ăn một chén cơm xong buông đủa. Nhấp ngụm trà nóng y hỏi Phạm Bách Hổ:

– Chắc sứ quân biết quân Hoa Lư đang đóng binh tại Minh Nghĩa và Quốc Oai?

Nhìn kẻ cầm sổ giang hồ Phạm Bách Hổ gật đầu xong trầm giọng xuống thật thấp:


– Chiều hôm qua quân do thám cấp báo cho ta biết một tin không lành là quân Tống dưới sự chỉ huy của tướng Hầu Nhân Bảo đã vượt biên giới mở đầu cho cuộc xâm lăng Đại Việt…

Kẻ cầm sổ giang hồ hơi đổi nét mặt xong lấy lại vẻ bình thường thật nhanh trong lúc Hồ phu nhân buột miệng kêu trời. Nàng quay sang nhìn cha chồng thời thấy ông ta chầm chậm gật đầu như xác nhận lời nói của Phạm Bạch Hổ.

– Quân do thám của ta còn dọ biết được đạo quân tiền phong của nhà Tống dưới quyền chỉ huy của tướng Tôn Toàn Hưng đã đánh chiếm ải Pha Lũy và thẳng đường tràn xuống Lộc Châu. Giờ này ta đoán các thành lũy địa đầu của Đại Việt ta đã bị quân Tống bao vây chặt chẻ…

Không khí im lìm dường như mọi người còn đang bàng hoàng về tin tức mà Phạm Bạch Hổ vừa tiết lộ. Thật lâu Hồ phu nhân mới nhỏ nhẹ lên tiếng:

– Lê Hoàn chắc hẵn đã biết tin này thưa bá phụ?

Nâng chén trà lên nhấp ngụm nhỏ Phạm Bạch Hổ cười đáp không do dự:

– Dĩ nhiên… Nếu ta biết thời Lê Hoàn cũng phải biết và có thể còn biết nhiều hơn ta nữa. Đoàn do thám Hoa Lư đã điều động hơn phân nửa lực lượng lên vùng biên thùy Hoa Việt từ lâu lắm rồi…

Kẻ cầm sổ giang hồ chợt mở lời và câu nói của y khiến cho mọi người phải suy nghĩ:

– Xuyên qua tin tức của Phạm sứ quân vừa cho biết tại hạ nghĩ quân Hoa Lư đóng ở Phú Xuyên chưa chắc nhằm ý định đánh vào Đằng Châu…

Phạm Phòng Át cười cười chưa kịp lên tiếng Hồ phu nhân nói liền:

– Tôi không đồng ý với tôn ông về điểm này. Nếu muốn ngăn đánh ngoại xâm quân Hoa Lư phải đóng ở miệt bắc hoặc vùng đông bắc chứ đâu có đóng trại ở Phú Xuyên…

Kẻ cầm sổ giang hồ cải lại:

– Biết đâu là kế nghi binh của Lê Hoàn…

Gật gù Phạm Bạch Hổ cất giọng:

– Theo chỗ ta được biết thời Lê Hoàn cũng thạo binh cơ và có tài điều binh khiển tướng tuy nhiên nếu là kế nghi binh thời đây đúng là chước mưu của kẻ nào chứ không phải của Lê Hoàn…

– Phạm Cự Lượng…

Tam Phong Kiếm Hồ Vũ Hoa buông gọn ba chữ trên. Phạm Bạch Hổ cười ha hả:

– Hồ thế huynh nói đúng ý ta lắm. Ta biết rành về Phạm Cự Lượng. Y vốn con nhà tướng mà ông nội là tướng của Ngô Vương còn cha của y làm tới chức Tham chính đô đốc và anh của y là Phạm Hạp làm vệ úy dưới triều của Bộ Lĩnh. Lúc mới gia nhập tuổi của y chỉ độ hai mươi ba song lại được quân sư đặc biệt chú ý vì không những giỏi võ y lại gan dạ, liều lĩnh thêm mưu kế và quyền biến. Nhờ vậy y được quân sư cho chỉ huy đạo binh cảm tử…

Ngừng lại nhấp ngụm trà xong Phạm Bạch Hổ từ từ hắng giọng:


– Có thể đây là kế nghi binh hoặc dương đông kích tây của Phạm Cự Lượng…

Ngừng nói Phạm Bạch Hổ vẩy tay. Hiểu ý tên quân hầu cận lấy ra tấm bản đồ đặt lên bàn ngay trước mặt chủ tướng.

– Theo tin báo mới nhất của nhân viên do thám thời quân Hoa Lư đang đóng tại hai địa điểm. Đạo quân thiết kỵ đóng cách Minh Nghĩa chừng năm dặm về hướng đông bắc, trong lúc đạo quân bộ ước chừng ba ngàn đồn trú cách Chương Đức mười dặm. Theo cháu Phạm Cự Lượng sẽ làm gì khi đóng binh như vậy?

Hồ phu nhân cười nói với Phạm Bạch Hổ:

– Cháu nghĩ Phạm Cự Lượng đồn binh như vậy tất phải có lý do. Có thể hắn sợ cái thế liên minh giữa giới giang hồ Đại Việt và Đằng Châu. Do đó đóng quân tại Chương Đức hắn cốt ý ngăn ngừa bá bá hợp lực với quần hùng tại Tản Viên.Thứ nhì nếu hắn đánh Tản Viên thời quân Đằng Châu cũng không thể nào tiếp cứu được vì phải vượt qua quân Hoa Lư đóng tại Chương Đức…

Phạm Bạch Hổ cười sang sãng. Nhìn Hồ Vũ Hoa ông ta nói lớn:

– Hồ thế huynh… Tuy là phận quần thoa song cháu gái đây quả có chút thao lược. Nếu không có chi bất tiện ta xin mời cháu gái tạm ngụ nơi trung dinh vài ngày để già trẻ có dịp bàn luận chuyện binh gia…

Hướng về Hồ phu nhân đang cười với kẻ cầm sổ giang hồ ông ta tiếp:

– Khi nãy cháu nói có cách làm cho quân của ta và quân Hoa Lư không đánh nhau…

Nở nụ cười tươi tắn Hồ phu nhân nói không do dự:

– Theo cháu nghĩ Lê Hoàn và Phạm Cự Lượng cũng biết mình đang ở trong cái thế tam diện thọ địch. Mặt bắc thời chúng đang phải đối phó với quân Tống, còn trong nước lại lo âu về sự chống đối của giới giang hồ và sự phản kháng của bá bá. Do đó tuy đóng quân song chúng trước nhất nhằm phô trương thanh thế và sau nữa bẻ gãy cái thế liên minh của bá bá và giới giang hồ Đại Việt. Ba ngàn vũ sĩ tại Tản Viên mà liên kết và nhất là được sự chỉ huy của bá phụ sẽ trở nên một lực lượng đáng e dè cho Lê Hoàn trong lúc hắn phải chống ngoại xâm…

– Nói theo ý cháu là nếu ta cứ án binh trong vùng Đằng Châu thời sớm muộn gì cũng sẽ bị quân Hoa Lư tấn công?

Hồ phu nhân cười nhẹ buông giọng lững lơ:

– Có thể có mà cũng có thể không. Bá phụ chắc không muốn đem tánh mạng của một vạn sĩ tốt để đánh cuộc.Nếu bá phụ kéo quân tới Tản Viên hợp cùng giới giang hồ thời dù có bị quân Hoa Lư tấn công chắc cũng không thiệt hại bằng án binh ở Đằng Châu…

Phạm Bạch Hổ trầm ngâm. Vầng trán rộng đầy nét nhăn của vị sứ quân già nua nhiều kinh nghiệm chiến trường cau lại trong phút suy nghĩ trước khi quyết định một hành động liên quan tới tánh mạng của mấy ngàn sỉ tốt. Đột nhiên ông ta vẩy tay. Tên quân hầu bước tới:

-Trình chủ tướng có điều chi sai khiến…

Giọng nói của vị sứ quân vang lên:

– Gọi Ngũ Anh tới cho ta dạy việc…


Tên quân hầu lãnh lệnh lẹ bước ra sân. Tam Phong Kiếm Hồ Vũ Hoa cười nói với con dâu của mình và kẻ cầm sổ giang hồ:

– Ngũ Anh là danh hiệu mà sĩ tốt Đằng Châu đặt cho năm người con trai của Phạm bá phụ. Người con trưởng là Bách Chước chỉ huy trung quân, thứ nhì là Bách Tất nắm hậu quân, thứ ba tên Bách Dị điều khiển đạo quân tiền phong còn Bách Chân là người thứ tư trông coi đạo quân tả dực và Bách Nhâm là người con út chỉ huy đạo hữu dực. Năm anh em không những tinh thông võ nghệ mà binh pháp thảy đều thông thạo. Ngày xưa lúc tiên đế còn đang bình loạn mười hai sứ, cũng nhờ năm người con này mà Phạm bá phụ mới vẫy vùng dọc ngang một cõi không sợ ai. Quân Hoa Lư thường gọi Ngũ Anh là năm con hổ dữ của Đằng Châu…

Kẻ cầm sổ giang hồ ngước nhìn năm người vừa bước vào phòng. Người lớn tuổi nhất hơn năm mươi còn người trẻ nhất gần bốn mươi. Tuy niên kỷ và vóc dáng bất đồng song họ đều có một điểm giống nhau là phong cách của con nhà tướng. Thân hình nở nang rắn chắc bó gọn trong bộ võ phục, ánh mắt sáng rực, thần thái uy nghi lẫm liệt đủ tỏ lộ cho mọi người biết họ đáng mặt đại tướng cầm binh khiển tướng.

– Trình phụ thân…

Phạm Bách Chước lên tiếng. Phạm Bạch Hổ cười nói với năm người con:

-Không biết thời thôi chứ nếu biết nhau thời cũng như người nhà…

Chỉ vào kẻ cầm sổ giang hồ ông ta tiếp lời:

– Vị thế huynh trẻ tuổi này là bạn mới của ta. Các con thường kháo nhau về chuyện giang hồ cũng như các vũ sỉ tăm tiếng. Vị thế huynh này là một nhân vật lừng danh nhất về tài múa kiếm…

Không nhịn được Phạm Bách Nhâm buột miệng kêu lớn:

– Kẻ cầm sổ giang hồ… Huynh là kiếm thủ nổi danh về kiếm thuật giết người độc địa nhất giang hồ hiện nay…

Kẻ cầm sổ giang hồ cười nhẹ thốt:

– Chư vị thông thạo chuyện giang hồ lắm…

Phạm Bạch Hổ lên tiếng:

– Ta gọi các con tới vì một chuyện, một quyết định quan trọng và khẩn cấp liên quan tới tánh mạng của mấy ngàn sỉ tốt…

Nhìn năm người con trai giây lát vị sứ quân họ Phạm trầm giọng tiếp:

– Qua lời bàn luận với cháu gái đây ta có ý định né tránh chuyện giao tranh với quân Hoa Lư. Các con nghĩ thế nào?

Phạm Bạch Hổ đưa mắt nhìn năm người con. Im lìm giây lát Phạm Bách Chước lên tiếng đáp:

– Trình phụ thân… Năm anh em chúng con cũng đã bàn tính về chuyện này từ lâu nay nhân lúc phụ thân nói ra con xin được có ý kiến. Nếu ta và quân Hoa Lư đánh nhau thời hai bên đều bị thiệt hại ít hoặc nhiều. Một câu hỏi được đặt ra là ta phải hành động như thế nào nếu quân Tống tràn vào xứ sở?

Mọi người làm thinh trước câu hỏi của Phạm Bách Chước. Thật lâu Hồ Vũ Hoa mới hắng giọng:

– Dĩ nhiên là ta phải chống lại quân Tống…

– Chống lại quân Tống bằng cách nào thưa Hồ bá phụ?

Phạm Bách Tất lên tiếng hỏi. Hồ Vũ Hoa còn đang dụ dự chưa kịp trả lời Hồ phu nhân lên tiếng:


-Thưa cha cho phép con được trả lời câu hỏi của Phạm đại huynh đây…

Hớp ngụm trà Hồ Vũ Hoa cười lớn:

– Con cứ tự nhiên…

Giọng nói thánh thót của Hồ phu nhân vang trong căn lều nhỏ:

– Chống ngoại xâm là bổn phận chung của mọi người do đó chúng ta không thể nào ngồi yên khi quân Tống tràn vào đất nước. Tuy nhiên ta không thể mang mười ngàn quân Đằng Châu ra ngăn chận mấy vạn quân của Tống triều được. Do đó chúng ta không còn cách nào hơn là liên kết với quân Hoa Lư. Năm đại huynh đồng ý với tôi về chuyện này?

– Tại sao ta phải liên kết với quân Hoa Lư?

Phạm Bách Nhâm lên tiếng hỏi. Hồ phu nhân chưa kịp đáp Phạm Bách Dị hắng giọng:

-Tình thế buộc ta phải liên kết với Hoa Lư. Muốn đánh nhau người ta phải có cái thế và cái lực. Lực của ta sánh ra không bằng một góc của quân xâm lăng, còn thế ta cũng không có. Lê Hoàn dù sao cũng có cái bình phong là triều đình ở Hoa Lư, có vua có chúa hẵn hoi. Nói tóm lại khi nắm được triều đình Lê Hoàn nắm được hậu thuẫn của dân gian. Hồ hiền muội đã nhìn ra cái lý đó quả nhiên có cái nhìn sâu sắc lắm…

– Đa tạ Đỗ tứ huynh…

Hồ phu nhân cười nói câu trên xong tiếp nhanh:

– Muốn giữ được cái thế độc lập và được sự nể trọng của Lê Hoàn ta phải liên kết với y bằng một lực lượng mạnh mẻ không kém chi y hoặc giả nếu có kém cũng chỉ chút ít mà thôi. Một vạn quân Đằng Châu tuy đông song chưa đủ để cho Lê Hoàn phải trọng vọng chúng ta. Bởi vậy tôi mới đề nghị cùng Phạm bá phụ không trực tiếp giao tranh với quân Hoa Lư mà kéo quân tới Tản Viên hợp cùng mấy ngàn vũ sĩ giang hồ tạo thành một lực lượng mạnh mẻ hầu sau này nếu liên kết ta cũng không bị Lê Hoàn chèn ép…

– Đúng… Hồ hiền muội nói có lý lắm… Ta đồng ý chuyện này…

Phạm Bách Chước lên tiếng. Y là anh cả mà quyền huynh thế phụ vả lại ai cũng biết sau khi cha già tạ thế y sẽ là người chấp chưởng binh quyền cho nên khi y lên tiếng thời đó cũng là một quyết định. Phạm Bạch Hổ cười cười không tỏ thái độ dường như ông ta muốn để năm người con được tự quyền xếp đặt mọi chuyện.

– Chắc năm đại huynh cũng nghe nói là giới giang hồ Đại Việt có mười đại trang; mỗi gia trang có dân đinh hơn ngàn người; như vậy tổng cộng nhân số của mười hai gia trang độ hơn một vạn người. Ngoài ra hai phái võ Cỗ Loa và Tướng Quốc cũng có môn đồ đông đảo mà ước tính khoảng một vạn. Hơn thế nữa họ còn được sự ủng hộ của Tam Phương Kiếm Đoàn Chí Hạ và Hạ Long Khách với nhân số một vạn. Như vậy tổng cộng nhân số của giới giang hồ khoảng ba vạn. Tuy họ không thông thạo chiến trận song bù lại họ giỏi võ, một người có thể địch năm bảy người. Cũng vì lý do này mà từ bấy lâu nay họ là mối lo âu không nhỏ của Lê Hoàn. Đem mười ngàn quân Đằng Châu hợp cùng ba vạn người của giới giang hồ, chúng ta sẽ có trong tay một lực lượng hùng mạnh khiến cho Lê Hoàn phải nể trọng khi ta kết hợp với hắn để chống xâm lăng…

Ngừng lại đưa chén trà lên hấp ngụm nhỏ thấm giọng xong Hồ phu nhân tiếp lời:

– Nhìn thấy sự lợi hại cho cái thế liên minh của Đằng Châu và giới giang hồ Đại Việt do đó Lê Hoàn mới phái Phạm Cự Lượng chia ra đóng quân không cho hai kẻ địch nguy hiểm hợp sức để chống lại hắn…

Tám người ngồi trong trung dinh từ Phạm Bạch Hổ, Hồ Vũ Hoa, kẻ cầm sổ giang hồ cùng năm anh em của Phạm Bách Chước đều công nhận lời biện giải rành mạch và hợp tình hợp lý của Hồ phu nhân. Muốn làm được hai chuyện khó khăn là chống xâm lăng và vẫn giữ được thế mạnh đối với Lê Hoàn họ không còn cách nào hay hơn là liên minh cùng giới giang hồ Đại Việt hầu tạo thành một lưc lượng mạnh mẻ. Lúc đó họ không sợ bị quân Hoa Lư tiêu diệt.

Chỉ vào tấm bản đồ trải trên mặt bàn Phạm Bách Chước nhẹ giọng cười nói với Hồ phu nhân:

– Đây là Tản Viên, còn đây là Chương Đức; hai bên cách nhau hơn trăm dặm đường đồng thời bị chia cách bởi hai đạo binh thiện chiến của Lê Hoàn. Muốn tới núi Tản Viên hợp cùng các vũ sĩ giang hồ ta phải vượt qua sự chia cắt của quân Hoa Lư có nghĩa là ta phải đánh nhau…

Cười thánh thót Hồ phu nhân đứng dậy thì thầm vào tai của Phạm Bách Chước mấy lời. Bách Chước gật gù nói nhỏ cho bốn người em của y nghe. Vốn còn trẻ nên nghe xong Bách Nhâm vổ tay cười ha hả nói với Hồ phu nhân:

– Phục lắm…Hiền muội có mưu hay kế lạ…

Vái chào mọi người xong năm anh em họ Phạm cáo từ đi điều động quân sĩ..


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.