Gia Tộc Ma Cà Rồng (Tập 2: Vũ Hội Hóa Trang)

Chương 5


Đọc truyện Gia Tộc Ma Cà Rồng (Tập 2: Vũ Hội Hóa Trang) – Chương 5

CHƯƠNG 6
Triển lãm Biennale diễn ra tại một khu chồng chéo các gian trưng bày mà ở đó khách tham quan có thể bắt gặp một dãy các phòng trưng bày với mặt ngoài là màn hình trình chiếu chạy dài, tạo thành những bức tường lớn, cho tới khi gặp nhau tại một góc xa tít tắp nào đó. Trên màn hình là những hình ảnh thay đổi liên tục: những khuân mặt trông như những quả bóng làm bằng nhựa vinyl hết giãn ra rồi lại co vào, lúc rền rĩ đau khổ lúc lại cười khúc khích, những bông hoa nở rồi tàn, và cả cảnh tượng di chuyển hối hả trên đường phố Tokyo, xẹt qua như những cái bóng mờ ảo, mang theo cảm giác tù túng và khiếp sợ.
Lúc mới đặt chân tới Venice, Schuyler như được hun đắp một ngọn lửa nhiệt tình, hoang sơ nhưng tràn đầy niềm háo hức. Cô chưa từng chùn bước trong suốt cuộc tìm kiếm, trái lại cô luôn tỏ ra bền bỉ và kiên định. Nhưng lòng nhiệt tình của cô giảm sút nghiêm trọng khi sự thật dần phơi bày trước mắt cô. Việc tìm kiếm ông ngoại tại Venice này không hề dễ dàng như Schuyler tưởng tượng lúc ban đầu. Tất cả những gì cô có chỉ là một cái tên. Cô thậm chí còn không biết ông ngoại trông như thế nào. Ông trông già hay trẻ? Theo như bà cô nói, cách đây nhiều năm, ông Lawrence đã bị trục xuất khỏi Ủy Ban và phải đi lánh nạn nơi xứ người. Vậy có khi nào chừng ấy năm sống cô độc đã khiến ông điên loạn và mất trí? Hay tệ hơn nữa, lỡ như ông không còn trên cõi đời này? Lỡ như ông đã bị Máu Bạc thủ tiêu mất rồi? Nhưng sau khi tận mắt nhìn thấy căn phòng của vị Giáo sư ấy, cô lại tràn ngập niềm hi vọng như lúc ban đầu chân ướt chân ráo đến đây. Ông ở đây. Ông còn sống. Schuyler có thể cảm nhận được điều ấy.
Schuyler lướt từ phòng trưng bày này sang phòng trưng bày khác, chăm chú tìm kiếm trong bóng tối một dấu hiệu, một đầu mối dẫn cô tới chỗ ông ngoại. Theo Schuyler thấy, các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày nơi đây có phần nào đó rất khiêu khích, thậm chí có chút tự phụ lộ ra đằng sau sự cầu kỳ, phô trương. Hình ảnh một người đàn bà cứ liên tục tưới cây thì có ý nghĩa gì? Mà chuyện đó có quan trọng với cô không nhỉ? Schuyler nhìn lên phông chiếu và chợt nhận cô cũng đang rơi vào tình huống giống người đàn bà kia: cả hai đều bị mắc kẹt trong một nhiệm vụ chẳng khác nào “thử thách của Sisyphus”(16).
(16) Thử thách của Sisyphus: Câu chuyện trong Thần thoại Hy Lạp về vua Sisyphus bị Thượng đế bắt đẩy đá lên núi, hễ đá lăn xuống lại phải đẩy từ đầu. Ngày nay người ta dùng cụm từ này để chỉ những công việc cực kỳ khó khăn và gian nan, hầu như không có cách giải quyết.
Oliver đã vượt lên phía trước Schuyler mấy gian rồi. Cậu dành chừng mười giây để “nghiên cứu” mỗi tác phẩm mà cậu lướt qua. Theo như cậu nói, đó là tất cả thời gian cậu cần để tìm hiểu nghệ thuật. Họ hẹn sẽ gọi lại cho nhau nếu tìm được thứ gì đó, mặc dù Oliver đã chỉ ra rằng cả hai người bọn họ đều không biết mặt mũi Lawrence Van Alen trông ra làm sao. Khác với Schuyler, Oliver không thực sự tin rằng chuyến viếng thăm Biennale sẽ mang lại kết quả khởi sắc, chỉ là cậu không dám nói ra điều đó mà thôi.
Schuyler dừng chân tại lối vào của một căn phòng ngập trong làn khói đỏ thẫm. Một tia sáng cắt qua toàn bộ không gian căn phòng, chiếu sáng một đường xích đạo màu cam tươi rói, đơn độc giữa sự bành trướng của ánh sáng đỏ. Schuyler tiến vào trong phòng và dừng lại giây lát, trầm trồ thán phục tác phẩm.
– Đó là tác phẩm của Olafur Eliasson(17). – Người thanh niên đứng cạnh cô giải thích. – Trông thật đẹp mắt phải không? Tuy nhiên vẫn có thể nhận ra ảnh hưởng của Flavin(18).
(17) Olafur Eliasson: (1967- ) nghệ sĩ người Đan Mạch theo trường phái nghệ thuật sắp đặt.
(18) Dan Flavin (1933 – 1996): nghệ sĩ sắp đặt, nhà điêu khắc người Mỹ, nổi tiếng với trường phái sắp đặt và tạo hình dựa trên sự pha trộn ánh sáng của đèn huỳnh quang.
Schuyler gật đầu đồng tình. Ở trường cô đã từng được học về Dan Flavin trong giờ Mỹ thuật, thảo nào cô cứ thấy bố cục của tác phẩm này quen quen.
– Nhưng đâu phải tất cả các tác phẩm sử dụng đèn huỳnh quang đều chịu ảnh hưởng của Flavin đâu? – Cô hỏi lại hơi có phần xấc xược.
Một bầu không khí im lặng đến mức kỳ lạ diễn ra khiến Schuyler định quay người bỏ đi; đúng lúc đó thì có tiếng nói từ phía chàng trai nọ.

– Cô nói thử xem, tại sao cô lại đến nước Ý này? – Anh chàng người Ý đẹp trai hỏi cô bằng một giọng Anh hoàn hảo. – Trông cô rõ ràng không phải là khách du lịch đến đây để thưởng lãm nghệ thuật. Cô chẳng hề giống những người một tay cầm camera, tay còn lại cầm cuốn cẩm nang du lịch đang xếp thành từng tốp ngoài kia. Tôi cá là cô thậm chí còn chưa xem tác phẩm mới của Matthew Barney(19) nữa kìa.
(19) Matthew Barney: (1967 – ) nhà quay phim nghệ thuật, nhà nhiếp ảnh và điêu khắc người Mỹ
– Tôi đang tìm một người. – Schuyler đáp lại.
– Ở triển lãm này ư? – Chàng thanh niên hỏi lại. – Khu vực nào vậy?
– Vẫn còn các khu khác ư? – Schuyler lại hỏi.
– Đương nhiên rồi, đây chỉ là “vườn” trưng bày thôi, còn có xưởng lớn và sảnh trưng bày nữa. Không gian của Triển lãm Biennale thực chất là toàn bộ thành phố Venice này. Cô sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn tìm người ở chốn này đấy, vì có khoảng một triệu người tới tham quan Triển lãm, riêng trong “vườn” này cũng có tới ba mươi gian con.
Cả người Schuyler như muốn xịu xuống. Cô không hề biết Triển lãm Biennale lại lớn và chia thành nhiều khu trưng bày phức tạp đến thế. Trước khi đến đây, cô đã đi dọc các sảnh trưng bày, đi qua nhiều tòa nhà thuộc Triển lãm rồi mới tới được khu trưng bày dựng theo phong cách Italia này, thế nhưng cô không hề biết nó kéo dài tới đâu. Toàn bộ khu trưng bày (mà anh chàng kia gọi là “vườn”) là một khoảng không rất lớn bao gồm nhiều tòa nhà mô phỏng, được thiết kế theo phong cách của từng thời kỳ lịch sử. Chính vì vậy mà mỗi tòa nhà lại có nét đặc trưng riêng và mang trên nó phong cách nghệ thuật của cả một dân tộc.
Nếu những gì người thanh niên này nói là sự thực thì việc tới đây tìm ông cô thật chẳng khác nào mò kim đáy bể.
Vô vọng.
Bất khả thi.
Một triệu lượt người mỗi năm! Điều này cũng có nghĩa là phải có tới hàng nghìn người đang tham quan triển lãm ngay lúc này. Với tỉ lệ như thế, có lẽ nên sớm từ bỏ thìhơn. Schuyler thực sự thất vọng. Cô sẽ không bao giờ tìm được ông ngoại. Cho dù ông là ai, ông ở đâu, ông cũng không muốn người ta tìm thấy mình. Cô tự hỏi vì cớ gì mà cô lại bộc bạch hết với chàng trai kia như vậy, nhưng cô cảm thấy mình cũng chẳng còn gì để mất. Có điều gì đó trong đôi mắt chàng ta mang lại cho cô cảm giác dễ chịu và an toàn.
– Tôi đang tìm một người mà họ hay gọi là Giáo sư. Ông Lawrence Winslow Van Alen.
Chàng thanh niên điềm nhiên quan sát Schuyler trong khi cô nhìn quanh quất căn phòng tràn ngập trong ánh sáng đỏ. Anh ta cao và gầy, với chiếc mũi hơi hếch đầy vẻ thách thức, xương gò má lộ cả ra, và mái tóc dày có màu vàng caramel. Anh ta quàng một chiếc khăn lụa trắng quanh cổ, khoác bên ngoài là chiếc áo len may đo vừa vặn, còn chiếc kính râm kiểu phi công gọng vàng được đẩy lên cao quá vầng trán rộng.

– Khi người ta đã không thích xuất đầu lộ diện thì đừng cố công tìm kiếm làm gì.
– Chàng trai đột nhiên cất tiếng.
– Sao cơ? – Schuyler hỏi lại, bất ngờ trước câu nói của chàng thanh niên, cùng lúc quay lại đối mặt với anh ta. Nhưng đúng lúc đó chàng trai đã nhanh trong lẩn ra sau tấm rèm nỉ dày màu đen và biến mất.
Schuyler cũng chạy theo anh ta ra khỏi khu trưng bày kiểu Italia; vừa chạy cô vừa bấm số gọi Oliver.
– Cậu gọi cho tớ đấy à? – Oliver hỏi bằng giọng điệu xun xoe đến tức cười.
– Chúng ta phải tìm một chàng trai cao ráo, tóc vàng, trông như tay đua xe hơi ấy. Anh ta đeo kính râm kiểu phi công, đi găng, mặc áo khoác ngoài bằng vải tuýt và quàng khăn lụa trắng. – Schuyler vừa chạy vừa thở lấy hơi trong khi cố mô tả lại hình dáng chàng thanh niên.
– Cậu đang đuổi theo một chàng người mẫu đấy à? Vậy mà tớ tưởng người chúng ta cần tìm là ông ngoại cậu chứ. – Oliver cười ngất.
– Tớ đang tán chuyện với anh ta, tớ nói cho anh ta tên ông ngoại và rồi anh ta biến mất. Tớ nghi anh ta biết điều gì đó. A lô? Ollie à? Cậu còn đó không? A lô? – Schuyler lắc lắc chiếc điện thoại và nhận ra trên màn hình không còn vạch sóng nào cả. Quỷ tha ma bắt. Mất tín hiệu rồi.
Lao băng băng giữa khu trưng bày rộng lớn như thể đang ngồi trong cỗ máy thờigian, Schuyler lướt qua những hội trường xây theo phong cách Hy Lạp(20) nhưng lại mang đậm nét hiện đại phóng khoáng; tiếp đến là những tòa nhà bên lề những con đường nhỏ và dài, ẩn sau những lùm cây rậm rạp. Schuyler thở dài, cảm thấy bất lực trong giây lát.
Nhưng cảm giác đó nhanh chóng biến mất. Cô lại cảm nhận được sự hiện hữu của chàng thanh niên kia quanh đây. Cô nhìn thấy bóng dáng anh ta vọt qua phía sau mô hình rạp hát Hy Lạp. Anh ta lướt qua những cây cột, lúc ẩn lúc hiện trong ánh mắt cô. Schuyler lao lên phía trước, lần này cô cẩn thận giữ tốc độ vừa phải, đề phòng có ai trong đám khách du lịch quanh đó nhận ra sự bất thường trong bước chạy của cô.
(20) Hy La (Greco-Roman): pha trộn giữa phong cách Hy Lạp và La Mã cổ.
Rồi đột nhiên Schuyler thấy chàng trai lao ngang qua một lùm cây, nhưng khi đuổi tới nơi, cô thực sự lúng túng. Trước mặt cô chỉ có một tòa nhà chứ chẳng có lùm cây nào cả. Cô di chuyển nhanh trên các bậc thang để vào tòa nhà. Khi vào tới bên trong, cô mới hiểu ra tại sao nó lại khiến cô bối rối đến vậy. Bên trong tòa nhà được thiết kế giống y đúc một cái sân lộ thiên kiểu Tây Ban Nha(21), cây cối bên trong vẫn có thể mọc vươn cao lên không trung vì không có mái che, nhìn từ xa dễ tưởng nhầm là chúng mọc ở bên ngoài. Các bức tượng đặt điểm xuyết trên sàn nhà lát toàn đá trắng. Từ các hướng xung quanh, Schuyler nghe thấy những giọng nói Italia của các hướng dẫn viên du lịch đang dõng dạc giới thiệu cho khách tham quan.
(21) Sân lộ thiên: thường thấy ở các lâu đài cổ châu Âu, sân được bao xung quanh bởi tường cao như một sảnh lớn nhưng không có vòm che (khoảng sân trong ngăn cách giữa các tòa nhà)

Tập trung, Schuyler tự nhủ. Hãy lắng nghe. Lắng nghe tiếng bước chân của anh ta. Cô nhắm mắt lại, cố gắng cảm nhận bằng cách tập trung vào mùi hương đặc biệt đó, cái thứ mùi pha quyện của mùi da thuộc và hương nước hoa vương trên tấm khăn lụa. Rồi bỗng nhiên cô mường tượng ra anh ta, như thể cô nhìn thấy anh ta vừa bước ra từ một chiếc xe hơi thể thao mới cứng bóng lộn. Kia rồi! Schuyler nhìn thấy chàng trai đang đứng ở đầu kia của căn phòng.
Lần này, cô không ngại sử dụng tốc độ và sức mạnh vượt trội của mình. Cô chạy nhanh đến nỗi cô cảm tưởng như mình đang bay, và giống lần trước, cô cũng cảm nhận được niềm phấn khích dâng trao mà cuộc rượt đuổi đem lại. Schuyler thậm chí còn mạnh và nhanh hơn so với lúc đuổi theo người phụ nữ giống mẹ cô hồi đầu giờ chiều. Cô có thể cảm nhận được điều đó. Cô sẽ tóm được anh ta.
Chàng trai lại bắt đầu di chuyển ngược lại về phía “vườn” trưng bày. Dọc từ sảnh về phía vườn có nhiều tòa nhà trông hiện đại hơn nhưng hình dáng cũng đáng sợ hơn. Schuyler vừa chạy ngang qua một tòa nhà chỉ làm toàn bằng kính và tường của nó thì khắc đầy chữ và tên. Khi đến một tòa nhà khác làm từ những ống nhựa sáng màu trông như kẹo, cô thấy bóng dáng chàng trai di chuyển vào phía trong.
Bên trong tòa nhà tối om. Sàn nhà bằng kính, ngăn cách người xem với những tác phẩm nghệ thuật nằm bên dưới. Hoặc ít ra Schuyler cho đó là nghệ thuật. Tất cả những gì cô nhìn thấy chỉ là một đám robot đồ chơi quằn quại giẫm đạp lên nhau tầng tầng lớp lớp trong thứ ánh sáng đỏ, xanh lục và lam nổi bật giữa nền tối xung quanh. Ngay lúc đó, cô lại cảm nhận được có sự chuyển động trong phòng và từ khóe mắt mình, cô nhìn thấy đầu chàng trai di chuyển rất nhanh ra khỏi phòng từ cửa đối diện.
– Dừng lại! – Cô gọi.
Chàng trai quay đầu, nhìn cô mỉm cười rồi lại biến mất. Schuyler cũng đi ngược ra con đường dẫn trở về “vườn” trưng bày, một lần nữa quét mắt khắp đám đông tìm kiếm chàng thanh niên.
Chẳng có gì cả.
Phải có cái gì đó giúp cô tìm ra anh ta nhanh hơn chứ?
Schuyler nghĩ ngợi một lúc. Cô cố tưởng tượng về Lawrence, về nơi ông có thể ở và cả về lý do khiến ông bị nơi này thu hút. Có cái gì ở Triển lãm nghệ thuật Biennale này nhỉ?
Chợt nhớ ra tấm bản đồ ở túi sau, ngay lập tức, Schuyler lôi nó ra và nghiên cứu từng lối đi quanh co liên kết các khu trưng bày với nhau. Trong giây lát, cô cảm thấy mình thật ngu ngốc vì đã không nghĩ ra điều này sớm hơn. Sau khi đã xác định vị trí nơi cần đến, Schuyler gập tấm bản đồ lại và nhanh chóng đi về hướng đó.
Đúng lúc điện thoại của cô reo vang. LàOliver.
– Sky à, cậu đang ở đâu thế? Cậu làm tớ lo quá.
– Tớ ổn. – Cô trả lời, bực mình vì bị cắt ngang. – Nghe này, tớ sẽ gọi lại cho cậu sau nhé. Tớ nghĩ tớ biết người đó đang ở đâu.
– Ai đang ở đâu? Schuyler, cậu định đi đâu vậy?
– Tớ sẽ ổn thôi. – Schuyler bắt đầu tỏ ra mất kiên nhẫn. – Ollie, làm ơn đừng lo cho tớ nữa. Tớ là một ma cà rồng mà.

Schuyler gác máy và chỉ sau ít phút, cô đã đứng trước một tòa nhà nhỏ xây bằng gạch đỏ. Đây là công trình hiện đại nhất so với hầu hết các công trình kì dị khác trong Triển lãm. Mặt tiền của tòa nhà thiết kế theo phong cách từ thời Thuộc địa Geogia, thời kỳ đầu của nước Mỹ. Đồ đạc trong nhà đều được sơn trắng, còn tay vịn cầu thang làm bằng sắt với những mẫu hoa văn trang trí rất cầu kỳ. Tất cả đều là những di tích từ thời xưa, gợi nhớ người ta về thời kỳ đầu thuộc địa ở Tân Thế giới.
Ngay khi nhét tấm bản đồ vào túi cô lại nhìn thấy chàng trai. Trông anh ta như thể già đi sau mỗi lần rượt đuổi: hơi thở chậm chạp và tóc rối bù. Anh ta có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy Schuyler đứng đó.
– Lại là cô à? – Chàng trai cất tiếng.
Lúc này là cơ hội của cô. Trước khi biến mất khỏi chu kỳ này, Cordelia đã dặn Schuyler rằng nếu tìm thấy Lawrence, hoặc bất cứ ai mà cô cho rằng có thể đưa cô tới gặp ông ấy, thì Schuyler phải nói những từ sau.
Cô bắt đầu nói bằng giọng rõ ràng và tự tin nhất mà cô có thể.
– Adiuvo Amicus Specialis. Nihilum cello. Meus victus est tui manus. Tôi đến để cầu xin người giúp đỡ tôi với tư cách là một người bạn bí mật và đặc biệt của tôi. Tôi không có gì che giấu người. Cuộc đời tôi nằm trong tay người.
Chàng trai ném về phía Schuyler cái nhìn băng giá chỉ có thể thuộc về đồng loại của cô. Tiếng nói của Schuyler tan dần trong không khí.
– Dormio. – Anh ta ra lệnh, cùng lúc đưa tay lên vẫy một cái.
Schuyler cảm nhận bóng tối ập đến và rồi cô thấy mình từ từ lịm đi.
Mục Lưu Trữ tờ New York Herald
Số ra ngày 15 tháng Ba năm 1871 HÔN ƯỚC KHÔNG THÀNH
Hôn ước giữa Ngài Burlington và quý cô Maggie Stanford không thành. Cô Maggie Stanford vẫn mất tích.
Hôn lễ giữa quý cô Maggie Stanford, con gái ông Tiberius và bà Dorothea Stanford vùng Newport, cùng Ngài Alfred Burlington, Bá tước vùng Devonshire đã bị hủy bỏ. Theo kế hoạch, hôm nay chính là ngày diễn ra lễ cưới giữa hai nhà Stanfordvà Burlington. Tuy nhiên, cô Maggie Stanford vẫn mất tích một cách bí ẩn từ sau đêm vũ hội Patrician sáu tháng trước. Chánh Thanh tra Campbell hiện vẫn đang tiếp tục duy trì cuộc điều tra này.
Nhà Stanford nghi ngờ đây là một hành động trả thù cá nhân, tuy nhiên không có thư đòi tiền chuộc hay bất cứ dấu hiệu gì của một vụ bắt cóc. Ông bà Stanford cũng treo thưởng cho bất cứ ai cung cấp thông tin liên quan đến nơi ở hiện nay của cô Maggie Stanford.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.