Gatsby vĩ đại

Chương 7part 1


Đọc truyện Gatsby vĩ đại – Chương 7: part 1

Sáng chủ nhật, khi chuông nhà thờ đổ hồi trong các làng ven biển, thì ai nấy cùng với người tình của mình lại trở lại nhà Gatsby, cười đùa hỉ hả trên thảm cỏ nhà anh.
Các bà các cô lượn đi lượn lại giữa những li rượu và những chậu hoa của Gatsby, nói với nhau:
– Gã này là một gã buôn lậu. Gã đã giết một người vì người này phát hiện ra gã là cháu của Von Hindenburg và là anh em họ xa gì đó với quỷ sứ. Này, chị thân yêu ơi, hái hộ em một bông hồng và rót hộ em một giọt rượu cuối cùng vào cái cốc pha lê này nào.
Một hôm, tôi thử ghi lại tên những người đã đến nhà Gatsby mùa hè năm ấy vào những chỗ trống bên lề một bảng giờ tàu. Bảng giờ tàu ấy bây giờ cũ rồi, những chỗ gấp đã rách hết cả và có dòng chú thích: “Bảng giờ tàu này áp dụng từ ngày mồng 5 tháng 7 năm 1922”, nhưng tôi vẫn còn đọc được những tên người đã phai màu mực. Những tên ấy sẽ cho các bạn một khái niệm rõ hơn những lời kể chung chung của tôi về những người đã chấp nhận lòng hiếu khách của Gatsby, và đã đền đáp lại anh một cách tế nhị là tuyệt nhiên không thèm biết tí gì về anh.
Vậy là từ ở East Egg đến có cặp vợ chồng Chester Becker và vợ chồng Leech cùng với một người tên là Bunsen mà tôi có quen hồi ở trường đại học Yale. Có bác sĩ Webster Civet, ông này mùa hè năm sau bị chết đuối ở bang Maine. Có vợ chồng Hornbeam, và vợ chồng Willie Voltaire, và cả một nhóm tên là Blackbuck bao giờ cũng tụ tập với nhau riêng một nơi và hễ có ai đến gần là lại hếch mũi lên như những con dê. Có vợ chồng Ismay, vợ chồng Chrystie (hay nói cho đúng hơn là Hubert Auerbach và vợ của Chrystie) và Edgar Beaver. Anh chàng này, như người ta kể, vào một buổi chiều mùa đông, tóc bỗng dưng bạc trắng như bông.
Clarence Endive là người ở East Egg sang, như tôi còn nhớ. Ông ta chỉ đến có một lần, mặc quần cộc trắng và đã đánh nhau ở trong vườn với một gã vô lại tên là Etty. Từ đầu đằng kia đảo Long Island đến có cặp vợ chồng Cheadle, vợ chồng O. R. P. Schraeder, vợ chồng Stonewall Jackson Abram người bang Georgia và vợ chồng Fishguard, vợ chồng Ripley Snell. Snell đến đây trước hôm vào ngồi tù ba ngày, nằm say mèm giữa đường xe chạy trong vườn, đến nỗi để cho chiếc xe hơi của bà Ulysses Swett chẹt đứt bàn tay phải. Vợ chồng Dancy cũng đến, rồi có S. B. Whitebait, tuổi đã quá sáu mươi, có Maurice A. Flink, vợ chồng Hammerhead, Beluga, nhà nhập khẩu thuốc lá và mấy cô bạn gái của Beluga.
Từ West Egg đến có vợ chồng Pole, vợ chồng Mulready, có Cecil Roebuck, Cecil Schoen và Gulick, thượng nghị sĩ bang New York, có Newton Orchid, người nắm công ty “Những bộ phim tuyệt tác”, có Eckhaust, Clyde Cohen, Don S. Schwartze (con) và Arthur McCarty, tất cả đều dính líu với ngành điện ảnh bằng cách này hay cách khác. Có vợ chồng Catlip, vợ chồng Bemberg và G. Earl Muldoon, anh em gì đó với gã Muldoon mà sau này đã bóp cổ vợ. Nhà cổ động kinh doanh Da Fontano cũng hay lai vãng đến đấy. Ngoài ra còn có Ed Legros và James B. Ferret mệnh danh là “Thỏ đế” cùng với vợ chồng De Jong and Ernest Lilly – họ đến để đánh bạc, và khi Ferret tha thẩn trong vườn có nghĩa là ông ta đã nhẵn túi và thế nào hôm sau cổ phần của công ty Vận tải liên hợp cũng sẽ phải lên xuống.
Một gã tên là Klipspringer đến đấy luôn và ở lâu đến nỗi được đặt cho cái tên là “gã ở trọ” – tôi không chắc gã có một nơi ở nào khác. Trong số những nhân vật thuộc giới sân khấu đến đấy có Gus Waize và Horace O’Donavan, Lester Meyer, George Duckweed và Francis Bull. Cũng từ New York đến có vợ chồng Chrome và vợ chồng Backhysson, vợ chồng Dennicker và Russel Betty cùng với vợ chồng Corrigan, có vợ chồng Kelleher, vợ chồng Dewar và vợ chồng Scully cùng với S. W. Belcher, có vợ chồng Smirke và cặp vợ chồng trẻ Quinn, nay đã li dị nhau. Có Henry L. Palmetto, kẻ đã tự tử bằng cách lao đầu vào xe điện ngầm ở quảng trường Thời đại.
Benny McClenahan bao giờ cũng đến cùng với bốn cô bạn gái. Không phải lần nào cũng vẫn những người cũ, nhưng họ giống hệt nhau đến nỗi không thể không làm cho người ta nhầm tưởng rằng lần trước họ đã đến rồi. Tôi quên mất tên những cô gái ấy – có lẽ là Jaqueline hay Consuela, Gloria hoặc Judy hay June gì đó, còn họ thì hoặc là du dương như tên gọi các loài hoa và các tháng, hoặc nghiêm trang hơn, đọc lên nghe giống họ của các nhà đại tư bản Mỹ mà mấy cô gái ấy sẽ thú nhận là bà con với mình nếu ta gạn hỏi.
Ngoài tất cả những người ấy ra, tôi còn nhớ Faustina O’Brien đã đến đấy ít nhất một lần cùng với các cô gái nhà Baedeker và chàng thanh niên Brewer bị mất mũi trong chiến tranh. Tôi nhớ còn có Albrucksburger với vị hôn thê của ông ta là cô Haag, có vợ chồng Ardita Fitz-Peter và ông P. Jewett, người có một thời đã từng làm chủ tịch Hội cựu chiến binh Mỹ, có cô Claudia Hip đi cùng với một ông mà người ta bảo là tài xế của cô, và một ông hoàng gì đó mà người ta gọi là Công tước – tên của ông hoàng này nếu như tôi có biết thì nay cũng quên mất rồi.
Tất cả bọn họ đã đến biệt thự Gatsby mùa hè năm ấy.
*
* *
Một buổi sáng cuối tháng bảy, vào lúc chín giờ, chiếc xe lộng lẫy của Gatsby lắc lư lăn bánh trên lối đi gồ ghề sỏi đá dẫn đến cửa nhà tôi và thả ra một nét nhạc du dương từ cái còi ba nốt của nó. Đây là lần đầu tiên Gatsby đến thăm tôi tuy tôi đã hai lần đến dự dạ hội ở nhà anh, đi chơi trên chiếc thuỷ phi cơ của anh, và theo lời mời khẩn khoản của anh, đã thường xuyên sử dụng bãi biển nhà anh.
– Xin chào người anh em. Vì anh đã nhận lời đi ăn trưa với tôi hôm nay nên tôi đưa xe đến đón anh đi cùng.
Thấy tôi trầm trồ ngắm nghía chiếc xe, Gatsby hỏi:
– Đẹp đấy chứ, phải không, người anh em? Trước đây anh đã trông thấy nó bao giờ chưa?
Tôi đã thấy nó. Ai cũng đã thấy nó. Chiếc xe sơn màu kem, mạ kền sáng loáng, thân xe dài khủng khiếp với nhiều chỗ phình ra làm ngăn đặt mũ, ngăn đựng đồ ăn đi cắm trại và ngăn đựng dụng cụ, còn trên mui là những thanh chắn gió đan với nhau lằng nhằng rắc rối và lấp lánh phản chiếu dễ đến hàng chục mặt trời. Ngồi sau nhiều lớp kính trông như một nhà kính ươm cây, chúng tôi cho xe chạy ra thành phố.

Tôi đã nói chuyện với Gatsby tháng trước khoảng năm sáu lần và thất vọng thấy rằng không có gì đáng nói về anh. Vì vậy cảm tưởng đầu tiên của tôi cho rằng Gatsby là một người có địa vị đã dần dần tan đi, và đối với tôi, anh nay chỉ là người chủ một lữ quán sang trọng cạnh nhà.
Thế rồi diễn ra chuyến đi chơi bằng xe hơi này, nó làm đảo lộn mọi ý nghĩ. Chưa tới làng West Egg, Gatsby đã bỏ lửng những câu nói bóng bẩy, vỗ tay vào chỗ đầu gối của bộ quần áo màu be nhạt của mình với vẻ phân vân.
– Này, người anh em, – đột nhiên Gatsby lên tiếng làm tôi giật mình. – Anh nghĩ thế nào về tôi… đại khái là thế nào?
Bị hỏi bất ngờ, tôi nói lảng bằng những câu chung chung thích hợp với loại câu hỏi này.
Gatsby ngắt lời tôi:
– Thôi được. Tôi sẽ kể với anh đôi chút về đời tôi. Tôi không muốn anh nghĩ sai về tôi qua tất cả những câu chuyện mà anh đã nghe được.
Thì ra Gatsby cũng biết những lời tố cáo quái gở đã được gia giảm vào những lời tán gẫu trong các gian phòng ở nhà anh.
– Tôi xin kể với anh sự thật của Chúa trời, – bàn tay phải của Gatsby bỗng ra lệnh cho thần công lí đứng nghiêm. – Tôi là con một gia đình giàu có ở miền Trung Tây. Bố mẹ tôi đều đã mất. Tôi được nuôi nấng tại Mỹ nhưng được học hành tại Oxford vì tổ tiên tôi ai cũng được giáo dục tại trường đại học ấy nhiều năm. Đó là một truyền thống trong gia đình.
Gatsby liếc mắt nhìn tôi – tôi bỗng hiểu ra tại sao Jordan Baker lại tin rằng anh nói dối. Gatsby nói câu “học hành tại Oxford” một cách vội vã như muốn nuốt chửng câu đó hoặc bị tắc cổ vì nó. Có lẽ trước đây nó đã quấy rầy anh. Với mối nghi ngờ ấy, tất cả các lời nói của anh tan ra mây khói, và tôi tự hỏi không biết xét cho cùng, phải chăng có một cái gì hơi nham hiểm ở con người anh.
– Ở khu vực nào miền Trung Tây? – Tôi lơ đễnh hỏi.
– San Francisco.
– Thế à.
– Gia đình tôi không còn ai và tôi được thừa hưởng một tài sản rất lớn.
Giọng Gatsby nghiêm trang như thể kí ức về sự tiêu vong đột ngột của gia đình hãy còn ám ảnh anh. Thoạt tiên tôi tưởng anh định giễu tôi, nhưng nhìn sang anh tôi biết không phải như vậy.
– Sau đó tôi sống như một ông hoàng tại tất cả các thành phố lớn của châu u – Paris, Venice, Rome – sưu tầm những thứ đồ châu báu, chủ yếu là hồng ngọc, săn bắn thú lớn, thỉnh thoảng vẽ vời một chút, chỉ lo cho bản thân mình và cố quên đi một chuyện rất buồn đã xảy ra với tôi từ lâu.
Tôi cố ghìm lại một nụ cười hoài nghi. Những câu nói sáo rỗng quá đến nỗi chúng không gợi lên một hình ảnh nào khác là một con rối đầu chít khăn, mùn cưa rơi ra lả tả ở mọi lỗ chân lông, đang đuổi theo một con hổ trong khu rừng Boulogne ở ngoại ô Paris.
– Rồi xảy ra chiến tranh, người anh em ạ. Chiến tranh làm tôi khuây khoả rất nhiều. Tôi cố tìm cái chết, nhưng hình như tính mệnh tôi lại được thánh thần bảo hộ thế nào đó. Khi bắt đầu chiến tranh, tôi được phong trung uý. Trong trận đánh ở khu rừng Argonne, tôi dẫn đầu số binh lính sống sót trong tiểu đoàn súng máy của tôi tiến lên qua tuyến đầu, xa đến nỗi ở cả hai bên chúng tôi là một khoảng trống dài đến nửa dặm mà bộ binh không tiến lên nổi. Chúng tôi chốt lại hai ngày hai đêm ở đó, một trăm ba mười người với mười sáu khẩu đại liên Lewis, và cuối cùng khi bộ binh kéo tới thì họ thấy phiên hiệu của ba sư đoàn Đức trong các đống xác chết. Tôi được thăng cấp thiếu tá và được chính phủ tất cả các nước đồng minh tặng thưởng huân chương, kể cả Montenegro, nước Montenegro nhỏ bé trên bờ biển Adriatic!
Montenegro nhỏ bé! Gatsby bỗng dưng lên giọng khi nói đến nước này và gật đầu, kèm theo một nụ cười. Nụ cười ấy bao gộp trong nó lịch sử rối ren của Montenegro và bày tỏ thiện cảm với các cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Montenegro. Nó đánh giá được đầy đủ chuỗi hoàn cảnh dân tộc đã làm nảy ra lời ngợi khen này từ trái tim nhỏ bé ấm áp của Montenegro. Sự hoài nghi của tôi bây giờ bị nhận chìm trong một niềm khâm phục. Tôi nghe câu chuyện như thể mình đang giở xem một tờ hoạ báo.

Gatsby đút tay vào túi rồi thả vào lòng bàn tay tôi một mẩu kim loại buộc vào một dải ruy-băng.
– Đây là tấm huân chương của Montenegro.
Tấm huân chương có vẻ rất thật khiến tôi kinh ngạc vô cùng. Vòng chữ chạy xung quanh đề “Orderi di Danilo, Montenegro, Nicolas Rex.”
– Anh lật mặt sau mà xem.
Tôi đọc thấy:
– “Tặng thiếu tá Jay Gatsby, vì lòng dũng cảm phi thường.”
– Đây, một vật nữa mà lúc nào tôi cũng mang theo người. Một kỉ niệm của thời kì ở Oxford. Chụp tại sân Trinity Quad. Người ở bên trái tôi bây giờ là bá tước Dorcaster.
Đó là một bức ảnh chụp khoảng năm sáu thanh niên mặc đồ thể thao đi tha thẩn dưới một cái cổng tò vò, qua đó có thể nhìn thấy một dãy tháp chuông. Trong số đó có Gatsby, trông chỉ trẻ hơn bây giờ một chút, tay cầm một cái gậy đánh cricket.
Như vậy là đúng chứ gì. Tôi thấy hiện ra những tấm da hổ rực rỡ trong dinh thự của anh trên con Kênh lớn (1), tôi như nhìn thấy anh đang mở ngăn đựng những viên hồng ngọc màu đỏ sẫm để làm dịu bớt những nỗi khắc khoải day dứt trái tim tan nát của anh.
Cất vào trong túi những kỉ vật của mình với vẻ hài lòng, Gatsby bảo tôi:
– Hôm nay tôi muốn nhờ anh một việc hệ trọng, vì vậy tôi thiết nghĩ anh cần biết đôi chút về tôi. Tôi không muốn anh nghĩ tôi chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt. Anh thấy đấy, tôi hay giao du với những kẻ xa lạ chỉ vì tôi đi phiêu bạt đây đó cho quên đi sự việc đau buồn đã xảy ra với tôi. – Gatsby do dự rồi nói tiếp: – Anh sẽ được biết việc tôi nhờ anh trong chiều nay.
– Trong bữa trưa tới?
– Không, chiều nay. Tôi tình cờ được biết chiều nay anh mời cô Baker đi uống trà.
– Phải chăng anh muốn nói anh yêu cô Baker?
– Không đâu, người anh em ạ. Không phải thế đâu. Nhưng cô Baker đã vui lòng nhận lời nói với anh về chuyện ấy.
Tôi tuyệt nhiên không tưởng tượng được “chuyện ấy” là chuyện gì, nhưng tôi thấy bực mình hơn thích thú. Tôi mời Jordan Baker đi uống trà đâu phải để nói chuyện về ông Jay Gatsby. Tôi tin chắc việc nhờ vả này sẽ là một việc gì đó hết sức kì quái, và trong một lúc, tôi lấy làm tiếc đã đặt chân đến khu vườn quá đông đúc của Gatsby.
Gatsby không nói thêm lời nào nữa. Vẻ đúng mực của anh tăng lên khi chúng tôi đến gần thành phố. Chúng tôi qua cảng Roosevelt, nhìn thoáng thấy những chiếc tàu viễn dương sơn quanh thân một vành đai đỏ, và lướt nhanh qua một phố lát đá tồi tàn, hai bên là hai dãy quán rượu tối lù mù nhưng không vắng khách, những quán rượu của một thời kì hoàng kim đã tàn phai – những năm một nghìn chín trăm gì đó. Sau đó là đến thung lũng tro, trải dài ra hai bên chúng tôi. Tôi thoáng thấy bà vợ Wilson đang loay hoay bên chiếc cột bơm xăng khi xe chúng tôi vụt qua.

Cái chắn sốc xoè ra như đôi cánh, chiếc xe của chúng tôi lướt như bay qua một nửa khu Long Island City, – một nửa thôi, vì khi chúng tôi đang lượn vòng vèo giữa những cột chống đỡ con đường sắt trên cao thì tôi nghe thấy tiếng nổ quen thuộc “bặp-bặp-bặp” của một chiếc môtô và một nhân viên cảnh sát hùng hổ vụt lên đi song hàng với xe chúng tôi.
– Được rồi, người anh em ạ, – Gatsby nói to.
Chúng tôi cho xe chạy chậm lại. Rút trong ví ra một tấm bìa trắng, Gatsby giơ ra trước mặt viên cảnh sát.
– Ồ, thôi, – viên cảnh sát giơ tay lên vành mũ chào, – Tôi xin lỗi, thưa ông Gatsby. Lần sau tôi sẽ nhận ra ông.
– Cái gì đấy? – tôi hỏi. – Bức ảnh ở Oxford à?
– Tôi đã có dịp giúp viên cảnh sát trưởng một việc nhỏ. Ông ta năm nào cũng gửi cho tôi một tấm giấy thông hành đặc biệt thay cho thiếp chúc mừng Noel.
Trên cầu lớn, ánh nắng len lỏi quan các dầm cầu như nhấp nháy liên hồi với các xe hơi đang vun vút chạy qua, và bên kia con sông, thành phố vươn lên thành từng khối trăng trắng như những viên đường được xây dựng lên bằng một phép màu và bằng những đồng tiền không mùi. Đứng từ cầu Queensboro mà nhìn, người ta luôn cảm thấy như được trông thấy thành phố New York lần đầu với lời hứa hẹn ngông cuồng đầu tiên của nó về tất cả những điều kì diệu và mĩ lệ trên thế giới. Chúng tôi gặp một chiếc xe tang phủ đầy hoa, theo sau là hai chiếc xe rèm che kín mít và những chiếc xe khác ít màu tang tóc hơn chở bạn bè của người chết. Họ tò mò nhìn chúng tôi với những cặp mắt thiểu năo và vành môi trên ngắn của người miền đông nam châu u. Và tôi thích thú nghĩ rằng hình ảnh chiếc xe lộng lẫy của Gatsby đã nổi bật lên trong ngày nghỉ ảm đạm này của họ. Khi chúng tôi vượt qua đảo Blackwell, một chiếc xe du lịch lớn vượt qua chúng tôi. Ngoài một người tài xế da trắng cầm lái, trong xe còn có ba người da đen ăn mặc đúng mốt, hai anh con trai và một cô con gái. Tôi cười to khi thấy con mắt họ trợn tròn nhìn về phía chúng tôi với một vẻ kình địch kiêu kì. Tôi nghĩ:
– Giờ đã qua chiếc cầu này rồi (2) thì chuyện gì cũng có thể xảy ra được hết, bất kể chuyện gì…
Ngay cả Gatsby có là người thế nào đi nữa cũng không làm cho tôi đặc biệt ngạc nhiên.
*
* *
Một buổi trưa ồn ào náo nhiệt. Tại một tầng hầm thoáng gió ở phố Bốn mươi hai, tôi đến gặp Gatsby để ăn trưa cùng với anh. Chớp chớp mắt cho quen với bóng tối trong nhà, tôi loáng thoáng nhận ra anh đang nói chuyện với một ai đó.
– Anh Carraway, xin giới thiệu đây là ông Wolfshiem, bạn tôi.
Một người Do Thái nhỏ bé, mũi tẹt, ngẩng cái đầu to lên nhìn tôi với hai túm lông mũi thò ra quá dài. Một lúc sau, tôi phát hiện ra hai con mắt ti hí của ông ta trong ánh sáng lờ mờ.
– … thế là tôi nhìn hắn ta một cái, – ông Wolfshiem nói, hớn hở bắt tay tôi, – và ông thử nghĩ xem tôi làm gì?
– Làm gì? – tôi hỏi, giọng lễ phép.
Nhưng tất nhiên không phải là ông ta nói với tôi, vì ông ta buông tay tôi ra và hếch cái mũi biểu cảm của mình về phía Gatsby.
– Tôi trao tiền cho Katspaugh và bảo “Được rồi, Katspaugh này, đừng có trả cho hắn dù chỉ một xu chừng nào hắn còn câm cái mồm”. Thế là hắn câm mồm ngay lập tức.
Gatsby nắm lấy cánh tay hai chúng tôi đẩy vào trong quán ăn. Ông Wolfshiem nuốt ngược vào họng một câu nói khác vừa định thốt ra và thả mình vào một trạng thái lơ đãng của kẻ mộng du.
– Uýtxki? – người hầu bàn hỏi.

– Quán này hay đấy, – Wolfshiem nói, mắt nhìn những cô gái như những nữ tu sĩ vẽ trên trần nhà. – Nhưng tôi thích quán bên kia đường hơn.
– Ừ, uýtxki, – Gatsby tán thành, rồi quay sang Wolfshiem – Ở bên kia quá nóng.
– Nóng và nhỏ quá, đúng thế, nhưng đầy những kỉ niệm.
Tôi hỏi:
– Nơi nào thế?
– Quán Metropole cổ.
Wolfshiem vẻ u buồn, nói chậm rãi:
– Quán Metropole cổ. Đầy những gương mặt đã khuất bóng và đã vắng xa. Đầy những bạn bè nay đã vĩnh viễn ra đi. Chừng nào tôi còn sống thì tôi chưa thể quên cái đêm chúng bắn chết Rosy Rosenthal ở đó. Chúng tôi sáu người ngồi ăn và Rosy đã ăn uống rất nhiều suốt cả tối. Gần đến sáng thì người hầu bàn lại gần cậu ta với một vẻ kì quặc, bảo là có người muốn nói chuyện với cậu ta ngoài cửa. Rosy nói: “Được rồi” và toan đứng dậy, nhưng tôi kéo cậu ta ngồi xuống:
“- Bảo bọn chó đẻ ấy vào đây, nếu chúng nó muốn nói chuyện với cậu, Rosy ạ. Còn tôi đây thì cậu đừng có mà ra khỏi căn phòng này.”
“Lúc bấy giờ đã là bốn giờ sáng, nếu kéo cửa chớp lên thì đã thấy trời sáng rõ.”
– Anh ấy có ra không? – Tôi ngây thơ hỏi.
– Cậu ấy ra chứ. – Cái mũi của ông Wolfshiem bắn vào tôi những tia giận dữ. – Ra đến cửa, cậu ấy còn quay lại bảo: “Đừng để hầu bàn mang tách cà phê của tôi đi nhé”. Sau đó cậu ấy bước ra hè đường, và chúng nó bắn cậu ấy ba phát vào đúng giữa bụng rồi phóng xe bỏ chạy.
– Bốn đứa ngồi ghế điện, – tôi nói và hồi tưởng lại vụ này.
– Năm đứa, nếu kể cả Becker. – Hai cánh mũi của ông ta quay sang tôi ra chiều quan tâm. – Có lẽ ông muốn tìm mối làm ăn phải không?
Hai câu nói ấy đi liền nhau làm tôi phải giật mình sửng sốt, Gatsby trả lời hộ tôi:
– Ồ, không phải đâu, ông này không phải là nhân vật ấy.
– Không phải là…? – Wolfshiem có vẻ chưng hửng.
– Ông này chỉ là một người bạn. Tôi đã bảo ông là ta sẽ nói chuyện ấy vào một lúc khác cơ mà.
– Tôi xin lỗi, – Wolfshiem nói. – Tôi tưởng nhầm.
Một món thịt băm thơm ngon được dọn lên và Wolfshiem quên mất bầu không khí tình cảm hơn của quán Metropole cổ, bắt đầu ăn một cách hùng hổ mà lại lịch thiệp. Trong khi đó con mắt ông ta từ từ đảo khắp gian phòng – ông ta khép kín vòng quay bằng cách quan sát những người ngồi ngay đằng sau lưng. Tôi tin rằng nếu không vì có tôi, ông ta đã ngó một cái xuống gầm bàn.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.