Đọc truyện Gatsby vĩ đại – Chương 11: part 1
Vào khoảng thời gian này, một phóng viên trẻ xông xáo ở New York một hôm đến nhà
Gatsby hỏi anh có muốn tuyên bố gì không.
– Tuyên bố về cái gì cơ chứ? – Gatsby nhã nhặn hỏi lại.
– À, về bất kể cái gì.
Phải mất năm phút rối mò sau mới hiểu ra là anh chàng phóng viên nọ đã nghe lỏm được ai ở toà soạn nhắc đến tên Gatsby liên quan đến một sự việc nào đấy mà anh ta không chịu tiết lộ hoặc có khi anh ta cũng không biết rõ. Hôm nay được ngày nghỉ, với một sự chủ động đáng khen, anh ta vội tìm đến nhà ông Gatsby này “thử xem sao”.
Đây chỉ là một việc khai thác hú hoạ, tuy vậy người phóng viên này đã linh cảm đúng. Tiếng tăm của Gatsby, – được truyền qua cửa miệng hàng trăm người đã chấp nhận lòng hiếu khách của anh và vì thế trở thành những nguồn tin có thẩm quyền về quá khứ của anh, – tăng lên trong suốt mùa hè đến mức Gatsby gần được đưa thành tin trên báo. Các giai thoại đương thời, như chuyện có một đường ống ngầm tuồn rượu lậu từ Canada vào Mỹ, cũng được gán ghép cho Gatsby. Còn có một chuyện đồn đại dai dẳng là Gatsby không sống trong một ngôi nhà mà sống trên một con thuyền trông giống một ngôi nhà, được di chuyển bí mật nay nơi này mai nơi khác ven bờ đảo Long Island. Còn tại sao những lời bịa đặt này lại làm cho anh chàng James Gatz ở bang Dakota Bắc thích thú thì không dễ mà giải thích được.
James Gatz – đó là tên thật hay ít nhất là tên chính thức của Gatsby. Anh đã đổi lấy cái tên này hồi anh mười bảy tuổi, đúng vào giây phút anh bắt đầu bước vào đời, tức là giây phút anh nhìn thấy chiếc du thuyền của Dan Cody thả neo ở một bãi đất nông nham hiểm trong Hồ Thượng. Anh con trai mặc chiếc áo thun xanh rách, chân đi giày vải, lúc đi tha thẩn ven hồ chiều hôm ấy là James Gatz, nhưng anh con trai ấy đã trở thành Jay Gatsby khi anh ta mượn một chiếc mảng chèo ra chỗ chiếc du thuyền Tuolomee thả neo, báo cho Cody biết là nửa giờ nữa trời có thể sẽ nổi gió và lật nhào chiếc thuyền của ông.
Tôi cho rằng anh đã ấp ủ cái tên này từ lâu. Cha mẹ anh là những tá điền chịu thương chịu khó nhưng không khấm khá lên được – trí tưởng tượng của anh tuyệt nhiên không bao giờ thực sự nhận họ là những người đẻ ra mình. Sự thực là chàng Jay Gatsby ở West Egg, Long Island, là sản phẩm do quan niệm lí tưởng thuần tuý của anh về mình sinh ra. Anh là một đứa con của Chúa trời – theo đúng nghĩa của câu nói đó nếu như câu nói đó có ý nghĩa – nên anh phải chăm lo đến công việc của Chúa cha: phụng sự một cái đẹp bao la, tầm thường và hào nhoáng. Vì thế anh đã tưởng tượng ra Jay Gatsby, đúng loại người mà một đứa trẻ mười bảy tuổi có thể nghĩ ra, và anh đã trung thành với khái niệm này cho đến cùng.
Trước đó hơn một năm, anh đã lặn lội kiếm sống ở mạn phía nam Hồ Thượng, bắt ngao và đánh cá hoặc làm bất cứ nghề gì đem lại miếng cơm manh chiếu. Tấm thân rám nắng và rắn chắc của anh đã vững chãi thêm qua những việc làm vừa vất vả vừa rỗi rãi của những ngày này. Anh biết đến phụ nữ sớm, và vì phụ nữ làm hư anh nên anh khinh bỉ họ, khinh bỉ những cô gái tân non nớt vì họ ngu dốt, khinh bỉ những người đàn bà khác vì họ điên dại vì những chuyện mà anh coi là thường tình.
Nhưng trái tim anh thì luôn luôn nổi loạn. Những điều tưởng tượng lố bịch và kì quái nhất ám ảnh anh ban đêm trên giường. Cả một thế giới cực kì sặc sỡ hào nhoáng được mở ra trong óc anh trong khi chiếc đồng hồ kêu tí tách trên giá rửa mặt, và ánh trăng ẩm ướt đổ xuống ướt sũng đống quần áo của anh ngổn ngang dưới sàn. Mỗi đêm anh lại điểm thêm những nét mới vào những điều tưởng tượng ngông cuồng của mình cho đến khi chúng được khép lại ở một cảnh sống động trong vòng tay ru của giấc ngủ. Trong một thời gian, những điều mơ tưởng này đem lại một lối thoát cho trí tưởng tượng của anh. Chúng nhắc nhở một cách thoả đáng đến vẻ huyền ảo của thực tế, chúng nhắn nhủ rằng nền tảng của thế giới được đặt vững chãi trên đôi cánh tiên nữ.
Linh cảm về tương lai vẻ vang của mình đã khiến cho trước đó mấy tháng James Gatz đến theo học tại trường St. Olaf bé nhỏ của dòng tu Lutheran tại miền nam bang Minnesota. Anh lưu lại ở đó có hai tuần, chán nản trước sự dửng dưng hung hãn của nhà trường đối với tiếng trống giục giã của số phận mình, đối với bản thân số phận nói chung, và khinh rẻ những việc lao động trong trường mà anh phải làm để được theo học. Thế là James Gatz lại lang thang bên Hồ Thượng, và hôm chiếc du thuyền của Dan Cody thả neo xuống dải đất nông ven bờ thì James Gatz vẫn còn đang loay hoay chưa biết nên làm gì.
Hồi bấy giờ Cody đã ở tuổi ngũ tuần. Ông là sản phẩm của những mỏ bạc Nevada, của dòng sông Yukon, của mọi cuộc đổ xô đi tìm các thứ kim loại suốt từ năm một nghìn tám trăm bảy mươi nhăm. Những cuộc mua bán các mỏ vàng ở Montana giúp ông trở thành người mấy mươi lần triệu phú, đã làm cho ông cường tráng về thể chất nhưng mềm yếu về tâm hồn. Đánh hơi thấy vậy, rất đông phụ nữ đã tìm cách tách ông rời khỏi tài sản của ông. Những thủ đoạn không lấy gì làm hay mà nữ kí giả Ella Kaye đã dùng để đóng vai người tình của ông và đẩy ông ra biển trên một chiếc du thuyền là những chuyện thường thấy trên mặt báo năm 1902. Khi Dan Cody đã đi men theo các bờ biển hiền hoà được năm năm thì ông trở thành người nhào nặn nên số phận của James Gatz tại vịnh Little Girls.
Đối với chàng trai James Gatz, tì tay trên cán chèo ngước mắt nhìn lên boong thuyền, chiếc Tuolomee là tất cả những gì mĩ lệ và lộng lẫy của thế giới. Có lẽ anh đã cười nụ với Cody – anh chắc đã nhận ra mọi người thích mình khi mình cười nụ. Bất luận thế nào, Cody có hỏi anh vài ba câu (trong đó có câu đã làm bật ra cái tên mới toanh kia), thấy anh nhanh nhẹn và có những hoài bão quá ư ngông cuồng. Mấy hôm sau, Cody đưa anh về Duluth mua cho anh một cái áo xanh, sáu cái quần bằng vải trắng và một cái mũ thuỷ thủ. Khi chiếc Tuolomee lên đường đi Tây Ấn và bờ biển Barbary thì có mặt Gatsby ở trên thuyền.
Gatsby được thuê mướn không với một danh nghĩa nhất định nào. Trong thời gian ở với Cody, khi thì Gatsby làm cần vụ, thừa phái, khi thì làm thuyền phó, hoa tiêu, và thậm chí làm cả cai ngục nữa, vì Dan Cody tỉnh biết những chuyện hoang toàng mà Dan Cody say có thể mắc phải, cho nên ông lo trước cho những tình huống đó bằng cách đặt lòng tin mỗi ngày một nhiều hơn vào Gatsby. Nếp sống này kéo dài năm năm, trong thời gian ấy chiếc du thuyền đi quanh lục địa được ba lần. Nếp sống ấy có thể còn kéo dài mãi nếu như không xảy ra sự việc là vào một đêm tại Boston, Ella Kaye trèo lên thuyền và một tuần sau thì Dan Cody chấm dứt lòng hiếu khách của mình bằng cách từ giã cõi đời.
Tôi còn nhớ bức ảnh chụp Cody treo trong phòng ngủ của Gatsby. Tóc ông lốm đốm bạc, da đỏ hồng hào, nét mặt rắn rỏi và trống rỗng – một mẫu người đi khai phá những vùng đất mới và sống một cuộc đời trác táng, bê tha, một mẫu người của một thời trong đời sống nước Mỹ, kẻ đã đem về bờ biển miền Đông sự hung bạo man rợ của các nhà chứa và các quán rượu biên thuỳ. Chính gián tiếp nhờ Cody mà Gatsby ít uống rượu đến vậy. Đôi khi, giữa những cuộc vui, đám phụ nữ lấy sâm banh đổ vào đầu anh bởi vì anh đã tự tạo cho mình cái nếp không bao giờ đụng đến rượu mạnh.
Gatsby là người được Dan Cody cho thừa hưởng các tài sản của ông – di sản trị giá hai mươi nhăm nghìn đôla. Nhưng Gatsby không nhận được số tiền đó. Anh không bao giờ hiểu nổi cái thủ đoạn pháp lí đã được dùng để chống lại anh, chỉ biết là tất cả gia sản rơi hết vào tay Ella Kaye. Anh còn lại với cái vốn học thức đặc biệt thích hợp của mình. Hình bóng lờ mờ của Jay Gatsby đã được bồi đắp thành thực chất của một con người.
*
* *
Những chuyện ấy, mãi về sau Gatsby mới kể với tôi, nhưng tôi ghi ra đây để xua tan những tin đồn lung tung về quá khứ của anh, những lời đồn ấy không có lấy một chút sự thật nào. Với lại, Gatsby kể với tôi chuyện này vào thời gian có nhiều xáo động, vào lúc mà tôi đi đến chỗ tin hết mọi điều đồng thời không tin một điều gì về anh. Vì vậy, tôi lợi dụng lúc tạm ngừng này, có thể nói là lúc Gatsby nghỉ lấy hơi, để dẹp đi tất cả những cách hiểu sai ấy.
Đây cũng là thời gian tôi ngừng dính líu vào công việc của Gatsby. Suốt mấy tuần, tôi không gặp anh và không nghe thấy tiếng anh qua điện thoại – hầu hết thời gian này tôi ở New York, đi tha thẩn đây đó với Jordan và cố lấy lòng bà cô già của Jordan. Cuối cùng, một chiều chủ nhật, tôi sang chơi bên nhà Gatsby. Tôi đến chưa được hai phút thì có người dẫn Tom Buchanan vào chơi nhà anh. Tôi giật mình, tất nhiên, nhưng điều thực sự kinh ngạc là chuyện ấy đến bây giờ mới diễn ra.
Đám khách này cưỡi ngựa đến. Họ có ba người: Tom cùng với một ông tên là Sloane và một phụ nữ kiều diễm mặc quần áo đi ngựa màu nâu đã từng đến chơi đây.
Gatsby đứng ở ngoài cổng chào đón:
– Mời các vị vào chơi, rất vui mừng được đón tiếp các vị.
Làm như thể họ quan tâm đến lời mời này lắm!
– Xin mời ngồi. Mời các vị dùng thuốc lá hoặc xì gà, – Gatsby nhanh nhẹn đi lại trong phòng, rung chuông. – Tôi sẽ cho đem đồ uống lên ngay bây giờ.
Gatsby rất mất bình tĩnh trước sự có mặt của Tom. Nhưng dẫu thế nào Gatsby vẫn cứ lúng túng chừng nào anh chưa bảo đem lên được một thức gì mới mời khách, vì anh hiểu lờ mờ rằng khách khứa đến đây chẳng qua chỉ vì chuyện ấy. Ông Sloane không dùng một thứ gì cả. Nước chanh nhé? Không, cảm ơn. Chút sâm banh nhé? Không dùng gì cả đâu, cảm ơn… Tôi rất tiếc…
– Các vị đi dạo có vui không?
– Đường sá quanh đây rất tốt.
– Chắc rằng xe hơi…
– Ờ, ờ!
Như có một sức gì thôi thúc không cưỡng nổi, Gatsby quay sang Tom sau khi anh này đã để cho người ta giới thiệu mình như một người xa lạ.
– Ông Buchanan, hình như chúng ta đã gặp nhau ở đâu rồi thì phải.
– Ồ, đúng rồi, – Tom làu bàu một cách lịch sự, nhưng rõ ràng là không nhớ ra. – Đã gặp nhau ở đâu rồi. Tôi rất nhớ.
– Cách đây khoảng hai tuần.
– Đúng rồi, ông đi cùng với anh Nick đây.
– Tôi biết vợ ông. – Gatsby nói tiếp, vẻ gần như gây sự.
– Thế à?
Tom quay sang đây:
– Anh Nick, anh ở gần đây à?
– Ngay bên cạnh.
– Thế à?
Ông Sloane không tham gia câu chuyện, mà ngả người sâu trong ghế với vẻ kiêu kì. Người đàn bà cũng không nói gì cho đến khi, sau hai cốc uýtxki – xôđa, bà ta bỗng dưng trở nên thân mật:
– Ông Gatsby, tất cả chúng tôi sẽ đến dự buổi dạ hội kì tới của ông đấy. Ông nghĩ sao?
– Được chứ. Tôi rất vui mừng được đón tiếp các vị.
– Thật quý hoá! – Ông Sloane nói, giọng không có vẻ gì hàm ơn. – À, có lẽ ta phải về thôi.
– Các vị vội vã gì? – Gatsby khẩn khoản. Bây giờ anh đã bình tâm, và anh muốn biết thêm về Tom. – Tại sao các vị… tại sao các vị lại không ở lại dùng bữa tối? Thế nào cũng sẽ có một vài vị khách New York đến bây giờ đây.
– Chính tôi mời ông đến dùng bữa tối với tôi. – Bà khách giọng nhiệt tình. – Xin mời cả hai ông.
Lời mời ấy bao gồm cả tôi. Ông Sloane đứng dậy.
– Ta đi thôi, – ông ta nói, nhưng chỉ nói với bà khách kia.
– Tôi nói thực đấy. – bà khách nài. – Tôi rất vui mừng được đón tiếp các ông. Có nhiều chỗ mà.
– Tôi e không đến được, – tôi đáp.
– Thế thì ông đến vậy, – bà ta khẩn khoản, hướng về phía Gatsby.
Ông Sloane thì thầm câu gì đó vào tai bà ta. Bà ta lại nài nỉ, nói to:
– Nếu ta đi ngay bây giờ thì chẳng muộn đâu.
– Tôi không có ngựa, – Gatsby nói. – Hồi ở trong quân đội, tôi thường cưỡi ngựa luôn, nhưng tôi chưa mua một con ngựa nào. Tôi phải đi theo các vị bằng xe hơi vậy. Tôi xin lỗi một phút.
Tất cả chúng tôi bước ra thềm, tại đó ông Sloane và bà khách nói chuyện với nhau rất hăng.
– Lạy Chúa, gã này định đi theo họ thật sao? – Tom nói với tôi. – Gã không biết là bà ta không muốn có gã à?
– Sao bà ta lại bảo là mời ông ấy đến.
– Bà ấy tổ chức một bữa tiệc lớn mà ở đấy gã không quen biết một ai hết. – Tom cau mày. – Tôi không biết gã gặp Daisy ở nơi quái quỷ nào nhỉ? Có Chúa trời chứng giám, có thể là tôi nghĩ cổ, nhưng thời nay phụ nữ đi rông dài loăng quăng quá lắm, thật không hợp với tôi. Họ gặp gỡ lung tung đủ mọi hạng người.
Đột nhiên ông Sloane và bà khách xuống mấy bậc thềm và trèo lên ngựa. Ông ta bảo Tom:
– Ta đi thôi, kẻo muộn rồi. Ta phải đi thôi. – Rồi ông ta nói với tôi: – Nhờ ông bảo lại với ông ấy là chúng tôi không chờ được.
Tom và tôi bắt tay nhau, còn mấy người kia và tôi thì gật đầu lạnh lùng chào nhau, rồi bọn họ cho ngựa phi nước kiệu trên đường xe chạy trong vườn và khuất sau một lùm cây đúng vào lúc Gatsby, tay cầm mũ và chiếc áo khoác mỏng, hiện ra ở cửa trước. Tom rõ ràng lo ngại trước việc Daisy đi chơi một mình, vì tối thứ bảy liền sau đấy, Tom đi cùng với nàng đến dự buổi dạ hội tại nhà Gatsby. Có lẽ sự có mặt của Tom làm cho cuộc vui mang một không khí ngột ngạt đặc biệt hay sao mà trong kí ức tôi nó khác hẳn những buổi dạ hội khác ở nhà Gatsby mùa hè năm ấy. Vẫn những khách khứa ấy, hay ít nhất vẫn những loại khách ấy, vẫn ê hề sâm banh, vẫn sự ồn ào náo nhiệt nhiều màu sắc, nhiều cung bậc âm thanh, nhưng tôi cảm thấy trong không khí có một cái gì căng thẳng gay gắt trước kia không hề có. Hay có lẽ vì tôi đâm quen với nó rồi, quen với việc coi West Egg là một thế giới tự tại với những phép tắc riêng của nó, những tên tuổi lớn của nó, không thua kém một nơi nào khác vì nó không cảm thấy thua kém, và bây giờ tôi bỗng lại nhìn nó bằng con mắt của Daisy. Không tài nào tránh khỏi đau buồn khi ta nhìn bằng cặp mắt mới những gì mà ta đã bỏ công sức điều chỉnh của mình vào đó.