Gặp Lại Chốn Hồng Trần Sâu Nhất

Chương 48: Chốn về


Đọc truyện Gặp Lại Chốn Hồng Trần Sâu Nhất – Chương 48: Chốn về

Mỗi người đều khát
vọng đời này có thể tìm được một nơi chốn để linh hồn nghỉ ngơi, nuôi
dưỡng tình cảm, yên thân gửi phận ở đó. Có lẽ nơi đây chẳng phải là quê
hương, không nhìn thấy thấy phong cảnh thiên nhiên thuần phác thuở nhỏ,
nhưng có khi còn hơn cả quê hương.

Mỗi người đều khát vọng đời
này có thể tìm được một nơi chốn để linh hồn nghỉ ngơi, nuôi dưỡng tình
cảm, yên thân gửi phận ở đó. Có lẽ nơi đây chẳng phải là quê hương,
không nhìn thấy phong cảnh thiên nhiên thuần phác thuở nhỏ, nhưng có khi còn hơn cả quê hương. Có thể thu nhận một lữ khách chân trời là đủ để
thấy nó có lòng dạ rộng rãi khoan hậu. Chúng ta đều là người mệt mỏi với số mệnh bôn ba trên thế gian này, vắng lạnh rong ruổi nơi đường ngang
lối dọc, không biết cuối cùng rễ mọc ở chốn nào, lại sẽ quay về chốn
nào.

Tsangyang Gyatso trải qua biển biếc nương dâu, đời người
biến đổi, nhiều năm trôi dạt đã khiến Ngài chán ngán. Mãi đến khi gặp gỡ Alxa Nội Mông Cổ, một vùng đất có thảo nguyên, qua bích và hoang mạc.
Đối với nhiều người, mảnh đất này quá đỗi bình thường, chẳng có bao
nhiêu phong cảnh đẹp đẽ. Nhưng Tsangyang Gyatso lại có tình cảm vừa gặp
đã xiêu lòng đối với nơi này, vì Alxa đã cho Ngài cảm giác an toàn,
phong tục dân gian chất phác ở đây khiến Ngài có một cảm giác mơ về quê
cũ. Phiêu bạt hồng trần mười năm, Tsangyang Gyatso không phải chỉ đơn
thuần thưởng thức phong thổ nhân tình các nơi, Ngài đang lưu vong, bị
bức bách bởi thế lực của Lha-bzang Khan, Tsangyang Gyatso sống những
ngày trốn chui trốn nhủi. Do đó mười năm này nếm đủ gian nan, tuy cứu
rỗi được nhiều dân chúng, nhưng bản thân chưa từng được yên ổn thực sự.

Alxa từ đó đã là quê hương thứ hai của Tsangyang Gyatso, tên tuổi Ngài đã
từng khiến gió mây xao động ở thành Lhasa, người dân Tây Tạng ngày đêm
truyền xướng tình ca của Ngài. Còn ở Alxa, mọi người truyền tụng đủ mọi
sự tích của vị thần bảo hộ thảo nguyên này, các phiên bản mới không

ngừng được sinh ra. Trong “Bí truyện” của Ngawang Lhundrup Daji, đã ghi
chép nhiều thần tích linh dị của Tsangyang Gyatso. Dường như Ngài thật
sự là một vị Phật sống rơi xuống trần gian, có thần thông và pháp lực vô tận, mà tất cả sứ mệnh của Ngài, đều là vì hoằng dương Phật pháp, tạo
phúc sinh linh, phổ độ chúng sinh. Khiến mọi người tin tưởng, ở thảo
nguyên Alxa thật sự có một nhân vật thần kỳ như vậy, một vị Phật sống từ bi như vậy.

Có lúc rất khó tin, chính vì lần chạy trốn ở hồ
Thanh Hải, khiến Tsangyang Gyatso sau khi nếm đủ trăm vị đã triệt để
biến thành một người khác chăng? Một vị Phật không còn phong hoa tuyết
nguyệt viết thơ tình, mà tâm niệm chúng sinh? Từng ngồi trên ngai Phật
chót vót, chỉ muốn lưu lạc chân trời, vì một tình yêu, có thể không cần
những tín đồ phủ phục dưới chân; giờ đây lưu vong ở dân gian, lại chỉ
nghĩ đến trăm họ, chỉ muốn vì họ mở rộng cánh cửa trong lòng, miễn đi
luân hồi bể khổ. Có lẽ chặng đường sinh mệnh thật sự sẽ triệt để thay
đổi một người, người quen thuộc sẽ biến thành xa lạ; người ác độc sẽ
biến thành lương thiện; người ích kỷ sẽ biến thành vô tư.

Sống,
chẳng qua là thời gian một đóa hoa nở; chết, cũng chẳng qua là khoảnh
khắc một phiến lá rụng. Có những người bằng lòng nghĩ rằng Tsangyang
Gyatso như một đóa hoa rụng rực rỡ chết đi, kết thúc truyền kỳ một đời
của Ngài ở hồ Thanh Hải. Có những người lại muốn nghĩ rằng Ngài giống
như cỏ cây bền bỉ mà sống, phiêu bạt ở nhân thế, vì niềm tin Thiền Phật
của Ngài. Cỏ cây nhân gian, vội vã đã là một đời, nhưng chúng ta luôn hy vọng hoàn mỹ, tình duyên dang dở có thể kết liễu, tâm nguyện lâu năm
chưa hoàn thành có thể tròn vẹn. Một quyển “Bí truyện” đã giải mộng cho
biết bao người, lại đập tan sự hoàn mỹ ban sơ của biết bao người?

Từ khi Tsangyang Gyatso đến Alxa, nhiều sự tích kỳ dị xảy ra ở đây đã được mọi người tranh nhau truyền tụng. Còn vương gia A Bảo, người thống trị
cao nhất của Alxa, cũng đã nghe nhiều truyền kỳ về Ngài. Vương gia A Bảo liền lệnh cho trưởng giả có thân phận của Alxa đi mời Ngài đến, và đích thân dẫn quan viên cùng tín đồ nghênh đón ở vương cung, long trọng tiếp đãi vị thánh tăng này. Tsangyang Gyatso chẳng khi nào tiết lộ thân phận của mình với bất cứ ai, những năm nay Ngài đi lại giữa dân gian, đóng
nhiều vai trò khác nhau. Ở Alxa, Ngài chỉ là một nhà sư có trình độ Phật học cao thâm, không ai biết Ngài từ nơi nào đến, cũng không ai xét nét

quá khứ của Ngài.

Vương gia A Bảo là một người độ lượng cởi mở,
cũng có tấm lòng thành kính đối với Phật giáo Tạng truyền, ông cùng Đạt
Lai có ngọn nguồn rất sâu. Vì mấy năm sau, ông sẽ nhận ủy nhiệm của
triều Thanh, đến Litang thuộc khu Tạng Tây Khang, hộ tống Kelzang
Gyatso[1] người Litang đến Lhasa cử hành điển lễ tọa sàng, vị Kelzang
Gyatso này chính là linh đồng chuyển thế của Đại Lai thứ 6 mà dân gian
nhận định, tức Đại Lai Lạt Ma thứ 7.

[1] Kelzang Gyatso (Cách Tang Gia Mục Thố, 1708-1757): Đạt Lai Lạt Ma thứ 7

Vương gia A Bảo cùng Tsangyang Gyatso gặp nhau ở Alxa, cũng là duyên phận của ông với Phật. Họ vừa gặp như đã quen biết, chuyện trò rất vui vẻ. Vương gia A Bảo bị thu hút bởi khí độ phi phàm của Tsangyang Gyatso, cũng bị
thuyết phục bởi vẻ từ bi và ung dung toát ra giữa vầng trán của Ngài,
bèn khẩn khoản mời Ngài đảm nhiệm chức Thượng Sư của Alxa, suốt đời lưu
trú ở đây, tạo phúc chúng sinh. Còn Tsangyang Gyatso sớm đã có cảm tình
với mảnh đất này, Ngài đã nhận định Alxa là chốn về kiếp này của Ngài.
Do đó Ngài đã nhận lời mời của vương gia A Bảo, kết nên Phật duyên với
nơi đây, vì chúng sinh nơi đây mưu cầu phúc báo.

Năm 1717,
Tsangyang Gyatso ba mươi lăm tuổi, nhờ sự quan tâm chiếu cố của vương
gia A Bảo, danh tiếng càng thêm truyền xa ở Alxa. Ngài cũng dốc hết pháp lực của mình, bảo vệ tất cả sinh linh của mảnh đất này. Năm đó,
Lha-bzang Khan bị quân đội Dzungar giết chết, Yeshy Gyatso Đạt Lai thứ 6 do Lha-bzang Khan lập bị nhốt trong tu viện núi Dược Vương[2], vị Đạt
Lai giả vô tội này lặng lẽ chết đi bảy năm sau đó. Dân gian Tây Tạng vẫn bàn luận câu đố về sự mất tích của Đạt Lai thứ 6 Tsangyang Gyatso, đồng thời sôi nổi hưởng ứng Kelzang Gyatso, linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 6 làm Đạt Lai mới.

[2] Núi Dược Vương (Chokpori): một ngọn núi ở Lhasa, được xem là núi thiêng của Kim Cương Thủ Bồ Tát.


Những năm nay, Tsangyang Gyatso hóa danh làm Ngawang Chödrag Gyatso[3], du
ngoạn các nơi như Ấn Độ, Tây Tạng, Tứ Xuyên. Lúc đó vương gia A Bảo hơi
hoài nghi về thân phận của vị thánh tăng hóa danh làm Ngawang Chödrag
Gyatso này. Ông thậm chí cảm thấy Ngài chính là Đạt Lai thứ 6 Tsangyang
Gyatso đã mất tích ở hồ Thanh Hải. Nhưng Tsangyang Gyatso trước sau là
khâm phạm của triều đình Đại Thanh, do đó không tiện nói toạc ra, chỉ
tin thờ Ngài làm Thượng Sư của Alxa, từ đó đối với Ngài càng thêm kính
yêu và quan tâm.

[3] A Vượng Khúc Trát Gia Mục Thố.

Còn
vương phi của vương gia A Bảo – công chúa Đạo Cách Hân, thấy vương gia A Bảo và trăm họ ở Alxa tin thờ Tsangyang Gyatso như thế, thì hơi không
tán thành. Vương phi A Bảo là vị Hòa Thạc Cách Cách đầu tiên của vương
triều Mãn Thanh được gả đến Alxa, từ nhỏ rất được ân sủng, quen được
nuông chiều. Ở kinh thành bà cũng từng nghe không ít câu chuyện truyền
kỳ về cao nhân giang hồ, do đó không hề để ý nhà sư vân du bốn phương
mới đến này. Sau đó qua mấy lần tiếp xúc, bà cũng bị khí độ và pháp lực
siêu phàm của Tsangyang Gyatso thuyết phục sâu sắc, thậm chí tự cho mình là đệ tử thành kính, quyết ý trọn đời đi theo vị Thượng Sư truyền kỳ
này.

Nghe nói vương phi A Bảo còn dùng tóc của mình làm một búi
tóc đội đầu cho Tsangyang Gyatso, khảm lên các loại châu báu, tinh xảo
cực kỳ. Đến nay ở tu viện Guangzong[4] của Nội Mông Cổ vẫn bảo toàn hoàn hảo búi tóc do vương phi A Bảo dùng tóc kết thành và một bộ phận y phục trang sức, những tín đồ thành kính mượn đó để tưởng nhớ, năm xưa
Tsangyang Gyatso thật sự lưu lại dấu chân ở Alxa, đồng thời kết nên
duyên xưa với vương gia và vương phi A Bảo. Trong di vật của Tsangyang
Gyatso, người đời sau còn phát hiện tóc của phụ nữ, càng chứng thực thói phong lưu đa tình của vị Phật sống trẻ tuổi này. Truyền thuyết đẹp
buồn, ở Tây Tạng, ở thảo nguyên Alxa, vì có những truyền thuyết này, tỏ
ra càng thêm thần bí, khiến người hướng đến.

[4] Tu viện Guangzong (Quảng Tông): còn gọi là Nam Tự, là tu viện lớn nhất của Alxa, Nội Mông Cổ.

Trung thu năm đó, nhân dịp vương phi A Bảo – công chúa Đạo Cách Hân về kinh
triều kiến, bèn mời Tsangyang Gyatso cùng đi. Thế là Tsangyang Gyatso

dẫn theo mấy đệ tử, theo công chúa Đạo Cách Hân vào kinh nửa năm, ngụ
tại vương phủ Alxa ở Thập Sát Hải[5]. Thăm Hoàng Tự, Hoàng Cung, xem
Phật lớn làm bằng gỗ đàn hương do Yeshy Gyatso dâng ở cung Ung Hòa[6].
Vương phi A Bảo luôn chăm sóc chu đáo, rất mực cung kính đối với Thượng
Sư, khiến kẻ trên người dưới trong vương phủ đều vô cùng tôn sùng nhà sư thân phận đặc thù này. Tsangyang Gyatso là Phật sống, trên người Ngài
nhất định có một khí chất không giống với người thường, diện mạo tuấn
tú, tính Phật từ bi của Ngài khiến người không thể kháng cự.

[5]
Thập Sát Hải: là ba hồ Tiền Hải, Hậu Hải và Tây Hải trong nội thành Bắc
Kinh. Vì xung quanh có mười chùa miếu nên gọi là Thập Sát Hải.

[6] Cung Ung Hòa: nằm ở khu Đông Thành, Bắc Kinh, là tự viện Phật giáo Tạng truyền lớn nhất trên đất Hán.

Ở cửa Đức Thắng, Tsangyang Gyatso tận mắt nhìn thấy tình cảnh con cái và
người nhà của Đệ Ba Sangye Gyatso bị áp giải vào kinh. Đệ Ba Sangye
Gyatso từng gió mây bất tận, nắm giữ cục diện chính trị Tây Tạng mấy
mươi năm, sau khi đầu rơi xuống đất, hào hoa phú quý của hôm qua đều
chìm vào khói bụi. Người chết đã đành, người sống tội gì, vậy mà họ vẫn
phải chịu sự trừng phạt khắc nghiệt vì lỗi lầm của quá khứ. Nhưng họ
thật sự sai sao? Thắng làm vua, thua làm giặc, định số ngàn xưa chẳng ai có thể thay đổi. Ngắm từng khuôn mặt dính đầy gió bụi, nhớ đến những
chuyện tiền nhân quá vãng, Tsangyang Gyatso cảm khái muôn vàn.

Mười năm gió mưa không tự chủ, hôm nay Ngài đất khách gặp người quen, lại là tình cảnh thế này. Bất kể Đệ Ba Sangye Gyatso từng gây tổn tương thế
nào đối với Tsangyang Gyatso, nhưng chung quy từ đầu đến cuối, y là
người thân mật nhất trong cung Potala của Ngài. Cũng chỉ có Sangye
Gyatso thật sự từng bảo vệ Ngài, đồng thời từng dạy Ngài kinh điển Thiền học, khiến Ngài được lợi ích cả đời. Giờ đây Tsangyang Gyatso nhìn
người nhà của Sangye Gyatso luân lạc đến đây mà lại bất lực, ngoài than
thở, Ngài còn có thể làm gì?

Ai nói Phật sống sinh ra đã có sức
mạnh của thần, có thể hô mây gọi gió, có thể độ hóa chúng sinh? Trong
nhân gian mênh mang, có lúc Phật cũng không ngăn nổi một chút sóng gió,
vì định luật nhân quả, ý trời khó trái. Khi xót xa bứt rứt, Phật cũng sẽ rơi lệ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.