Đọc truyện Gặp Lại Chốn Hồng Trần Sâu Nhất – Chương 38: Thảm kịch [2]
Một trận chiến đẫm máu diễn ra ở tu viện thần thánh trang nghiêm, so với trong thế tục càng
tàn khốc hơn, càng bi tráng hơn. Tsangyang Gyatso không nỡ nhìn thấy
những con dân vô tội ủng hộ Ngài phải chết dưới đao kiếm của binh sĩ
Lha-bzang Khan nữa. Không muốn đời này của mình thêm nhiều tội nghiệt
nữa. Ngài đi ra khỏi tu viện, bó tay chịu trói. Nhưng nhìn thấy máu tươi tuôn chảy như suối, Ngài hiểu ra, rốt cuộc vẫn là quá muộn. Chẳng có
một cuộc đấu tranh nào diễn ra mà không phải đạp trên máu tươi và hài
cốt. Quay đầu nhìn cung điện hoa lệ, vương vị sáng chói trong lịch sử,
đều ẩn giấu quá nhiều bi kịch và đau xót.
Ở âm tào địa phủ,
Diêm vương có tấm kính.
Người phải trái không rõ,
Kính thiện ác phân minh.
Xin Hộ pháp Kim Cương
Khắp trên trời dưới đất
Trổ pháp lực thần thông,
Diệt kẻ thù đạo Phật.
Chẳng lẽ nhân gian này thật sự có một tấm gương sáng, có thể soi thấy phải
trái thiện ác, có thể nhìn được rõ ràng cảnh đời vẩn đục, lòng người
lạnh nhạt? Gương sáng phủ bụi, lòng người tráo trở, quá nhiều dối trá và lừa gạt, quá nhiều xấu xa và phản bội, cần chúng ta ngăn chặn. Phật phù hộ chúng sinh, chúng sinh hướng đến Phật. Nếu mỗi người đều ít một chút dục vọng, nhiều một chút ý tốt, có lẽ thế gian này sẽ không có nhiều
giết chóc như thế. Trước thói ngu muội và tàn nhẫn của người đời, khi
Phật không thể khuyên ngăn thì chỉ còn biết than thở. Lẽ nào Phật thật
sự có thể hiển linh, dùng pháp lực thần thông của Người để vỗ về người
hiền, diệt trừ kẻ dữ?
Khi Tsangyang Gyatso bị áp giải đi, các sư
hô lớn Phật hiệu, rơi lệ ròng ròng; tín đồ cúi đầu gào khóc, kinh động
trời đất. Ngài không quay đầu, đó là vì Ngài không nỡ để họ nhìn thấy
trong mắt Ngài đang rưng rưng lệ. Bóng lưng ấy là một điềm dữ, có nghĩa
Tsangyang Gyatso lần này đi kinh thành, sẽ vĩnh viễn chẳng có ngày về.
Đột nhiên tôi cảm thấy Tsangyang Gyatso chính là một đóa sen mọc rễ
trong bùn loãng, từ kiếp trước được bứng trồng đến kiếp này, lại từ kiếp này dời đến một góc khuất không ai hay biết nào đó.
Năm xưa,
những tín đồ kia vô cùng nhiệt liệt đón Ngài đến, giờ đây lại vô cùng bi tráng tiễn Ngài đi. Ngài từng rực rỡ như sao sớm, dù là đêm đen cũng
không che lấp nổi ánh sáng của Ngài. Ngày nay Ngài rơi xuống trần ai,
đón nhận số phận bị năm tháng chôn vùi. Ngài xưa nay không hy vọng bản
thân suốt đời ru rú trong cung Potala, làm một vị Phật sống hữu danh vô
thực, trở thành con cờ người khác mặc ý sắp đặt. Do đó mới năm lần bảy
lượt tùy tiện làm càn, gây ra thảm kịch không thể vãn hồi này.
Trong mỗi vở kịch của đời người đều ẩn giấu một kết cuộc, chúng ta tự biên tự diễn tình tiết kịch, cố chấp cho rằng có thể theo ý tưởng ban đầu diễn
đến cuối cùng, thật ra người bị lừa dối nhiều nhất chính là bản thân.
Tsangyang Gyatso cho rằng mình không để lại thứ gì, cho rằng mình ra đi
như vậy thì có thể từ đây không còn tin tức. Chỉ mong hồn phách mình
quanh quẩn trên mảnh đất đã nuôi dưỡng Ngài, khẩn cầu nhân dân Tây Tạng
triệt để lãng quên Ngài. Ngài không biết, tình ca của Ngài giống như
hương lửa trong cung Potala, mãi mãi không tắt.
Tsangyang Gyatso
chưa từng rời khỏi cao nguyên, sớm đã nghe nói kinh thành phồn hoa như
gấm. Mảnh non sông ấy từng thai nghén vô số câu chuyện anh hùng đuổi
hươu Trung Nguyên[2], máu biếc cát vàng. Còn có phương Nam thanh nhã, ấp ủ nhiều truyền thuyết cảm động về tình yêu trai gái quyến luyến không
rời. Ngài từng khao khát phóng đãng, hướng đến phiêu bạt, cùng ý trung
nhân nắm tay dạo bước nhân gian, giờ đây số phận thỏa mãn tâm nguyện của Ngài, chỉ có điều bên mình thiếu đi một má hồng. Nhìn về phương xa,
tưởng tượng bờ bên kia mà mình chưa từng đến, không hiểu nó cất giữ khói lửa ra sao? Khói lửa vốn nên thuộc về phàm trần đó vốn không liên quan
với Ngài, giờ đây cần Ngài một mình nếm trải.
[2] Sử ký của Tư Mã Thiên viết: “Tần mất con hươu, thiên hạ cùng săn đuổi”, sau dùng để chỉ việc tranh giành thiên hạ. “Đuổi hươu Trung Nguyên” nghĩa là tranh đoạt vùng Trung Nguyên.
Ngài không hề cô độc, sư sãi tiễn biệt Ngài,
tín đồ tiễn biệt Ngài. Nhưng vì sao bước chân lại nặng nề như thế, chẳng phải là vội đi đến chỗ chết hay sao? Ngài nên không sợ, vua Đại Thanh
có thể làm gì được Ngài? Người gọi là Khang Hy ấy, lẽ nào chưa từng có
nỗi bi ai tương tự – bi ai của vương giả. Đó là một tầm cao cách biệt
với đời, bất cứ một người bình thường nào cũng không thể cảm nhận được
nỗi tịch liêu và hoang vu trong đó.
Tsangyang Gyatso xem cuộc đời mình là một quyển sách kinh mà người khác đọc không hiểu, Ngài luôn
lạnh lùng lật xem, những ngày không biết nguyên nhân ấy, hoảng hốt mà
tỉnh táo, mơ hồ mà rõ ràng. Sách kinh không phải là thơ tình, không có
vần luật, không có bằng trắc, không có đau buồn, cũng không có thương
cảm. Chỉ có một đoạn nhỏ ý thiền, một đoạn lớn trống trải hoang vu.
Khiến người hồ đồ càng thêm hồ đồ, người tỉnh táo càng thêm tỉnh táo. Mà Tsangyang Gyatso thì là một người nửa tỉnh nửa mê.
Năm tháng có
tình, đời thừa không bến. Đây là hành trình lần thứ hai trong đời
Tsangyang Gyatso. Ngài từng từ địa phương nhỏ bé Monyu chốn quê nhà,
mang theo tâm sự ngây ngô chẳng biết gì đến Lhasa, đón nhận thân phận
cao nhất Phật ban cho. Hôm nay lại từ cung Potala lưu đày đến kinh thành xa xôi, chuẩn bị đón nhận sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của vua Đại
Thanh. Đều nói Phật sống có linh tính thông thấu nhất thế gian, Ngài
đúng ra có thể biết trước ngày mai của mình. Nhưng Tsangyang Gyatso đeo
một thân xiềng xích, nhìn phương xa thăm thẳm, cảm thấy bản thân thật sự là một cây bồ đề lạc lối, giống như một câu đố, thê lương đi lại giữa
thế gian.