Đọc truyện Gặp Lại Chốn Hồng Trần Sâu Nhất – Chương 19: Bến đò
Bất cứ một ai tin vào
duyên phận đều sẽ hiểu rõ, tình duyên trên đời này nên hợp thì hợp, nên
tan thì tan, khi duyên phận đã hết, một khắc cũng sẽ không lưu lại.
Bất cứ một ai tin vào duyên phận đều sẽ hiểu rõ, tình duyên trên đời này
nên hợp thì hợp, nên tan thì tan, khi duyên phận đã hết, một khắc cũng
sẽ không lưu lại. Có lúc duyên phận giữa người với người chẳng bằng một
ngọn cỏ, cỏ còn có thể trải qua xuân tươi thu héo, còn duyên phận mỏng
manh, ngắn ngủi như một giấc mộng đêm xuân. Đúng vậy, tựa hồ có một giấc mộng, sau khi tỉnh mộng, bạn đứng lặng hồi lâu trước cửa sổ trong gió
lạnh, phát giác mình lại trở về buổi ban đầu của sinh mệnh, chẳng còn gì cả. Nhưng tuy rằng trắng tay, phải chăng vẫn còn trong sạch? Còn tinh
khiết?
Nhà thơ Đài Loan Tịch Mộ Dung từng có một bài thơ, “Bến đò”.
Cho em nắm lấy tay chàng,
Giã từ, rồi lại nhẹ nhàng rút tay.
Nhớ nhung bén rễ từ đây,
Lâng lâng như ở trên mây bồng bềnh.
Núi sông vốn dĩ trang nghiêm,
Vì ly biệt, bỗng trở nên dịu dàng.
Cho em nắm lấy tay chàng,
Giã từ, rồi lại nẹ nhàng rút tay.
Tháng năm ngưng đọng từ đây,
Trong tim lệ nóng sánh tày sông sâu.
Muôn vàn bất lực nhìn nhau,
Bến đò trống trải, tìm đâu hoa cài.
Đem lời chúc phúc tặng ai,
Ngày mai, hai đứa ở hai phương trời…
Bến đò của Tịch Mộ Dung là bến đò của ly biệt, tràn đầy tình cảm nhớ mãi
không quên và tâm ý chia tay lưu luyến. Những năm qua, không biết đã cảm động bao nhiêu người si tâm không đổi vì tình yêu. Cũng không biết bắt
đầu từ lúc nào, tôi đã thích bến đò, bến đò của đời người, bến đò của
năm tháng. Thuyền bè qua lại xuất phát từ nơi này, lại từ phương xa trở
về nơi này. Do đó, gặp gỡ cũng là bến đò, ly biệt cũng là bến đò, duyên
đến cũng là bến đò, duyên đi vẫn là bến đò. Hai chữ “bến đò” ẩn chứa quá nhiều tình cảm của đời người, tụ hợp ly tan. Bến đò của tôi, có lẽ là
thanh đạm, sẽ không có nhiều khách qua đường lai vãng, chỉ ngẫu nhiên có kẻ lênh đênh trôi giạt đi ngang, mây nhạt gió nhẹ.
Tôi nghĩ đến
bến đò của Tsangyang Gyatso, cũng là ly biệt. Khi Ngài được biết ý trung nhân làm vợ người khác, trái tim vốn đã tan tác tả tơi của Ngài càng bị nghiền nát thành tro bụi. Thật ra năm xưa Ngài bị đưa vào cung Potala
có nghĩa là duyên phận của họ đã triệt để kết thúc, có nghĩa giữa họ từ
đó định sẵn mỗi người một phương. Ngày thu ấy là bến đò ly biệt của đời
người, một người vì nợ cũ của kiếp trước đi xa đến chân trời, một người
vì ước hẹn không có kết cuộc chờ đợi hư vô. Tsangyang Gyatso là vua của
cung Potala, là một vị vua không có vương hậu. Tình yêu trong tòa cung
đẹp đẽ này đã trở thành một truyền thuyết xa xưa. Songtsän Gampo và công chúa Văn Thành từng có một tình yêu, nhưng sau khi Đạt Lai thứ 5 xây
lại cung Potala, nơi này đã trở thành đạo tràng bồ đề không trai gái yêu đương, rời xa mộng tưởng điên đảo.
Đối với Tsangyang Gyatso, tất cả những điều này thật sự là quá trễ tràng. Người ta nói tình yêu là
thuốc độc, Ngài đã trúng độc quá nặng. Nếu trước giờ chưa từng có bắt
đầu, nếu khi chưa tỏ việc đời Ngài đã bị đem vào cung Potala dốc lòng
học tập kinh văn, có lẽ Ngài sẽ là một vị Lạt Ma không hiểu tình yêu,
không có dục vọng. Trong ấn tượng của chúng ta, luôn cảm thấy Phật là vô tình, vì Người không thể có tình, không thể rơi lệ. Nhưng nếu Phật thật sự vô tình, sao lại đem lòng thương xót độ hóa chúng sinh? Nhà Phật có
quá nhiều thanh quy giới luật, lẽ nào tuân thủ thanh quy, quy ẩn núi sâu rừng thiền, không hỏi mọi việc trên đời, chính là đắc đạo, chính là từ
bi hay sao? Còn một nhà sư lưu luyến tình ái, ăn thịt uống rượu, truyền
dương Phật pháp ở chốn sâu hồng trần, lại trở thành tội ác hay sao?
Việc khiến nhiều người nghi hoặc trên thế gian này quá nhiều, chúng ta không thể khắc chế dục vọng của mình, vậy thì vì sao phải oán trách tham sân
si luyến của kẻ khác? Lẽ nào Phật thì phải triệt để vô tư, Phật thì phải sống vì đông đảo chúng sinh? Nếu như Tsangyang Gyatso không phải là
linh đồng chuyển thế, cuộc đời của Ngài sẽ là một cảnh tượng khác, trong không gian nhỏ hẹp thuộc về Ngài, bình dị yên ổn, không tiếng không
tăm. Chẳng có nếu như, Ngài đã ngồi trên ngai Phật chót vót của cung
Potala, thì phải trả giá vì vinh dự chí tôn. Ngài đã bị quấy nhiễu, bị
thế tục quấy nhiễu, bị tình cảm quấy nhiễu, do đó Ngài không vui vẻ, do
đó viết nên câu thơ bất lực dường này.
Một là đừng gặp gỡ,
để khỏi quyến luyến nhau.
Hai là đừng quen biết,
để khỏi tương tư nhiều[1].
[1] Đào Bạch Liên dịch
Nếu thế giới này chẳng ai quen biết ai, có lẽ sẽ thật sự yên tĩnh không một tiếng động. Nhưng im lìm như vậy còn được xem là nhân gian khói lửa hay sao? Tsangyang Gyatso nói không gặp nhau, không biết nhau, nhưng bất cứ một ai tồn tại chốn phàm trần đều không thể nào chẳng gặp nhau, chẳng
nợ nhau. Nhớ lại câu thơ của Nạp Lan Dung Nhược[2]: “Nhân gian nhược
chích như sơ kiến (Đời người nếu chỉ như gặp gỡ lần đầu)”. Mỗi người đều mong mỏi cuộc gặp gỡ giữa người và người thuở ban đầu đều đẹp đẽ như
thế, thuần nhất như thế. Không có tổn thương, không có bụi bặm, không có tình yêu sâu đậm, cũng không có oán hận thấu xương. Thử hỏi, đời người
như vậy, còn có mùi vị gì?
[2] Nạp Lan Tính Đức, tự Dung Nhược
(1655-1685), là một nhà thơ người Mãn Châu đời nhà Thanh, tài hoa nhưng
yểu mệnh, được tôn là “Người viết từ hay nhất đầu đời Thanh”. Ông để lại nhiều tác phẩm thấm đẫm nỗi sầu bi, lụy khổ.
Đã lạc vào phàm
trần, thì nên tuân thủ quy tắc của phàm trần, không sợ sống chết, dám
yêu dám hận. Dù bị khói lửa cay xè đến nước mắt đầm đìa, cũng phải thúc
ngựa vung roi, nhảy sóng chèo thuyền, dốc toàn lực sống mái một trận,
không chừa đường lui. Tuy nói là thế, khi bạn bị gió mưa đao kiếm đả
thương đến ngàn trăm lỗ thủng, ai là người trị thương cho bạn? Có mấy ai là dũng sĩ chân chính, đứng đầu sóng ngọn gió, đợi phán xét của vận
mệnh, chờ thời gian đến chia cắt. Không ai thật sự nguyện ý nhìn thấy
người dân khốn khổ, máu thịt bầy nhầy, lòng của nhiều người đều hướng
đến hòa bình, hướng đến yên ổn. Cho nên mới theo đuổi sự lãng mạn và nhu tình, mới yêu thích thơ của Tsangyang Gyatso, mới tha thứ tội lỗi mà
Ngài, thân là Phật vẫn lưu luyến tình ái nhân gian, phạm phải.
Có người nói, Tsangyang Gyatso thật sự là cố giữ sai lầm không chịu tỉnh
ngộ. Thời gian tròn năm năm, ra sức học tập kinh văn, tham ngộ Phật
pháp, lại vẫn không tránh khỏi trận tình kiếp to lớn này. Thơ của Ngài
khiến mọi người chứng thực thân phận tình tăng của Ngài, trong cả quá
trình tu Phật, Ngài trước sau không quên người đẹp phấn hồng. Cũng có
người nói, đây mới là Tsangyang Gyatso chân chính, một người chí tình
chí tính, người thâm nhập hồng trần, mới có thể tu luyện thành Phật.
Phật không phải là hư vô, Phật cũng là hóa thân của con người, vì tham
thấu mọi việc trên đời, mới đứng ngoài cuộc, nhàn tản trên mây. Có lẽ
trong quá trình tu hành, Tsangyang Gyatso nhất thiết phải trải qua tình
kiếp mới có thể thành Phật, một vị Phật trong thế giới Sa-bà[3], độ hóa
chúng sinh.
[3] Thế giới Sa-bà (Ta-bà, Samsara): Theo kinh điển
Phật giáo, các loài chúng sinh hữu tình hiện sinh luân hồi trong thế
giới Sa-bà hay còn gọi là Tam Giới: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
Chúng ta rất muốn biết, sau khi thất tình, Tsangyang Gyatso rốt cuộc sẽ lựa
chọn lại một phương thức sống ra sao. Phải chăng Ngài sẽ bước ra khỏi
vũng bùn tình cảm, đoạt lại quyền trượng từ tay Đệ Ba Sangye Gyatso,
dùng địa vị thủ lĩnh chính giáo Tây Tạng của Ngài, bắt đầu thật sự nắm
giữ quyền lực chính giáo? Hoặc là từ đó an phận thủ thường nghe lệnh Như Lai, tịnh tâm tham thiền trong cung Potala? Hiển nhiên tất cả những
điều này đều không phải, tính tình của Ngài đã định sẵn cuộc đời nay mai của Ngài. Cũng giống như một vở kịch, lúc bắt đầu, chúng ta đã có thể
đoán trước kết cuộc. Dù là như thế, chẳng mấy ai có thể bình tâm tịnh
khí quan sát cả quá trình, tâm tình chúng ta vẫn thấp thỏm theo từng
tình tiết.
Thật ra cục diện chính trị Tây Tạng lúc đó một bầu hỗn loạn, mà Tsangyang Gyatso lại chìm đắm trong cảm xúc bi thương cá nhân
không thể tự thoát ra. Tsangyang Gyatso không hề để tâm quyền thế, thậm
chí không để tâm địa vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 của Ngài. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài chẳng có mảy may cống hiến và giáo hóa đối với
chúng sinh, chỉ là phương thức Ngài lựa chọn khác hẳn. Ngài dùng tình
cảm chân thành và từ bi khiến người đời cảm nhận được, Phật pháp không
phải là cao không với tới, thiền không chỉ là vì siêu độ bản thân, tu
luyện kiếp sau. Kiếp này lòng của chúng ta đã đầy đủ nông nổi, cần thơ
ca tràn đầy linh tính và nhu tình của Ngài để tịnh hóa, chỉ có kiếp này
đạt được giải thoát, mới sẽ có luân hồi kiếp sau.
Ngài rốt cuộc
vẫn là Tsangyang Gyatso, dục vọng quyền lực và tình yêu, Ngài chọn lựa
điều sau. Đối với người hướng đến thế giới tinh thần, tình yêu là thứ
cực kỳ xa xỉ, người thật sự có thể sở hữu nó không nhiều, càng huống chi là một vị Phật sống không thể tiêm nhiễm tình cảm nhân gian. Biết rõ
như thế, Ngài vẫn cô độc ngạo nghễ đi tiếp, xem như không có mục đích,
tùy tiện bay bổng, nhưng trong lòng Ngài biết rõ mình rốt cuộc muốn điều gì. Cho dù thế giới của Ngài là gió sương mưa tuyết, những người si mê
thơ tình của Ngài như chúng ta, lại có lý do gì chọn lựa nửa đường từ
bỏ?