Bạn đang đọc Gặp Gỡ Vương Lịch Xuyên – Chương 5
Bởi vì Lịch Xuyên hứa đi xem phim cùng tôi, nên Tiểu Diệp không thèm nhìn mặt tôi suốt cả buổi tối. Tiểu Đồng cũng hạn chế nói chuyện với tôi, tránh hôm sau bị Tiểu Diệp giận lây. Không khí ngột ngạt kéo dài cho đến khi Tiểu Diệp tan ca. Tiểu Diệp tan ca trước tôi một tiếng.
Tiểu Đồng lại gần, nói nhỏ với tôi:
“Anh được Tiểu Diệp hướng dẫn. Chị ấy đã ở đây hai năm, em vào đây hai tháng, tự suy nghĩ đi, lỡ có chuyện gì, anh sẽ đứng bên nào.”
“Chẳng qua chỉ mời người ta đi xem phim, xảy ra chuyện gì chứ?”
Tiểu Đồng lắc đầu: “Con bé nhà quê này, em còn ghê gớm hơn dân thành phố nữa. Em làm vậy là tuyên chiến với Tiểu Diệp.Em còn muốn làm việc ở đây nữa không hả?”
“Có nghiêm trọng dữ vậy không? Quán cà phê này cũng đâu phải của chị ấy đâu?” Tôi cười mỉa.
Tiểu Đồng nói: “Trước đây chị ấy đã khiến ba người bị đuổi. Có một cô bé mới làm có ba ngày, thì bị chị ấy đâm chọt sau lưng. Con trai của ông chủ học đại học ở Nam Kinh, là sinh viên trong khoa bố chị ấy giảng dạy, bố chị ấy là trưởng khoa. Giờ em hiểu chưa?”
Tôi không nói gì. Bởi vì tôi không biết phải làm sao. Muốn tôi lấy lòng chị ta, đừng hòng.
Tiểu Đồng nói tiếp: “Thật ra chuyện này rất dễ giải quyết, tối nay em cứ ở lại tăng ca, đừng đi xem phim. Ngày mai mời Tiểu Diệp uống cà phê, xin lỗi một tiếng, hứa không phá chuyện của chị ấy. Thái độ thành khẩn nhận lỗi, chắc chắn Tiểu Diệp cũng không gây sự với em nữa đâu.”
Tôi cười nhạt.
Tiểu Đồng nói, tôi không giống người Vân Nam tí nào. Tính tôi còn nóng hơn cả người Bắc Kinh.
Tôi lại cười nhạt lần nữa. Tôi đúng là dân quê, nhưng chẳng lẽ dân quê không được quyền tức giận? Tôi không thích người khác động một chút là đem quê quán của tôi ra so sánh. Dân số Vân Nam hơn mấy triệu người, chẳng lẽ tính ai cũng giống nhau?
Mãi đến 12 giờ, Lịch Xuyên vẫn ngồi yên bên cửa sổ máy. Tiểu Đồng có bưng cà phê cho anh một lần, anh chỉ vội vàng cảm ơn rồi lại cúi xuống chăm chú vào màn hình máy tính. Tiểu Đồng quay lại nói với tôi: “Anh ấy đang trả lời email. Hình như có rất nhiều email phải trả lời.”
Tôi hỏi, “Email tiếng Trung à?”
“Tiếng Pháp. Có một lần Tiểu Diệp thấy anh ta nói chuyện với một ông Tây bằng tiếng Đức, vô cùng lưu loát.”
“Ngoại ngữ thứ hai của anh là gì?” Tôi buột miệng hỏi.
“Tiếng Nhật.”
“Vậy sao anh biết anh ấy viết tiếng Pháp?”
“Chưa ăn thịt heo nhưng cũng từng thấy heo chạy chứ[1]. Tiếng Pháp khác tiếng Anh chỗ nào anh biết mà.” Tiểu Đồng làm bộ khiêm tốn cúi đầu.
[1] Ý nói: “Tuy không học tiếng Pháp nhưng nhìn thì cũng biết đó là tiếng Pháp”.
“Tiểu Diệp cũng đâu có học tiếng Đức, làm sao biết là anh ấy nói tiếng Đức?”
“Tiếng Đức có âm rung, lúc phát âm, các amiđan đều rung.”
Tôi nhìn bóng dáng của Lịch Xuyên, mơ màng.
“Tiếc là chân bị tật” – Tiểu Đồng ngập ngừng – “Nếu không thì thập toàn thập mỹ.”
Tôi liếc Tiểu Đồng, cười “Anh cũng quan tâm anh ấy quá hả? Anh là gay đúng không?”
Tiểu Đồng giật mình, như đột nhiên ngộ ra: “Không chừng anh ta là gay. Quán Sói Hoan cách đây một con đường, em có nghe nói chưa?”
“Sói Hoan gì hả?”
“Là quán bar dành cho dân gay lớn nhất khu này. Trong toilet cũng có bảo vệ, vì sợ người ta làm bậy.”
“Có nghe nói.”
Tôi chưa từng nghe, nhưng cũng không muốn người ta nghĩ mình quê mùa.
Lịch Xuyên đến lúc 9 giờ, đã ở quán 3 tiếng đồng hồ. Bình thường anh ít khi ở lại lâu như vậy, rõ ràng là đang đợi tôi. Đúng 12 giờ, tôi thay đồng phục ra, mặc một chiếc áo len dài tay màu xám. Nếu biết Lịch Xuyên sẽ đến, thì tôi không mặc cái áo này. Lúc nó còn mới coi cũng được, giặt một lần thì bị giãn, biến thành áo gió, giống như áo bày bán trên vỉa hè. Tôi đeo túi xách đi đến trước mặt anh, anh đã đứng chờ sẵn, đang thu dọn đồ đạc trên bàn. Tôi thấy ngoài máy tính ra, trên bàn còn có một quyển sổ, nhìn hơi cũ, hình như đã dùng rất lâu. Trên trang đang mở có một bản phác thảo, nguệch ngoạc nhìn không ra hình thù gì.
Lúc chúng tôi cùng ra cửa, gió đêm rất lạnh. Tôi nhảy mũi. Anh dừng lại, hỏi, “Em lạnh không?”
“Viêm mũi dị ứng thôi.”
“Vậy là lạnh rồi.” Anh liền cởi áo khoác ra đưa cho tôi.
Áo khoác rất ấm, thoảng mùi hương của anh. Tim tôi loạn nhịp, cúi đầu, mù quáng đi theo anh đến bãi xe.
Đến trước xe, tôi đột nhiên mất hết dũng khí. Ngừng bước chân, tôi nói với anh:
“Xin lỗi anh, lúc nãy bận quá nên đầu óc thiếu tỉnh táo, quên hỏi anh có rảnh không, khuya rồi mà đi xem phim có phiền không.
“Tôi rảnh” Anh nói, “Không phiền.”
Tôi lại giải thích “Ngày mai thi giữa kì, tôi muốn thư giãn.”
“Cách thư giãn tốt nhất là ngủ.”
“Tôi lo quá ngủ không được.”
“Thi giữa kì thôi, có gì mà lo.”
“Tôi mong điểm trung bình được 95 điểm.”
“95? Cao dữ vậy?” Anh nhìn tôi, nụ cười thoảng qua, vẻ như rất hứng thú.
“Mấy lần thi trước tôi chỉ có 60 điểm. Nếu điểm thi cuối kì cao, mới kéo điểm trung bình lên được.”
“Vậy em nhắm thi đạt 95 không?” Anh hỏi.
“Tôi sẽ cố gắng hết sức.” Tôi nắm chặt hai tay, làm tư thế sẵn sàng nghênh chiến.
“Thật ra, muốn đạt điểm cao có rất nhiều cách.” Anh mở cửa xe cho tôi.
“Vậy sao?”
Tôi ngồi nhanh vào xe, anh cúi người xuống, gài dây an toàn cho tôi.
“Ví dụ như, ngồi kế bạn nào học giỏi, lâu lâu nhìn bài bạn đó một lần.”
“…”
“Ví dụ, chép từ khó vào tay áo.”
“…”
“Ví dụ, giấu tập vở trong toilet, rồi giả bộ đi toilet.”
Anh nghiêm túc giới thiệu vài chiêu.
“Hiểu rồi, anh nhờ vậy mới tốt nghiệp chứ gì.”
“Có thể coi là vậy.” Mặt anh không đổi sắc, không hề mắc cỡ.
“Người ta gian lận chẳng qua là để đủ điểm đậu. Mục tiêu của tôi không chỉ là thi đậu, nên không thể chép bài của người khác.” Tôi nghiêm túc sửa lời anh: “Cho nên, cả hai tuần nay tôi học rất chăm chỉ, mỗi ngày chỉ ngủ ba tiếng. Hôm nay là quá giới hạn rồi. Nếu không đi xem phim, chắc tôi sẽ chết mất.”
“Tinh thần học tập đáng khen, trẻ con chăm học thì cần được thưởng khuyến khích.” Anh nhanh chóng lên xe
“Rạp nào? Em chỉ đường đi.”
“Rạp Bình An, gần trường tôi.”
“Đường nào?”
Tôi suy nghĩ…
“Không… biết. Bạn cùng phòng của tôi thường đến đó coi phim. Giảm 20% cho sinh viên. Tuần này chiếu phim Oscar[2] kinh điển.”
[2] Giải thưởng điện ảnh của Viện hàn lâm Mỹ, được tổ chức hàng năm từ năm 1928.
Anh thở dài, hỏi:
“Em ở Bắc Kinh lâu vậy mà chưa từng đi coi phim hả.”
“Tôi có coi video. Xung quanh trường có nhiều quán chiếu video, rẻ lắm.”
Anh lại cho xe tăng tốc.
“Phiền anh chạy chậm chút được không? Chạy như vậy sẽ có chuyện đó.” Tôi kêu lên.
“Vậy mà kêu nhanh?” Anh không để ý đến tôi, “Em thắt dây an toàn rồi mà?”
“Tim tôi không chịu nổi.”
“Em bị bệnh tim?” Anh giảm tốc độ.
“Không có. Tôi sợ, được chưa?”
“Tối nay chiếu phim gì?” Anh lại tăng tốc, cố tình chuyển đề tài để tôi không chú ý.
“Anh thích coi phim gì?”
“Horror Movie”[3]
“Vậy anh gặp may rồi, tối nay chiếu “The Silence of the Lambs”[4], lời thoại tiếng Anh, phụ đề tiếng Trung… Lịch Xuyên, vui lòng chạy chậm lại!”
[3] Phim kinh dị
[4] Sự im lặng của bầy cừu: phim kinh dị kinh điển đạt 5 giải Oscar quan trọng vào năm 1992, kể lại câu chuyện nhân viên FBI tập sự Clarice (Jodie Foster) đến phỏng vấn bác sĩ ăn thịt người Hannibal (Anthony Hopkins) nhằm tìm manh mối bắt tên sát nhân hàng loạt Bill Buffalo.
Không hiểu sao tôi lại buột miệng gọi thẳng tên anh, giống như tôi quen gọi tên anh suốt mười mấy năm vậy.
“Để xem hết bộ phim này, trái tim em cần được hâm nóng một chút.”
Tôi bực mình, không nói nữa, vì trong chớp mắt đã tới trường. Anh chạy một vòng quanh trường, rất nhanh đã tới rạp.
Chúng tôi cùng xuống xe, vào cửa, tôi nói:
“Anh đợi ở đây, tôi đi mua vé, nước ngọt với bắp rang và cánh gà nướng.”
“Bây giờ hết giờ làm rồi, không cần làm waitress[5] đâu. Em ở đây chờ tôi, tôi đi mua vé. Em uống gì?”
“Coca”
[5] Người phục vụ.
Tôi dựa cột, nhìn anh mua vé xong, lại đi mua bắp rang, bèn chạy theo anh. Mọi hành động của anh phải nhờ vào cây gậy chống, chỉ có một tay để cầm đồ. Trong rạp khá vắng, chỉ có khoảng 10 người ngồi. Chúng tôi muốn ngồi hàng ghế sau cùng. Bậc thang khá thấp, anh lại đi rất chậm. Chân trái bước lên trước, sau đó đẩy chân phải bất động lên bậc thang, đứng vững rồi mới leo bậc kế tiếp. Tôi hối hận lúc nãy đòi ngồi hàng cuối, bây giờ đổi hàng khác, lại sợ anh buồn. Đành phải theo sau anh, từ từ đi.
Cuối cùng cũng đến hàng cuối ngồi xuống, phim đã bắt đầu chiếu. Tôi bắt đầu ăn cánh gà. Mục đích tôi muốn ngồi hàng cuối, chính là không muốn người khác nghe tiếng tôi nhai nhóp nhép.
Anh uống một ngụm nước suối, đoạn hỏi:
“Em chưa ăn tối sao?”
“Chưa. Lúc đi làm lo đón xe buýt nên quên mất.”
“Trong quán có bán đồ ăn mà? Em cũng được nghỉ coffee break còn gì?”
“Mắc như vậy, sao ăn nổi?” Tôi nhanh chóng gặm hết một cái cánh gà, lại cắn cái tiếp theo “Cánh gà ngon lắm, anh ăn một cái đi?”
“Cám ơn. Tôi không ăn.”
“Vậy anh ăn bắp rang đi!”
“Tôi cũng không ăn,” Anh nói nhẹ nhàng “Cho em hết đó.”
“Gì kỳ vậy? Coi phim kinh dị mà không ăn gì hết.” Tôi nhai nhóp nhép. Một lát sau, tôi thì thầm: “Chú ý nghe, tôi thích nhất là đoạn tiếp theo.”
Là cảnh Hannibal trao đổi với Clarice:
“First principles, Clarice. Simplicity. Read Marcus Aurelius. Of each particular thing ask: what is it in itself? What is its nature? What does he do, this man you seek?[6]
… No. We begin by coveting what we see everyday. Don’t you feel eyes moving over your body, Clarice? And don’t your eyes seek out the things you want?[7]”
[6] Nguyên tắc đầu tiên, Clarice. Sự đơn giản. Đọc sách của Marcus Aurelius đi. Đứng trước mọi sự vật, hãy hỏi: Bên trong của nó là gì? Bản chất của nó là gì? Cả người mà cô đang tìm kiếm đó, hắn làm gì?
[7] Không phải. Chúng ta bắt đầu bằng sự thèm khát những thứ mình thấy hàng ngày. Cô không thấy những ánh mắt lướt trên người cô sao, Clarice? Cô cũng không dõi mắt tìm kiếm những thứ cô muốn sao?
Tôi bắt chước khẩu hình của nhân vật trong phim, không sai một chữ.
Anh quay qua, nói: “Thì ra em luyện khẩu ngữ bằng cách này.”
Vài phút sau, nhân vật trong phim lại nói tiếp:
“…Terns? Mmh. If I help you, Clarice, it will be “turns” with us too. Quid pro quo. I tell you thing,, you tell me things. Not about this case, though. About yourself. Quid pro quo. Yes or no?[8]”
[8] Én biển? Uh. Nếu tôi giúp cô, Clarice, thì phải có sự trao đổi giữa hai chúng ta. Một đổi một. Tôi nói cô biết một chuyện, cô kể tôi nghe một chuyện. Không liên quan đến vụ án. Liên quan đến cô thôi. Một đổi một. Đồng ý không?
Lịch Xuyên lại quay qua.
“Sao vậy?”
“Em có phát hiện đoạn thoại này lặp vần không?”
“Chỗ nào?”
“Quid pro quo, yes or no?”
Tôi nhớ lại lần đầu tiên anh đưa tôi về: “Nếu tôi trả lời câu hỏi của anh, thì anh phải trả lời một câu hỏi của tôi.” Quid pro quo?
Thời gian còn lại hầu như tôi đều dùng tay che mắt. Tôi đã coi phim này mười mấy lần, thuộc cả lời thoại, nhưng chưa lần nào mở mắt coi hết từ đầu tới cuối.
Tôi không nhìn anh, nhưng biết anh đang cười tôi.
Xem phim xong, đã rạng sáng. Dù tôi một mực từ chối, anh vẫn đưa tôi về đến cổng ký túc xá.
Dọc đường đi, tôi tìm chuyện để nói với anh:
“Anh biết không, mặc dù đã coi phim này nhiều lần rồi, nhưng có một chỗ tới giờ tôi vẫn chưa hiểu.”
“Em cứ che mắt hoài, chắc là có nhiều chỗ không hiểu? Người ta nói, điện ảnh là nghệ thuật thị giác mà?”
“Sao phải nhét con ngài vào miệng nạn nhân? Tại sao?”
“Em muốn nghe tôi giải thích không?”
“Anh biết sao?”
“Ý nghĩa của con ngài là sinh sản. Ngài cái đẻ rất nhiều trứng. Ngài còn là côn trùng biến thái hoàn toàn. Chẳng phải tên giết người hàng loạt Bill có identity problem[9] sao?”
[9] Vấn đề nhân dạng.
“Nhưng mà, sao phải nhét con ngài vào miệng xác chết?”
“Nạn nhân là nữ, đúng không? Phụ nữ khác đàn ông chỗ nào? Là sinh sản, đúng không? Liên tưởng chính là sở trường của dân chuyên văn như em mà.”
Tôi ngừng bước, nhìn anh:
“Nói vậy, thưa bạn Lịch Xuyên, bạn học ngành gì?”
“Kinh tế, sau đó chuyển sang kiến trúc. Quid pro quo, hôm nay ở quán, em buồn chuyện gì vậy?”
“Cãi nhau với người ta.”
“Thua hay thắng?”
“Bề mặt là thắng, nhưng thực tế là thua. Tôi là dân quê, sống ở quê rất thoải mái, nhưng lên thành phố, tự nhiên chuyện gì cũng thấy khó chịu.”
“Như vậy, em sống ở đây không vui vẻ gì mấy nhỉ?”
“Trừ phi thi cuối kỳ được 95 điểm.”
“Sao phải được 95 điểm? Điểm số quan trọng vậy à?”
“I have identity problem[10].”
[10] “Tôi có vấn đề về rối loạn nhân cách” – nhái câu nhận xét của Lịch Xuyên về nhân vật Bill Buffalo.