Gặp Gỡ Vương Lịch Xuyên

Chương 31


Bạn đang đọc Gặp Gỡ Vương Lịch Xuyên – Chương 31


Tôi là người miền Nam, không quen với không khí lạnh và khô của miền Bắc. Vì quen Lịch Xuyên, tôi mới thích Bắc Kinh. Lúc tốt nghiệp tôi có cơ hội đi Thượng Hải làm việc – thật ra Thượng Hải mới là nguyên quán của tôi – tôi cũng từ bỏ.
Có đôi khi, thậm chí tôi còn cảm thấy khắp Bắc Kinh tràn ngập hơi thở của Lịch Xuyên. Chia xa nhiều năm, mỗi khi tôi đi ngang qua một quá Starbucks nào đó, hoặc là mỗi khi ngửi thấy mùi cà phê quen thuộc, lòng tôi liền hoảng, thấp thỏm vô cớ, cứ nghĩ sẽ được gặp lại Lịch Xuyên.
Bây giờ, tôi sắp phải rời khỏi Ôn Châu. Vì được gặp Lịch Xuyên, tôi lưu luyến không muốn đi khỏi Ôn Châu.
René nói, khi đi dạo trên các con đường ở một thị trấn nhỏ của Thuỵ Sĩ, sẽ có người già đến bắt chuyện với em, em sẽ nghe không hiểu tiếng họ nói gì, phải nhờ người dịch. Cụ già chỉ muốn bắt tay với em, chúc em một ngày an lành. Lúc băng qua ngã tư, vì những đường cho người không đọc bảng chỉ đường, ô tô sẽ đột nhiên thắng gấp, dừng cách người đi bộ khoảng 1m. Ở Mỹ, trong tình huống đó, lái xe sẽ chửi ầm lên từ đời nào, nhưng người Thuỵ Sĩ chỉ vui vẻ cười với em, vẫy vẫy tay, nhường đường cho em. “Swiss people are freaky nice[1]!”
[1] Người Thuỵ Sĩ dễ thương dễ sợ luôn đó!
Ngoại trừ Lịch Xuyên ra, người Thuỵ Sĩ duy nhất mà tôi biết, chính là vận động viên tennis Roger Federer[2]. Tôi cảm thấy nụ cười của Lịch Xuyên rất giống Federer, vừa dịu dàng, vừa thân thiện, vừa khiêm tốn, không có vẻ mặt mừng như điên của người chiến thắng, mà có chút giữ ý, lại thêm đôi phần ngượng ngùng.
[2] Roger Federer (1981–) một vận động viên quần vợt chuyên nghiệp của Thuỵ Sĩ, được xem là tay vợt xuất sắc nhất mọi thời đại.
Buổi tối hôm trúng thầu, mọi người đến nhà hàng xa xỉ nhất thành phố ăn mừng. Rất nhiều người uống say. René uống hết nửa bình rượu Ngũ Lương[3], trong số năm sáu người uống say nằm bẹp trên bàn, còn có cả Phó Tổng Giám đốc Trương Khánh Huy. Chỉ có mình Lịch Xuyên, dưới sự giám sát chặt chẽ của Tế Xuyên, là không uống giọt rượu nào.
[3] Là loại rượu được ủ bằng năm loại ngũ cốc gồm lúa mì, gạo, bắp, cao lương và nếp. Đây là loại rượu lâu đời và nổi tiếng của Trung Quốc.
Ngoại trừ nhân viên phục vụ ra, tôi là bông hoa duy nhất lạc giữa rừng gươm, mọi người hở chút là xem tôi như thư ký. Nghe nói trước kia Chu Bích Tuyên cũng phải chịu cảnh ngộ này. Tôi phải đến sớm để duyệt thực đơn, thương lượng giá rượu với quản lý nhà hàng, còn ôm theo cả đống chi phiếu của công ty. Cho nên, mặc dù tôi cũng thích rượu, nhưng không thể uống thả cửa trong lúc này. Tôi chỉ uống một ly rượu vang, kiềm chế bản thân.
Ăn xong, những người uống say đều được đưa lên taxi về khách sạn. Những người không say ở lại thuê phòng karaoke. Tôi không muốn chen vào giữa một đám đàn ông say mèm, làm nhân viên phục vụ miễn phí cho họ. Vì vậy tôi nói tôi hơi mệt, sợ ngày mai say máy bay, muốn đi nghỉ sớm, chào Tổng Giám đốc Giang một tiếng rồi chuồn mất.
Tôi từ toilet đi ra, đụng phải Lịch Xuyên ở cửa.
“Em về khách sạn à?” Anh hỏi.
“…Không về.”
“Có cần anh gọi taxi đưa em về không?”
“Không cần, em đi bộ về.” Tôi mặc đầm dạ ngắn, khoác theo một chiếc áo choàng rất dày. Tuy mùa đông ở Ôn Châu không lạnh lắm.
Hai mắt tôi vẫn là hai quả hạnh đào như cũ, dáng vẻ sắp phát hoả tới nơi.
Anh không ép tôi nữa.
Cửa khách sạn là loại cửa xoay tròn màu vàng, đẩy rất nặng. Tôi nghĩ thầm, chân của Lịch Xuyên đi đứng khó khăn, qua cửa này rất mất sức.
Cho nên, lúc đi tới cửa, tôi đột nhiên nói: “Đợi chút, còn cửa khác không? Em không thích đi loại cửa này.”
“Claustrophobia[4]?” Anh xoay người hỏi tôi.
[4] Chứng sợ không gian hẹp.
“Không phải…”
Ánh mắt chạm vào nhau, anh liền đoán được ý tôi, lập tức chống gậy đi vào cửa. Tôi đi theo, nhẹ nhàng giữ chặt cửa lại, không để nó xoay quá nhanh.
Quả nhiên anh hành động khá chậm chạp. Tuy nhiên, anh đi ra rất nhanh, tôi cũng đi ra rất nhanh.
Đi tới bậc tam cấp bên ngoài, anh nói: “Sau này, nếu gặp được tình huống giống vậy, nhớ để anh đi trước, được không? Anh là đàn ông, cửa rất nặng, đương nhiên phải để anh đẩy cửa.”
Bực mình.
“Không phải ưu tiên phụ nữ đi trước?” Tôi hỏi.
“Nếu cửa đã xoay sẵn, em có thể đi trước. Anh đi phía sau.”
“Không thể nào, đây là phép tắc thời đại nào vậy?” Nhìn anh nghiêm túc dặn dò, tôi chỉ thấy buồn cười.
“Không phải là phép tắc gì, chỉ để thuận tiện hơn cho em, vậy thôi.”
“Nói đến chuyện thuận tiện, em cảm thấy, phải người cử động thuận tiện hơn chăm sóc cho người cử động không thuận tiện mới đúng.” Trợn mắt cãi lại.
“Cảm ơn đã nhắc nhở, anh cử động rất thuận tiện.” Không yếu thế, một câu làm tôi nghẹn chết luôn.
Dứt lời, anh vẫy tay bắt taxi. Thấy anh ngồi vào xe, tôi cũng chui vào.
“Em nói muốn đi bộ về mà?” Anh hỏi
“Đằng trước có miếu Quan Công, em muốn đến thăm lâu rồi. Hôm nay cũng tiện đường, anh đi với em đi.”
Anh lạnh lùng ngồi yên một chỗ, không biết ý đồ của tôi là gì, nên không nói tiếng nào suốt dọc đường.

Tôi nói với lái xe: “Làm phiền chú ngừng trước miếu Quan Công.”
Xe chạy chưa tới mười phút, đã tới miếu Quan Công. Tôi và Lịch Xuyên cùng xuống xe.
Miếu rất nhỏ, nhưng hương khói nghi ngút. Trước cửa có treo một dây đèn lồng đỏ to to. Ở giữa điện thờ là một pho tượng gỗ cao khoảng một trượng, tay cầm một cây đao dài. Mặt đỏ như cau, râu dài phất phơ, khí khái uy nghiêm, trên đỉnh đầu có bốn chữ to: Nghĩa Bính Càn Khôn[5].
[5] Nghĩa sánh ngang trời.
Bậc chặn cửa cao ngang gối, lúc Lịch Xuyên đi vào, đúng là hơi khó khăn. Anh phải lấy tay nâng chân giả lên mới đi qua được. Chúng tôi cùng đi tới trước mặt Quan Công.
Tôi đốt ba nén nhang, thì thầm vái lạy, sau đó nói: “Lịch Xuyên, anh đọc Tam Quốc diễn nghĩa chưa?”
“Có nghe nói.”
“Biết chuyện Lưu Quan Trương kết bái không?”
“Biết.”
“Lịch Xuyên, em muốn kết bái với anh.”
“Cái gì?” Anh không tin tai mình “Cái gì?”
“Em, Tạ Tiểu Thu, và anh, Vương Lịch Xuyên, kết nghĩa anh em.”
Mắt anh đờ đẫn: “Tại sao?”
“Anh biết mà, theo tình hình hiện nay của chúng ta, quan hệ anh em tốt hơn quan hệ đồng nghiệp nhiều.”
Anh lắc đầu: “Không biết.”
“Đơn giản thôi. Nếu là quan hệ đồng nghiệp, từ đồng nghiệp có thể phát triển thành người yêu bất cứ lúc nào. Chắc anh đâu mong quan hệ của chúng ta phát triển theo hướng đó, đúng không?”
Anh gật đầu: “Đúng.”
“Cho nên quan hệ đồng nghiệp không phải là phương án giải quyết hay.” Tôi nhìn thẳng vào mắt anh, không cho anh dời mắt “Nhưng mà, quan hệ anh em thì không giống vậy. Từ anh em không thể phát triển thành người yêu được. Nếu làm vậy, chính là loạn luân. Chuyện loạn luân, anh và em chắc chắn sẽ không làm, đúng không?”
Anh lạnh lùng nhìn tôi, không hề hé răng, không nói tiếp, đang đoán xem tôi giở chiêu gì đây.
Tôi không để ý tới anh, tiếp tục nói, giọng điệu hùng hồn: “Nhớ năm xưa, Lưu Quan Trương ba người kết nghĩa ở vườn đào, dùng trâu đen ngựa trắng để tế lễ, thề rằng kiếp này không cần sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, chỉ muốn chết cùng năm, cùng tháng, cùng ngày. Mỗi lần đọc tới đoạn này, em rất xúc động.”
Lịch Xuyên nhíu mày, cứ như tôi là người ngoài hành tinh.
Tôi mặc kệ anh, tôi nhét ba nén nhang vào tay anh, lớn tiếng thề với bức tượng gỗ:
“Trên có trời, dưới có đất, chúng tôi Tạ Tiểu Thu và Vương Lịch Xuyên, từ giờ khắc này, trước mặt Quan Đế, kết nghĩa anh em. Từ nay về sau, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chịu. Xin trời cao đất dày chứng giám lòng này. Ai bội nghĩa quên ơn thì trời tru đất diệt.”
Đúng vậy, các bạn độc giả thân mến, tôi đang chép lại tình tiết của một bộ tiểu thuyết kiếm hiệp nào đó. Tôi đọc quá nhiều truyện kiếm hiệp, chính xác là cảnh trong truyện nào, nhất thời nhớ không ra. Tôi cảm thấy, vấn đề giữa tôi và Lịch Xuyên, không thể giải quyết bằng phương pháp hiện đại, đành phải chuyển đổi sang khung cảnh cổ đại. Do đó, tôi mới chọn nơi đây: miếu xưa, tượng cổ, hương khói nghi ngút, đậm mùi xưa cũ. Dưới ánh nến đậm chất cổ trang, chúng tôi tạm thời đi ngược thời gian. Từ cổ chí kim, biết bao nhiêu người từ đóng kịch mà thành yêu thật, nhưng tôi lại vì yêu thật mà đóng kịch. Suy nghĩ thử đi, tôi mệt mỏi cỡ nào?
Tôi dõng dạc đọc xong lời thề, lại thấy Lịch Xuyên đang đứng nghiêng người, vừa nhìn tôi, vừa cười nhạt.
“Anh là nam, em là nữ, xin hỏi, làm sao chúng ta làm anh em được?” Anh nói.
Dứt lời, anh bẻ cây nhang trong tay, ném vào trong lư hương. Sau đó, anh lấy khăn ra lau tay, tính bỏ đi.
Cái người tên Lịch Xuyên này, tuy bề ngoài có vẻ hoà nhã, nhưng một khi đã quyết định rồi, thì không bao giờ đổi ý.
“Đợi chút!” Tôi giữ chặt tay anh lại “Đây là mục đích em muốn anh tới đây hôm nay. Chỉ cần anh kết bái với em, em xin thề, từ nay về sau, ở trước mặt anh, em chỉ là đàn ông, không phải phụ nữ. Giữa em và anh, là quan hệ giống đực với nhau.”
Người đứng mặt tôi nhíu mày thành chữ V thật lớn: “Giống đực?”
“Chắc anh cũng biết, giữa người với người, có rất nhiều loại quan hệ, yêu đương chính là một trong số đó. Đối với chúng ta mà nói, tình yêu có thể trở nên quan trọng, cũng có thể trở nên không quan trọng. Nếu chặt đứt mối quan hệ này, giữa chúng ta sẽ nhẹ nhõm biết bao nhiêu. Nhịn một lúc sóng êm đềm gió lặng, tiến một bước tan xương nát thịt, chi bằng lui một bước biển rộng trời cao. Anh thấy sao?”
Tôi liếm môi, không biết mấy câu này ở đâu chui ra nữa. Thật ra, tôi hoàn toàn không muốn đoạn tuyệt quan hệ nhanh dữ vậy.
Nhưng mà, Lịch Xuyên đã bị lời nói của tôi làm ơ hồ.
Tôi tiếp tục khuyên nhủ: “Nếu anh kết bái với em, em có thể có closure. Em cam đoan với anh, em sẽ hướng đến cuộc đời mới ngay lập tức, lập tức bắt đầu tìm bạn trai. Sau đó thì hẹn hò yêu đương, kết hôn, mua nhà, sinh con, phụng dưỡng cha mẹ chồng, mua bảo hiểm nhân thọ, sống một cuộc sống gia đình hạnh phúc hoàn mỹ.
Anh nghe ngớ ngẩn, nhìn tôi, hồi lâu sau mới nói: “Em cam đoan? Em cam đoan 100%?”
“Buồn cười! Đương nhiên! Quan Thánh là ai chứ? Quan Thánh là thánh để phục ma của tam giới, thần uy sang một phương trời. Em mà nói dối trước mặt ông ấy không bị trời đánh sao?” Tôi vỗ mạnh vai Lịch Xuyên: “Lịch Xuyên, người Thuỵ Sĩ cũng rất hào sảng, anh rộng rãi chút đi, đừng bôi đen văn hoá nước anh, được không?”
Nói thật đó.
Lịch Xuyên tưởng chừng đây là một truyền thống xa xưa của dân tộc Trung Hoa, nên thành tâm thề trước mặt Quan Công:

“Từ nay về sau, anh là đại ca. Anh phải bảo kê cho em ha ha.”
“Cho dù chúng ta có phải anh em hay không,” Lịch Xuyên trừng mắt, chân thành nói: “Anh sẽ mãi mãi che chở cho em. You can always count on me[6].”
[6] Em cứ tin tưởng ở anh đi
Lịch Xuyên không theo đạo Thiên Chúa, nhưng lại mắc căn bệnh mà tất cả người nước ngoài yêu thích Trung Quốc đều mắc phải: quá đỗi mê mẩn với văn hoá Trung Quốc. Ví dụ như, Lịch Xuyên lúc nào cũng khen kiến trúc Phật Giáo không ngớt miệng, gặp nghi thức tôn giáo nào cũng thành tâm vái lạy, sợ người khác xem anh là người ngoại quốc.
Câu nói này xuất phát từ đáy lòng anh, tôi nghe xong cảm xúc lan dâng tràn. Phải biết rằng, cho dù là người yêu, bạn bè hay anh em đi nữa, không phải ai cũng có thể nói với bạn câu này đâu.
Những câu tiếp theo sau, là do tôi buột miệng nói ra trong xúc động, tuyệt đối không phải là thật:
“Lịch Xuyên, anh cứ về Thuỵ Sĩ, không cần lo cho em đâu. Tục ngữ nói, tứ hải giai huynh đệ, chỉ cần anh nhớ lâu lâu gửi email cho em là được.”
Anh nhìn tôi, hơi giật mình: “Em? Kêu anh về Thuỵ Sĩ?”
“Ừ.” Tôi hít một hơi khí lạnh, mũi ê ẩm, sợi dây đàn trong tim sắp đứt. Phải tiếp tục hào sáng như nãy giờ đã làm được: làm người tốt phải làm tới cùng, tiễn Phật phải tiễn tới tận Tây Thiên, “Năm mới cuộc sống mới, anh nói đúng không?”
Anh đứng đó, cả buổi không lên tiếng. Một lát sau, mới “ừ” một tiếng, nói: “Đi thôi.”
Lúc qua bậc cửa, tôi đỡ anh đi qua, anh không cự tuyệt.
Lúc lên xe, bỗng nhiên anh nói:
“Tiểu Thu, em đừng biến thành giống đực nhanh như vậy được không? Ít nhất cũng phải cho anh thời kỳ quá độ chứ.”
Tôi nhìn anh buồn buồn, lòng đau như ai vò ai xé: “Lịch Xuyên, có phải bây giờ anh thấy thoải mái hơn không?”
Anh không trả lời.
Một đêm ngủ an ổn.
Hôm sau, mọi người thu dọn hành lý, lên máy bay, hai giờ sau mới tới Bắc Kinh.
Người nhà của họ đã đứng đợi chen chúc trong đám đông từ lâu. Mọi người ôm nhau, ai về nhà nấy.
René và Tế Xuyên lập tức bay về Thuỵ Sĩ, Lịch Xuyên nói dự án Ôn Châu vừa mới bắt đầu, còn nhiều thiết kế chi tiết nữa, anh được chỉ định là người phụ trách, vì vậy anh sẽ ở lại Bắc Kinh.
Chúng tôi vẫn đi cạnh nhau, định đi chung taxi. Nhưng vừa bước ra khỏi đám đông, chợt nghe có người gọi tôi.
“Annie.”
Nhìn theo hướng đó, là Tiêu Quan.
Đã lâu không gặp, tôi không tin người đứng trước mặt tôi là Tiêu Quan. Làn da màu lúa mạch, mặc áo tay ngắn giữa trời đông lạnh lẽo, để lộ hai cánh tay vạm vỡ. Ấn tượng của tôi về Tiêu Quan là doanh nhân thành công trong lĩnh vực văn hoá, chứ không phải là vận động viên thể hình. Nhưng hôm nay, tôi cảm thấy trên người anh ta ngập niềm vui ngày Tết, tinh thần phấn chấn hơn người. Anh ta mặc một bộ đồ tennis trắng, đeo túi đựng vợt to đùng, ung dung đứng chờ ở đó.
“Tổng Giám đốc Tiêu!”
“Mới đánh tennis xong, tiện đường tới đón em luôn. Chắc đây là anh Vương Lịch Xuyên tiếng tăm lừng lẫy rồi?” Anh ta bắt tay Lịch Xuyên, thật nhiệt tình, thật lão luyện.
“Anh là…”
“Tiêu Quan, bên công ty phiên dịch Cửu Thông. Biên chế của Annie vẫn nằm bên Cửu Thông. Cho nên, tôi và anh, đều là sếp của cô ấy.”
“Chào anh Tiêu.”
“Tôi rất thân với anh Giang và anh Trương của quý công ty, ngoại trừ phiên dịch ra, chúng tôi còn hợp tác với quý công ty nhiều mảng khác nữa. Tôi cũng có đầu tư một chút vào bất động sản. Đây là danh thiếp của tôi.”
Để đưa hai tay ra nhận danh thiếp, Lịch Xuyên phải bỏ hành lý xuống, lại bỏ luôn gậy chống xuống theo.
“Ngại quá, tôi không mang danh thiếp. Lần sau nhất định sẽ bổ sung.” Lịch Xuyên nói.
“Nghe nói dự án ở Ôn Châu, CGP đã trúng thầu?”
“Đúng vậy. Anh Tiêu nắm tin tức nhanh quá.”
“Hồi trước tôi công tác ở Thông tấn xã Quốc gia. Chúc mừng anh! Hiệu suất làm việc của Annie cũng khá cao nhỉ?”
“Rất cao. Cảm ơn bên anh đã đề cử cô ấy cho CGP.”

Tiêu Quan khoát tay, cười nói: “Cửu Thông và CGP có quan hệ thế nào chứ? Đương nhiên phải chọn người giỏi nhất cho các anh rồi. Anh Vương có xe tới đón chưa? Tôi có thể lái xe đưa anh về.”
“Cảm ơn, không cần. Tự tôi bắt taxi là được rồi.”
“Vậy tôi không khách sáo bắt Annie đi đó.” Tiêu Quan nhanh tay cướp hành lý của tôi, xách giúp tôi.
“Không có gì, Annie cần phải nghỉ xả hơi cho thoải mái.” Lịch Xuyên thản nhiên nói, “Tạm biệt.”
“Tạm biệt.”
*
Trên đường ra bãi đỗ xe, Tiêu Quan hỏi: “Annie buồn chuyện gì mà hai mắt sưng dữ vậy?”
“Ong vò vẽ chích.”
“Xì, muốn nói dối cũng phải khoa học một chút chứ, mùa đông làm gì ong vò vẽ được? Chắc là khóc chứ gì? Chuyện gì nghiêm trọng đến mức em khóc sưng mắt vậy?”
“Không liên quan đến anh.” Tâm trạng không vui, ghét bị anh ta hỏi tới hỏi lui.
“Gởi email cho em không thấy trả lời. Hồi âm cho sếp mà cũng chậm vậy.” Anh ta mở cửa xe, ý bảo tôi ngồi vào, “Phát hiện gì không, tôi mới đổi xe đó.”
Là một chiếc Audi, thoảng mùi da thật.
“À… vậy à?” Không nhớ rõ trước đây anh ta lái xe gì.
“Mới mua một tuần mà ăn hai vé phạt.”
“Tại sao?”
“Quá tốc độ.”
Sau đó, anh ta nói về Audi[7] khoảng 15 phút. Hàng loạt tính năng, hàng loạt chỉ tiêu và so sánh với các loại xe khác, tôi cảm thấy thật vô vị.
[7] Một nhãn hiệu xe hơi của tập đoàn Volkswagen của Đức, là loại xe được sử dụng phổ biến nhất tại Trung Quốc.
“Người tên Vương Lịch Xuyên đó, em có thân với anh ta không?”
“Bình thường, quan hệ công việc.”
“Anh ta dễ tính không?”
“Cũng được. Không rõ lắm.”
“Tôi có một công trình ở đây, huy động vốn gần đủ rồi, muốn kéo anh ra cùng đầu tư. Cũng muốn nhờ anh ta thiết kế luôn.”
“Vậy anh tự hẹn gặp anh ta bàn bạc đi.”
“Không cần vội.” Anh ta nói, xe quẹo vào một con hẻm nhỏ, “Chỗ này có một quán ăn Tô Châu mới khai trương, nghe nói đầu bếp nấu ngon lắm, tôi muốn đến ăn thử lâu rồi, quê tôi ở Tô Châu. Em có muốn ăn thử không?”
“Sao dám để anh mời tôi được?”
“Đừng khách sáo quá.”
Xe dừng trước cửa quán ăn, tôi ủ rũ đi theo anh ta. Nhìn sơ quán không rộng lắm, nhưng bên trong trang hoàng khá đẹp mắt. Nhân viên nữ mặc đồng phục là sườn xám vải gấm nhạt màu.
Thật ra, trừ Lịch Xuyên, Tiêu Quan là người đàn ông thứ hai dẫn tôi đi ăn một mình. Không thể phủ nhận, đàn ông trên thế giới này cũng muôn hình vạn trạng như phụ nữ. Tôi lại nhớ đến những câu Lịch Xuyên nói tôi move on. Sau đó, tôi nhủ thầm trong lòng, move on, move on, move on…
Thực đơn được đưa đến, Tiêu Quan hỏi tôi muốn ăn gì, Tôi không biết gì về ẩm thực Tô Châu, nên nhờ anh ta gọi món giúp. Anh ta tự nhiên gọi món, gọi rượu. Tôi vốn không muốn ăn, mà đồ ăn Tô Châu lại hơi ngọt, nên tôi nhờ nhân viên phục vụ lấy tương ớt.
“Xin lỗi, quên hỏi quê em ở đâu?”
“Vân Nam.”
“Người Vân Nam, hèn gì thích ăn ớt. Tôi thì có ớt là không dám đụng đũa, ăn vào là bị sặc liền. Lần trước tôi đến nhà bạn chơi, vợ cậu ấy là người Tứ Xuyên, trong nhà nồng mùi ớt. Tôi vừa vào cửa là bị sặc, phải ra giếng trời ho nửa ngày mới thở được.”
“Vậy sau này anh tránh xa tôi chút, tôi không cay không ăn.” Tôi nhìn anh ta, cười cười.
“Cho nên phải cảm ơn tương ớt, sau này ra ngoài ăn, tôi chỉ cần đem theo một chai tương ớt là được.”
Lòng tự tôn quá lớn, tôi im lặng một lúc lâu, thấy không còn gì để nói nữa.
Đối với người ăn cay mà nói, hai chữ “tương ớt” chính là sự sỉ nhục. Tôi không phải chỉ thích ăn tương ớt bình thường, mà thích nhất là ớt vụ cuối thu, mùi nồng, rất cay, cay tới mức miệng chưa sưng thì bao tử đã đau.
Sau đó, anh ta bắt đầu nói về thời sự quốc tế trong năm: thị trường chứng khoán Mỹ, xung đột Palestine, giá dầu thô, Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân, bạo động ở Thái Lan, chính sách của EU với Trung Quốc. Anh ta dừng lại rất lâu ở chủ đề “Saddam Hussein”. Tiếp theo anh ra bắt đầu nói về tin tức thể thao: bóng đá Ý, giải NBA, cúp C1, dừng lại khá lâu ở chủ đề “tennis”. Tôi vừa nghe vừa gật đầu liên tục. Tốt quá, khỏi cần đọc báo. Sao lúc thi lên cao học không gặp người này nhỉ, nếu gặp thì khỏi cần chuẩn bị câu hỏi về mảng tin tức thời sự nữa.
“Bình thường em làm gì khi rảnh?” Thấy tôi cả buổi không nói gì, chỉ gật đầu liên tục, ăn cơm liên tục, anh ta đành đổi đề tài.
“Xem TV, đọc sách, ngủ…”
“Em có xem chương trình Thời sự không?”
“Chưa bao giờ xem.”
Cằm anh dường như sắp rớt xuống: “Chưa bao giờ xem? Em không bao giờ quan tâm tới tình hình thế giới sao?”
“Không quan tâm. Tôi nông cạn lắm.”

“Vậy làm sao em thi lên cao học được?”
“Được đề cử.”
“Vậy em xem chương trình nào?”
“Phim giờ vàng, Nắm tay nè, Không nói chuyện tình yêu nè, có khi xem phim hành động, giống mấy phim hành động hài của Châu Tinh Trì đó.”
Anh ta sắp khóc rồi.
“Hàng ngày em có đọc báo không?”
“Có chứ. Tin tức giải trí, Nhà ở và Cuộc sống đô thị. Tôi chỉ đọc ba tờ này thôi, những tờ còn lại cầm lên đều quăng xuống.”
“Tạp chí thì sao?”
“Tôi là độc giả trung thành của tờ Tập San Độc Giả. Tôi còn đọc cả Gia đình và Diễm tình nữa. Có khi còn đọc Chuyện xưa Chuyện nay, nhưng không phải kỳ nào cũng đọc.”
“Em thích tác giả nào nhất?”
“Annie Bảo Bối, Đỗ Nhược, Lam Liên Hoa.”
“Sao tôi chưa nghe qua mấy tên đó lần nào vậy?”
“À, họ đều là nhà văn mạng. Nổi tiếng lắm, nhiệt liệt đề cử bộ truyện Thiên vũ của Đỗ Nhược.”
“Không thể tưởng tượng được… sở thích văn học của em… ừ… nói sao nhỉ? Cần phải nâng cấp một chút. Tôi đề cử tiểu thiếp Năm thê bảy thiếp[8] của Tô Đồng, phụ nữ ai cũng thích cuốn này. Trương Ái Linh[9] cũng hay lắm. Emma thì thích Diệc Thư và Lý Bích Hoa.”
[8] Một tác phẩm văn học hiện đại khá nổi tiếng của Trung Quốc, viết về thân phận người phụ nữ Trung Quốc trong chế độ Trung Quốc. Tác phẩm đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim dưới tên ‘Đèn lồng đỏ treo cao’.
[9] Trương Ái Linh (1920–1991), Diệc Thư (1946–), Lý Bích Hoa (1959–) là những nhà văn nữ nổi tiếng của Hồng Kông.
Tôi vội vàng hỏi: “Đúng rồi, anh và Emma sao rồi? Có nối lại duyên cũ không?”
“Duyên cũ? Sao được? Chuyện qua rồi thì qua luôn mà.”
“Emma cũng tốt mà. Trẻ, đẹp, có tài, hợp thời trang. Đứng cạnh anh rất xứng đôi, thật đó.”
Anh ta uống một ngụm rượu, cười: “Em hiểu mà, có một quyển sách từng nói, những người đang yêu chia làm hai loại. Một loại là “kiểu trữ tình”, loại người này chỉ tìm kiếm một hình bóng lý tưởng trong tình yêu, cho dù nhiều lần trắc trở va vấp, nhưng vẫn một lòng một dạ. Loại còn loại là “kiểu tự sự”, kiểu người nào họ cũng thích hết. Emma thuộc loại người sau, tôi đã bị cô ấy tự sự một lần rồi. Em thì sao? Trữ tình hay tự sự?”
“Không biết, chưa nghiên cứu bao giờ.” Tôi lau miệng, nói: “Tôi ăn xong rồi”.
Mặt anh ta hơi khó coi. Vì vừa rồi mải lo nói chuyện, anh ta hầu như không động đũa. Tôi thì vừa nghe vừa ăn, nhanh chóng kết thúc cuộc chiến.
“Không ngờ em ít nói như vậy.” Anh ta nói, “Đúng rồi, cuốn sổ tay đấu giá, phiền em dịch nhanh hơn chút được không? Người ta đang cần gấp.”
“Tôi cần thời gian một tuần, chắc không quá lâu chứ?”
“Đương nhiên là không. Tối rảnh không? Nhà tôi có rạp chiếu phim gia đình, bạn bè có mang mấy đĩa phim mới từ nước ngoài về, hiệu ứng âm thanh tốt lắm. Có mấy người bạn muốn tới xem, nam nữ đều có, em cũng đi xem đi.”
“Haiz, hôm nay tôi hơi say máy bay, lần sau đi.” Tôi làm ra vẻ sắp ngất xỉu.
Anh ta nhìn tôi, cười khổ: “Tôi thiếu sức hấp dẫn dữ vậy sao? Annie, tôi chưa bao giờ có cảm giác thất bại trước mặt phụ nữ như bây giờ.”
“Đâu phải lúc nào cuộc đời cũng tươi đẹp rực rỡ.”
Anh gọi nhân viên tới tính tiền.
Chưa từ bỏ ý định, anh ta lại hỏi tiếp: “Em không thích quen tất cả đàn ông? Hay là chỉ không thích quen tôi thôi?”
“Đừng nói anh đang ám chỉ tôi là lesbian nha!”
“Đâu có?” Anh ta nhìn tôi, nói: “Em có như vậy khômg?”
Hết biết nói gì rồi. Tôi đứng dậy liếc nhìn anh ta.
Anh ta đưa tôi về nhà, im lặng suốt dọc đường đi.
Lúc xuống xe, anh ta quay cửa kính xuống, nói với tôi: “Annie, tôi cũng là kiểu trữ tình. Khi kiểu trữ tình gặp được kiểu trữ tình, bén lửa là chuyện sớm muộn thôi.”
Ánh mắt anh ta nhìn tôi như có lửa cháy, sức nóng áp bức. Tiêu rồi, sập hố rồi.
Lương tâm thức tỉnh, tôi thấy hơi áy náy: “Tiêu Quan, hôm nay tâm trạng tôi không vui, mắt sưng anh cũng thấy đó. Anh đừng để ý mấy lời tôi nói lúc nãy.”
“Tâm trạng không vui, chi bằng tối tới nhà tôi xem phim đi. Nói chuyện với mọi người thì tâm trạng sẽ đỡ hơn.” Chưa từ bỏ ý định, thử lần cuối cùng.
“Cảm ơn, tôi không đi.”
Tôi về phòng, đóng cửa, ngã xuống giường. Nhớ lại một câu Lịch Xuyên từng nói:
“Nếu em quen với việc đàn ông đối xử tốt với mình, có thể sau này em sẽ lấy được một người chồng tốt.”
Lịch Xuyên ơi, anh hại chết em rồi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.