Đọc truyện Freud Thân Yêu – Chương 69
Typer: Lam Anh – Diễn đàn
Huấn luyện viên phục hồi chức năng cầm quyển bệnh án đứng cạnh cô, thỉnh thoảng dặn dò và động viên: “Khá lắm! Mở rộng cánh tay rồi kéo ra sau, lặp lại động tác kéo căng cơ lưng. Rất tốt!”
“Hôm nay tập luyện tới đây thôi.” Huấn luyện viên đưa dụng cụ đo sức nắm cho cô. “Thử nào! Đừng nóng vội quá! Tốt, rất tốt, đã khôi phục đến 17kg.”
“Có cảm thấy miễn cưỡng hay đau đớn không?”
“Không ạ.” Chân Ý lắc đầu.
“Vậy ngày mai chúng ta tiếp tục.”
Ngôn Cách đứng bên cửa sổ sải bước đi tới, rút tay khỏi túi quần rồi giúp cô mặc chiếc áo khoác vắt trên cánh tay. Chân Ý không nén nổi nụ cười: “Không cần nữa, bây giờ em tự mặc được rồi.” Nói vậy nhưng lại ngoan ngoãn để anh mặc cho mình.
Rời khỏi phòng phục hồi chức năng, Chân Ý liếc nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói khẽ: “Vừa đến giờ, đi thăm Hoài Sinh thôi, hôm nay là thất đầu của anh ấy.”
Một ngày vào trung tuần tháng Giêng, bầu trời xám xịt. Khu mộ không một bóng người, đưa mắt chỉ thấy dãy tường đựng tro cốt màu đen sẫm và những bó hoa đã héo tàn, dấy lên cảm giác tiêu điều thê lương. Nhiệt độ hơi thấp và gió cũng lớn, Chân Ý quấn chặt áo khoác theo bản năng. Hai người nhanh chóng tìm được ô đựng tro của Hoài Sinh, trên đó dán bức ảnh nho nhỏ của anh ta, màu trắng đen khiến anh ta trông thanh tú tinh khiết vô ngần. Anh ta vốn là cậu chàng xinh xắn.
Bên cạnh anh ta là Hoài Như, bên trên là Từ Tiếu. Trong tấm ảnh, cô gái như ánh dương rạng rỡ đang nở nụ cười ngọt ngào với Chân Ý. Chân Ý lại liếc nhìn tấm ảnh đen trắng của Hoài Sinh, có hai người họ thì anh ta có thể an nghỉ rồi. Cô tìm trên dãy đựng tro một lúc lâu, lần lượt trông thấy Đường Thường và Tống Y, bỗng dưng có cảm giác như đã trải qua mấy kiếp. Thôi Phỉ, Hứa Mạc và Hứa Thiến thì được chôn ở khu mộ của người giàu. Riêng Lâm Hàm yên giấc ngàn thu tại nghĩa trang liệt sĩ.
Một lúc sau, cô thấy Dương Tư trong ảnh với khuôn mặt tinh khôi vô cùng xinh đẹp, nụ cười trên môi nhẹ nhàng không chút tà tâm, không hề lạc lối và cũng không thù hận. Tại sao con người phải chờ đến lúc chết mới có thể trở nên thuần khiết trong sáng chứ? Đã từng thân thiết như chị em, đã từng dần dần xa cách, mỗi người một ngả, đã từng trở mặt thành thù. Hôm nay người đã chết, tất cả cảm xúc như thân thiết, tín nhiệm, thân thiện, lạnh nhạt, hiểu lầm, chán ghét, căm hận đều tan thành mây khói, đến cả nỗi niềm thương cảm cũng không đọng lại.
Chân Ý đứng một lát rồi kéo tay Ngôn Cách rời đi. Được vài bước, cô lướt qua một người đàn ông trung niên đeo kính râm. Chân Ý dừng bước, đó là khuôn mặt thường thấy trong các bản tin, nghe nói con đường làm quan rất thuận lợi. Có điều, trên đời này không mấy ai biết nhiều năm trước ông ta và người vợ bụng mang dạ chửa của mình đã lợi dụng lòng tốt của một cô gái rồi nhốt cô ấy lại. Nhiều năm sau, Dương Tư chịu bao điều tiếng lại là con gái của ông ta và cô gái bị nhốt năm nào. Trịnh Dĩnh, Dương Tư, hai đứa con gái đều đã chết, liệu có được xem như quả báo của ông ta không?
Sắp tới cuối năm, Tư Côi đã gần khỏe lại. Chân Ý đưa ông nội và Ngôn Cách tiễn cô ấy ra sân bay. Tháng Một không còn lại mấy ngày, sắp hết năm rồi, Tư Côi phải về nhà với bố mẹ. Cô ấy có công bắt Biện Khiêm nên được Cục Cảnh sát trao phần thưởng không nhỏ, ngoài ra còn được nghỉ dài ngày. Chân Ý giúp cô bạn đổi thẻ lên máy bay, cố gắng an ủi: “Nghỉ ngơi một khoảng thời gian cũng tốt. Lần này, sức khỏe cậu bị ảnh hưởng rất lớn, về nhà có mẹ chăm sóc, nhớ bổ sung dinh dưỡng thật nhiều, đứa bé mới khỏe mạnh được.”
Tư Côi thấy cô lải nhải mãi, không thể nhịn cười: “Chân, tớ chưa bao giờ nhận ra cậu dông dài vậy đấy.”
Thấy Tư Côi cười, tảng đá trong lòng Chân Ý nhẹ đi một nửa: “A Tư, tớ là mẹ nuôi của đứa bé, cậu phải chăm sóc nó thật tốt đấy nhé. Chờ ăn Tết xong cậu trở lại, tớ phải kiểm tra mới được.”
“Cậu đâu phải bác sĩ, kiểm tra được gì chứ?” Tư Côi lườm nguýt cô bạn, cầm lấy tay cô, “Được rồi, thật sự không phải lo lắng cho tớ. Chân, tớ sẽ tốt lên mà.”
Đi cùng cô còn có bố Biện Khiêm và bảo mẫu. Sức khỏe ông không tốt, được bảo mẫu đẩy trên xe lăn. Mắc phải bệnh ung thư giai đoạn cuối, ông không còn sống được mấy tháng nữa. Tư Côi ngỏ ý muốn đưa ông về nhà cùng ăn Tết.
Chân Ý nhìn ba người họ đi khuất ở cửa kiểm tra an ninh mà lòng hơi bùi ngùi. Nhớ lại lúc xuất viện, trạng thái Tư Côi tốt như người không có việc gì, nói: “Không phải cuộc sống còn phải tiếp tục sao? Huống chi trong bụng tớ còn có một thằng nhóc, tớ phải sống tốt hơn nữa mới đúng chứ.”
Sau khi xếp hàng vào lối kiểm tra an ninh, Tư Côi quay lại vẫy tay và mỉm cười với cô.
Lúc này Chân Ý mới yên lòng xoay người. Ông nội không chạy lung tung, ngoan ngoãn ngồi ăn bánh quy. Sắp hết năm, Chân Ý rảnh rỗi nên lúc nào cũng đưa ông nội đi cùng. Ngôn Cách nghiêm chỉnh theo sát bên cạnh. Chân Ý ngồi cạnh anh, dạt dào cảm xúc: “A Tư kiên cường thật đấy.”
“Ừ.”
Cô khoác tay anh: “Nếu đổi lại là em, anh có làm sao thì em sẽ điên mất.”
Dứt lời, lòng cô lại dậy sóng, chính xác là Chân Tâm sẽ xuất hiện và chiếm trọn thân thể này. Chân Tâm là mối nguy ngầm trong cô. Dẫu cô có tin tưởng bản thân, tin tưởng Ngôn Cách, thì nhân cách này vẫn cứ tồn tại và luôn như kẻ thứ ba chen ngang giữa họ, hệt như bom hẹn giờ. Ngộ nhỡ ngày nào đó không khống chế được mà nổ tung, người ở gần cô nhất sẽ chịu thương tổn nặng nề nhất.
Nghĩ vậy, đầu Chân Ý hơi choáng váng. Không biết tại sao mấy ngày qua chỉ cần suy nghĩ là đầu óc cô liền hỗn độn mơ hồ. Có lẽ là do di chứng sau trận bắt cóc tra tấn kéo dài. Cô gạt bỏ nỗi buồn trong lòng, lặp lại: “A Tư kiên cường thật đấy.”
“Bởi vì có đứa trẻ.” Ngôn Cách hờ hững nhận xét. “Nếu không, cô ấy đã sớm suy sụp rồi.”
Chân Ý buồn bã nhíu mày, “May là nhà Biện Khiêm giàu có, không cần lo lắng đến tiền nuôi dưỡng, xem như an ủi phần nào.”
Ngôn Cách định bụng đứng dậy, nhưng Chân Ý lại ngồi lì trên ghế nhìn quanh.
“Đợi ai à?”
“Còn phải tiễn một người nữa.” Chân Ý nói khẽ,“Đàn anh sắp bay đi Anh.”
“Đàn anh nào?” Anh thờ ơ hỏi.
Chân Ý xoắn ngón tay: “Không phải chỉ có một đàn anh thôi sao. Anh ấy nghỉ việc rồi, sắp đi Anh định cư để sống cùng bố và cũng là bác của anh ấy.”
Đang nói dở thì nghe tiếng gọi “Chân Ý!”, Doãn Đạc đi tới. Hôm nay, anh mặc bộ đổ thể thao, trông thoải mái và tràn trề sức sống. Tay anh không cầm đồ vì đã có người chuyên quản lý hành lý và thẻ lên máy bay cho anh.
Thấy Ngôn Cách cũng có mặt, mắt anh lóe lên vẻ kinh ngạc nhưng không nói gì thêm. Ngôn Cách chỉ gật nhẹ đầu, vẻ mặt thân thiện hơn trước. Doãn Đạc lấy làm lạ, về sau mới biết Chân Ý đã nói chuyện anh chuẩn bị đi Anh định cư với Ngôn Cách. Nhớ lại sự chăm lo của đàn anh dành cho mình, Chân Ý có chút bùi ngùi: “Đi Anh không về nữa à?”
“Thỉnh thoảng trở về xem chút.” Doãn Đạc luôn giữ nụ cười ôn hòa nhất quán, “Bố anh lớn tuổi rồi, cần người bầu bạn. Sang Anh sinh sống vẫn có thể làm công tố viên.” Anh cười thoải mái, “Nếu gặp vụ kiện đáng để học tập, hai ta cùng luận bàn nhé.”
“Được ạ.” Chân Ý phấn khích.
Ngôn Cách: “…”
Trước khi đi, Doãn Đạc khom người nhìn ông nội với đôi mắt sáng long lanh: “Ông nội, con đi đây. Con chào ông ạ.”
Ông nội ngẩng đầu nhìn anh, không cười và cũng không như đứa trẻ già cả mà chỉ gật đầu: “Tạm biệt.”
Khách VIP bắt đầu lên máy bay. Doãn Đạc đứng dậy, lên máy bay theo dãy cửa sổ sát đất, kề sát điện thoại bên tai, nhìn ra bãi đáp máy bay ngoài cửa sổ bằng đôi mắt chứa đựng nét cười ung dung: “Người quan sát báo cáo: Thí nghiệm kết thúc mỹ mãn. Tổn thất: Thêm một tổ trưởng bị bắt.”
Cúp máy, tâm trạng anh vui vẻ mà bình lặng. Cuộc sống của anh sắp đón chờ cơ hội mới. Đến một nơi khác trên thế giới tiếp tục làm một công tố viên để biểu dương chính nghĩa, trừng trị tội ác đề cao việc thiện là niềm mong chờ của anh.
Máy bay cất cánh, anh đắp chăn chìm vào giấc ngủ. Vài giây sau chậm rãi mở mắt nhìn đô thị phồn hoa dần dần trở thành hình ảnh thu nhỏ, khóe môi anh nở nụ cười nhạt: Tạm biệt thành phố K!
Tiễn Doãn Đạc xong, rời khỏi sân bay, gáy Chân Ý lại đau nhói, đầu óc mơ hồ. Ngôn Cách nhận ra liền hỏi: “Gần đây khó chịu ở đâu à?”
“Không có gì đâu. Em hơi mệt thôi.” Cô lên tinh thần, nói, “Sắp hết năm rồi, tuần này giải quyết xong chuyện của văn phòng, em cũng nên đưa ông nội về Thâm Thành ăn Tết.”
Ngôn Cách mở cửa, đỡ ông nội lên xe: “Chỉ có em và ông nội à?”
“Đúng vậy.” Mắt cô đảo một vòng, trông rất hoạt bát, “Nghe có vẻ thê lương nhưng sẽ không sao đâu. Em và ông nội ăn ý lắm, có thể cùng nhau chơi đùa vui vẻ rất lâu.”
“Ừ.” Ngôn Cách không nhiều lời. Cô luôn nói mình là kiểu con gái có thể vui chơi rất cuồng nhiệt. Anh không tỏ thái độ.
Chân Ý không để tâm. Cô biết tính của Ngôn Cách, anh sẽ không mời cô đến nhà anh ăn Tết. Con gái chưa kết hôn đã bỏ mặc người nhà, chạy đến nhà bạn trai ăn Tết là tự xem nhẹ mình và cũng không hợp lẽ. Anh không thể không màng đến danh dự của cô. Bản thân cô cũng cảm thấy ngượng.
Ngày cuối năm, thời tiết Thâm Thành ấm áp, ánh mặt trời rực rỡ nhưng không chói chang. Chân Ý đã sớm thuê người quét dọn căn nhà cũ ở khu công xưởng tám năm trước. Cô tiêu tốn không ít tiền để trang trí sắp đặt lại căn nha, thay mới ga giường, thảm và đệm sofa. May mà bây giờ cô đã là đại luật sư, kiếm tiền dễ hơn tiêu tiền. Cô lo sửa sang căn nhà hết cả ngày trời, còn ông nội cầm bình tưới hoa trên ban công. Hai ông cháu thi thoảng gọi nhau một tiếng rồi nói dăm ba câu, trông thật thoải mái. Đến tối, lúc cậu nhóc giao thức ăn mang rất nhiều món ngon tới cửa, căn nhà nho nhỏ đã được dọn dẹp sạch sẽ và ấm áp. Chân Ý đói đến độ bụng sôi sùng sục bèn dọn cơm tất niên lên bàn. Từng món đủ sắc, hương và vị được bày ra, tất cả đều xuất phát từ bàn tay của đầu bếp nổi tiếng. Cô đắc ý khoe khoang: “Ông nội, có phải con rất thông minh không? Nấu cơm phiền lắm, mua ngoài luôn ngon hơn.”
“Ừ, rất ngon.” Ông nội cầm dĩa bỏ bào ngư vào miệng, cười híp mắt gật đầu.
Dưới ánh đèn huỳnh quang màu ngà, mái tóc bạc phơ của ông cụ như bông tuyết lấp lánh. Thấy vậy, lòng Chân Ý xúc động. Người ông nội thân yêu nhất của cô đã già mất rồi. Hình ảnh thuở bé cùng ông, bác và chị họ sum vầy bên bàn ăn cơm tại nơi đây vẫn còn rõ mồn một trước mắt. Ông cụ ăn rất vui vẻ, Chân Ý đứng dậy, tận tình buộc lại khăn ăn cho ông, cầm khăn giấy lau dầu bên khóe miệng, gắp thêm rau dưa vào đĩa ông rồi dặn dò: “Ông nội phải ngoan, đừng ăn thịt mãi thế.”
“Biết rồi, biết rồi, ăn rau ăn rau.” Ông nội ngoan ngoãn trả lời, gắp một miếng súp lơ bỏ vào miệng.
“Ông nội thật nghe lời.” Chân Ý vuốt mái tóc bạc của ông, thêm nước ép hạch đào vào cốc ông rồi điều chỉnh âm lượng tivi lên một mức. Giờ đang là tiết mục văn nghệ chào xuân ông thích nhất, diễn viên Kinh kịch đang hát: “Nỗi khổ trong lòng nào đã giãi bày cùng ai, quân tử vãng lai xin hãy nghe ta nói.”
Chân Ý gặm xương sườn, cùng hát í a: “Ai ơi xuôi về Nam Kinh, cho nhờ nhắn nhủ tấm thư gửi chồng.” Giọng hát lên bổng xuống trầm, thật sự thể hiện được âm điệu réo rắt. Ngân đến một nửa thì cô dừng lại, lấy điện thoại ra làm bộ vô ý liếc nhìn. Giờ là 21 giờ 14 phút, không cuộc gọi nhỡ, nhưng có rất nhiều tín nhắn chưa đọc, tất cả đều chúc mừng năm mới.
Không có tin nhắn của Ngôn Cách. Với tính cách của anh, đương nhiên không làm trò này. Ồ, không hề gây bất ngờ… A, chắc nhà Ngôn Cách vui lắm, tất cả hẳn đang cùng chơi đùa. Cô không hề hụt hẫng, hít thở khe khẽ rồi cất điện thoại di động. Thấy khăn ăn của ông đã bẩn, cô thay chiếc khác cho ông. Ông ăn uống no nê xong liền hát hí khúc theo người trên tivi. Chân Ý ôm đĩa hoa quả, ngả người trên sofa ngâm nga cùng ông. Cô bỏ một múi quýt vào miệng mình rồi đút một miếng táo vào miệng ông. Trong cái tivi nho nhỏ cũ kỹ xướng lên tiếng Kinh kịch, Việt kịch, kịch Hoàng Mai, kịch Hoa Cổ, Tần xoang, Dự kịch*… Ông nội biết hát hết thảy, Chân Ý cũng có thể ư hử vài tiếng. Ông hát xong một câu, cô không quan tâm câu sau có đúng giai điệu không mà to gan tiếp giọng. Hai ông cháu vui vẻ hòa thuận, thời gian trôi đi lúc nào chẳng hay.
(*) Kinh kịch là thể loại ca kịch của Trung Quốc, hình thành và phát triển tại Bắc Kinh vào thời vua Càn Long. Việt kịch là tuồng truyền thống thịnh hành ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. Kịch Hoàng Mai là một loại hí khúc của tỉnh An Huy nhập từ Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc. Kịch Hoa Cổ hay kịch trồng hòa được lưu hành ở Hà Bắc, Hồ Nam, An Huy… phát triển từ điệu múa Hoa Cổ. Tần xoang là loại kịch thịnh hành ở phía Tây Bắc Trung Quốc, vừa hát vừa gõ hai miếng gỗ vào nhau. Dự kịch là ca kịch ở tỉnh Hà Nam.
Mới đến 10 giờ rưỡi tối, ông nội đã buồn ngủ. Chân Ý lấy nước cho ông nội rửa mặt và tay chân rồi để ông nằm lên giường. Sau khi đắp chăn, cô nhớ ra gì đó: “Ông nội, ông có nhớ một người tên Biện Khiêm không, anh ấy là học trò của ông đấy.”
Từng có một năm, cô và ông nội ăn Tết ở nhà Biện Khiêm. Phút giây này, cô hơi nhớ anh.
“Không biết.” Ông nhắm mắt lại, hơi quạu quọ, “Ông muốn ngủ.”
“Được, được, được,” Chân Ý không định hỏi đến cùng, vén chăn cho ông rồi chúc: “Ông ngủ ngon nhé.”
Rời khỏi phòng, ánh đèn trong phòng khách nhỏ hẹp sáng mông lung mờ ảo, Chân Ý thu dọn bàn ăn sạch sẽ xong đã là mười một giờ đêm. Tắt tivi đang líu ríu, căn phòng bỗng chìm vào tĩnh lặng, có thể nghe thấy tiếng pháo chúc tụng bắt đầu nổ vang ngoài kia. Ngẩng đầu nhìn lên, ngoài cửa sổ là bầu trời thành thị tung bay pháo hoa rực rỡ. Đẹp quá! Chân Ý đến ban công ngắm nhìn, lấy điện thoại ra xem. Tin nhắn chúc mừng xếp thành núi, nhưng tìm một hồi vẫn không có của Ngôn Cách. Cô nhún vai, định gọi điện cho Tư Côi, vừa tra thấy tên thì Tư Côi đã gọi tới.
Sự ăn ý này khiến Chân Ý bỗng vui vẻ hẳn, hớn hở bắt máy nói ngay: “A Tư, trùng hợp quá, tớ vừa định gọi điện cho cậu đây.”
“Hớ. Làm màu quá. Rõ ràng quên mất bạn rồi…” Tư Côi cười, trò chuyện với cô, “Chân, chỗ tớ có tuyết rồi…”
Hai người huyên thuyên gần nửa tiếng. Vừa cúp máy, điện thoại lại sáng lên. Lần này là Doãn Đạc, anh gửi lời chúc từ nước Anh xa xôi. Tiếp đó Giang Giang, Thích Miễn, Đường Vũ đều gọi điện thoại, ngay cả Thích Cần Cần cũng gửi tin: Chân Ý, chúc năm mới. Cô nói chuyện với Thích Miễn đến gần 0 giờ. Tiếng pháo hoa chấn động chân trời, đinh tai nhức óc. Cô đứng trên ban công ngắm nhìn bầu trời đêm dần dần được ánh pháo hoa muôn màu muôn dạng thắp sáng. Cả thế giới chìm trong pháo hoa sáng chói, đẹp rung động lòng người.
Cô chuyển sang băng ghế, ngồi một mình trong căn phòng nhỏ thưởng thức cảnh đêm. Pháo hoa rực rỡ phủ kín bầu trời đẹp đến nức lòng, trái tim cô choáng ngợp đến lặng im trước vẻ đẹp trải khắp đất trời, sắp đến 0 giờ, cô không muốn nghe tiếng đếm ngược ngoài kia. Cô đứng dậy, nhanh chóng rửa mặt xong xuôi, quàng khăn tắm chuẩn bị lên giường ngủ. Vừa tắt đèn phòng khách, tấm cửa gỗ cũ kỹ lại vang lên ba tiếng gõ nhẹ nhàng. Giữa màn đêm huyên náo, trong tiếng pháo hoa vang vọng, tiếng gõ cửa ấy toát lên sự trong trẻo và tĩnh mịch khôn tả.
Sau phút đầu giật thót, trái tim liền đập thình thịch đầy khẩn trương và mong đợi. Chân Ý siết chặt khăn tắm, chậm rãi đi tới sau cửa. Xuyên qua màn đêm, cô khẽ hỏi: “Là Ngôn Cách à?”
Khi tiếng pháo hoa ngoài kia đã lên đến đỉnh điểm, những người đón giao thừa hưng phấn đếm ngược: “Mười, chín, tám…” Người bên kia cửa dừng một giây mới khẽ đáp “Ừ”. Chất giọng có phần mơ hồ, nhưng chắc chắn là anh. Thế giới còn đang thét gào: “Sáu, năm, bốn…” Trái tim đập cuồng loạn, Chân Ý hân hoan mở cửa, trông thấy khuôn mặt dịu dàng như vẽ của anh. Cầu thang không có đèn, chỉ có ánh pháo hoa lấp lóe tôn lên đường nét sâu thẳm trên khuôn mặt anh, hệt như hoàng tử xuất hiện từ trời cao. Pháo hoa và tiếng náo động lên đến cực điểm, đêm cuối năm trôi qua trong nháy mắt: “… Hai, một…!”
Cô bổ nhào vào lòng anh, vừa mừng vừa sợ. Trong tiếng pháo hoa ồn ã, cô không sợ làm ồn đến ông nội, không dằn nổi niềm vui, gần như hét lên: “Sao anh lại tới đây?”
Anh cúi đầu, ôm lấy vòng eo mềm mại của cô, khẽ đáp: “Hơi nhớ em.” Đâu chỉ dừng ở “hơi”. Ngồi giữa đám người, càng náo nhiệt càng nhớ cô. Nhớ cô nhất định sẽ cô đơn giữa ngày nhà nhà đoàn viên, nhớ cô nhất định sẽ mong chờ qua năm mới để được gặp anh. Anh vốn chính là người nhà của cô.
Nghe anh thản nhiên mà khắc kỷ thốt hai chữ “nhớ em”, lòng Chân Ý vừa xót xa vừa ấm áp, vui sướng đến mức giọt lệ suýt tràn mi. Cô vùi đầu vào cổ anh thầm thì: “Lái xe hơn hai tiếng mới đến đây, có phải mệt lắm không?”
“Không mệt.” Anh nhìn dáng vẻ bám chặt anh của cô, thầm nghĩ đến đây là đúng. Lời nói lơ đãng toát lên ý cười thản nhiên, anh thật lòng, “Có điều, đường tới gặp em trống trải không một bóng người. Đường xá rất rộng, pháo hoa ngập trời. Anh nghĩ, nếu em ở đấy thì nhất định sẽ thích cảnh đẹp như vậy.”
Bỗng dưng, cô thật sự muốn chìm vào cõi lòng anh.
Cô cẩn thận đóng cửa, chỉ vào phòng ông nội ra hiệu ông đã ngủ rồi. Hai người nắm tay trong đêm, rón rén vào phòng Chân Ý. Ngôn Cách nhìn một lượt, khẽ nói bên tai cô: “Bao nhiêu năm rồi mà vẫn chưa lắp cửa.”
Chân Ý cười, mắt đảo một vòng, kiễng chân nói: “Vẫn còn tủ quần áo đấy, có muốn chui vào không?”
Anh đứng giữa ánh sáng và bóng tối, nhẹ cong khóe môi, không nói tiếng nào.
Họ đã trưởng thành, chui vào là chuyện quá khó. Giường Chân Ý vẫn là chiếc giường thời thiếu nữ, vừa ngắn vừa hẹp. Vóc dáng Ngôn Cách lại cao, chỉ có thể nghiêng người cuộn mình, ôm cô vào lòng kề sát bên nhau. Cô cảm thấy ấm áp vô cùng, khuôn mặt tràn đầy nét cười hạnh phúc. Cô không bao giờ che đậy cảm xúc vui vẻ của mình, dù giữa bóng đêm hay đang nhắm mắt thì anh vẫn có thể cảm nhận được nụ cười của cô. Anh cụp mắt, pháo hoa muôn màu ngoài cửa sổ bùng lên hết lượt này đến lượt khác, rọi vào mắt cô như lưu ly muôn hình vạn trạng.
Đêm cuối năm ấm áp và dịu êm.
Chân Ý ngả trong lòng Ngôn Cách, vẫn đắm chìm trong sự mê say trước đó, ý thức không mấy tỏ tường. Ngón tay bám lấy cánh tay mướt mồ hôi của anh theo thói quen, bỗng nhiên không dừng được, nở nụ cười hạnh phúc: “Ngôn Cách?”
“Hả?”
“Lần đầu tiên em cảm thấy ngày Tết hạnh phúc thế này.” Cô nhắm mắt như nói mơ, “Trước kia, mỗi lúc giao thừa, đều chỉ có một mình em, nhìn nhà người ta đốt pháo rồi một mình bò lên giường ngủ. Ồ, hôm nay có người ngủ cùng em.” Cô cười khanh khách, cảm thấy rất hài lòng, ôm anh bằng cả tay lẫn chân như gấu koala ôm cây.
Anh hôn nhẹ lên trán cô: “Ngủ ngoan nào.”
“Ừm.” Cô thỏa mãn khép mắt lại, không biết qua bao lâu, cô nghĩ tới gì đó, bỗng choàng tỉnh: “Ngôn Cách.”
“Ừ.”
“Ngôn Cách, chúng ta sinh em bé đi.”
“Đương nhiên chúng ta sẽ sinh em bé.”
Cô cười vui vẻ, ngoan ngoãn nằm ngủ. Nhưng vài giây sau cô lại mở mắt ra, tò mò: “Anh nói xem, con của chúng ta có bị tự kỷ không?”
“…” Thời khắc này vẫn phải sửa lại cho đúng, “Thật ra, nghiêm túc mà nói thì anh và Ngôn Hủ mắc hội chứng Asperger.”
“Cái thứ gì thế?”
“Hội chứng Asperger.” Anh ôn hòa lặp lại. Đây là một loại tự kỷ hiếm thấy, người mắc thường… Anh không muốn tự khoe khoang, “Ừm… IQ rất cao.”
Trước đó, Chân Ý đã tìm hiểu tài liệu, phần lớn người tự kỷ thường có vấn đề trong phát triển trí tuệ. Khi ấy, cô cảm thấy Ngôn Cách như thế này đã là kỳ tích. Giờ đây mới rõ, họ có phân loại chuyên môn.
Cô lẳng lặng ngẫm nghĩ, nói: “Bệnh của anh hay quá.”
Ngôn Cách: “…”
“Không giống bệnh của em, không tốt chút nào cả.” Chân Ý bất mãn lẩm bẩm, “Đứa trẻ tăng động rất khó nuôi, hơn nữa nếu bị nhân cách…”
Cô không nói tiếp, trái tim như bị ai đó xé toạc, đau đến tê dại. Cô vẫn cho rằng có bệnh cũng không sao cả, chỉ cần cố gắng kiềm chế là được. Cô muốn ở bên Ngôn Cách, nhất định phải ở bên Ngôn Cách. Nhưng đứa trẻ… Cô nhắm mắt lại, cố gắng dằn nỗi tuyệt vọng cuộn trào nơi đáy lòng, tỏ vẻ thoải mái nói: “Nếu anh lấy em, sẽ phải đẩy đứa con của mình vào nguy hiểm đấy.”
Anh ôm chặt cô theo bản năng, chỉ nói: “Là con của chúng ta.”
Tim Chân Ý thắt lại, cõi lòng dạt dào hơi ấm. Cô cúi đầu, giọng cũng hạ xuống: “Vậy cũng không nên.”
“Nếu em lo lắng và thấy áp lực tâm lý, chúng ta có thể không cần có em bé.” Ngôn Cách nghiêng đầu, môi chạm vào tai cô, nói bình thản như chuyện tầm thường, “Anh cảm thấy chỉ có hai người chúng ta cũng rất tốt.”
Cô sửng sốt, vùi đầu vào lòng anh, nước mắt rơi trên ngực anh như vỡ đê: “Ngôn Cách, em không bao giờ muốn rời khỏi anh, tuyệt đối không muốn.”
Sáng mồng Một, ánh dương rạng rỡ, ấm áp hợp lòng người. Chân Ý từ từ mở mắt ra, nhìn thấy ánh nắng màu vàng nồng ấm nhảy nhót trên hàng mi. Quay đầu lại, cô liền trông thấy đôi mắt đen nhánh dịu dàng của Ngôn Cách. Không biết anh tỉnh dậy trước bao lâu, đang nhìn cô không chớp bằng đôi mắt tinh khiết chỉ có bóng dáng nho nhỏ của cô. Cô không kìm được nhoẻn môi, trao cho anh một nụ cười tươi rói.
Sáng sớm thức dậy rửa mặt nấu ăn, tâm trạng cô vẫn luôn vui vẻ, lặp đi lặp lại một khúc ca từ thuởxa xưa: “Mỗi ngày mở mắt ra trông thấy anh và ánh mặt trời, đó chính là tương lai em hằng mong ước, em khao khát tình yêu của anh…”
Ngôn Cách vừa ăn cháo vừa nghe bài ca tươi vui của cô. Nhìn cô dỗ dành ông nội, đánh răng rửa mặt cho ông, tâm trạng anh cũng thoải mái. Anh nhìn đồng hồ đeo tay theo thói quen, ngày Mười bốn tháng Hai – lễ Tình nhân. Chân Ý đã chăm ông nội ăn sáng xong xuôi, quay lại nhìn anh: “Ngôn Cách, hôm nay chúng ta ra ngoài chơi nhé? Vài ngày nữa phải đưa ông về viện điều dưỡng rồi, em muốn đưa ông đi chơi.”
“Được.” Anh gật đầu, vốn định đưa cô đi chơi, “Em muốn đi đâu?”
“Khu vui chơi.” Cô cười.
“Ừ.” Cũng như anh nghĩ. Lễ Tình nhân trước họ đến khu vui chơi.
Chân Ý thay quần áo cho ông nội, đem theo bình nước, mang cả khăn tay và khăn giấy. Ngôn Cách lẳng lặng trông theo, không ngờ những lúc riêng tư như trước mặt ông nội thế này, cô lại bộc lộ sự cẩn thận chăm chú đến vậy, chẳng khác nào bà quản gia nhỏ.
Tháng Hai, Thâm Thành đã ấm áp, người đến khu vui chơi rất đông, phần lớn là những cặp tình nhân trẻ. Chân Ý lo cho sức khỏe ông nội nên không chơi mấy trò kích thích mà chỉ lên xe tham quan dạo chơi khắp nơi. Lúc sau, ông nội thấy vòng xoay ngựa gỗ, hớn hở đòi chơi. Thế là Ngôn Cách mua vé để Chân Ý chơi cùng ông nội, còn anh đứng ngoài ngắm nhìn cô cười rạng rỡ trên chú ngựa gỗ. Hôm nay, Chân Ý mặc váy trắng, mái tóc không buộc tung bay trong gió, xinh đẹp như thiên sứ giáng trần. Ngồi trên ngựa gỗ, cô không ngừng vẫy tay và nở nụ cười thoải mái với anh. Khuôn mặt nhỏ nhắn tràn ngập niềm vui, cũng bởi vì vui nên khuôn mặt ấy như tỏa sáng, rực rỡ đến nỗi khiến mọi vật xung quanh đều nhạt màu.
Ngôn Cách dõi theo bóng dáng của cô. Khu vui chơi rực rỡ muôn màu nhưng chỉ là hư vô trong anh, đám người xung quanh đều không tồn tại, anh cũng không nghe thấy bất cứ âm thanh huyên náo nào ngoại trừ cô. Cuối cùng, cô hớn hở tụt xuống ngựa gỗ, trở lại bên anh và vui vẻ nói: “Thú vị quá.” Anh vuốt mái tóc nơi thái dương cô, nhẹ nhàng vén lọn tóc mềm mại của cô ra sau tai. Vừa chạm phải, tai cô đã đỏ bừng. Anh hiếm khi làm hành động này ở nơi công cộng. Chân Ý ngước mắt lên, thấy mắt anh trong suốt như có điều muốn nói với cô, nhưng lúc này ông nội lại đòi chơi một lượt nữa. Chân Ý chơi cùng ông.
Ngôn Cách thấy cô lên ngựa gỗ, quay đầu nhìn vườn hoa ở đằng xa. Khi nãy suýt nữa anh nói sai, vốn định nói: “Anh mua hoa cho em nhé?” rồi lại nghĩ không nên hỏi vậy mà nên mua cho cô luôn. Hình như cô không nhớ hôm nay là lễ Tình nhân, nhưng anh vẫn nhớ chuyện nhiều năm về trước và luôn muốn đền bù. Anh quay lại trông thấy Tô Minh giữa đám đông nên yên tâm đi về phía vườn hoa. Anh thầm nghĩ mua hoa về xong anh nên nói với cô: “Chiếc váy trắng của em rất đẹp, cầm hoa đỏ sẽ đẹp hơn nữa.”
Chân Ý xuống ngựa gỗ không thấy Ngôn Cách, nhìn xung quanh cũng không tìm ra. Gọi điện cho anh thì máy đang bận. Định đứng tại chỗ đợi nhưng ông nội thấy cửa hàng bánh ngọt ở đằng xa liền đòi ăn bánh ngọt. Đi được nửa đường, cô thấy Tô Minh, mỉm cười với anh ta. Cửa hàng bánh ngọt rất đông khách, người người chen chúc nhốn nháo. Lúc Chân Ý xếp hàng trả tiền, không biết ông trông thấy thứ gì bên ngoài, đột nhiên lao ra.
“Ông nội!” Chân Ý vội vàng bỏ lại đĩa chạy theo, Tô Minh cũng lập tức đuổi theo. Khu vui chơi đang có lễ hội mùa xuân, diễn viên và người qua lại như dòng thủy triều. Chân Ý chạy mấy chục mét, thấy ông nội bị mấy người đeo mặt nạ thu hút, len lỏi vào đội ngũ diễu hành. Vất vả lắm cô mới vòng qua được những bộ trang phục sặc sỡ và mặt nạ kỳ quái, tóm lấy tay ông nội rồi dốc sức kéo ông khỏi đoàn người. Ông nội tưởng cô nổi giận, ủ rũ cúi đầu. Chân Ý lo ông bị đụng, lo lắng nhìn quanh. Bỗng có người vỗ vào gáy cô, quay lại thì trông thấy một cái mặt nạ tối sầm với hai má bôi trắng toát khiến côsợ hết hồn.
Ngôn Cách đi đến vườn hoa rồi mua một bó hoa hồng. Trả tiền xong, điện thoại đổ chuông, là Mạnh Hiên. Anh đi tới chỗ vắng người: “Có chuyện gì à?”
“Biện Khiêm tỉnh rồi, có nói một chuyện.” Mạnh Hiên dường như khó xử.
“Gì cơ?”
“Anh ta tiêm loại thuốc mới nhất của MSP vào gáy Chân Ý. Đã qua nhiều ngày, chắc bắt đầu có hiệu quả rồi.”
Đầu Ngôn Cách nổ tung. Dáng vẻ thi thoảng mơ hồ hay chán nản của Chân Ý trong mấy ngày qua hiện lên trước mắt anh. Lòng anh chùng xuống như bị chiếc búa tạ nện phải. Bó hoa hồng trong tay bỗng rơi xuống đất, anh sải bước lao đi. Chân Ý!!!
Diễn viên đeo mặt nạ trắng bệch nhếch miệng cười trông càng đáng sợ. Chân Ý lùi lại một bước kéo giãn khoáng cách, nhưng xem chừng diễn viên đeo mặt nạ muốn làm quen với du khách, kéo bộ trang phục sặc sỡ ôm cô xoay vòng. Chân Ý không thích lắm nên giãy ra, diễn viên nhoẻn cười với cô sau lớp mặt nạ rồi biến mất giữa đoàn người đang diễu hành. Không hiểu sao Chân Ý bỗng thấy váng đầu, cái đập đầu ban nãy không hề mạnh nhưng cô như bị chấn động, bỗng nhớ lại hôm ấy ở phòng bệnh của Tư Côi, Biện Khiêm cũng từng vỗ đầu cô. Cô nghi ngờ quay lại thì thấy ông nội đang ngồi dưới đất vui vẻ nghịch quả cầu thủy tinh, cô cúi xuống định đỡ ông lên. Vừa khom người, gân cơ trên cổ cô giống như bị co rút, đau như thể bị lột da. Cô bỗng hoa mắt, chậm rãi sờ ra sau cổ, đau quá! Nhưng rụt tay về lại không có gì cả. Đầu cô đình trệ một giây, thấy lòng bàn tay xuất hiện một giọt, hai giọt, ba giọt máu… Cô ngơ ngẩn sờ mũi mình, sao bỗng dưng lại chảy máu mũi thế này. Chiếc váy trắng nhanh chóng điểm từng chấm đỏ như cánh hoa hồng nở rộ. Ông nội vẫn ngồi dưới đất chơi, cô muốn đến đó nhưng chân nặng như đổ chì, không cất bước nổi. Ngôn Cách… Ngôn Cách… Cô ngẩng đầu nhìn.
Hôm nay quả là ngày đầu xuân tươi đẹp, ánh nắng chan hòa, xung quanh rộn rã yên lành.
Chú hề và người đeo mặt nạ trong đoàn diễu hành trông như yêu ma quỷ quái. Họ ăn vận lộng lẫy, nhảy điệu múa mừng vui, sắc màu sặc sỡ lướt qua mặt cô như nước chảy. Cô thấy Ngôn Cách đứng đối diện đoàn người. Anh thấy dòng máu nơi khóe miệng cô, khuôn mặt bình thản thanh tú nhoáng lên nỗi sợ hãi sâu thẳm. Nhưng trong nháy mắt, đoàn diễu hành vui tươi che khuất tầm mắt họ. Không biết từ đâu một cơn đau tan nát cõi lòng, thấu buốt tận đáy linh hồn sâu thẳm rồi lan tràn khắp thân thể khiến cô đau đớn đến mức rơi lệ. Tại sao lại khóc chứ? Thật kỳ lạ!
Cô định chạy về phía Ngôn Cách nhưng vừa nhấc chân thì người cô đã nghiêng đi, chầm chậm ngã xuống đất. Thế giới đảo lộn, mọi sắc thái lướt qua mắt cô rồi trở thành một màu xanh thẳm.
Bầu trời tháng Hai của Thâm Thành cao vời vợi, xanh miên man, không một gợn mây trắng, yên ả như vũ trụ vĩnh hằng. Bỗng dưng, khuôn mặt kinh hoàng, tuyệt vọng của Ngôn Cách xuất hiện giữa bầu trời. Cô mơ màng không hiểu đã xảy ra chuyện gì. Sao anh lại khóc? Anh nâng đầu cô lên, nước mắt rơi trên mặt cô, mất kiểm soát nói gì đó nhưng cô không nghe thấy nữa, ý thức rút khỏi não bộ như nước chảy. Vô số ký ức ùa về như thước phim đèn chiếu, có phần mơ hồ lại có phần tỏ tường. Dường như cô thấy hình ảnh vài tháng trước khi anh ngồi trên giường, cô tựa đầu vào vai anh, nghe anh đọc bài thơ tình sến sẩm đến sởn gai ốc. Anh ngượng chín cả mặt, đọc lên bằng giọng nghiêm túc rành rọt:
“… Lồng ngực dâng tràn niềm hạnh phúc
Chỉ vì em đang ở trước mắt anh
Mỉm cười với anh
Vẫn như năm ấy
Anh yêu sao giấc mơ này
Rõ ràng biết em đã bôn ba muôn dặm vì anh
Lại ngỡ rằng
Cỏ thơm ngọt lành
Hoa rơi muôn sắc
Tưởng chừng như
Anh và em mới gặp gỡ lần đầu…”
Mới gặp gỡ lần đầu? Có ánh sáng lóe lên, trở về rất nhiều năm về trước, có tiếng hét chói tai giữa ngọn lửa hừng hực: “Chân Ý, Chân Ý yếu đuối, hãy ngủ yên đi, để chị cứu vớt em.”
Sau đó, cô nằm trên chiếc băng ca bị bỏ quên ở bệnh viện, đối mặt với ánh đèn flash của phóng viên, lồng ngực và bắp đùi non nớt của cô bị phơi bày toàn bộ. Lúc cô xấu hổ đến ngỡ ngàng, lại nghe thấy tiếng nói trong lửa dữ: “Chân Ý, ngủ đi, hãy để chị cứu vớt em.”
Cô nghĩ sống mệt mỏi như thế chi bằng nằm ngủ một lát. Nhưng ngay lúc ấy, cô cảm nhận được một mùi hương và hơi ấm chưa từng có. Có cậu bé đi tới, choàng chiếc áo khoác hải quân màu xanh đậm lên người cô. Mắt cô bỗng chốc sáng rõ trở lại, dõi theo bóng anh.
Chưa từng nhớ đến chuyện này… Vậy mà bây giờ lại nhớ tới, thì ra đây là lần đầu gặp gỡ ư? Thì ra cô được hơi ấm của anh cứu vớt. Thì ra vì theo đuổi anh mà cô có thể sống tiếp.
Rất nhiều chuyện đã rơi vào quên lãng, đã chìm vào mông lung. Em chỉ nhớ rằng mình từng yêu anh.