Eragon 2 (Eldest) - Đại Ca

Chương 40: Đóa hoa đen rực rỡ 1


Đọc truyện Eragon 2 (Eldest) – Đại Ca – Chương 40: Đóa hoa đen rực rỡ 1

Hai thầy trò dọn bàn, đem bát đĩa ra ngoài lau chùi bằng cát. Oromis bẻ vụn phần bánh còn lại, rải quanh nhà cho chim.

Trở vào trong, Oromis lấy giấy bút cho Eragon, rồi dạy nó về Liduen Kvaedhí, một lối chữ viết của ngôn ngữ cổ, cao quý hơn chữ viết cổ của loài người và người lùn nhiều.

Eragon đặt hết tâm trí vào những con chữ tượng hình đầy bí ẩn, vui mừng vì có việc không đòi hỏi gì ngoài sự chăm chú học thuộc lòng nết chữ.

Một tiếng sau, Oromis ngoắt tay bảo:

– Đủ rồi, mai học tiếp.

Trong khi Eragon vươn vai, dựa ghế, ông với tay lấy từ trên tường xuống năm cuộn giấy:

– Hai cuộn này là ngôn ngữ cổ, còn ba cuốn là chữ viết loài người của con. Chúng sẽ giúp con hiểu biết cả hai ngôn ngữ.

Lấy xuống cuộn thứ sáu dày cộm, ông đặt lên đống giấy đã chất đầy trên tay Eragon:

– Đây là một cuốn tự điển. Hãy cố gắng đọc tất cả đi.

Khi sư phụ mở cửa cho nó, Eragon lên tiếng:

– Thưa sư phụ…

– Chuyện gì, Eragon?

– Bao giờ con bắt đầu luyện phép thuật?

– Phải tin tưởng vào thầy, thầy không trì hoãn việc rèn luyện con lâu đâu. Nào, bỏ mấy cuộn giấy lại bàn, thầy trò ta cùng đi khám phá những bí ẩn của ma thuật.

Trên bãi cỏ trước lều, Oromis đứng nhìn vực Telnaer, quay lưng lại Eragon. Hai chân cân bằng với vai, hai tay chắp sau lưng, ông hỏi:

– Phép thuật là gì?

– Sử dụng cổ ngữ để điều khiển nội lực.

Im lặng một lúc, Oromis trả lời:

– Về căn bản thì con nói đúng đó. Nhiều người sử dụng phép thuật cũng không biết hơn vậy đâu. Tuy nhiên diễn tả như thế là con đã thất bại trong việc nắm bắt cái tinh hoa của phép thuật. Phép thuật là nghệ thuật tư tưởng, chứ không là sức mạnh hay ngôn ngữ. Như con đã biết, giới hạn ngôn ngữ không cản trở việc con sử dụng phép thuật. Phép thuật tùy thuộc vào sự rèn luyện trí năng. Để bảo đảm cho con có đủ khả năng sống còn, nên Brom đã không dạy cho con theo đúng bài bản, đã bỏ qua phần tinh túy của phép thuật. Thầy cũng sẽ chỉ tập trung dạy con những kỹ năng, rất có thể, con cần đến trong những trận chiến sắp tới. Tuy nhiên, trái với những kỹ năng thô thiển Brom đã truyền cho con, thầy sẽ dạy con những ứng dụng hoàn hảo hơn, những bí kíp dành riêng cho các bậc đại cao thủ trong hàng ngũ kỵ sĩ: như bằng cách nào, chỉ với một ngón tay, con có thể hạ gục kẻ thù, phương pháp di chuyển tức thì một vật từ nơi này tới nơi khác, chỉ với một câu thần chú đủ để con phát hiện độc dược trong món ăn thức uống, những cách thức khác nhau để con có thể thu hút công lực của kẻ khác để tăng cường nội lực của chính con; và bằng cách nào con có thể tăng cường nội lực tối đa khi cần thiết. Đây là những phương pháp rất hiệu nghiệm nhưng cũng tối nguy hiểm, không bao giờ được truyền cho các kỵ sĩ tập sự, nhưng trong hoàn cảnh này thầy phải truyền dạy cho con. Thầy tin tưởng con sẽ không lạm dụng chúng.

Rồi ông đưa cánh tay phải lên ngang vai, năm ngón tay cong lên như những cái vuốt.

– Aduma!

Eragon lom lom nhìn, từ dòng suối nhỏ bên lều, mặt nước xao động, kết thành một quả cầu, bồng bềnh trên không, rồi bay liệng qua những ngón tay của Oromis.

Dưới những tán cây rậm rạp, mặt suối thẫm đen, nhưng quả cầu nước trong suốt như thủy tinh, với những mảnh rêu, bụi đất trôi nổi bên trong.


Vẫn hướng mắt về chân trời, Oromis bật nói:

– Bắt lấy.

Ông ném quả cầu nước qua vai, về phía Eragon.

Eragon đón bắt, nhưng làn da tay vừa chạm quả cầu, nước vỡ ra tung tóe đầy ngực nó.

– Bắt bằng phép thuật chứ.

Bảo Eragon xong, ông lại niệm chú:

– Aduma!

Từ mặt suối, một quả cầu nước khác nhẹ nhàng bay lên tay ông, như một con chim ưng đã thuần thục vâng lời chú.

Lần này ông ném quả cầu không báo trước. Nhưng Eragon đã kịp sửa soạn, tay đón quả cầu, miệng la lên:

– Reisa du adurna.

Quả cầu ngập ngừng đứng lại trên bàn tay, nhưng cách làn da nó khoảng một ly.

Oromis gật gù:

– Không đúng cách, nhưng cũng có tác dụng.

Eragon tủm tỉm cười lẩm bẩm:

– Thrysta.

Quả cầu bay ngược về đường cũ, phóng thẳng tới mái tóc bạc của Oromis, nhưng nó không hạ đúng điểm theo ý định của Eragon, mà bay qua ông, quay vòng vòng rồi tăng tốc, lộn ngược về phía Eragon.

Quả cầu nước rắn chắc như một khối đá hoa cương, đập mạnh lên đầu nó, vang lên một tiếng “thịch”.

Cú va chạm đẩy Eragon lăn đùng trên mặt cỏ, mắt nổ đom đóm.

Oromis lên tiếng:

– Câu thần chú chính xác hơn phải là letta hoặc kogthr.

Lúc này ông mới quay lại nhìn đệ tử, nhướng một bên mày, kinh ngạc:

– Con làm trò gì vậy? Đứng lên. Định nằm vạ cả ngày sao?

Eragon cố đứng dậy, rên rẩm:


– Vâng, thưa thầy.

Ông bắt đầu dạy Eragon những cách điều khiển nước khác nhau: tạo nước thành những nút thắt, thay đổi màu sắc ánh sáng phản chiếu, đông đặc nước thành hàng loạt hình thù theo ý muốn… Eragon thực hành tất cả những động tác đó không khó khăn chút nào.

Nhưng rồi buổi học kéo dài quá lâu làm Eragon đã có dấu hiệu lơ là thiếu tập trung. Nó cố không làm sư phụ nổi giận, nhưng chẳng hiểu mục đích của ông đang làm gì – dường như Oromis đang né tránh bất cứ câu thần chú nào đòi hỏi ông phải dùng đến chút sức lực. “Mình đã chứng tỏ hết khả năng rồi, sao sư phụ cứ bắt lập đi lập lại những điều căn bản?” Nghĩ vậy, Eragon lên tiếng hỏi:

– Sư phụ, con đã thuộc hết rồi, mình qua bài mới được chưa ạ?

Bắp cổ vị tiên ông cứng lại, hai vai gồng lên, thậm chí ông như nín thở trước khi bật ra câu hỏi:

– Có biết lễ độ là gì không, Eragon công tư? Hãy coi đây.

Nói xong ông lẩm nhẩm bốn câu cổ ngữ bằng một giọng quá trầm làm Eragon không hiểu nổi.

Nó chợt ú ớ kêu lên, vì cảm thấy từ bàn chân lên tận đầu gối bị bao bọc bằng một áp lực đang vặn, xiết chặt bắp chân, làm cho nó bất động, không thể di chuyển được. Hơn thế nữa, dường như nó đang bị gói trong một lớp vôi tôi.

Oromis bảo:

– Tự giải thoát đi.

Đây là một thử thách Eragon chưa từng trải qua bao giờ: làm cách nào phản công lại những câu thần chú của thần tiên. Nó có thể sử dụng một trong hai phương án để tháo gỡ sợi dây vô hình này. Để đạt hiệu quả cao nhất là phải biết, bằng cách nào Oromis đã làm nó thành bất động – sử dụng trực tiếp ảnh hưởng thân thể nó hay một nguồn lực từ bên ngoài -, lúc đó nó mới có thể chuyển ngượic nguồn lực đó, tấn công lại để hóa giải. Hoặc nó có thể sử dụng một câu thần chú chung chung trong mọi trường hợp để ngăn chặn phép thuật của sư phụ. Nhưng chiến thuật này sẽ dẫn đến một cuộc đấu sức trực tiếp giữa hai thầy trò. Nó tự nhủ: “Sẽ có lúc xảy ra chuyện đó và mình chẳng hy vọng gì thắng nổi một thần tiên.”

Kết nối những câu cần thiết, Eragon lẩm bẩm:

– Losna kalfya iet.

Hãy buông chân ta ra.

Nội lực ào ào thoát ra nhiều hơn nó tưởng. Sự ê ẩm toàn thân suốt ngày nay, chuyển thành cảm giác rã rượi như vừa phải đi bộ qua một con đường dài từ sáng sớm. Rồi áp lực quanh chân nó biến mất, làm nó đứng lảo đảo khi ráng lấy lại thăng bằng.

Oromis lắc đầu:

– Ngốc! Đại ngu ngốc! Nếu thầy không kịp rút lại thần chú thì con đã chết rồi. Đừng bao giờ dốc toàn lực ra như thế.

– Dốc toàn lực?

– Không bao giờ được sử dụng một câu thần chú chỉ có thể đem lại hai hậy quả: thành công hay chết. Nếu con bị kẻ thù trói chân và kẻ thù đó lại mạnh hơn con, nếu con dốc toàn lực để bẻ gãy phép thuật của hắn, con sẽ chết ngay.

– Vậy con phải làm sao?

– Để an toàn hơn, con phải sử dụng câu thần chú theo một quy trình, giúp con kết liễu sự việc một cách thận trọng theo đúng ý mình. Thay vì nói “buông chân ta ra”, đó là con đã dốc hết nội lực, con nên nói “giảm phép thuật đang trói chân ta xuống”. Hơi rườm rà, nhưng con có thể thăm dò được sức lực của đối thủ, và khi cảm thấy an toàn hãy tiếp tục. Nào, thử lại lần nữa.

Oromis vừa lẩm nhẩm mấy câu thần chú, chân Eragon lại bị một áp lực vô hình trói chặt. Nó mệt tới nỗi không chắc mình có thể chống chọi nổi với lần thử thách này. Tuy vậy, Eragon vẫn phải gom nội lực niệm chú.


Chưa nói hết mấy câu cổ ngữ, Eragon đã nhận biết một cảm giác kỳ lạ khi áp lực nặng nề gò bó đôi chân nó nới lỏng dần. Cảm giác đó mơn trớn hai chân như nó đang được kéo khỏi một bãi bùn trơn và lạnh. Liếc nhìn sư phụ, nó thấy mặt ông căng thẳng như đang cố níu kéo một vật quý giá, không thể để mất. Một đường gân máu bên thái dương ông phập phồng đập mạnh.

Khi sợi dây kỳ bí trói chân Eragon không còn nữa, Oromis bật lùi ra sau như bị ong chích. Ông trừng trừng nhìn hay bàn tay, khung ngực gầy gò phồng lên. Ông cứ đứng như vậy chừng mấy phút, rồi lặng lẽ tới sát bờ vực. Hình ảnh đơn lẻ của vị tiên ông nổi bật trên nền trời nhợt nhạt.

Trong lòng Eragon đầy ân hận và thương cảm, giống như những cảm xúc lần đầu nó nhìn thấy cái chân tàn phế của rồng vàng Glaedr. Nó thầm rủa mình vì đã quá xấc xược với sư phụ, đã quá ơ hờ với sức khỏe suy yếu của ông, và đã thiếu niềm tin vào những lời ông đã phán đoán. Nó thầm nhủ: “Mình đâu phải là kẻ duy nhất phải chịu đựng những thương tích từ quá khứ.”

Eragon đã không hiểu đầy đủ câu nói của ông: “Trong thầy chẳng còn bao nhiêu phép thuật và khí lực.” Lúc này nó mới nhận ra một cách sâu sắc tình trạng và nỗi đau khổ của ông, nhất là đối với một thần tiên, đã được sinh ra và nuôi nấng bằng phép thuật.

Tiến tới trước sư phụ, Eragon quỳ gối, và theo đúng phong tục của người lùn, nó áp cái trán trầy trụa sát mặt đất nói:

– Ebrithil, con xin thầy tha thứ.

Vị lão tiên không tỏ dấu hiệu nào là đã nghe những lời nói của đệ tử.

Hai thầy trò lặng lẽ giữ yên vị thế cho đến khi mặt trời lặn, tiếng chim ca hót những bản nhạc chiều, và không khí lạnh dần trong hơi sương. Từ phương bắc, tiếng vỗ cánh trở về của Saphira và Glaedr thoáng vọng lại.

Bằng giọng trầm lắng xa xôi, Oromis lên tiếng nói:

– Ngày mai chúng ta sẽ trở lịa bài tập này và một số bài khác nữa. Con đồng ý chứ?

– Dạ, thưa thầy.

– Theo ta, tốt nhất là từ nay con nên cố gắng chỉ sử dụng cổ ngữ thôi. Đó là cách học nhanh nhất, vì chúng ta không còn bao nhiều thời gian nữa.

– Kể cả khi con nói chuyện với Saphira.

– Đúng vậy.

Eragon hứa:

– Vậy thì con sẽ ngưng giảm mọi chuyện, cho đến khi không chỉ suy nghĩ, mà thậm chí cả khi nằm mơ, cũng bằng ngôn ngữ của sư phụ.

– Nếu con đạt tới được trình độ đó, công việc của chúng ta sẽ sớm thành công.

Ngừng một lúc, ông tiếp:

– Từ sáng mai, thay vì bay thẳng tới đây, thầy sẽ cử một thần tiên hướng dẫn con tới địa điểm luyện kiếm của hoàng cung Ellesméra. Con sẽ tập luyện tạo đó một tiếng rồi trở về đây như thường lệ.

– Thầy không dạy con sao?

– Ta không còn gì để dạy con nữa. Tài nghệ con ngang ngửa những kiếm sĩ cao thủ ta từng gặp. Việc còn lại bây giờ là con phải duy trì tài năng đã có.

– Tại sao con không thể rèn luyện với thầy, thưa sư phụ?

– Vì ta không hào hứng bắt đầu một ngày bằng đối đầu, xung khắc.

Ông nhìn thẳng Eragon, rồi dịu giọng tiếp:

– Và cũng vì đó là dịp tốt để con làm quen với những thần tiên sống tịa nơi này. A, nhìn kìa, chúng đã trở về.

Hai con rồng lướt qua mặt trời bằng phẳng như một cái dĩa. Glaedr bay trước với tiếng vỗ cánh rào rào và thân hình đồ sộ in trên nền trời trước khi đáp xuống bãi cỏ, xếp gọn đôi cánh vàng, Saphira lẹ làng như một con én kế bên con đại bàng.


Để đảm bảo Eragon và Saphira quan tâm tới bài học của nhau, Oromis và Glaedr đăt hàng loạt câu hỏi. Bằng mối hợp tác và chia sẻ thông tin, Eragon và cô em rồng trả lời trôi chảy, chỉ hơi ngạp ngừng khi phải sử dụng cổ ngữ.

Tư tưởng Glaedr rầm rầm như sấm: “Khá lắm. Khá hơn nhiều rồi.” Cúi nhìn Eragon, anh rồng vàng tiếp: “Ta và kỵ sĩ phải mau chóng cùng nhau tập luyện.”

Đúng vậy, Skulblaka.”

Glaedr thở khì một tiếng rồi lò cò chân trước còn lại, bò tới bên Oromis. Saphira nhào lại, cắn đuôi anh rồng già, lắc mạnh đầu như đang cố vặn cổ một con nai. Cô ả rúm mình khi bị Glaedr quay phắt lại, nhe nanh ngoạm một miếng ngay cổ. Eragon nhăn nhó vì không kịp bịt tai khi tiếng gầm vang lồng lộng của rồng vàng cất lên. Phản ứng cấp kỳ của Glaedr đủ để Eragon đoán biết, đây không phải lần đầu trong ngày Saphira chọc ghẹo và làm Glaedr nổi sùng. Nó phát hiện một cảm giác sôi nổi thích thú trong Saphira – như đứa trẻ có món đồ chơi mới – và cô ả còn tỏ ra say mê, gần như mù quáng, đối với anh rồng kia.

“Bình tĩnh nào, Saphira.”

Nghe Oromis nói, Saphira lùi lại, tuy nhiên thái độ nó không hề tỏ ra ân hận. Eragon lắp bắp nói lời xin lỗi, nhưng Oromis chỉ bảo:

– Hai con đi đi.

Eragon lẳng lặng leo lên con rồng. Nó phải thúc dục cô nàng mới chịu cất cánh và trước khi bay về Ellesméra. ả còn đỏng đảnh lượn mấy vòng.

– Mắc chứng gì em cắn người ta vậy?

– Em chỉ giỡn thôi mà.

Đó là sự thật, vì cả hai đang trao đổi bằng cổ ngữ, tuy nhiên Eragon nghi hoặc còn một sự thật lớn hơn: “Đùa giỡn gì kỳ vậy. Em không nhớ bổn phận mình sao? Với…”. Cố tìm một từ chính xác nhưng không ra, Eragon đành phải sử dụng ngôn ngữ của loài người “… với kiểu khiêu khích như vậy, không chỉ Glaedr mà đến cả anh và sư phụ cũng phải tức điên lên. Em làm trở ngại công việc của chúng mình, em biết không? Trước kia em có bao giờ quá dở hơi như vậy đây.”

“Đừng lên mặt dạy đời với tôi.”

Eragon cười sằng sặc, quên là đang lơ lửng trên mây, thân mình nó suýt nhào khỏi vai Saphira: “Ôi! Làm gì mà ngoa ngoắt quá vậy cô em? Sau những lần em khuyên anh phải làm gì, anh chính là lương tâm của em, Saphira. Cũng như em là lương tâm của anh. Và bây giờ anh phải nhắc nhở em như em từng nhắc nhở anh: Đừng quấy rầy Glaedr nữa.”

Ả rồng im thin thít.

“Saphira?”

“Nghe rồi.”

“Tưởng điếc.”

Lẳng lặng bay cả phút sau Saphira mới lên tiếng hỏi: “Bị hai cú choáng váng trong một ngày, anh sao rồi?”

Eragon nhăn nhó: “Ê ẩm và mệt đừ. Vừa vì tập quyền, vừa vì tập kiếm. Nhưng nhất là vì hậu quả của vết thương. Cứ như bị bao bọc trong mây mù. Hy vọng anh còn đủ tỉnh táo cho đến hết khóa huấn luyện này. Nhưng sau đó… anh không biết sẽ làm được gì. Với tình trạng này làm sao giúp Varden chiến đấu?”

“Đừng nghĩ đến chuyện đó nữa. Anh không thể làm gì cho tình trạng sức khỏe của mình, mà càng nghĩ đến càng chỉ có hại thêm. Hãy cứ sống với hiện tại, nhớ về quá khứ và đừng sợ tương lai. Vì tương lai không tồn tại và có thể chẳng bao giờ xảy ra. Chỉ có hiện tại thôi.”

Eragon vỗ vai cô em rồng, mỉm cười biết ơn. Bên phải nó, một con ó lượn vòng trên khoảng rừng thưa tìm mồi. Nhìn con chim, Eragon ngẫm nghĩ câu hỏi của thầy: “Con biện minh thế nào, khi cuộc chiến với Galbatorix sẽ là nguyên nhân gây ra bao tai ương, đau khổ?”

Saphira bỗng góp ý: “Em có câu trả lời rồi.”

“Sao?”

“Là Galbatorix có…” Nó ngập ngừng rồi bảo: “Thôi, em không nói đâu. Anh phải tự tìm ra câu trả lời.”

“Saphira, biết điều một chút coi.”

“Em rất biết điều. VÌ nếu anh không biết vì sao những gì chúng ta làm là đúng, chẳng lẽ anh chấp nhận đầu hàng Galbatorix vì những việc tốt chúng ta sẽ làm sao?”

Dù hết lời năn nỉ, Eragon không thể moi thêm được gì từ cô em bướng bỉnh. Saphira đã phong tỏa tư tưởng trong vấn đề này.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.