Đọc truyện Em Làm Ơn Im Đi, Được Không? – Chương 12
ANH LÀM GÌ Ở SAN FRANCISCO?
Chuyện này không liên quan gì đến tôi. Đây là chuyện về một cặp vợ chồng trẻ có ba đứa con dọn đến một căn nhà trên lộ trình của tôi đầu mùa hè qua. Tôi lại phải nghĩ tới họ khi tôi nhặt tờ báo Chủ nhật vừa rồi lên và thấy ảnh một thanh niên bị bắt ở San Francisco vì giết vợ và bạn trai cô ta bằng gậy bóng chày. Dĩ nhiên, đó không phải cùng một người, mặc dù hai người trông giông giống vì cùng để râu. Nhưng tình cảnh khá gần nhau khiến tôi phải nghĩ ngợi.
Henry Robinson là tên tôi. Tôi là bưu tá, viên chức liên bang kể từ năm 1947. Cả đời tôi sống ở bờ Tây trừ ba năm phục vụ trong quân đội thời kỳ chiến tranh. Tôi ly dị đã hai mươi năm, có hai đứa con mà tôi không gặp gần như suốt ngần ấy thời gian. Tôi không phải là người hời hợt, và theo tôi tự đánh giá, cũng không phải là người nghiêm túc. Tôi tin rằng thời bây giờ đàn ông phải vừa hơi thế này vừa hơi thế kia. Tôi cũng tin vào giá trị của công việc – càng vất vả càng tốt. Một người không đi làm thì có quá nhiều thời gian rảnh; quá nhiều thời gian nên hay dằn dọc bản thân và những rắc rối của mình.
Tôi tin chắc rằng đó phần nào là rắc rối của người thanh niên sống ở đây – hắn không đi làm. Nhưng tôi nghĩ cũng là lỗi của cô ta. Người đàn bà đó. Cô ta khuyến khích điều ấy.
Dân Beat, tôi đồ chừng bạn sẽ gọi họ như vậy nếu bạn thấy họ. Người thanh niên để bộ râu nâu có chỏm nhọn và trông hắn có vẻ cần được ngồi xuống ăn một bữa tối ngon lành rồi sau đó hút một điếu xì gà. Người đàn bà có mái tóc sẫm dài và nước da sáng trông hấp dẫn, không nghi ngờ gì. Nhưng tin tôi đi, cô ta không phải là người vợ và người mẹ tốt. Cô ta là họa sĩ. Người thanh niên, tôi không biết hắn làm gì – có thể một nghề gì đó tương tự. Cả hai không ai đi làm. Nhưng bằng cách nào đó họ trả được tiền thuê nhà và sống được – ít nhất trong mùa hè này.
Lần đầu tôi thấy họ là khoảng mười một giờ, mười một giờ mười lăm một sáng thứ Bảy. Tôi đi được khoảng hai phần ba lộ trình thì rẽ vào dãy nhà của họ và để ý thấy một chiếc Ford bốn chỗ đời 56 ghé vào sân kéo theo một chiếc moóc U-Haul không mui khá to. Chỉ có ba căn nhà trên đường Pine, nhà họ là căn cuối cùng, hai căn kia là của nhàMurchison đã ở Arcata gần một năm nay và nhà Grant dọn đến đây chừng hai năm. Murchison làm việc ở Simpson Redwood, còn Gene Grant là đầu bếp ca sáng ở tiệm Denny. Hai căn đó, rồi một khu đất trống, rồi tới căn nhà cuối đường từng thuộc về nhà Cole.
Người thanh niên xuống sân, ra phía sau chiếc moóc còn cô vợ vừa mới ló khỏi cửa trước miệng phì phèo thuốc lá, mặc quần jean trắng bó và một cái áo lót trắng của đàn ông. Cô dừng lại khi thấy tôi và cô ở đó dõi theo tôi đi lại gần. Tôi đi chậm lại khi tới ngang thùng thư nhà họ và gật đầu chào cô.
“Sắp xếp mọi thứ ổn thỏa chứ?”” Tôi nói.
“Sẽ mất ít lâu,” cô ta nói và hất mớ tóc khỏi trán trong khi vẫn tiếp tục hút thuốc.
“Tốt,” tôi nói. “Chào mừng tới Arcata.”
Tôi cảm thấy hơi kỳ cục sau khi nói câu đó. Không biết tại sao, nhưng tôi luôn thấy mình có cảm giác kỳ cục những lần ít ỏi lại gần người phụ nữ này.
Đó là một trong những lý do khiến tôi khó chịu với cô ta ngay từ đầu.
Cô ta mỉm cười gượng gạo với tôi và khi tôi bắt đầu tiếp tục lộ trình thì người thanh niên – Marston là tên hắn – từ phía sau chiếc moóc khênh một thùng ca tông đồ chơi đi tới. Hiện tại, Arcata không phảimộtchỗ nhỏ mà cũng chẳng là chỗ lớn, mặc dù tôi đồ chừng phải nói rằng nó có vẻ nghiêng về phía nhỏ hơn. Chắc chắn Acrata không phải là nơi tận cùng thế giới, nhưng hầu hết người ở đây hoặc làm việc tại các trại gỗ hoặc liên quan ít nhiều đến ngành đánh cá, hoặc không thì cũng làm việc trong mấy cửa hàng dưới phố. Dân ở đây không quen nhìn thấy đàn ông để râu – hoặc đàn ông không đi làm, ý là thế.
“Xin chào,” tôi nói. Tôi chìa tay ra khi hắn để thùng các tông lên cản trước ô tô. “Tôi là Henry Robinson. Các bạn vừa mới đến?”
“Chiều hôm qua,” hắn nói.
“Một chuyến đi ra trò! Chúng tôi mất đến mười bốn tiếng đi từ San Francisco,” người đàn bà lên tiếng từ phía cổng. “Kéo theo cái moóc chết tiệt kia.”
“Ồ,” tôi nói và lắc đầu. “San Francisco? Tôi vừa mới xuống San Francisco, để xem nào, tháng Tư hay tháng Ba vừa rồi.”
“Thế à?” cô ta nói. “Anh làm gì ở San Franciso?”
“Ồ, thật ra là không làm gì. Mỗi năm tôi xuống đó một hai lần. Ra Fishermans Wharf xem đội Giants chơi. Chỉ vậy thôi.”
Câu chuyện ngưng một lúc và Marston lấy ngón chân khưi khưi cái gì đó trong đám cỏ. Tôi tiếp tụcđi. Vừa lúc đó lũ trẻ ùa ra cửa trước, la hét và cắmđầu chạy tuốt đến cổng. Khi cánh cửa lưới bật mở, tôi tưởng Marston sắp sửa nhảy dựng lên. Nhưng cô ta chỉ đứng đó khoanh tay, tỉnh như không, chẳng lộ xúc cảm gì. Trông Marston không ổn chút nào. Những cử động nhỏ, giần giật, nhanh mỗi khi hắn phải làm gì đó. Và ánh mắt của hắn – chúng hướng vào bạn rồi lảng đi chỗ khác rồi lại hướng vào bạn.
Có ba đứa trẻ, hai bé gái tóc xoăn chừng bốn hay năm tuổi, và một bé trai nhỏ hơn một chút.
“Mấy đứa nhỏ dễ thương,” tôi nói. “À, tôi phải đi tiếp đây. Có lẽ các bạn nên đổi tên trên thùng thư.”
“Chắc chắn,” hắn nói. “Chắc chắn. Một hai ngày nữa tôi sẽ thu xếp. Nhưng dù sao đi nữa trong thời gian trước mắt chắc chúng tôi chẳng có thư nào.”
“Không biết trước được đâu,” tôi nói. “Anh chẳng biết được cái gì sẽ xuất hiện trong cái túi thư cũ kỹ này đâu. Chuẩn bị sẵn đâu có ảnh huởng gì.” Tôi dợm chân đi. “Nhân đây, nếu anh cần tìm việc trong mấy trại gỗ thì tôi có thể giới thiệu anh cần gặp ai ở Simpson Redwood. Một người bạn của tôi làm đốc công ở đó. Chắc anh ta sẽ cần ai đó…” Tôi nhỏ giọng dần, thử xem họ có quan tâm chút nào không.
“Không, cám ơn,” hắn nói.
“Anh ấy không tìm việc,” cô ta thêm.
“Thế à, tạm biệt vậy.”
“Tạm biệt,” Marston nói.
Cô ta không nói câu nào.
Như đã nói, hôm đó là thứ Bảy, một ngày trước Lễ Tưởng niệm. Chúng tôi nghỉ bù vào thứ Hai và đến thứ Ba tôi mới quay lại đó. Có thể nói là tôi không hề ngạc nhiên khi thấy chiếc U-Haul vẫn còn trong sân trước. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là hắn vẫn chưa dỡ đồ xuống. Tôi áng chừng độ một phần tư số đồ đạc đã được chuyển tới cổng trước – một cái ghế bọc, một cái ghế nhà bếp mạ crôm và một thùng các tông quần áo nắp đã bị giật ra. Một phần tư hẳn đã được đưa vào nhà, phần còn lại vẫn còn trong chiếc moóc. Mấy đứa trẻ cầm que quất vào hai bên chiếc moóc trong lúc chui ra chui vào cửa sau xe. Không thấy bố mẹ chúng đâu.
Thứ Năm tôi lại thấy hắn ngoài sân và nhắc hắn về chuyện đổi tên trên thùng thư.
“Tôi đang thu xếp làm việc đó,” hắn nói.
“Cứ thong thả,” tôi nói. “Dọn đến chỗ mới thì có bao nhiêu việc phải làm mà. Mấy người sống ở đây, gia đình nhà Cole, mới dọn ra trước khi anh đến haingày. Anh ta sẽ đi làm ở Eureka. Phòng Câu Cá Trò Chơi.”
Marston xoa râu và nhìn tránh đi như vẻ hắn đang nghĩ về vấn đề gì khác.
“Hẹn gặp lại anh,” tôi nói.
“Chào anh.”
Thôi, vòng vo nhưng tóm lại hắn chả bao giờ đổi tên trên thùng thư cả. Vài hôm sau tôi mang thư đến địa chỉ đó thì hắn nói đại khái, “Marston? Vâng, đó là của chúng tôi, Marston… Bữa nào tôi sẽ phải đổi tên trên cái thùng thư. Tôi sẽ kiếm một thùng sơn và chỉ cần sơn đè lên cái tên kia… Cole,” trong lúc nói mắt hắn cứ đảo qua đảo lại. Rồi hắn liếc nhìn tôi và hất cằm một hai lần. Nhưng hắn chả bao giờ đổi tên trên thùng thư, nên sau một thời gian tôi thây kệ và quên chuyện đó đi.
Thỉnh thoảng có những lời đồn đại. Vào những thời điểm khác nhau tôi nghe người ta nói hắn là tù được giảm án nhưng phải chịu quản thúc, hắn đến Arcata để tránh cái môi trường không lành mạnh của San Francisco. Theo câu chuyện này, người đàn bà là vợ hắn, nhưng cả ba đứa trẻ đều không phải con hắn. Theo một câu chuyện khác thì hắn đã phạm một tội ác và đang ẩn náu ở đây. Nhưngkhông nhiều người tin câu chuyện đó. Trông hắnkhông giống loại người thực sự phạm một tội ác nào đó. Câu chuyện nhiều người có vẻ tin nhất, ít nhất là câu chuyện được đồn đại nhiều nhất, cũng là chuyện kinh khủng nhất. Chuyện như thế này,người đàn bà nghiện ma túy, và người chồng mang cô ta lên vùng này để cai nghiện. Để làm bằng chứng, sự kiện về chuyến thăm của Sallie Wilsonluôn được dẫn ra – Sallie Wilson làm cho công tyWelcome Wagon[1]. Cô ghé thăm họ một chiều nọ vàsau đó kể rằng, không nói dối đâu, họ khá buồn cười – đặc biệt người đàn bà. Vừa mới thấy cô tangồi đó dường như chăm chú lắng nghe Sallie nóichuyện, thế rồi trong khi Sallie vẫn còn đang nói thìđã thấy cô ta đứng dậy, bắt đầu vẽ tranh như thể Sallie không có mặt ở đó. Cả cái lối cô ta âu yếm hôn hít mấy đứa trẻ rồi đột nhiên lên giọng quát tháo chúng mà chẳng vì lý do gì rõ ràng. À, cái kiểu cặpmắt cô ta nhìn nếu bạn lại gần cô ta cũng lạ, Sallie nói. Nhưng Sallie Wilson đã tò mò soi mói vàochuyện người khác hàng bao năm nay dưới bề ngoài làm việc cho Welcome Wagon.
[1]:Một công ty chuyên liên hệ với những người vừa mới dọn nhà vào chỗ mới, cung cấp cho họ các coupon và quảng cáo về hàng hóa và dịch vụ ở địa phương.
“Ai biết được,” tôi nói khi ai cố lôi chuyện đó ra. “Ai dám chắc? Có khi giờ hắn đi làm rồi thìsao”
Dù sao đi nữa, theo tôi thấy thì có vẻ họ đã có kha khá rắc rối ở San Francisco, bất kể bản chất rắc rối đó là gì, và họ quyết rũ sạch nó. Mặc dù lý do tại sao họ lại chọn Arcata để làm chốn dừng chân thì thật khó nói, vì chắc chắn họ không đến để tìm việc.
Vài tuần đầu tiên không có thư từ gì, dù có vài tờ rơi của hãng Sears và Western Auto và những thứ tương tự. Rồi bắt đầu có vài lá thư, một hai lá một tuần. Những lúc đi ngang, đôi khi tôi thấy một trong hai người bên ngoài nhà, đôi khi không. Nhưng bọn trẻ luôn ở đó chạy vào chạy ra hoặc chơi đùa trên khu đất trống cạnh nhà. Dĩ nhiên, ngay từ đầu đó đã không phải là một căn nhà kiểu mẫu, nhưng sau một thời gian họ ở cỏ dại mọc đầy và cái bãi cỏ ở đó úa vàng rồi chết. Người ta ghét nhìn thấy những thứ như thế. Tôi biết quản trị viên Jessup có đến đó một vài lần yêu cầu họ bật nước lên, nhưng họ nại rằng họ không mua được vòi nước. Nên ông để lại cho họ một cái vòi. Rồi tôi để ý thấy bọn trẻ mang nó ra nghịch trong khu đất, và thế là nó toi. Có hai lần tôi thấy một chiếc xe thể thao màu trắng trước sân, một chiếc xe không phải ở vùng này.
Một lần duy nhất tôi có việc phải gặp trực tiếp người phụ nữ. Có một lá thư người nhận trả cước nên tôi mang nó vào tận cửa. Một đứa bé gái cho tôi vào nhà rồi chạy đi gọi mẹ. Căn nhà ngổn ngang đồ đạc cũ linh tinh còn quần áo thì vứt tứ tung. Nhưng không đến nỗi bẩn. Có thể là không gọn gàng, nhưng cũng không bẩn. Một cái sofa cũ kỹ và ghế kê dọc tường phòng khách. Phía dưới bệ cửa sổ là kệ sách làm bằng gạch và ván, lèn chặt sách bìa mềm khổ nhỏ. Trong góc có một đống tranh úp mặt và một bức khác phủ khăn đặt trên giá.
Tôi xốc bao đựng thư sang một bên và giữ nguyên tư thế đó, nhưng bắt đầu ước rằng giá tôi tự trả lấy phần chênh lệch. Trong khi đứng đợi, tôi ngắm cái giá, sắp sửa lén lại gần nhấc tấm khăn lên thì nghe có tiếng chân.
“Ông cần gì?” Cô ta nói, xuất hiện ở hành lang vàkhông có vẻ gì thân thiện.
Tôi sờ vành mũ và nói, “Có một lá thư người gửi phải trả cước, hy vọng chị không phiền.”
“Cho tôi xem. Ai gửi? Sao, Jer gửi à! Cái thằngđiên. Gửi thư không dán tem. Lee!” cô ta gọi. “Thưcủa Jerry này.” Marston đi ra, nhưng trông hắnkhông vui lắm. Tôi đứng nghỉ một chân, rồi chuyểnsang chân kia, đợi.
“Tôi sẽ trả tiền,” cô ta nói, “vì nó từ anh bạn cũ Jerry. Đây. Giờ thì chào ông.”
Mọi việc diễn ra kiểu như vậy – nghĩa là có thể nói là không có kiểu gì hết. Tôi không có ý nói rằng mọi người quanh đây đã quen thuộc với họ – họ không thuộc loại người mà bạn có bao giờ quen thuộc được. Nhưng sau một thời gian thì có vẻ chẳng ai chú ý đến họ nhiều nữa. Người ta có thể chằm chằm nhìn bộ râu của hắn khi hắn đẩy xe mua hàng ở Safeway, nhưng chỉ có thế. Không nghe thêm chuyện gì nữa.
Rồi một ngày nọ họ biến mất. Theo hai hướng. Sau này tôi phát hiện ra rằng cô ta chuồn mất tuần trước cùng với ai đó – một gã – và sau đó vài ngày hắn mang mấy đứa trẻ đến chỗ mẹ hắn ở Redding. Sáu ngày liên tục từ thứ Năm đến thứ Tư tuần sau thư của họ nằm trong thùng thư. Tất cả mành cửa đều được kéo xuống và không ai biết chắc liệu họ có đi luôn không. Nhưng ngày thứ Tư đó tôi nhận thấy chiếc Ford lại đỗ trong sân, tất cả mành cửa vẫn được kéo xuống nhưng thư thì không còn.
Bắt đầu ngày tiếp theo hắn luôn ở chỗ thùng thư đợi tôi đến giao thư tận tay, không thì hắn ngồi trên bậc tam cấp ở cổng hút thuốc, đợi, rõ là như vậy. Khi thấy tôi tới hắn đứng dậy, phủi quần, bước lại thùngthư. Nếu như tôi có thư nào cho hắn, tôi thấy hắn liếc nhìn địa chỉ người gửi thậm chí còn trước khi tôi đưa thư cho hắn. Chúng tôi hiếm khi mở miệng, chỉ gật đầu với nhau nếu có chạm mắt nhau, chuyện cũng không thường xảy ra. Dù vậy hắn đang đau khổ – ai cũng có thể nhìn thấy điều đó – và một cách nào đó tôi cũng muốn giúp anh chàng, nếu có thể. Nhưng chính xác là tôi chẳng biết nói gì.
Một buổi sáng nọ, chừng một tuần sau khi hắnquay lại, tôi thấy hắn thọc hai tay vào túi quần sauđi đi lại lại trước thùng thư, và tôi quyết định nóigì đó. Nói gì, tôi chưa biết, nhưng chắc chắn tôi sẽ nói gì đó. Lúc tôi đi tới hắn đang quay lưng lạiphía tôi. Khi tôi tới gần, hắn đột nhiên quay mặt lạivà cái vẻ mặt hắn khiến lời lẽ trong miệng tôi đông cứng. Tôi dừng lại giữa đường, thư của hắn trong tay. Hắn tiến vài bước về phía tôi và tôi đưa cho hắn không nói gì. Hắn nhìn nó chằm chằm như thể rất ngạc nhiên.
“Gửi người ở địa chỉ này,” hắn nói.
Đó là một tờ rơi từ Los Angeles quảng cáo về một chương trình bảo hiểm bệnh viện. Sáng hôm đótôi giao ít nhất bảy mươi lăm cái. Hắn gấp đôi nó lại rồi vào nhà.
Ngày hôm sau hắn lại ra đó như thường lệ. Vẻmặt hắn vẫn như thế, nhưng trông có vẻ tự chủ hơn hôm trước một chút. Lần này tôi linh cảm rằng tôi có thứ mà hắn đang đợi. Sáng nay ở bưu cục tôi đã thấy nó khi sắp xếp thư thành từng gói. Đó là một cái phong bì trắng trơn, địa chỉ được ghi bằng một nét bút đàn bà bay bướm choán hết cả chỗ. Nó có dấu bưu điện Portland, và tên người gửi là hai chữ viết tắt JD với địa chỉ Portland.
“Xin chào,” tôi nói, chìa thư ra.
Hắn cầm lấy lá thư từ tôi không nói một lời và mặt trở nên tái nhợt. Hắn lảo đảo một lúc rồi quay vào nhà, chìa lá thư ra ánh sáng.
Tôi gọi với, “Cô ả không phải người tốt, chàng trai ạ. Tôi có thể thấy thế ngay khi nhìn thấy cô ả. Sao anh không quên cô ta đi? Sao anh không đi làm và quên cô ta đi? Sao anh không thích đi làm chứ? Chỉ có công việc, công việc ngày đêm, công việc khiến tôi quên lãng đi khi tôi ở vào tình thế của anh và có tranh cãi về việc tôi…”
Sau lần đó hắn không đợi tôi bên ngoài nữa, và hắn chỉ ở đó thêm năm ngày. Dù vậy, mỗi ngày tôi đều thoáng thấy hắn vẫn đợi tôi như trước, nhưng đứng sau cửa sổ nhìn tôi qua màn cửa. Hắn không ra ngoài chừng nào tôi chưa đi khỏi, chừng đó thì tôinghe tiếng cửa mở. Nếu tôi quay lại nhìn, hắn có vẻ không vội vàng gì khi mò tới thùng thư.
Lần cuối cùng tôi thấy hắn thì hắn đang đứng ở cửa sổ mặt trông có vẻ bình tĩnh và thư giãn. Màn cửa buông, mành được kéo lên, và tôi đoán lúc đó hắn đang thu dọn đồ đạc để đi. Nhưng bằng vào vẻ mặt hắn tôi có thể nói lần này hắn không theo dõi tôi. Hắn nhìn đăm đăm về đâu đó lướt qua tôi, khỏi tôi, có thể nói vậy, qua khỏi mái nhà, qua những hàng cây, về hướng Nam. Hắn cứ nhìn đăm đăm thậm chí sau khi tôi đi ngang nhà và đi tiếp trên vỉa hè. Tôi ngoái lại nhìn. Tôi thấy hắn vẫn đứng ở cửa sổ. Có một cảm giác thật mạnh mẽ khiến tôi quay đầu nhìn theo hướng hắn nhìn. Nhưng, như bạn có thể đoán, tôi chẳng thấy gì ngoài bầu trời, những dãy núi, rặng cây quen thuộc.
Ngày kế tiếp hắn đi mất. Hắn không để lại địa chỉ chuyển tiếp. Thỉnh thoảng hắn hay vợ hắn hoặc cả hai lại có một lá thư gì đó. Nếu đó là thư hạng nhất, chúng tôi giữ lại một ngày rồi gửi trả. Chẳng có nhiều. Và tôi không bận tâm. Tất cả chỉ là công việc, đằng nào cũng là công việc, và tôi luôn luôn vui vẻ khi có công ăn việc làm.