Đọc truyện Em là tình yêu – Chương 7
Nhu Phong ngồi sắp xếp quần áo chuẩn bị hành lý để mai theo giám đốc Trần đến Nha Trang. Cũng đã lâu rồi, cô không có dịp ghé thăm miền thuỳ dương cát trắng. Nơi ghi nhiều kỷ niệm của quãng đời áo trắng giữa cô với một người. Chỉ mới nghĩ đến thôi, cô những tưởng hình ảnh xinh tươi thơ mộng đó vẫn còn thấp thoáng đâu đây. Nào ngờ bảy năm trôi qua rồi. Một quãng thời gian không ngắn cũng không dài nhưng cũng đủ sức làm mờ đi kỷ niệm. Chỉ vì con người sống không chỉ có quá khứ mà còn có hiện tại, tương lai. Một hiện tại chua xót, bẽ bàng, một tương lai mịt mù xa xăm đang chờ phía trước với bao lo toan thì làm gì có đủ thời gian để nhớ về quá khứ. Dù rằng quá khứ của hạnh phúc thơ ngây, thơ mộng rất đáng để cô trân trọng giữ gìn.
Thế mà bất chợt chiều nay, giám đốc Trầm là người khơi lại ký ức trong cô. Nhu Phong thò tay vào trong góc tủ quần áo lấy ra chiếc hộp hình chữ nhật bằng đồi mồi in nổi những hoa văn. Đưa tay vuốt ve thật trìu mến rồi cô mở nắp ra. Một chồng thư màu xanh, ngập tràn hy vọng ước mơ. Cầm những lá thư trong tay được đánh dấu theo số thứ tự cẩn thận Nhu Phong vuốt ve chúng mà khoé mắt muốn rưng rưng: đây là lá thư đầu tiên, anh hai Rong Biển viết ngỏ lời muốn kết bạn cùng cô. Đây là lá thư anh khuyên cô gắng sức chú tâm vào học tập, đừng để chuyện buồn xung quanh mà ảnh hưởng chuyện học tập là không nên. Còn đây là lá thư anh hứa rồi có một ngày anh sẽ về thành phố thăm cô. Và đây là lá thư cuối cùng, lá thư chia tay… không cần đọc lại, những dòng chữ trong thư, những kỷ niệm vẫn còn in mãi trong trí óc cô… Hình như trải qua một dòng thời gian dài đăng đẳng thế mà kỷ niệm vẫn còn mới tinh khôi, như màu áo trắng. Anh hai hiện giờ đang ở đâu? Có còn nhớ đến cô em gái dại khờ này không? Mãi mãi em vẫn là cô bé ngu ngơ trong đáy mắt anh: bướng bỉnh, dại khờ… Đôi mắt Nhu Phong nhìn xa xăm, cả một thành phố biển như hiện rõ trước mắt cô… những con đường vòng quanh, một bên là núi, một là biển. Màu xanh của lá cây và màu xanh của biển khơi luôn hoà quyện gắn bó nhau, nhưng nét chấm phá đó đã làm nên một một Nha Trang với khung cảnh nên thơ mà hoành tráng.
Mười sáu tuổi. Lần đầu tiên Nhu Phong có thơ đăng báo, khỏi phải nói về cảm xúc của cô rất bàng hoàng và cũng rất bâng khuâng cầm tờ báo có tên mình đọc đi đọc lại… đáng yêu đến vậy. Bài thơ viết về tâm tư tuổi mới lớn. Cô bé học trò chợt đổi thay khi bước sang tuổi mười sáu:
“Lãng mạn lắm ép phượng vào trang sách.
Thấy lá rụng cũng buồn vô cớ khóc.
Biết làm duyên với mái tóc ngang lưng”.
Là Nhu Phong đó, cô cũng không ngờ được chính mình. Bạn bè chúc mừng cô. Mọi người ở lớp khác nhìn heo khi thấy cô đi dưới sân trường. Nhu Phong rất muốn cảm ơn cái nhìn họ. Còn nhóm “ngũ long” thì khỏi phải nói, vui mừng như điên: ăn khao suốt cả tuần lễ chưa biết chán.
Một chiều, cô nhận được bức thư từ Nha Trang. Bức thư thoảng mùi hoa Đại Đoá vì bấy giờ là mùa thu. Ngắm nghía lật đi lật lại, sau đó cô thất vọng vì không thấy tên người gửi. Nhưng trên bức thư ghi rõ ràng “người nhận: Lê Nhu Phong” cơ mà. Cô bóc thư ra, hồi hộp. “Chào cô bé ngày xưa”. Dòng đầu tiên của bức thư viết thế. “Cô bé ngày xưa” đây là đầu đề bài thơ của cô. Bức thư làm quen của một chàng sinh viên đại học kinh tế (và từ đó, với anh cô là “cô bé ngày xưa”). Anh đang học năm cuối, muốn kết bạn với cô vì rất thích bài thơ ấy. Trước kia anh học trường của cô. Anh khoe là anh đã nhìn thấy cô rồi, một chiều ở trên ghềnh đá Nha Trang ngồi gảy bản “Aires Moriscos” em nhớ ra chưa. Này “cô bé ngày xưa”. Cô cũng reo lên một mình “em cũng đã thấy anh rồi. Một khuôn mặt sau ghềnh đá… sự trẻ trung, trẻ con của một chàng trai hơn hai mươi hai tuổi”. Vậy là từ đó Nhu Phong có thêm một người bạn, một người anh kết nghĩa thâm tình.
Cô gửi cho anh một chút heo may nhặt được khi lang thang giờ tan học. Anh gửi cho cô bài hát về nỗi nhớ trường xưa. Bài hát với những câu… “Mong sao em giữ mãi mắt xeo tròn tuổi mộng mơ… Mong sao em giữ mãi những vui buồn tuổi học trò…”. Cứ thế, những cánh thư kết dần tình thân ái… Cô gửi chút sắc vàng của hoa điệp đầu hạ và thật bất ngờ, anh gửi cô lời hẹn: “Sẽ gặp nhau tại trường vào một buổi chiều cuối tháng sáu nhé”.
Chúng ta gặp nhau khỏi cần giới thiệu vì anh đã thấy “cô bé ngày xưa” có mái tóc ngang lưng, còn cô cũng nhớ ký ức mùa hạ có một gã con trai đứng sau lưng cô miết cả tiếng đồng hồ chỉ để nghe những điệu nhạc guitar classique điêu luyện do bàn tay tài hoa của cô tạo nên. Cô không nhớ được giữa cô và anh đã nói những gì. Nhiều lắm, phải không? Chỉ có gió cứ vô tư và lá bàng cứ dấy lên mải miết. Mùa đông rồi đấy thôi!
“Anh thích mùa đông lắm, vì mùa đông có mưa và trong mưa có tà áo học trò”. Dân kinh tế gì mà lãng mạn quá – Cô trêu chọc – Anh không thể thành công ngành kinh doanh khô khan lạnh lùng tính toán được vì tâm hồn cứ mãi treo ngược trên cành cây. Anh phì cười nhưng vẫn cố đọc nhỏ:
“Gió kể rằng: Có cô bé ngày xưa.
Hay nũng nịu thường đòi ăn buổi tối.
Hay khóc nhè và hay hờn dõi.
Mỗi khi mẹ mắng: Lạ lùng chưa?
Lạ lùng chưa, cô bé ngày xưa?
Nhu Phong tức quát:
– Em không thèm chơi với anh nữa. Anh lôi thơ em ra để giễu cợt em. Cắt xẹt.
– “Cô bé ngày xưa đã hết ương bướng”. Em tuyên bố trong bài thơ rồi kia mà.
Gió làm cây lá xào xạc, khó giận anh quá.
… Anh hết rồi kỳ nghỉ. Lại những cánh thư làm dấu nối. Cô hồn nhiên kể cho anh nghe về mưa, về gió, về những ý thích rất… lạ lùng. “Em muốn đi trong mưa, đầu để trần để nghe mưa thì thầm, mưa mỏng manh rơi xuống người em. Kể cho em những điều thú vị lắm. Em thích ngửa mặt ngắm sao, cố hình dung những điều may mắn trong bức tranh mà vì sao xếp nên… Tình cảm hai người diễn ra tốt đẹp, trong sáng. Nó đáng yêu đến nỗi không ai nghĩ có điều gì mà có thể làm chia cắt được tình bạn giữa hai người. Nào ngờ… có một ngày Nhu Phong nhận được lá thư thứ mười, một lá thư như báo hiệu sự đổ vỡ tình cảm giữa cô và anh… chỉ vì một chút tự ái trẻ con. Nhu Phong còn nhớ rõ nội dung bức thư đó.
“Xa quá rồi, mưa – gió – trăng – sao thời mười sáu tuổi. Với em, tất cả chỉ còn lá quá khứ và cứ lặng lẽ trôi đi. Đọng lại trong em những gì? Em thơ mộng quá! Lãng mạn thì được vì nó mang đến cho người ta sự hy vọng những điều tốt đẹp. Còn thơ mộng thì không nên, mơ mộng tức là không tưởng, mà dễ làm cho người ta bi quan lắm. Em thường ngồi bên cửa sổ để khóc thương cho những lá vàng rơi? Vậy sao em không nhặt chiếc lá ấy? Có hiểu anh không?”.
Cô không hiểu và không cần phải hiểu. Sao anh lại dám đem những điều suy tư vụn vặt mà cô kể cho anh nghe để anh lấy đó làm đề tài “lên lớp” cô cơ chứ? Bức thư đó cô nhét sâu dưới đáy hộp.
“Sao lâu rồi anh không thấy thư em hả “cô bé ngày xưa”? Em có còn khóc than chiếc lá không vậy? Mùa đông lạnh thật đấy nhưng em hãy bước ra ngoài mà xem, lửa từ những chiếc lá ấy sẽ truyền cho em hơi ấm. Mạnh dạn và can đảm lên em nhé. Và hãy trả lời câu hỏi này. Tại sao anh không nhận được thư em?”.
Tại sao ư? Anh làm cô tự ái lắm rồi. Cô đã đặt bức thư ấy cuối đáy hộp kế lá thư thứ mười đáng ghét kia. Rồi từ đấy giữa anh và cô không còn một chút tin tức về nhau nữa. Khi kết thúc niên học đó, nhóm “Ngũ Long” chuyển sang trường mới. (Thư anh gửi theo địa chỉ trường nhờ chuyển cho cô).
Năm tháng trôi qua, giờ đây Nhu Phong mới nghiệm ra được rằng: “Người ta không thể khôn ngoan khi mình mười bảy tuổi”. Có một câu thơ như vậy. Mà cô thì năm đó mới vừa tròn mười sáu tuổi. Cô không thể khôn ngoan, chỉ biết tự ái và giận hờn. Sự tổn thương đôi cánh vừa được bay vào bầu trời rộng lớn. Cô thật dại khờ ngây thơ và… trẻ con quá. Nếu giả sử bây giờ còn anh hai Rong Biển thì cô sẽ nói: “Cám ơn anh hai đã cho em lời khuyên hữu lý. Mà lời anh nói đúng chớ có sai trái gì đâu, tại sao cô lại giận hờn anh nhỉ? Chắc có lẽ ở lứa tuổi đó chỉ biết có lời khen và nghe những lời nói ngọt ngào…còn… sự chê trách đóng góp ý kiến nó như một viên thuốc đắng khó nuốt. Chẳng một ai thích để ngồi lắng nghe…” Nhu Phong ngồi thở dài, cho chiếc hộp vào tủ như để cất giấu đồ kỷ niệm hoa mộng một thời. Còn bây giờ nhiệm vụ của cô là tiếp tục soạn hành lý…
***
Chiếc bàn ăn hình chữ nhật, được bày biện thật sang trọng và đầy mỹ thuật. Những món ăn lần lượt được người giúp việc mang ra. Trong khi ngồi chờ đợi, ông Chấn Nam hỏi Trần bằng giọng đầy quan tâm:
– Công việc ở công ty vẫn bình thường chứ con?
Một câu hỏi quen thuộc mà ông Chấn Nam vẫn thường hay hỏi Trần, kể từ ngày ông trao quyền giám đốc cho anh để về nghi. Và câu trả lời của anh cũng giống như câu trả lời thường ngày.
– Thưa ba, công việc vẫn chạy đều.
Ông Chấn Nam gật đầu tỏ vẻ vừa ý:
– Tốt lắm!
Bà Chấn Nam cười xen vào chuyện của hai người:
– Này, hai cha con ăn cơm đi rồi tiếp tục bàn công việc.
– Được rồi, bà cứ yên trí đi.
Trần đưa tay đón lấy chén cơm từ tay người giúp việc trao.
– Cám ơn bà Năm.
– Không có gì đâu, cậu chủ.
Đưa đôi đũa gắp thức ăn trong chiếc đĩa xoài, ông Chấn Nam tiếp tục câu chuyện còn dang dở. – Con nhớ chú ý đến chất lượng của loại hàng mình sản xuất ra nhé. Lúc này đọc báo, ba thấy nói nhiều về các công ty, xí nghiệp quảng cáo thì hay, nhưng lại làm ra những loại hàng kém chất lượng và vì vậy làm mất uy tín của chính mình.
Phong trần chăm chú lắng nghe những lời nói của ông Chấn Nam, rồi đáp nhanh:
– Dạ. Xin ba cứ an tâm! Con rất coi trọng việc đảm bảo chất lượng hàng sản xuất ra, để mãi mãi giữ được uy tín với người tiêu thụ. Mẹ dùng thử món này xem, bà Năm nấu ngon lắm.
Bà Chấn Nam cười hạnh phúc.
– Được rồi, con trai. Con cứ tiếp tục bàn công việc với cha con. Mẹ tự lo cho mình được.
– Ôi! Mẹ hờn dỗi cha con mình kìa ba.
– Đấy là do con nói đấy nhé, Ti Tô.
Ông Chấn Nam ngừng đũa, cười tủm tỉm.
– Con thật là nói oan cho mẹ con đấy nhé Trần. Mẹ con rất thông cảm cho cuộc chuyện trò tâm sự của cha con ta. Tuy nhiên, mẹ con chỉ có phiền giận một điều là cha con ta đã bỏ quên mẹ con… để mẹ con ngồi… cô đơn.
Bà Chấn Nam nguýt yêu hai cha con:
– Xí! Nói nghe sao dễ ghét. Nếu biết lúc trước có hoàn cảnh như thế này tôi cho ra đời công chúa thay vì một hoàng tử như ông thường ao ước…
Ngước lên nháy mắt với Trần ngồi đối diện, ông Chấn Nam bỡn cợt:
– Em ghét héng! Vậy nếu có người thương em tính sao?
Bà Chấn Nam cau mặt, nghiêm giọng:
– Hổng được à nghen! Em không cho phép ai được thương… lộn xộn như thế đâu nhé.
Nhìn nét mặt giận dỗi của vợ, ông Chấn Nam thích thú cười lớn.
Khung cảnh gia đình đầm ấm khiến Trần thầm nghĩ: “hạnh phúc” anh đâu cần phải tìm kiếm chi cho xa xôi vất vả, mà chính nó đã hiện diện trong ngôi nhà thân yêu có hai đấng sinh thành bao giờ cũng thương yêu nhau rất mực. Theo năm tháng bể dâu tình yêu vẫn đằm thắm như thuở nào…
Bà Năm, người giúp việc thân tín của gia đình, bưng ra đĩa trái cây ướp lạnh được bày biện thật thích mắt.
– Mời ông bà, cậu chủ dùng trái cây.
– Dạ, được rồi. Cám ơn bà Năm.
Rồi Phong Trần đưa tay lấy trái lê gọt vỏ sẵn cắt thành khoanh được ghép lại như hình dạng ban đầu, anh cho vào chiếc đĩa nhỏ xinh xắn.
– Mời mẹ dùng tráng miệng. Bà Chấn Nam đón lấy, miệng mỉm cười hiền:
– Cám ơn, con trai!
Trần giờ đây tiếp tục câu chuyện dang dở nửa chừng với ông Chấn Nam.
– Ngày mai con đi Nha Trang ký bản hợp đồng tiếp theo với công ty Xuân Nguyên.
Ông Chấn Nam gật gù cười:
– Con không sợ rắc rối sao?
Trần nhún vai:
– Sợ chứ ba. Nhưng vì phó giám đốc bận rất nhiều công việc trong công ty nên con không thể bàn giao việc này cho bác Thịnh được. Vả lại bác Thịnh đi chắc gì đã giải quyết được…
– Con nói đúng. Cô ta mượn kế công việc để mà gặp mặt con. Nhưng mà ba thấy cô ta là một phụ nữ xinh đẹp, tháo vát. Biết bao người muốn được ân huệ như con còn không được. Mà con thì…
Bà Chấn Nam vừa dùng món tráng miệng vừa nghe cha con họ bàn tính công việc. Nhưng bà chẳng hiểu mô tê gì hết. Tại sao bàn công việc lại dính líu đến đàn bà. Chẳng phải đức ông chồng kính yêu bà vừa nói ra đó sao. |Cô ta là một phụ nữ rất xinh đẹp, lại tháo vát trong công việc”? Vì thế bà thắc mắc ghê gớm nhưng vẫn nén lòng chờ ông chồng và con trai bàn việc xong rồi mới hỏi:
– Cô ta là ai mà có mối đe doạ con trai cưng của mẹ.
– Ôi! Ai thích thì cứ nhảy vào thế chỗ cho con. Chứ con mệt mỏi rồi khi cứ cách một tháng lại đối đầu cùng cô ta. Riết con cứ tưởng mình với cô ta là “oan gia kiếp trước”. Mà kiếp này con phải trả cái nợ không tên cho cô ta vậy.
Ông Chấn Nam muốn thử xem con trai mình có bảnh lĩnh không, ông vờ đưa ra kế hoạch giải quyết giúp anh:
– Nếu con mệt mỏi vì phải đối đầu cùng cô ta thì tại sao con không huỷ bỏ hợp đồng?
– Sao được ba. Công ty Xuân Nguyên chẳng chút vi phạm trong bản hợp đồng. Vì thế sao con lại huỷ bỏ nó được. Tuy không có công ty cô ta thì Phương Nam vẫn phát triển như từ đó đến giờ, nhưng chữ tín làm ăn thì bị phá huỷ. Con không muốn vì chút chuyện linh tinh này mà danh dự công ty ta bị tổn thương chút nào! Nó là cả tâm huyết của dòng họ ta. Nhất là đối với nội tổ con, từ hai bàn tay trắng đã phải trải qua biết bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu nữa mới tạo thành Phương Nam như ngày nay. Vì thế con không có lý do gì mà phá huỷ đi tất cả. Nhất là uy tín và danh dự đối với Phương Nam. Con người mà không có hai điều cơ bản ấy trong thương trường thì sẽ dễ dàng đổ ngã ngay thôi.
Ông Chấn Nam bật lên tràng cười hài lòng khi thấy cậu con trai thấu tình đạt lý.
– Con rất xứng đáng là kẻ thừa kế dòng họ Hoàng. Nhưng khi mắc phải cái tội rất lớn không thể tha thứ được.
Ngạc nhiên Trần hỏi:
– Con có tội ư?
– ừ, con không biết chứ, dòng họ Hoàng ta hiếm muộn con cháu bao lâu nay, bao giờ cũng độc một cây sinh một trái. Còn con thì đã ba mươi rồi mà chưa có vợ nói gì có cháu để cho ba ẵm bồng và để nối dõi tông đường. Cái thuở bằng tuổi con, ta đã cưới mẹ con làm bà Chấn Nam và hạ sinh ra con rồi đấy.
Bà Chấn Nam nghe được vội đưa mắt nguýt đức ông chồng:
– Ông chỉ giỏi có tài bỡn cợt. Còn Ti Tô này?
Trần nhướng mày chờ đợi câu hỏi của mẹ.
– Việc chi mẹ?
– Con gặp chuyện rắc rối ở Xuân Nguyên sao?
Trần buông giọng trấn an:
– Chỉ chút xíu thôi mẹ. Nhưng hãy yên tâm, con vừa nghĩ ra được kế sách đối phó tốt đẹp cả hai bên mà không ảnh hưởng gì đến công ty.
Bà Chấn Nam nóng ruột hỏi:
– Con có thể trình bày rõ ràng cho cha mẹ biết được không?
Nghe mẹ nói thế, anh vội thoái thác, kế sách này đối với anh “thập toàn thập mỹ”. Nhưng nếu mẹ anh mà biết được bảo đảm anh sẽ bị phản đối ngay. Nhưng với anh một khi đã quyết định khó có ai lay chuyển được, dù cha mẹ là người anh yêu kính nhất. Vì thế anh quyết định chờ làm xong rồi nói cũng chưa muộn. Lúc đó mẹ anh sẽ nghe anh kể mà vui lòng chẳng chút phiền giận. Còn anh khỏi phải sợ mình chống đối ý kiến mẹ, dù chỉ là tranh luận nhỏ cùng mẹ anh cũng không muốn, huống hồ chỉ là chống lệnh… Điều đó chỉ khiến mẹ anh buồn lòng mà anh có vui sướng gì đâu?
– Chuyện dài dòng lắm. Nếu có dịp rảnh con sẽ trình bày tỉ mỉ cho mẹ rõ. Còn bây giờ con có chuyện bận cần đi gấp đây.
– Con đã trưởng thành rồi, mẹ tuỳ con quyết định ý kiến của mình. Mẹ không muốn mình là người mẹ khó khăn, độc đoán. Nhưng nếu có chuyện gì phiền muộn khó khăn hãy gặp mẹ. Bao giờ mẹ cũng là cái phao an toàn cho con khi gặp sóng gió cuộc đời.
Trần kéo ghế đứng dậy bước lại chỗ bà Chấn Nam đang ngồi, anh cúi xuống hôn lên má mẹ bằng cả cử chỉ thương yêu.
– Cảm ơn mẹ đã hiểu mà thông cảm cho con. Thật hạnh phúc thay khi trên đời này có những ai đang còn mẹ.
Bà Chấn Nam rung động cả cõi lòng khi nghe giọng trầm trầm, ấm áp đầy cảm xúc của Trần. Trần bước lên thang lầu.
– Con lên phòng thay đổi y phục, để đến nhà bạn con có một chút công việc. Ba mẹ cứ thoải mái trò chuyện rồi đi nghỉ sớm, khỏi chờ cửa. Con có đem theo chìa khoá.
Trước khi đi, Trần còn nghe giọng âu yếm của mẹ dặn với theo:
– Nhớ chạy xe cẩn thận nghe, Ti Tô.
Ông Chấn Nam nghe thế vội lườm:
– Em làm như con còn bé tí ti nên mỗi chút cứ lo sợ phập phồng, dặn dò điều này điều nọ. Nên nhớ Trần đã gần ba mươi rồi đấy.
Bà Chấn Nam cười hiền:
– Em biết. Nhưng trong mắt em, Ti Tô vẫn là cậu bé cần em che chở dặn dò.
Ông Chấn Nam ôm nhẹ eo bà vợ:
– Em đúng là người vợ, người mẹ tuyệt diệu nhất trên cõi đời này. Chắc kiếp trước anh tu ba đời nên mới có được em. nào lên phòng ta xem cải lương, anh mới mua được cuốn băng có giọng ca Lệ Thuỷ, Mỹ Châu mà em thích nhất đấy.
Cảm động trước mối quan tâm của chồng, bà Chấn Nam cười hạnh phúc.
– Cám ơn anh.
Ông Chấn Nam ngạc nhiên:
– Sao em lại cám ơn anh?
– Vì ba mươi năm trôi qua, anh đã mang hạnh phúc đến cho em.
Ông Chấn Nam cười nhẹ, trách yêu:
– Khờ quá. Hạnh phúc của em cũng là hạnh phúc của anh, của Ti Tô.
Nghe ông nói thế, bất chợt bà thở dài:
– Cảnh đầm ấm của gia đình mình khiến em chạnh lòng nhớ đến Ngọc Lệ. Phải chi bạn ấy cũng có cuộc sống như gia đình mình thì sướng biết bao.
Như lây nỗi buồn của vợ, ông Chấn Nam cũng thở dài:
– Mỗi người có một hoàn cảnh, một sốt phận thì làm sao giống nhau được hả em?
***