Bạn đang đọc Em Không Cần Lại Cô Đơn – Chương 6: 1 Giờ 11 Phút
Cảnh tượng tẩu thoát sau khi gây tai nạn trên phố Bar, thực sự bi thảm.
Chiếc xe đạp công cộng màu vàng tươi vẫn bị kẹt trong bánh trước bên trái chiếc ô tô.
Ngay phía sau phần đuôi xe đạp đổ dưới đất, có một vũng máu lớn kèm theo vài mẩu thịt vương vãi, đã không còn có thể nhận biết chúng rơi ra từ bộ phận nào từ cơ thể người.
Phần mui trước của chiếc BMW bị đâm đến mức phân nửa bị hất tung, cả vùng bên trái thùng xe trước, đèn pha và đèn hậu đều nát bươm một cách kinh khủng.
Ngay khi Ôn Dương và Trương Lộ Chi đến hiện trường, đã có nhóm người lôi một hung thủ trông còn khá trẻ đến.
“Cảnh sát, chính là hắn!”
“Lại còn muốn chạy, bị chúng tôi bắt được!”
Khi đến gần, Ôn Dương ngửi thấy từ trên người hung thủ mùi rượu nồng nặc sộc lên mũi.
Nàng lập tức ra hiệu bằng mắt với Trương Lộ Chi.
“Gọi cảnh sát giao thông đến đây.”
Đến hiện trường cùng lúc với cảnh sát giao thông là người nhà của bé trai bị tai nạn.
Bé trai 11 tuổi ra ngoài mua trà sữa, bị tai nạn đột ngột, khi xe cứu thương vừa đến bệnh viện cũng là lúc cậu bé trút hơi thở cuối cùng.
Chú và cô của cậu bé tức không chịu nổi, ban đầu họ đang chăm lo cho cha mẹ đứa trẻ ở bệnh viện, nhưng vừa nghe tin đã tóm được hung thủ tại hiện trường tai nạn, họ lập tức gọi taxi chạy đến đây.
Người đàn ông vừa đến đã túm lấy cổ áo hung thủ, đấm hắn ngay tại chỗ.
Ôn Dương lạnh lùng dùng tay ngăn lại, giải cứu hung thủ khỏi tay người đàn ông đang trong cơn giận ngút trời.
“Trương Lộ Chi, ném hắn lên xe.”
Tên thủ phạm say rượu gây tai nạn xe đến chó cũng ghét này, lại còn cố gắng bỏ trốn, nói hắn là một tên cặn bã đúng là không ngoa.
Nhưng thân là một cảnh sát, Ôn Dương không thể trơ mắt nhìn hắn bị đánh mà không làm gì.
Hai tay nàng ngăn người nhà đang nóng nảy lại, vừa phải quay sang chộp lấy thủ phạm, cảnh sát giao thông thấy vậy lập tức chạy đến hỗ trợ.
Trong lòng Ôn Dương có phỏng đoán không lành đối với người nhà bệnh nhân có tính bộp chộp như vậy.
Muốn nói điều gì đó để an ủi, có lẽ khi nói ra sẽ khó tránh mang theo chút ngữ khí tức giận.
“11 tuổi đã lái xe lên đường! Đó lại còn là xe đạp công cộng chỉ có người lớn mới có thể đi!! Các người đã nghĩ gì vậy?”
Lời vừa nói ra, những người nhà bệnh nhân sững sờ như thể vừa chịu tràng chỉ trích nặng nề vậy.
Cảm giác tội lỗi và hối hận ngay lập tức khiến họ quỳ rạp xuống đất, khóc rống lên.
Cả ba người đều gào khóc hổn hển, thật khó có thể nói ra một câu hoàn chỉnh.
Sự buông thả tự do về tuổi cần được kiểm soát, sự dễ dãi của người giám hộ và các thành viên trong gia đình, cuối cùng đã giết chết đứa trẻ và làm tổn thương chính họ.
Ôn Dương cau mày thật sâu.
Một lúc lâu sau, nàng mới bước đến cạnh đồng nghiệp cảnh sát giao thông đang bận rộn điều tra hiện trường:
“Lái xe khi say rượu, khắp người toàn mùi rượu, tốt nhất các anh nên đưa hắn ta đi kiểm tra nồng độ cồn trước đã.”
Nghe Ôn Dương nói vậy, cảnh sát giao thông trở nên nghiêm túc trong tức khắc:
“Vậy để tôi bảo đồng nghiệp đưa anh ta đi lấy máu.”
So với xét nghiệm nồng độ cồn trong hơi thở, xét nghiệm máu sẽ mang tính chính xác cao hơn.
Ôn Dương gật đầu, vẫy tay ra hiệu cho Trương Lộ Chi đang đợi cạnh xe tuần tra:
“Cậu cùng anh cảnh sát giao thông này đưa thủ phạm đi xét nghiệm nồng độ cồn, ngồi xe họ đi đi.”
Trương Lộ Chi mặc dù có hơi khó hiểu, nhưng đến cuối cậu cũng không hỏi tại sao không thể đến đó bằng xe tuần tra của mình.
Cậu xoay người quay lại trong xe, lôi hung thủ ra khỏi xe tuần tra, áp giải hắn vào ghế sau xe cảnh sát giao thông.
Ôn Dương lúc này mới đi tới gần người đàn ông còn đang vừa gào khóc vừa đấm lên nền đất.
Nàng vỗ vai người đàn ông, lấy từ trong túi ra một gói khăn giấy đưa cho anh ấy:
“Ở Bệnh viện số 1 sao?”
Bệnh viện tốt nhất trong khu vực này là bệnh viện hạng nhất gần đây, là Bệnh viện công số 1 tại Bắc Thành này, có thể chắc chắn 80% rằng xe cấp cứu đã đưa đứa trẻ tới đó.
Người đàn ông đang gào khóc không trả lời, hai người phụ nữ bên cạnh lên tiếng:
“Vâng, thưa cảnh sát.”
“Đi thôi, cứ lên xe trước, tôi đưa mọi người đi.”
Ôn Dương dìu một người phụ nữ lớn tuổi, cuối cùng người đàn ông bò trên nền đất cũng bình tĩnh lại.
Viên cảnh sát này đang nói sự thật, bọn họ đau buồn ở đây cũng không thể khiến đứa cháu nhỏ sống lại.
Trong bệnh viện, còn có anh trai và chị dâu cần được an ủi, còn có cha mẹ cần được an ủi, ba người bọn họ đều ở đây, vậy ai sẽ chăm sóc người thân trong bệnh viện?
Người đàn ông bước đi lảo đảo, gắng gượng ổn định lại thân hình đi theo nữ cảnh sát đang bước đi đằng trước.
Trong đêm đen tối, sẽ luôn có ánh đèn chiếu rọi.
Chỉ là rất ít người có thể phân biệt rõ, rốt cuộc ngọn đèn nào mới là đường về nhà.
…
Người sinh năm 1986, khi họ còn nhỏ, cha mẹ họ về cơ bản chưa bao giờ cho họ khái niệm tăng ca hoặc tan làm về muộn.
Trừ khi họ có cha mẹ đi kinh doanh, còn không, nếu cha mẹ họ là những người đi làm bình thường, đều sẽ làm việc từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều.
Khi đó đất nước đang trong giai đoạn đầu cải cách và mở cửa, các doanh nghiệp hầu như đều thuộc sự sở hữu của nhà nước.
Ôn Dương hồi mới 1 tuổi rưỡi đã được gửi đi trường mẫu giáo.
Trường mẫu giáo cơ quan Bắc Thành.
Còn chưa kể, thời ấy có nhiều trẻ em không được gia đình cho đi học mẫu giáo khi tuổi còn quá nhỏ, chỉ riêng hai từ “cơ quan” đã nghe cao siêu hơn rất nhiều.
Theo những gì nàng có thể nhớ, Ôn Dương thường xuyên sống ở nhà ông bà.
Mảnh đó là khu tập thể của những cán bộ hưu trí trong khu phố cũ, hầu hết những người sống trong đó đều là cựu chiến binh.
Ông của Ôn Dương cũng vậy.
Năm đó ông là quân giải phóng nhân dân, là sư đoàn trưởng, bây giờ đã là cán bộ nghỉ hưu.
Ôn Dương đi mẫu giáo năm 1 tuổi rưỡi, là quyết định của người cha Ôn Quốc Đông.
Ông bà Ôn Dương không chỉ có một người con trai là Ôn Quốc Đông, bình thường ông bà đã phải giúp chăm sóc hai người cháu, giờ có thêm Ôn Dương, thực sự rất vất vả.
Ôn Quốc Đông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhẫn tâm gửi Ôn Dương nhỏ bé đến mẫu giáo khi nàng mới bập bẹ biết nói được vài tháng.
Ôn Dương cũng bắt đầu biết nhớ những hình ảnh, đại khái là, mỗi khi tan học, khi những đứa trẻ khác có thể đợi cha mẹ đến đón, nàng chỉ có thể đợi ông hoặc bà.
Những đứa trẻ trong trường mẫu giáo chưa bao giờ nhìn thấy cha mẹ của Ôn Dương.
Trẻ con ấy mà, vẫn chưa phân biệt rốt cuộc ông bà và cha mẹ khác nhau ở đâu?
Chúng chỉ biết rằng, theo như lời bố mẹ nói, những người đến đón chúng sau khi tan học là bố mẹ.
Nhưng tại sao cha mẹ của Ôn Dương lại trông già như ông bà vậy?
Những đứa trẻ không thể làm ngơ trước những nếp nhăn trên khuôn mặt và mái tóc bạc trắng trên đầu của hai người già…
Lần đánh nhau đầu tiên của Ôn Dương ở trường mẫu giáo, là vì có cậu bé nói rằng bố mẹ nàng nhìn rất già rất già, già hơn cả ông bà nhà cậu.
Cô bé xinh đẹp trong chiếc váy công chúa màu hồng và thắt bím tóc, đã đánh cậu bé như điên, đến nỗi cậu bé phải gào lên khóc thét: “Mẹ ơi”.
Nhưng kể từ ngày đó, không còn đứa trẻ nào trong trường dám nói “bố mẹ” của Ôn Dương già nữa.
Không phải Ôn Dương không muốn giải thích.
Ngược lại, nàng cũng cảm thấy những gì cậu bé nói là đúng.
Tại sao “bố mẹ” mình lại già đến thế?
Tại sao bố mẹ mình không đến đón mình?
Sau này, nàng học được một bài hát trong trường mẫu giáo.
Mẹ tôi tan làm về nhà.
Mẹ làm việc cả ngày, mẹ vất vả lắm lắm
Mẹ ơi mẹ ơi hãy ngồi xuống, mẹ ơi mẹ ơi ngồi xuống đi
Mời mẹ uống tách trà, hãy để con hôn mẹ, mẹ tuyệt vời của con ơi.
Được rồi, nàng nghĩ.
Bố mẹ mình đi làm rồi.
Sau này nữa, chính là lúc Ôn Dương đi học tiểu học.
Vì biết những thứ bên ngoài nhà cần phải dùng tiền mua, nên nàng bắt đầu có khái niệm mơ hồ về tiền, và cũng có khái niệm mơ hồ về việc “đi làm”.
Nàng đại khái biết rằng, cha mẹ mình khác với cha mẹ của những đứa trẻ khác.
Bố mẹ nàng rất bận, lại phải thường xuyên tăng ca.
Hơn nữa, mẹ nàng phải đi làm rất xa, nên chỉ có thể gửi ông bà chăm sóc nàng.
Vào một ngày trong năm lớp hai của tiểu học, trời đang nắng bỗng đổ cơn mưa rào.
Khi những bạn học khác đợi bố mẹ đến đưa ô, nàng chỉ có thể đợi cô giúp việc nấu ăn ở nhà ông bà đến đón.
Ôn Dương cuối cùng cũng chịu không nổi nữa, nàng khóc.
Nàng đẩy đi chiếc ô nhỏ do cô giúp việc nấu ăn đưa tới, chiếc ô đó lại còn là món quà sinh nhật mà nàng đã năn nỉ Ôn Quốc Đông mua cho vào dịp sinh nhật năm ngoái.
Đó là chiếc ô nhỏ màu đỏ có gắn hai chiếc tai mèo.
Ôn Dương khóc và chạy về nhà, đột nhiên nàng cảm thấy mình thực sự đúng như những gì các bạn cùng lớp nói, là một đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi.
Buổi họp phụ huynh lớp Bốn.
Ôn Quốc Đông đã đồng ý với Ôn Dương rằng sẽ đi dự buổi họp phụ huynh trước đó một tuần.
Ôn Dương vui sướng mấy ngày liền, nàng vô cùng vui vẻ nói với rất nhiều bạn trong lớp:
“Bố tớ sẽ tới họp phụ huynh đấy.”
“Lần này bố tớ sẽ đến họp phụ huynh.”
“Không phải ông nội đâu, cũng không phải giúp việc, là bố tớ.”
Buổi họp phụ huynh của trường tiểu học có cả phụ huynh và học sinh tham dự, hai phụ huynh và hai đứa trẻ sẽ ngồi chung trên một băng ghế phía sau bàn học.
Buổi họp bắt đầu lúc 2 giờ chiều, Ôn Dương đã ngồi thẳng lưng, chắp tay vào nhau từ trước đó nửa tiếng.
Đôi mắt nàng dán chặt lên bục giảng, nhưng khoé mắt luôn phóng ra cửa sổ lớp học.
Ôn Dương không kìm được tâm trạng phấn khích, cuối cùng nàng cũng có thể khoe với các bạn người cha đẹp trai rất đẹp trai của mình.
Ấy vậy mà, vào lúc 1 giờ 58, người đáp ứng sự chờ đợi của Ôn Dương, lại là ông nội với mái tóc bạc nửa đầu.
“Trưa nay bố cháu có nhiệm vụ, ông nội tới họp phụ huynh cho Cừu Cừu nhà mình nhé.”
Ôn Dương méo môi, cắn chặt hàm răng sữa.
Nàng khẽ gật đầu, im lặng một cách bất thường.
Nàng đã nín nhịn suốt buổi họp phụ huynh, cho đến khi giáo viên chủ nhiệm nói với nàng:
“Lại là ông nội đến họp phụ huynh cho Ôn Dương à?”
Ngay tức khắc, nước mắt trút xuống như mưa.
Cô bé tự xưng là Sơn Đại Vương cầm đầu bọn trẻ con trong khu tập thể cán bộ hưu trí ấy.
Cô bé Sơn Đại Vương luôn mặc váy ngắn và đi giày da, lại còn có thể đánh một đứa con trai đến phát khóc ấy, thực ra, nàng trẻ con hơn bất kỳ cô gái nhỏ nào khác, nàng nhạy cảm hơn bất cứ ai.
Buổi họp phụ huynh kết thúc, Ôn Dương nắm tay ông nội thật chặt.
Ngay cả khi đi ngang qua siêu thị đồ ăn vặt yêu thích nhất, nàng cũng không vòi vĩnh làm nũng như một đứa trẻ với ông nội nữa.
Trong tiết học Tư tưởng và Đạo đức lớp 5, nội dung giảng dạy của tiết này là “phổ biến pháp luật”.
“Người giám hộ, ừm…!Người giám hộ theo nghĩa pháp lý có lẽ bây giờ các em chưa hiểu lắm.
Nhưng nói một cách đơn giản, họ chính là bậc phụ huynh thường ngày chăm sóc các em, chăm lo cho miếng cơm manh áo của các em.”
“Cô giáo, vậy đó chính là bố mẹ của chúng em ạ?”
“Đúng vậy.”
Ôn Dương không có tâm trạng đâu mà nghe tiết mục hỏi đáp của tiết học Tư tưởng và Đạo đức.
Dù sao, người giám hộ của nàng khác với những người bạn cùng lớp.
Trước kỳ thi cuối năm lớp 5, Ôn Dương mắc bệnh quai bị.
Cô bé 9 tuổi sốt đến mức mê man.
Trong cơn sốt nửa mê nửa tỉnh, người Ôn Dương gọi không phải ông bà, cũng không phải cô giúp việc, mà là “Mẹ”.
Bị ánh nắng chói chang ngoài cửa sổ chiếu rọi đến mức không thể không mở mắt, khi tỉnh lại sau giấc ngủ, nàng vẫn nhìn về phía chiếc giường như lúc ban đầu.
Nàng lặng lẽ lau đi những giọt nước mắt trên mặt, lẳng lặng nhìn bình truyền dịch treo lơ lửng trên không trung.
Vẫn như mỗi lần khi nàng ốm, dường như người chăm nom bên cạnh nàng mãi mãi không bao giờ là hai người họ.
Luôn có công việc đang chờ đợi họ.
Luôn có người khác, quan trọng hơn nàng.
Nàng xin chịu thua.
…
“Đại ca, chị không đến đón em à?”
Trương Lộ Chi vẫn còn trong đội cảnh sát giao thông, cậu gọi điện đến, đại ca Ôn có tình có nghĩa sẽ không bỏ rơi cậu em trai này đâu đúng không?
Đội cảnh sát giao thông cách đồn cảnh sát ba bến xe.
Đêm khuya thanh vắng trống canh dồn, không còn chuyến xe buýt nào nữa.
“Cậu tập thể dục một chút đi Trương Lộ Chi, thịt trên bụng sắp rơi ra rồi.”
Ôn Dương tắt ngay điện thoại, tiếp tục ngồi xuống bậc thang ngoài tòa nhà cấp cứu của bệnh viện, thẫn thờ.
Những khi rảnh rỗi, hình như con người luôn thích hồi tưởng lại quá khứ…
Cho đến khi…!trên mặt đất tự dưng xuất hiện một đôi giày trắng…
Ôn Dương ngẩng đầu lên nhìn chủ nhân của đôi giày.
Giản Mộc Tư vẫn nhìn Ôn Dương với khuôn mặt không chút biểu cảm.
Sau đó, cô nhìn sang phòng chờ của bộ phận an ninh của bệnh viện cách đó không xa, tập trung nhìn vào bảng hiệu của bộ phận an ninh.
Lại quay lại nhìn Ôn Dương.
Hình như Ôn Dương đã hiểu ra gì đó…
“Giản! Mộc! Tư! Tôi không có bị đuổi việc!”
…….