Duyên

Chương 40: Hết thảy hữu tình, đều không vương vấn


Đọc truyện Duyên – Chương 40: Hết thảy hữu tình, đều không vương vấn

Qua đám ruộng Nhược

Tùng nảy sinh cảm xúc, bày tỏ với người anh thứ

Chia lìa sống chết hỏi làm chi,

Nước chảy mây trôi sư lẻ loi.

Vô cớ mà cười vô cớ khóc,


Dẫu vui lòng cũng giá băng rồi.

Tô Mạn Thù

Đêm khuya yên tĩnh, ánh trăng nhàn nhạt, bỗng dưng muốn đọc về một người, một cuốn sách, một câu chuyện thong dong. Có lẽ không cần nâng niu trong tay, chỉ đặt trên bàn, cũng có thể nghe thấy hơi thở của chữ trong trang sách. Mỗi con chữ đều nở rộ như hoa, trôi chảy như lệ, tình tiết trong sách cuộn trào như sóng bể, song người trong sách trước sau vẫn bình thản trước ba đào. Dường như có một giọng cứ thì thầm: “Hoa anh đào rơi, đánh thức người trong mộng, thì ra ta, vẫn ở chốn bụi hồng.”

Ông là Tô Mạn Thù, một người đàn ông kết duyên với hoa anh đào, cũng là một tăng nhân kết duyên cùng hoa sen. Cuộc đời ông nửa tục nửa tăng, nửa tăng nửa tục, phóng khoáng bất kham, hình hài vô ngã. Dường như ông lưu luyến hồng trần, lưu luyến tình cảm, lưu luyến mỹ thực hơn ai hết. Ông có thể nằm dài trong ngõ liễu tường hoa, ôm ấp mỹ nhân, cũng có thể ở giữa dòng người tấp nập mà khiến mình xa xôi như bùn đất. Ông uống rượu ăn thịt giữa đô thành đèn hồng rượu lục, nhưng lại bầu bạn với đèn xanh sách ố giữa chùa cổ miếu xưa. Một người đi lại như con thoi giữa bên trong và bên ngoài cửa, khoác cà sa, mang tình ái, chúng ta nên đem lòng kính phục ông hay chế giễu ông đây? Có lẽ tư tưởng mâu thuẫn, cung cách thác loạn của ông là bệnh chung của rất nhiều kẻ ở hồng trần. Bởi vậy, trước những khóc cười vô cớ, đến đi thình lình của ông, chúng ta chẳng cách nào hùng hồn lên án ông, thậm chí ngay cả tha thứ cũng không dám. Thái độ bộc trực, dứt khoát của ông chính là sự chân thực mà chúng ta không cách nào đạt đến. Bao kẻ đã dùng vẻ kiên cường để che giấu sự yếu ớt, lấy nụ cười khỏa lấp buồn đau, đem phù hoa trang hoàng cho hiu quạnh. Chỉ đến lúc không người mới dám mở toang linh hồn của mình ra để nó thoải mái hít thở. Thậm chí có những kẻ hèn hạ đến nỗi không có cả dũng khí nhìn thẳng vào chính mình. Bởi vậy, người bình thường khó mà đạt đến cảnh giới của Tô Mạn Thù, xuất gia đến mấy lần, rồi lại mấy lần hoàn tục.


Chợt bắt gặp một bài thơ nhảy ra khỏi mặt giấy, thu hút ánh mắt kiếm tìm của tôi, “Chia lìa sống chết hỏi làm chi, nước chảy mây trôi sư lẻ loi, vô cớ mà cười vô cớ khóc, dẫu vui lòng cũng giá băng rồi”, khiến chúng ta dường như trông thấy một tăng nhân cô độc, lầm lũi một mình qua lại, giữa tháng năm như mây trôi nước chảy. Người nào cùng ông đồng sinh cộng tử, cũng chẳng liên quan tới ai. Vô cớ vui cười, cũng bỗng dưng thương cảm. Điển cố “chia lìa sống chết” ở đây, đến từ “kinh Thi”:

“Lúc tử sinh hay khi cách biệt,

Chẳng bỏ nhau lời quyết thệ rồi.

Cầm tay nàng hẹn mấy lời:


Sống bên nhau mãi đến hồi già nua[1].”

[1] Kinh Thi, bài Kích cổ kỳ 4, bản dịch Tạ Quang Phát.

Đọc “kinh Thi”, Trương Ái Linh thích nhất mấy câu này, khen là một bài thơ bi ai, song thái độ của nó về cuộc sống lại hết sức quả quyết. Thái độ xử thế của Tô Mạn Thù cũng vậy, giữa tâm trạng bi thương, ông lại khẳng định thái độ của mình về cuộc sống.

Ông là đệ tử cửa Phật, nhưng lại một trời một vực với tâm cảnh đạm bạc cách biệt của nhà Phật. Ông có thể ngồi xếp bằng trên bồ đoàn, không niệm kinh, không tu hành, nhưng bỗng dưng lại cười vang, rồi bỗng dưng òa khóc. Ông có thể sải bước rời khỏi chùa miếu, cầm tiền đi đến lầu xanh, cùng hồng nhan giao bôi đổi chén. Ông không chuộng rau dưa, chỉ mê rượu thịt, không ưa kinh sách, chỉ thích mỹ nhân. Ông sống trong chùa miếu thanh tĩnh, nhưng lại bừng bừng nhiệt huyết vì giang sơn tan nát. Cá tính của ông luôn nhất quán, một mực làm theo ý mình, trong cõi hồng trần, chẳng làm sao ràng buộc nổi ông, ngoài cõi hồng trần, cũng chẳng cách nào gò bó được. Có người nói ông nặng tình, bước vào cửa Không vì kẻ hồng nhan mình yêu quý, có người lại nói ông vô nghĩa, suốt đời chỉ biết có mình.

Có lẽ tất thảy những điều đó đều có liên quan tới hành trình cuộc đời Tô Mạn Thù. Ông sinh tại Nhật Bản, trong mình mang cả hai dòng máu cao quý và hèn mọn. Cha ông xuất thân danh gia vọng tộc, còn mẹ lại là một phụ nữ Nhật Bản bình thường, tư thông với nhau sinh ra ông. Sau khi mẹ qua đời, ông được đưa về quê Quảng Châu, chịu đủ mọi sự lăng nhục của người trong gia tộc, còn rất nhỏ đã bị ép đi tu. Sau đó vì không giữ giới luật nên hoàn tục, lúc thiếu thời lại đến Nhật Bản du học, rồi yêu thương một cô gái mỹ lệ như hoa anh đào. Lại vì bị người nhà ngăn cản, cô gái kia nhảy xuống biển tự vẫn, ông tuyệt vọng, một lần nữa quay về nước đi tu. Dường như ông là một kẻ bị vận mệnh kìm hãm, không sao thoát nổi những nhân quả vô duyên cớ trong đời. Ông khăng khăng muốn làm một kẻ phàm tục, ngốn ngấu nuốt chửng khói lửa nhân gian, song Phật Tổ lại một mực muốn gọi ông đến, vì mối nhân duyên dở dang với Phật từ kiếp trước. Ông chỉ muốn làm một con người rốt ráo, một người sống đúng theo tính cách của mình, song lý trí luôn bị ảo mộng bao phủ, mà giấc mộng lại bị hiện thực đập vỡ. Nỗi bi ai của ông, cũng chỉ có mình ông nếm trải.


Dẫu vậy, lịch sử vẫn đánh giá Tô Mạn Thù rất cao, coi ông là một vị tình tăng, họa tăng, thi tăng, cách mạng tăng. Xưa nay tôi không cảm thấy ông là kẻ hữu tình, nhưng rõ ràng ông không phải phường vô tình. Có lẽ suốt cuộc đời ông chỉ yêu thực sự một lần thôi, mà con người lại rất ưa huyễn hoặc cái ngắn ngủi thành vĩnh hằng. Tựa hồ mối tình bị truy điệu mới có thể khắc cốt ghi tâm, còn thứ đang nắm trong tay, một ngày nào đó sẽ chán ghét. Ông đầy một bụng tài hoa, thơ họa phong lưu, phẩm cách bất phàm, ý cảnh thâm thúy. Ông cả đời yêu nước, dù bước vào cửa Không cũng chẳng quên cách mạng, biết bao lần đã dấn vào làn sóng phản Thanh, dùng thơ văn của mình cảnh tỉnh người đời. Cà sa khoác trên mình cũng không đổi được thanh tĩnh và yên ổn, vẫn phải một kiếp gió mưa, trọn đời cô độc.

Vận mệnh chưa bao giờ chịu đối xử tử tế với ông, thậm chí còn khắt khe với ông hơn những người bình thường khác. Ông đành kiên trì làm một người yêu bản thân, để khỏi phụ cuộc sống không dễ gì có được.

Rất nhiều người ngỡ ngàng cảm thán trước cái chết của ông. Ông tham ăn, tiếng tham ăn cơ hồ ngang ngửa với danh về tài, coi kẹo như mạng, nhiều lần vay tiền trong chùa, thậm chí trộm tiền để mua kẹo ăn. Nghe nói trong lúc cùng quẫn tột độ, ông còn cạy cả chiếc răng cửa mạ vàng ra, máu me be bét, đem đi đổi kẹo. Một si tăng thích gì làm nấy như vậy, khiến chúng ta không biết nên thương tiếc hay trách cứ cho phải nữa. Ông chết vì bệnh dạ dày năm ba mươi tư tuổi, về nguyên nhân cái chết của ông, người đời đều kết luận là do tham ăn. Đây cũng chẳng phải lỗi lầm gì, song cái chết của ông, lại đòi hỏi chúng ta phải dùng lòng độ lượng để khoan dung và thông cảm.

Tô Mạn Thù là một cánh nhạn lẻ phiêu vương vấn.” Viết xong, ông lặng lẽ nhắm mắt lại, không liên quan tới mọi vinh nhục nữa. Song cái chết của ông lại khiến người ta ghi nhớ hơn là sự sống, thậm chí còn mang một truyền kỳ lãng mạn. Bởi hài cốt của ông được chôn tại cầu Tây Linh cạnh Tây Hồ, Tây Linh, chính là Tây Linh của danh kỹ Giang Nam Tô Tiểu Tiểu. Có lẽ vì sinh thời ông quyến luyến lầu xanh, kết nên mối duyên tình khó gỡ với ca kỹ. Mộ của Tô Mạn Thù và Tô Tiểu Tiểu đối xứng nhau theo trục Nam Bắc, cách nhau cả ngàn năm, liệu họ có thể hồn phách tương thông chăng? Liệu lúc đó, Tô Mạn Thù có còn than thở: “Hận chưa cắt tóc sao chưa gặp” hay chăng?

Đời người thực cô độc biết bao, có lẽ vạn vật đều coi chúng ta là hàng xóm, nhưng chúng ta thường không thể tối lửa tắt đèn có nhau với chúng. Trước đây rất thích từ “tri âm”, cảm thấy có sự thuần tịnh của một chiếc lá xanh, niềm hạnh phúc của một đóa hoa nở, hơi ấm của một tia nắng mặt trời. Giờ lại cho rằng, cả cuộc đời mây trôi nước chảy, chỉ có cái bóng là của mình mà thôi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.