Duyên

Chương 26: Hồng trần là đạo tràng, mưa khói gột lâu đài


Đọc truyện Duyên – Chương 26: Hồng trần là đạo tràng, mưa khói gột lâu đài

Ra khỏi non xanh mây tiễn chân,

Vén sao hết rợp rợp hồng trần.

Chớ bảo trong thành toàn điều xấu,

Một lầu, một cõi, một bụi trần.

Ngũ Tổ Pháp Diễn


Vào một ngày, khi hoa sen còn chưa tàn hết, tôi tới chùa Huệ Sơn. Nơi được xưng tụng là dấu xưa Tây Trúc[1] này, đã trở thành nút thắt trong lòng tôi suốt cả đời, muốn tháo gỡ mà không sao tháo nổi. Mỗi khi mệt mỏi trước những chuyện thế tục, lại muốn đến đây, nhặt lấy một quả ngân hạnh, ngồi trên thềm đá, nghe Phạn âm văng vẳng ngân nga. Huệ Sơn đầu thu, núi non trùng điệp, rừng cây xanh ngắt, điểm xuyết thêm dăm cành lá đỏ lá vàng, càng đậm thiền ý. Chùa cổ ngàn năm, ngói xanh tường vàng, mái cong mấy góc, như lạc vào chốn thanh tịnh. Những ý niệm trần tục tầm thường sâu trong nội tâm, lúc này cũng thôi thoi thóp quẫy động mà một lòng ngắm cảnh, tĩnh ngộ bồ đề.

[1] Dấu xưa Tây Trúc (Tây Trúc lưu ngân) là cái tên do Nhan Đông Bảo, phó hội trưởng thường vụ hiệp hội Phật giáo Vô Tích đề tặng Huệ Sơn, chữ viết học theo thư pháp của Triệu Mạnh Phủ. Mang hàm nghĩa: Phật giáo đến từ Ấn Độ, nằm ở phía Tây Trung Quốc, thời cổ đại được gọi là nước Thiên Trúc; Huệ Sơn khi xưa được gọi là núi thần ở phía Tây. Suốt ngàn năm nay, tịnh thổ Huệ Sơn vẫn vang

Huệ Sơn thực là một nơi rất tốt để tu hành, tuy ở giữa đô thị phồn hoa, nhưng lại được núi non bao bọc. Có sông suối có đường mòn, lâu đài đình các, tùng xanh hạnh già, có thể trông xuống khói lửa nhân gian, cũng có thể ngồi ngắm mây bay chùa cổ. Ở chốn này, sông núi đất đai, cây cỏ rừng già đều là Phật, hết thảy tổn thương, phiền não trên đời đều trở thành nhỏ nhặt không đáng kể. Biết bao tiếng tụng kinh niệm Phật, khói hương nghi ngút, đầy không khí chùa miếu, nên được gọi là dấu xưa Tây Trúc.

người leo lên di tích danh sơn, nhưng ẩn giữa núi rừng chỉ là một con sâu cái kiến. Biết bao người chèo thuyền giữa bát ngát Thái Hồ, nhưng bập bềnh trên mặt nước chỉ là một giọt nước nhỏ nhoi. Chim yến trước nhà họ Vương họ Tạ còn đây, mà đế vương quan lại đều đã lìa trần, việc đời bể dâu, ai nắm được thăng trầm? Sinh mệnh con người ta, so với tự nhiên vạn vật, quả là nhỏ nhoi như cát bụi.


Băng qua hành lang dài trong chùa, chợt một bài thơ đập ngay vào mắt, tức thời như mây tan trăng tỏ, lòng bỗng sáng bừng:

“Ra khỏi non xanh mây tiễn chân,

Vén sao hết rợp rợp hồng trần.

Chớ bảo trong thành toàn điều xấu,


Một lầu, một cõi, một bụi trần.”

Đọc hết bài thơ, tự thấy tất cả cảm ngộ vừa rồi đều nông cạn biết bao. Để tránh hồng trần vạn trượng, tôi tìm kiếm quãng thời gian huyền hoặc ở Huệ Sơn, chen qua lớp lớp bụi trần cùng dòng người đông nghẹt, mới đến được miền tịnh thổ này. Tôi luôn cảm thấy nơi này có một ngọn đèn hoa sen chỉ thắp sáng vì tôi. Khi tôi hoang mang, khi tôi bất lực, nó sẽ chống đỡ tôi, tiếp tục đi nốt con đường phải đi nốt. Thực ra tôi hiểu rõ, chùa miếu chỉ là trạm nghỉ chân trong đời mình, rời khỏi Linh sơn, tôi vẫn còn ngút ngát non phải trèo suối phải lội. Chưa dứt trần duyên, còn mang trách nhiệm, định mệnh nghiệt ngã, há dám một đao cắt đứt, cương quyết chạy trốn ư?

Người viết ra bài thơ này, là Ngũ Tổ Pháp Diễn. Người thời Tống, theo tông Lâm Tế, hệ phái Dương Kỳ, quê ở Ba Tây, Miên Châu (nay là Miên Dương, Tứ Xuyên), khi chưa xuất gia mang họ Đặng, ba mươi lăm tuổi quy y, tới Thành Đô học Phật. Phật duyên của ngài rất thâm sâu, giác ngộ thấu triệt, những thơ thiền và bài kệ do ngài viết ra đều mới mẻ khác lạ, đầy phong phạm Thiền Tông. Ban đầu ngài ở núi Tứ Diện, sau lại dời sang núi Bạch Vân, khi già từng ở núi Thái Bình, rồi chuyển sang chùa Đông Thiền núi Ngũ Tổ ở Kỳ Châu. Ngày hai mươi lăm tháng Sáu năm Sùng Ninh thứ ba đời Tống Huy Tông, ngài lên điện đường từ biệt mọi người, rồi tắm gội mà viên tịch, thọ hơn tám mươi tuổi. Người đời tôn là Ngũ Tổ Pháp Diễn. Quá trình giản đơn như vậy, tựa hồ từng nét từng nét bút, đều mang thiền ý.

Từ xưa đến nay, hàng ngàn hàng vạn kẻ phàm tục đều tìm vào núi sâu lánh đời, có người lựa chọn xuất gia, có người lại chỉ cầu tâm tịnh. Pháp Diễn thiền sư, dựa vào ngộ tính sâu xa của mình, đã xâm nhập vào lớp lớp bụi trần dày đặc chẳng ai vén nổi. Hồng trần vạn trượng biến thành bồ đề đạo tràng, trăm vẻ nhân sinh cũng thành ngũ uẩn giai không. Trong mắt ngài, phàm trần là chính quả, cõi tục là tịnh thổ. Trái tim đã thuần khiết, dù ở giữa phố thị huyên náo, cũng chẳng vương nửa hạt bụi trần. Giống như đóa sen kia vậy, tuy sinh trưởng giữa bùn nhơ, mà vẫn tao nhã tự nhiên. Nếu ở giữa núi rừng yên tĩnh mà lòng còn canh cánh chuyện thế nhân thì núi sâu cũng thành ra ồn ã vô cùng. Còn như ở giữa hồng trần hỗn tạp mà lòng niệm Phật tụng kinh, hẳn phàm trần cũng trở nên trong lành yên tĩnh.


Trong lòng thiền sư Pháp Diễn, trần thế chính là tịnh thổ, phàm gian là chùa miếu, cũng là đạo tràng để ngài tu hành, là lâu đài nơi ngài đạt đạo. Đó gọi là lòng nhàn khắp nơi nhàn, lòng tĩnh muôn cảnh tĩnh, không câu nệ là thành thị hay núi non, không liên quan đến phồn hoa hay vắng vẻ. Ngài có thể bãi bể nương dâu không hỏi xuân thu, cũng có thể sông cạn đá mòn lãng quên năm tháng. Cảnh giới ấy, có lẽ tất cả chúng ta đều hiểu được, nhưng muốn ngộ được thực không dễ chút nào. Lòng chúng ta giống như một con thuyền tháo dây neo, bị cuốn theo lớp lớp sóng đời cuồn cuộn, đã chìm quá sâu, trôi quá xa. Muốn gọi lại, há phải một sớm một chiều mà quay lại được? Đều nói ngay lúc bắt đầu đã có thể dự liệu kết cục, nhưng thông thường kết cục vẫn nằm ngoài dự tính. Chúng ta không sao biết được, lần lưu đày này sẽ thu được hạnh phúc viên mãn hay oán hận trùng trùng. Song chỉ cần trong lòng ta có Phật, hẳn sẽ không để bản thân đi quá xa, đến mức không thể vãn hồi.

Với người thường, Thiền là thứ vừa mù mờ vừa hư ảo, song bị ngàn vạn tình cảm ràng buộc, sự không linh ấy lại trở thành niềm ngưỡng vọng cả đời. Ngọn gió thời gian sẽ tùy theo ý niệm của con người mà chuyển hướng và di chuyển. Hồng trần ê hề vật chất, đã đến lúc quay về với cái thuần chân. Có lẽ chúng ta chẳng có Phật tâm, không lĩnh ngộ được cảnh giới cao xa hơn, song chúng ta có thể làm một người bình thường dung dị giữa hồng trần, với những hạnh phúc giản đơn. Sống trong một gia đình dung dị, cũng có thể tham thiền, tu tâm trong làn khói bếp lượn lờ.

Hiện giờ có rất nhiều người, để theo đuổi sự yên tĩnh trong tâm hồn, thường khoác hành trang lên vai, tìm vào rừng sâu núi thẳm. Tựa hồ nơi càng xa, càng ít người lui tới, thì càng khiến người ta mê mẩn. Giữa bến đò hồng trần, chống một cây sào trúc, một mình một chiếc thuyền lan, lênh đênh giữa muôn sông nghìn núi. Chỉ muốn tìm một chốn đào nguyên ngoài cõi thế, ở trong nhà tranh, ăn toàn rau dại. Hằng ngày trông xuống núi xanh nước biếc, mây khói như mơ, có lúc cũng quên bẵng mình từ đâu đến, quên cả thời gian tươi đẹp đã trôi qua.

Dựng một gian nhà tranh cạnh gốc liễu bên khe suối, giữa một vùng hoa cải nở rộ, mặt trời mọc thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi. Lấy mặt trời mặt trăng làm đồng hồ, non nước là vũ đài của nhân sinh. Nông phu thuần phác vác cuốc đi dọc bờ ruộng; nông phụ trinh tĩnh ngồi bên song cửa cũ kỹ vá áo; đám nhi đồng ngây thơ nô đùa ầm ĩ trên thảm cỏ xanh. Mấy chú bò chú dê thong thả đi ngoài đồng, mấy con gà con vịt đang tìm mồi bên giậu. Tiều phu hoan ca, ngư phủ cổ vũ. Chim chóc về tổ, người xa về nhà. Bức họa dung dị ấy, đến ngày nay, đã trở thành chốn đào nguyên mà chúng ta mãi mãi không đến được.

Đào nguyên, không cứ phải là cánh rừng trồng rợp hoa đào. Nhà tranh, cũng không nhất định phải là căn nhà nhỏ lợp mái tranh. Chỉ là một chốn về bình yên tận sâu trong lòng, chúng ta vất vả kiếm tìm bình yên, mà nào hay, thực ra nó đã nằm ngay giữa nội tâm mình. Vén hết khói bụi bảng lảng trong lòng, thế giới trước mắt liền rõ ràng sáng tỏ, nỗi bất hạnh hôm qua cũng trở thành niềm hạnh phúc ngày nay. Mảnh đất ngay dưới chân ta chính là nhà, là đạo tràng, là lâu đài của chúng ta. Trên mảnh đất ấy, ta có thể sống yên ổn một đời, có thể viết năm tháng thành sách, lưu lại dăm mẩu chuyện vụn vặt cũ kỹ, để người đời sau nghiền ngẫm hồi tưởng. Mỗi con người sinh ra đều là một khối ngọc thô, tự nhiên mà dâu bể. Trong quá trình trưởng thành, có những người đã gọt giũa bản thân thành một hòn ngọc đẹp có thể đeo bên mình, treo giữa gió xuân trăng thu, bầu bạn bên mình một đời một kiếp. Có những người lại cố giữ vẻ nguyên sơ, không ưa mài giũa, đi hết cả đường đời dằng dặc, vẫn còn nguyên như cũ. Bất luận kết cục ra sao, chỉ cần kiên trì luôn là chính mình, vén mở hồng trần, giữ lòng ung dung, bình đạm mà đến, bình đạm mà đi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.