Đọc truyện Duy Nhất Là Em – Chương 222: Người chứng kiến Khương Cẩm Vũ! Câu trả lời đã hé mở!
Editor: Nguyetmai
Là Ôn Thư Hoa. Bà ta đang đứng đó, muốn nói lại thôi: “Cẩm Vũ.”
Khương Bác Mỹ: “Oẳng!”
“Mẹ vào được không?” Giọng điệu của Ôn Thư Hoa thận trọng đến mức quá đáng, cố ý tỏ vẻ yếu thế hơn, nhưng lại có chút rụt rè, gượng gạo.
Dù sao cũng vẫn là mẹ ruột, Khương Cẩm Vũ cũng không nỡ nhẫn tâm: “Bà vào đi!”
Ôn Thư Hoa vào trong phòng, không thể che lấp được vẻ mặt hụt hẫng mất mát: “Giờ con còn không thèm gọi mẹ là mẹ nữa sao?”
Khương Cẩm Vũ không nói gì, đi rót một cốc nước cho Ôn Thư Hoa.
Bà ta ngồi trên ghế sofa, nhìn Khương Cẩm Vũ với vẻ mặt phức tạp: “Cẩm Vũ à, con về nhà với mẹ đi, được không con?” Giọng bà ta mang theo vẻ lấy lòng và mong chờ.
Khương Cẩm Vũ không cần nghĩ ngợi, giọng điệu rất quyết đoán: “Tôi thích ở đây, không muốn về.”
Ôn Thư Hoa có vẻ rất đau lòng: “Vậy còn mẹ thì sao? Con cũng không cần nữa à?”
Cậu cúi đầu không nói câu gì. Một lúc lâu sau, cậu mới thấp giọng nói: “Tôi đã chuyển giao cổ phần cho bà rồi, có về hay không cũng có gì khác đâu.”
Ôn Thư Hoa chợt á khẩu không đáp lại được.
Đứa bé luôn trầm mặc không nói năng gì, luôn xa cách với thế giới bên ngoài ấy, lại bắt đầu trưởng thành, bắt đầu có gai góc, sắc nhọn, bắt đầu phòng ngự, bắt đầu vùng vẫy từ bao giờ thế này?
Cậu ngẩng đầu lên, trong mắt có sự kiên định mà Ôn Thư Hoa chưa từng nhìn thấy: “Tôi không về nhà họ Ôn. Sau này, tôi sẽ sống cùng chị gái tôi.”
Cậu thiếu niên tự kỷ ấy đã trưởng thành rồi, đôi cánh dần cứng cáp, biết rõ thiện ác, hiểu rõ đúng sai, đã không còn kềm kẹp được nữa. Ôn Thư Hoa lộ ra vẻ đau lòng: “Cẩm Vũ, có phải con đang trách mẹ không?”
Khương Cẩm Vũ không nói gì, tay hờ hững vuốt lông Bác Mỹ.
Ôn Thư Hoa hơi cuống lên: “Không phải mẹ thiên vị chị gái con đâu. Chỉ là vì con còn nhỏ, mẹ sợ con không giữ được chỗ cổ phần đó thôi. Chờ con trưởng thành rồi…”
Khương Cẩm Vũ ngắt lời bà ta: “Tôi không cần, Ôn Thi Hảo muốn thì cứ cho chị ta là được.”
Dù sao, ở nhà họ Ôn, cổ phần mới là thứ quan trọng nhất mà.
Ôn Thư Hoa nhận ra được sự kháng cự của cậu, chỉ sợ quá đà lại phản tác dụng, đành phải bỏ cuộc: “Con không muốn quay về thì cứ ở lại đây đi vậy, mẹ không ép con nữa. Vậy sau này mẹ có thể tới đây thăm con không?”
Điều duy nhất bà ta có thể làm cũng chỉ là lôi cái mác tình thân ra mà thôi. Dù sao cũng là mẹ ruột, dù sao bà ta cũng sinh cậu ra, nuôi nấng cậu, bảo vệ cậu bao nhiêu năm trời. Bất kể bà ta xuất phát từ mục đích gì, thì bà ta cũng có ơn sinh ơn dưỡng với cậu.
Khương Cẩm Vũ gật đầu đồng ý: “Vâng.”
Nghe vậy Ôn Thư Hoa mới thấy yên tâm. Bà ta đứng dậy, đặt mấy thứ bà ta mang tới lên bàn ăn cơm: “Nhà bếp ở đâu con? Mẹ mang canh mà con thích ăn này. Mẹ hầm cả một buổi sáng đấy, con ăn một chút đi. Còn lại thì cất vào tủ lạnh nhé.”
Khương Cẩm Vũ thoáng nguôi giận, chỉ về phía phòng bếp.
Ôn Thư Hoa vào bếp cầm một chiếc bát ra. Canh trong cặp lồng giữ nhiệt vẫn còn ấm. Bà ta múc ra một bát, đẩy tới trước mặt Khương Cẩm Vũ, ánh mắt vội vàng lướt qua bàn ăn, rồi sững sờ cứng người.
Động tác của bà ta chợt ngừng lại.
Ở đầu bên kia bàn ăn có hồ sơ bệnh án điều trị tâm lý của Khương Cẩm Vũ, ở cuối trang giấy có ghi rõ kết luận của bác sĩ: Đã bình phục.
Mặt Ôn Thư Hoa biến sắc, trong lúc hốt hoảng, canh trong bát sánh cả ra ngoài. Bà ta nhìn về phía cậu thiếu niên ngồi đối diện bằng ánh mắt không dám tin: “Con khỏi bệnh rồi sao?”
Cậu lật bệnh án lại, dùng đĩa hoa quả che lên, ánh sáng lấp lánh trong mắt thoáng tối đi: “Tôi khỏi rồi bà không vui sao?”
Nghe cậu hỏi vậy, Ôn Thư Hoa ngẩn người ra rồi lập tức che lấp cảm xúc của mình: “Sao thế được chứ? Mẹ mừng quá mà!”
Vui mừng ư?
Là kinh hãi mới đúng.
Khương Cẩm Vũ không nói thêm gì nữa, lẳng lặng uống canh.
Ôn Thư Hoa không ngồi lại lâu, chờ Khương Cẩm Vũ uống xong bát canh kia là bà ta lập tức ra về. Ôn Thi Hảo ngồi trong chiếc xe đỗ ngoài khu chung cư chờ bà ta. Bà ta có chút kinh ngạc, chậm chạp bước lên xe.
Không nhìn thấy Khương Cẩm Vũ, Ôn Thi Hảo cười phì một tiếng: “Nó vẫn không chịu về cùng chúng ta à mẹ?”
Ôn Thư Hoa có phần thất thần: “Ừ.”
Ôn Thi Hảo lạnh lùng mắng một câu đầy vẻ châm chọc: “Thằng nhãi vô ơn!”
Ôn Thư Hoa lập tức quay sang: “Thi Hảo!” Bà ta tức giận, gay gắt trách cô ta, mắt đỏ hồng lên: “Tôi không cho phép chị nói em trai chị như vậy.”
Ôn Thi Hảo không thèm để tâm, hừ lạnh một tiếng: “Con nói gì sai à? Nhà họ Ôn chúng ta sinh nó ra, nuôi nấng nó bao nhiêu năm nay. Thế mà vừa quay qua quay lại một cái, nó đã bỏ đi dứt khoát như vậy rồi. Chẳng phải đồ vô ơn thì là cái gì nữa?”
“Chị!!!” Ôn Thư Hoa vô cùng tức giận, sắc mặt lại rất mâu thuẫn, nhất thời không nhịn được buột miệng nói: “Trong nhà họ Ôn này, ai cũng có thể nói nó là đứa vô ơn, chỉ riêng mình chị, riêng mình chị là không được phép! Chị làm gì có tư cách mà nói nó chứ, nếu không vì chị…”
Nói được một nửa, cuối cùng Ôn Thư Hoa vẫn nhịn xuống.
Ôn Thi Hảo cười đầy châm biếm, giọng điệu bất cần: “Vì con cái gì nào? Mẹ nói thẳng ra đi!”
Ánh mắt Ôn Thư Hoa có vẻ né tránh, nhìn ra ngoài cửa sổ: “Dù thế nào chị cũng phải nhớ rõ cho tôi. Nó là em trai chị, là em trai ruột có quan hệ huyết thống với chị. Nếu chị còn để tôi nghe thấy mấy lời như thế nữa, thì chị nôn hết số cổ phần của nó ra cho tôi.”
Ôn Thi Hảo phì cười, hoàn toàn không coi lời bà ta ra gì.
Chuông điện thoại vang lên, Ôn Thi Hảo nhấc máy, thư ký Đường Tấn lên tiếng chào hỏi: “Tổng giám đốc Tiểu Ôn.”
Vì trong ngân hàng trước giờ có hai vị tổng giám đốc Ôn, nên bình thường mọi người đều ngầm gọi Ôn Thư Ninh là tổng giám đốc Ôn, còn Ôn Thi Hảo thì bị gọi là tổng giám đốc Tiểu Ôn. Dù bây giờ Ôn Thư Ninh đã vào tù nhưng cách xưng hô tạm thời vẫn chưa sửa lại được.
“Chuyện gì vậy?”
Đường Tấn nói: “Chị dự đoán không sai chút nào, đúng là có người đang đứng đằng sau thao túng số cổ phần lẻ của Ôn Thị chúng ta.”
Ôn Thi Hảo sa sầm mặt xuống, trong mắt không có vẻ gì bất ngờ: “Bao nhiêu phần trăm?”
“Tối thiểu là năm phần trăm.”
Đủ rồi.
Đủ để cô ta hất cẳng Lâm An Chi xuống.
Giọng Ôn Thi Hảo rất thản nhiên: “Là ai đang thao túng?”
Đường Tấn ngừng một chút rồi đáp: “Cậu Sáu nhà họ Tần ạ.”
Cô ta bật cười, không ngoài dự đoán: “Quả nhiên là anh ta.”
Thời Cẩn thầm đứng sau lưng giúp đỡ Lâm An Chi, với thủ đoạn xử lý mọi việc của anh ta thì làm gì có chuyện không chuẩn bị phương án hai chứ.
Muốn diệt Lâm An Chi, nhất định phải động tới Thời Cẩn trước.
“Vậy giờ phải làm sao ạ?” Đường Tấn xin ý kiến.
Ôn Thi Hảo rất bình tĩnh, nói: “Tôi tự có cách của tôi.”
Nói rồi cô ta cúp điện thoại.
Ôn Thư Hoa lập tức tra hỏi: “Chị định đối đầu với Thời Cẩn sao?”
Ôn Thi Hảo không lên tiếng phủ nhận, coi như ngầm thừa nhận.
Ôn Thư Hoa chợt biến sắc, nghiêm túc nhắc nhở cô ta: “Chị đừng chọc tới cậu ta. Chị đấu không lại cậu ta đâu.”
Ôn Thi Hảo không coi lời cảnh cáo của bà ta ra gì, trong lòng cũng đã có tính toán riêng: “Mẹ không cần phải quan tâm. Trong tay con có thứ khiến anh ta phải nghe lời.”
“Là thứ gì?” Ôn Thư Hoa vẫn hỏi tiếp.
Cô ta chỉ cười không nói gì, trong mắt lại tràn đầy vẻ hưng phấn muốn thử.
Mí mắt Ôn Thư Hoa giật liên hồi, cứ có dự cảm rất không tốt, cả một ngày trời, bà ta chỉ thấy rất sốt ruột bất an. Đại khái là ngày nghĩ gì đêm mơ vậy, nên tối ngày hôm đó, những chuyện xưa đã bị phong ấn bao nhiêu năm nay đột nhiên ập về trong giấc mộng. Chúng ùn ùn kéo tới, khí thế hung mãnh kích thích mọi dây thần kinh của bà ta.
Đó là ngày thứ hai sau khi Khương Dân Xương qua đời. Ở Giang Bắc, có người cầm tài sản của nhà họ Ôn đi tới tiệm cầm đồ. Ngay hôm đó, cảnh sát đã liên lạc với bà ta qua để nhận lại.
Trong điện thoại, cảnh sát nói: “Bà Ôn à, chúng tôi cũng đã bắt được nghi phạm rồi.”
“Là ai?”
“Là một tên trộm vặt lẻn vào nhà ăn trộm. Dấu chân ở gần nhà kính trồng hoa hoàn toàn trùng khớp với kẻ hiềm nghi. Hơn nữa, trên tấm kính của nhà kính trồng hoa có dấu vân tay của y.”
Vì không có nhân chứng chứng kiến, nên tính đến thời điểm hiện tại, tên trộm vặt đó là kẻ duy nhất xuất hiện ở hiện trường.
Lúc đó, Ôn Thư Hoa vừa mất chồng xong, xảm xúc vừa bi phẫn vừa kích động, bà ta sẵng giọng nói: “Tôi muốn tố cáo hắn! Tôi muốn hắn phải bị kết án tử hình!”
Lúc đó, bà ta cho rằng tên trộm kia chính là hung thủ, thậm chí không thèm để tâm tới những điểm đáng ngờ, chỉ một lòng muốn y phải chết.
Ngày thứ ba sau khi xảy ra vụ án đó, mẹ của tên trộm vặt kia chạy tới nhà họ Ôn, gào khóc ầm ĩ, cầu xin bà mở lòng từ bi.
Bà ta giận dữ, nổi trận lôi đình: “Con trai bà giết người! Tôi muốn bắt hắn phải đền mạng!”
Người đàn bà đó quỳ xuống, gào khóc biện hộ: “Không phải do con trai tôi giết đâu, không phải nó đâu mà.”
“Bà Ôn à, bà tha cho nó đi.”
“Người không phải do con trai tôi giết. Xin bà tha cho nó, tôi van xin bà mà.”
Ôn Thư Hoa không muốn nghe thêm một câu nào. Bà ta nhận định tên trộm vặt đó là hung thủ, nên càng nhìn người đàn bà kia, bà ta càng cảm thấy bà ấy thật vô liêm sỉ, còn dám vác mặt tới mà xin tha nữa. Vì vậy, bà ta sai người làm: “Đuổi ngay bà ta ra ngoài đi!”
“Bà Ôn!”
“Cầu xin bà tha cho con trai tôi!”
“Không phải con trai tôi giết! Nó bị oan mà bà Ôn ơi. Nó chỉ ăn trộm thôi, không giết người. Nó không giết người!”
“Bà Ôn, bà Ôn…”
Người đàn bà kia bị người làm xách lên lôi ra ngoài, gào khóc than trời trách đất không thôi.
Ôn Thư Hoa tức giận ném mạnh cốc trà xuống đất, lửa giận bốc ngập trời. Bỗng nhiên, tay bà bị túm lấy, là bàn tay bé xíu xiu của Cẩm Vũ.
Lúc đó, cậu mới chưa đầy tám tuổi, là cái tuổi vô cùng ngây thơ, trong sáng. Đôi mắt cậu vừa sáng rực vừa hồn nhiên. Cậu túm lấy tay mẹ mình, nói: “Mẹ ơi, là do Ôn Thi Hảo đẩy đấy.”
Ôn Thư Hoa sững sờ.
Đứa bé nhỏ xíu nhưng ánh mắt lại kiên định lạ thường: “Ba chưa chết, ba vẫn còn động đậy.” Vẻ mặt cậu bé rất bướng bỉnh, quật cường, rõ ràng là rất sợ, nhưng lại cố lấy hết dũng khí nói, “Là Ôn Thi Hảo đẩy ba. Ba vốn vẫn còn cử động, chị ta đẩy ba một cái, sau đó ba không động đậy nữa.”
Giọng nói của cậu non nớt ngây ngô, nhưng lại vô cùng rõ ràng mạch lạc.
Mặt Ôn Thư Hoa tái nhợt, bà ta kinh hãi nhìn chằm chằm đứa bé con mới cao đến eo mình, ánh mắt không thể tin nổi: “Cẩm Vũ, con đang nói cái gì vậy?”
“Là Ôn Thi Hảo đẩy ba.” Vành mắt cậu đỏ ửng lên, không biết có phải do đang sợ hãi, sắp khóc rồi còn cố nhẫn nhịn xuống hay không: “Không phải do tên trộm vặt kia, cũng không phải do chị của con. Là do Ôn Thi Hảo!”
Cậu gào lên: “Là do chị ta hại ba con!”
Ôn Thư Hoa ngây người ra một lúc lâu, đến lúc bình tĩnh lại, việc đầu tiên bà ta làm là bịt mồm Khương Cẩm Vũ, tức giận nạt cậu: “Cẩm Vũ, con không được nói lung tung!”
Cậu ra sức đẩy bà ta ra: “Con nhìn thấy! Chính là chị ta!”
“Là do chị ta đẩy!”
Ôn Thư Hoa túm lấy cánh tay của cậu, tay còn lại bịt chặt lấy miệng cậu: “Không được nói lung tung! Ngậm miệng lại cho mẹ. Con nghe rõ chưa? Ngậm miệng lại!”
Dù sao cậu cũng mới chỉ là một đứa bé bảy, tám tuổi, cậu rất sợ, rất sợ, chỉ biết trốn trong phòng khóc thầm.
Một tuần sau khi xảy ra vụ án…
Ngày hôm đó, nhà họ Ôn có khách, Ôn Thư Hoa đuổi hết người làm đi, đưa vị khách đó lên trên lầu, vào trong phòng ngủ của bà ta.
Cánh cửa không đóng kín, nhưng bà ta lại không chú ý, có một thân hình bé xíu xiu đang nấp sau cánh cửa.
“Nguyên nhân thực sự dẫn đến tử vong là gì?” Ôn Thư Hoa hỏi.
Đối phương khoảng hơn bốn mươi tuổi, là một phụ nữ hơi béo, tên là Tiết Bình Hoa. Bà ta cũng chính là pháp y phụ trách vụ án tại nhà họ Ôn. Bà ta nói: “Xương sọ bị đập lõm vào, dẫn đến xuất huyết trong nên tử vong.”
Ôn Thư Hoa kinh ngạc hỏi: “Không phải do bị đâm vào bụng sao?”
Tiết Bình Hoa giải thích: “Tuy phần bụng chảy máu rất nhiều, nhưng không đâm phải chỗ yếu hại, không dẫn đến tử vong.” Bà ta bổ sung thêm: “Nguyên nhân tử vong thực sự là do bị xuất huyết trong hộp sọ.”
Nghe xong, bà ta trầm mặc một lúc lâu rồi mới đứng dậy, lấy một phong bì màu trắng từ trong ngăn kéo tủ trang điểm ra, đưa cho Tiết Bình Hoa: “Cô Tiết, trên báo cáo khám nghiệm tử thi, tôi hy vọng nguyên nhân khiến nạn nhân tử vong là do bị đâm vào bụng.”
Tiết Bình Hoa hơi chần chờ một chút, cuối cùng cũng nhận lấy phong bì, mở ra xem hạn mức của tờ chi phiếu trong đó rồi mới gật đầu: “Tôi hiểu rồi.”
Đúng lúc này, đột nhiên có người giúp việc hô lên một tiếng ở ngoài cửa: “Cậu chủ.”
Ôn Thư Hoa ở trong phòng chợt ngẩng đầu lên mới phát hiện cửa bị hé mở. Bà ta quay lại nhìn Tiết Bình Hoa, thấy bà ấy cất phong bì đi rồi, Ôn Thư Hoa mới đi ra mở cửa, sai người làm: “Gọi tài xế tới tiễn khách.”
“Vâng, thưa bà chủ.”
Sau khi Tiết Bình Hoa về rồi, bà ta lại đuổi hết người làm đi, vẫy tay gọi Khương Cẩm Vũ: “Cẩm Vũ, lại đây với mẹ.”
Cậu bé sợ hãi bước vào phòng.
Bà ta đứng trước mặt cậu, hỏi: “Con nghe được những gì rồi?”
Đứa bé mới bảy tám tuổi vẫn chưa hiểu được nhiều lắm, cũng chẳng biết nói dối: “Mẹ cho người đó tiền.”
Bà ta sửa lại: “Con nhìn nhầm rồi, đó không phải là tiền.”
Cậu ấy lắc đầu: “Là tiền mà, con biết nhận ra chi phiếu.”
Khi ấy, tuy Khương Cẩm Vũ còn nhỏ tuổi nhưng hiểu rõ nhiều chuyện từ rất sớm, hơn nữa, cậu lại rất bướng bỉnh, rất khó lay chuyển.
Ôn Thư Hoa ngồi xuống trước mặt cậu, dỗ dành: “Cẩm Vũ này, con đừng nói gì với bất kỳ ai nhé. Dù con nhìn thấy gì, cũng đều không được mở miệng. Con hãy coi như con chưa từng nhìn thấy gì cả, coi như không hề hay biết gì hết.”
Cậu bé cái hiểu cái không, nhưng rất cố chấp: “Nhưng do chị đẩy ba mà.”
Bà ta chợt tức giận, mắng cậu: “Không phải thế!”
“Đúng mà!”
“Con…”
Cậu ta không chịu nghe, trừng mắt nhìn mẹ mình rồi ra sức gào lên: “Chính chị ta! Chị ta là người xấu! Cảnh sát không được bắt chị Sênh Sênh của con, bắt chị ta đi đi, chị ta mới là đồ xấu xa độc ác!”
Ôn Thư Hoa giơ tay lên tát bốp vào mặt cậu ta một cái: “Mày im miệng ngay cho tao!”
Cậu ta im thin thít, hai mắt đỏ ửng.
Ôn Thư Hoa xót ruột vội quay đầu đi, cố gằn giọng nói: “Con còn dám nói lung tung thêm một câu nào, thì mẹ sẽ không cần con nữa đâu!”
Dù sao cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ, cũng sẽ biết sợ.
Cậu bịt miệng mình, không dám khóc thành tiếng, chỉ nức nở nghẹn ngào.
Sau đó, Cẩm Vũ không còn nói chuyện nữa, nhìn thấy mẹ mình sẽ né tránh. Cứ vậy qua vài ngày, cậu bắt đầu sinh bệnh, mẹ cậu đưa một ông cụ tới, nói: “Cẩm Vũ, đây là bác sĩ. Con lại đây cho ông ấy khám cho.”
Cậu lùi về phía sau, dùng chăn trùm kín đầu.
Ôn Thư Hoa che miệng suýt bật khóc. Bà ta ngồi bên giường, kéo chăn ra, khẽ cắn răng lôi cậu từ trong chăn ra: “Ông cụ này sẽ chữa bệnh cho con. Rồi con sẽ khỏe thôi.”
Cậu sợ hãi lùi lại, nói mình không muốn.
Ôn Thư Hoa ôm lấy cậu, khóc lóc nói: “Cẩm Vũ, mẹ xin lỗi, mẹ không nên đánh con. Đều là lỗi của mẹ.”
Cậu không vùng vẫy nữa, ngửa lên nhìn mẹ. Cậu đưa tay lên lau nước mắt cho bà ta, nhỏ giọng nói: “Mẹ ơi, Cẩm Vũ không nói dối, đúng là do chị đẩy mà.”
Ôn Thư Hoa đau đớn khóc thành tiếng.
“Mẹ, mẹ đừng khóc mà.”
“Con sẽ không nói nữa, con không nói nữa…”
Dỗ dành Cẩm Vũ đi ngủ xong, Ôn Thư Hoa bước từ trong phòng ra, lau khô nước mắt, hỏi: “Bác sĩ Kiều này, liệu có thể khiến cho thằng bé quên đi một vài chuyện không?”
Bác sĩ Kiều hơi do dự: “Cậu chủ còn bé quá, tôi chỉ lo nếu không cẩn thận sẽ có chuyện ngoài ý muốn.”
Bà ta siết chặt lòng bàn tay, trầm mặc một lúc lâu: “Vậy có cách nào để thằng bé không nói được nữa không?”
“Bà chủ sợ cậu ấy buột miệng nói ra sao?” Bác sĩ Kiều cũng rối như tơ vò, có chút không nỡ, cuối cùng mới ấp úng nói: “Thực ra cũng có một cách…”
“Nói đi.”
Rồi sau đó, Cẩm Vũ không còn nói năng câu gì nữa, cả ngày chỉ biết trốn trong phòng, thậm chí trốn cả trong tủ. Cậu không gặp người lạ, cũng không nói lấy một chữ.
Suốt một năm trôi qua, cậu mới lại mở miệng, nhưng cũng chỉ nói lẻ tẻ vài chữ. Nếu như không ai hỏi chuyện, thì cậu sẽ im lặng mãi không nói không rằng. Cậu luôn ngồi một mình, cúi gằm đầu, lặp đi lặp lại một số động tác.
Một ngày nọ, Ôn Thư Hoa hỏi cậu: “Cẩm Vũ, con còn nhớ chuyện xảy ra trong nhà kính trồng hoa không?”
Cậu ngẩng đầu lên, trong mắt không chút gợn sóng.
Bà ta không yên tâm, lại lặp lại một lần: “Cẩm Vũ, con trả lời mẹ đi, còn nhớ không?”
Cậu cúi xuống, khẽ lắc đầu.
Lúc này bà ta mới chợt nhớ ra, đã rất lâu rất lâu rồi, Cẩm Vũ không còn gọi bà một tiếng mẹ ơi nữa.
Bác sĩ tâm lý kết luận cậu bị mắc chứng tự kỷ, hơn nữa còn kèm theo cả bệnh ngại giao tiếp với xã hội.
Kể từ đó về sau, nhà họ Ôn thường có bác sĩ ra vào, trong căn phòng dành cho trẻ con trên tầng hai có rất nhiều chai lọ, đều là thuốc của Cẩm Vũ. Cậu không nói chuyện, cũng sợ người lạ, nên cậu không đến trường, cũng chẳng có bạn bè, chẳng có bạn cùng chơi. Lúc nào cậu cũng ngồi một mình cô độc, không biết đang ngắm nhìn thứ gì. Mắt cậu trống rỗng, vô hồn, chẳng có hình ảnh nào cả.
Có một lần, bác sĩ tâm lý vừa đi, Ôn Thư Ninh như thật như giả phán: “Bà chị này, chị cũng độc ác thật đấy.”
Ôn Thư Hoa không hiểu: “Cô nói gì cơ?”
“Chẳng phải chính chị biến con trai chị thành một đứa tự kỷ sao?” Ôn Thư Ninh nheo mắt lại đầy ẩn ý.
Ôn Thư Hoa lập tức biến sắc: “Cô nói lung tung cái gì đấy?”
Ôn Thư Ninh vẫn chống tay vào lan can cầu thang, nói nửa thật nửa giả: “Nếu không phải, thì vì sao bao nhiêu bác sĩ tâm lý đến đây như vậy mà không có ai chữa được khỏi bệnh cho thằng bé chứ. Ngày nào cũng chỉ biết kê không biết bao nhiêu thuốc.”
Sắc mặt Ôn Thư Hoa rất căng thẳng: “Tôi không hiểu cô đang nói gì.”
Dáng vẻ tức điên người của bà ta, lại càng giống đang cố gồng mình tỏ vẻ hơn.
Ôn Thư Ninh bật cười: “Tôi còn chưa biết chị đang làm gì mà.”
Đương nhiên, cô ta sẽ không nói cho ông già biết, vì cô ta cầu còn không được! Một đứa trẻ bị bệnh như vậy, dù ông già nhà cô có thích con trai đến mấy đi chăng nữa, cũng sẽ không coi trọng nó.
Trên tầng hai, hai chị em kia lại chĩa mũi giáo đối đầu với nhau.
Sau khi Cẩm Vũ mắc chứng tự kỷ, cậu không thích nói chuyện, chẳng để ý tới người khác, đối xử với ai cũng thản nhiên, thờ ơ. Chỉ có duy nhất lúc nhìn thấy Ôn Thi Hảo là đôi mắt trống rỗng vô hồn kia mới ngập sự phẫn nộ và oán hận.
Ôn Thi Hảo vốn không thích Cẩm Vũ, sau khi cậu tự kỷ, cô ta lại càng ghét hơn: “Trừng cái gì mà trừng!”
Mắc bệnh một năm, người cậu gầy nhom, trợn trừng hai mắt, giọng nói non nớt gằn lên từng từ từng từ một, mắng chửi cô ta: “Người, xấu!”
Thiếu nữ cười nhạt, trong mắt đầy vẻ khinh miệt: “Cút đi, đồ ngu xuẩn!”