Đọc truyện Đường Xưa Mây Trắng – Chương 59: Nhảy Cao Mấy Cũng Rơi Lại Vào Trong Lưới
Vườn xoài của y sĩ Jivaka rất rộng rãi và thanh tịnh.
Rải rác trong vườn có những tịnh thất nhỏ của các vị nữ khất sĩ.Buổi chiều ấy, có một vị nữ khất sĩ trẻ tên là Subha đến xin tham vấn Bụt.
Hồi sáng cô đã bị một thanh niên đón đường và suýt bị thanh niên ấy xâm phạm đến tiết hạnh.
Ni cô xin Bụt đặt ra một pháp chế để bảo đảm thêm sự an ninh cho giới nữ khất sĩ.
Bụt hỏi đầu đuôi câu chuyện.
Ni cô thuật lại với tất cả chi tiết.Hôm qua đi khất thực về ngang một khu hẻo lánh, Subha bị một thanh niên đón đường.
Biết là mình đang lâm vào tình trạng khó khăn, ni cô theo dõi hơi thở để duy trì sự bình tĩnh.
Nhìn thẳng vào người thanh niên, cô hỏi:– Thưa ông, tôi đâu có làm điều gì lầm lỗi mà ông lại chặn đường tôi? Tôi chỉ là một người xuất gia tu hành theo giáo pháp của Bụt.
Tại sao ông lại ngăn không cho tôi đi về tu viện?Người kia nói:– Cô còn trẻ và đẹp lắm.
Tại sao cô lại đi hủy hoại đời mình bằng cách cạo đầu, mặc áo vàng và sống như những người tu khổ hạnh? Này ni cô, đáng lý cái thân hình xinh đẹp của cô phải được khoác lên một chiếc sari lụa mua từ Kasi.
Tôi chưa thấy ai xinh đẹp bằng cô.
Tôi muốn cho cô nếm mùi dục lạc của thân xác.
Cô đi với tôi đi.Subha vẫn bình tĩnh:– Ông đừng có nói bậy.
Người tu hành đã quyết tìm niềm vui nơi cuộc sống giải thoát và giác ngộ.
Năm thứ dục lạc chỉ đưa tới tội lỗi và khổ đau.
Ông hãy tránh đường cho tôi đi.
Tôi sẽ rất cảm ơn sự hiểu biết của ông.Người thanh niên kia nói:– Cô có hai con mắt rất đẹp.
Tôi chưa thấy người đàn bà nào có đôi mắt đẹp như cô.
Tôi dại gì mà để cô đi.
Thôi cô hãy đi với tôi.Và người thanh niên đưa tay ra định nắm lấy cô.
Subha lùi lại một bước.
Cô nói:– Này ông kia, ông đừng chạm tới tôi.
Ông đừng chạm tớimột người tu phạm hạnh.
Tôi đã chán ngấy đời sống dục vọng và hận thù cho nên tôi muốn đi tu.
Ông nói tôi có hai con mắt đẹp.
Thôi để tôi móc hai con mắt của tôi đưa cho ông.
Thà rằng tôi mù còn hơn là để ông chạm tới.Subha nói với giọng cương quyết.
Người thanh niên kia nao núng.
Anh ta biết vị ni cô này có thể nói và làm ngay.
Anh ta lùi lại một bước.Subha tấn công thêm:– Ông đừng vì dục vọng mà tạo nên tội ác.
Ông không biết đức vua Bimbisara đã ra lệnh trừng phạt nặng nề những kẻ phạm pháp hay sao.
Chính tôi, tôi đã chứng kiến những tội phạm bị hành xử.
Nếu ông không tỉnh táo, nếu ông xâm phạm tới phạm hạnh và sanh mạng của tôi, ông cũng sẽ bị bắt và hành xử như những tội phạm ấy.Người thanh niên tỉnh ngộ.
Anh ta hình dung ra được cảnh khổ do dục vọng điên cuồng gây ra.
Anh ta tránh sang một bên đường cho Subha đi.
Rồi anh nói vọng theo:– Tôi xin lỗi sư cô.
Tôi chúc sư cô tu hành cho tới khi thành đạt.Subha đi thẳng, không ngoái nhìn trở lại, lòng dặn lòng sẽ trình lên Bụt trường hợp của mình.Sau khi nghe kể chuyện, Bụt khen ngợi niềm quả cảm và sự thông minh của nữ khất sĩ Subha.
Người nói:– Người con gái đi một mình ở nơi vắng vẻ thì nguy hiểm lắm.
Đó là một trong những lý do tại sao ngày xưa tôi đã ngần ngại chưa muốn cho giới nữ xuất gia.
Này Subha! Từ hôm nay trở đi, đi đâu vị nữ khất sĩ cũng không được đi một mình.
Lội qua một dòng sông, đi vào thôn xóm, băng qua một cánh đồng hay một khu rừng, vị nữ khất sĩ không được đi một mình.
Ngủ cũng vậy.
Trong tu viện, trong tịnh xá, trong thôn lạc hay dưới gốc cây, người nữ khất sĩ không được ngủ một mình.
Phải ngủ với một vị nữ khất sĩ khác để có thể bảo vệ cho nhau.Rồi Bụt quay lại nói với thầy Ananda:– Ananda, thầy nên ghi nhớ điều này và yêu cầu các vị lãnh đạoni chúng đưa điều này vào giới luật của các vị nữ khất sĩ.Rời vườn xoài của y sĩ Jivaka, Bụt lên đường đi Nalanda.
Cùng đi với người, có rất đông các vị khất sĩ.Bụt và các vị khất sĩ đi lặng lẽ và trang nghiêm; ai nấy đều theo dõi hơi thở và nuôi dưỡng chánh niệm.Phía sau lưng các vị, có hai thầy trò vị du sĩ Suppiyo cùng đi.
Họ nói chuyện vang lên suốt cả dọc đường.
Đệ tử của du sĩ Suppiyo là thanh niên Bramadatta.
Đề tài của câu chuyện là Bụt và giáo pháp của người.
Du sĩ Suppiyo cố ý nói lớn để những vị khất sĩ có thể nghe.
Tất cả những lời ông nói đều nhắm tới sự kích bác Bụt và giáo pháp của người.Trong khi đó thì lạ thay, thanh niên Bramadatta lại hết lòng bênh vực cho Bụt và giáo pháp của người.
Bramadatta dùng những lý luận và hình ảnh rất khéo léo để tán dương Bụt và giáo đoàn của người.
Khéo léo đến nỗi tất cả các vị khất sĩ đi trước đó đều có cảm tình với chàng.Chiều hôm ấy Bụt ghé vào nghỉ đêm ở Ambalatthika.
Ambalatthika là một khu vườn rừng rất sum suê và tốt đẹp, chỗ nghỉ mátcủa gia đình hoàng gia.
Vua Bimbisara đã ngỏ ý là các vị tu sĩ của bất cứ giáo phái nào nếu cần sử dụng Ambalatthika thì đều có quyền sử dụng để nghỉ ngơi.
Đêm đó hai thầy trò du sĩ Suppiyo cũng nghỉ đêm tại đấy.Sáng hôm sau các thầy khất sĩ bàn tán với nhau về thái độ hôm qua của hai thầy trò vị du sĩ.
Bụt nghe được những câu bàn tán ấy.
Người bảo:– Này các thầy, khi nghe người ta công kích tôi, phỉ báng tôi, công kích và phỉ báng giáo pháp và giáo đoàn khất sĩ, các thầy đừng buồn, các thầy đừng sinh lòng công phẫn, tức tối hay phiền muộn.
Điều ấy có hại cho các thầy.
Khi nghe người ta khen ngợi tôi, khen ngợi giáo pháp và giáo đoàn khất sĩ, các thầy cũng không nên mừng rỡ, thích thú và mãn ý.
Điều này cũng có hại cho các thầy.
Thái độ đứng đắn là xét xem những điều công kích ấy đúng hay sai, đúng ở chỗ nào, sai ở chỗ nào.
Có như thế quý vị mới có dịp học hỏi để đạt được nhiều tiến bộ.Này các vị khất sĩ! Phần lớn những người khen ngợi Bụt, Pháp và Tăng là những người chỉ thấy được những cái đẹp cái hay nhỏ bé của giáo pháp và giáo đoàn thôi.
Như là nếp sống phạm hạnh, công phu trì giới, đời sống đạm bạc, thái độ thanh thản của chúng ta.
Số người thấy được cái cao siêu mầu nhiệm nhất của giáo pháp mà đem lời ca ngợi thì ít lắm.Tôi muốn nói đến trí tuệ thực chứng của đạo giác ngộ.
Trí tuệ này siêu việt, mỹ diệu, mầu nhiệm, vượt khỏi tầm tư duy và ngôn ngữ của người thường.
Thấy được, hiểu được và chứng được trí tuệ ấy mới có thể biết và thấy được giá trị thật của đạo giải thoát.Này các vị khất sĩ! Trong thế gian có bao nhiêu chủ thuyết và bao nhiêu luận chấp.
Người ta không ngớt công kích và cãi vã nhau vì sự khác biệt của những chủ thuyết và luận chấp ấy.
Các vị khất sĩ, như tôi đã thấy và đã nghe, đã có ít nhất là sáu mươi hai luận chấp làm căn bản cho hàng ngàn chủ thuyết hiện giờ có mặt trong các giới tư tưởng và tôn giáo.
Các vị nên biết rằng trước cái thấy của đạo giác ngộ giải thoát, tất cả sáu mươi hai luận chấp ấy đều có những chỗ kẹt, đều có những chỗ sai lầm.Hôm ấy Bụt nói kinh Phạm Võng.
Người phân tích nội dung của cả sáu mươi hai luận chấp và vạch ra những sai lầm của các luận chấp này.
Có mười tám luận chấp về quá khứ: bốn chủ trương thuyết thường trú, bốn chủ trương thuyết vừa thường trú vừa vô thường, bốn chủ trương thuyết hữu biên và vô biên, bốn chủ trương thuyết ngụy biện và hai chủ trương thuyết không có nhân quả.
Có bốn mươi bốn luận chấp về tương lai: mười sáu chủ trương là còn tri giác sau khi chết, tám chủ trương là không còn tri giác sau khi chết, tám chủ trương là không phải còn cũng không phải không còn tri giác sau khi chết, bảy chủ trương thuyết đoạn diệt và năm chủ trương thuyết hiện tại là Niết bàn.Trình bày xong những sai lầm của sáu mươi hai luận chấp, Bụt nói:– Một người đánh cá giỏi khi quăng lưới xuống hồ tóm được hết tất cả tôm cá hồ vào trong cái màn lưới có mắt lưới sít sao, ông ta nhìn những con tôm con cá đang cố nhảy lên cao để rồi lại rơi mình vào trong lưới, và nói: “Dù các ngươi nhảy cao đến mấy các ngươi cũng vẫn còn nằm trong lưới của ta”.
Ông ta nói đúng.
Hàng trăm hàng ngàn học thuyết đang hiện hành và tranh chấp lăng xăng trong giới triết học và tôn giáo này đều nằm kẹt trong cái lưới của sáu mươi hai luận chấp ấy, không thể nào vượt thoát ra nổi.
Các vị khất sĩ! Đừng đi vào trong cái lưới mê hồn ấy để mất hết thì giờ và cơ hội tu tập đạo giải thoát.
Đừng đi vào cái lưới của sự hý luận.Này các vị khất sĩ! Tất cả những luận chấp kia đều phát sinh do sự lừa gạt của tri giác và của cảm thọ.
Vì không tu tập chánh niệm, vì không quán chiếu nên người ta không biết được chân tướng của tri giác và cảm thọ, do đó đã bị tri giác và cảm thọ lừa gạt.
Nếu thấy được nguồn gốc và bản chất của tri giác và cảm thọ, người ta sẽ thấy được tự tính vô thường và duyên sinh của sự vật, người ta sẽ không bị vướng vào lưới tham ái, lo âu và sợ hãi, người ta sẽ không bị vướng vào cái lưới của sáu mươi hai luận chấp.Hôm ấy đại đức Ananda đã nỗ lực ghi nhớ hết những lời Bụt dạy.
Thầy đi bách bộ và thầm lặng trùng tuyên lại những lời Bụt nói.
Rồi thầy nghĩ: Kinh này quan trọng lắm.
Ta sẽ đặt tên kinh này là Kinh Phạm Võng.
Phạm Võng là cái lưới vĩ đại thu tóm tất cả những chủ thuyết sai lạc trong cuộc đời..