Đọc truyện Đừng Bao Giờ Xa Em (Never Leave Me) – Chương 2
Một tuần sau, thống chế Rommel đến Valmy bằng chiếc Horch đen sồ sộ, theo sau là đoàn xe hộ tống và lúc nào cũng có một chiếc mô tô luân phiên kèm bên cạnh. Không có một nghi thức chào đón nào khi ông bước chân vào toà lâu đài. Kẹp cây gậy bịt bạc trong tay, ông băng qua đại sảnh lát đá. Trông ông thấp người nhưng chắc nịch trong chiếc áo khoác kềnh càng.
− Chúng ta làm việc ngay thôi, Meyer. – Ông nóng nảy tháo đôi găng tay ra, vỗ vỗ vào lòng bàn tay – Chúng ta chỉ có một kẻ thù thực sự, đó là thời gian.
− Xin tuân lệnh ngài thống chế. – Dieter kính cẩn nói, dập hai gót giầy vào nhau rồi dẫn đường vào phòng ăn rộng lớn của Valmy.
Bản đồ được trải ra trên chiếc bàn 20 chân.
Rượu được bày sẵn trên mặt tủ cam mốt thời Louis XV, nhưng Rommel không để mắt tới. Ông không có thời giờ phung phí. Bước thẳng lại bàn ông chăm chú nhìn vào bản đồ.
− Thế nào Meyer, anh có ý kiến gì không?
Chính ông đã yêu cầu chuyển Meyer đến Normandy. Ông biết rõ gia đình và bản thân anh ta rất thích loại sĩ quan như Dieter, bướng bỉnh nhưng thông minh, giàu óc tưởng tượng và can đảm.
Không chút quanh co, Dieter trả lời:
− Thưa ngài, cuộc chiến sẽ được quyết định thắng bại ngay trên bãi biển. Chúng ta chỉ có một dịp duy nhất để chặn quân địch, đó là khi chúng còn đang chở nặng trên biển và lúc đổ bộ. Cánh phòng thủ chính của chúng ta phải nằm ngay trên bờ biển. Nếu có cuộc đổ bộ như thế này, cách duy nhất để dập tan là chặn ngay từ đầu.
Rommel ậm ừ.
− Anh có nghĩ chúng sẽ đổ bộ tại đây không?
− Theo báo cáo khai thác các tù binh chỉ huy quân kháng chiến thì đúng là tại đây.
− Còn những cuộc không tập hàng đêm ở Pas de Calais thì sao?
− Chỉ là trò bịp bợm. – Dieter lạnh lùng quả quyết – Quân Đồng minh đang cố gắng lái sự chú ý của ta ra khỏi mục tiêu thực sự.
Rommel gật đầu. Đáng lẽ đó là chiến lược mà chính ông sẽ sử dụng. Để quân địch khai triển lực lượng vào mục tiêu giả vờ để sơ hở mục tiêu thật.
Dieter nhìn những nếp nhăn căng thẳng trên khuôn mặt tên Tổng tư lệnh và hiểu ra nguyên nhân của chúng. Mặc dù không loan báo chính thức, quân đoàn ba của Đức đang gặp nạn. Hàng ngàn máy bay của phe Đồng minh đang dội bom Đức quốc. Lực lượng hùng hậu của Đức ở Nga đã tiến dần đến kinh thành La Mã. Những đạo quân Đức vĩ đại đang bị đẩy lùi và tiêu diệt khắp mọi nơi. Nước Đức chưa bị đánh bại, nhưng cuộc đổ bộ của đồng minh có tính chất quyết định.
Chính tại bờ biển này, tương lai nước Đức sẽ được định đoạt. Rommel cho rằng cuộc đổ bộ sẽ xảy ra ờ Pas de Calais nhưng Dieter linh cảm điều đó không đúng. Để hạ được quân đồng minh trong cuộc đấu trí này, phải có một nước cờ cao hơn. Theo chiều hướng đó, Dieter càng quả quyết cuộc tấn công sẽ không xảy ra tại địa điểm hiển nhiên đó.
− Không phải tại eo biển hẹp đang bị ném bom dữ dội đó mà tại đây, trên bờ biển thoáng đãng mênh mông của Normandy.
Rommel quét dọc cây gậy từ Schelt ở Hà Lan xuống ngang qua Normandy tới địa phận phía Bắc tỉnh Bri Hany. Trận tuyến bố đổ bộ có khả năng lan rộng ra do đó cần phải bảo vệ tất cả. Ông đập cây gậy vào lòng bàn tay và sải bước đi lại trong phòng.
− Anh đã tới đây được bốn ngày để thanh tra bờ biển? Cần phải làm gì nữa để bảo vệ khu vực này?
Dieter đáp không ngần ngừ.
− Những vùng đất thấp và cửa sông Vire vẫn còn tận dụng được. Ta có thể cho ngập nước nhiều vùng nữa để cản trở đổ bộ của quân nhảy dù và thuỷ quân lục chiến. Còn những cánh đồng trống bên trong sẽ gài mìn và chăng dây. Bấy nhiêu cũng đủ cho chúng một cuộc dàn chào đẫm máu.
Rommel gật đầu. Ông đã đánh giá chính xác viên sĩ quan trẻ này. Ông tiếp tục bước trên sàn lát đá hoa rất đẹp.
− Hãy lo liệu chuyện đó, nhớ gài mìn các dốc đá và đường rãnh từ bãi biển, phải chú ý mọi ngõ ngách, ngay cả những nơi khuất nhất. Chúng ta không nên trông vào sự may rủi.
Ông vỗ vai Dieter nghiêm trọng nói:
− Vận mệnh nước Đức nằm trong tay chúng ta, và chúng ta không thể để quê hương phải thất vọng.
Rommel rời khỏi lâu đài cũng lặng lẽ và nhanh nhẹn như khi đến. Khuôn mặt đẹp của ông trông buồn buồn. Dieter trông theo chiếc xe Horch lướt đi dưới hai hàng cây đoạn. Tin tức của mật vụ không khám phá nổi kế hoạch của quân đồng minh, nhưng chắc chắn Bộ chỉ huy của kháng chiến quân phải được cảnh giác để yểm trợ cuộc tấn công. Nếu nó xảy ra ở Normandy thì các thủ lĩnh bí mật ở địa phương sẽ biết trước hết. Vậy thì hắn phải liên lạc với mật vụ Gestapo ở Caen và Bayeux.
Dieter trở vào lâu đài, gót chân tinh nghịch hất tung những viên sỏi nhỏ. Gia đình hắn thuộc dòng họ lâu đời ở Đức, có thể tìm thấy cái tên ấy một trăm năm về trước trong Bộ phả hệ của dòng họ Gotha. Cha hắn là một quân nhân và ông nội hắn cũng thế. Họ thuộc nhóm sĩ quan căm ghét tụi Đức Quốc xã, và khi chúng trở thành Gestapo, Dieter cảm thấy trong lòng sự khinh miệt đó như ông cha hắn. Vì thế hắn không muốn giao du nhiều với đám thanh niên xấc láo nơi quê nhà, những mối quan hệ đó càng ít càng tốt.
Hắn vừa vào nhà thì Lisette cũng bước tới nấc thang cuối cùng. Tóc nàng bồng bềnh, những sợi tóc xoăn mềm mại và sẫm màu vương nơi gò má. Nàng mặc quần nâu và chiếc áo len mỏng có kẻ sọc trước rất đẹp, đôi giày lấm tấm bùn. Nàng cất xe đạp trong chuồng ngựa bỏ hoang sau lâu đài. Có lẽ nàng vừa ở Sainte-Marie-Des- Ponte về như mọi lần. Đôi mắt to nổi bật trên làn da trắng muốt nhìn hắn lạnh lùng và một niềm khao khát bùng lên như ngọn lửa hừng hực trong hắn.
Hắn phải tự hỏi ở nàng có mãnh lực gì đã kích động hắn đến thế. Với độ tuổi ba hai, hắn không còn thích các cô gái ngây thơ nữa. Trước chiến tranh, hắn giao du rộng rãi và chỉ ân ái với những người đàn bà sành sỏi quyến rũ. Sự ngây thơ chưa bao giờ hấp dẫn. Nhưng từ ngày tới đây, hắn đã giật mình khi nhận ra mình đã quá chú ý đến cô con gái trẻ của ông bá tước.
Ngọn lửa thách thức trong lần đối mặt với nàng ở phòng cha nàng đã làm xao động hắn. Hắn chưa bao giờ thấy một đôi mắt sáng thẫm màu với làn mi dài và cong đến thế. Trông nàng thực rực rỡ với một vẻ linh động huyền ảo không ngừng thôi thúc hắn, dường như nàng đang tắm trong một thứ ánh sáng huyền bí nào đó khiến cho ánh mắt hắn bị cuốn hút về phía nàng. Ở nàng, nét thanh lịch của người Pháp có pha lẫn vẻ xuyềnh xoàng buông thả. Ngay cả chiếc quần nhàu nát và chiếc áo len cũ kỹ vẫn tạo ra một vẻ lịch sự. Dáng dấp quý phái của nàng không phải do y phục tạo ra mà ở chính phong cách ăn mặc của nàng.
Nàng khựng lại, một chân vẫn đặt trên nấc thang cuối, đôi chân dài với động tác uyển chuyển mà nàng không hề hay biết trông thật khiêu khích… Mái tóc đen mượt được giữ lại bằng hai chiếc lược đồi mồi, đôi mắt tím biếc đầy vẻ hận thù.
Hắn nhìn thẳng vào nàng, rồi bước mau qua đại sảnh, vào bàn ăn lớn với một dãy bản đồ xếp ngay ngắn. Đã có khối đàn bà Pháp sẵn lòng, hắn cần gì đụng chạm đến cô trinh nữ của ông chủ nhà bất đắc dĩ kia. Hắn chăm chú nhìn bản đồ, lấy bút chì khoanh tròn một vòng rộng lớn, một nếp nhăn hằn sâu trên trán hắn.
Có thể làm ngập nước thêm một vùng đất phía Đông sông Vire, có thể đặt thêm súng trên dốc đá và nòng súng không hướng ra biển mà chỉa thẳng vào hàng quân đổ bộ dưới bãi. Cây bút chì dao động, hỉnh ảnh nàng lại nhảy múa một cách xảo quyệt trong trí hắn. Môi nàng đầy đặn và mềm mại như những cánh hồng. Không biết đôi môi ấy khi được hôn sẽ như thế nào? Hắn bực bội nguyền rủa mình. Mặc kệ nàng, ta còn có việc khác quan trọng hơn gấp bội để suy nghĩ. Hắn tập trung tinh thần nghiên cứu bản đồ của bờ biển rồi tách ra những vùng yếu điểm và quả quyết rằng nếu quân đồng minh đổ bộ sẽ bị đẩy lùi ra biển.
Lisette chạy lên cầu thang về tới phòng. Mạch máu ở cổ nàng đập dồn dập, hơi thở tắc nghẽn trong lồng ngực. Sự hiện diện của hắn tràn ngập lâu đài này. Nó không còn là của họ nữa mà là của hắn. Hắn ngang nhiên đi từ phòng này sang phòng khác và ra lệnh cho đặt khoá vào cửa phòng ăn, chiếm căn phòng nhìn ra eo biển Anh quốc, lễ phép một cách chiếu lệ và luôn luôn ngấm ngầm ý đe dọa.
Nàng đóng cửa phòng ngủ, đến bên cửa sổ nhìn ra mũi đất lộng gió ngoài khơi. Paul đang sửa chữa chiến lũy phòng thủ ở Vierville, chắc chắn đó là lệnh của Meyer. Đám tùy tùng của hắn đã đến lâu đài Valmy như nàng được biết trước. Khoảng sân trải đá cuội phía sau lâu đài ít khi vắng xe cơ quan và mô tô, còn khu nhà xung quanh sân của hai mươi người lính.
Nàng áp mặt vào khung kính mát rượi. Chuyến viếng thăm đột ngột của Rommel đã khẳng định nghi ngờ của nàng. Vậy là Meyer tới đây để giám sát chiến lũy phòng thủ bờ biển. Có nghĩa là các tướng lãnh Đức tin rằng cuộc đổ bộ của quân đồng minh sẽ diễn ra tại Normandy. Nàng gõ móng tay vào cửa kính, đầu óc rối bời. Tin này London rất quan tâm đây, nhưng không có Paul thì nàng không thể chuyển nó đi được. Vì sự an toàn của nàng và những người khác nàng cũng không biết Paul làm việc với ai. Đó là nguyên tắc của kháng chiến quân để tồn tại và phát triển. Sự bí mật là lẽ sống còn của họ.
Ngay cả các thủ lãnh cũng không biết gì về nhau ngoài các bí danh. Mỗi nhóm chỉ biết công việc của nhóm mình. Và nếu có sự phản bội, nó sẽ không liên luỵ đến nhiều người. Lòng băn khoăn, nàng rời cửa sổ. Cuộc đổ bộ này chỉ là một tin đồn nhưng quân Đức đang tin tưởng vào điều đó. Nếu đó là sự thật thì việc quân Đức chưa biết thời gian và địa điểm xảy ra cuộc đổ bộ rất quan trọng, vì nếu bị lộ nó sẽ là thảm họa cho phe đồng minh. Và tại Valmy, trên chiếc bàn ăn rộng lớn kia là những bản đồ và giấy tờ có thể sẽ liên quan đến kế hoạch của quân đồng minh.
Ánh mắt nàng lộ vẻ bồn chồn. Cha nàng đã hứa sẽ thu nhặt tin tức mà ông có thể tìm được, nhưng căn phòng Meyer đã khoá lại, thêm một tên lính canh ngoài cửa phòng. Không thể há miệng chờ sung được, phải tạo lấy cơ hội thôi. Nàng lặng lẽ đi nhanh qua hành lang xuống cầu thang đến phòng đọc sách.
− Ba ơi, con muốn nói chuyện với ba. – Nàng không ngồi xuống – Nhưng không phải ở đây, ra vườn ba nhé.
Ông bá tước gật đầu. Cuộc viếng thăm của Thống chế Rommel đã gây chấn động. Dù Meyer phụ trách công tác gì đi nữa, đó cũng phải là việc quan trọng. Ông cảm thấy cuộc sống ngày một bấp bênh hơn. Tên lính gác ngoài phòng ăn gườm gườm nhìn theo khi họ băng ngang đại sảnh như thể chính họ mới là kẻ chiếm đoạt. Ngọn lửa giận dữ bốc cao trong nàng và Lisette phải nghiến chặt hàm răng lại để khỏi buông lời chửi rủa. Tụi Đức có mặt khắp mọi nơi, chúng lên xuống rầm rập trên cầu thang dẫn vào phòng Meyer, dí nát những mẫu tàn thuốc dưới gót giày khi qua lại ở hàng hiên và xả rác khắp lối đi. Ông bá tước giữ chặt tay nàng khi qua nhà bếp để vào sân sau.
− Phải chịu đựng con ạ. Đó là cách duy nhất để chúng ta có thể sống lâu hơn chúng. – Cha nàng nhỏ giọng.
− Con căm thù bọn chúng. – Lisette giận dữ. Họ đang bước trên khoảng sân trải đá cuội, mặt trời tháng hai giá buốt – Chúng nhởn nhơ khắp nơi trong ngôi nhà này. Chúng ta không còn chút tự do nào cả.
− Rồi chúng ta sẽ tự do. – Cha nàng an ủi, gương mặt khắc khổ đanh lại – Trong khi chờ đến lúc đó, chúng ta phải biết ơn thái độ lịch sự của thiếu tá Meyer.
Bên kia khoảng sân là bãi cỏ trải dài đến tận hàng hiên và khu rừng chìm ngập trong sắc hoa hồng. Một cái gì dâng lên trong cổ Lisette khi họ bước về phía khu vườn. Nàng thù ghét Meyer vô cùng. Nhưng nàng không thể coi thường hắn như đối với những kẻ khác được. Hắn có lối nhìn làm nàng hoàn toàn bối rối, không ai có thể làm nàng nghẹt thở khi đối mặt như hắn. Sự hiện diện của hắn mà ngôi nhà này không còn là của họ. Nàng tỏ một thái độ dữ dội đối với hắn.
− Chúng ta chẳng có gì phải biết ơn hắn cả. – Nàng run giọng nói.
Ông bá tước xuống bậc thang phủ đầy rêu dẫn đến những luống hoa hồng đang phô bày vẻ đẹp đài các. Vào mùa hè màu sắc linh động hơn. Ông thích các loại hoa hồng thời trước, loại Gloire de Dijon chỉ phơn phớt hồng. Nhưng giờ đây, những bụi hồng trở nên cằn cỗi xác xơ, chỉ có những nụ xanh bụ bẫm là hứa hẹn một tương lai rực rỡ.
− Nhà mình có nhiều thứ quý giá nhưng chưa có món nào bị phá hủy. – Ông kiên nhẫn nói, lòng thầm ước phải chi lúc nãy ông có mặt áo khoác vì ánh mặt trời chẳng mang lại chút hơi ấm nào cả – Chúng ta không bị dời vào khu người làm để dành phòng cho lính của ông ta.
Còn con và mẹ cũng không bị đối xử… bất nhã. – Ông đưa tay lên che mặt. Lạy chúa, ông nghĩ đến những câu chuyện lỗ mãng và tàn bạo, những vụ hãm hiếp… – Ít ra, lính của Meyer khá kỷ luật.
Cách đây mấy hôm, khi ông bước vào nhà bếp, Meyer theo sau, Marie đang bê một cái soong nặng trên lối đi. Cái soong nóng bỏng và không còn chỗ nào đặt xuống, Marie đã lên tiếng xin lỗi nhưng mấy tên lính vẫn cố ý ngồi chắn lối, chúng cười hô hố khi thấy vẻ khổ sở của bà. Bàn tay xương xẩu của Marie bắt đầu lỏng ra dưới sức nặng của cái soong. Meyer bước vào, hắn bắt hai tên lính phải xin lỗi bà ngay lập tức khiến chúng ê mặt vì xấu hổ. Ông bá tước chứng kiến từ đầu chí cuối rất hài lòng. Những hành vi xấu xa của bọn lính dù nhỏ nhặt cũng không thoát khỏi đôi mắt khinh bỉ của Meyer, bọn lính cũng khốn khổ vì hắn. Nhưng khi bọn lính ra khỏi phòng. Meyer không hề xin lỗi ông. Hắn không cần làm thế vì hắn biết Valmy làm gì còn tự do khi hắn cùng bọn lính đến ở đây. Và việc này đã làm ông bá tước vô cùng cảm kích.
− Meyer mời ba đến uống rượu cognac sau bữa cơm tối nay.
Lisette lặng người đi bàng hoàng.
− Ba đã nói với con ba sẽ không bị mua chuộc bằng vẻ lịch sự của hắn mà! Ba quên hắn là ai rồi sao? Một tên Đức! Hắn không có quyền ở Valmy! Mời ba đến uống rượu ngay trong nhà của mình. Hắn muốn sỉ nhục chúng ta, ba không thấy sao?
Đôi lông mày bạc của ông bá tước nhướng lên:
− Vậy thì việc ba vào phòng hắn là điều sỉ nhục à?
Lisette nhìn ông ngờ vực:
− Liệu hắn sẽ…? Có phải vì vậy mà ba nhận lời không?
− Dù sao càng gần hắn ba càng có khả năng lấy tin tức cho Paul hơn.
Lisette khoác tay cha và tiếp tục bước.
− Hắn sẽ chẳng hé điều gì với ba đâu. – Nàng quả quyết – Hắn không phải thuộc loại người dễ khai thác cho dù có đổ cho hắn bao nhiêu rượu cognac đi nữa, những gì chúng ta cần, nằm ngay sau cánh cửa khóa chặt của phòng ăn lớn.
− Phải! – Cha nàng trầm ngâm – Một loạt chìa khoá và một tên lính gác… Một vấn đề nan giải đấy, nhưng không hẳn là không thể nào được.
Lisette nhìn cha cười trìu mến.
− Đúng, nếu chúng ta cương quyết ba à.
Họ tiếp tục dạo bước trong khu vườn hồng vắng lặng. Đầu nàng ngẩng cao, đôi lông mày sáng rực lên vẻ chiến thắng.
Sáng hôm sau, Lisette đạp xe ngang qua khu rừng sồi đến Saint-Marie-Des-Ponts.
Nàng nhìn những đóa hoa với đôi mắt khoan hoà hơn tuần trước. Thiếu tá Dieter Meyer chịu trách nhiệm trực tiếp với Rommel về việc củng cố chiến lũy phòng thủ bờ biển. Điều đó đã chắc chắn, nàng phấn khởi lướt nhanh qua cầu, rồi đến những đám thủy tiên vàng rực, hoa nghệ tây màu tím thẫm. Kể từ giờ nàng không còn là một liên lạc viên tầm thường nữa mà là mật thám. Nếu may mắn nàng sẽ bắt được những tin tức quan trọng.
Hàng cây bị cắt ngọn dọc theo phố Saint Marie với những cành lá đan bện với nhau đã nhú lên những chồi non xanh xanh. Qua khoảng sân đá lát cuội vào quảng trường, nàng dừng lại dựng xe, vào quán cà phê. Bây giờ là mùa xuân, có lẽ là mùa xuân cuối cùng họ phải sống trong cảnh chiếm đóng của quân Đức. Một ý nghĩ gây hưng phấn cho con người, Lisette bước vội vào quán, lòng càng thêm phấn chấn khi nghe giọng nói quen thuộc của Paul.
Anh ta đứng dựa vào quầy rượu bọc thiếc nói chuyện với Andre, chiếc quần nhung kẻ sọc luộm thuộm đã bạc màu vì bụi bặm ở Vierville. Paul đeo kính, dáng cao gầy, chiếc sơ mi và tay áo vét lúc nào cũng ngắn củn trên cổ tay. Paul sinh ra và lớn lên tại Saint Marie.
Anh ta là một thầy giáo khá quen thuộc trong vùng tuy hơi cách biệt.
Bọn trẻ đang ăn trưa còn Paul thì ở tại quán. Đó là nơi dân làng thường đem mọi chuyện ra tán gẫu.
Lissette đưa mắt ra hiệu với Paul. Anh ta cười đáp lại và vẫn tiếp tục câu chuyện. Nàng đảo mắt quanh tiệm cà phê. Bà Chamot và bà Bridet ngồi ở bàn trong góc, giỏ đi chợ ở dưới chân. Trước mặt họ là hai tách rau diếp xoăn đã vơi đi một nửa. Lão Bieriot ngồi một mình với cái bánh mì baguette, miệng thở khò khè. Và một người lính đứng gần cửa đang gặm bánh croissant mắt nhìn ra phía quảng trường.
− Ông Andre, cho tôi một ly rượu hồi. – Nàng ngồi cùng bàn với hai người phụ nữ.
− Chào cô Lisette. – Bà Chamot lên tiếng, chiếc áo khoác nỉ đen cài nút đến tận cổ, mái tóc xám được búi lên gọn gàng – Bà bá tước thế nào hả cô?
− Thưa bác, mẹ cháu khoẻ ạ. – Lisette đáp, thầm mong tên lính bỏ đi để nàng có thể nói chuyện với Paul.
− Xin chúc mừng. – Giọng bà có vẻ nghi ngờ, làm sao một người khó tính và quý phái như bà bá tước de Valmy có thể thoải mái khi đám súc vật này đang giày xéo ngôi nhà mình. Bà ném một cái nhìn hằn học về phía tên lính. Hắn đang dùng mu bàn tay quẹt vụn miếng bánh ở miệng rồi thơ thẩn quay gót ra ngoài đường.
− Bọn khốn kiếp. – Giọng nàng đầy ngụ ý – Bà có thấy không, bà Bridet? Hắn không bao giờ biết trả tiền. Giá tôi là đàn ông, tôi sẽ chỉ cho chúng cách xử sự.
− Nếu bà có thể uy hiếp tụi Đức như đối với chồng bà, thì chiến tranh sẽ kết thúc vào lễ Phục sinh đấy. – Andre ngoác miệng cười khi đặt ly rượu hồi trước mặt Lisette.
− Ôi chà! – Bà Chamot tỏ vẻ chán ghét, đứng dậy cầm lấy giỏ – Tinh thần tôi còn phải chiến đấu nhiều hơn ông đấy, Andre Caldron à! Ông phải biết hổ thẹn với chính mình chứ, của đâu mà nuôi không tụi Đức như vậy! Xin chào cô Lisette. Đi thôi, bà Bridet, còn nhiều việc phải làm, không thể nhong nhong cả ngày như một số người tôi biết đấy.
Khệ nệ với những món đồ mua sắm, hai người đàn bà khệnh khạng bước ra ngoài khi Andre quay lại quầy rượu. Paul nhanh nhẹn bước tới bàn ngồi đối diện với Lisette.
− Tôi có nghe nói về vị khách của cô. Hắn thế nào? Tình hình có tệ lắm không?
Lisette hất những lọn tóc xoăn lòa xoà trước mặt.
− Có thể chịu đựng được. – Đôi mắt sẫm màu lộ vẻ ghê tởm – Thiếu tá Meyer đã trưng dụng toà lâu đài, lính của hắn ở dãy phòng của gia nhân quanh sân sau.
− Cô sẽ bị giám sát kỹ hơn và mọi việc sẽ trở nên khó khăn hơn. – Pual nói, anh nghĩ tới chuyến đi nguy hiểm đến Bayeux và Trevieres.
− Tôi không nghĩ như vậy, chẳng có ai để ý đến tôi đâu. Có gì mà phải để ý chứ? Tên thiếu tá không nhận lệnh của mật vụ Gestapo ở Vierville, hắn chịu trách nhiệm trực tiếp với tướng Rommel.
Paul ngồi im lặng, ánh mắt sắt bén. Andre đã quay lưng lại và đang huýt sáo trong khi đang xếp lại quầy rượu. Ông lão Bieriot đang ngủ gà ngủ gật.
− Nhiệm vụ của hắn là tăng cường chiến lũy phòng thủ bờ biển. Cách đây ba ngày, đích thân Rommel đã đến Valmy. Ông ta và Meyer làm việc gần một tiếng trong phòng ăn. Có rất nhiều bản đồ, tôi đảm bảo mà, bản đồ và kế hoạch.
Paul lần túi thuốc là và hộp diêm.
Giọng nàng quả quyết:
− Meyer đã đặt một ổ khoá và cho lính gác ngoài cửa 24/24, chắc chắn là có tin quan trọng, Rommel không đến chơi suông đâu.
Paul nhìn nàng tư lự. Anh hiểu Lisette muốn đề nghị chuyện gì, nhưng nàng không có kinh nghiệm, và nếu như nàng bị bắt… Anh cố gạt đi hồi ức về hình ảnh toàn bộ chi bộ Argnet bị xếp hàng xử bắn tại trụ sở Caen chỉ vì một mắc xích trong chuỗi dây đã long ra.
− Nguy hiểm lắm. – Paul nói, anh đưa điếu thuốc lên môi rít mạnh một hơi trong lúc tâm trí vẫn miên man suy nghĩ.
Nếu nàng nói đúng thì tin của Meyer quan trọng vô cùng. Nhưng việc thâu nhặt tin tức và chuyển đến cho quân đồng minh là cả một vấn đề. Nó quyết định sự thành công hay thất bại sẽ biến giấc mơ hung tàn của Đức quốc xã thành một thực tại khủng khiếp.
Anh cảm thấy ớn lạnh. Lisette còn trẻ quá, nàng không đủ kinh nghiệm để đảm nhận một công việc to tát như thế.
− Một gián điệp giỏi có thể đóng vai đầu bếp trà trộn vào Valmy.
− Không được đâu, Paul, sẽ bị nghi ngờ đấy.
− Không được thì thôi. – Paul cương quyết – Chúng ta phải biết tụi quỷ này đang âm mưu gì và chúng biết gì về dự tính của quân đồng minh.
Nàng khẽ nhíu mày:
− Nhưng nếu Rommel đang tập trung về Normandy thì càng có lợi cho ta chứ sao. Mọi người đều biết cuộc đổ bộ sẽ xảy ra ở Pas de Calais mà.
Paul nhìn nàng, đôi đồng tử thu hẹp lại như đầu đinh ghim.
− Không ai có thể biết cuộc đổ bộ sẽ xảy ra khi nào và ở đâu. Nhưng… tôi chỉ ví dụ thôi nhé, nếu con Cáo già Sa mạc (biệt danh của Rommel) đoán đúng thì kết quả sẽ là một thảm họa.
Mặc dầu áo khoác rất dày, Lisette vẫn rùng mình. Dường như cả định mệnh nước Pháp đang trút cả lên vai nàng và Paul.
− Meyer rất khôn ngoan và nhạy bén. Hắn không dễ gì chấp nhận một gia nhân mới chỉ qua bề ngoài thôi đâu.
Lisette nắm chặt tay lại khi nhớ đến giây phút khốn khổ trong phòng cha, đôi mắt xám cứng rắn của Meyer như muốn lột trần nàng ra, hắn biết ngay là nàng nói dối và hiểu rõ lý do hiện diện của nàng ở đó.
− Như thế chỉ làm hắn nghi ngờ thêm, mọi biện pháp an ninh sẽ được tăng cường và ngay cả một con chuột cũng không thể len lỏi vào phòng ăn được.
Nàng nghiêng người về phía Paul, mắt cầu khẩn:
− Ba tôi đang lấy lòng Meyer. Hắn đã mời ông đến uống rượu cognac sau bữa ăn tối. Nếu có thể làm gì giúp được chúng ta, ba tôi sẽ cố gắng ngay. Ông đã hứa với tôi rồi.
Paul cựa quậy một cách khó chịu trên chiếc ghế sắt. Theo anh, có lẽ ông bá tước làm việc khả quan hơn kháng chiến quân, uống rượu cognac với một tên Đức có vẻ là hợp tác hơn là làm gián điệp.
− Nếu ngài thiếu tá của cô là con cưng của Rommel thì nguồn tin hắn đem lại rất quan trọng. Chúng ta cần có nó. Cha cô không phải là thành viên của kháng chiến quân. Ông không có kinh nghiệm trong công việc này. Nhiệm vụ phải được giao phó cho một người trong chúng ta.
Mắt nàng ánh lên giận dữ:
− Meyer không phải là thiếu tá của tôi. Paul Gilles. Còn cha tôi hoàn toàn đáng tin cậy. Tôi đặt cuộc đời tôi để đảm bảo với anh đó.
Paul mỉm cười chua chát, đôi môi mỏng cất giọng lạnh lùng:
− Nhưng đặt sự tin cậy vào ông ấy, chúng ta sẽ đánh cược đời sống của tất cả mọi người.
Cơn giận của nàng chùn bước. Paul nói đúng. Trái tim đang điều khiển những phản ứng của nàng chứ không phải lý trí. Lisette đút sâu hai tay vào túi áo. Nàng đưa mắt nhìn ra ngoài cửa quán, ở bên kia, công trường có trồng cây bao quanh, một tên lính Đức nhởn nhơ cưỡi xe mô tô. Hai người phụ nữ khi nãy xách giỏ về nhà. Bà Pichon vội vã đi về hướng nhà Telliers, nơi bà Telliers sắp sanh lần nữa.
Nàng đã chờ Paul hơn một tuần, tin tưởng anh ta sẽ chỉ dẫn những gì cần làm tiếp khi biết nàng đã làm những chuyện đó. Vậy mà bây giờ nàng lại bác bỏ những lời khuyên của anh ta. Lisette tin rằng mình biết rõ Paul, rằng nàng và cha không cần sự giúp đỡ, tất cả những gì họ cần chỉ là để chuyển tin tức đến tay quân đồng minh bên kia eo biển được an toàn. Lisette thở dài, nàng vuốt những sợi tóc lòa xoà trước mặt. Paul nói đúng, cả nàng lẫn cha nàng đều không phải là những tay gián điệp thực thụ và điều này tùy thuộc ở nàng, để trợ giúp Paul những gì anh ta thấy cần.
Lisette thôi nhìn tên Đức và khoảng không công trường ngập nắng. Nàng quay lại hỏi Paul với một vẻ duyên dáng, thừa nhận sự thất bại:
− Anh cần tôi làm gì hả Paul?
Paul mỉm cười. Anh không phải là người cuồng nhiệt. Nhưng từ lâu anh phải chào thua trước vẻ quyến rũ của Lisette. Tính thẳng thắn và chân thành ở nàng đã khuất phục được anh cũng như riềm mi dài, nổi bật trên làn da trắng toàn bích kia. Chỉ một lúc thôi, nếu Paul không tin rằng nàng chỉ xem anh như một người anh lớn tuổi, có lẽ anh đã từ bỏ những tháng ngày độc thân của mình. Nụ cười Paul phai nhạt. Thật may mắn vì Lisette chỉ nghĩ đến anh trong tình thân mật anh em. Bá tước Henri de Valmy hẳn sẽ chẳng coi anh giáo làng là một lựa chọn xứng đáng trong việc hôn nhân của cô con gái duy nhất đâu.
Paul tỉnh mộng, trở về thực tại:
− Marie là người giúp việc duy nhất ở Valmy à?
Lisette gật đầu.
− Ai lo việc nấu ăn?
− Mẹ tôi.
Paul cố kìm hãm sự ngạc nhiên. Không ngờ bà bá tước thanh lịch lạnh lùng như thế lại quen thuộc với việc bếp núc.
− Vậy tối nay, khi cha cô uống rượu với tên thiếu tá, ông phải nói rằng sức khoẻ mẹ cô đang suy yếu, việc chiếm đóng ngôi nhà khiến sức khoẻ bà giảm sút nhanh chóng. Và với sự đồng ý của Meyer, ông sẽ mướn cô cháu gái của Marie làm đầu bếp.
− Marie có cháu gái à? – Nàng hỏi, đôi lông mày bóng mượt nhướng lên vẻ chế giễu.
Paul cười:
− Bây giờ thì có. Cô đừng lo những câu hỏi về Marie hoặc ai khác. Đó là phần của tôi. Chỉ cần ba cô gợi ý cho tôi.
− Khi nào cô cháu Marie đến? – Lisette vừa nói vừa đứng lên.
− Đừng nói chuyện với cô ấy. Cô ấy từ Caen tới để nấu ăn và cô cứ đối xử với cô ấy như một đầu bếp.
Lisette ngần ngừ, mày vẫn nhíu lại, nàng cúi nhìn Paul, mái tóc dày rũ xuống hai bên má.
− Nếu có cơ hội nào chỉ có cha tôi hay tôi có thể lợi dụng được thì sao?
Khuôn mặt xương xương của Paul bỗng già hẳn đi. Anh đáp gọn:
− Cứ hành động. Chào cô Lisette, chúc may mắn.
Lisette bước ra ngoài, dưới những tia nắng lạnh lẽo của mặt trời. Nàng lại đạp xe trên con đường rải đá cuội, niềm lạc quan của nàng đã tiêu tan. Khi nào cô cháu gái của Marie đặt chân đến Valmy, cuộc sống của mọi người bắt đầu bị đe dọa, không chỉ cho cha nàng, cho nàng mà cả mẹ nàng nữa. Ấn mạnh chân xuống bàn đạp, Lisette chạy xe ra khỏi quảng trường, qua những con đường hẹp và tiến lên cầu. Giá mà có cách nào dễ hơn. Nhưng nàng đã hết sức cố gắng mà chẳng tìm ra cách nào khác.
Tên lính đi mô tô nhìn Lisette rời quán cà phê. Hắn chờ thêm một chút. Một lát sau, Paul bước ra, hắn đạp máy ra trước khi Lisette kịp tới khu rừng sồi hắn đã rú ga phóng ra khỏi làng theo hướng ngược lại. Hắn chạy vòng tới con đường cấm thường dân, một con đường ngoằn ngoèo dọc theo dốc đá dẫn đến Valmy.
− Anh có chắc chắn biết mục đích cuộc viếng thăm của nàng không? – Dieter đột ngột hỏi.
Tên binh nhì đứng nghiêm trong phòng làm việc – nơi đã từng là chốn riêng biệt của bá tước Henri de Valmy mỗi khi ông muốn tách rời cuộc sống.
− Thưa ngài, vâng. Cô ta có nói chuyện với hai người đàn bà trong giây lát, nhưng mắt lại nhìn về phía Gilles. Ngay khi hai người đàn bà đi khỏi, Gilles đến ngồi chung bàn với cô ta.
− Khoảng bao lâu?
− Cỡ 30 phút thưa ngài.
Dieter cau mày. Có thể là cuộc hò hẹn của tình nhân, nhưng hắn nghi ngờ chuyện đó, không thể tưởng tượng một cô gái trưởng giả như Lisette de Valmy lại quan hệ với anh giáo làng lênh khênh đó.
Đắm chìm trong ý nghĩ ấy. Dieter đuổi tên lính đi. Hắn vừa làm một chuyến công du chẳng vui vẻ gì và đã khám phá ra tên giáo làng ờ Saint-Marie-Des-Ponts đứng đầu danh sách những người bị tình nghi là thành viên của kháng chiến quân. Thế mà Lisette lại đạp xe có chủ đích tới gặp hắn ở Vierville. Dieter ngồi xuống bên chiếc bàn Biedermeir, gõ gõ cây bút bạc lên mặt bàn vẻ mặt trầm ngâm.
Cái tên Lisette không nằm trong danh sách những người bị tình nghi, nhưng nàng thường đạp xe dong dong hàng giờ ở Saint-Marie-Des-Ponts và các vùng phụ cận để thăm viếng dân làng. Có lẽ tên lính gác địa phương ít chú ý việc đi lại của nàng. Điều đáng ngờ làm đôi hàm hắn bạnh ra. Nhưng lần này, Dieter thầm mong ước hắn dự đoán sai mặc dù hắn biết rõ khả năng quyết đoán của mình luôn luôn chính xác.
− Ba nói là ông ta sẽ ăn tối với chúng ta sao? – Lisette hỏi cha, lòng kinh hoàng – Ba không thể muốn thế! Ba đừng mong chúng ta ngồi ăn chung với hắn.
− Ông ta ở đây và chúng ta phải xử sự cho tốt. – Cha nàng kiên nhẫn nói – Cho đến bây giờ ông ta vẫn đối xử kính trọng với gia đình mình và không có gì khác hơn là làm theo yêu cầu đó.
Lisette cố gắng nói nhưng không thể được, cổ họng nàng như nghẹn lại vì ghê tởm và sợ hãi… Và còn cái gì nữa, một điều gì mập mờ và đáng sợ làm nàng không thể thốt lên dù chỉ là một tiếng kêu.
− Con không thể… con có cảm tưởng như mình đang cộng tác với địch. – Cuối cùng nàng thì thào.
Ông bá tước choàng tay qua vai nàng.
− Con không nên nghĩ như vậy, con yêu của ba. Đó là một cơ hội tốt để tin rằng mẹ con đang yếu và nhà mình cần được sự giúp đỡ.
− Hắn không tin ba đâu. – Nàng hạ thấp giọng gần như không nghe thấy – Con đã bảo Paul là hắn không tin chúng ta nhưng anh ấy chưa gặp hắn, anh ấy…
− Rồi ông ấy sẽ tin thôi. – Cha nàng bình thản đáp – Đó là sự thật, thế thì tại sao Meyer không tin được chúng ta?
Lisette nhớ lại ánh mắt Meyer nhìn nàng qua chiếc giường phủ drap bằng lụa.
− Vì hắn là người không bao giờ bị gạt gẫm bởi sự giả dối. – Nàng quay đi, một cảm giác sợ hãi chạy dọc theo xương sống.
Trái với thói quen hằng ngày, nàng đã thay đồ cho bữa tối nhưng không xuống phòng ăn. Phải xem hắn như một vị khách quý thay vì một kẻ xâm lược thô lỗ chuyên quyền quả là quá sức chịu đựng của nàng. Lisette bồn chồn đi lại trong phòng ngủ. Nàng đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ về phía eo biển đen như mực. Giá mà người Anh và người Mỹ có thể đến đây, giá mà, máy bay và các đạo quân có thể liên tục vượt qua vùng biển hẹp ngăn cách giữa Pháp và Anh này. Nàng ép chặt đầu ngón tay vào khung cửa sổ lạnh giá. Một giải nước hẹp mong manh thế này mà Hitler không thể nào chọc vỡ được. Nước Anh vẫn còn tự do. Tự do, nàng bám chặt hai chữ đó. Rồi một ngày kia nước Pháp sẽ tự do.
Nàng quay khỏi cửa sổ, hai tay đan chặt vào nhau, tự hỏi không biết cha nàng đã đề cập đến việc thêm gia nhân mới với Meyer hay chưa. Liệu hắn có đồng ý và cho ông tự mướn người lấy không. Nỗi lo lắng dằn vặt nàng, dù sao Meyer cũng không phải kẻ khờ. Nàng tưởng tượng hắn đang vui vẻ đồng ý việc mướn một đầu bếp mới. Rồi khi cha nàng đang say sưa đắc thắng thì nàng gần như nghe thấy một giọng nói lạnh lùng nham hiểm, nó khiến nàng phải rùng mình: Chính hắn sẽ mướn một người đàn bà thích hợp. Không nghi ngờ gì nữa, hắn đã đánh bại âm mưu của cha nàng và tìm thấy trong cái trò hề gián điệp này có một chút gì để giải khuây.
− Quân khốn kiếp! – Nàng rít lên giận dữ.
Cây kim của chiếc đồng hồ sứ có phần gỗ thếp vàng chỉ chín giờ mười lăm. Có lẽ Meyer đã rời phòng điểm tâm, nơi gia đình nàng hiện giờ phải dùng để ăn cả ba bữa trong ngày. Phải chịu đựng sự hiện diện của hắn là điều hết sức khổ sở cho bà mẹ quí phái và khó chịu của nàng. Không nén được nữa, Lisette mở cửa phòng ngủ bước nhanh ra hàng lang.
Nàng theo những bậc thang dẫn vào đại sảnh. Cửa phòng điểm tâm mở nhưng căn phòng trống rỗng. Thở phào nhẹ nhõm, nàng băng qua đại sảnh và tiến vào phòng khách chính, nàng bỗng sửng người lại. Căn phòng mái cao bỗng sáng bừng lên trong ánh lửa của lò sưởi và đèn dầu mà mẹ nàng rất thích. Cha nàng đang đứng ung dung trước lò sười, một tay cầm ống pip, tay kia đút túi quần. Ông vui vẻ nói:
− Lisette là tay trượt tuyết của gia đình. Chúng tôi đã chơi nhiều trong những dịp nghỉ lễ ở Gstaad.
Ông chợt ngừng lại ngước nhìn nàng vẻ lúng túng.
Thiếu tá Meyer ngồi trên chiếc ghế dựa cao bọc da ở bên trái lò sưởi, tay cầm một ly cognac, nút áo cổ không cài, vẻ thư thái hiện trên khuôn mặt như tạc bằng đá hoa cương.
Cả một lúc lâu chỉ có sự im lặng ngột ngạt bao trùm căn phòng, trừ Meyer vẫn thoải mái.
Rồi cha nàng gượng gạo nói:
− Vào đi con. Ba vừa kể cho ông thiếu tá biết con là một tay trượt tuyết cừ khôi.
Nàng hít một hơi thở sâu để lấy bình tĩnh rồi bước tới. Họ đang cần Meyer cho phép một người đầu bếp mới vào lâu đài Valmy. Một người lạ để đánh bại bất kỳ mục đích nào mà hắn đang lăm le. Nàng ngồi xuống cạnh mẹ, lưng thật thẳng, điệu bộ lạnh lùng của mẹ nàng không tiết lộ chút gì sự xáo trộn trong tâm hồn bà.
Dieter liếc nhìn nàng rồi quay sang ông bá tước. Hắn vừa nhẹ nhõm vừa thất vọng khi thấy nàng không tham dự bữa ăn tối. Dĩ nhiên là hắn biết lý do. Nàng bị nhức đầu, cách giải thích lịch sự của cha nàng cũng chẳng lừa nổi một đứa trẻ. Nàng không chịu đựng nổi sự đối mặt với kẻ chiếm đoạt nhà nàng và quê hương nàng. Hắn cũng không thể trách móc nàng được. Nếu ở trong hoàn cảnh nàng, hắn cũng làm vậy, có thể còn tệ hơn.
Câu chuyện đầu bữa ăn chỉ là những chuyện khách sáo. Ông bá tước đã cố hết sức để tỏ ra là một chủ nhà niềm nở. Nhưng bà bá tước không thể nào gia nhập trò chơi này được. Dòng máu quý phái đã tạo cho bà một vẻ lịch thiệp, nhưng thật ra đó chỉ là sự lạnh nhạt, nó làm tê cóng những ai ít tự tin hơn hắn. Lòng tự tin đó hắn không hề phải cố gắng để đạt được mà chỉ vì hắn đã hiểu rõ ràng họ đang ở cùng một thế giới và một tầng lớp xã hội.
Dieter xuất thân từ dòng dõi thượng lưu ở Đức, một đại điền chủ thuộc gia đình Junker trong một khuôn mẫu cổ kính. Thế chiến thứ nhất đã thay đổi cách sống của họ nhưng không thể phá huỷ nó. Gia đình hắn ở một lâu đài có hào bao quanh thuộc vùng ngoại ô Queimar, một vùng phong kiến tráng lệ, lạnh thấu xương và thiếu vệ sinh. Meyer đã sống thời thơ ấu ở đó. Nhưng mẹ hắn ít khi ra khỏi căn phòng xa xỉ và tiện nghi của bà ở Under den Linden. Khi Dieter được chín tuổi, hắn đã là một người dân Berlin tự tin và thạo đời.
Truyền thống gia đình đã định hướng cho đứa con trai theo binh nghiệp, nhưng cha Dieter xấu hổ vì điều kiện của hiệp ước Versailles và hoảng sợ vì nạn lạm phát vĩ đại năm 1923 đã làm nhiều người phải phá sản, đã phá vỡ truyền thống đó và thay vì gừi Dieter vào trường thiếu sinh quân, ông gởi hắn vào một trường nội trú duy nhất và đắt tiền nhất Châu Âu – Trường Le Rosey tại Thuỵ Sĩ – nơi các giáo sư cũng thuộc dòng máu quý phái như dòng máu Quittelsbach của bên ngoại hắn. Trường Le Rosey bảo đảm rằng không một ai có thể làm hắn mang mặc cảm thấp kém về địa vị xã hội ngay cả ông bà bá tước.
Mặc dù vì lý do chính trị, Dieter không còn trưng cái tên VON quí phái cùng với họ của hắn nữa. Nhưng chỉ vài giây sau, ông bà bá tước hiểu rằng vị khách bất đắc dĩ này cũng cùng giới với họ. Điều này làm hắn cảm thấy dễ chịu vì không phải phô trương vẻ giả tạo thường lệ của một đảng viên Đức quốc xã. Nếu trong một hoàn cảnh khác, Dieter sẽ là người ông bá tước rất thích. Khi khám phá hắn cũng say mê môn polo như mình và đã từng tham dự các vòng đua danh tiếng nhất ở Đức, ông suýt quên khuấy mất hắn là kẻ thù. Nhưng ánh mắt sửng sốt và trách móc của con gái đã đưa ông về thực tại.
− Trước chiến tranh, thiếu tá Meyer cũng thường trượt tuyết ở Gstaad. – Ông cố gắng nói trọn câu nói rời rạc của mình.
Lisette vẫn ngồi im, nàng đã mang cái mặt nạ lịch sự và lạnh lùng.
− Ông thường ở lại Steigenberger.
Lisette nhăn mặt. Steigenberger. Khách sạn xa xỉ nhất ở Gstaad đứng sừng sững như một hộp chocolate vĩ đại trên sườn dốc phía nam, nơi nàng đã trải qua những ngày nghỉ lễ thời thơ ấu. Viên thiếu tá đã từng đến đó đã làm ô uế những kỷ niệm hạnh phúc của nàng. Lisette bắt gặp ánh mắt cầu khẩn của cha. Ông cần nàng hợp tác ư? Có lẽ Meyer chưa chịu nhận cháu gái Marie làm đầu bếp.
− Ở đó rất tuyệt vời.
Nhưng tiếng nói phát ra không lạnh lùng và vô cảm như nàng chủ định. Giọng nàng lung linh dường như có sương khói và cả nhịp đập rộn ràng của trái tim để trở nên uyển chuyển.
Hắn đã quyết định không để ý gì đến nàng. Nhưng nàng quá xáo động, quá khiêu khích đến độ thơ ngây. Một khúc gỗ thông đổ xuống kêu lắc rắc, bắn ra những tàn lửa tung lên tận ống khói lớn và tỏa khắp phòng một mùi cay hăng hăng. Nhận xét của nàng chưa hẳn là lời phê bình. Hắn khẽ nhún vai và định quay lại nói vài câu bâng quơ. Nhưng hắn chạm phải ánh mắt nàng và một niềm khao khát mãnh liệt xoáy dâng lên. Một niềm khao khát trần trụi và nguyên thủy đến nghẹt thở.
− Chủ nhân ở đó là một gia đình bạn bè tôi. – Sự cố gắng để kìm chế cơn xao động khiến giọng hắn trở nên khàn khàn.
Căn phòng dường như thu hẹp lại. Nàng biết rõ gia đình nàng. Họ không phải là những loại người tán thành quan điểm của Đức quốc xã. Nhưng không phải vẻ sửng sốt của ông bà bá tước hay vì Meyer có quen biết những người này làm nàng cảm thấy yếu ớt đi. Đó là một cái gì khác nữa, một thứ cảm xúc không tên luôn tái hiện và chế ngự nàng mỗi khi có sự hiện diện của hắn.
Trước đây, nàng đã từng thù ghét, căm hận; nhưng chưa bao giờ có một cảm xúc làm thể chất nàng yếu ớt đi như vậy. Nàng thù ghét bọn chúng khi hai phần ba dân làng Saint-Marie-Des-Ponts bị lùa đi lao động cưỡng bức. Và nàng thù ghét chúng chỉ vì chúng đã làm ô uế Valmy. Nhưng đó là mối căm thù lạnh lùng, giết người, một mối thù không hề làm nàng có cảm giác bị điều khiển khi Meyer nhìn nàng với đôi mắt sáng, cương nghị và một thân hình thon chắc uyển chuyển như một con báo vồ mồi.
Nàng cố gắng nói nhưng không thể thốt lên lời nào. Cha mẹ nàng đang ở trong một khoảng không mơ hồ, và nàng chỉ ý thức được thiếu tá Meyer, với mái tóc vàng óng lên như một chất vàng bóng mờ trong ánh lửa, với những đường nét đầy nam tính luôn hiển hiện trên khuôn mặt rắn rỏi, với đôi vai mạnh khoẻ, đẹp đẽ nâng ly rượu cognac và ý thức rõ rệt về sức mạnh được kiềm chế trong cơ thể đó. Vẻ đàn ông ở hắn đã khuất phục nàng và đột nhiên nàng hiểu ra. Trong khoảnh khắc của một sự thật hiển nhiên quá tàn nhẫn, nàng la lớn. Nàng đã hiểu cái cảm xúc làm nàng xấu hổ mỗi khi gặp hắn. Đó không phải là sự căm thù. Đó là sự khao khát về thể xác.
− Lisettes, con mệt à? – Cha nàng lo lắng bước tới.
Nàng hơi nhỏm dậy, vùng vẫy để tìm chút không khí, khuôn mặt nhợt nhạt như xác chết.
− Không… Xin đừng… Con xin lỗi.
Người run lẩy bẩy và gạt tay cha ra. nàng chỉ biết mình phải thoát khỏi căn phòng ngay, thoát khỏi sự hiện diện của thiếu tá Meyer, thoát khỏi một sự thật trớ trêu của cuộc đời.