Đọc truyện Đức Phật Và Nàng – Chương 94
Có Rajiva làm chứng, Diêu Hưng không thể không tin, nhà vua vui mừng
phong quan cho Mộ Dung Siêu, còn ban phủ đệ cho cậu ta nữa. Nhưng chỉ
vài ngày sau khi gia đình Mộ Dung Siêu chuyển tới nơi ở mới, người ta đã kháo nhau tin đồn động trời. Mộ Dung Siêu đụng phải kẻ thù không đội
trời chung là Hách Liên Bột Bột trên đường đi, hai bên lời qua tiếng
lại, rồi lao vào đấm đá. Mộ Dung Siêu bị đánh trọng thương, thành ra ngớ ngẩn.
Diêu Hưng sai người đến kiểm tra nhiều lần, Mộ Dung Siêu không nhận
ra bất cứ ai, mẹ và vợ cậu ta đau lòng khôn xiết. Cậu ta hóa điên, lang
thang trên phố xin ăn, bị dân chúng Trường An khinh miệt.
Diêu Hưng cho người điều tra việc này, được biết Mộ Dung Siêu và Hách Liên Bột Bột trước đó đã có mối thâm thù, nhà vua cảm thấy nuối tiếc,
trách móc Hách Liên Bột Bột đôi câu. Một kẻ điên khùng thì
không thể trở thành con tin đem ra trao đổi với Mộ Dung Đức được, Diêu
Hưng từ đó, không thèm để ý đến Mộ Dung Siêu nữa.
Em trai Diêu Hưng là Diêu Thiệu thấy chuyện này có điều gì bất ổn,
khuyên Diêu Hưng nên khống chế Mộ Dung Siêu bằng tước vị. Vua Diêu Hưng
nghe theo lời khuyên, đến gặp Mộ Dung Siêu một lần nữa, nhưng
bộ dạng điên dại ngớ ngẩn của Mộ Dung Siêu khiến nhà vua bực bội, chán
nản, bèn nói rằng: Ngạn ngữ có câu “da tốt không bọc cốt hư”,
nhưng tên Mộ Dung Siêu này, vẻ ngoài tốt mã mà bên trong thì
như rơm rạ mục ruỗng. Ngạn ngữ kia không đúng chút nào.
Diêu Hưng thu hồi phủ đệ đã ban cho Mộ Dung Siêu, từ đó về sau không
thèm ngó ngàng đến cậu ta nữa. Mộ Dung Siêu cùng người nhà trở lại cảnh
sống nghèo khổ như xưa, nhưng đổi lại, cậu ta được tự do.
Từ khi gia đình Mộ Dung chuyển đi, tôi đã không qua lại với họ. Cuối
tháng sáu, em bé trong bụng Sơ Nhụy đã được gần chín tháng, tôi bận rộn
chuẩn bị cho sự ra đời của đứa trẻ. Vì tôi biết mình không thể sinh nở
được nữa, nên tôi rất kỳ vọng vào đứa bé trong bụng Sơ Nhụy. Tiếc là,
tôi chỉ còn một tháng nữa ở đây…
Rajiva nói với tôi, được biết, vào tháng bảy hàng năm, Khâu Từ thường tổ chức lễ hội Sumuzhe rất linh đình, vua Diêu Hưng lấy làm ngưỡng mộ.
Hiện nay quốc thái dân an, nên nhà vua muốn học theo Khâu Từ, tổ chức lễ hội Sumuzhe vào tháng bảy tới đây tại Trường An. Thông tin này khiến
tôi vui mừng khôn xiết, nhẩm tính thời gian thì vừa hay, tôi có thể ở
lại đây cho đến khi lễ hội kết thúc.
Tôi bồi hồi nhớ lại lễ hội Sumuzhe ở Khâu Từ. Năm đó có Pusyseda vui chơi cùng tôi, những tháng ngày trẻ trung, sôi nổi, vô lo vô nghĩ ấy
nay đã thành kỉ niệm. Chàng trai hào hoa, phóng khoáng năm đó, nay cũng
đã hơn năm mươi tuổi rồi. Không biết ở nơi xa xôi ngàn dặm, gia đình cậu ấy có được mạnh khỏe, bình an không? Thấy tôi thổn thức, Rajiva biết
tôi đang nghĩ gì, chàng cười bảo, chàng sẽ đưa tôi đi chơi trong lễ hội
Sumuzhe sắp tới, để tôi không phải tiếc nuối khi trở về.
Cả tôi và Rajiva đều biết, ngày tháng li biệt không còn bao lâu nữa.
Nhưng chúng tôi không muốn thể hiện nỗi buồn ra bên ngoài mà thay vào đó là nụ cười hạnh phúc dành cho nhau mỗi ngày. Được sống bên nhau dù chỉ
nửa năm, chúng tôi cũng biết ơn Phật tổ lắm rồi, và không còn mong cầu
gì nữa.
Không khí trên núi Chung Nam Sơn rất mát mẻ, dễ chịu. Sau một buổi
trưa thanh nhàn, thư thái, Hô Diên Tĩnh bất ngờ xuất hiện ở nhà tôi, hai mắt đỏ hoe:
– Cô cô, cầu xin cô hãy khuyên bảo em Siêu giúp cháu, em ấy chỉ nghe lời cô mà thôi…
Cô ấy nghẹn ngào, lắp bắp. Tôi lắc đầu, tỏ rõ thái độ rằng tôi không quan tâm đến chuyện của cậu ta nữa.
Hô Diên Tĩnh rút ra một chiếc khăn giấu trong tay áo, đưa cho tôi:
– Cô cô, em ấy, em ấy, ngày nào cũng nhìn ngắm chiếc khăn này…
Là chiếc khăn tay mà tôi đưa cho cậu ta lau mồ hôi lúc trước. Tôi lắc đầu, mệt mỏi đáp: – Đừng gọi ta là cô cô nữa, ta không còn quan hệ gì
với nhà Mộ Dung.
Tôi định ra ngoài, Hô Diên Tĩnh cuống cuồng chặn đường tôi, gào khóc thảm thiết:
– Từ sau khi cháu được cô cô đưa ra khỏi cung đến nay, em ấy… chưa từng đụng vào cháu…
Tôi giật mình, sau đó thì lắc đầu:
– Ta không giúp cháu việc này được…
Hô Diên Tĩnh đã khản giọng, nhìn tôi trừng trừng, gắng sức gào lên:
– Cô cô, em ấy thích cô nên mới như thế…
Tôi xót xa nhìn cô gái khổ sở vì yêu ấy, bình tĩnh nói:
– Tĩnh à, trong lòng cậu ta, ngai vàng mới là quan trọng nhất. Sở dĩ
cậu ta làm vậy, vì cậu ta không muốn sinh con ở Trường An mà thôi…
Hô Diên Tĩnh ngơ ngác nhìn tôi hồi lâu, sau đó cúi đầu khóc lóc. Tôi thở dài, nhẹ nhàng khuyên nhủ:
– Tĩnh à, cháu về đi, cô sẽ không can dự vào bất cứ chuyện gì của Mộ
Dung Siêu nữa. Ngày sau, nếu cậu ta có người phụ nữ khác, cháu phải gắng mà nhẫn nhịn…
– Phu nhân ơi, nguy rồi! Cô gái người Lương Châu mười bốn tuổi hớt ha hớt hải lao vào phòng, thiếu chút nữa thì vấp ngã:
– Chị Sơ Nhụy đột nhiên chảy rất nhiều máu, em bé nguy mất…
Tôi thất kinh, mặc Hô Diên Tĩnh ở đó, ba chân bốn cẳng lao đến phòng Sơ Nhụy.
Chương 94: Cặp song
sinh ra đời
Tình trạng của Sơ Nhụy
rất nguy cấp, cô ấy quằn quại vì đau đớn. Thân dưới ra máu, nước ối đã vỡ,
loang trên giường. Tôi cho người đi mời bà đỡ, bố trí người chuẩn bị khăn vải
sạch đã được luộc qua nước sôi, dây buộc, dao, kéo, nước sôi và rượu trắng. Tôi
động viên Sơ Nhụy giữ bình tĩnh, dạy cô ấy cách đếm số để ổn định nhịp thở.
Khi bà đỡ tới nơi, tôi
yêu cầu họ mặc quần áo đã được khử trùng, sau đó tôi theo sát họ để phụ giúp.
Tôi rất bối rối, vì tôi không phải bác sĩ, những kiến thức về sinh nở mà tôi
biết đều nhờ đọc sách, nên cũng chỉ hiểu một cách tương đối. Khi tôi sinh con,
trung tâm nghiên cứu đã chuẩn bị cho tôi những thiết bị y tế hiện đại nhất và
các bác sĩ đầu ngành, nên tôi không phải chịu đau đớn, khổ sở như Sơ Nhụy. Vào
thời cổ đại, mọi thứ đều lạc hậu thiếu thốn, Sơ Nhụy lại đẻ non ngót một tháng, nên tôi thực sự lo lắng cho sự an nguy của mẹ và em bé.
Hai bà đỡ bận bịu luôn
chân luôn tay, ngoài việc nhắc nhở họ phải sử dụng các vật dụng đã qua tiệt trùng,
tôi chẳng giúp được gì cả, chỉ biết nắm chặt tay Sơ Nhụy, cổ vũ, động viên cô
ấy.
Sau hơn hai giờ đồng
hồ, cửa mình của Sơ Nhụy mới chịu mở ra, tử cung bắt đầu co thắt. Tôi chèn rất
nhiều gối xuống dưới phần cổ và bảo cô ấy há miệng, hít thở nhanh, nhưng
không được quá mạnh, và tuyệt đối không được nín thở. Một giờ sau, đầu
của đứa trẻ bắt đầu thò ra ngoài.
Bà đỡ nhanh nhẹn gỡ bỏ
màng thai bám trên người em bé, sau đó, gạt cuống rốn quấn chặt phần cổ của em
bé sang bên, bàn tay đỡ phía dưới gáy em bé, từ từ kéo em bé ra ngoài, cắt cuống rốn, lau sạch đờm nhớt trong miệng, nâng chân em bé lên, vỗ vào
bàn chân.
“Oa”, em bé kêu lên
một tiếng, tuy tiếng kêu yếu ớt như tiếng mèo con, nhưng cũng đủ khiến tôi thở
phào nhẹ nhõm. Bà đỡ tắm rửa cho em bé, quấn bọc ủ ấm, rồi trao cho tôi.
Đó
là một bé trai. Chú bé đỏ hỏn, nhíu mày, rồi òa khóc oa oa, rất khó nhận biết
chú bé giống ai. Tôi ôm bé đến bên người mẹ lúc này đang gần như kiệt sức, mỉm
cười. Sơ Nhụy gắng gượng mở mắt nhìn con, nước mắt tuôn rơi lã chã. Không muốn
cô ấy xúc động mạnh, liền trao đứa trẻ cho bà đỡ.
Tôi
căn dặn bà đỡ tiếp tục chờ đợi, vì còn một thai nhi vẫn chưa ra. Các bà đỡ nhìn
tôi kinh ngạc, nói rằng, hình như không thấy có động tĩnh gì cả. Tôi nói với
họ, đây là một cặp sinh đôi. Chúng tôi chờ hơn hai tiếng đồng hồ sau đó, Sơ
Nhụy mới tiếp tục lên cơn co thắt dữ đội. Sơ Nhụy đã gần như kiệt sức cho lần
sinh thứ hai này. Cô ấy chuyển dạ đau đớn suốt hơn hai giờ đồng hồ, mà đứa bé
vẫn nằm yên trong bụng. Đã hơn ba giờ đêm, nếu tiếp tục thế này, cả mẹ và em bé
sẽ nguy mất.
Bốn
giờ sáng, em bé mới chịu chui ra, lúc này Sơ Nhụy mềm nhũn như sợi bún, bất
tỉnh nhân sự. Bà đỡ làm cách nào đứa bé cũng không chịu khóc. Tôi chợt nghĩ, có
lẽ vì dịch đờm trong miệng em bé quá nhiều, không suy nghĩ gì thêm, tôi cúi
xuống, ghé miệng vào miệng em bé, hút hết nước ối và dịch đờm trong miệng em bé
ra ngoài, sau đó thận trọng làm các động tác hô hấp nhân tạo. Cuối cùng, thì em
bé cũng bật khóc.
Tôi
vui mừng khôn xiết, nhưng đột nhiên đầu óc tôi quay cuồng, sau đó trời đất tối
đen như mực trước mắt tôi, bên tai tôi văng vẳng tiếng kêu gào hốt hoảng của ai
đó: Phu nhân! Tôi không cất tiếng nổi, giọng nói của tôi, cơ thể tôi nặng như
đeo đá, không sao gượng dậy được nữa…
Lúc
tỉnh lại, tôi thấy gương mặt đầy lo âu của Rajiva, chàng nắm chặt tay
tôi, mắt thâm quầng. Thấy tôi thức giấc, chàng mừng rỡ, cuống cuồng cho tôi
uống thuốc. Chàng nói rằng tôi đã hôn mê mười mấy tiếng đồng hồ. Cặp song sinh
của Sơ Nhụy tuy sức khỏe yếu ớt nhưng đều bình an vô sự. Chỉ có điều, trước lúc
chuyển dạ, Sơ Nhụy đã bị trúng độc, nên lúc này, cô ấy đang trong tình trạng
nguy cấp.
Tôi
hoảng hốt, muốn ra khỏi giường, đến thăm cô ấy. Nhưng Rajiva đã ngăn tôi lại,
bảo rằng tôi không hiểu về y thuật, có đến đó cũng không giúp được gì. Chàng đã
mời ngự y trong cung tới cứu chữa cho cô ấy.
Bỗng
có tiếng gõ cửa, gương mặt hốt hoảng của Lạc Tú xuất hiện. Thấy tôi đã tỉnh
lại, cô bé mắt đỏ hoe, khóc mếu:
–
Phu nhân ơi, chị Sơ Nhụy nguy mất, chị ấy bảo muốn gặp phu nhân…
Tôi
cuống quýt kéo tay Rajiva, thấy tôi khẩn thiết van nài, chàng gật đầu, dìu tôi
đến phòng Sơ Nhụy. Mặt mũi cô ấy tái dại, nhợt nhạt, môi thâm tím, thoi thóp
thở. Cô ấy gắng gượng hé mắt khi tôi gọi khẽ, sau đó nhìn ra xung quanh. Tôi
hiểu ý, bèn bảo mọi người có mặt trong phòng khi đó ra ngoài, nhưng
Rajiva không yên tâm về tôi nên vẫn kiên trì ở lại.
–
Phu nhân…
Sơ
Nhụy run rẩy chìa tay về phía tôi, tôi nắm lấy bàn tay cô ấy:
–
Chính Yến Nhi…
Tôi
không hiểu, băn khoăn nhìn Sơ Nhụy.
–
Sáng hôm đó… Yến Nhi mang bánh ngọt đến… em ăn xong liền… đau bụng dữ dội.
Tôi
kinh hoàng:
–
Yến Nhi ư? Cô ta không có thù hằn gì với em, sao lại làm vậy?
–
Lưu Bột Bột. Mấy ngày trước, em bắt gặp bọn họ đi cùng nhau… Hắn đã cấu kết với
Yến Nhi…
Tôi
sững sờ. Lại là Yến Nhi! Hết dụ dỗ Rajiva, rồi quyến rũ Mộ Dung Siêu, bây giờ
lại đến Hách Liên Bột Bột! Tuy căm giận, nhưng tôi vẫn đủ tỉnh táo để nghĩ đến
vấn đề này: Cứ cho Yến Nhi là kẻ lẳng lơ, đa tình, cứ cho là việc cô ta lén lút
qua lại với Hách Liên Bột Bột đã bị Sơ Nhụy bắt quả tang, nhưng cũng không thể
vì thế mà hạ độc tàn bạo như vậy.
Nhận
thấy vẻ nghi hoặc trong mắt tôi, Sơ Nhụy gắng gượng giải thích:
–
Yến Nhi… xưa nay vốn hám của… tham quyền, chắc chắn Lưu Bột Bột đã hứa hẹn… gì
đó với cô ta, và sai khiến cô ta… hãm hại em.
–
Nhưng vì sao?
Thở
ra nặng nhọc, cô ấy phải dừng lại nghĩ một lát rồi mới tiếp tục:
–
Công ơn của phu nhân đối với em như núi cao biển sâu… chuyện đã đến nước này…
em không muốn giấu phu nhân thêm nữa. Hai đứa bé này… là cốt nhục của Lưu Bột
Bột.
Tôi
gật đầu. Từ khi vô tình nghe được cuộc đối thoại của hai người trước cổng nhà
Hách Liên Bột Bột, tôi đã đoán định, hắn chính là kẻ khiến Sơ Nhụy có bầu.
Mắt
Sơ Nhụy đột nhiên sáng lên một cách kì lạ, không biết cô ấy lấy đâu ra sức lực
để có thể ngồi dậy như thế. Tôi lấy gối kê xuống lưng cho cô ấy, lòng đau như
cắt, vì biết rằng, đó là dấu hiệu của người sắp ra đi…
–
Lưu Bột Bột bỏ ra rất nhiều tiền chuộc em ra khỏi kỹ viện, mục đích là để tặng
cho Bệ hạ. Trước khi em vào cung, Lưu Bột Bột và em đã qua lại với nhau. Hắn bảo
muốn học theo Lã Bất Vi, nếu em được Bệ hạ sủng ái, thì đứa bé em sinh ra sẽ
trở thành Hoàng tử. Hắn sẽ dốc toàn lực để đưa con trai mình lên ngôi…
Sơ
Nhụy hổn hển, như thể sợ rằng nếu không gắng gượng sẽ không kịp nữa. Tôi đưa
nước cho cô ấy, nhưng cô ấy không uống mà tiếp tục câu chuyện:
–
Nhưng sau khi em vào cung, Bệ hạ không hề đoái hoài đến ca hát nhảy múa, nên em
không có cơ hội gặp ngài. Mà bụng bầu của em thì cứ ngày một lớn lên. Đúng lúc
em rối trí không biết phải làm sao thì bị đưa đến chỗ pháp sư. Phu nhân nhân
đức cho phép em đi, em những tưởng Lưu Bột Bột sẽ đón nhận em, nào ngờ, hắn trở
mặt, tuyệt tình. Hôm đó, hắn đã định giết em, may mà phu nhân kịp thời đến cứu…
Nhờ có pháp sư và phu nhân, em được sống những ngày yên ổn ở đây chờ sinh nở.
Em vốn định sinh xong sẽ đưa con trốn khỏi Trường An. Nào ngờ, bọn họ không
chịu buông tha cho em, ngay cả con đẻ của mình hắn cũng không tha…
Những
giọt nước mắt cay đắng lăn dài trên gò má Sơ Nhụy, đôi mắt lờ đờ như sắp cạn
sinh khí, vậy mà cô ấy đột nhiên nắm chặt tay tôi, gào lên quằn quại, dữ dội:
–
Cầu xin phu nhân nhận nuôi hai đứa trẻ đáng thương này. Ngày sau, xin đừng cho
chúng biết về người cha ác tâm của chúng. Hắn không xứng đáng…
Cánh
tay buông thõng, cô ấy ngã vật xuống. Tôi kêu khóc gọi tên Sơ Nhụy, nhưng cô ấy
không hề phản ứng. Rajiva vội vã bước đến, đặt ngón tay vào mũi cô ấy. Lát sau,
chàng thu tay lại, nhíu mày, lắc đầu, rồi chàng bắt đầu chắp tay, lầm rầm tụng
niệm.
Tôi
trân trối nhìn cô gái vừa trút hơi thở cuối cùng ấy, Rajiva đến bên, đỡ tôi tựa
vào ngực chàng, người tôi mềm nhũn, dường như không còn sức lực. Rajiva ôm vai
tôi, khuyên tôi về phòng nghỉ ngơi, chàng sẽ sắp xếp mọi việc.
Tôi
gần như kiệt sức, nhưng vẫn gắng gượng nói với chàng:
–
Rajiva, em muốn đặt tên cho hai đứa bé là Dung Tình và Dung Vũ, được không?
Nắng mưa vô định, đời người là bể khổ. Cầu mong sao hai đứa trẻ này được bình
an đi hết chặng đường đời khắc nghiệt, dung hòa được mọi nắng mưa.
Rajiva
hôn lên trán tôi, gật đầu khẽ đáp:
–
Được, sau khi nàng ra đi, ta sẽ nuôi nấng, dạy dỗ Dung Tình, Dung Vũ nên người.
Dù có thể ta không được thấy chúng trưởng thành, nhưng ta sẽ ủy thác cho
người đáng tin cậy chăm sóc chúng. Nàng hãy yên tâm.
Tôi gắng gượng ngước nhìn chàng, gương mặt nhân hậu của chàng chập chờn những
lớp ảo ảnh chồng lên nhau. Ảo ảnh dao động, bên tai tôi là tiếng gọi hốt hoảng
của chàng. Tôi không đứng nổi, dường như ai đó bế tôi lên, sau đó tôi không
biết gì nữa.
Tôi
tỉnh dậy vào buổi chiều ngày hôm sau, Rajiva không rời tôi nửa bước. Tôi muốn ngồi
dậy, nhưng chàng giữ tôi lại, vuốt nhẹ má tôi, giọng trầm ấm:
–
Ngải Tình, đến lúc nàng phải đi rồi.
Tôi
giật mình, ngẩng lên. Ánh mắt chàng chất chứa tâm tư, nhưng trấn tĩnh lạ lùng:
–
Nàng đã lại chảy máu mũi lúc hôn mê… Tôi cắn môi, hít một hơi, mỉm cười đáp: –
Vâng. Nhưng phải chờ sau khi lễ hội Sumuzhe kết thúc. Chúng ta giao hẹn rồi.
Chàng
trầm tư một lúc, chuốt lại những sợi tóc rối bời dưới trâm cài của tôi, mỉm
cười dịu dàng: – Vậy nàng phải tuân thủ điều kiện này. Tôi nhìn chàng chờ đợi.
Chàng gõ nhẽ vào mũi tôi, cất giọng dịu dàng:
–
Nàng phải nằm yên trên giường tĩnh dưỡng cho đến ngày khai mạc lễ hội. Ta sẽ
thay nàng sắp xếp việc hậu sự của Sơ Nhụy và cả việc chăm sóc hai đứa trẻ, nàng
không cần bận tâm. Nếu nàng không chịu, ta sẽ buộc nàng phải trở về thời đại
của nàng ngay.
Tất
nhiên là tôi chịu. Suốt mười mấy ngày sau đó, tôi ngoan ngoãn ở yên trên giường
tĩnh dưỡng theo sự căn dặn của Rajiva. Lạc Tú thỉnh thoảng lại bế hai đứa bé
đến cho tôi cưng nựng. Hai đứa bé xinh đẹp lạ thường, chỉ có điều sức khỏe vẫn
còn yếu. Cũng may chúng được chăm sóc rất tốt, nên chẳng bao lâu sẽ cứng cáp
hơn lên.
Lạc
Tú rất yêu chiều hai đứa trẻ, ngày nào cũng theo sát vú nuôi đòi chơi đùa với
chúng. Cô bé mới mười bốn tuổi, nhưng tỏ ra già dặn rất nhiều khi chăm sóc Dung
Tình, Dung Vũ. Gương mặt của cô bé ngày càng trở nên xinh đẹp, chỉ vài năm nữa,
chắc chắn sẽ là một mĩ nữ. Tôi nói với cô bé rằng, tôi sắp về nhà mẹ đẻ, không
thể ở bên để giúp cô bé, nên cô bé phải tự tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Ngày
sau nếu ưng ai, hãy nói với pháp sư, ngài nhất định sẽ tác hợp cho cô bé.
Lạc
Tú đỏ ửng hai má khi nghe tôi nói, một lúc lâu sau mới khẽ gật đầu. Tôi mỉm
cười, cô bé này thật dễ bảo, dễ thương.
Yến
Nhi biệt tăm biệt tích ngay sau ngày Sơ Nhụy chuyển dạ. Sau đó, Lạc Tú có gặp
cô ta ở vườn Tiêu Dao, quả nhiên là cặp kè với Hách Liên Bột Bột, được hắn cưới
làm vợ thứ hai mươi. Lạc Tú bảo rằng, trông thấy cô bé, Yến Nhi cúi mặt và vội
vàng bỏ đi.
–
Không biết cô ta có gặp ác mộng mỗi đêm không?
Lạc
Tú bất bình lên tiếng.
Yến
Nhi hám hư vinh, muốn dùng tuổi xuân của mình để đánh đổi, nên không ngừng tìm
kiếm người đàn ông có tiền và có quyền, những điều này tôi đều có thể tha thứ.
Nhưng vì muốn vào được phủ tướng quân mà cô ta đang tâm giết hại
người khác, hành vi này quá ư tàn độc. Nếu theo thuyết nhân quả, thì sớm
muộn cô ta cũng sẽ bị quả báo.
Yến
Nhi nhất thời mê muội không thể hiểu rõ Hách Liên Bột Bột là người như
thế nào. Ngay cả cha vợ, người đã nuôi hắn trưởng thành mà hắn còn không tha,
giết người đã trở thành thú vui của hắn, sống với hắn, khác nào sống với một
con hổ dữ. Rất có thể, chẳng bao lâu nữa hắn sẽ giết người, diệt khẩu.
Sau
khi kết thúc hơn mười ngày tĩnh dưỡng, tôi theo Rajiva đến Trường An vào ngày
trước khi lễ hội Sumuzhe bắt đầu. Xe ngựa đưa chúng tôi tới thành Trường An vào
buổi chiều, tôi vén rèm cửa nhìn ra ngoài, trên con phố chính, bà con tấp
nập chăng đèn kết hoa, chờ đón ngày khai mạc. Bảy, tám năm sau, Diêu Hưng sẽ
mỏi mệt, kiệt quệ vì bị Hách Liên Bột Bột dắt mũi chạy khắp nơi bằng chiến lược
đánh du kích trường kỳ của hắn, thế nước ngày một suy yếu. Nhưng vào thời điểm
này, người dân Trường An vẫn hân hoan với đời sống an cư lạc nghiệp, nên ai nấy
đều tươi cười hớn hở, chào hỏi nhau ân cần, niềm nở. Cả thành phố háo hức chờ
đợi ngày hội Sumuzhe náo nhiệt.
Khi
xe ngựa lăn bánh đến lầu trống, tôi bỗng nghe có tiếng chửi bới ở phía trước.
Tôi tò mò nhìn ra, thì thấy một đám đông, tiếng ai đó quát tháo:
–
Tướng mạo tuấn tú, lại là con cháu Hoàng tộc Tiên Tì, vậy mà ngươi hèn
hạ, kém cỏi như thế, đi cướp mấy cái bánh màn thầu đã ôi thiu của mấy người ăn
mày.
Bên
cạnh có người phụ họa thêm:
–
Đúng thế. Ngày mai là lễ hội Sumuzhe, không thể để tên điên khùng này khiến cho
mọi người mất hứng.
Tôi
giật mình, nhìn về phía trung tâm của đám đông. Một bóng dáng cao lớn, ăn vận
rách rưới, ngồi thu lu bên đường, tóc dài che khuất gương mặt. Người đó thản
nhiên gặm chiếc bánh màn thầu đã mốc đen, vẻ mặt ơ hờ như thể chẳng có chuyện
gì đang xảy ra chung quanh.
Phu
xe lớn tiếng kêu mọi người tránh đường, bóng dáng cao lớn ấy đưa mắt về phía
chúng tôi, đằng sau những lọn tóc lòa xòa là một gương mặt lấm lem bùn đất, tôi
lập tức nhận ra, đó là Mộ Dung Siêu.
Cậu
ta giật mình, bật dậy, chạy về phía chúng tôi, dang rộng hai tay chặn xe ngựa
lại, miệng hô lớn:
–
Quý bà trong xe làm ơn cho tôi xin ít tiền lẻ.
Phu
xe rút ra mấy đồng xu, đưa cho cậu ta, nhưng cậu ta không chịu nhận, mà tiếp
tục hô lớn:
–
Tôi muốn quý bà trong xe cơ, tôi chỉ muốn quý bà trong xe cho tiền thôi.
Đám
đông được một trận cười hỉ hả, phu xe nghiêm mặt quát: – Câm miệng! Ngươi có
biết ai ngồi trong xe không hả?
–
Trường Lạc!
Tôi
ngắt lời người phu xe, vì không muốn dân chúng Trường An biết trong xe có cả
Rajiva. Rajiva đứng lên, nhưng tôi đã giữ chàng lại, gật đầu với chàng, rồi vén
rèm, bước xuống.
Trông
thấy tôi, dáng điệu lom khom khi nãy biến mất, Mộ Dung Siêu vươn thẳng lưng,
nhìn tôi không chớp mắt, ánh mắt khó hiểu.
Tôi
lại gần cậu ta, đưa cho cậu ta mấy đồng xu, cất giọng thờ ơ:
–
Này chú, cầm lấy đi mua bánh mới mà ăn, ăn màn thầu ôi thiu sẽ bị đau bụng đấy…
Cậu
ta chìa bàn tay két bẩn, đen sì định đón lấy, nhưng chừng như chợt nhớ ra điều
gì, liền rụt tay lại, chùi mấy lần vào áo, rồi mới cầm tiền. Khi chạm vào tay
tôi, cậu ta khẽ run lên, ánh mắt u buồn, miệng lắp bắp, chừng như muốn nói điều
gì đó nhưng không sao mở miệng được.
Chính
tôi đã mách nước cho cậu ta rằng, phải giả điên để đánh lạc hướng Diêu Hưng.
Khi ấy, cậu ta chỉ do dự trong giây lát liền gật đầu đồng ý. Tôi đã hỏi cậu ta:
–
Vở kịch này cậu phải diễn trong vòng hai năm, cho đến khi chú cậu cử người đến
đón cậu. Cậu có nhẫn nhịn nổi không? Cậu ta cúi đầu suy nghĩ hồi lâu, rồi mỉm
cười xót xa:
–
Cô cô, hai năm có là bao, cháu làm được!
Nụ
cười của cậu ta khi ấy giống hệt với nụ cười tê tái của Sính Đình lúc cầu xin
tôi giúp con trai. Cứ nghĩ đến nụ cười ấy tôi lại thấy xót xa. Tôi nghiêng đầu,
hít một hơi thật sâu, khép mắt, thở dài:
–
Đừng lang thang trên phố nữa, người thân sẽ lo lắng…
Cậu
ta bất ngờ ôm chầm lấy tôi. Tôi giật mình, toàn thân tê dại, chưa kịp phản ứng,
thì cậu ta đã cúi xuống, gác cằm lên vai tôi, ghé sát vào tai tôi, thì thầm:
–
Cô cô, Mộ Dung Siêu sẽ nhớ cô mãi mãi…
Cơ
thể và giọng nói của cậu ta đều đang run rẩy. Trường Lạc quát lớn:
–
Gã điên kia ngươi làm gì thế? Sao ngươi dám vô lễ với phu nhân nhà ta?
Trước
lúc bị Trường Lạc lôi đi, cậu ta vẫn còn kịp ghé vào tai tôi:
–
Cảm ơn, cô cô…
Sau
đó, cậu ta buông tôi ra, nhưng ánh mắt vẫn không rời khỏi tôi, nụ cười tê tái,
và bắt đầu gào lên:
–
Cô thơm lắm, ha ha, thơm lắm… Cậu ta bị đám đông phẫn nộ vây lấy, có tiếng ai
đó chửi bới:
–
Tên điên khùng này bệnh càng ngày càng nặng, dám vô lễ với phu nhân nhà người
ta.
Tôi
khẽ khép mắt lại, quay đầu, lên xe, bảo Trường Lạc đánh xe đi hướng khác.
Rajiva không nói lời nào, chỉ lẳng lặng nắm chặt tay tôi. Cỗ xe lọc cọc lăn
bánh, đẩy những tiếng huyên náo lui lại phía sau, và đẩy lui cả chàng trai có
gương mặt đáng yêu kia nữa…