Đọc truyện Đức Phật Và Nàng – Chương 30
Bước
chân vào phòng Kumarayana, không gian nồng nồng hơi thuốc. Chúng tôi trở về phủ
quốc sư đã hơn mười ngày, bệnh tình của Kumarayana không hề thuyên giảm. Mỗi
ngày ông đều thổ huyết, hôn mê bất tỉnh nhiều lần. Pusyseda túc trực bên cha cả
ngày lẫn đêm, cậu ta gầy rộc đi trông thấy. Rajiva cũng ngày ngày cận kề bên
giường cha, chăm sóc ông và tụng kinh cho ông. Hai anh em họ bận bịu tới mức
không còn tâm trí để ý đến tôi nữa, điều đó khiến tôi thấy thoải mái hơn. Tôi
không thể ra đi lúc này, tôi phải góp sức giúp họ chăm sóc Kumarayana.
– Quốc
sư…
Tôi ghé
sát bên giường Kumarayana, ông héo hon, tàn tạ đến thương tâm, trên người ông,
dường như chỉ còn đôi mắt màu xám nhạt là nơi duy nhất toát ra sự sống.
– Cô
Ngải Tình đến đấy à?
Ông khẽ
gật đầu, gượng dậy, tôi vội vàng đến bên, chèn gối tựa sau lưng ông, bàn tay
chạm phải thân hình da bọc xương của ông, trong lòng bỗng dâng lên nỗi chua
xót!
– Cô
Ngải Tình hẳn là rất bất ngờ khi ta muốn trò chuyện riêng với cô, đúng không?
– Vâng,
một chút ạ.
Tôi
thành thật thừa nhận. Không hiểu sao, tôi luôn có cảm giác ông giống như là
“sếp” của tôi vậy. Mặc dù tôi luôn gọi thầy hướng dẫn của mình là sếp, nhưng
thầy luôn là người mà tôi kính trọng nhất. Tôi mỉm cười.
– Quốc
sư cho gọi Ngải Tình, hẳn là có chuyện muốn nói.
– Cô
Ngải Tình không giống những cô gái bình thường khác, mười năm trước ta đã nhận
ra điều này.
Tôi
lặng yên không đáp.
– Ta tự
biết không còn sống được bao lâu nữa, lòng ta vốn đã chán ngán cõi trần, đi sớm
ngày nào sẽ bớt phiền hà cho người thân ngày ấy.
Sống
mũi tôi cay cay, tôi muốn nói điều gì đó thật lạc quan để an ủi ông, nhưng ánh
mắt tinh anh của ông đã ngắt lời tôi:
– Nhưng
người ta ai cũng vậy, đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa hết những mối bận tâm,
với ta là hai đứa con này…
Trực
giác mách bảo với tôi rằng, chủ đề lần này của ông chắc chắn có liên quan đến
anh em họ, nên tôi yên lặng chờ đợi.
– Cô
Ngải Tình là người kì lạ, liệu cô có thể tiết lộ cho kẻ sắp rời xa thế gian này
được biết, hai đứa con trai của ta ngày sau sẽ ra sao không?
Tôi
kinh ngạc, ngước lên đôi mắt sáng như thấu tỏ tâm can người đối diện. Lẽ nào
ông ta đã đoán ra lai lịch của tôi? Nhưng, vì sao ông biết được?
– Mười
năm qua dung mạo của cô không hề thay đổi, năm xưa cô lại đột ngột biến mất. Ta
tin rằng, cô nhất định biết được những chuyện mà người bình thường không thể
biết.
Tôi
không được phép tiết lộ lịch sử, nhưng tôi có nên cứng nhắc giữ nguyên tắc đó
với một người sắp qua đời? Thấy tôi do dự, ông tiếp tục:
– Xin
cô hãy tin ta, ta không tiết lộ thiên cơ đâu.
Sau khi
suy xét kĩ lưỡng, tôi quyết định tiết lộ một vài thông tin quan trọng, vì tôi
không đành lòng giấu ông.
– Thưa
quốc sư, Rajiva ngày sau sẽ lưu danh sử sách.
Tôi
ngập ngừng giây lát:
– Còn
về Pusyseda, xin quốc sư yên tâm, Ngải Tình hứa sẽ bảo vệ cậu ấy.
Lịch sử
không ghi chép bất cứ điều gì về Pusyseda, có lẽ cậu ta sẽ sống cuộc đời bình
yên giống như những người bình thường khác. Và tôi quyết định sẽ chủ động nhắc
nhở cậu ta khi cần thiết, để cậu ta không rơi vào thảm kịch sẽ xảy ra mười một
năm sau. Tôi cũng chỉ có thể giúp cậu ta chừng đó.
– Thành
tựu mà Rajiva có được là về lĩnh vực Phật học?
Tôi gật
đầu.
–
Rajiva có sức ảnh hưởng rất lớn đến quá trình truyền bá đạo Phật vào Trung Nguyên.
Kumarayana
trầm ngâm suy tư, một lúc lâu sau ông mới lên tiếng:
– Người
làm cha làm mẹ, ai cũng mong con cái thành đạt, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là
sự bình an.
Cơn ho
ào đến, tôi vội vã tới bên giúp ông giữ nhịp thở đều đặn. Ông lấy hơi, tiếp tục
câu chuyện:
– Tôi
không thấy lo nhiều về Pusyseda. Nó là người dám làm dám chịu, tính cách phóng
khoáng, tuổi trẻ nông nổi có chút phản kháng cũng không sao, rồi thời gian qua
đi, nó sẽ trưởng thành và chín chắn hơn. Người khiến tôi lo lắng hơn cả là
Rajiva…
Trống
ngực đập thình thịch, tôi ngạc nhiên nhìn ông. Từ khi đổ bệnh, Kumarayana chưa
bao giờ trò chuyện nhiều đến thế. Gương mặt ông lúc này ửng lên sắc đỏ dị
thường, ông nói trong tiếng ho khan:
– Nó
quá thông minh và từ nhỏ đến lớn chưa từng nếm trải cực khổ. Trong lòng suy
nghĩ rất nhiều, nhưng không bao giờ tâm sự với ai. Tính cách ấy sẽ khiến cuộc
đời nó trở nên bất hạnh.
Tôi nhớ
từng đọc một bài báo viết về một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo ra
giống chuột đột biến gen thông minh hơn rất nhiều loài chuột thông thường. Và
người ta hào hứng kháo nhau rằng, nếu áp dụng phương pháp gây đột biến gen đó
lên cơ thể người thì con người sẽ trở nên thông minh hơn, tài giỏi hơn rất
nhiều. Nhưng không lâu sau, người ta lấy làm vui mừng vì đã không vội vàng biến
giấc mơ ấy thành hiện thực. Bởi vì nghiên cứu cho thấy, tuy rằng loài chuột đột
biến gen trở nên thông minh hơn, nhưng chúng cũng phải trả một cái giá rất đắt.
Bộ gen mới trong cơ thể “chuột thông minh” có tác dụng kích thích thần kinh,
giúp chúng phát triển trí nhớ và trí tuệ, nhưng đồng thời cũng khiến chúng trở
nên mẫn cảm hơn với nỗi đau và sự tổn thương.
Thế
nên, quá ư thông minh không hẳn đã tốt. Khi bi kịch xảy đến, người thông minh
sẽ cảm thấy vô cùng tồi tệ và không thể chấp nhận hiện thực, thậm chí không thể
chịu đựng nổi. Người bình thường có thể xem nhẹ hoặc bỏ qua để tiếp tục sống,
nhưng họ thì không. Họ dễ trở nên mất phương hướng và hóa điên dại và cuộc đời
họ vì thế sẽ chỉ toàn thảm kịch. Đó là bi kịch của những người thông minh.
Rajiva cũng khó tránh khỏi vận mệnh này.
– Tuy
không rõ cô Ngải Tình từ đâu tới, nhưng cô nói Rajiva thành công trong lĩnh vực
Phật học, ta tin là cô đúng.
– Quốc
sư, xin hãy nghỉ ngơi một lát.
Tôi
mang nước tới cho ông. Ông thở dài, mệt nhọc cất tiếng:
– Không
nói, e là không còn thời gian nữa.
Kumarayana
đột nhiên hướng ánh nhìn nghiêm khắc về phía tôi:
– Cô
Ngải Tình đã biết trước Rajiva sẽ dâng hiến trọn đời nơi cửa Phật, vì sao vẫn
để nó nảy sinh tình cảm với cô? Như thế, có tàn nhẫn quá không? Phải chăng,
Phật tổ cử cô tới đây để thử thách nó?
Bàn tay
tôi run bắn, cốc nước rơi xuống, vỡ choang. Tôi hốt hoảng thu dọn, trong lúc
cuống quít, mảnh vỡ lẹm một đường vào tay, vết cứa ấy đánh thức tôi. Vậy là ông
đã biết từ lâu. Cũng phải thôi, Mavasu là người nô bộc trung thành đã theo ông
từ Ấn Độ đến Khâu Từ. Tôi sống trong căn nhà nhỏ của Rajiva ba tháng trời, làm
sao giấu ông được.
– Quốc
sư…
Ông thở
dài, vẻ mặt mỏi mệt, buồn khổ.
– Ta là
người từng trải, từng bị nỗi khổ vì yêu dày vò. Năm xưa hoàn tục, ta đã chịu
rất nhiều lời phỉ báng, chỉ trích. Cứ ngỡ, một chữ tình có thể hóa giải tất cả,
đền bù tất cả. Nào ngờ, người ta yêu thương lại là người có trái tim sắt đá,
một lòng theo đuổi lí tưởng, khiến cả hai đứa con phải chịu khổ cùng ta.
Ông dứt
cơn thở gấp, ngừng lại nghỉ ngơi, rồi mới tiếp tục.
– Ta
biết cô cũng có tình cảm với Rajiva. Nhưng nó đã một lòng hướng Phật, ngày sau
lại có được thành tựu như vậy, nó không thể dành chỗ cho tình yêu trong tim
mình được.
Ông
nhắm mắt, vẻ mệt mỏi cùng cực, khóe môi run run:
– Xin
cô Ngải Tình đừng giẫm lên vết xe đổ của ta…
Tôi
thẫn thờ bước ra khỏi căn phòng của Kumarayana, cảm thấy mình như đang trôi đi,
thân thể hoàn toàn trống rỗng, hoàn toàn kiệt sức. Pusyseda đang đi đi lại lại
trước cửa phòng, thấy tôi, vội vã bước tới truy hỏi:
– Cha
đã nói gì với chị?
– Không
có gì?
Tôi khẽ
lẩm bẩm, thấy cậu ta ý chừng vẫn muốn hỏi tiếp, tôi rầu rĩ lắc đầu:
–
Pusyseda, tôi rất mệt, muốn nghỉ một lát.
Trên
đường về phòng, tôi gặp Rajiva đang mang thuốc vào cho cha, ánh mắt nhìn tôi
đăm đắm, đầy vẻ lo lắng và xót xa. Nước mắt cứ muốn trào ra, tôi vội cúi đầu để
cậu ấy không thấy được, lẳng lặng rảo bước về phòng.
Ngày
nào cũng vậy, khi màn đêm tĩnh mịch buông xuống, Rajiva lại ngồi trong phòng
tụng kinh. Đã thành thói quen, tôi tắt đèn, giấu mình trong bóng tối. Ánh đèn
leo lét bên phòng đối diện hắt lên khung cửa sổ một bóng hình cô độc. Bóng
người dường như bất động, chỉ có âm thanh tụng niệm lầm rầm vang vọng trong không
gian tĩnh lặng. Rajiva, nếu chúng ta không bị ngăn cách bởi 1650 năm thời gian,
nếu cậu không phải mang thân phận người tu hành, suốt đời chẳng thể thay đổi
ấy, có lẽ tôi sẽ có đủ nghị lực để thổ lộ tình cảm với cậu. Tôi tin rằng cậu
cũng có tình cảm với tôi, không biết khi ấy, cậu có bằng lòng không? Nhưng, vì
sao cuộc đời lắm nỗi trái ngang như vậy? Hai chúng ta, rốt cuộc cũng vẫn chỉ là
hai đường song song tình cờ giao nhau. Khi trở lại vị trí của mình, chúng ta
vẫn chẳng thể rũ bỏ những chướng ngại trong lòng mỗi người. Tôi yêu cậu, bởi
vậy, tôi quyết định, sẽ từ bỏ…
Bệnh
tình của Kumarayana ngày một trầm trọng. Đức vua, hoàng hậu và hoàng thân quốc
thích Khâu Từ thường xuyên tới thăm ông. Tôi đã nhìn thấy Bạch Chấn, em trai út
của Bạch Thuần, người mà mười một năm sau đã được Lữ Quang đưa lên ngôi vua
Khâu Từ. Tôi cũng đã nhìn thấy công chúa Aksayamati, lúc này vẫn còn là một cô
bé gái chừng tám, chín tuổi. Cảm xúc của tôi lúc nhìn thấy cô bé thật khó diễn
tả. Aksayamati là người mà mười một năm sau sẽ trở thành vợ Rajiva. Lúc trước,
khi đọc tới đoạn sử này, tuy có cảm thông với Rajiva, nhưng cảm xúc chính của
tôi là câu chuyện này thật ly kỳ, thú vị, tôi hào hứng mang nó đi kể cho mọi
người nghe. Giờ đây, khi tôi đã trở thành một phần trong cuộc sống của cậu ấy,
đoạn sử ngắn ngủi kia trở nên vô nghĩa, yêu Rajiva, tôi nhận ra mình không thể
chịu đựng được việc sau này cậu ấy có mối quan hệ như thế với người phụ nữ
khác. Nghe thấy giọng nói ngọt ngào của Aksayamati khi gọi Rajiva và nhìn thấy
cậu ấy tươi cười với cô bé, tôi nổi cơn ghen tuông, bất chấp đối tượng chịu
trận chỉ là một cô bé con. Nhưng khi cơn thịnh nộ sắp bộc phát, thì những lời
nói của Kumarayana lại văng vẳng bên tai, lạnh buốt tựa băng giá, thấm vào lòng
tôi, dập tắt mọi ngọn lửa điên cuồng trong tôi. Phải rồi, tôi đã hứa với
Kumarayana sẽ nhanh chóng rời khỏi đây. Vậy thì tôi lấy tư cách gì để ghen tị
với số mệnh đã được an bài của Rajiva?
Những
loại thuốc quý giá nhất cũng chỉ có thể kéo dài sự sống của Kumarayana được hơn
chục ngày, ông như ngọn đèn trước gió. Đêm đó, hai anh em họ túc trực bên
giường cha, tôi nép mình vào một góc khuất, giọng nói ngắt quãng của Kumarayana
xen trong hơi thở khó khăn, đủ biết ông đã gắng gượng chừng nào.
–
Pusyseda, đừng ghét bỏ mẹ con… bà ấy… lúc nào cũng yêu con!
Ánh mắt
tinh anh của ông giờ phút này đã trở nên mơ hồ, chỉ có thanh quản vẫn phập
phồng lên xuống, khó khăn lắm mới nghe rõ lời ông:
– Không
biết… có thể… đoàn tụ với bà ấy… trên cõi cực lạc… hay không?
Gương
mặt héo hon chỉ còn da bọc xương thoáng hiện một nét cười khổ sở:
– Chắc
là không được rồi… Bà ấy đã chứng tam quả… cắt đứt mọi tơ tình nhân thế… trong
khi ta vẫn đắm chìm trong bể khổ tương tư…
Pusyseda
nắm chặt tay cha, khóc cạn cả nước mắt. Rajiva vẫn thinh lặng nhìn cha, vẻ mặt
thê lương. Kumarayana mấp máy môi:
– Lần
đầu gặp bà ấy, con tim ta đã lạc nhịp…
Ánh mắt
ông chợt bừng sáng, như thể ông vừa nhìn thấy ai đó.
– Bà ấy
rất đẹp, lại thông minh, lanh lợi, dễ thương… Jiva, đừng đi… bọn trẻ còn nhỏ
lắm…
Kumarayana
đột nhiên đưa tay về phía trước, ông đã hoàn toàn đắm chìm trong kí ức. Tôi
nhìn thấy nét dịu dàng, yêu thương chưa từng thấy trong đôi mắt ông, như thể,
người ông ngày đêm mong nhớ đang hiển hiện trước mắt ông vậy.
– Jiva,
chờ ta…
Kumarayana
chới với vươn ra phía trước, Pusyseda ôm chầm lấy cha. Cánh tay Kumarayana
buông thỏng, ông đổ người vào vòng tay Pusyseda. Pusyseda gọi cha trong cơn
tuyệt vọng, nhưng ông không đáp lại. Rajiva vẫn thinh lặng đứng đó, không một
biểu cảm đặc biệt nào trên nét mặt, đột nhiên cậu quỳ sụp xuống, tiếng tụng
niệm vang lên. Hai anh em họ thể hiện những tâm trạng hoàn toàn không ăn khớp
với nhau.
– Thôi
đi! Ngoài tụng kinh ra, anh còn biết làm gì nữa?
Pusyseda
đặt cha xuống giường, quay người lại gằn hắt anh trai, giọng nói đầy vẻ thô
bạo.
– Cả
ngày chỉ biết tụng kinh thì ích gì chứ? Tụng kinh có làm cha sống lại không?
Cậu ta
chỉ tay vào Rajiva, điệu bộ chì chiết dữ dằn:
– Anh
chỉ biết trốn chạy trong kinh văn, Phật tổ của anh, ngoài việc vẽ ra cái thế
giới vô nghĩa sau khi chết, còn có thể làm được việc gì nữa?
–
Pusyseda, không được lăng mạ anh trai cậu!
Tôi
bước đến, kéo tay Pusyseda. Cậu ta không còn tỉnh táo nữa, cậu ta muốn trút nỗi
đau mất cha lên anh trai mình.
Cậu ta
quay lại nhìn tôi, ánh mắt vằn lên những tia đỏ, khuôn ngực rung động mãnh
liệt:
– Trong
lòng mẹ chỉ có anh ta là người con duy nhất. Cha cũng vậy, lúc nào cũng thương
nhớ anh ta, tự hào về anh ta, mặc dù anh ta chưa một ngày tận hiếu với cha.
Cậu ta
hất tay tôi ra, sức mạnh cuồng bạo khiến tôi chao đảo:
– Cả
chị nữa, trong lòng chị cũng chỉ có mình anh ta. Anh ta được tất cả mọi người
yêu thương, nhưng hãy xem xem, anh ta đã mang lại cho những người yêu thương
mình được những gì nào? Cha qua đời mà anh ta cũng không thèm nhỏ một giọt nước
mắt! Anh ta là đồ quái vật máu lạnh!
– Đủ
rồi! Cậu có biết là cậu ấy còn đau khổ hơn cả cậu không? Cậu có thể gào thét để
giải tỏa, muốn khóc là khóc, thích nhiếc móc là nhiếc móc, nhưng còn cậu ấy…
Rajiva
vẫn nhắm nghiền mắt, lầm rầm tụng kinh, nước mắt tuôn trào.
– Cậu
ấy không phải không biết đau đớn là gì, mà vì cậu ấy đau khổ tới mức không rơi
nổi nước mắt…
– Ngải
Tình…
Cậu ấy
bất chợt lên tiếng, giọng nói như lạc đi.
–
Pusyseda nói không sai, tôi là người xuất gia, người xuất gia vốn dĩ không thể
có tình cảm thế tục…
–
Rajiva…
Cậu ấy
đứng lên, bước ra ngoài cửa.
– Tôi
vào cung thông báo cho đức vua…
Tôi
định đuổi theo nhưng đã bị Pusyseda giữ lại. Tôi đẩy cậu ta ra bằng hết sức lực
mà tôi có. Tôi không biết Rajiva sẽ làm gì, nhưng tôi phải đi theo, để bảo vệ
cậu ấy.
Cậu ấy
đi rất vội, không rẽ về hướng hoàng cung mà ra khỏi thành. Lính gác cổng thành
thấy cậu ấy thì lập tức cho qua, đến lượt tôi, tôi phải đưa cho họ toàn bộ số
tiền có trên người, họ mới đồng ý để tôi đi.
Cậu ấy
bước đi lang thang, vô định, bước chân gấp vội trong đêm, xiêu vẹo, loạng
choạng. Điểm đến sau cùng là bờ sông Tongchang. Cậu ấy gào khóc thảm thiết với
mặt nước lặng như tờ. Đêm khuya tịch mịch, ngoại thành xa vắng, tiếng khóc của
cậu ấy khuấy động không gian.
Tôi
lặng lẽ đứng nhìn từ xa. Rajiva, cậu không phải không có tình cảm, chỉ là cậu
không thể khóc trước mặt người khác. Một người giàu cảm xúc và giàu yêu thương
như cậu, vì sao lại sùng bái thứ tôn giáo buộc người ta phải đoạn tuyệt với mọi
cảm xúc của con người?
Tôi đã
rất muốn đến bên an ủi cậu ấy, nhưng những lời nói của Kumarayana cứ văng vẳng
bên tai. Rajiva, tôi không muốn sự xuất hiện của mình khiến cậu rối bời, tôi
chỉ có thể lặng lẽ ở bên cạnh cậu như thế này thôi.
Chợt
nhớ đến những ca khúc của Tề Dự, bài hát khiến tôi cảm động nhất của cô là
“Nước mắt lạc đà”. Lúc trước, tôi cảm
động vì câu chuyện tình đẹp mà buồn trong tiểu thuyết cùng tên của Tam Mao. Còn
bây giờ, trong đêm sâu cô quạnh, con người mà ngay cả khóc cũng không được khóc
ấy khiến tôi không khỏi cảm khái mà nhớ đến ca khúc này, nỗi buồn ngập tràn
trong tôi. Con tim trốn chạy, tìm nơi trú ẩn nhưng vô ích, đành ở đó, nhẫn nhịn
chống chịu với cơn đau.
“Em
mang theo hạnh phúc rượt đuổi nỗi đau. Ra đi có lẽ là cách duy nhất để yêu anh.
Chỉ
biết trao đi, em đã không học cách nhận lại. Lãng quên, có lẽ là lời chúc phúc
thành tâm nhất ta dành cho nhau.
Đôi mắt
ấy dịu dàng từ thuở khai sinh, nhưng ngay cả khóc than cũng chịu sự nguyền rủa,
không có nước mắt, làm sao chảy ra cho vơi cạn nỗi cô đơn?
Gió cát
mịt mùng, mắt em nhạt nhòa, bước đi xô lệch trong đêm tối. Lạc lối trong sa
mạc, trái tim là vì sao Bắc cực, cần mẫn, kiệm lời.
Gió cát
mịt mùng, hoang ảo tiếng gọi tình yêu, muốn nhớ lại cũng nhọc nhằn. Hai ta,
chẳng dám yêu, không dám hận, để mặc gió cát vô tình cuốn đi dấu chân”.
Trái
tim tôi hát lên lời ca này, nước mắt chan hòa, gió đêm thổi tới, tâm can càng
thêm giá lạnh. Rajiva, sức ảnh hưởng của cậu mới lớn làm sao, ngay cả hát tôi
cũng không dám cất lời, ngay cả khóc cũng không dám khóc thành tiếng. Rajiva,
đêm nay cậu không cô đơn, tôi luôn ở bên cạnh cậu, cùng khóc với cậu. Hãy để
nước mắt của hai mươi tư năm tuổi đời trong tôi được một lần vì cậu mà khóc
cạn. Sau này, chúng ta đừng khóc nữa, hãy để gió cát vô tình cuốn đi dấu chân
hai ta từng lưu lại trên sa mạc cuộc đời này.
Tờ mờ
sáng cậu ấy mới lặng lẽ quay về với vẻ mệt mỏi, rã rời, tưởng như hồn bay phách
lạc. Đêm lạnh như băng, khi tôi đứng lên để đi theo cậu ấy, toàn thân dường như
không còn một chút hơi ấm nào.
Mùa hạ
qua đi, mùa thu lặng lẽ kéo về.