Bạn đang đọc Đức phật và nàng (Tập 2) – Chương 38
Tôi men theo hành lang trở về phòng, uể oải đưa tay lên đấm lưng, toàn thân đau mỏi, bước đi loạng choạng. Ngày hôm nay xảy ra nhiều chuyện, tôi thấy đầu óc quay cuồng. Mỗi khi mệt mỏi tôi thường hay chóng mặt, đó là do căn bệnh máu trắng gây ra. Bỗng nhiên phía trước xuất hiện hai bóng người, một cao lớn, một nhỏ bé, ánh trăng chếch nghiêng, chiếu sáng một góc hành lang, soi tỏ màu áo cà sa nhà chùa và màu váy hồng thiếu nữ.
Tôi băn khoăn không biết vị sư nào hẹn gặp thiếu nữ, nên lẳng lặng nép vào một góc khuất, lòng thầm thở than: Hôm nay là ngày gì thế không biết, toàn phải thập thò bờ tường bụi rậm nghe chuyện người khác thế này!
Giọng nói thâm trầm của người đàn ông cất lên:
– Ta đáng tuổi ông của cô, cô chỉ là một cô bé mà sao thiếu tự trọng như vậy! Người đó là Rajiva! Chàng đang nói chuyện với ai? Tôi thót tim, mồ hôi đổ trên trán, hồi hộp thò đầu ra nhìn.
Thiếu nữ tiến lên một bước, Rajiva lập tức lùi lại phía sau. Cô gái đang đứng ở vị trí được chiếu sáng hoàn toàn bởi ánh trăng vằng vặc, nên có thể thấy rõ vẻ yêu kiều, tha thướt, và một khuôn mặt đã được trang điểm hết sức kĩ càng. Tôi đưa tay lên bịt miệng, cô gái đó là Yến Nhi!
– Pháp sư phu nhân cũng là nạn dân từ Lương Châu đến đây. Phu nhân gặp gỡ pháp sư trước Yến Nhi, nên Yến Nhi không dám tranh giành chức vợ cả với chị ấy. Hôm nay được ngắm nhìn dung nhan phi phàm của pháp sư, Yến Nhi thật sự rung động và lấy làm ái mộ, muốn được trọn đời hầu hạ pháp sư, dù có phải làm tì thiếp, Yến Nhi cũng bằng lòng. – Không được nói những lời này nữa! Rajiva nghiêm mặt, đưa mắt nhìn xung quanh, cố gắng hạ thấp giọng:
– Cô không có ai là người thân thích nên ta có thể tạm thời cho cô ở lại, ngày sau sẽ giúp cô sắp bày chuyện hôn sự. Nhưng nếu cô không chịu từ bỏ ý nghĩ khi nãy, thì đừng trách ta vô tình.
Nói xong Rajiva rảo bước về phòng, mặc Yến Nhi đứng đó sững sờ, bực bội. Cô ấy cắn môi, vò khăn tay, giẫm chân, sau đó, ngó nghiêng xung quanh, rồi rảo bước về một hướng khác.
Tôi cứ đứng mãi trong bóng tối, ngẩn ngơ cho tới khi họ đã khuất dạng từ khi nào. Lúc lâu sau mới lò cò nhảy ra, bàn chân hoàn toàn tê dại. Tôi ngồi xuống, tựa lưng vào thành chắn, vừa xoa bóp, vừa hoài niệm.
Rajiva khôi ngôi tuấn tú, khí chất cao quý, lại dịu dàng, thuần khiết và chung tình, chàng là một người đàn ông hoàn hảo. Nếu vào thời hiện đại, chắc tôi sẽ phải ngày đêm nơm nớp lo âu, canh chừng những người phụ nữ sẵn sàng nhào đến cướp đoạt chàng. Thế nhưng, nếu chịu khó theo dõi và tổng kết cuộc đời chàng sẽ thấy, số phụ nữ ái mộ chàng ít ỏi đến mức tội nghiệp, có lẽ vì thân phận đặc biệt của chàng. Chàng đi tu từ nhỏ, ở Tây vực, chàng được tôn vinh như một thần thánh. Các tín nữ Tây Vực sùng bài chàng như thần thánh. Nếu tôi không gặp chàng khi chàng còn nhỏ, nếu chỉ muộn vài năm nữa thôi, có lẽ nếu tôi sẽ không có thể có được nhân duyên sâu đậm này.
Ngoài tôi ra, chàng luôn luôn giữ một khoảng cách nhất định với các cô gái khác. Những người phụ nữ cùng thời đại với chàng không thể hiểu nổi những tư tưởng vĩ đại của chàng, điều này càng khiến họ luôn giữ một thái độ “ngưỡng vọng” đối với chàng. Tuy chàng không nói, nhưng tôi tin, khi tôi không ở bên chàng, chắc chắn vẫn có người con gái khác có tình ý với chàng. Có điều, từ thái độ của chàng đối với Yến Nhi cho thấy, bốn mươi năm qua, ý chí của chàng chưa bao giờ bị lay động.
Chúng tôi đã cùng đồng cam cộng khổ, chúng tôi hiểu nhau và tin tưởng nhau tuyệt đối. Dù phải chờ đợi bao lâu đi nữa, chúng tôi vẫn tin rằng người kia sẽ không bao giờ thay lòng.
Có điều, nếu là trước đây, chàng vẫn còn hi vọng để nương vào, nhưng sau này thì sao, sau khi tôi rời khỏi Trường An thì sao, chàng còn chờ đợi tôi làm gì nữa.
Miệng tôi đắng chát, tôi mệt nhọc lê tấm thân rã rời về phòng. Rajiva đeo kính lão, ngồi viết sách. Thấy tôi về, chàng sốt sắng ép tôi uống thuốc, tôi nhăn mặt vì đắng, tâm trí vẫn đang rối bời, nghe chàng cất giọng hỏi:
– Ngải Tình, vì sao nàng giữ những cô gái đó lại?
Tôi trả lời qua quít:
– Vua Diên Hưng khi ấy đã rất bực bội, chúng ta không nên chọc ngài nổi giận.
Nhận thấy vẻ mệt mỏi của tôi, chàng đặt tay lên hai vai, xoa bóp cho tôi. Tôi nhắm mắt lại, lấy hết cam đảm nói với chàng:
– Rajiva, em chỉ có thể ở lại đây nửa năm, cặp song sinh của chàng…
– Ngải Tình!
Chàng dừng tay lại, giọng nói pha chút bực dọc:
– Sao nàng nói vậy?
– Rajiva, em không thể sinh con được nữa…
Tôi mở mắt, thở dài, cảm thấy cay đắng khi phải nói ra điều mà cà hai đều biết rất rõ nhưng cứ cố né tránh bấy lâu.
Chàng ngồi xuống bên tôi, đặt tay tôi vào lòng bàn tay chàng, vuốt ve:
– Chúng ta đã có nhóc Rajiva, chú bé thông minh, đáng yêu như thế vẫn chưa đủ hay sao?
– Nhưng, sử sách chép rằng…
– Ngải Tình! Ta phải nói thế nào nàng mới chịu hiểu. Vì sao nàng cứ mãi bận lòng vì những ghi chép ấy?
Chàng nghiêm giọng ngắt lời tôi, khuôn ngực phập phồng:
– Chỉ vì những ghi chép vô thưởng vô phạt ấy mà nàng tự ý sắp đặt tì thiếp cho ta ư?
Lòng tôi đau như cắt, trong đầu thoáng hiện lên gương mặt yêu kiều của Yến Nhi. Lời nói thốt ra nặng như đeo đá, khiến lưng tôi dường như cũng còng hẳn xuống.
– Chẳng bao lâu nữa em sẽ phải quay về, chàng… Chàng có thể, để sau khi em rời khỏi đây, mới… mới…
Chàng bật dậy, ôm lấy hai vai tôi, cúi thấp xuống, để mắt chàng nhìn thẳng vào mắt tôi:
– Nàng từng nói với ta, ở thời đại của nàng chỉ cho phép hôn nhân một vợ một chồng, đàn ông không được lấy vợ hai. Ta kết hôn với người đến từ tương lai. Nàng là người vợ duy nhất của ta, là người vợ mà suốt đời này ta không bao giờ ruồng bỏ. Ta quyết không nạp thiếp.
Tôi mỉm cười chua xót, sống mũi cay xè:
– Rajiva, em chưa bao giờ hoài nghi về tình yêu chàng dành cho em, nhưng em ra đi lần này, sẽ không thể gặp lại chàng nữa…
Chàng rời khỏi vai tôi, đứng thẳng lên, chầm chậm cất bước đến bên cửa sổ, ánh mắt ngưng đọng trên những cây đào ngoài kia, một lúc lâu sau mới lên tiếng:
– Ngay từ khi gặp nàng ở chùa Thảo Đường ta đã hiểu, đây là lần sun họp cuối cùng của hai ta.
Chàng quay lại nhìn tôi, ánh sáng ngọn nên tỏa rạng gương mặt bình thản, điềm tĩnh của chàng, soi rọi những gợn buồn trong đôi mắt như hai vực nước sâu của chàng.
– Tuy nàng chưa bao giờ nói ta sẽ sống đến năm bao nhiêu tuổi, nhưng ta biết, thời gian dành cho ta không còn nhiều nữa. Chỉ còn vài năm ngắn ngủi, mà phải dịch thuật khối lượng lớn như thế, nàng nghĩ, ta còn thời gian để bận tâm việc khác nữa không?… Nàng trở về và ở bên ta nửa năm, tặng cho ta bao kỉ niệm đẹp trong những năm tháng cuối đời ngắn ngủi của mình thế này, ta mãn nguyện lắm rồi.
Chàng chìa hai tay về phía tôi, mỉm cười hồn hậu.
Tôi đứng lên, đến bên chàng. Chàng kéo tôi tựa vào ngực chàng, vòng tay qua eo tôi, gác cằm lên vai tôi, giọng chàng rủ rỉ bên tai:
– Đừng trăn trở chuyện cặp sinh đôi ấy nữa, đó chẳng qua là lời đồn thổi thiếu căn cứ mà những kẻ chấp bút chép sử mấy trăm năm sau viết lại. Ta chỉ có một người vợ duy nhất là nàng, một người con duy nhất là nhóc Rajiva. Hai mẹ con nàng là những người thân thiết nhất của ta.
Sống mũi cay xè, nước mắt tôi trào ra. Chàng hôn nhẹ vào má tôi:
– Những cô gái kia bị Hách Liên Bột Bột bắt cóc, người nhà của họ chắc chắn rất lo lắng, ngày mai ta sẽ nhờ người dò hỏi tin tức để họ được trở về đoàn tụ với gia đình.
– Chàng không sợ Diêu Hưng trách tội ư?
– Ta từng thề với Phật tổ quyết không nạp thiếp, lẽ nào Bệ hạ vẫn muốn gây khó dễ cho ta?
Chàng mỉm cười, xiết chặt tôi hơn nữa, kéo tôi ghì sát vào cơ thể chàng.
– Vả lại, Bệ hạ cũng chỉ vì cao hứng mới làm vậy, lẽ nào ngài ngày ngày cất công tới đây kiểm tra tình hình của mấy cô gái kia?
Tôi rút mảnh giấy trong tay áo ra:
– Đây là thông tin về người thân của mấy cô gái đó.
Ngừng một lát, hít một hơi, tôi tiếp tục: – Có một cô gái tên Yến Nhi không còn người thân, hay là, tạm thời cứ giữ cô ấy lại.
Tôi không hề vui khi nghe những lời Yến Nhi khi nãy, nhưng không thể vì thế mà đuổi cô ấy đi được. Cô ấy chỉ còn một thân một mình, nếu chúng tôi không cưu mang, cô ấy biết đi đâu về đâu bây giờ.
Chàng có vẻ không vui, nhưng vẫn cầm tờ giấy, gấp lại, cất vào trong túi áo:
– Bắt đầu từ ngày mai ta sẽ đến chùa Đại Tự thuyết giảng kinh văn. Nhân tiện, ta sẽ nhờ dại tướng Diêu Hiển và tả tướng Diêu Tung tìm kiếm người thân của mấy cô gái này.
Chàng dắt tay tôi đi về phía chiếc giường, kê gối cho tôi, rồi làm mặt nghiêm nghị:
– Còn nữa, từ nay trở đi, ta không muốn nghe về chuyện này thêm nữa…
– Vâng…
Tôi ngoan ngoãn gật đầu, và mang theo vào giấc ngủ miên man nụ cười rạng rỡ như nắng ban mai của chàng.
Chương 90: Một ngày rong chơi
– Cô cô đến chơi!
Mộ Dung Siêu bỏ cây rìu xuống, niềm nở đón tôi. Cậu ta mặc độc một chiếc áo mỏng phong phanh, ánh nắng mùa xuân chiếu trên những bắp thịt cuồn cuộn, bóng lóa. Tôi vào nhà, còn cậu ta vẫn tiếp tục bổ củi ở cửa bếp, mồ hôi nhễ nhại, cơ thể cường tráng toát ra sức sống căng tràn của tuổi trẻ, sức sống ấy mãnh liệt đến nỗi khiến tôi ngậm ngùi tiếc nuối tuổi trẻ thanh xuân của mình.
– Mẹ và vợ cháu đâu?
Tôi ngó nghiêng xung quanh, chỉ thấy mình cậu ta ở nhà.
– Họ đi giặt đồ thuê rồi.
Tôi rút khăn tay đưa cho Mộ Dung Siêu, cậu ta đón lấy, nhưng không lau, bối rối nhìn chiếc khăn trên tay.
– Chiếc khăn đẹp thế này, cháu không nỡ dùng để lau mồ hôi đâu.
Cậu ta định trả lại cho tôi, nhưng nghĩ thế nào lại rụt tay về:
– Cháu sẽ giặt sạch rồi trả lại cô. Tay cháu làm bẩn mất khăn rồi…
Tôi cười bảo không sao đâu, nhưng cậu ta không đáp, chỉ lặng lẽ cất vào trong tay áo. Cậu ta lấy ống tay áo quệt mồ hôi, rồi mời tôi vào nhà. Tôi đưa lọ thuốc bôi vết thương cho Mộ Dung Siêu. Trận ẩu đả với Hách Liên Bột Bột tối qua chắc chắn đã để lại không ít những vết thương trên mặt và trên người cậu ta.
Không có gương soi, Mộ Dung Siêu chật vật bôi thuốc, tôi cầm lấy lọ thuốc, bảo cậu ta ngồi xuống và giúp cậu ta xử lý các vết thương.
– Cô ơi, tối qua Hách Liên Bột Bột tự nhiên ngã vật ra bất tỉnh là do cô phải không?
Tôi chấm thuốc vào vết thương trên gò má Mộ Dung Siêu, cậu ta khẽ rên lên, nhưng không quay mặt đi, vẫn mở to cặp mắt tuyệt đẹp, chăm chú quan sát phản ứng của tôi, đôi đồng tử đen láy, lấp lánh.
Tôi đưa ngón trỏ lên miệng, suỵt một tiếng:
– Đó là vũ khí phòng thân của cô, cháu đừng cho ai biết nhé!
Cậu ta trầm ngâm một lát, rồi lại chăm chú nhìn tôi:
– Trên đời này có thể có thứ vũ khí lợi hại như vậy ư?
Tôi cười lấy lệ, nhanh chóng đổi đề tài: – Trên người có vết thương nào không? Cậu ta gật đầu, cởi và thả áo trễ xuống tận eo, trên vai và trên lưng có khá nhiều vết bầm tím. Tôi dùng thuốc, rồi dùng bàn tay chà mạnh cho nóng lên, cậu ta cắn răng chịu đau. Ánh trăng chiếu rọi vào trong nhà, chiếu lên làn da trắng bóc của cậu ta, khiến cho cơ thể rắn chắc ấy càng trở nên gợi cảm quyến rũ.
– Tên Lưu Bột Bột ấy là cái thá gì chứ? Chẳng qua chỉ là hậu duệ của tiểu quốc Hung Nô đã bị tiêu diệt, hắn được Diêu Hưng sủng ái nên không coi ai ra gì.
Mô Dung Siêu nghiến răng sỉ vả:
– Nếu xét về xuất thân, thì cháu hơn hắn gấp trăm lần. Nếu không phải vì thất cơ lỡ vận, cháu đã chẳng phải lưu lạc khổ sở thế này.
Tôi giật mình, bàn tay không kiểm soát được, chà sát mạnh, khiến cậu ta kêu lên vì đau, tôi vội vã xin lỗi. Lưu Vệ Thần, cha Hách Liên Bột Bột chỉ là một Thiền Vu Hung Nô nhỏ bé, thế lực không mạnh, chẳng thể so sánh với bậc cha chú bác của cậu ta, đã có ba người xưng đế, là Mộ Dung Tuấn, Mộ Dung Thùy và Mộ Dung Đức.
Cậu ta đỏ mặt khi nhìn thấy tôi nhìn cậu ta chăm chú. Cậu ta ngước lên, sóng mắt long lanh, hơi thở gấp gáp. Tôi chợt nhận ra chúng tôi đang ở trong tư thế rất đỗi thân mật. Cậu ta không còn là chú nhóc bốn tuổi năm xưa nữa. Tôi vội vàng tách ra xa, khoác áo cho cậu ta.
Mộ Dung Siêu hắng giọng chữa thẹn, thắt chặt dây lưng quay lại nhìn tôi, nói khẽ:
– Cô cô có biết, chú cháu đã xưng đế ở Thanh Châu không?
Tôi gật đầu, Mộ Dung Siêu tiếp tục hạ thấp giọng:
– Cháu vẫn đang tìm cách đến Thanh Châu tìm chú ấy. Chú ấy không có con trai, cháu mà người thân thiết nhất của chú ấy. – Thanh Châu ở Sơn Đông, cách Trường An ngàn dặm xa xôi, huống hồ bị ngăn cách bởi nước Ngụy của họ Thác Bạt và nước Tấn ở phía Nam, đường đi vô cùng nguy hiểm, cháu lại có mẹ và vợ, đi làm sao nổi?
Tôi những mong cậu ta từ bỏ ý định này, để sống cuộc đời bình dị, yên ổn bên mẹ và vợ. Từ bỏ ý định đó đồng nghĩa với việc sẽ tránh được vận mệnh bi thảm.
Cậu ta thở dài, mặt ủ mày chau:
– Cháu cũng không biết làm cách nào. Chú ấy không biết cháu vẫn còn sống. Ngay cả nếu có đến được Thanh Châu đi nữa, một thường dân áo vải như cháu, sao có thể dễ dàng gặp Hoàng đế.
Sau một hồi đăm chiêu suy nghĩ, cậu ta ngẩng lên nhìn tôi, vẻ khẩn cầu:
– Cô cô, cháu phải làm sao để báo cho chú ấy biết, cháu vẫn còn sống?
– Siêu ơi, đừng suy nghĩ nhiều nữa.
Tôi biết làm cách nào, nhưng không muốn nói cho cậu ta, đành cười vang, chuyển đề tài:
– Hãy nghĩ cách để vợ cháu sớm sinh em bé thì hơn. Cậu ta ngỡ ngàng, sau đó thì đỏ mặt. Rajiva thuyết giảng kinh Phật ở chùa Đại Tự suốt bày ngày liền. Hầu hết các tăng nhân và vương tôn quý tộc đều đến nghe giảng. Danh tiếng của Rajiva như mặt trời ban trưa, người ta tôn vinh, ca ngợi chàng khắp nơi, hệt như khi xưa ở Tây vực. Họ biết chàng được Diêu Hưng rất mực trọng vọng. Trong số họ, có người thật lòng tin Phật, có kẻ giả vờ xu nịnh, chỉ biết rằng, hàng ngày, khách khứa nườm nượp kéo đến nơi ở của chúng tôi. Rajiva điềm nhiên trước mọi sự, chàng vẫn nhiệt tình tiếp đón họ, nhưng chỉ dừng ở mức xã giao.
Đại tướng quân Diêu Hiển và tả tướng quân Diêu Tung đã không khiến Rajiva thất vọng, chỉ sau vài ngày, gia đình của các cô gái lần lượt đến nhận người thân. Mỗi cô gái đều được nhận một khoản tiền không nhỏ làm của hồi môn. Diêu Hưng đặc biệt ưu ái Rajiva, cách vài hôm lại cho người mang lễ vật và tiền bạc đến. Rajiva giao tất cả cho tôi quản lý. Tôi muốn các cô gái được cưới gả tử tế, nên rất rộng rãi với họ.
Cuối cùng, chỉ còn lại ba cô gái. Vào thời cổ đại mà mang bầu khi chưa kết hôn, Sơ Nhụy sẽ chẳng còn nơi nào để dung thân. Tôi đã bàn bạc với Rajiva, cho phép cô ấy ở lại chỗ chúng tôi, yên tâm sinh con. Sau này, chúng tôi sẽ nhận nuôi đứa bé để cô ấy yên tâm đi lấy chồng. Từ khi Rajiva tuyên bố không bao giờ lấy vợ bé, tôi đã ngờ rằng, cặp song sinh mà sách sử nhắc đến, chính là những đứa bé trong bụng Sơ Nhụy.
Lạc Tú là người ít tuổi nhất trong số các thiếu nữ Lương Châu, năm nay mới mười bốn tuổi, gương mặt cô bé non nớt, ngây ngô, rất đáng yêu. Người thứ ba là Yến Nhi. Tôi căn dặn Yến Nhi và Lạc Tú chăm sóc Sơ Nhụy chu đáo, những lúc không đến thăm hỏi gia đình Mộ Dung Siêu, tôi thường dạy ba cô gái học chữ. Riêng đối với Yến Nhi, tôi cố gắng để không nảy sinh định kiến với cô ấy. Có thể cô ấy thật lòng ái mộ Rajiva, cũng có thể vì muốn mưu cầu một cuộc sống yên ổn về sau. Dù là nguyên nhân gì, nếu Rajiva đã tỏ rõ thái độ với cô ấy, thì tôi không nên bạc đãi cô ấy.
Chớp mắt đã sang sáng tư, Rajiva kết thúc công việc thuyết giảng kinh Phật ở chùa Đại Tự. Nhờ sự sắp xếp của Diêu Hưng, Rajiva đã thu nhận được rất nhiều đệ tử người Hán. Mấy ngày trước khi chúng tôi trở lại chùa Thảo Đường, chàng đã thu nhận thêm Đạo Hằng, Đàm Ảnh, Tuệ Quán, Tuệ Nghiêm, bốn người này cộng với “Tứ thánh: Tăng Triệu, Trúc Đạo Sinh, Đạo Dung, Tăng Duệ, được người đời sau tôn vinh là “Thập môn bát tuấn”. Như vậy, tính đến thời điểm này, đội ngũ nhân tài cần cho công việc dịch thuật kinh Phật trên cơ bản đã tập trung đông đủ, chỉ vài ngày nữa đoàn chúng tôi sẽ trở về chùa Thảo Đường trong vườn Tiêu Dao để chuẩn bị thành lập đạo tràng dịch kinh. Sự nghiệp dịch thuật huy hoàng của cuộc đời Rajiva sắp bắt đầu.
Tôi hé mắt ra nhìn, ánh bình minh tỏa sáng căn phòng, chiếu rọi bóng dáng cao gầy và màu áo bàng bạc trăng non của ai đó. Nụ cười đượm gió sương thăng trầm dần hiện rõ trước mặt tôi, đôi mắt màu xám nhạt tựa hồ làn nước mùa xuân tươi đẹp.
– Rajiva…
Hai mắt tôi bỗng nhiên nhòe lệ, không thấy rõ gì nữa. Cánh tay chàng vươn về phía tôi, vóc dáng gầy guộc, thoát tục ấy khiến tôi không khỏi xúc động. Chàng mặc chiếc áo màu trắng nhạt, nền nã, tóc dài, lọn xoăn màu nâu thả ngang vai, y hệt người đàn ông ở thành Cheshi năm xưa, khi chàng mỉm cười nói với vợ rằng sẽ đưa nàng đi chơi. Vẫn là con người ấy, trái tim nhiệt tình ấy, chỉ có thời gian như bóng câu qua thềm mà thôi. Ngoảnh đầu nhìn lại, ngỡ ngàng như vừa trải qua một giấc mộng.
– Trước khi về chùa Thảo Đường, ta muốn thực hiện tâm nguyện của nàng.
Chàng cười rạng rỡ, những nếp nhăn xô lại, càng tôn thêm khí chất và sức hấp dẫn của người đàn ông đang ở vào độ chín ấy.
Tôi mơ màng chải đầu, chốc chốc lại liếc trộm chàng một cái, càng nhìn càng say mê, nỗi phấn khích dâng trào trong huyết quản hệt như thuở mới yêu.
– Rajiva, năm đó em đã từng nói rằng, chàng là người đàn ông hấp dẫn nhất mà em từng gặp.
Tôi khoác tay chàng, hít hà cơ thể chàng, thấy lòng đầy mãn nguyện.
Chàng hỏi tôi đang làm gì vậy, tôi cười:
– Em đang tận hưởng hương rượu nồng nàn mà năm tháng để lại trên cơ thể chàng. Dù chàng đã có tuổi, dù chàng không còn trẻ trung như xưa, nhưng chàng từng trải hơn, uyên bác hơn, ngọt ngào hơn. Bởi vậy, em vẫn muốn nói rằng: Chàng là người đàn ông hấp dẫn nhất trên đời!
Chàng bật cười, gương mặt thoáng ửng đỏ nhưng tan đi rất nhanh. Chàng đưa tay lên vuốt ve hai má tôi, khẽ nói: – Ta nhăn nheo già cả thế này mà nàng vẫn yêu sao?
Tôi nhìn chàng đắm đuối, mỉm cười:
– Chàng biết câu trả lời mà.
Chàng gật đầu, nhìn tôi rất lâu, cọ trán chàng vào trán tôi:
– Ngải Tình, bốn mươi năm qua, nàng vẫn trẻ trung như vậy, nhiều lúc ta cứ băn khoăn tự hỏi, không biết về già, trông nàng sẽ thế nào.
Tôi tách ra khỏi chàng, bước ra xa, khom lưng xuống, vờ như đang chống gậy, bước từng bước lom khom, lẩy bẩy chầm chậm tiến về phía chàng. Lúc đến gần, tôi giả bộ chau mày, nheo mắt nhìn lên, chìa cánh tay run run ra chới với tìm kiếm, giọng thều thào, chốc chốc lại ho khan:
– Ông lão ơi, hôm nay là ngày rong chơi thường niên, ông dự định mời bà già này ăn món gì thế?
Chàng quan sát tôi chăm chú, sau đó thì bật cười sảng khoái, nhưng lại cười ra nước mắt:
– Ngài Tình, ta chẳng được thấy nàng già đi…
Tôi vùi mình vào lòng chàng, nước mắt thấm vào lần áo màu trăng non của chàng, gượng cười:
– Thế càng tốt chứ sao, vì vậy, em sẽ mãi mãi trẻ trung xinh đẹp trong tim chàng. Em già đi sẽ rất khó coi, chàng sẽ không thích đâu…
– Nàng không chê ta già nua, sao ta có thể không yêu nàng khi nàng già cả được.
Chàng cọ cổ chàng vào cổ tôi, nước mắt tràn ra:
– Nàng có già đi, cũng sẽ là một bà già đẹp lão, mẫn tiệp, thông tuệ, điềm đạm và cốt cách.
– Vâng, dù chàng có thấy được em già đi hay không, em nhất định sẽ trở thành một người phụ nữ như chàng nói.
Tôi khẽ rời khỏi lòng chàng, cười trong nước mắt:
– Em đói rồi, chàng mời em ăn bánh sủi cảo đi.
Tôi kéo tay chàng, nhảy chân sáo bước ra khỏi cửa cung, ánh mặt trời nhuộm hồng cả hai người, cảm giác ấm áp lạ thường. Mùi hương hoa đào ngập tràn trong không gian, làm say lòng người, tôi tung tăng chạy nhảy, như vừa được chắp thêm một đôi cánh tự do, tôi là chú chim nhạn vút bay trên trời xanh, cất cao bài ca yêu đời, ca ngợi cuộc sống tươi đẹp.
– Nàng đúng là cô bé ham chơi…
Chúng tôi lang thang khắp các phố phương. Người Hồ Tây vực xuất hiện ở kinh thành Trường An này khá đông, nên phục trang của Rajiva không gây sự chú ý với người đi đường.
Thấy tôi nằng nặc đòi ăn sủi cảo, chàng ngạc nhiên hỏi tôi sủi cảo là gì. Tôi tả cho chàng nghe, chàng bảo, chàng quen gọi là món “vằn thắn” (hay hoành thánh), và không phải vớt ra chấm với nước chấm, mà trộn lẫn với nước canh, múc ra bát ăn. Bởi vậy, tôi ngồi xuống sạp hàng, và khi một bát “vằn thắn” được bưng ra, đặt trước mặt tôi, tôi đã ngơ ngẩn một hồi lâu.
Một món ăn rất nổi tiếng khác ở Tây An là súp bánh nướng thịt dê, nhưng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian miêu tả, họ mới hiểu tôi muốn ăn gì. Thì ra, vào thời đại này, người ta chỉ gọi là canh thịt dê. Chủ quán còn hỏi tôi muốn có một chén rượu hoàng quế không, tôi gật đầu lia lịa. Chủ quán đến bên một vại trà, ra sức ấn ép, những giọt rượu chảy ra, đầy một chén, chủ quán mang đến trước mặt tôi. Rajiva không được uống rượu, nên một mình tôi xử lý nguyên cả chén. Loại rượu này rất thơm, rất ngọt, mùi vị rất đặc biệt. Hương thơm của hoàng quế hòa trong từng giọt rượu, len vào cuống họng. Loại rượu này rất nhẹ, nhấp một ngụm là ấm cả bao tử.
Như thường lệ, tôi rời khỏi quán ăn trong trạng thái vừa đi vừa ôm bụng. Chàng vừa buồn cười, vừa ra vẻ nghiêm khắc nhắc nhở tôi, trên đường đi, chàng nắm tay tôi không e ngại, mặc thiên hạ nhìn ngó. Chúng tôi đến khu chợ bày hàng thủ công ở phía Tây. Tôi không thể cưỡng lại nổi sức hấp dẫn của những mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, bệnh nghề nghiệp được dịp phát tác, tôi sung sướng mua mà không ngừng tay. Tôi cứ thế bước đi mà không để ý Rajiva biến mất tự lúc nào. Ngoảnh đầu lại, thấy chàng đang đứng trước một sạp bán hàng, ngắm nghía rất lâu.
Tôi quay lại tìm chàng, tay chàng cầm một chú chuồn chuồn bằng tre, mắt nhìn ngơ ngẩn.
– Rajiva…
Chàng giật mình quay lại, đưa chú chuồn chuồn cho tôi và bảo:
– Không biết, nhóc Rajiva có thích đồ chơi của thời đại này không?
Tôi mỉm cười, gật đầu:
– Quà của bố, chắc chắn bé sẽ rất thích. Em đã hứa với con, trong vòng nửa năm em vắng nhà, nếu bé ngoan ngoãn nghe lời ông bà ngoại, em sẽ mang quà của cha về cho bé.
Chàng quay mặt đi, lặng lẽ chấm nước mắt, sau đó, nói với chủ quán:
– Này anh, tôi muốn mua cái này.
Cho đến lúc khu chợ đóng cửa, chàng vẫn miệt mài chọn đồ chơi cho con trai và mua liền một ôm lớn. Tôi nhấc cây lúc lắc, thử chơi. Cây lúc lắc này được thiết kế gồm một sợi dây quấn quanh một trục lăn hình chuông (không phát ra âm thanh) ở giữa. Nhưng tôi chơi không giỏi, nên trục quay cứ tuột khỏi dây thừng. Tiếp theo là chiếc xúc xắc cửu liên hoàn, hình dáng không phức tạp như xúc xắc về sau này, nhưng nguyên lý tháo khóa thì vẫn như nhau. Hồi bé tôi rất ngại chơi trò này, cầm trên tay một lúc là ngán ngẩm. Rajiva đón lấy chiếc xúc xắc từ tay tôi, suy nghĩ một lát, sau đó thử mở chiếc khóa đầu tiên. Những mắt xích nối tiếp theo rất dễ tháo bỏ. Tôi tròn xoe mắt nhìn chàng tháo khóa, chưa đầy 5 phút đã xong. Tôi thầm nhủ khi nào trở về tôi sẽ cho nhóc Rajiva thử tháo khóa và tính giờ, để xem bé có nhanh hơn bố không. Ngoài ra, còn cả con quay, con rối, còi gốm… nữa. Về đến cung Vị Ương chắc rằng tay chân sẽ rã rời ra mất.