Bạn đang đọc Đức phật và nàng (Tập 2) – Chương 33
Chương 85: Những vị vua cuối cùng của thời Thập lục quốc
Màn đêm buông xuống, đội quân dừng lại cắm trại ven sông. Vì chỉ có sáu cô gái, nên chúng tôi bị xua đi nấu cơm. Nấu xong lại phải cử một cô đi đưa cơm cho Hách Liên Bột Bột. Các cô gái, cô nào cô nấy mặt mày tái xanh vì sợ. Nghiêm Tĩnh run bần bật cho tôi hay, cái ông Lưu tướng quân này tính khí thất thường, lại tàn bạo, hung tợn, trong vòng ba ngày đã giết chết bốn cô gái. Nếu sơ ý lộ vẻ buồn bã, đau khổ, sẽ mất mạng như chơi. Cô gái đi đưa cơm hôm trước, không biết đã làm gì khiến ông ta nổi giận, chặt đứt hai tay, khiến cô ấy đau đớn, quằn quại, kêu thét cả đêm rồi chết.
Tôi nghe mà lạnh cả người, chả trách mấy cô gái này khiếp sợ hắn ta nhường vậy. Thuộc hạ của hắn gắt gỏng, thúc giục, năm cô gái co cụm lại với nhau. Tôi thở dài, bưng khay đồ ăn lên. Trước sau gì cũng phải có người làm việc này, tôi không nỡ để năm cô gái vô tội kia đi hiến mạng. Dù sao thì tôi còn có súng gây mê để phòng thân.
Trên đường tới lán trại, tôi cứ nghĩ mãi về Hách Liên Bột Bột. Vào thời điểm này, tên của hắn vẫn là Lưu Bột Bột, sau khi xưng đế mới đổi họ thành Hách Liên. Tiểu quốc được lập nên sớm nhất trong thời kỳ Thập lục quốc là nhà Hán của Lưu Uyên. Lưu Uyên, người Hung Nô, vì muốn thu phục người Hán ở phương Bắc, đã nhận Hoàng đế Hán triều là tổ tiên của mình, buộc quý tộc Hung Nô đồng loạt đổi họ thành họ Lưu. Hách Liên Bột Bột cho rằng người Hung Nô mà mang họ của người Hán thì không hợp lý, nên đã tự đặt ra họ “Hách Liên”, có nghĩa là “đẹp đẽ và huy hoàng như trời đất”.
Cha của hắn là Lưu Vệ Thần, được Phù Kiên phong làm Tây Thiền vu của Hung Nô. Sau khi Phù Kiên bại trận, Lưu Vệ Thần bị Hoàng đế khai quốc của Bắc Ngụy là Thác Bạt Khuê giết chết. Lưu Bột Bột khi ấy còn rất nhỏ, đã chạy trốn đến chỗ đại tướng quân Một Dịch Kiền, vốn là thuộc hạ của Diêu Hưng. Một Dịch Kiền nhận nuôi và gả con gái cho Hách Liên Bột Bột. Về sau, khi hắn phản bội Diêu Hưng và lập ra tiểu quốc riêng, thì việc làm đầu tiên là giết chết người cha nuôi kiêm bố vợ của mình.
Ở thế kỷ XXI, tôi đã có lần đến tham quan đô thành của Hách Liên Bột Bột – thành Thống Vạn, ở huyện Tịnh Biên, tỉnh Thiểm Bắc. Đó là một tòa thành hoang phế, nằm cô quạnh giữa sa mạc Maowusu mênh mông cồn cát, toàn bộ bức tường bao bọc bên ngoài tòa thành đều được bảo tồn nguyên vẹn, trải qua hơn một nghìn sáu trăm năm, vẫn kiên cố như thuở nào. Đó là tòa thành được xây dựng bằng máu và nước mắt. Năm xưa, Lưu Bột Bột tập trung một trăm nghìn người về đây xây thành, không biết bao nhiêu người đã mất mạng. Nếu như dùng búa đập mà có thể khiến cho tường thành xê dịch dù chỉ một phân, hắn cũng bắt phá đổ đoạn tường thành đó, để xây lại. Tường thành bị phá đổ ngay cả khi các thợ xây vẫn còn mắc kẹt trên cao, thi thể của họ bị vùi xuống dưới chân tường thành, hệt như một thứ vật liệu xây dựng.
Hách Liên Bột Bột là kẻ hung bạo, khát máu, bất chấp mọi quy tắc. Sau khi thành Thống Vạn được hoàn thiện, hắn thường ngự trên tường thành, bên cạnh là một cây cung, hễ thấy người nào không vừa mắt, hắn liền giương cung bắn chết người đó. Bề tôi nào nhìn hắn đầy vẻ bất mãn, hắn sẽ móc mắt bề tôi đó, kẻ nào dám cười mỉa mai, hắn sẽ xẻo môi kẻ đó, kẻ nào dám can gián, hắn sẽ cắt lưỡi, rồi chặt đầu kẻ đó.
Còn bây giờ, hắn đang là bề tôi được Diêu Hưng trọng dụng. Diêu Hưng rất mực hậu đãi Hách Liên Bột Bột, có lẽ vì vậy những hành vi bạo ngược, ác bá của hắn vẫn chưa bị lộ tẩy. Nhưng từ việc hễ bực mình là hắn chặt tay, lấy mạng người khác ấy, tôi nhận thấy đây là vị hoàng đế đáng sợ nhất của thời Thập lục quốc mà tôi từng gặp.
Tôi bước vào lán trại của Hách Liên Bột Bột, hắn đã cởi bỏ áo giáp và thay vào đó là bộ thường phục nhẹ nhàng, tóc dài thả tự do, thân hình thon gọn, cân đối, cơ bắp săn chắc, cuồn cuộn dưới lần vải mỏng. Sách “Tấn thư” mô tả về Hách Liên Bột Bột như sau: “thân dài tám thước năm tấc, dây lưng quấn mười vòng, có tài biện luận và rất điển trai”. Nếu không đáng sợ và dữ dằn đến thế, hắn có thể được xem là một gã đẹp trai hiếm có ở thời đại này.
Người ngồi đối diện với hắn đang nói chuyện:
– Hôm trước, Diêu Ung vào cung tâu với Bệ hạ rằng huynh là kẻ tàn bạo, khó gần, vì được Bệ hạ sủng ái quá mức.
Chén trà bị đập nát:
– Tên Diêu Ung ấy cậy mình là em trai của Bệ hạ, hắn dám nói về ta như vậy ư?
Người kia vội vã can ngăn:
– Đại ca bớt giận. Bệ hạ luôn cho rằng huynh là người tài cao trí rộng, muốn cùng huynh bình định thiên hạ, nên chẳng thèm để tâm đến lời nói của Diêu Ung.
Tôi không dám thở mạnh, bưng khay đồ ăn trên tay mà do dự không biết nên bước tiếp hay lùi ra ngoài. Hách Liên Bột Bột nhìn thấy tôi thì chau mày, khoát tay, ra hiệu cho tôi mang vào. Tôi đặt khay đồ ăn lên bàn, cúi thấp đầu định bụng lui ra. Đột nhiên, cổ tay tôi bị giật mạnh trở lại, tôi ngã nhào về phía trước.
– Rót rượu!
Giọng nói lạnh như băng, hắn tức tối, hầm hè liếc xéo tôi một cái. Tôi đành co cụm vào một góc, cung kính phục vụ.
– Đại ca, việc tuyển lựa ca kỹ Lương Châu tiến hành đến đâu rồi?
Người ngồi đối diện là một thanh niên trẻ hơn Hách Liên Bột Bột, gương mặt rất giống hắn ta. Tuy không điển trai, nổi bật như hắn, nhưng hiền hòa và dễ mến hơn rất nhiều, có lẽ là em trai hắn.
– Cả chặng đường chẳng kiếm được đứa nào ra hồn. Chọn suốt mấy ngày, tính cả ả này mới được có sáu đứa.
Hách Liên Bột Bột nâng chén rượu lên, bực bội nốc cạn, hàng mi dày, rậm nhíu lại.
– Nếu đại ca không nóng nảy giết chết bốn người, thì bây giờ đã đủ mười người rồi.
Người đó lắc đầu và cười:
– Hôm nay Bệ hạ đã đến vườn Tiêu Dao. Ngày mai ngài sẽ thắp hương và cầu khẩn ở chùa Thảo Đường mới xây xong. Nghe nói Bệ hạ đã mời nhà sư Kumarajiva người Tây vực từng sinh sống nhiều năm ở Lương Châu về đây và phong làm quốc sư, ngay mai ngài sẽ đến nghe pháp sư giảng kinh. Vì vậy, huynh phải gấp rút lên đường cho kịp. Đến vườn Tiêu Dao, dâng tặng những thiếu nữ này cho Bệ hạ, nhất định người sẽ rất vui mà quên đi những lời tấu xằng bậy của Diêu Ung.
Tôi ngẩn ngơ. Ngày mai sẽ tới vườn Tiêu Dao ư? Ngày mai tôi có thể gặp được Rajiva rồi ư?
– Ngươi ngồi ngây ra đấy làm gì hả!
Hách Liên Bột Bột sa sầm mặt mày, cánh tay dài kéo giật tôi vào lòng, ánh mắt sắc lẹm lướt trên người tôi:
– Trông ngươi khá là bắt mắt, đêm nay hãy ở lại hầu hạ ta.
– Được tướng quân ưu ái là vinh hạnh của tôi.
Tôi hoang mang, lo sợ, cuống quít viện cớ:
– Có điều, tôi vừa đến tháng, sợ làm vấy bẩn tướng quân.
Tiếng hầm hừ phát ra từ chiếc mũi cao thẳng tắp, cánh môi mỏng khẽ rướn lên, nụ cười lạnh lùng, thâm hiểm:
– Có phải hay không, nhìn là biết. Nếu ngươi dám lừa ta, ngươi sẽ mất chân hoặc mất tay.
Mồ hôi đầm đìa trên trán, tôi thu tay vào trong áo, nắm chặt khẩu súng gây mê. – Đại ca, hôm nay đệ cũng chỉ kiếm được bốn người, đại ca mà giết cô ta thì mai làm sao giao đủ mười người?
Em trai hắn lên tiếng khuyên can:
– Đêm nay, tì thiếp của đệ sẽ hầu hạ huynh.
Hách Liên Bột Bột gật đầu, thả tôi ra. Tôi vội vàng thu dọn bát đĩa trên bàn, nhanh chóng rời khỏi lán trại của hắn. Đêm đó, mãi đến lúc thiếp đi, tôi vẫn còn run bần bật.
Đội quân hạ trại ngay sáng sớm hôm sau để lên đường, họ đi rất nhanh, xe ngựa rung lắc dữ dội, mãi đến trưa mới dừng lại. Chúng tôi xuống xe, và thấy mình đang đứng giữa một khuôn viên vườn tược với quy mô rộng lớn. Khu vườn này được xây dựng tựa lưng vào núi, nước suối róc rách, thiên nhiên hoang sơ. Dãy núi phía sau không cao, nhưng dáng núi trùng điệp, kì vĩ. Những cây tùng cây bách cao vút, hiên ngang trên lớp tuyết, vươn mình lên trời xanh, đền đài, lầu các lẩn khuất giữa mênh mông tuyết trắng, tạo cho khung cảnh vẻ thẳm sâu, tĩnh mịch, liêu trai.
Tôi nhận ra rồi, nơi đây, chính là khu vườn thượng uyển ở huyện Hộ của mười hai triều đại hoàng đế bắt đầu từ thời nhà Tần, Hán, Đường… Diêu Hưng đã cho xây dựng vườn Tiêu Dao trên khu đất này. Ngài còn hạ chỉ xây một ngôi chùa trong khuôn viên khu vườn để nghênh đón Rajiva. Vì điện thờ chính của chùa được lợp bằng mái rơm, nên đặt tên là chùa Thảo Đường. Ngày sau, Rajiva sẽ lập đạo tràng dịch kinh ở đây, và tiến hành dịch thuật hơn ba trăm cuốn kinh, luận. Chùa Thảo Đường được bảo tồn đến tận ngày nay, tháp Xá lị của Rajiva được xây dựng trong khuôn viên ngôi chùa này.
Đang mải nghĩ xem làm cách nào gặp được Rajiva, thì chúng tôi bị xua vào một khoảng sân rộng, một phụ nữ chừng ngoài bốn mươi tuổi hướng dẫn chúng tôi thay y phục. Đó là bộ trang phục của cung nữ; váy lụa đỏ, hoa văn sặc sỡ. Sau khi thay xong xiêm y, chúng tôi được chải đầu, vấn tóc thành búi cao, cuộn lại một vòng trên đỉnh đầu, sau đó cài lệch một chiếc trâm kiểu cách. Đánh vật một hồi, soi gương, tôi thấy mình giống hệt người phụ nữ trong bức tranh “Nữ sử châm đồ” (Lời khuyên răn của quan nữ sử) của Cố Khải Chi.
Trang điểm xong, cả mười cô gái đều như được lột xác. Mấy cô gái kia đều còn rất trẻ, nên khi được mặc những bộ xiêm y xinh đẹp, lộng lẫy, cũng như bao thiếu nữ khác, họ trở nên vui vẻ, rạng rỡ, gương mặt họ toát lên sức sống thanh xuân. Duy chỉ có Nghiêm Tĩnh là vẫn mặt ủ mày chau. Tuy cô gái không muốn tiết lộ chuyện đời tư, nhưng tôi biết, cô đã lấy chồng, đêm qua cô đã lặng lẽ khóc cả đêm.
Người phụ nữ trung tuổi tháo vát và lão luyện kia chỉ dạy cho chúng tôi nghi lễ khi gặp Hoàng đế và buộc chúng tôi tập đi tập lại nhiều lần. Khi đã chắc chắn không còn lỗi sai, bà đưa chúng tôi đến đại điện. Hách Liên Bột Bột đã chờ sẵn ở đó, hắn mặc bộ triều phục màu tím. Đó là một kiểu trang phục rỗng rãi, quyền quý, mái tóc dài, đen bóng buộc gọn và thu vào chiếc mũ nhỏ, vẻ dữ dằn, hung hăng mất đi, trông hắn lúc này khá đạo mạo, tuấn tú. Sau tiếng hô báo tin của thái giám, Hách Liên Bột Bột xăm xắn bước ra cửa đại điện, đám đông nhất loạt cúi đầu, quỳ gối. Diêu Hưng đã đến.
– Khuất Kiết[1], hãy mau đứng lên!
[1] Tên chữ của Hách Liên Bột Bột, cũng là cách gọi thân mật của Vua Diêu Hưng dành cho Hách Liên Bột Bột.
Tiếng cười hảo sảng vang lên, tôi đứng lên theo đám đông, trộm nhìn vị vua vốn được đánh giá là anh minh của thời đại này.
Ngài vận bộ hoàng bào gấm hoa rực rỡ, đầu đội mũ miện vàng, dáng người cao lớn, giống hệt các tộc người phương Bắc, ria mép cắt tỉa chỉn chu, nho nhã. Tuy là người dân tộc Khương, nhưng vua Diêu Hưng đã bị Hán hóa một cách sâu sắc. Vào thời điểm này, ngài ba mươi lăm tuổi, đã làm Hoàng đế được tám năm, quốc gia thịnh vượng, lớn mạnh. Ngài vừa tiêu diệt nhà Hậu Lương của họ Lữ, khiến Thư Cừ Mông Tốn nhà Bắc Lương, Lý Cảo nhà Tây Lương, Thốc Phát Nộc Thiện nhà Nam Lương khiếp sợ, nhất loạt hàng phục và chịu cống nạp. Bởi vậy, ngài đang ở vào thời kỳ trí lực dồi dào, tinh thần hăm hở, vẻ đắc ý ngời ngời trên khuôn mặt đế vương.
– Khuất Kiết đến đúng lúc lắm. Tháng ba năm ngoái, trong vườn Tiêu Dao của ta bỗng dưng xuất hiện loài cây liền thân rất lạ, mọc giữa sân chùa. Lại nữa, cây hành, cây hẹ đột nhiên biến thành loài bạch chỉ. Quần thần dâng tấu: đó là điểm báo, rằng một vị đại đức đại trí sắp tới đây. Nhà vua bật cười sảng khoái, dắt tay Hách Liên Bột Bột, kéo ra ngoài cửa điện. Chỉ nhìn thái độ cũng biết, nhà vua rất mực sủng ái Hách Liên Bột Bột. Ngài đâu biết rằng, quốc gia của ngài sẽ suy tàn bởi con người đang ở trước mặt ngài, bề tôi mà ngài những tưởng luôn một lòng trung thành với mình. Nhưng phải khẳng định rằng, Hách Liên Bột Bột có đủ lực lượng để làm phản, cũng là do Diêu Hưng quá ư sủng ái và dung túng cho hắn.
Theo ghi chép của sử sách, năm 407 sau Công nguyên, bộ lạc Nhu Nhiên dâng tặng ngựa quý cho Diêu Hưng, quan trấn thủ Sóc Phương, nay là vùng phía Bắc Hàng Cẩm Kỳ (Hanggin, Banner), Nội Mộng Cổ khi ấy là Hách Liên Bột Bột đã chiếm giữ số ngựa quý này làm của riêng, tấn công và giết hại cha vợ là Một Dịch Kiền, cướp đoạt binh mã của Một Dịch Kiền, chống lại nhà Hậu Tần, lập ra quốc gia riêng – nước Đại Hạ, một trong mười sáu tiểu quốc thời Thập lục quốc.
– Điềm báo này quả nhiên đã ứng nghiệm. Vị cao tăng của Tây vực là pháp sư Kumarajiva đã nhận lời làm quốc sư nước Tần. Hôm nay, ngài sẽ đăng đàn giảng đạo trong chùa Thảo Đường mà trẫm vừa cho xây dựng xong. Khuất Kiết hãy cùng trẫm tới đó nghe pháp sư giảng đạo, chỉ một canh giờ là đến nơi.
Vua Diêu Hưng dường như hết sức phấn khởi, niềm vui rạng ngời trong ánh mắt. Ngài đâu biết rằng, gã thanh niên đầy dã tâm trước mặt ngài, trong vòng bảy, tám năm sắp tới, sẽ không ngừng tấn công nước Tần của ngài bằng chiến thuật đánh du kích trường kỳ, khiến ngài mệt mỏi và tuyệt vọng.
– Bệ hạ là bậc minh quân của muôn đời, vị cao tăng này quy thuận ngài cũng là lẽ đương nhiên. Hách Liên Bột Bột xin được dâng tặng mười cô gái làm quà mừng bệ hạ.
Hách Liên Bột Bột vừa chỉ tay về phía chúng tôi, vừa hoan hỉ vì đã nịnh bợ được đúng dịp.
Theo ghi chép của sách sử, sau khi lên ngôi vua, Hách Liên Bột Bột luôn mong chờ cái chết của Diêu Hưng. Vì hắn biết rõ Diêu Hoằng – người kế ngôi Diêu Hưng là một kẻ bất tài, bạc nhược. Tuy rằng, sau cùng, nhà Hậu Tần đã bị diệt vong bởi cuộc Bắc phạt của Lưu Dục, nhưng kẻ được lợi lại là Hách Liên Bột Bột. Vì khi ấy, Lưu Dục phải gấp rút trở về Kiến Khang để đạo diễn màn kịch nhường ngôi của nhà Tư Mã, và trở thành Tống Vũ Đế – vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Tống – Nam triều. Hách Liên Bột Bột đã tiếp quản Trường An, và thôn tính toàn bộ lãnh thổ của nhà Hậu Tần.
Vua Diêu Hưng đưa mắt lướt qua một lượt, rồi gật đầu hài lòng:
– Các cô gái này đều sắc nước hương trời, lại còn rất trẻ, có thể gia nhập đội ca múa.
Ngài quay sang căn dặn người phụ nữ trung tuổi dẫn dắt chúng tôi:
– Vương ma ma hãy đưa họ về đội ca múa và dạy dỗ họ cẩn thận.
Sau khi Vương ma ma lĩnh chỉ, nhà vua chẳng buồn để ý đến chúng tôi nữa, ngài hạ lệnh cho quân lính chuẩn bị xe ngựa và cùng Hách Liên Bột Bột rời đi.
Sau khi nhà vua đi khỏi, Vương ma ma cho chúng tôi biết, đội ca múa trong Hoàng cung ở Trường An, cách nơi này bốn mươi dặm. Chúng tôi phải nhanh chóng thu dọn để lên đường ngay. Tôi vội vàng vờ đau đớn:
– Vương ma ma, xin thứ lỗi, bụng tôi đau quằn quại, tôi muốn đi nhà xí.
Vương ma ma nhăn mặt, bảo tôi đi nhanh rồi về. Tôi lanh lẹ chạy biến. Vòng qua nhà xí, nhân lúc không ai chú ý, tôi cắm đầu cắm cổ bỏ chạy. Hôm nay, nhất định tôi phải gặp được Rajiva, vì nếu về Trường An, cách biệt bốn mươi dặm, không biết đến khi nào tôi mới gặp được chàng.
Sau khi ra khỏi đại điện, tôi hỏi thăm một thái giám mà tôi gặp trên đường đi về địa điểm của chùa Thảo Đường. Theo sự chỉ dẩn của vị thái giám nọ, tôi phi như bay với tốc độ của vận động viên điền kinh một trăm mét. Ống tay áo rộng thùng thình và chiếc váy lòa xòa vướng víu, tôi bèn kéo tất cả lên và ôm gọn lại, chẳng cần biết trông mình lúc này ra sao. Chạy được khoảng một dặm thì nhìn thấy công trình kiến trúc gì đó rất giống đền chùa miếu mạo ở phía trước, có lẽ là chùa Thảo Đường. Tim tôi đập thình thịch, chàng, đang ở đó…
Tôi dừng lại khi thấy lính gác cổng, phải làm thế nào bây giờ? Nhác trông thấy một chiếc chổi nằm ở góc sân. Tôi chậm rãi bước đến, cầm cán chổi lên, sửa sang đầu tóc, cố gắng giữ nhịp thở ổn định, bước về phía cổng chùa.
Quả nhiên đã bị chặn lại. Tôi rút chiếc trâm cài đầu và bông tai, ý nhị nhét vào tay hai tên lính gác, miệng cười thật tươi:
– Thưa hai anh, tôi vừa đến vườn Tiêu Dao nhận việc, hôm nay đến phiên trực nhật, nhưng không may lạc đường, đến muộn. Mong hai anh giúp đỡ, cho tôi vào chùa, nếu không, tôi sẽ bị quản giáo trách phạt.
Hai tên lính gác thấy đồ trang sức lấp lánh ánh vàng mà mỉm cười hoan hỉ, đồng ý cho tôi vào.
Có một lối đi lát đá xanh dẫn tới chính điện, hai bên là hai hàng tùng bách cao ngút ngàn. Tuyết đọng lại trên những chạc cây, muôn hình vạn trạng. Trên đường đi vẫn có lính gác, vẻ trang nghiêm, kính cẩn. Tôi cúi đầu, cầm chổi quét đất, chầm chậm di chuyển về phía chính điện. Thi thoảng lại nhìn trộm đám binh lính, sau khi nhận thấy họ không có biểu hiện gì khác thường, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Lối đi lát đá xanh ấy sao mà dài đến vậy. Tôi vẫn chầm chậm đưa đều cán chổi, nhưng tâm trí dường như đã rời khỏi thân thể này từ lâu, đang từng bước, chậm rãi, tiến tới gần chàng…
Càng tới gần tòa chính điện giản dị với mái lợp rơm khô, tim tôi đập ngày càng nhanh. Rajiva, em chờ giây phút này đã sáu năm. Tuy sáu năm nhớ nhung mòn mỏi, nhưng em có nhóc Rajiva để an ủi, bé là mối dây kết nối giữa hai ta. Còn chàng, chàng chỉ có một mình, lẻ loi, vò võ chờ đợi suốt mười sáu năm trời. Vì sao thời gian đối với em và đối với chàng lại thiếu công bằng đến vậy?
Tôi chầm chậm bước lên bậc tam cấp, một bậc, hai bậc, ba bậc. Nhịp tim đập dồn dập như nhịp trống, ầm ào như sấm động. Chàng bây giờ trông thế nào? Đuôi mắt đã thêm nhiều nếp nhăn? Chàng vẫn gầy guộc như xưa? Vết lở loét vì giá rét mùa đông còn tái phát không?
Hai tay nắm chặt cây chổi, tôi chậm rãi đưa gót về phía cánh cửa đại điện. Bước qua bậc cửa này, sẽ là một thế giới khác, qua bậc cửa này, chàng và em sẽ được đoàn tụ ư?
Vì sao chân tôi lại run lên bần bật thế này? Vì sao mỗi bước đều khó nhọc và gian nan thế này? Hình như đang có rất nhiều người ngồi xếp hàng trong đại điện. Họ là ai, tôi chẳng có thời gian mà nghĩ nhiều. Ánh mắt tôi, toàn bộ sự chú ý của tôi đều dồn cả vào bóng dáng gầy guộc trên đài cao phía trước.
Bóng người cao gầy đang bước xuống và đang hối hả lao về phía em là chàng ư? Em không thấy rõ, nước mắt đã che khuất tầm nhìn của em, trước mắt em chỉ còn là một khoảng không mơ hồ. Có phải ai đó đang hô hoán? Vì sao em có cảm giác đám đông xung quanh mình đang nhất loạt rộ lên, miệng họ mở rộng, môi họ mấp máy, nhưng em lại chẳng thế nghe rõ họ nói những gì.
“Phịch!” Âm thanh ấy truyền tới tai em một cách rõ ràng, đó là tiếng chổi rơi trên nền nhà. Không hiểu vì sao, em không còn đủ sức để cầm trong tay, dù chỉ là một cán chổi.
Bóng người lấp lánh ánh vàng ngăn chàng lại là ai? Vì sao người đó lại ngăn trở chàng? Có phải người đó chẳng thể ngăn nổi chàng không? Màu áo nâu sòng càng lúc càng đến gần, nỗi nhớ nhung ngàn năm không phai lạt thấm đẫm trong lớp khói sương huyền ảo. Chuỗi tràng hạt sờn bạc theo năm tháng, chập chờn trước mắt. Thân thể tôi nặng trình trịch như có ai rót chì lên, không giữ nổi thăng bằng, tôi đổ người về phía trước.
– Vợ của ta, nàng đã về…
Tôi ngã vào màu áo nâu sòng ấy, hơi thở ấm áp vây bọc lấy tôi, trái tim chàng đang gõ nhịp liên hồi bên tai tôi, cùng với trái tim tôi, hòa tấu bản nhạc song hành ở âm vực cao.
– Em đã về…
Là tiếng tôi ư? Vì sao nghe nhẹ tựa làn mây, bồng bềnh trôi đến tận chân trời xa thẳm…