Đức phật và nàng (Tập 2)

Chương 17


Bạn đang đọc Đức phật và nàng (Tập 2) – Chương 17

Chương 69: Doanh trại nạn dân
Hôm sau, Rajiva đứng bên ngoài cửa cung chờ đợi suốt một ngày. Lữ Thiệu, khi ấy là Thế tử, được Lữ Quang giao nhiệm vụ cai quản Guzang, đã không xuất đầu lộ diện. Vì đứng quá lâu trong tuyết, bàn chân Rajiva xuất hiện vệt lở loét dài do lạnh cóng. Buổi tối, phải ngâm chân trong nước nóng, vừa ngứa vừa xót, đổ cả mồ hôi. Tôi bôi gừng cho chàng mà lòng xót xa, nhưng chàng  vẫn gượng  cười, nói với tôi rằng chàng không sao.
Như thường lệ, hôm đó chúng tôi đi về hướng  cổng thành phía Nam để đến quả đồi ngoài thành Guzang, nơi tập trung đông dân chạy nạn nhất. Hô Diên Bình và các đệ tử của Rajiva khoác lên vai hơn chục tải lương thực. Sau hôm nay, Rajiva khoác lên vai hơn chục tải lương thực. Sau hôm nay, chúng tôi sẽ không tiếp tục cứu đói được nữa. Trong nhà kho hiện chỉ còn năm tải gạo kê, là những tải lương thực cuối cùng mà tôi phải tranh đấu với Rajiva để giữ lại.
Chúng tôi đến cổng thành và không khỏi ngạc nhiên khi thấy cánh cổng đóng chặt, hàng trăm binh lính đang đi tuần, trên cổng dán cáo thị, rất nhiều người chen chân đứng dọc, nên tôi không nhìn rõ họ viết gì. Chợt thấy một người từ đám đông bước ra, tôi vội vàng đến hỏi.
– Họ nói dân chạy nạn gây mất ổn định trật tự, kể từ hôm nay đóng kín cổng thành, đuổi tất cả nạn dân ra ngoài.
Ông lão chống gậy, lắc đầu thở dài:
– Trời đông giá buốt, quan nha ban bố lệnh này khác nào muốn lấy mạng những người dân khốn khổ ấy. Nhưng ai còn tâm trạng đâu mà nghĩ cho họ nữa, ngay cả bản thân chúng ta cũng không biết khi nào sẽ chết đói nữa là…
Tôi sững sờ, mệnh lệnh này chắc chắn do Lữ Thiệu ban bố. Sao hắn có thể vô lương tâm đến vậy! Bảy, tám vạn mạng người, lại đều là người già, phụ nữ và trẻ em, lẽ nào bỏ mặc họ chết đói chết rét ngoài kia? Trong  cơn phẫn uất, tôi thấy Rajiva bước về phía cổng thành, lớn tiếng yêu cầu bọn họ mở cổng. Mấy tên lính tỏ vẻ cung kính với chàng, nhưng không tên nào dám trái lệnh mà tự ý mở cổng. Tôi bước tới, kéo tay áo Rajiva, lắc đầu ra hiệu cho chàng. Chàng giận dữ lùi lại. Sau lưng chúng tôi, những tiếng kêu la ai oán vang lên. Hàng trăm nạn dân bị xua đuổi, bước thấp bước cao, lảo đảo, liêu xiêu.
Cánh cổng kèn kẹt nặng nhọc mở ra, cầu treo hạ xuống, nạn dân bị quan binh dùng roi da xua ra ngoài cổng thành. Cảnh tượng thảm thương ấy khiến cư dân của Guzang cũng phải ngoảnh mặt đi vì xót xa. – Thí chủ, vì sao nỡ nhẫn tâm như vậy?
Rajiva lao đến giữ lấy chiếc roi da đang quất lên mình một người phụ nữ của viên lính nọ, nỗi bi phẫn đã dâng lên trong giọng nói phê phán quyết liệt.
– Thí chủ cũng có mẹ cha kia mà, nếu cha mẹ thí chủ bị người ta hành hạ như vậy, thí chủ có chịu nổi không?
Tên linh ngơ ngác, sau đó thì hậm hực rụt tay về. Tôi và Rajiva cùng nhìn nhau, thở dài. Chàng hiểu ý tôi, nên gật đầu tán đồng. Trong tình hình này, không thể nặng lời với đám quân lính. Cách duy nhất là thuyết phục Lữ Thiệu hủy bỏ mệnh lệnh trên.
Đúng lúc ấy, có người đặt vào tay tôi một thứ gì đó. Sau phút ngỡ ngàng,  tôi nhận đó là một em bé chỉ chừng một, hai tuổi. Em được bọc trong những miếng vải rách nát đã bốc mùi, đôi mắt thẫn thờ, em nhẹ như một chiếc lá, dường như đã không còn sức để khóc nữa. Tôi vội đưa mắt kiếm tìm và thấy trong đám nạn dân đang bị lùa ra ngoài thành, một người phụ nữ trẻ, ngoái đầu lại nhìn tôi, gào khóc:
– Xin phu nhân mở lượng hải hà, cứu lấy “cún con”[1]  nhà tôi.
[1] Tên gọi thân mật ở nhà của trẻ em.
Tôi ôm đứa bé, đuổi theo người phụ nữ:
– Được, tôi sẽ nuôi cháu giúp chị. Tôi sống ở con phố chính gần cổng phía Tây, chị cứ hỏi nhà của pháp sư Kumarajiva. Người phụ nữ chỉ biết khóc lóc, nhìn đứa bé lưu luyến. Tôi bị ngăn lại trước cổng thành, đành với ra hỏi lớn:
– Chị tên là gì? Khi nào cổng thành được mở, tôi sẽ đến tìm chị.
– Tôi tên Tần Tố Nga, chồng tôi đã xung quân, tên là Ngụy Trường Hỷ. Chúng tôi là người Liễu Viên ở Đôn Hoàng.
Đó là những gắng gượng sau cùng của người phụ nữ. Chị nhìn con lần cuối, những tiếng gào thét cuối cùng lọt qua khe cổng tối tăm. Tôi kiễng chân, gắng đón lấy lời chị:
– Nếu tôi và cha “cún con” đều chết cả, xin phu nhân với pháp sư hãy nhận nuôi con tôi…
Cổng thành rầm rầm đóng lại, cắt đứt lời nói của người phụ nữ. Bên ngoài, tiếng kêu khóc thảm thiết bắt đầu dậy lên, vượt qua bức tường cao dày, xuyên vào màng nhĩ tôi. Đứa bé bị đánh thức, hai mắt mở to, khe khẽ khóc. Hai cánh tay nhỏ xíu chới với trong không trung, bắt được mấy sợi tóc lòa xòa của tôi, liền đút vào trong miệng, cái miệng nhỏ xinh như phát ra một tiếng kêu mơ hồ: đói…

Chúng tôi trở về, ai nấy đều lặng lẽ. Về đến nơi ở, Rajiva nói rằng chàng phải đến gặp Lữ Thiệu, dặn dò chúng tôi ở nhà chờ chàng. Tôi gật đầu, mặc dù biết rằng khả năng Rajiva thuyết phục được Lữ Thiệu hủy lệnh là rất mong manh. Nhưng tôi biết, Rajiva sẽ không bao giờ chịu từ bỏ khi mà chàng chưa thử. Tôi giao đứa bé cho Đoàn Sinh Đình để chị ta cho bé ăn. Tiễn Rajiva ra ngoài cổng, tôi nghe thấy tiếng gào khóc kêu la vẳng đến bên tai. Khoảng mấy trăm nạn dân bị đám lính lùng bắt được, đang bị áp giải về phía cổng thành.
Nghe thấy những tiếng kêu la thảm thiết ấy, đôi mắt Rajiva như có lửa, chàng nắm chặt tay, khuôn ngực phập phồng dữ dội. Sau đó chàng quyết liệt bước ra giữa đường, chặn đám người đó lại.
Tuyết bắt đầu trút xuống sau một buổi sáng tạm nghỉ. Những bông tuyết trắng xóa bay là là trên chiếc áo bông đã sờn bạc của chàng, tan ra, thấm vào lớp áo màu nâu sòng ấy. Chàng quàng chiếc khăn liền mũ mà tôi đan cho chàng, đứng giữa lớp tuyết dày đã tích tụ hơn mười ngày qua, bóng chàng ngạo nghễ giữa không gian.
Tôi không biết chàng định làm gì, nhưng bất luận chàng muốn làm gì, tôi là vợ chàng, tôi phải đứng cạnh chàng. Nghĩ vậy, tôi vượt qua những tầng tuyết, đến bên chàng, cùng chàng lấy thân mình chặn những kẻ coi mạng người như con sâu cái kiến kia lại.
– Pháp sư, hạ quan làm việc theo lệnh, xin ngài đừng làm khó hạ quan.
Tên lính dẫn đầu bước ra, cúi chào Rajiva.
– Thí chủ định đưa họ đi đâu?
Rajiva chắp tay lại, khẽ cúi người, dáng vẻ cung kính nhưng giọng nói sắc nét. – Thế tử ra lệnh đuổi tất cả đám dân lưu lạc ra ngoài thành, tránh gây nhiễu sự.
Rajiva nghiêm nghị nhìn tên lính kia, cố ý kéo dài giọng:
– Vì sao thí chủ biết họ là dân lưu lạc?
Bối rối trước ánh mắt uy nghiêm của Rajiva, tên lính ấp úng:
– Thưa… pháp sư nói đùa chăng? Bọn họ không có hộ tịch, lại không phải cư dân Guzang, nên tất nhiên là dân lưu lạc rồi!
Rajiva tiếp tục truy hỏi:
– Tướng quân Lữ Quang mới đến thành Guzang được bốn tháng, trong thời gian đó, ngài bận việc dẹp yên quân phản loạn, còn chưa kịp ổn định và phát triển thành phố ngày. Tất cả những người theo ngài đến đây đều chưa có hộ tịch. Ta đến từ Tây vực, không phải người Guzang, lẽ nào ta cũng là dân lưu lạc?
– Điều này …
Tên lính ngắc ngứ không biết nói sao, cũng không dám nhìn thẳng Rajiva, vẻ kiêu căng đã xẹp hẳn xuống.
– Pháp sư đương nhiên không phải, ngài chỉ tạm thời chưa có hộ tịch thôi. Nhưng pháp sư có nơi cư trú, còn những người này không có.
Rajiva bước lên phía trước, tiếp tục bắt bẻ: – Vậy nếu có chỗ ở thì họ sẽ còn là dân lưu lạc nữa đúng không?
– Có lẽ vậy…
Tên lính bắt đầu ngơ ngác ngó về phía sau, giọng nói yếu ớt.
Rajiva nhìn tôi, hiểu ý chàng, tôi liền đi về và mở rộng cánh cổng nhà chúng tôi ra.
Rajiva chắp hai tay lại, khóe môi nở một nụ cười:

– Thí chủ, họ đều là khách mời của ta, nơi ở của họ trong thành Guzang, chính là chỗ này.
Tên lính dẫn đầu há hốc miệng, nhìn Rajiva chằm chằm nhưng không nói được câu gì. Nhân lúc hắn còn đang ngỡ ngàng, tôi bảo tất cả những người dân lưu lạc kia vào trong nhà. Họ tỏ ra ngạc nhiên hết sức, nhưng một lát sau thì chen nhau ùa vào, căn nhà của chúng tôi chật kín người.
– Thưa… thưa… pháp sư, ngài làm vậy, hạ quan biết ăn nói sao với quan trên? Tên lính bối rối, đứng ngây ra như phỗng. Tôi ra hiệu cho Hô Diên Bình đóng cổng lại, rồi đứng canh bên ngoài. Rajiva bước lại, đứng bên tôi.
Giữa lúc căng thẳng ấy, bỗng có tiếng vó ngựa vang lên, một toán người ngựa đang hướng về phía chúng tôi. Khi họ đến gần, tôi nhận ra tên đi đầu chính là Thế tử Lữ Thiệu. Hắn vốn chẳng có tài cán gì, nhưng vì là con trưởng, nên được lập làm Thế tử. Lữ Quang vừa qua đời, hắn đã bị Lữ Soạn ép phải tự vẫn. Nhưng lúc này hắn đang đứng trước mặt chúng tôi, vẻ dương dương tự đắc vì vừa được lập làm Thế tử.
Nhìn thấy kẻ đi bên cạnh Lữ Thiệu, tôi bỗng giật mình. Người thanh niên cao lớn cưỡi con ngựa màu mận chín ấy chính là Thư Cừ Mông Tốn. Anh ta không theo bác họ và anh họ ra chiến trường,  mà ở lại Guzang.
Tên lính ban nãy nhác thấy bóng Lữ Thiệu, vội vã bước tới bẩm báo, kể lể sự tình. Sau vài câu hỏi, Lữ Thiệu chau mày, nhảy xuống ngựa, bước đến trước mặt chúng tôi.
– Pháp sư, ta biết ngài có tấm lòng từ bi hỉ xả, nhưng đám dân xấu xa này không lo làm ăn, ngày ngày chỉ biết ăn xin đầu đướng xó chợ. Thành Guzang đào đâu ra nhiều lương thực đến thế mà bố thí cho bọn chúng? Giữ bọn chúng lại trong thành, nạn trộm cắp ắt sẽ hoành hành. Ta ban lệnh này, là vì nghĩ đến sự yên ổn của cư dân thành phố.
– Thế tử, xin hỏi ngài, những người già, phụ nữ và trẻ em này đứng còn không đứng nổi, làm sao có thể ăn trộm ăn cắp, làm điều xằng bậy như ngài nói?
Rajiva lạnh lùng nhìn thẳng vào mắt Lữ Thiệu, cằm rướn cao, giọng đầy phẫn uất:
– Thế tử chớ quên, những người cha, người con của những người này đã xung quân và đang chiến đấu chống  lại quân phản loạn. Thế tử đã không màng việc cứu đói, lại muốn xua đuổi người thân của những người đang liều mạng sống nơi sa trường, để mặc họ tự sinh tự diệt. Lẽ nào Thế tử có thể nhẫn tâm chứng kiến cảnh xác chết đầy đường?
– Ta…
Lữ Thiệu mặt mày đằng đằng sát khí, giơ cao roi ngựa.
– Pháp sư ngang nhiên chống đối mệnh lệnh của ta. Lẽ nào ngài muốn…
– Thế tử!
Thư Cừ Mông Tốn ngắt lời Lữ Thiệu, cũng nhảy xuống ngựa.
Anh ta bước đến bên cạnh Lữ Thiệu, chắp tay cung kình chào Rajiva,  sau đó quay sang nói với Lữ Thiệu:
– Xin Thế tử bớt giận! Sao Thế tử không hỏi pháp sư, xem ngài có thể nuôi sống ngần này con người không?
– Ta có thể!
Giọng nói của chàng trầm hùng, quyết liệt.
– Đại sư Duy Ma Cật từng nói, chúng sinh đau ốm cũng giống như ta đau ốm. Chúng sinh vì bệnh tật mà qua đời cũng giống như ta vì bệnh tật mà qua đời. Ta nguyện  học theo ngài Duy Ma Cật, còn sống ngày nào sẽ cứu giúp họ ngày ấy.
Không khí yên lặng bao trùm tất thảy. Gió buốt như dao cắt, thổi bay nếp áo đã sờn bạc của chàng. Những bông tuyết theo gió đông ào ạt đổ xuống  vai áo chàng. Rajiva ngẩng cao đầu, gò má chàng tím tái vì giá rét, nhưng giữa vầng trán cao vẫn toát lên vẻ nghiêm nghị, lẫm liệt. Chàng tựa như một đóa tuyết liên thánh thiện, đang ra sức bảo vệ sự kiên trinh của tâm hồn.

Lữ Thiệu hắng giọng phá vỡ không khí trầm lặng:
– Pháp sư thật là đần độn! Những kẻ già cả, yếu ớt này rất vô dụng, để bọn chúng sống chỉ tốn cơm gạo. Lương thực lúc này là quan trọng nhất, chúng chết càng nhiều, lương thực tốn càng ít.
Những lời nói thiếu tính người ấy khiến tôi không thể nhẫn nhịn thêm nữa. Tên súc sinh này chết bởi tay anh em ruột thịt cũng đáng lắm. Bước lên phía trước, định phản kháng, Rajiva vội giữ tôi lại, khẽ lắc đầu. Nỗi phẫn uất như sóng cuộn dâng trong mắt chàng, nhưng  chàng đã kìm chế và giữ được bình tĩnh hơn tôi.
Mông Tốn đưa mắt với tôi đầy ẩn ý, anh ta ho khẽ một tiếng, kéo tay Lữ Thiệu, can gián:
– Pháp sư đã nói vậy, Thế tử còn bận tâm làm gì nữa, đằng nào thì không tốn lương thực của Thế tử. Chúng ta còn nhiều nơi chưa tuần tra hết, Thế tử không nên lãng phí thời gian ở đây.
Lữ Thiệu vẫn còn hậm hực, nhưng Mông Tốn đã ra sức kéo hắn ra đi. Lữ Thiệu lên ngựa, thu quân, trừng mắt đe dọa chúng tôi, rồi tiếp tục tiến về phía trước. Mông Tốn cũng lên ngựa, trước khi quay đi, anh ta còn cố nhìn về phía tôi. Không hiểu sao, tôi cứ có cảm giác, ánh mắt anh ta nhìn mình có điều gì rất lạ lùng. Đến lúc này tôi vẫn không rõ Mông Tốn là con người thế nào. Hôm nay có vẻ như anh ta đã giúp chúng tôi nhưng tôi biết anh ta làm vậy chắc chắn không phải vì lòng tốt bỗng dưng trỗi dậy.
Cuộc xung đột kịch liệt ấy kéo theo một hệ lụy, đó là chúng tôi sẽ chẳng thể thuyết phục Lữ Thiệu thu hồi mệnh lệnh. Hơn hai trăm ba mươi con người đang cùng trú ngụ dưới mái nhà của chúng tôi. Hôm đó, vấn đề phải giải quyết đầu tiên là chỗ ngủ. Không có đủ chăn đệm, chúng tôi đem toàn bộ y phục định đem bán chia cho những người quần áo rách nát. Mỗi phòng phải trải mười mấy tấm thảm dưới đất, nhà bếp cũng biến thành phòng ngủ. Những người khỏe mạnh hơn được bố trí nằm ngoài hành lang. Ngay cả phòng của tôi và Rajiva cũng có rất nhiều người nằm. Tôi giữ ý, kéo màn giáo che chắn trước giường của mình.
“Doanh trại nạn dân” với mật độ quá dày ấy, nếu ở vào thời hiện đại, chắc chắn không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Không khí trong nhà nồng nạc mùi hôi, nhưng điều khiến tôi lo lắng nhất là căn bệnh truyền nhiễm. Nếu có ai đó mắc bệnh truyền nhiễm, sẽ rất dễ lây lan trong môi trường này và khó lòng điều trị. Thường sau thiên tai, ôn dịch sẽ hoành hành, thời đại này lại không có vắc-xin phòng bệnh và thuốc kháng sinh. Tôi nói lại những suy nghĩ đó với Rajiva, chàng bảo tôi đừng lo lắng, mùa thu mới là mùa dịch bệnh lây lan. Bây giờ đang là mùa đông, lại giá rét nhường này, khó xảy ra nguy cơ truyền nhiễm. Chờ mùa xuân đến, sẽ nghĩ cách xử lý. Tuy vậy, tôi vẫn kêu gọi những người phụ nữ đem toàn bộ y phục ra giặt giũ sạch sẽ và dọn dẹp tinh tươm nơi ăn chốn ở.
Giờ đây không được ra khỏi thành, nên không thể đi kiếm củi, chúng tôi phải dựa vào số củi dự trữ trong nhà kho. Để tiết kiệm, chúng tôi chỉ đốt lửa khi nấu cơm. Bao nhiêu con người chen chúc, vậy mà không khiến cho căn nhà ấm áp thêm chút nào. Trong kho vẫn còn hơn mười tải lương thực, tôi sắp xếp để Hô Diên Bình và cả nhà Mộ Dung ngủ ở đó. Hô Diên Bình hiểu ý tôi, nên hàng ngày đều mang theo chìa khóa nhà kho bên mình, hễ ra khỏi cửa là khóa lại. Không phải tôi thiếu lòng tin vào những người dân chạy nạn kia, tôi chỉ lo, lúc đói khát cực độ, người ta sẽ làm những việc mà bình thường họ không bao giờ làm. Nhưng, số lương thực này cũng chỉ đủ cung cấp cho ngần ấy con người trong vòng chưa đầy mười ngày, sau đó thì sao? Còn ít nhất một tháng nữa mới hết mùa đông.
Tôi đã tìm cách rao bán tất cả những gì có thể bán được: sách của Rajiva, ngọc bội sư tử mà Bạch Chấn ban tặng, chiếc vòng vàng của Hoàng hậu Khâu Từ. Tôi thậm chí còn định đem những vật dụng thời hiện đại của tôi ra bán, nhưng Rajiva không đồng ý, vì chàng không muốn thân thế của tôi bị lộ. Tôi lén đem cuốn sổ ghi tốc ký và bút chì đi bán, nhưng không ai thèm ngó ngàng đến. Vì có quá nhiều người rao bán tài sản, những đồ đạc bằng vàng, bằng bạc hữu dụng hơn mấy thứ dụng cụ thủ công tinh xảo kia. Tôi cười buồn nhìn mấy món đồ của 1650 năm sau, chúng chẳng giúp ích được gì lúc đói kém.
Dù cho nồi cháo của chúng tôi có loãng đến đâu, mười ngày sau, số lương thực trong kho vẫn cạn kiệt. Rajiva bắt đầu dẫn theo các đệ tử ra phố khất thực. Tôi là một người Hán, nên trong quan niệm của tôi, ăn xin tức là đem lòng tự tôn ném xuống đất và giẫm đạp lên, bởi vậy tôi không thể nuốt những  thực phẩm có được từ việc khất thực.
Rajiva thì khác, chàng nói rằng chàng là Bhikkhu, nghĩa là khất sĩ, khất sĩ là những người cầu Phật pháp nơi Phật tổ và khất thực chốn nhân gian[2]. Năm xưa Phật tổ cũng ngày ngày mặc áo cà sa, tay mang bát sành vào thành Xá Vệ khất thực. Lòng tôi thắt lại khi thấy chàng và các đệ tử mang số thực phẩm ít ỏi về nhà vào cuối mỗi ngày. Tôi chia thức ăn này cho những người ốm đau bệnh tật, riêng tôi, không bao giờ đụng đến.
[2] Đức Phật và nàng, tập 1, trang 41.
Nạn dân cũng muốn ra phố xin ăn, nhưng Rajiva ngăn cản. Vì chỉ cần bước ra khỏi cánh cổng này, họ sẽ bị đuổi ra ngoài thành. Rajiva và các đệ tử vốn là nhà sư, nên ít nhiều họ vẫn được người ta tôn trọng. Mỗi khi trong thành có người qua đời, Rajiva lại cử đệ tử của chàng đến tụng kinh siêu độ, mỗi lần như thế cũng được bố thí vài chiếc bánh bao. Đệ tử của Rajiva giống hệt chàng ở sự cao ngạo, dù cho họ gầy đói đến mức chỉ còn da bọc xương, nhưng không bao giờ tham lam. Kể cả khi chỉ được bố thí một chiếc bánh bao, họ cũng đem về chia đều ọi người.
– Sư tôn, sư mẫu!
Tôi và Rajiva đang sắp xếp lại các tấm thảm, để có thêm chỗ nằm trong phòng cho những người phải ngủ ngoài hành lang. Nghe tiếng gọi, chúng tôi đều ngẩng lên, đó là ba đệ tử của Rajiva. Hôm nay họ đến siêu độ cho lão phu nhân nhà họ Vương vừa qua đời ở phía Đông thành Guzang. Họ thận trọng trao cho tôi gói đồ ăn bọc vải lụa. Tôi mở ra thì thấy bên trong là mấy miếng bánh cao lương đã thâm đen.
– Thưa thấy, trong tang lễ của lão phu nhân nhà họ Vương, chúng con nghe nói…
Vị sư trẻ mới mười tám tuổi, Badyetara nhìn chúng tôi ngập ngừng.
– Có chuyện gì vậy? Rajiva gạn hỏi. – Theo lệ thì nếu trong nội thành có người qua đời, quan binh sẽ cho phép đưa ra ngoại thành an táng. Nhưng nhà họ Vương  không  dám đưa lão phu nhân ra ngoại thành, mà an táng ngay trong vườn nhà.
Tôi băn khoăn:
– Vì sao?
Gương mặt của vị sư trẻ tuổi hiện lên vẻ bi ai, Badyetara cúi đầu khẽ đáp:
– Con nghe nói, ở ngoại thành,  người chết vừa mới chôn xuống đất đã bị đào lên.
Tôi thốt lên một tiếng thất kinh, rồi vội vàng bịt chặt miệng lại. Badyetara tiếp tục kể: – Nạn dân ngoài ngoại thành đã bắt đầu ăn thịt người chết…
Rajiva khép mắt, quay đi, không muốn nghe tiếp. Đôi mày của chàng chau lại, một lúc lâu sau mới nghe thấy tiếng thở dài u buồn của chàng.

Vào thời điểm giá buốt nhất, một giọt nước nhỏ xuống lập tức đóng thành băng, giữa đêm thâu, tiếng kêu thương ai oán của những con người sắp chết vẳng đến bên tai, tựa như những mũi kim đâm vào tim, khiến trái tim co thắt dữ dội. Cứ nghĩ đến câu nói của Badyetara tôi lại mường tượng ra cảnh, bốn bề là những con mắt nhấp nháy như bầy dã thú, đang chờ đợi người sắp chết trút hơi thở cuối cùng. Đói khát khiến người ta mất đi nhân tính, chỉ còn lại bản năng thú vật. Thời đại này mới tăm tối làm sao, sự sống mới đáng sợ làm sao!
Những tiếng gào khóc lúc to lúc nhỏ vang vọng suốt đêm, không kìm nổi cảm giác run sợ, tôi cứ chống  mắt nằm nghe cho tới sáng. Bên cạnh, Rajiva vòng tay ôm lấy tôi, nhưng chàng cũng đang run rẩy. Gối đầu lên cánh tay chàng tôi nghĩ, giá như có thể thiếp đi, sẽ không phải nghe những tiếng kêu thương nhức nhối, có thể phá nát thần kinh của con người ở ngoài kia, và cũng không phải nghe âm thanh réo rắt của cái bụng rỗng nữa. Trải qua nhiều đêm thức trắng, cuối cùng tôi cũng học được cách dỗ giấc ngủ giữa những thanh âm thê thảm của sự chết chóc.
Rajiva kéo tôi vào một ngõ nhỏ cạnh nhà, nhìn ra xung quanh không thấy ai, chàng cầm bàn tay loang lổ vết lở loét do giá rét của tôi đưa lên miệng hà hơi sưởi ấm. Lát sau, đặt tay tôi xuống, chàng vuốt ve gương mặt tôi, ánh mắt đầy lưu luyến.
Tôi ngạc nhiên, định hỏi thì thấy chàng hít một hơi thật sâu, như thể phải hạ quyết tâm lắm:
– Ngải Tình, nàng hãy trở về đi. Tôi giật mình, hốt hoảng: – Chàng, chàng bảo em về đâu?
– Quay về thời đại của nàng, đừng tiếp tục ở đây chịu đói cùng ta nữa.
Những  làn hơi trắng phả ra từ miệng chàng, cùng một nét cười ảm đạm.
– Không, em không về!
Tôi gào lên, chàng vội che miệng tôi lại. Bàn tay chàng giá lạnh, mấy vết lở loét trên mu bàn tay đã bắt đầu sưng tấy.
Chàng ghé sát vào tai tôi, cất giọng dịu dàng:
– Hãy nghe lời ta, nàng tạm thời trở về đó, khi nào trận đói qua đi, nàng lại về đây.
Chàng nghĩ vượt thời gian là một chuyến du lịch đơn giản ư? Chàng đâu biết tôi đã phải trả giá ra sao? Nước mắt tuôn trào, miệng vẫn bị giữ chặt, tôi chỉ còn cách ra sức lắc đầu. Tôi vòng tay qua eo chàng, ngả người vào lòng chàng:
– Ngải Tình, có phải chia ly vĩnh viễn đâu mà nàng buồn đến vậy? Chàng dịu dàng ôm lấy tôi, vuốt ve mái tóc tôi.
Tôi vùi đầu vào lòng chàng, chàng gầy đi rất nhiều, những đốt xương trên vai đã lộ ra, tôi nhìn mà xót xa.
– Rajiva, em không thể đi, nếu ra đi, em sẽ không quay về được nữa…
– Vì sao? Nàng nói rằng, có một cỗ máy gì đó có thể đưa nàng trở về bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời ta kia mà?
Chàng ôm lấy hai vai tôi, đôi mắt như hai luồng điện chiếu thẳng vào nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn tôi:
– Ngải Tình, nàng giấu ta điều gì phải không?
Lòng buồn rã rời, toàn thân như đóng băng. Nhưng tôi không thể để chàng biết nguyên nhân thực sự, tôi ấp úng:
– Thì… thì… cỗ máy đó vẫn đang trong giai đoạn thí nghiệm, lịch sử trải dài mấy nghìn năm, rất có thể trong lần vượt thời gian tiếp theo, em sẽ không gặp được chàng.
Tôi kéo tay chàng, nhìn sâu vào đôi mắt trong suốt của chàng, khóe môi run rẩy:
– Em không muốn mạo hiểm, em không thể xa chàng. Chàng hãy tin em, chúng ta sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này, nhất định như vậy! Chàng  thở dài, lau nước mắt cho tôi bằng nụ hôn mềm ấm, rồi kéo tôi vào lòng. Trên đầu tôi vang lên tiếng thở dài xen trong giọng nói trầm ấm:
– Ta đâu nỡ xa nàng…
Trong vòng tay chàng, tôi ngước mắt nhìn trời, mây đen vần vũ, tuyết lại bắt đầu rơi. Giữa nền trời tăm tối, những bóng tuyết trắng đã biến thành màu xám xịt, thờ ơ rơi trên đôi vai gầy guộc của chàng. Giữa đất trời này, ngoài vòng tay của chàng, chẳng còn nơi nào ấm áp…
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.