Đọc truyện Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh – Chương 8: Trí giả Ban Trí Đạt
“Sự cao quý được gìn giữ bởi lời nói và hành động,
Hành vi sai trái sẽ hủy hoại tất thảy;
Ai nấy đều yêu thích gỗ đàn hương,
Nhưng đã đốt thành tro thì còn chi để luyến tiếc.”
(Cách ngôn Sakya)
Tôi rất muốn ghếch đầu lên để được tận mắt chiêm ngưỡng dung mạo nhân vật huyền thoại của Phật giáo Tây Tạng ấy, bởi vì trong buổi pháp hội năm xưa, ngài không đăng đàn giảng pháp mà chỉ lặng lẽ ngồi bên cạnh. Tôi đứng nhìn từ xa, chẳng thể tỏ tường dung mạo, chỉ có cảm giác ở con người ấy toát lên thần khí của rồng thiêng, ánh sáng của trí tuệ. Tôi và lão gấu xám vừa hết lời ca tụng vừa than thở nuối tiếc vì không được nghe ngài thuyết pháp.
Nhưng trong tâm trí tôi, ngài không hề xa lạ. Bởi vì suốt năm năm gắn bó với lão gấu xám, hầu như ngày nào tôi cũng được nghe những câu chuyện, sự tích, huyền thoại về bậc trí giả Ban Trí Đạt ở Sakya, nghe đến thuộc làu, nghe đến rát cả tai.
Theo lời lão gấu xám thì tên thật của ngài Ban Trí Đạt là Cống Cát Kiên Tán. Ngài đi chu du tứ phương, ngay từ khi còn rất trẻ, ngài đã tới rất nhiều ngôi chùa danh tiếng viếng thăm các vị cao tăng. Ngài có học vấn sâu rộng, tinh thông ngũ minh[1], danh tiếng của ngài lan khắp vùng Wusi, người dân nơi đây tôn ngài là bậc trí giả “Ban Trí Đạt[2]”.
Truyện kể rằng, năm đó có một nhóm người Thiên Trúc sùng bái đấng Phạm Thiên[3], phản đối Phật giáo, mới tìm đến ngài Ban Trí Đạt đòi thách đấu tranh biện. Ngài Ban Trí Đạt giành chiến thắng và nhóm người kia đã quy y trở thành tín đồ của giáo phái Sakya. Người ta còn nói, các giáo phái khác cũng tỏ ra bất mãn với vị trí giả, họ đã cử nhà tu hành có học vấn sâu rộng nhất lúc bấy giờ là ngài Ngũ Do Ba đến tranh biện. Kết quả, ngài Ngũ Do Ba cũng phải chịu thua tâm phục khẩu phục, bằng lòng quy y làm tín đồ của phái Sakya. Sau đó, Ngũ Do Ba trở thành đệ tử đắc lực nhất của Ban Trí Đạt.
Học giả Ban Trí Đạt viết rất nhiều sách, trong số đó, cuốn sách mà lão gấu xám thuộc lòng và ngày ngày đọc vanh vách là Cách ngôn Sakya. Lão gấu xám thường vỗ ngực tự khen chất giọng bò rống của mình là du dương, trầm bổng, nhưng thực tế thì giọng đọc inh tai nhức óc của lão khiến cho cuốn cách ngôn vốn đậm chất trí tuệ trở nên khá hài hước, thú vị. Và đến bây giờ tôi vẫn có thể đọc thuộc một số bài.
Ví như:
“Kẻ nhỏ nhen trút giận lên người rộng lượng,
Người rộng lượng chẳng buồn bực bội;
Loài sói tru lên những tràng dài ngạo mạn,
Sư tử lim dim, cười nhạo đám vô tri.”
Khi ngâm nga bài cách ngôn này, lão gấu xám thường than thở vì sao ngài Ban Trí Đạt không thay “sư tử” bằng “gấu xám”.
Hay một bài khác:
“Phẩm cách của người chính trực không thay đổi,
Ngay cả khi người đó vấp phải nguy nạn trong đời;
Như vàng kia không thể bị biến màu,
Ngay cả khi đem nung trong lửa đỏ.”
Lão gấm xám vốn chậm hiểu và trí nhớ kém, vậy mà cũng có thể đọc thuộc Cách ngôn Sakya, điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn và tính đại chúng của các tác phẩm của ngài Ban Trí Đạt lớn mức nào.
Hôm nay, đại sư đang ở cách tôi chỉ vài bước chân, trong lòng tôi bỗng ngập tràn niềm vui và xúc động. Nhưng Bát Tư Ba căn dặn tôi không được thò đầu ra ngoài, nên lúc này, tôi cứ bứt rứt không yên.
– Bốn phép quy y của đạo quả pháp[4] mà hôm qua ta truyền dạy, các con còn nhớ cả chứ?
Giọng nói trầm ấm, nhuốm màu tuổi tác nhưng rất mực uy nghiêm vang lên.
– Dạ nhớ!
Hai anh em ngồi xếp bằng trên thảm, lễ phép thưa.
Có tiếng vải áo sột soạt, tôi cảm nhận rất rõ Bát Tư Ba chắp tay lại, dẫn dắt Kháp Na cùng lầm rầm tụng niệm:
– Nam mô[5] Cách – nhật – bối, nam mô Bố – đạt – nhã, nam mô Đạt – ma – nhã, nam mô Tang – già – nhã.
Giọng nói của đại sư cất lên:
– Bốn câu niệm chú này, theo thứ tự biểu thị sự thành tâm quy y[6] Thượng sư Kim Cương[7], quy y Phật, quy y pháp và quy y tăng. Hãy ghi nhớ, không được đảo lộn trật tự. Mỗi lần tụng niệm ba lượt, sau đó quán tưởng[8] Thượng sư Kim Cương, quán tưởng Tam bảo: Phật, pháp, tăng hiển hiện trong không trung.
Tiếng bước chân chậm rãi tiến về phía tôi, rồi dừng lại bên cạnh Bát Tư Ba.
– Tam bảo hội hợp, hóa thành quầng sáng ngũ sắc, chiếu rọi những góc tối trong tâm linh của người tu tập rồi lan truyền khắp cơ thể của người đó. Mọi nghiệp chướng, mọi thứ nhơ bẩn sẽ biến thành khí đen, được đào thải ra bên ngoài cơ thể qua các lỗ chân lông. Người tu tập sẽ trở nên thông suốt, sáng láng, trong lòng nhẹ nhõm, yên bình, cảm giác hạnh phúc ngập tràn.
Giọng ngài tuy yếu ớt, già cả nhưng thể hiện sự thông thái, trí độ tuyệt vời. Lắng nghe những lời dạy bảo đầy trí tuệ của ngài, tôi chợt hiểu ra vì sao năm xưa, mỗi khi nhắc đến đại sư Ban Trí Đạt, cặp mắt của lão gấu xám lại rạng ngời đến vậy.
– Sau khi tụng niệm đủ một trăm linh tám lần bốn câu chú trên, kết quả là phát bồ đề tâm, lòng thành hướng về Phật Tổ, phát nguyện quyết tâm tu tập, và sau khi công pháp viên mãn, nhất định phải hướng về chúng sinh, cứu giúp chúng sinh. Nào, hai con hãy cùng ta tụng niệm một lần nữa.
Nghe những âm thanh truyền đến tai mình, tôi biết rằng ngài Ban Trí Đạt đã ngồi xếp bằng trên tấm thảm, hai anh em Bát Tư Ba cùng nhau tụng niệm bốn câu chú quy y. Tôi cũng học theo họ, tuần tự quán tưởng Tam bảo. Một trăm linh tám lượt tụng niệm kết thúc sau một canh giờ, lúc mở mắt, tôi thấy tinh thần hết sức sảng khoái, đầu óc minh mẫn, khí huyết lưu thông. Pháp môn tu tập của Phật giáo rất có ích cho việc tu luyện của loài yêu chúng tôi. Trong lòng mừng thầm, nếu còn sống và biết tôi có được mối duyên kỳ ngộ này, hẳn lão gấu xám phải ghen tị đỏ mắt.
Ngài Ban Trí Đạt tiếp tục thuyết giảng:
– Đạo quả pháp là phép tu truyền thống của phái Sakya, phép tu này chỉ dựa vào khẩu truyền, không có văn tự, tức là phép tu chỉ có thể lĩnh hội, không thể diễn đạt bằng lời. Bốn phép quy y ta truyền dạy cho các con chỉ là một trong những tri thức nền tảng thuộc giai đoạn đầu của đạo quả pháp. Các con phải tu tập bền bỉ, sau khi kết thúc phép tu thứ nhất mới được tiếp tục tu tập phép tu thứ hai, tuyệt đối không được tham lam, nóng vội.
Hai anh em cất tiếng thưa vâng.
– Thưa bác, chúng ta còn phải ở lại đây bao lâu nữa? Con muốn về Sakya. – Đó là giọng nói non nớt, trong veo của Kháp Na. Hẳn là chú nhóc mỏi chân quá, muốn đứng lên rồi đây. – Nơi này rất kỳ quặc, con cứ chạy nhảy một lúc là lại thấy buồn ngủ, đầu đau như búa bổ ạ!
– Kháp Na, ta biết khí hậu nơi đây khác với Sakya. Chúng ta đến từ vùng núi cao quanh năm băng tuyết nên sức khỏe không thích ứng được với thời tiết ở Lương Châu. Con và Lâu Cát đều còn rất nhỏ, hai năm rong ruổi đường xa vạn dặm, tội cho anh em con quá! – Trong giọng nói hiền từ của ngài Ban Trí Đạt có vương chút áy náy, nhưng giọng điệu kiên định. – Nhưng chúng ta chưa thể rời đi được. Và có lẽ chúng ta sẽ phải ở lại đây thêm vài năm nữa. Kháp Na, con hãy cố gắng thích nghi.
– Thưa bác, không sao ạ, bác đừng lo cho chúng con. – Đó là giọng nói khàn khàn của Bát Tư Ba. – Bác đến Lương Châu với trách nhiệm nặng nề, chúng con hứa sẽ không trở thành gánh nặng của bác.
=== ====== ====== ====== ====== ======
[1] Ngũ minh là năm kiến thức mà người hoằng pháp cần phải trang bị và am hiểu sâu sắc, bao gồm: nội minh (những tri thức về Phật học), nhân minh (phương pháp luận lý hay logic học), thanh minh (các môn học về văn tự, âm thanh và văn học), công xảo minh (các môn học về công nghệ và kỹ thuật), y phương minh (các môn học về các phương pháp chữa bệnh). Ngoài ra, còn có cách chia ngũ minh thành “đại ngũ minh” (gồm: nội minh, nhân minh, thanh minh, công xảo minh và y phương minh) và “tiểu ngũ minh” (gồm: tu từ học, từ vựng học, vận luật học, hí kịch học và thiên văn hình tướng học).
[2] Ban Trí Đạt là tôn xưng dành cho những học giả Phật giáo tinh thông ngũ minh ở Ấn Độ khi xưa. (DG)
[3] Hay Brahma, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Brahma còn có nghĩa là đấng sáng tạo. (DG)
[4] Đạo quả pháp là những luận lý Phật học và pháp môn tu tập để ngộ đạo và chứng quả của giáo phái Sakya. (DG)
[5]Nam mô: lời tỏ lòng thành kính. (DG)
[6] Quy y trong Phật giáo chỉ quy y Tam bảo (Phật, pháp và tăng), có nghĩa là nương nhờ Tam bảo để thoát khỏi mọi khổ não, tâm thức được yên ổn vĩnh viễn. (DG)
[7] Thượng sư hay Thượng sư Kim Cương là tôn xưng để chỉ những bậc đại đức trong Phật giáo Tây Tạng. Người Tạng thường gọi họ là Lạt Ma (chính là phiên âm tiếng Hán của từ Brahma). (DG)
[8] “Quán tưởng” là chữ dùng trong Phật giáo, chỉ sự tập trung ý niệm và tinh thần vào việc quan sát và suy tưởng về một đối tượng nào đó nhằm loại bỏ vọng niệm hoặc tĩnh tâm thiền định. (DG)