Dưa

Chương 2


Đọc truyện Dưa – Chương 2

Hai hôm sau Judy đến đón tôi xuất viện. Nó đã đặt hai vé một chiều đi Dublin cho tôi và em bé. Nó đến chờ tôi về thu vén đồ đạc.

Tôi vẫn chưa có thêm tin tức gì về James. Tôi bước đi mà hai chân cứ loạng choạng nghiêng ngả, mắt nhòe nhoẹt không trông thấy gì.

Đôi lúc tôi vẫn không tài nào tin được chuyện này. Từng lời anh nói giống như trong một giấc mơ. Tôi thực tình không nhớ hết mọi chi tiết, nhưng tôi nhớ rất rõ cái cảm giác của mình khi ấy. Cái cảm giác khốn khổ khi hiểu ra mọi chuyện đã trở nên tệ hại.

Đôi lúc nỗi mất mát như khách không mời mà đến, rất thình lình.

Nó xâm chiếm toàn bộ trí óc tôi, quật ngã tôi, như đấm cho một đòn chí mạng vậy. Nó hất văng cuộc sống khỏi cơ thể tôi, tôi không thở nổi nữa. Tàn nhẫn!

Nó ghét tôi.

Rõ ràng là thế, nên mới làm tôi khổ sở đến vậy.

Tôi không nhớ nổi mình đã trải qua hai ngày vừa rồi như thế nào ở bệnh viện.

Tôi lờ mờ nhớ lại mình bơ vơ, ngơ ngác trong khi những bà mẹ kia rôm rả chuyện cuộc sống của họ giờ thay đổi như thế nào, sẽ không bao giờ giống như trước nữa, rồi thì họ thấy thật khó điều chỉnh cuộc sống của mình khi có thêm một thành viên bé xíu nữa. Đủ thứ chuyện.

Nhưng tôi chẳng thấy có tí khó khăn gì. Chỉ mới vài hôm thôi nhưng tôi đã không thể tưởng tượng mình sẽ sống ra sao nếu không có bé. “Chỉ mẹ và con thôi, bé yêu,” tôi thì thầm với con.

Vì cùng bị bỏ rơi nên hai mẹ con gắn bó càng nhanh hơn. Như người ta vẫn nói, phải có hoạn nạn mới biết quấn vào nhau.

Tôi ngồi lặng lẽ ôm con, thật lâu, mân mê đôi chân búp bê bé xíu xiu của bé có những ngón hồng hồng tí hon. Hai bàn tay nhỏ tẹo nắm chặt, hai tai mềm như nhung. Rồi tôi nựng thật khẽ khuôn mặt bé tí teo, tự hỏi mắt bé sẽ chuyển thành màu gì khi lớn hơn.

Em bé đẹp như thiên thần. Điều kỳ diệu của cuộc sống.

Người ta vẫn bảo tôi sẽ cảm thấy một tình yêu dạt dào cho con, có trời chứng giám, ai dám nói tôi chưa từng được thông báo trước chuyện này? Nhưng tôi chưa từng biết nó sẽ sâu đậm, tràn đầy đến nhường vậy. Cái cảm giác tôi sẵn sàng giết chết ai dám động vào một cọng tóc tơ vàng hoe trên cái đầu nhỏ xíu mềm mại của bé.

Tôi có thể hiểu được vì sao James bỏ tôi đi – dù trên thực tế tôi vẫn chưa hiểu – nhưng tôi thực tình không hiểu được tại sao anh có thể bỏ rơi đứa trẻ bé bỏng tuyệt vời này.

Con bé khóc dữ dội.

Trách bé sao được vì bản thân tôi cũng đã bật khóc. Tôi cố dỗ, nhưng bé nhất định không nín.

Hôm đầu tiên, sau khi bé đã khóc liên tục chắc đến tám giờ đồng hồ, và tôi đã thay đến cái tã thứ một trăm, cho bé bú đến lần thứ một vạn, tôi bắt đầu phát rồ và đòi bác sĩ tới.

– Chắc chắn con bé phải đang bị gì đó kinh khủng, – tôi khẳng định với anh bác sĩ mặt búng ra sữa. – Không thể nào là đói, và cũng không hề bị (tôi hơi cười thầm trong bụng) “bẩn”, vậy mà nó cứ khóc hoài.

– Tôi đã khám kỹ cho bé và không thấy có vấn đề gì, – anh bác sĩ nhẫn nại nói.

– Vậy tại sao nó khóc?


– Vì bé còn nhỏ. Em bé nào cũng khóc.

Anh ta học y bảy năm. Vậy mà chỉ biết giải thích thế thôi sao?

Tôi thấy không tin được.

Có thể bé khóc vì đoán biết được cha đã bỏ rơi bé. Hoặc có thể, tôi thấy tội lỗi vô cùng, bé khóc vì không được bú mẹ. Chắc là bé ghét phải bú bình. Tôi biết bạn sẽ giận dữ khi biết tôi không cho bé bú ti. Chắc bạn nghĩ tôi là một bà mẹ không ra gì. Nhưng đã từ lâu, rất lâu trước khi sanh bé, tôi nghĩ mình sẽ được phép lấy lại thân thể mình sau khi đã đem cho mượn suốt chín tháng. Tôi biết bây giờ là mẹ rồi thì tôi chẳng được xem linh hồn mình là của riêng nữa, nhưng mà tôi hy vọng cái núm vú của tôi thì vẫn là của tôi. Tôi xấu hổ quá phải thú nhận với bạn là tôi sợ nếu cho bé bú ti, tôi sẽ trở thành nạn nhân của chứng “vú sệ, teo tóp”.

Nhưng giờ ngồi ôm đứa con hoàn hảo, xinh xắn đáng yêu, nỗi sợ hãi ấy thành ra quá nhỏ nhặt, ích kỷ. Sanh con rồi mọi thứ đúng là thay đổi cả. Trước đây tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày mình đặt nhu cầu của bất cứ ai lên trên cái sự hấp dẫn của đôi nhũ hoa của mình.

Vậy nên nếu em bé yêu không chóng ngừng khóc, tôi sẽ suy nghĩ lại chuyện cho bé bú ti. Nếu bé ưng, tôi sẽ chấp nhận chuyện bầu ngực rỉ sữa với hai đầu ti nứt nẻ. Tôi sẽ chỉ cười khẩy nếu đám ranh con trên xe buýt ráng nhìn cho bằng được vào bình sữa của tôi.

Judy và hai mẹ con tôi về đến nhà. Mặc dù James nói đã dọn đi nhưng tôi vẫn chưa chuẩn bị tinh thần để đón nhận cái cảnh trống trải này. Tủ quần áo trống không, kệ sách hụt hẫng.

Cảnh tượng kinh khủng quá.

Tôi chầm chậm ngồi xuống giường. Mùi của James vẫn còn trên gối. Tôi nhớ anh quá đi mất.

– Tớ không tin được, – tôi nức nở. – Anh ấy đi thật rồi. Em bé lại khóc, như thể cũng cảm nhận được sự trống trải của ngôi nhà.

Mà bé chỉ vừa nín khóc được năm phút.

Tội nghiệp Judy. Trông nó bất lực không biết phải làm gì. Không biết phải dỗ mẹ hay con.

Sau cùng tôi cũng ngừng khóc. Quay khuôn mặt đẫm nước qua nhìn Judy, tôi thấy đau khổ đến không còn chút hơi sức nào:

– Thôi. Tớ nên chuẩn bị đồ đi thì hơn.

– Ừ. – Judy thì thầm, vẫn ôm tôi và bé dỗ dành.

Tôi bắt đầu quăng ném các thứ vào túi. Bất cứ thứ gì tôi có thể sẽ cần đến. Tã dùng một lần tôi nhất định đem theo một mớ to bằng cả một cái quốc gia nho nhỏ ở Nam Mỹ, nhưng Judy bắt tôi bỏ lại. “Ở Dublin cũng có,” nó nhẹ nhàng bảo. Thế là tôi thảy vào túi nào chai, nào cái bình ủ sữa có hình cô bò đang nhảy qua mặt trăng, nào vú cao su, nào đồ chơi, lúc lắc, áo liền quần, vớ – bé bằng con tem, bất cứ thứ gì tôi nhớ được cho đứa con bé bỏng không cha của mình.

Giờ trở thành một bà mẹ đơn thân, tôi rõ ràng đang tìm mọi cách để bù đắp cho con. “Mẹ xin lỗi, con ơi. Mẹ làm con mất ba chỉ vì mẹ không đủ đẹp, không đủ giỏi để giữ ba. Thôi thì mẹ đền cho con bằng đủ thứ vật chất vậy.”

Tôi báo Judy đưa lại cho tôi thêm ít tã lót.

– Để làm gì? – Judy giữ chặt mớ tã trong tay.

– Ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì trên máy bay, – tôi cố giằng khỏi tay nó.

– Thế bệnh viện không cho cậu miếng băng vệ sinh nào à? – Judy kinh ngạc.


– Không phải là rủi tớ bị gì, ngốc ạ! Mà rủi con bé có chuyện gì. Mặc dù, sẽ không có chuyện gì đâu, phải không? – rồi tôi tư lự. – Chỉ giống như bị bệnh nghề nghiệp thôi.

Judy miễn cưỡng đưa ra ba cái.

– À mà cậu này, cậu không thể cứ kêu em bé là “con bé” được. Cậu phải đặt tên cho nó chứ!

– Bây giờ tớ không nghĩ được, – tôi bắt đầu thấy hoảng.

– Vậy cậu làm gì chín tháng trời nay? – Judy ngạc nhiên. – ít nhất cậu cũng đã nghĩ đến vài cái tên chứ?

– Có, – hai môi tôi bắt đầu run lên. – Nhưng mà cùng với James. Bây giờ mà lấy một trong mấy cái tên đó thì còn ra gì nữa.

Judy nhìn tôi khó chịu. Nhưng thấy tôi lại sắp òa khóc nên con nhỏ không dám ho he thêm.

Tôi không đem theo gì cho mình ngoài mớ sách hướng dẫn chăm sóc em bé. Đem theo làm gì kia chứ, cuộc đời tôi đã chấm dứt rồi.

Thêm nữa là chẳng còn bộ đồ nào vừa với tôi cả. Vừa mở tủ quần áo, tôi giật nảy người lại vì đám váy áo nhỏ xíu đang nhìn tôi kinh tởm. Chắc chắn chúng đang nói xấu tôi.

Tôi gần như thấy được chúng đang huých cùi chỏ nhau: “Nhìn mụ ấy kìa, bự như thùng tô-nô. Mụ ấy thật dám nghĩ đám váy đầm xinh xắn cỡ 10 chúng mình có liên quan họ hàng với cái thân hình cỡ 14 mà mụ ấy đang lết đi chắc? Thảo nào chồng bỏ đi với người khác”.

Tôi biết chúng đang nghĩ gì.

– Cô thì chuyện gì cũng thả cửa. Trong khi miệng cứ báo không. Cô làm chúng tôi thất vọng, rồi làm cho chính cô cũng phải thất vọng với bán thân nữa.

– Tôi xin lỗi, – tôi hổ thẹn nói. Tôi sẽ giảm cân. Tôi sẽ trở lại như xưa để lại được mặc các bạn. Tôi hứa đấy. Ngay khi tôi có thể.

Bọn chúng nghi ngờ ra mặt.

Tôi có hai lựa chọn: hoặc mặc lại đồ bầu, hoặc mặc cái quần jean James bỏ quên trong lúc vội vã thu dọn đồ đạc. Tôi kéo cái quần jean lên và liếc thấy thân hình tròn trùng trục của mình trong gương. Trời ơi! Tôi hoảng sợ. Trông tôi giống như Michelin Man[1] ấy. Hay thậm chí còn tệ hơn thế, trông tôi như vẫn đang mang bầu.

[1] Hình người biểu tượng của hãng sản xuất lốp xe Michelin (Pháp) nổi tiếng trên thế giới, được cách điệu từ hình các lốp xe nên trông như người béo.

Vài tuần trước khi sanh tôi đã to đúng như một con voi.

Tròn vo. Thứ duy nhất còn mặc được là cái áo bầu bằng len màu xanh, cộng thêm chuyện liên tục ói mửa khiến da mặt tôi lúc nào cũng xanh lét đã biến tôi thành một trái dưa hấu đi giày bốt, có trét thêm tí son.

Giờ tôi không còn xanh lè xanh lét nữa, nhưng xét về các mặt khác thì tôi vẫn trông như một trái dưa. Một trái dưa bị thiếu sắt trầm trọng.


Chuyện gì đang diễn ra thế này? Cái con Claire ấy và cuộc sống của nó đã đi đâu mất rồi?

Tôi điện thoại gọi taxi. Trái tim tôi, như bao thứ khác trên thân thể tôi, trĩu nặng.

Có tiếng chuông cửa. Tôi nhìn lại phòng khách lần cuối. Nhìn cái kệ sách như hàm răng sún nham nhở, cái điện thoại thông phòng mới toanh còn sáng bóng gắn trên tường (quá phí phạmì), và đống tã em bé vứt trên sàn.

Tôi đóng cửa lại trước khi lại bất giác òa khóc.

Đóng chặt.

Tôi biết. Một hình ánh ẩn dụ không được tinh tể cho lắm. Rất tiếc.

Rồi đột nhiên nhớ ra một thứ, tôi la lên: “Chúa ơi, cái nhẫn!” Tôi lao trở vào lấy cái nhẫn đính hôn và nhẫn cưới trong phòng ngủ. Chúng đã nằm trên bàn trang điểm hai tháng nay vì mấy ngón tay tôi sưng phù, phình ra chả làm sao đeo được nữa. Tôi ráng ních vào. Vừa!

Tôi nhác thấy Judy nhìn tôi rất buồn cười.

– Anh ấy vẫn còn là chồng tớ mà, – tôi chống chế. – Nghĩa là tớ vẫn là người đã kết hôn.

– Thì tớ có nói gì đâu. – Judy làm bộ ngây thơ.

Judy và tôi vất vả xoay trở trong thang máy, lỉnh kỉnh các loại túi xách cùng với đứa bé hai ngày tuổi còn nằm trong nôi.

Đó! Đó là cái người ta không thèm nói với bạn về chuyện có em bé. Sách báo lẽ ra đã phải viết những thứ đại loại như: “Đừng để chồng bạn bỏ đi trong vòng mấy tháng đầu sau khi sanh, nếu bạn không muốn phải tự mình mang vác hết mọi thứ.”

Judy đang kéo lết đồ đạc ra taxi thì tôi kinh hãi thấy chồng của Denise đang đi tới. Hẳn là anh ta vừa đi làm về.

– Chúa ơi! – Tôi lo ngại nói.

– Gì? – Judy hoảng hốt, mặt đỏ tía tai vì vật lộn với mớ hành lý.

– Chồng Denise. – Tôi líu ríu.

– Thì đã sao? – Judy nói to.

Tôi cứ nghĩ sẽ có một cảnh tượng kích động nào đấy, rất khủng khiếp. Như tôi đã nói, anh ta người Ý mà. Hoặc tôi e anh ta sẽ đề nghị hợp tác. Như kiểu “kẻ thù của kẻ thù chính là bạn của ta.” Tôi chắc chắn không muốn làm thể.

Chúng tôi nhìn nhau chằm chằm và, vừa biết lỗi vừa lo sợ, tôi có cảm giác mình biết rõ anh ta đang nghĩ gì. “Tất cả là tại cô. Nếu cô đẹp đẽ như Denise vợ tôi thì chồng cô đã ở lại với cô, còn tôi thì đã vẫn là một anh chồng hạnh phúc. Nhưng không, cô lại đi phá tan nát hết tất cả, đồ voi xấu xí”.

Được thôi, anh nói một tôi không biết nói hai sao?, tôi nghĩ bụng.

Tôi nhìn chằm chằm lại, đáp trả ý ngầm của anh ta: “Phải thôi, nếu anh đã không lấy thứ đàn bà phá gia, cướp chồng người, nếu anh đã cưới một cô đàng hoàng tử tế thì làm gì ra cơ sự này!”

Có lẽ tôi đã hơi bất công với anh chàng tội nghiệp. Anh ta không nói gì, chỉ nhìn tôi buồn buồn, trách móc.

Tôi ôm Judy chào tạm biệt. Cả hai đứa đều khóc. Lần đầu tiên em bé lại không khóc.

– Heathrow. cổng số 1, – tôi nói mà nước mắt đầm đìa. Xe lăn bánh, bỏ lại quý ông Andrucetti phía sau, nhìn theo buồn bã.


Lụi hụi men theo lối đi trên chiếc máy bay Aer Lingus, tôi làm cái túi nhét đầy đồ em bé va đập vào mấy quý vị hành khách khiến họ điên tiết. Lúc tôi đến được chỗ ngồi, một anh đàn ông đứng dậy giúp tôi cất hành lý lên khoang trên. Tôi cười tỏ vẻ biết ơn, và lập tức nghĩ ngay không biết anh ta có thích mình không.

Kinh khủng. Đây là một trong những điều tôi thấy sung sướng khi là người đã có chồng. Đã vài năm nay tôi không còn phải cố truy tìm người đàn ông của đời mình, để rồi phát hiện ra hắn đã có gia đình, hay đang chung sống với một tên đực rựa khác, hay là vô cùng kiệt sỉ, hay gối đầu giường sách của Jeffrey Archer, hay chỉ lên được tới “đỉnh” nếu gọi bạn là “má”, hay bất cứ tính xấu nào trong hàng ti tỉ tính xấu của con người ta mà bạn đừng hòng thấy được nếu chỉ mới bắt tay và mỉm cười với hắn, bốn mắt nhìn nhau và bụng nóng ran (không liên quan gì đến mấy viên thuốc ngoài luồng bạn có thể đã nốc đêm trước đâu nhé), và nghĩ thầm: “Ây, chắc là anh này rồi”.

Giờ thì tôi trở lại tình trạng nhìn đâu cũng thấy đàn ông tiềm tàng khả năng trở thành bạn trai. Tôi trở lại với cái thế giới cứ một tên đàn ông thật một trăm phần trăm còn độc thân thì có đến tám trăm nàng xinh đẹp tuyệt trần. Ấy là còn chưa loại bớt những anh xấu đau xấu đớn ra.

Tôi nhìn lại kỹ hơn cái người đàn ông tốt bụng kia. Anh ta đâu có hấp dẫn đến thể, có thể là gay, hay nhiều khả năng hơn, vì đây là chuyến bay của hàng không giá rẻ, có thể là linh mục.

Còn tôi – một cô vợ bị bỏ đèo bồng một đứa con hai ngày tuổi, lòng tự trọng chỉ còn bằng một con amip (to thể sao?), thừa gần mười ba cân, chuẩn bị chịu đựng chứng trầm cảm sau sanh và âm đ*o thì to gấp mười bình thường – liệu quyến rũ được ai đây? Máy bay cất cánh. Nhà cửa, cao ốc, đường phố London xa dần phía dưới. Tôi nhìn xuống, những con phố của London nhỏ dần, nhỏ dần. Tôi đang bỏ lại sau lưng sáu năm cuộc đời mình.

Phải chăng những người tị nạn cũng cảm thấy như thế này? Tôi tự hỏi.

Chồng tôi đang ở đâu đó bên dưới ấy. Căn hộ của tôi cũng đâu đó phía dưới ấy. Bạn bè tôi ở dưới ấy.

Cuộc đời tôi ở dưới ấy, đâu đó…

Tôi đã từng hạnh phúc ở đấy.

Thế rồi mọi thứ bị mờ đi qua lớp mây.

Lại là hình ảnh ẩn dụ kém tinh tế nữa rồi. Rất tiếc, một lần nữa.

Tôi ngồi ngả lưng ra ghế, em bé đặt trong lòng. Tôi đã từng là cô con gái Claire chăm ngoan. Là đứa con gái Claire tai họa. Là cô sinh viên Claire. Là con nhỏ Claire ăn đêm (ngắn gọn thôi. Như tôi có nói, nếu có thời gian tôi sẽ kể chi tiết cho bạn nghe). Là cô quản lý Claire. Là cô Claire vợ hiền. Và giờ thì tôi là cô vợ Claire bị chồng bỏ. Nói thật với bạn, tôi không thích cái Claire cuối cùng này tí nào.

Tôi vẫn nghĩ (dù tự nhận tư tưởng mình rất tự do phóng khoáng) những cô vợ bị chồng bỏ là những phụ nữ sống trong các khu nhà bảo trợ của hội đồng thành phố, đức ông chồng thi thoảng tạt qua chỉ để thượng cẳng tay hạ cẳng chân rồi lại biến đi, vơ vét theo chai vodka, tiền tiết kiệm để sắm sửa cho Giáng sinh và cả sổ trợ cấp của con, bỏ mặc cô vợ nức nở với một đống hóa đơn chưa thanh toán cao như núi, một câu chuyện bịa do va phải cửa mà mắt bầm đen, và bốn đứa con tâm tính bất ổn chưa đứa nào quá sáu tuổi.

Ngộ ra mình đã suy nghĩ sai lầm sao mà đáng hổ thẹn, thế mới biết mở mắt ra. Chính tôi là một cô vợ bị chồng bỏ. Tôi, cô Claire trung lưu.

Phải rồi, nếu không vô cùng cay đắng và tức giận vì bị phản bội như vậy, tôi đã không biết xấu hổ và sáng mắt ra. Tôi là ai kia chứ? Giống như mấy ông sư Tây Tạng ư? Hay là cái bà mẹ Teresa gì đấy? Nhưng cũng buồn cười, từ cái tự mãn và tự thán mà tôi nhận ra rằng, một ngày nào đó, khi tất cả những chuyện này đã qua, có thể tôi sẽ trở nên một người hay ho hơn, tốt đẹp hơn, tôi sẽ mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn và biết cảm thông hơn.

Nhưng có lẽ là chưa đâu.

– Cha con là một tên đốn mạt! – tôi thì thầm với con. Anh linh mục đồng tính tốt bụng bắt đầu động đậy. Chắc là đã nghe thấy.

Sau khoảng một giờ đồng hồ, máy bay bắt đầu hạ cánh xuống sân bay Dublin. Chúng tôi bay vòng trên những cánh đồng xanh ngát ở phía Bắc Dublin. Và mặc dù biết em bé chưa nhìn được gì mấy, tôi vẫn bế bé lên gần cửa sổ để lần đầu tiên được nhìn thấy Dublin. Trông thật khác với những gì chúng tôi đã thấy ở London. Nhìn vào màu xanh thẳm của biển Ireland và màu xám xịt của sương mù là là trên những cánh đồng, tôi cảm thấy nặng nề hơn bao giờ hết. Tôi thấy mình là một kẻ thất bại.

Tôi đã bỏ Ireland mà đi cách nay sáu năm, vô cùng háo hức, hăm hở tin mình sẽ kiếm được một công việc ngon lành ở London, sẽ gặp được một người đàn ông tuyệt vời và sống hạnh phúc từ đó trở về sau. Và đúng là tôi đã có một công việc tốt, đã gặp một người đàn ông tuyệt vời và đã sống hạnh phúc từ đó trở về sau – ừm, ít nhất cũng được một thời gian – nhưng không hiểu sao mọi chuyện lại trở nên tệ hại và tôi quay về Dublin, cái cảm giác cảnh cũ người xưa sao mà đáng hổ thẹn.

Nhưng có một thay đổi lớn.

Giờ tôi đã có em bé. Một em bé toàn vẹn đẹp như thiên thần. Tôi sẽ không đời nào đánh đổi con lấy bất cứ thứ gì.

Tôi ngồi khóc ngon lành. Anh linh mục đồng tính tốt bụng ngồi kế bên trông vô cùng bối rối. Không may cho anh rồi! Tôi nghĩ bụng. Phải bối rối đi! Anh là đàn ông kia mà. Anh thậm chí có thể đã làm hàng tá phụ nữ phải khóc như thế này.

Ngày trước tôi tỉnh táo hơn.

Anh chàng xoay xở chuồn khỏi máy bay khá nhanh gọn. Thực tế là cũng chẳng kịp nhanh như ý muốn. Chẳng buồn giúp tôi lấy hành lý xuống. Trách anh ta sao được.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.