Dưa

Chương 10


Đọc truyện Dưa – Chương 10

Bữa tối diễn ra mất tự nhiên, vì cả nhà đều đã phần nào bị Adam hớp hồn.

Helen lúc nào cũng sẵn một mớ đàn ông (mặc dù nói đúng thì phải là một mớ cậu trai) mê mẩn nó. Một ngày sẽ không trôi qua nếu điện thoại ở nhà không reng reng và một chàng trai trẻ từ đầu dây bên kia ấp a áp úng xin đưa Helen đi chơi.

Và nhà đều đặn có khách nam. Thường các chàng được mời đến uống trà trùng khớp với những lúc cái radio của Helen bị hư, hoặc Helen muốn sơn lại phòng, hoặc như lần này, Helen có bài luận phải viết, và Helen không hề có ý định tự mình làm việc đó.

Khi việc đã xong thì trà đã hứa cũng hiếm khi thấy. Nhưng không ai trong số các cậu trai ấy như Adam. Bọn họ giống Jim hơn.

Cậu Jim Tội Nghiệp, nếu phải gọi tên cho đầy đủ.

Cậu này chỉ toàn da với xương, và quanh năm suốt tháng chỉ mặc độc nhất mỗi màu đen. Ngay cả lúc nóng nực nhất vào mùa hè, cậu ta cũng vẫn đeo cái áo khoác dài thoòng quá khổ và đi đôi bốt đen bự chảng. Cậu đem nhuộm mái tóc dày thành màu đen và chưa từng nhìn thẳng vào mắt tôi. Cậu rất ít lời và nếu phải mở miệng thì đề tài thường xoay quanh các cách để tự tử. Hay nói chuyện mấy ca sĩ ở một ban nhạc vô danh nào đó đã tự vẫn.

Có lần cậu chàng mở miệng chào tôi và nhoẻn cười chừng như âu yếm, thế là tôi nhủ mình đã nghĩ sai về thằng bé. Nhưng sau đó tôi phát hiện ra lúc đó cậu chàng say bét nhè.

Cậu luôn kẹp cuốn Fear and Loathing in Las Vegas và American Psycho nhàu nát trong lớp lót rách bươm của cái áo khoác đen. Cậu muốn được hát trong một ban nhạc và sẽ tự vẫn khi được mười tám. Mặc dù nghĩ cậu ta chắc đã gia hạn cái thời điểm tự vẫn vì cậu ta đã được mười tám hồi Giáng sinh năm ngoái nhưng đến giờ tôi vẫn chưa nghe tin cậu ta đã ra đi. Tôi chắc thế nào cũng sẽ nghe tin.

Helen ghét cay ghét đắng cậu.

Cậu gọi điện suốt, và mẹ cứ phải nghe điện thoại, nói dối dưới sự chỉ đạo của Helen, ví dụ như “Không, Helen nó đâu mất rồi ấy, chắc là say khướt rồi,” trong khi con bé đứng nhìn bà, vẫy tay rối rít, miệng khào khào: “Nói với nó con chết rồi.”

Bà nghe mấy xong sẽ lại hét:

– Tao không nói dối thêm lần nào nữa đâu nhé. Bắt tao đem linh hồn mình đi bán cho quỷ dữ! Mà sao mày không tự đi mà nói với nó hả? Thằng bé dễ thương thế mà!

– Như cứt! – Helen đáp.

– Nó nhất thôi, – bà biện minh giùm cậu.

– Như cứt! – Helen gào lớn hơn.

Vào những dịp như lễ Valentine hay sinh nhật Helen, ít nhất con bé sẽ nhận được một bó hồng đen chàng gửi. Rồi còn cả thiệp tự tay làm gửi qua bưu điện, sơn vẽ hình mấy trái tim vỡ nát máu me, hay một giọt nước mắt màu đỏ. Ý nghĩa kinh khủng!

Từng có một thời gian cứ bước vào bếp nhà tôi, bạn sẽ thấy Jim ngồi lù lù trong đấy nói chuyện với mẹ, vẫn cái áo khoác đen dài lòng thòng. Mẹ đã trở thành bạn tốt của cậu. Đồng minh duy nhất của cậu trong công cuộc chinh phục trái tim Helen.

Hầu hết các anh bạn trai tương lai của Helen đều dành thời gian bên bà nhiều hơn là với Helen.

Bố ghét cậu. Có thể là còn hơn cả Helen.

Tôi nghĩ ông thất vọng về Jim.

Vì quá thèm có bầu bạn để đàm đạo những chuyện của phe mày râu nên ông đã rất hy vọng ở Jim, trong khi với cậu chàng việc này có nghĩa là chỉ cần biến mình thành một vật gần như bất di bất dịch trong bếp, cùng với cái mấy rửa chén và thùng đựng bánh mì là được.

Một chiều đi làm về, như thường lệ, ông thấy Jim ngồi trong bếp với mẹ. Helen đi thẳng về phòng ngay khi vừa nghe nói có Jim trong nhà. Ông ngồi xuống cạnh bàn, thử mở lời.

– Cậu có xem trận ấy không?

Jim nhìn ông, mặt đần ra. Cái thứ “trận” duy nhất có vẻ như Jim còn có cơ may biết được là “trận” tự đem mình tế thần hoặc một “trận” lên cơn của một kẻ bị chứng cuồng phóng hỏa.

Vậy là chấm hết ở đó.

Giờ thì bố cũng thấy cậu Jim đúng chỉ là thằng vô tích sự.

Ông bảo Jim nên thôi lải nhải chuyện tự vẫn mà hành động đi thì hơn.

Mẹ bảo Jim là thằng bé con dễ thương ra phết, một khi hiểu được nó.

Và rằng khuyến khích người ta tự kết thúc đời mình là có tội.

Tôi có cảm tưởng như Jim có mặt thường trực trong nhà. Lần nào ở London về chơi tôi cũng thấy cậu như đang cúi đầu ủ rũ cạnh bàn ăn, một đám mây màu đen nho nhỏ lững lờ phía trên đầu, ôm theo cái hơi hám bi kịch của cậu như ôm cặp táp.

Nhưng tôi luôn chào cậu. Ít ra tôi cũng là người lịch sự.

Ngay cả khi cậu lờ tịt tôi.

Và sau này tôi cũng phát hiện ra tại sao cậu lại lơ tôi. Hôm thứ hai về đến nhà sau khi rời London, tôi nghe có tiếng chuông cửa. Tôi chạy ra thì thấy một cái đầu chụp một cái áo khoác đen dài đang đứng đấy.

Tôi không chắc cậu đến tìm mẹ hay Helen, nhưng mẹ đi vắng nên tôi gọi Helen.

– Helen, Jim này!

Helen chạy xuống. Trông nó bối rối.

– Ồ, chào Conor, – nó nói với cái cậu trai mặt ủ rũ đang đứng trên bậc thềm.

Nó quay qua tôi.

– Jim đâu?

– Ờ… đây… không phải à? – Tôi hơi bất ngờ, chỉ vào cái cậu trai choàng áo khoác đen dài.

– Không phải Jim, mà là Conor. Em không gặp Jim cả năm nay rồi. Thôi vào nhà đi, Conor, – nó nói giọng miễn cưỡng. – Ờ mà nè, chị Claire của tớ đấy. Chị ở London về lại nhà vì chồng bỏ rồi.

– Chị hay nhỉ? – nó rít lên với tôi sau khi đã đẩy Conor vào phòng khách. – Em đã phải tránh mặt nó cả tháng nay rồi.

Con bé này rồi sẽ bị thiêu dưới Hỏa ngục, không nghi ngờ gì nữa.

Ít ra chuyện này giải thích vì sao Jim lờ tịt tôi mỗi khi tôi nói: “Chào Jim!”

Vì đó đâu phải Jim.

Nhưng nhìn rất giống Jim.

Thế rồi sau đó cứ mỗi lần thấy Jim, tôi lại nói: “Chào Conor!”

Rõ ràng là tôi lộn rồi.


Tên cậu này là William.

Nhưng trông cậu у chang Jim và Conor.

Nhưng Adam là một kiểu hoàn toàn khác Jim và những bản sao của Jim.

Đẹp trai, (có vẻ) thông minh, hoạt bát… Với lại… trông hoàn toàn bình thường! Cậu cũng có đôi ba kỹ năng giao tiếp, trông không có vẻ gì là sẽ tan biến thành bụi nếu ngộ nhỡ bị một tia sáng mặt trời chiếu thẳng vào, và làm được nhiều chuyện khác hơn là ngồi bát động ngắm Helen, miệng nhỏ nước miếng. Sau khi đã bắt tay với mọi người, cậu lịch sự bảo mẹ: “Để cháu giúp dọn bàn nhé?”

Mẹ hết hồn. Không phải vì cậu bảo để cậu giúp. Dù không thể chối được là lời đề nghị này xuất sắc.

Mà vì chuyện dọn bàn. Ở nhà tôi mọi người vẫn tự lấy đồ ăn rồi ngồi ôm đĩa vừa ăn vừa xem phim truyền hình nhiều tập Neighbours, thay vì ngồi vào bàn.

– Ừm… thôi cám ơn Adam, cứ để bác làm.

Và kinh ngạc chưa, bà tự mình chuẩn bị bàn ăn thật.

– Cháu gặp may rồi, – bà bảo Adam, giọng điệu như mấy đứa con gái hai mươi. Nói thật, tôi thấy ngượng thế. Lớn thế rồi mà bà làm như một đứa con gái mới lớn bị trúng cú sét ái tình. – Hôm nay Claire nấu cho cả nhà ăn.

– Dạ vâng. Cháu nghe nói chị Claire nấu ăn ngon lắm, – cậu mỉm cười với tôi, làm tôi bối rối nhưng sung sướng. Thật tình, cậu ta đừng nên cười với mình khi mình đang vớt ráo mì chứ, tôi vừa nghĩ vừa xoa xoa cái tay bị phỏng.

Tôi tự hỏi ai đã nói với cậu tôi nấu ăn ngon, vì tôi chắc không phải là Helen.

Có thể cậu ta chỉ khéo miệng.

Nhưng mà này, thế thì đã sao?

– Kính thưa quý vị! Xin mời ngồi vào chỗ để thưởng thức màn trình diễn tối nay! – Tôi lên tiếng, báo hiệu mọi thứ đã sẵn sàng.

Adam cười to.

Tôi sung sướng đến tội nghiệp.

Mọi người vào bàn ngồi. Tiếng xê dịch, kéo lết ghế rất bình thường như bao gia đình khác.

Adam dường như không hợp với cái bàn ăn này tí nào khiến cái ghế thành ra lùn tịt. Vẻ điển trai cùng với cái ngạnh vuông của cậu trông ngộ nghĩnh.

Như thể có Siêu Nhân đến ăn tối hay Mel Gibson ghé uống trà.

Tôi phải ngả nón trước Helen. Lần này con bé đã bắt được một chàng hoàng tử.

Nét khỏe khoắn, rắn chắc của Adam quả là một thay đổi đáng mừng so với cái cậu Jim/Conor/William toàn xương với sườn.

Vài năm nữa thôi cậu sẽ thành ra thân tàn ma dại.

Tôi đặt đĩa rau trộn vào giữa bàn. Sau đó tôi múc mì và xốt ra các đĩa nhỏ rồi đem đến cho từng người. Thức ăn dọn ra khiến bố, mẹ và Helen có phần lúng túng không biết phải làm gì. Và vì là thức ăn tự nấu nên bố và Helen rất nghi ngờ.

Quá đúng rồi còn gì.

Chúa biết họ hoàn toàn được quyền nghi ngờ sau những gì đã phải chịu đựng trong quá khứ. Tôi chắc nó gợi nhớ đến mấy món ăn kinh khủng mẹ đã nấu. Nên lẽ đương nhiên bà đang quá mừng và sẽ không tội gì tạo điều kiện để gây thêm rắc rối. Nếu bà khuyến khích họ từ chối thẳng thừng món mì, tôi sẽ không nấu thêm bữa nào nữa và trật tự cũ sẽ được thiết lập lại. Vậy là bà thoát.

Khi đĩa của Helen được đem đến đặt trước mặt, nó ự ự như thể sắp nôn. Nó nhìn cái đĩa, vẻ kinh tởm:

– Cái quỷ gì thế này?

– Mì pasta và xốt thôi mà, – Tôi bình tĩnh đáp.

– Xốt á? – nó thét. – Nhưng mà nó xanh lè.

– Ờ, – Tôi xác nhận, không hề có ý chối. – Xanh, xốt cũng có loại màu xanh, em ạ.

Adam lập tức giải cứu. Cậu ăn cực kỳ ngon lành.

Tôi nghĩ cậu này chắc cũng thuộc dạng mấy cô cậu sinh viên không cần ăn uống ra hồn hàng tháng trời mà vẫn sống tốt, nên gặp thứ gì cũng ngốn tất. Nhưng cậu làm như thể đang rất ngon miệng. Với tôi vậy là quá tốt rồi.

– Mì này ngon thật! – cậu cắt ngang trò kịch của Helen. – Em nhất định phải ăn thử Helen ạ.

Helen liếc Adam dữ tợn:

– Em không đụng vào nó đâu. Trông kinh quá!

Bố, mẹ và Helen nín thở, mặt đông cứng lại vì hãi, nhìn chằm chằm Adam tọng mì đầy miệng, chỉ chờ cậu trai lăn ra chết.

Rồi khoảng năm phút sau đó, khi cậu vẫn sống nguyên chứ không bò lăn lộn trên sàn như một nạn nhân của dòng họ nhà Borgia[8], la hét mong được giải thoát khỏi nỗi thống khổ, bố quyết định liều thử một phen.

[8] Một dòng họ gốc Tây Ban Nha sinh sống ở Ý, nổi tiếng hung bạo, trong đó có giáo chủ Alexander VI được xem là tàn ác nhất lịch sử châu Âu. Hai con ông là Cesare và Lucrezia – một được chính ông đưa lên làm Hồng Y Giáo chủ, một là kẻ giết người tàn bạo và tham lam khét tiếng.

Bạn ạ, tôi cũng muốn được nói với bạn lắm, rằng từng thành viên một trong nhà tôi đã cầm nĩa lên và mặc dù lúc đầu có ác cảm với món mì, cuối cùng họ đã bị tài nội trợ của tôi khuất phục. Và rồi chúng tôi ôm hôn nhau thắm thiết, cười ngượng nghịu và lắc lắc đầu nhìn nhận mình đã quá sai lầm. Giống như trong phim truyền hình nhiều tập của Mỹ ấy.

Nhưng tôi lại không làm vậy được.

Helen, vai giật lắc còn mặt thì nhăn nhúm, cứ om sòm nhất định không đụng nĩa, cho dù anh Adam xinh trai đã bật đèn xanh.

Nó đi nướng mấy lát bánh mì.

Déja vu, hay sao nhỉ?

Bố ăn một tí và bảo chắc chắn là ngon rồi, nhưng khẩu vị của ông thấp kém lắm. Rằng ông không có khả năng thưởng thức mấy món ăn tinh tế ngoại lai này. Ông bảo: “Tôi bình dân lắm. Mãi đến ba mươi lăm tuổi mới biết thế nào là bánh trứng đường kia.” Mẹ cũng ăn tí chút nhưng với vẻ khổ sở. Ai cũng biết với bà, phí phạm đồ ăn ngon là tội lỗi.

Kể cả những món ăn kinh khủng.

Bởi vậy nên bà vẫn ăn. Nhưng trông bà như thể con người ta sinh ra là để chịu khố, rằng cái bữa tối này giống như một hình phạt của Chúa trời dành cho bà. Nhưng giữa hai lựa chọn, một là leo lên ngọn Croagh Patrick[9] trong khi một chân bị gãy, và hai là ăn cho hết đĩa mì, bà thà bắt tay vào chuẩn bị giày vớ để bắt đầu leo bất cứ hôm nào.

[9] Ngọn núi cao 640m ở phía Tây Ireland, có ý nghĩa thiêng liêng đối với những người theo Thiên Chúa giáo, hàng năm thu hút gần một triệu người, phần lớn là giáo dân hành hương, đến tham quan, cầu nguyện.

Nhưng đồng thời bà cũng không che giấu được nỗi vui mừng vì bố và Helen từ chối món mì.


Cứ thỉnh thoảng bắt gặp ánh mắt tôi, rõ ràng bà phải khó khăn lắm mới làm bộ tỉnh như không được.

Mặc dù bà thà chết còn hơn phải thừa nhận điều này: bà mừng rơn.

Rồi Anna về.

Nó lững thững bước vào bếp, trông rất xinh, cái kiểu bỏ ngơ người trời ấy, khăn choàng đủ loại lướt thướt, váy đan len nhìn xuyên thấu và các thứ trang sức đầy màu sắc. Rõ ràng nó đã gặp Adam rồi.

– Ô, chào anh Adam! – nó nói mà nghe rõ cả tiếng thở, lộ rõ vẻ vui mừng và đỏ mặt sung sướng.

Cậu ta lúc nào cũng làm cho đàn bà con gái phải đỏ mặt lên sao, tôi tự hỏi.

Hay chỉ gia đình tôi mới thế?

Nhưng tôi ngờ là không phải vậy.

Trông chờ gì ở một cậu trai có ảnh hưởng mạnh mẽ với chị em phụ nữ đến thế chứ? Cậu ta lớn thêm nữa chỉ thành ra một tên khốn nạn, đốn mạt mà thôi. Chỉ chờ các chị em khóc lóc, ngất xỉu, la thét rồi rơi vào vòng tay hắn thật dễ dàng.

Cậu ta quá đẹp trai, không thành người đàng hoàng được.

Phải có một, hai khuyết điểm nào đấy mới nên người.

Thương cho xấu cho xí…

– Chào Anna! – cậu mỉm cười. – Hay quá, lại gặp em!

– Ờ… dạ vâng, – nó lí nhí, mặt càng đỏ hơn và làm đổ cả tách trà. Cái mặt trong của mí mắt nó chắc cũng đang ửng đỏ cả lên.

Tôi thông cảm với nó. Biết đâu tôi cũng chẳng còn lấy một gân máu nguyên vẹn nào trên mặt mình sau khi chúng đã đỏ hết lên lúc nãy vì Adam. Mọi mao mạch trên má tôi đã bể toang hết như bọt champagne sủi tăm trên miệng ly.

Việc tiếp chuyện trong bữa ăn cũng không được ý tứ lắm. Helen, chưa bao giờ thực hiện vai trò chủ tọa (trừ phi chúng tôi dùng từ “chủ tọa” kèm với nghĩa thô lỗ ở mức cao nhất), cầm tờ tạp chí (tờ Hello – làm thế nào mà nó lọt ra đến đây được nhỉ?) đọc hết bữa ăn.

– Helen, bỏ tờ báo xuống! – bố nạt, lộ rõ vẻ xấu hổ.

– Im đi bố! – Helen nói giọng đều đều, thậm chí không thèm nhìn lên.

Nhưng thỉnh thoảng nó cứ ngó lên nhìn Adam, nhoẻn cười sắc lịm. Cậu cũng nhìn nó, vô cùng sung sướng, và sau một lúc cả hai nhìn nhau không rời mắt, cậu mỉm cười đáp lại.

Bạn dám lấy dao cắt bánh mì mà cắt đứt cái sự phấn khích này lắm đấy.

Anna, chưa bao giờ là ứng cử viên cho chương trình Late Late Show, như bị trúng cú sét với Adam đến ngơ ngẩn cả người đi, khúm na khúm núm.

Cứ hễ cậu ta hỏi nó câu nào là con bé lại chỉ biết cười ngơ ngẩn, khúc khích, và cúi đầu như một con bé nhà quê ngốc nghếch.

Nói thật với bạn, sao mà khó chịu.

Cậu ta chỉ là một thằng đàn ông thôi mà, rất trẻ, vì Chúa. Đâu phải thần thánh gì.

Bố, mẹ ngoáy ngoáy đĩa mì vẻ lo ngại. Cả hai cũng không nói gì nhiều.

Bố thử khơi chuyện với Adam.

– Bóng bầu dục? – Ông lầm rầm với cậu, như thể là người của một tổ chức bí mật đang cố tìm hiểu xem Adam có phải là đồng minh.

– Dạ sao ạ? – Adam ngơ ngác, đánh vật với lỗ tai mình, cố nghĩ xem ông đang muốn nói gì.

– Bóng bầu dục ấy? Chơi bên cánh trước chẳng hạn?

– À… dạ… Cháu xin lỗi, bác hỏi sao ạ?

– Bóng bầu dục ấy? Cậu có chơi không? – bố đành phải xòe hết các lá bài ra cho bạn chơi nhìn rõ.

– Dạ không.

– Ồ, – Ông thở hắt ra như một trái bóng xì hết hơi.

– Nhưng cháu thích xem ạ, – Adam cố vớt vát.

– Ối dào, – Ông đã quay ngoắt lưng lại, ngoắc ngoắc tay khiến ai cũng thấy rõ sự thất vọng.

Và đấy, tôi cho là dấu chấm hết cho một tình bầu bạn chỉ vừa kịp phôi thai.

Vì một lẽ nào đấy mà tôi thấy mình có trách nhiệm phải tiếp chuyện cậu khách này. Có thể vì tôi đã quen sống trong cái thế giới văn minh kia, nơi khách là khách, được tiếp đón đàng hoàng tử tế. Nơi mà nếu ai đó mời bạn đến ăn tối, họ sẽ không vất bạn cho một lũ người lạ hoắc rồi hoàn toàn bỏ lơ bạn.

Nếu đã từng nói điều này, và chắc đã nói đến lần thứ hàng mấy ngàn rồi cũng nên, thì tôi vẫn phải nói lại lần nữa, là tôi không hiểu sao con Helen chưa từng bị ăn đòn vì cái lối cư xử của nó.

– Vậy là cậu học cùng lớp với Helen? – Tôi làm ra vẻ ngây ngô, chỉ cố sao cho vào được vài câu chuyện phiếm.

– Vâng. Em học môn Nhân loại học cùng với Helen. Và đến đây xem như chấm hết đề tài này. Cậu tiếp tục ăn.

Cậu tiếp tục sống.

Bố tiếp tục kinh ngạc.

Ngắm nhìn Adam thật thích thú. Có một nét gì đó khỏe khoắn, mạnh mẽ. Cậu ăn rất ngon lành và luôn miệng khen.

– Ngon quá! – cậu cười với tôi, – cho em ăn thêm nữa được không?

– Dĩ nhiên rồi, – mẹ cười duyên dáng, hấp tấp đi lấy thêm mì đến suýt làm đổ cả ghế. – Để bác lấy cho. Cháu uống thêm sữa nữa nhé?

– Cám ơn bác, bác Walsh, – cậu đáp nhã nhặn.


Cậu rất dễ mến. Tôi nói thế không phải chỉ vì cậu là người duy nhất ăn món mì của tôi đâu nhé.

Cậu có chút gì đó trẻ con trong cái phong thái rất đàn ông.

Hoặc là rất đàn ông theo kiểu trẻ con. Ừm, kiểu nào thì cũng rất thu hút.

Nhưng mặc dù cậu ta đẹp trai đến mức đáng báo động, tôi vẫn cảm thấy hoàn toàn thoải mái với sự có mặt của cậu, vì tôi biết cậu ta chỉ đâu đó mười tám tuổi. Mặc dù khuôn mặt và cái cách xử sự của cậu trông chững chạc hơn nhiều.

Thành thật mà nói, tôi hơi ghen tị với Helen, chộp được một anh chàng như thế.

Tôi lờ mờ nhớ lại khi còn trẻ và biết yêu, mình như thế nào.

Tôi tự nhủ lòng đừng ngốc nghếch thế. Tôi và James sẽ hóa giải được mọi việc. Hoặc tôi sẽ gặp được một người khác cũng dễ thương như anh.

(Dễ thương??!!, tôi hoảng sợ nghĩ. Mình mới nói dễ thương sao? Đó không thể là từ để mô tả James lúc này.) Nhưng người hùng Adam đã cứu vãn cuộc trò chuyện.

Mẹ hỏi cậu sống ở đâu.

Đây là câu đầu tiên trong hai câu hỏi thường trực của bà dành cho những quý khách nam.

Câu thứ hai sẽ nhằm tìm hiểu xem bố cậu trai làm nghề gì.

Nhờ đó mà ước đoán được của cải của gia đình cậu, rủi Helen có về làm dâu. Và để bà nhắm xem nên chi bao nhiêu cho cái váy đầm của “mẹ cô dâu”. Nhưng Adam đã kịp qua mặt bà, tránh bị chất vấn và phải trình ra cái bảng lương gần nhất của bố, bằng cách kể cho cả nhà nghe ít chuyện trong lịch sử cuộc đời cậu.

Quả nhiên cậu từ Mỹ đến. Bố mẹ cậu đã trở lại New York nên hiện tại cậu đang sống trong một căn hộ ở Rathmines.

Mặc dù bố mẹ đều là người Ireland và cậu đã sống ở đây từ năm mười hai tuổi, trông cậu vẫn rất giống người Mỹ.

Nhất định người ta đã bỏ thứ gì đó vào cái bầu không khí ở Mỹ, tôi nghĩ. Muối khoáng hay gì đó, làm cho con người ở đó to lớn và rắn chắc.

Ai nói di truyền học đi trước môi trường rõ ràng là quá sai lầm.

Nếu ở Dublin trong mười hai năm đầu đời ấy thay vì ở New York, chắc cậu sẽ chỉ cao khoảng thước sáu thay vì gần hai thước. Da cậu sẽ đầy tàn nhang thay vì hơi phớt màu ô liu. Tóc cậu sẽ lưa thưa xỉn màu thay vì đen óng. Cậu sẽ có cái hàm rất đỗi bình thường thay vì có cái ngạnh đẹp như tạc tượng.

Rõ ràng nó chính ở cái văn hóa ăn thịt bò hun khói với bánh mì, bánh mì tròn với kem phô mai và cá hồi xông khói, uống soda và bia, xem các trận đấu bóng, gọi jam (mứt) là jelly, gọi jelly (thạch) là jello, gọi crisp (khoai tây chiên mỏng) là chip, gọi chip (khoai tây que) là fries, gọi người ta là Mac ngay cả khi đó không phải là tên của họ, và ở trong những căn nhà có cửa chống bão, có khoảng hiên sàn bằng gỗ. Adam khiến cả nhà phải bật cười khi kể lại lúc cậu mới từ New York đến Dublin. Lũ con nít ở đây đã chào đón cậu bằng cái tên “thằng Yankee đế quốc phát xít” và làm như thể chính cậu có liên quan đến việc Mỹ xâm lược Grenada, và đập cậu tơi tả vì cái tội phát âm tomatoes (cà chua) là “tom-ay-toes”, gọi mẹ là Mammy chứ không phải Mom như chúng nó. Chúng châm chọc, chế giễu cái kiểu Mỹ của cậu. Cậu bảo: “Cháu đâu có biết là mình đã nói không giống như chúng nó.”

Đương nhiên lũ trẻ kia sẽ chế ra những câu để nhạo Adam, bằng cách thay những từ địa phương của chúng bằng những từ của người Mỹ.

Rồi hè nhau cười khằng khặc.

Rồi lúc tự vệ bằng cách đập cho vài thằng trong lũ ấy một trận, cậu bị gọi là thằng bắt nạt vì to xác hơn bọn chúng nhiều.

Cả nhà gật gù đầy thương cảm, tay chống lên bàn nhìn Adam, trái tim trĩu nặng vì tội cho cái thằng bé mười hai tuổi đơn độc tội nghiệp không biết làm gì cho phải. Mọi người đột nhiên im lặng, nghe được cả tiếng ruồi bay. Ai nấy từ buồn cười đã chuyển sang ủ ê.

Thậm chí bố cũng như sắp khóc.

Chắc hẳn ông đang nghĩ: “Thằng này không chơi bóng bầu dục thật, nhưng cũng không đáng bị hắt hủi.”

Rồi Adam lại toàn tâm toàn ý tập trung vào tôi.

Cậu xoay ghế lại, nhìn tôi rất chăm chú.

Nói cho vui thì cậu ta làm như thể chỉ có mình tôi đang ở đấy.

Chuyện gì cậu cũng hưởng ứng rất hăm hở, nhiệt tình. Như một cậu bé con vậy. Ừm… một cậu bé bự chảng chứ.

Trông cậu không có vẻ gì là giả tạo cả.

Còn trẻ là vậy đấy, tôi nghĩ.

– À, chị Claire, chị kể về công việc của chị đi. Helen nói chị làm việc gì đó quan trọng lắm cho một tổ chức từ thiện.

Tôi sướng bừng lên vì sự quan tâm của cậu, như một bông hoa nở tung cánh dưới ánh mặt trời, và chuẩn bị kể.

Nhưng Helen đã kịp chen ngang:

– Em không có nói là quan trọng, – nó nói giọng chua loét. – Em chỉ nói là một công việc thôi. Mà chị ấy cũng nghỉ rồi, lúc có em bé.

– Ồ đúng rồi, em bé. Em thăm bé được chứ?

– Chắc chắn rồi. – Tôi hào hứng, nhưng tự hỏi tại sao Helen lại khó chịu đến thế.

Ý tôi là còn khó chịu hơn bình thường nữa.

– Kate vẫn đang ngủ, nhưng khoảng nửa tiếng nữa bé thức thì cậu có thể vào thăm.

– Hay quá! – cậu nhìn tôi đáp.

Thật tình, cậu đẹp tựa thiên thần. Đôi mắt xanh như biển. Và sở hữu một thân hình đẹp nhất trên đời.

Ấy là tôi đang nhìn một cách hoàn toàn khách quan đấy nhé.

Cậu ta là bạn trai của em gái tôi, nên tôi hoàn toàn có thể ca ngợi vẻ đẹp của cậu, trên khía cạnh thẩm mỹ.

Tôi thấy mình như một cụ bà thông minh đang chiêm ngưỡng những chàng trai trẻ đẹp, thấy họ hấp dẫn đến nhường nào và nhận ra cái thời ve vãn của mình đã qua lâu lắm rồi.

Cậu cao lớn và trông rất quyến rũ, dù chỉ mặc quần jean bạc màu với áo phông màu xám.

Tôi dọn món kem mousse sô cô la cho cả nhà ăn tráng miệng. Món này được hưởng ứng hơn món mì nhiều. Anna, Helen và bố đẩy, huých nhau giành phần bự nhất trước mặt khách mà không hề lấy gì làm xấu hổ.

Nhưng Adam chỉ cười, rất thoải mái.

Một lúc sau tôi dẫn cậu đi thăm Kate.

Chúng tôi nhón gót bước vào phòng.

– Em bế cháu được không? – cậu trịnh trọng hỏi.

– Dĩ nhiên rồi, – Tôi cười, vô cùng xúc động trước sự trịnh trọng của cậu.

Một người đàn ông to lớn, rắn rỏi muốn được ẵm đứa con bé bỏng của tôi có lẽ là điều ngọt ngào nhất tôi muốn nghe.

Kiểu như một anh lái xe tải đô con lực lưỡng nghe những bài nhạc đồng quê hay cao bồi mà khóc ấy. Nghe chừng bất tương xứng nhưng cảm động.

Tôi nhẹ nhàng trao Kate cho cậu. Cậu đón con bé và thận trọng bế nó trong lòng.

Con bé thậm chí không thức dậy.

Ngốc ạ!


Tôi nuôi dạy con gái kiểu gì thế này?

Lần đầu tiên được một người đàn ông đẹp trai ẵm, thế mà cứ ngủ tuột một mạch.

Cảnh tượng tuyệt vời. Chàng thanh niên cao lớn bế đứa bé nhỏ nhắn xinh xắn.

– Mắt bé màu gì hả chị?

– Xanh biển. Nhưng em bé nào mắt cũng màu xanh biển lúc mới sanh. Sau đó thường thì chúng sẽ đổi sang màu khác.

Cậu vẫn ngắm con bé không chớp mắt. Khuôn mặt đầy vẻ ngạc nhiên thích thú.

– Chị biết không, nếu chị và em có em bé thì nhất định mắt nó sẽ mang màu xanh biển đấy, – cậu trầm ngâm, gần như là đang nói một mình.

Tôi giật bắn người.

Gần như không tin vào tai mình.

Cậu ta đang ve vãn tôi?

Tôi thấy phừng phừng lửa giận.

Tôi vẫn nghĩ cậu ta thật vô tư và dễ mến. Một chàng trai trẻ dịu dàng.

Cậu dám sao?

Không phải chỉ vì tôi đáng tuổi mẹ cậu ta. Ừm, gần như thế. Nhưng vì cậu đến đây với em tôi và đang gây ấn tượng rất tốt với cả nhà với tư cách là bạn trai của nó.

Cậu ta không có chút tôn ti trật tự nào sao?

Không biết như thế nào là đàng hoàng sao?

Nhưng tôi đã sai. Tôi nhìn cậu, cả hai sững lại mất một phút. Tôi thấy rõ là cậu ta đang ngượng đến sắp chết.

Chắc chắn cậu biết mình đã lỡ lời.

Trông cậu thật bé nhỏ và sợ hãi.

Như một thằng bé nghịch ngợm.

Cả căn phòng chìm trong căng thẳng và ngượng ngập.

– Thôi chắc em ra xem lại để luận với Helen, – cậu hấp tấp nói, gần như quăng Kate trở lại cũi, rồi chạy vụt ra ngoài.

Tôi ngồi trên giường, thấy cũng buồn cười.

Phải chăng tôi thấy mình khờ khạo vì phản ứng thái quá?

Phải chăng tôi đang buồn vì mình đa nghi, vội kết luận sai về cậu?

Tôi cảm thấy… Chúa thứ tội… thất vọng ư?

Không, tôi tự bảo mình. Chắc chắn không phải thế. Nhưng rõ ràng là hơi khờ khạo.

Mày đã xa lũ đàn ông quá lâu rồi, tôi nghiêm khắc nhủ. Phải mau chóng trở lại cái quỹ đạo ấy, để lần sau nếu gặp ai hấp dẫn, mày sẽ không giật thót người vì cái kiểu suy diễn điên khùng ấy nữa.

Nhưng đồng thời tôi cũng phải thừa nhận là mình có phần thấy xúc phạm trước cái lối phản ứng ấy của cậu. Cậu ta đâu cần phải hoảng sợ thế.

Trời ạ, nhưng phản ứng như thế âu cũng là bình thường.

Theo đúng nề nếp từ ngàn đời truyền dạy lại, tôi từ giận dữ trước cái hàm ý cậu ta đúng là có thích tôi chuyển sang giận dữ trước cái hàm ý cậu ta không thích tôi, chỉ trong khoảng ba mươi giây.

Biết suy nghĩ một cách có lý trí đâu phải thế mạnh của tôi.

Ý tôi là, tôi có thể là một phụ nữ đã “có tuổi”, nhưng không hẳn đến nỗi như Cô Dâu của Dracula. Cậu ta nên biết rằng có đến hàng vạn đàn ông thấy tôi vẫn còn hấp dẫn.

Ừm, chắc phải có ai đó ở đâu đó thấy tôi hấp dẫn chứ. Có đến ba tỉ đàn ông trên trái đất này kia mà. Trong cái số dân ấy tôi chắc mình cũng phải mò ra vài tên không may thích cái sắc diện của tôi.

Gan đến thế! Chỉ may mắn được vô cùng điển trai không có nghĩa cậu ta có quyền làm tôi thấy mình xấu khiếp.

Và tôi không hẳn được đẹp như Helen.

Thực tế là không hề được xinh đẹp như Helen. Nhưng tôi là người tử tế, tốt bụng.

Ai đi thích một người chỉ vì người ấy tử tế, tốt bụng? Vì nếu đúng vậy thì Mẹ Teresa đã phải kiếm một mớ gậy mà xua đàn ông rồi.

Nhưng mà thôi.

Tôi cho Kate bú, sau đó đặt bé lại vào cũi.

Rồi tôi xuống nhà với mẹ.

Tôi đi ngang qua phòng của Helen. Cửa đóng chặt. Hai tên nó rõ ràng đã lỉnh vào ấy rồi.

Viết luận đấy!

Bố mẹ có thể tin cậu ấy, nhưng tôi thì đã xài chiêu này đủ nhiều nên biết rõ nó thực ra là cái gì.

Nhưng có điều nếu đang “vui vẻ”, hai đứa đang phải khẽ khàng lắm.

Dĩ nhiên không phải vì tôi đang áp tai vào cửa mà nghe hay thế nào.

Và dĩ nhiên, chuyện không liên quan tí tẹo gì đến tôi cả.

Helen muốn vui vẻ với ai thì kệ nó.

Adam, rõ rành rành, cũng thế.

Như tôi đã nói, không liên quan gì đến tôi sát.

Tôi ngồi xem tivi với mẹ, với một mục đích hết sức cao cả trong đầu.

Mãi một lúc sau, hai mẹ con nghe tiếng Helen và Adam trong bếp.

Rồi chúng tôi nghe con bé chào tạm biệt cậu.

Cậu ló đầu vào phòng, cám ơn chúng tôi đã mời cậu ăn tối rất ngon miệng và hy vọng được sớm đến chơi nữa.

Hai mẹ con cười chào cậu.

– Một thằng dễ thương, lịch sự, – mẹ nói, vẻ rất vừa ý Tôi không nói gì. Tôi đang nghĩ cậu ta trông không có cái vẻ xộc xệch như vừa vui vẻ xong, và ngạc nhiên tự hỏi sao mình lại quan tâm, thắc mắc việc ấy làm gì.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.