Đọc truyện Dưa Bở Được Mùa – Chương 25
Hôm nay, cả gia đình dẫn nhau ra đầu đường ăn ngoài đổi gió. Ngày xưa lúc nào chán cơm nhà tôi cũng hay rủ mấy đứa bạn thân ra ngoài đây ăn. Lâu rồi không tới, mọi thứ thay đổi nhiều lắm. Chỉ có một điều không thay đổi, đó chính là nơi đây vẫn đông khách như ngày nào, món ăn vẫn mang hương vị của thuở ấy. Gợi cho tôi biết bao kỉ niệm ngày còn thơ trẻ.
Người ta nói, hổ dữ thì không ăn thịt con. Nhưng cuộc đời mà, khó tránh khỏi những trường hợp éo le.
Đang ăn ngon miệng thì nghe một tiếng choang rất to. Ngẩng đầu lên thì thấy một cậu bé khoảng chừng học lớp 3, thần sắc khoảng hốt, bàn tay run run. Chắc là sợ lắm.
Bà chủ quán nghe thấy thì quát ầm cả lên:
– “Thằng ăn hại. Mày lại choảng vỡ bát rồi hả? Tao nuôi mày lớn bằng chừng này để mày ăn không ngồi rồi. Có một việc bé tí cũng làm chẳng xong hả?”
Nói đoạn, bà ta cầm roi mây quật liên tiếp vào người thằng bé. Thằng bé khóc lóc chạy toán loạn cả lên, vừa chạy vừa xin tha:
– “Mẹ, đừng đánh con mà mẹ! Con sai rồi! Con xin mẹ!”
Những vị khách trong quán cũng bắt đầu hốt hoảng, quán ăn trở thành một mớ hỗn độn, bừa bộn.
Bà mẹ túm được tay thăng bé, kéo mạnh. Rồi xách tai thằng bé lên, tiếp tục đánh, mặc cho thằng bé van xin thảm thiết, bà ta vẫn vừa đánh vừa đay nghiến.
Cuộc đời, có nhiều chuyện không phải của mình nhưng không quản không được. Trong lòng tôi đã nóng như lửa đốt.
Tôi bèn đứng dậy, đi về phía đó, lôi thằng bé ra phía sau mình, vì thế mà bị trúng một phát roi của bà ta.
Tôi đau điếng, nhưng cố cắn chặt răng, đoạn cứng rắn nói:
– “Rốt cuộc bà có phải là mẹ của thằng bé hay không? Sao lại có người ngược đãi con mình dứt ruột đẻ ra như thế?”
Bà ta cười khẩy, chỉ thẳng vào mặt tôi và nói:
– “Cô thì hiểu cái gì mà nói? Nó là do tôi lượm ở thùng rác về. Nuôi tốn cơm tốn gạo. Giờ thì lớn rồi, chả giúp đỡ được việc gì hết. Lại còn gây thêm phiền phức. Cô nói xem có đáng đánh hay không?”
Tôi thật không thể hiểu trên đời này lại có người không hiểu chuyện như thế.
– “Nó là trẻ con đấy. Bé như thế vốn là chưa nên làm việc nặng. Bà bắt nó làm còn đánh đập nó. Như thế là phạm pháp.”
– “Phạm pháp? Nực cười. Mẹ dạy con thì có gì mà phạm pháp.”
Tôi liếc mắt cho chồng, ý bảo anh ấy gọi cảnh sát. Chồng tôi gật đầu, tôi cũng yên tâm phần nào. Quay ra nghĩ cách đối phó với bà ta trước.
– “Phạm pháp hay không chờ công an đến giải quyết.”
Sau đó vì không muốn con gái chứng kiến những chuyện không hay, ông bà đã đưa cháu về trước, chỉ còn vợ chồng tôi và hai mẹ con nhà nọ, khách khứa cũng về hêt cả.
Vì sự việc cũng không có gì nên bà ta chỉ bị phạt tiền. Giải quyết xong xuôi hai vợ chồng tôi đi về.
Đoạn đường đi từ đầu làng về nhà cũng không xa lắm cho nên chúng tôi đã đi bộ.
Một ngày mệt mỏi, vì suy nghĩ về chuyện ban chiều nên tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Trong đầu cứ hiện lên hình ảnh cậu bé đáng thương.
Tôi bèn lật đật dậy pha một ly cà phê đem ra ban công ngồi hóng gió. Hít một ngụm gió trời, uống một ngụm cà phê quả là tinh thần sảng khoái hơn hẳn.
Phòng tầm mắt ra xa xa, rồi lại thu về giàn mướp trước cổng nhà. Tôi bỗng thấy có một bóng dáng bé nhỏ ngồi ôm gồi trước cổng, bờ vai hơi run run.
Tôi bỗng giật mình, bây giờ cũng là mùa thu, tiết trời se se lạnh. Liệu có phải là cậu bé hồi chiều? Không biết đã ngồi đó được lâu chưa?
Tôi chau mày lo lắng, lại lật đật chạy xuống mở cổng. Thằng bé nghe tiếng động, ngước đôi mắt long lanh gợn nước lên nhìn tôi.
– “Sao cháu không về nhà? Có phải từ chiều đã đi theo cô chú rồi không?”
Thằng bé không nói gì, chỉ òa khóc nức nở.
Tôi ngồi xuống, khoác chiếc áo khoác mỏng cho thằng bé, vỗ về nó:
– “Ngoan, con trai con đứa ai lại khóc bao giờ. Mẹ cháu không nhận cháu nữa phải không? Thôi được rồi, vào nhà với cô. Sáng mai cô đưa cháu về nhà nói chuyện với mẹ cháu.”
Mãi một lúc sau thằng bé mới nín hẳn, lại nhìn tôi bằng cặp mắt tròn xoe ngây thơ đó, có vẻ như còn lo sợ điều gì:
– “Ngoan, vào đây cô nấu gì đó cho ăn. Chắc cả ngày không ăn gì rồi phải không?”
Nói đoạn, tôi nâng thằng bé dậy dắt vào trong bếp, nấu một bát mì gạo với giò xay cho thằng bé, bê đến trước mặt nó và nói:
– “Ăn đi con trai. Chưa no thì nói cô, cô nấu cho bát nữa.”
Thằng bé vẫn chẳng nói chẳng rằng, rụt rè cầm đũa. rụt rè nhấm nháp, thi thoảng lại ngước đôi mắt ngây thơ hết mức lên nhìn tôi.
Tôi cười hiền, không nói gì cả. Có vẻ như cháu bé bớt lo hơn, bắt đầu bạo dạn húp mì sùm sụp. Chẳng mấy chốc mà đã hết bát mì.
– “Cho con bát nữa ạ!”
Bé ngoan ngoãn đưa cho tôi cái bát không bằng hai tay, cười híp cả mắt. Tôi xoa đầu nó rồi quay ra bếp múc cho cháu nó bát nữa.
– “Cô là đầu bếp ạ?”
Tôi hơi giật mình vì ngạc nhiên, mất vài giây, tôi mới cười cười trả lời thằng bé:
– “Ừ. Sao cháu biết?”
– “Tại cô nấu mì ngon cực ý! Ngon hơn cả quán nhà con. Quán nhà con chỉ có hành với thịt thôi ý, không được nhiều thức ăn như này.”
Thằng bé láu lỉnh quá, tôi cười bảo:
– “Cô thấy quán nhà con cũng khấm khá đấy chứ. Sao mẹ con lại bỏ đói con thế này?”
Thằng bé vừa húp mì, ngoan ngoãn trả lời:
– “Mẹ con bảo nhặt con ở sọt rác, coi con như người ở, mẹ chẳng thương con đâu.”
Nghe thằng bé nói, tôi thấy não cả lòng. Nhưng biết làm sáo được, chuyện nhà người ta mà.