Đọc truyện Dù Chỉ Sống Thêm Một Ngày, Anh Vẫn Sẽ Chọn Em – Chương 2: ĐỐI MẶT
Buổi tối hôm đó, sinh hoạt của gia đình Hân vẫn diễn ra như thường lệ. Sau khi dùng cơm xong, bà Vân rửa chén bát, Hân thì có nhiệm vụ lau dọn. Tiếng chén dĩa va vào nhau lách cách càng làm cho bầu không khí càng thêm căng thẳng. Hân vừa lau bàn vừa lén quan sát ba mình. Ông bình thản ngồi đọc báo ở sofa nơi phòng khách như chưa hề biết có một việc động trời đang xảy ra trong cái nhà này. Điều đó làm cho cô có phần nào nhẹ nhõm.
Ông và cô rất ít nói chuyện với nhau vì ông vốn là một người rất gia trưởng và nghiêm khắc. Ông là Nguyễn Trí, một giáo sư Đại học có tiếng ở Sài Gòn, được nhà trường và các sinh viên rất mực kính trọng. Ông nội của Hân đã mất từ lâu. Còn ông Trí lại là con trai trưởng. Vì vậy mà bà nội, các chú và các cô ai cũng xem trọng lời nói của ông.
Hân là con một nên ông đặt hết kỳ vọng vào cô. Hiểu được tâm ý của ba mình, từ nhỏ, cô đã cố gắng phấn đấu hết mình, luôn tỏ ra là một đứa con ngoan, trò giỏi. Từ lớp một đến lớp mười, cô lúc nào cũng đạt học sinh khá hoặc giỏi để làm vui lòng ông. Vì vậy, cô thật sự không muốn ông biết việc cô có thai. Nhưng cái bụng sẽ ngày một to lên, cô không biết có thể giấu thêm bao nhiêu ngày nữa.
Buổi cơm hôm nay, bà Vân không buồn nói một lời nào. Bà cũng không nuốt nổi một hạt cơm nhưng vẫn cố ăn một chút cho qua bữa. Bà đã mất ngủ mấy đêm liền, tinh thần cũng bị khủng hoảng nặng.
Đối với bà, ông Trí là người chồng, người cha mẫu mực, quyết đoán, lại là trụ cột chính trong gia đình. Sống với nhau mấy mươi năm, một khi ông đã quyết điều gì, bà chưa bao giờ dám có ý kiến. Bà từng nghĩ không sớm thì muộn thì ông cũng sẽ biết được sự thật. Nếu vậy thì để chính miệng bà nói thì ít nhiều với tình nghĩa vợ chồng lâu năm sẽ làm ông giảm bớt cơn thịnh nộ.
“Xoảng!” Bỗng cái chén rơi xuống đất vỡ tan làm bà Vân giật bắn người. Thì ra bà mãi nghĩ ngợi nên bị tuột tay lúc nào không hay. Bà còn chưa kịp hoàn hồn thì ông Trí cất giọng hỏi: “Hôm nay, con Hân không đến trường, em có biết không?”
Câu hỏi của ông làm hai mẹ con như bị đóng băng, chỉ còn lại trái tim nơi lồng ngực là nhảy nhót không ngừng. Hân run rẩy đưa mắt nhìn sang mẹ. Còn bà cũng chưa biết phải trả lời thế nào nhưng vẫn cố dùng ánh mắt điềm tĩnh để trấn an cô.
– Trống tiết, tôi về sớm cả buổi mà không thấy ai ở nhà. Con Chi nó có gọi điện thoại hỏi thăm con Hân bệnh gì mà không đi học được. Hai mẹ con đi đâu cả buổi vậy?- Chẳng đợi bà trả lời, ông hỏi tiếp.
– Em đang có việc quan trọng muốn bàn với anh. Chúng ta vào phòng nói chuyện một chút! – Bà biết đã đến lúc quyết định.
Ông Trí cảm thấy có chút kỳ lạ nhưng vẫn bình tĩnh theo bà Vân vào phòng. Hân đứng nhìn theo ba mẹ mình mà tay chân rã rời, ruột gan như bị thiêu đốt. Cô cũng phần nào biết được đã đến lúc sự thật được phơi bày.
Sau cánh cửa phòng khép chặt, bà Vân xúc động kể lại toàn bộ sự thật. Kể xong, bà òa khóc nức nở. Trước mặt con gái, bà cứng rắn bao nhiêu thì trước mặt ông, bà lại yếu đuối bấy nhiêu. Bà đoán rằng ông sẽ rất nổi giận nhưng việc giãy bày với ông dù sao cũng làm cho lòng bà vơi đi gánh nặng.
– Tôi có nghe nhầm không? Cô dạy con như thế nào vậy hả?- Đúng như bà dự đoán, ông giận dữ hét lớn.
– Em van anh, hãy nhỏ tiếng một chút! Em không muốn con nó đau lòng thêm.– Bà nói trong nghẹn ngào.
– Nó làm ra chuyện đáng xấu hổ như vậy cô còn muốn tôi phải nhỏ nhẹ với nó sao? – Ông trừng mắt, gằng giọng.
– Chuyện cũng đã xảy ra rồi. Cũng lỗi tại chúng ta ít quan tâm đến con, không phải sao?
– Cô đổ lỗi cho cả tôi nữa à? Từ lâu, tôi đã không còn gặp cô ấy nữa, cô còn chưa vừa lòng sao? – Ông nhắc đến một người thứ ba nào đó.
– Bỏ chuyện của anh qua một bên đi có được không? Còn con gái chúng ta, em chỉ sợ nó nghĩ quẩn rồi làm ra chuyện dại dột thôi! Trong những lúc như thế này, cái em cần ở anh chính là sự chia sẻ và cảm thông.- Giọng bà run run.
– Tôi xem như không có đứa con gái hư thân mất nết như nó. Hai mẹ con cô tự mà giải quyết lấy đi.
Ông Trí nói dứt câu thì đùng đùng bỏ ra ngoài. Ánh mắt ông hừng hực lửa giận, lướt qua con gái mình như người không quen biết. Ông đi thẳng vào phòng làm việc để chuẩn bị bài vở cho ngày mai. Cũng bởi lẽ ông muốn vùi đầu vào công việc để giảm bớt cơn thịnh nộ của mình.
Trên bàn là một trang giáo án đang soạn dang dở, nhưng ông không thể nào tiếp tục viết thêm gì được nữa. Ông nhìn vào bức hình của gia đình mà cảm thấy đầu mình như muốn vỡ tung ra.
Việc tày trời của đứa con gái duy nhất làm cho ông rất tức giận. Từ khi cô còn nhỏ, ông đã luôn tỏ ra nghiêm khắc vì chỉ muốn cô nên người. Ông tự hỏi điều mình làm có đúng hay không khi vô tình tạo ra một khoảng cách vô hình với cô.
Là một giáo sư xuất sắc, ông Trí dành phần lớn thời gian của mình để tham gia nghiên cứu và giảng dạy. Có một thời gian trước đây, ông hay gặp lại người yêu cũ nhưng cũng dừng lại ở mức trò chuyện tâm giao. Việc đó bị phát hiện, ông đã không gặp người đó nữa.
Trong suốt thời gian qua, ông đã đùng đẩy hết cho vợ trách nhiệm giáo dục con gái. Ông biết hậu quả này cũng một phần do ông không quan tâm đến cô. Ông muốn đánh cho cô một trận nhưng lại cố kiềm chế tính nóng nảy.
Vốn ông sợ mọi việc giống như vợ mình nói, chỉ cần thêm “một giọt nước tràn ly” cũng sẽ khiến cho cô có những suy nghĩ dại dột. Ông biết tốt nhất vào lúc này nên giữ bình tĩnh và im lặng. Một lần nữa, ông lại tiếp tục phó mặc việc con cái cho vợ vì ông tin tưởng rằng bà sẽ làm tốt hơn ai hết.
Còn Hân thì vẫn còn đang đứng chết lặng trước phòng ba mẹ mình. Nước mắt cô lăn dài trên má nhưng không thể nào khóc thành tiếng được. Ông Trí không đánh cũng không mắng cô. Chính thái độ lạnh lùng đó làm cho cô càng thêm run sợ. Cô muốn chẳng thà ông cứ mắng, cứ đánh một trận như hồi nhỏ mỗi lần cô phạm lỗi.
“Hu…! Hu…! Hu…!” Tiếng khóc từ trong phòng phát ra ngày một lớn. Nhìn vào trong, Hân thấy bà Vân đang ngồi ở mép giường, nước mắt thấm ướt cả khuôn mặt. Dáng vẻ của bà mệt mỏi, tuyệt vọng. Hai mắt của bà trũng sâu, hốc hác. Chỉ vài ngày thôi mà cô thấy mẹ mình như già đi thêm mấy tuổi.
Cô chậm rãi bước từng bước vào phòng, quỳ xuống xuống chân bà, gục đầu trên đùi bà. Rồi cô bắt đầu khóc thúc thít như đứa trẻ lên ba đang mắc tội. Sự hối hận trong cô thổn thức thành lời: “Mẹ!… Lỗi là ở con!… Là do con!”
Bà không nói gì, chỉ lặng lẽ xoa đầu đứa con gái đáng thương. Nước mắt bà rơi xuống chan hòa cùng với nước mắt của cô tạo thành một dòng nước âm ỉ chảy mãi không ngừng tạo thành một dòng suối mang tên “tuyệt vọng”.
Sau hôm đó, Hân vẫn tiếp tục đến trường. Tuy thai không hành, nhưng cô cứ suốt ngày buồn ngủ nên việc học sa sút thấy rõ. Nhưng cô quyết định không nghỉ học vì không muốn xa trường, xa bạn.
Mấy bạn học của cô ai cũng thắc mắc: “Sao dạo này Hân có vẻ mập ra phải không?” Lúc đó cô đành phải giải thích bằng lý do đã chuẩn bị từ trước: “À, tại lúc này mình ăn nhiều lắm, lên cân là chuyện bình thường.” Chỉ có Chi là ngấm ngầm suy đoán được là lý do gì.
– Hân nè, điều gì khiến một đứa hoa khôi của lớp như cậu phát phì ra như thế?- Một hôm nọ, Chi đột ngột hỏi.
– À, thì mình ăn nhiều, vậy thôi. – Hân giải thích bằng lý do cũ rích.
– Mình không tin đâu! Chẳng lẽ đúng như mình đoán cậu đã có … cái kia? – Chi nhìn Hân bằng ánh mắt dò xét.
– Mình … Mình… – Hân ấp úng.
– Hân, bộ cậu không tin mình sao? Mình với cậu học chung từ mẫu giáo cho đến bây giờ, có thể gọi là bạn chí cốt. Có gì cứ nói thật mình nghe! Giúp được cậu cái gì mình sẽ giúp.– Cô bạn tỏ vẻ nghiêm túc.
Chi rõ ràng là đi guốc trong bụng Hân rồi. Phải, từ nhỏ đến lớn Hân với Chi như hình với bóng. Đi đâu chơi, hai đứa cũng có nhau, có gì ngon cũng chia sẻ và hẳn cũng chưa giấu diếm với nhau điều gì. Chỉ những lúc đi chơi với Thịnh, Chi mới ái ngại sợ làm “cục nhân” nên nhất quyết tách ra không chịu đi chung.
Khi Chi tỏ ý muốn chia sẻ, bao nhiêu cảm xúc tủi nhục đè nén trong Hân bùng phát. Cô quyết định kể tất cả sự thật cho cô bạn thân trong nước mắt giàn giụa.
Còn Chi, tuy từ đầu đã “đoán già, đoán non” ra được nhưng vẫn không tránh khỏi sự kinh ngạc khi biết được sự thật. Cùng là thân con gái với nhau, Chi cảm thấy Hân đáng thương hơn là đáng trách.
– Vậy nếu sinh đứa bé ra, cậu sẽ sắp xếp đứa bé sẽ như thế nào?- Chi quan tâm về đứa bé trong bụng.
– Mẹ mình nói sẽ cho nó cho một gia đình đàng hoàng nuôi vì mình chưa đủ khả năng làm mẹ.
– Bác gái tính cũng phải! Nhưng cậu có thấy kỳ lạ không? Tại sao ông Thịnh đi suốt mấy tháng mà không có bất cứ liên lạc nào với cậu?
– Mình cũng hoang mang lắm. Không biết anh Thịnh có gặp chuyện gì không hay không.– Cô nói bằng giọng lo lắng. Thời gian Thịnh và cô yêu nhau không quá ngắn, cũng không quá dài. Nhưng đủ để cô biết rõ anh không phải là dạng người không nói tiếng nào rồi lẳng lặng biến mất.
– Sao cậu không điện thoại đến nhà ông Thịnh mà hỏi thăm?
– Mình gọi nhiều lần rồi, nhưng điện thoại nhà bên đó đã bị cắt. Mình đến tận nhà tìm thì thấy cửa đóng, then cài. Nếu có anh Thịnh ở đây thì hay biết mấy. Tụi mình sẽ làm đám cưới. Mình sẽ chấp nhận nghỉ học để chăm sóc cho chồng, cho con. – Nói đến đây ánh mắt Hân đượm buồn.
– Thôi cậu đừng suy nghĩ nhiều! Đầu óc rối ren ảnh hưởng không tốt cho hai mẹ con! – Chi nói lời động viên.
– Chi, cảm ơn cậu đã cảm thông với mình! – Hân xúc động nói.
Sau đó không lâu, người Hân bắt đầu bị phù nề, lại hay bị dọp bẻ khi ngủ. Đã đến tháng thứ năm thai kỳ, khi nhìn cô, người ta vẫn không biết là đang mang thai. Ai cũng chỉ nghĩ cô hơi mập mạp hơn một chút. Bà Vân giải thích do cô mang thai con so nên người cũng gọn hơn bình thường.
Nhưng bà biết đã đến lúc không thể nào che giấu mọi người được nữa nên xin cho cô nghỉ học. Để tránh bà con hàng xóm để ý, bà quyết định dẫn cô về nhà em bà ở tận Cần Thơ để dưỡng thai và sinh nở tại đây.