Đọc truyện Dư Âm Vẫn Còn Thoảng Bên Tai – Chương 66
Một tuần sau đó, vòng thi ở khu vực Bắc Kinh bắt đầu.
Hôm đó là một ngày mưa tầm tã, bầu trời như được bao phủ bởi một tấm vải xám mờ ảo không rõ.
Dư Thanh đang trong phòng ký túc xá soạn balo chuẩn bị về hẻm nhà thuê, Trần Thiên Dương vừa ăn mì gói vừa ngâm chân.
Tâm trạng của cô bạn đang dần trở về bình thường.
“Ngày mai trường có hội chợ việc làm.” Trần Thiên Dương hỏi, “Cậu không đi hả?”
Dư Thanh dừng tay: “Không đi.”
Cửa sổ kính ngoài ban công mờ sương, cuộc đối thoại trong phòng cũng chỉ đơn giản ngắn gọn như thế.
Trần Thiên Dương lại vùi đầu ăn mì gói, hồi lâu sau mới lên tiếng.
“Chắc mình cũng không đi.” Trần Thiên Dương nhàn nhạt nói, “Nhà mình bảo về thi công chức.”
Khi đó, rất nhiều người trong số họ cảm thấy hoang mang về con đường phía trước, chỉ khi ngày phải lựa gọn đã gần kề mới nhận ra bản thân không biết phải làm gì.
Sau đó sẽ như vô số người phàm trần hòa vào dòng người để kiếm kế sinh nhai, vừa lãng phí tháng ngày không mục tiêu, vừa không xác định được hướng đi.
“À phải.” Trần Thiên Dương nói, “Cô bạn của cậu thi cử sao rồi?”
Theo lý mà nói, hiện tại cũng đã phải đến lúc thi đợt hai, nhưng Phương Dương không nói cô nghe chút tin tức nào.
Khoảng thời gian này bận viết luận văn quá nên cô quên mất chuyện này, không mảy may hay biết tình hình đã thế nào.
Trong lúc nói chuyện với Trần Thiên Dương, điện thoại trong túi rung lên.
Dư Thanh liếc nhìn điện thoại, thấy tên trên màn hình thì tăng tốc dọn dẹp, chỉ vài phút sau đã làm xong và chuẩn bị đi.
Trước khi cô bước ra cửa, Trần Thiên Dương gọi cô, ấp a ấp úng một lúc.
“Dạo này cậu có gặp anh ấy không?”
Dư Thanh lập tức hiểu ra, lắc đầu.
Trần Thiên Dương ủ rũ gục bả vai, cầm đũa khuấy mì gói, ánh mắt không thư thái như lúc nãy nữa, cứ như cả người mất hết sức lực khi nhắc đến chuyện này.
“Ăn xong thì ngủ đi.” Cô nói, “Mình đi nhé.”
Dư Thanh thở dài, khóa cửa lại rồi rời đi, hành lang dài hẹp và tối tăm khiến lòng người không khỏi thấy xót xa.
Đi đến cổng, cô thấy Lương Tự trong áo sơ mi và quần jean ném điếu thuốc vừa hút xong vào thùng rác, tay cầm cây dù màu đen, không đội mũ.
Cô chạy đến sau anh đánh lên vai anh.
Lương Tự đã cảm nhận được từ trước, cong khóe môi quay đầu lại.
Anh che dù cho cô, tự nhiên cầm lấy balo của cô, nắm lấy tay cô.
Hai bên đường có mấy cặp đôi đi sát vào nhau, có người một tay xách bình nước một tay cầm dù chân mang dép lê đi trong vội vã.
Đến cổng trường, anh đón một chiếc taxi, nói một địa chỉ mà cô chưa nghe thấy bao giờ.
“Không về hẻm hả anh?” Dư Thanh thắc mắc.
“Đến thẳng chỗ thi luôn.” Lương Tự nói, “Bọn Trần Bì kéo thiết bị đến đó rồi.”
Ban nhạc của anh rút thăm thi đấu vào ngày mai, đã đặt trước nhà nghỉ ngoài địa điểm thi.
Khu thi đấu ở phía nam của Bắc Kinh, dù không kẹt xe thì cũng phải mất hơn một tiếng mới đến nơi.
Khu vực này khá yên tĩnh, nhưng khách sạn đã chật kín khách.
Họ đặt hai phòng trên lầu bốn, Trần Bì và Chu Hiển ở phòng kế bên.
Tối đó sau khi cả nhóm ăn tối xong, Dư Thanh về phòng xem TV, Lương Tự và hai người kia sang phòng kế bên bàn về cuộc thi ngày mai.
Khoảng chín giờ, Dư Thanh nhận được một cuộc gọi.
Phương Dương vừa kể vừa khóc bù lu bù loa, còn dữ dội hơn lần đầu rớt cấp bốn, Dư Thanh lập tức đoán ra nguyên nhân.
Cô cũng không nói gì, chỉ im lặng để cô bạn khóc đã đời, không ngờ rằng những suy nghĩ lóe lên trong đầu khi nói chuyện với Trần Thiên Dương vào sáng nay lại biến thành sự thật.
Sự an ủi từ bạn thân luôn có ích nhất vào những thời điểm này.
Phương Dương chỉ thiếu vài điểm là đủ điểm đầu vào, chỉ còn cách đổi nguyện vọng. Dư Thanh hỏi đổi sang trường nào, cô bạn nói vẫn chưa biết.
Khi Phương Dương dần bình tĩnh lại là đã hơn nửa tiếng trôi qua, sau khi trút hết nỗi lòng, nỗi thất vọng cũng không còn đáng sợ nữa.
“Thầy kêu tao nộp vào trường tao luôn.” Phương Dương nói, “Mày nghĩ sao?”
Dư Thanh nằm trên giường nhìn phim trên màn hình đã được tắt tiếng, khi thảm kịch xảy đến, mọi người chắp tay trước ngực nói Hallelujah.
Ngoài cửa sổ, dường như mưa đã bắt đầu nặng hạt, loáng thoáng nghe thấy tiếng mưa rơi xuống.
“Chuyện này mày phải tự quyết định.” Dư Thanh nhìn về phía cửa sổ, “Nhưng tao cảm thấy mày xứng đáng với điều tốt hơn.”
Bên kia im lặng hồi lâu, sau đó cúp máy.
Dư Thanh lại ngả vào khuỷu tay mình nằm xem phim, rồi mơ màng ngủ thiếp đi.
Cô mang máng nhớ được rằng đến khuya Lương Tự mới về, anh kéo chăn lại cho cô rồi nằm bên cạnh.
Tối đó cô ngủ rất sớm, hôm sau sắc trời vẫn chưa sáng hẳn đã thức dậy.
Cô nằm nghiêng nhìn Lương Tự đang say giấc.
Tóc anh mới được cắt mấy hôm trước, ngắn ngủn làm anh trông tràn trề tinh thần hơn.
Mấy tháng qua ba người họ không ngủ không nghỉ kiên trì đến tận bây giờ, mang vác thiết bị nặng trịch biểu diễn trên đường phố, hết mình cho lý tưởng bằng cả mạng sống.
Dư Thanh nhìn gương mặt anh từ trên xuống.
“Sao dậy rồi?” Lúc này Lương Tự mơ màng mở mắt ra, “Mới mấy giờ.”
Cô nói khẽ: “Sáng rồi mà.”
Lương Tự đáp “Ừm” rồi kéo chăn lên che vai cô lại, sau đó ôm cô vào lòng, nói ngủ thêm lát nữa hệt như dỗ trẻ con.
Thực ra Dư Thanh mới ngủ lại không bao lâu thì anh đã dậy, rón rén mặc quần, tròng cái áo thun vào rồi đi ra ngoài.
Mưa rơi tí tách tí tách lên cửa kính.
Dư Thanh không ngủ thêm được nữa nên cũng thức dậy tắm rửa, vừa xong xuôi mọi thứ thì Lương Tự mang bữa sáng về.
Cô nhận chai sữa đậu nành đã cắm ống hút từ anh, Lương Tự đập trứng gà xuống bàn.
“Chừng nào tụi mình đi?” Cô vừa uống vừa hỏi, “Số 49, trưa đến lượt mình không anh?”
Lương Tự đang lột vỏ trứng: “Theo lý thuyết thì được.”
Dứt câu thì cũng lột xong vỏ trứng, Lương Tự đưa trứng cho cô.
Dư Thanh cắn một miếng uống một ngụm sữa đậu nành, cô ăn uống xong, cả nhóm mới đến khu vực thi đấu.
Con đường đến đó ẩm ướt và lầy lội, Lương Tự nhường hết ô cho cô và đàn guitar.
Ngoài khu thi đấu có rất nhiều nam nữ đến cổ vũ.
Cầm những chiếc ô đủ màu đủ kiểu, họ đứng dưới mưa xếp hàng để vào trong.
Dư Thanh đến với tư cách là người nhà, cô đi theo Lương Tự vào trong trước từ cửa hông dành cho thí sinh.
Sau đó cô tách ra với họ, đến ngồi ở hàng ghế đầu tiên của khán đài, chỉ chốc lát sau thì cả khu vực này kín hết chỗ.
Cuộc thi diễn ra khá nhanh.
Khoảng 11 giờ trưa, đến giờ họ lên sân khấu, một người đeo đàn guitar, một người ôm guitar điện, Chu Hiển ngồi ở dàn trống.
Khán đài đã hoàn toàn yên tĩnh, bốn vị ban giám khảo nhìn họ chăm chú.
Lương Tự nhẹ nhàng gảy dây đàn.
Anh đứng trên đó, vóc dáng cao ráo, gảy lên khúc nhạc dạo bằng cây đàn guitar thân thương, đôi ngươi đen nhánh chỉ nhìn xuống theo chuyển động của ngón tay.
Khi khúc dạo đầu vang lên, dường như mọi người bị kéo đi, sau đó bước vào thế giới của họ theo câu hát “Người và tôi và người phàm, sinh ra trong thế giới này”.
Dư Thanh lặng lẽ nhìn anh, đôi mắt ươn ướt.
Suốt thời gian qua, họ bình thản đối mặt với tất cả mọi chuyện đã xảy ra, thậm chí đến đây thi đấu cũng đến với tâm trạng như thường ngày.
Cô giả vờ bình thường, cứ như đến đây chơi, cả một câu cố lên cũng không nói với anh.
“Này.” Cô gái bên cạnh khẽ gọi cô, “Cho cô khăn giấy nè.”
Lúc này Dư Thanh mới nhận ra mặt mình đã đẫm nước mắt, cô ngại ngùng nói cảm ơn rồi lau đi.
Anh trên sân khấu cất giọng hát trầm ấm, những ngón tay thon dài gảy đàn một cách điêu luyện, chiếc ngà voi trên cổ lung lay theo anh.
“Bạn trai cô hả?” Cô gái đó hỏi.
Dư Thanh chầm chậm gật đầu, cô gái đó thẳng thắn khen anh hát rất hay.
Dư Thanh nở nụ cười mà không đáp lời, cô biết hết thảy tài năng và nỗ lực của anh.
Cô ngước mắt lặng lẽ dõi theo, trong lòng trong mắt chỉ có bóng hình anh.
Họ hát xong, Dư Thanh chạy ra phía sau chờ.
Trần Bì và Chu Hiển đã đi trước, Lương Tự nhảy xuống sân khấu.
Cuộc thi có ba vòng loại trực tiếp, danh sách thí sinh sẽ được công bố vào mỗi buổi chiều, Lương Tự dắt cô về thẳng khách sạn.
Mưa vẫn lâm râm, cô đi cạnh anh.
Con đường phía trước rất dài và quanh co, hai người đi một lúc lâu mới đến.
“Trưa nay muốn ăn gì?” Lương Tự hỏi.
“Đằng kia có quán ăn.” Dư Thanh nhìn hai bên, “Ăn mì đi anh.”
Có lẽ vì chỗ này vắng vẻ, lại thêm đang trong lúc thi và cả trời mưa, trong tiệm không có một người khách nào.
Họ ngồi ở bàn gần cửa vào, gọi hai tô mì một lớn một nhỏ.
Cô gắp thịt trong tô mình sang cho anh.
“Sao không ăn?” Lương Tự ngẩng đầu nhìn cô, “Có mấy miếng mà còn cho anh.”
Dư Thanh phụng phịu: “Kệ em.”
Lương Tự nghe vậy thì mỉm cười.
Cả sáng nay cô chẳng nói một câu dư thừa nào, thực ra còn hồi hộp hơn cả anh.
Khóe mắt vẫn còn vết nước mắt đã được lau khô, Lương Tự giơ tay chùi đi cho cô.
“Anh kệ thì ai lo.”
Dư Thanh nhìn anh, sau đó im lặng.
Trong tiệm không có âm thanh nào khác, cũng không có người ngoài, không gian khoảng hai mươi mét vuông trống hoác.
Mặt đất có chút ẩm ướt vì thấm hơi lạnh, dù đang vào xuân nhưng cũng không cảm nhận được chút ấm áp nào.
“Anh từng nói trưởng thành là gặp chuyện động trời thì cứ xem như đánh một phát rắm là được.” Dư Thanh cúi đầu nhìn mì trong tô, “Họ đã ly hôn bốn năm rồi.”
Lương Tự cầm đũa khuấy mì đã khô lại cho cô.
“Bốn mươi tuổi không già chút nào đúng không anh?” Khóe mắt Dư Thanh có giọt nước mắt rơi xuống, “Vẫn có thể kết hôn sinh con mà.” Chỉ cần nghĩ đến cảnh mẹ phải trải qua những tháng ngày lẻ loi một mình, cái cảm giác cô đơn và buồn bã đó cô từng trải qua rồi, cô biết rõ.
Lương Tự quay sang, nhẹ nhàng lau sạch nước mắt cho cô.
“Không có ai không thích tự do.” Anh nói với cô, “Em cũng vậy.”
Dư Thanh ngẩng đầu nhìn anh, ý trong lời nói đó không thể rõ ràng hơn được nữa.
Bầu không khí trở nên yên tĩnh, thời gian như thể đã trôi qua rất lâu rất lâu, Lương Tự nhét đôi đũa vào tay cô, hất cằm chỉ về phía tô mì.
“Không ăn là nguội bây giờ.”
Cô hỏi: “Tự do là gì?”
Một tiếng trước, anh vẫn còn đứng trên sân khấu hát «Bài ca người phàm» của Lý Tông Thịnh, cô ngồi ở dưới cúi đầu lau nước mắt.
Lương Tự bình tĩnh nhìn cô, ánh mắt không gợn sóng, đôi ngươi đen láy và sâu thẳm.
“Không có ai thực sự tự do.” Anh nói xong thì cười, “Đó là bí ẩn chưa có lời giải.”
Hôm đó trời mưa cả ngày, đến tối thì mưa như trút nước như đập đùng đùng vào cửa kính.
Mỗi ngày ở khu vực thi đấu lại ít đi một số lượng lớn người, rồi đến buổi chiều cuối cùng có kết quả chung cuộc.
Mặt trời bất ngờ ló khỏi tầng mây.
Họ đã lọt vào top 10 của khu vực Bắc Kinh, có được tư cách đến dự thi ở Thượng Hải, nơi sẽ tiến hành trận bán kết kéo dài hơn hai tháng.
Hành lý của Dư Thanh chỉ có vài bộ quần áo và chiếc máy tính xách tay để viết luận văn, một tuần sau cô theo họ đến Thượng Hải..