Đồng Thoại Văn Lang

Chương 4: Tân lang bung nở (I)


Đọc truyện Đồng Thoại Văn Lang – Chương 4: Tân lang bung nở (I)

Tân Lang Bung Nở

Tấm lòng mộc quỷ khiết thanh

Tân lang nở rộ chứng danh tim này.

Bồng bềnh một đóa tình say.

Hỏi người dám uống, hay chuyền tay ai?

Mới sáng sớm, dân bản đã thấy thiếu nữ áo trắng ngước đầu ngắm nhìn
hàng cây chết khô trước hiên, ánh mắt vương chút tiếc thương âm thầm.

Thanh niên tuấn tú khoác áo lông chim từ trong nhà bước ra, theo ánh mắt nàng quét sơ qua cảnh tượng cằn cỗi, lặng lẽ lắc đầu.

“Là tân lang* đã khô héo.”

Thế rồi chẳng đợi nàng kịp phản ứng, lão trưởng bản đã ào vào thỉnh
Nguyễn Tuấn qua nhà hỏi han vài chuyện. Trước khi rời khỏi cùng Dao
Sùng, chàng dặn dò Lạc Cơ chỉ được dạo chơi trong khuôn viên bản, lại
bảo đến trưa thấy chàng chưa về thì sang nhà tổ tìm. Nếu nhìn không ra,
nhớ kỹ ngoài mùi vị, nàng có thể nhận ra chàng nếu chú ý kỹ hình vẽ trên người. Nguyễn Tuấn là sơn thánh, là chúa Ba Vì, do đó văn thân mang
hình lạc điểu linh thú, khác xa so với cư dân các bộ lạc khác.

Lạc Cơ dán mắt vào người chàng, cố gắng nhớ kỹ từng đường nét mô
phỏng sinh vật thần thánh trải dài từ ngực sang lưng thân hình vạm vỡ,
đoạn ngoan ngoãn gật đầu. Đến lúc chàng rời khỏi, nàng ôm lấy cột nhà
trông theo với đôi mắt không đành lòng, mãi chẳng thấy chàng quay đầu
mới tiu ngỉu xoay lưng đi ra sân. Ai ngờ vừa đi được vài bước, phía sau
đã có tiếng chân người tiến lại.

“Nàng,” dừng lại cách nàng một sào, chàng có vẻ đang đấu tranh với điều sắp nói ra. “Nhớ không được tự tiện cởi đồ.”

Ấy rồi lại rời đi với phong thái uy vũ ban đầu.

Lạc Cơ âu sầu, lướt qua hàng cây chết khô, bắt đầu kiếm chuyện giết thời gian.

Sân sau gian nhà sàn này vốn chẳng có gì ngoài mấy chuồng nhốt thú
rừng, thế là nàng khí thế ôm cái ghế nhỏ bắc ngay trước chuồng ngồi quan sát bọn thú. Vì là lần đầu trông thấy nên nàng vô cùng hứng thú, đôi ba lần muốn vươn tay ra sờ chúng, song nhờ trực giác đều kiềm chế lại.
Ngồi một hồi liền cảm thấy toàn thân bị nắng đốt đến nóng nực, tay đưa
lên toan kéo lấy y phục, sực nhớ ra lời dặn của ai đó, đành thôi.

Đang oi bức bỗng đâu chuyển mát mẻ, trên nền đất hằn rõ bóng râm một người, nàng quay sang ngước lên nhìn nhân vật mới đến.

Có mắt, có mũi, có miệng, chỉ là mọi thứ đều nhỏ nhắn.

Đứa trẻ đầu một chỏm, thân quấn khố vải nâu sòng, mặt bầu bĩnh đoán
chừng mười, mười hai cái mùa vụ** đang đứng cầm một lá sen to đùng che
nắng cho nàng. Lạc Cơ theo bản năng không kiềm được mà đưa tay lên bẹo
lấy hai gò hồng hào phúng phính, miệng nhoẻn cười. Cái mặt nhỏ đỏ lên
nhưng không hề tránh né, rất tự nhiên giải thích cho nàng nghe bọn sinh
vật trong chuồng gọi là “gà”, sau đó mạnh dạn nắm tay nàng kéo đi chơi

khắp bản.

Người bản này sống vốn cách biệt với các chiềng, chạ khác, tổ chức
đơn sơ, con người cũng thuần phác, Lạc Cơ do đó đi đến đâu cũng đều nhận được tiếp đón thân thiện. Má phúng phính dẫn nàng đến một gian nhà sàn
thấp, mái cong hình thuyền có hai đầu gà lôi sơn cổ đỏ, trước cửa lại
treo nhiều dải dây dài có đính lông chim. Một bà cụ tóc trắng ngồi
khoanh chân dưới hiên trước kể chuyện cho đám trẻ bu quanh, bé bảo nàng
đó là thầy bà của bản. Bị thu hút bởi nét mặc phúc hậu cùng chất giọng
dịu dàng êm tai, Lạc Cơ bắt chước má phúng phính, khoanh chân ngồi xuống nghe bà kể chuyện về một gã tên Kinh Dương Vương nào đó.

Thầy bà kể xong, bọn trẻ đua nhau vỗ tay đôm đốp, Lạc Cơ cũng phỏng
theo mà làm, động tác còn có phần hăng hái hơn. Lúc này tầm mắt bà dời
đến nàng, miệng nở ra một nụ cười phúc hậu hỏi nàng tên gì. Bà sau đó
đứng lên, chống gậy vào trong, chốc lát quay ra với một thanh tre có đục lỗ, bà lấy tay nhúng vào tô đất treo trên hiên rồi viết vẽ gì đó lên
nó, đoạn luồn dây qua lỗ rồi đeo miếng tre vào cổ nàng. Lạc Cơ nhìn
quanh, thấy trên cổ má phúng phính và những đứa trẻ khác đều có mảnh tre tương tự, cảm thấy vô cùng thích thú nên vui vẻ chấp nhận.

“Lạc nữ khắp bốn phương ta nhìn đã nhiều, lần đầu tiên mới thấy một
đứa đẹp đẽ như vậy,” bà vuốt đầu nàng, cười để lộ ra hàm răng đen bóng.
“Chắc chắn là con cháu thần tiên.”

Mấy đứa trẻ xung quanh miệng tròn vo ngước nhìn, sau đó xúm vô sờ
tóc, sờ mặt và tay nàng. Lạc Cơ không cảm thấy khó chịu nên cứ để mặc
chúng sờ, nhưng chẳng được bao lâu liền bị má phúng phính đuổi đi. Bé
nóng giận bảo là bé tìm ra nàng trước nên nàng là của bé, không ai được
đụng vào, hai tay búp măng dang ra đứng trước nàng như hòn núi nhỏ. Lạc
Cơ mỉm cười, thầy bà cũng mỉm cười, bảo rằng con cái nhà Đô Lăng đúng là còn nhỏ mà đã có đủ khí chất họ Hồng Bàng.

Lát sau, thầy bà chống gậy dẫn lũ trẻ và Lạc Cơ ra bờ ao sau bản lấy
đất sét nặn tượng nhân vật mình thích nhất, sau khi nặn xong đem để lên
đá phơi nắng cho khô. Bà chậm rãi đến từng tượng đất hỏi lũ trẻ là nhân
vật nào rồi kể một vài sự tích về nhân vật đó. Lạc Cơ nghe qua nào là
Lạc Long Quân, Âu Cơ, Thánh mẫu Tam Đảo, Phù Đổng Thiên Vương… không
khỏi phấn khởi vỗ tay liên hồi. Đến lượt tượng của mình, thầy bà không
giấu nổi ngạc nhiên khi nàng bảo rằng đó là Thục Phán.

Thầy bà nghĩ nghĩ, bà chỉ nói là nhân vật yêu thích, không hề nói đó
không được là người phàm, vậy cũng nên thuận theo cô bé giải thích cặn
kẽ. Chống cây gậy đầu chim hạc từ từ ngổi xuống bên bờ đá, bà chỉ vào
tượng đất của Lạc Cơ, bảo rằng người này họ Thục tên húy là Phán, ngày
trước vốn chỉ là một bồ chính nho nhỏ một chiềng phía Tây, sau này có
công đánh đuổi lũ ngoại xâm từ phía Bắc nên được dân Nam Cương tôn lên
làm vua, đổi tên nước là Tây Âu. Bà còn nói, xuống vùng đồng bằng cách
bản này hai ngày đường có một kẻ lớn tên Mang, nhiều năm về trước chính
là nơi vua Thục được sinh ra. Khi ông lên làm vua, kẻ đó do thường bị
yêu quái quấy nhiễu nên dân kẻ cũng dần tản mác, phần lớn tỏa ra các kẻ, làng, chiềng, chạ*** xung quanh. Nói đoạn, bà nhìn má phúng phính đầy
yêu thương, bảo cha bé cũng từ kẻ đó mà đến, rất có khả năng quen biết
vua Thục.

Má phúng phính nghe nói mình có liên quan đến đế vương, mặt không
khỏi vênh lên, cười nhe ra hai cái răng sún vô cùng đáng yêu. Lạc Cơ

nhịn không được, đưa tay lên vò vò nắn nắn má bé. Bé tuy có đau song vì
nụ cười mỹ nhân nên ra sức chịu đựng, mắt mở tròn nhìn Lạc Cơ chăm chú,
sau đó kiễng chân ịn môi vào má nàng.

Lạc Cơ chớp mắt. “Đây là gì?”

“Đây gọi là hôn,” Má phúng phính mặt hơi hồng lên, nhỏ giọng nói. “Mẹ của Đô Lỗ thường hôn cha lắm.”

Nàng sờ chỗ ướt trên má, lại hỏi. “Vì sao lại hôn?”

“Mẹ nói, rất thích thì cứ hôn thôi.”

Lạc Cơ ngẩn ra một lúc, đoạn kéo má phúng phính vào làm một vết ươn
ướt y hệt. Má bé thơm lừng, thịt lại mềm mại ấm áp, nàng thấy cảm giác
đúng là không tệ chút nào.

Trong lúc ai kia còn mãi chau mày đánh giá, má phúng phính mặt đã đỏ
lên, thoát cái đã trốn sau lưng một thầy bà đang cười thành tiếng. Lạc
Cơ thấy bà cười, miệng cũng ngoác ra, chạy đến ịn môi lên gò má rải đầy
đồi mồi hôn một cái. Gương mặt nhăn nheo bỗng chốc đã nở rộ, bà đưa tay
vỗ nhẹ lên má nàng, mắt cười đến híp lại thành hai đường cong.

Má phúng phính sau khi phục hồi dáng vẻ bình thường, lon ton chạy ra
đẩy mấy đứa trẻ đang mon men lại gần chờ được hôn, sau đó kéo tay Lạc Cơ xuống ao rửa tay. Mấy đứa trẻ còn lại hệt như vịt con theo mẹ, vội vã
ngúng nguẩy chạy theo nàng, quá trình dần chuyển thành nghịch nước lúc
nào không biết.

Tiếng cười thiếu nữ quyện vào giọng trẻ con vang dội một góc sông.
Trai bản lúc bấy giờ đi săn về ngang, thoáng thấy bóng hồng bèn đứng lại bên sông, ngẩn ra ngắm nhìn. Lạc Cơ lúc lên bờ liền thấy một đám người
đứng ngó mình trân trối, trong lòng có chút sợ hãi nên nắm chặt lấy tay
má phúng phính. Cậu bé biết ý liền kéo nàng đi về hướng khác, thoáng lại phía sau là âm thanh càu nhàu của thầy bà. “Các ngươi muốn có con gái
người ta thì về nhà kiếm mẹ các ngươi qua mà dạm hỏi, cớ gì lại tò tò
đuổi theo như vậy, tính dọa chết con gái người ta à…”

Dọc đường thấy một thiếu phụ đầu đội bình gốm, thân khoác y phục nâu
đất nhìn về hướng mình vẫy tay, quay sang đã nghe má phúng phính gọi
“mẹ”. Lạc Cơ đứng nhìn nàng kia chăm chú, thì ra “mẹ” lại là thế này,
thoạt nhìn ngoài kiểu tóc thắt thành bím quấn quanh đầu ra thì trông
chẳng khác nàng là bao nhiêu.

“Sao còn đứng đây? Trưa rồi, mẹ mấy đứa đang tìm, mau về nhà ăn trưa
đi!” Mẹ của má phúng phính nói với đám trẻ tíu tít sau lưng Lạc Cơ. Chờ
bọn trẻ tản đi mới mỉm cười nhìn nàng, bảo nàng về nhà họ cùng dùng bữa. Nhưng nàng thoạt nghe nói đến “trưa” liền nhớ ra lời dặn của Nguyễn
Tuấn, vội vã từ giã má phúng phính cùng mẹ bé đi trước. Má phúng phính
lập tức mếu máo, khóc lên thành tiếng.

Trông thấy bóng hình mẹ má phúng phính bế bé lên dỗ dành, Lạc Cơ trước khi quay đầu chạy đi liền thầm nghĩ, có mẹ thật tốt.

Nhà tổ là nơi tổ chức các lễ hội mừng mùa, thờ cúng tổ tiên của bản,

sàn thấp hơn những nhà ở bình thường, trên có mái cong bốn đầu chim
diệc, trước hiên treo vô số chân chim để làm qué****. Lạc Cơ ngó nghiêng ngó dọc, đâu đâu cũng thấy trai bản – lúc bấy giờ hầu như đã đi săn về
bản gần hết. Một số lớn tướng có hình vẽ trên người, một số nhỏ hơn lại
không, tóc tai ngắn có, dài đến vai cũng có, đúng là muốn tìm ra Thục
Phán trong số người này có chút khó khăn. Hình vẽ mỗi người một khác,
song hầu hết là sói, cọp, hươu, nai… tìm mãi chằng thấy sinh vật huyền
bí kia đâu cả. Nàng sinh bất nhẫn, cuối cùng đánh bạo đi hỏi từng người.

Nguyễn Tuấn và Dao Sùng đứng từ xa đã trông thấy, bèn rảo bước đi về
phía thiếu nữ nhỏ đang bị đám đông dân bản vây quanh. Đến gần, rõ ràng
nghe thấy có giọng nữ líu lo dò hỏi.

“Các người có thấy Thục Phán không? Người cao cỡ này, tóc ngắn, khố trắng, trên thân vẽ hình gà.”

Dao Sùng choáng váng suýt té, ngó lên thì thấy bóng lưng vị sơn thánh có chút sững lại.

Giọng thoát ra cũng lệch đi một tông.

“Lạc Cơ.”

Nghe giọng quen thuộc, Lạc Cơ quay lại, đến gần Nguyễn Tuấn đưa mũi
ngửi, cuối cùng mở mắt nhoẻn cười. “Thục Phán, là chàng rồi!”

Đám dân bản nhìn nàng, đoạn ngước lên quan sát kẻ mới đến, một hồi
sau ai nấy đều vã mồ hôi lạnh, mặt méo mó tản đi mất bóng. Gái bản thầm
nghĩ phải chạy về dạy dỗ đám con nhất định phân biệt rõ ràng giữa gà và
chim thần của tổ tiên. Trai bản tự nhủ về sau đến tuổi xăm văn thân nhất định không chọn bất kỳ con gì cùng họ với gà.

Già bản thì chỉ ôm đầu than đau.

Lạc Cơ nhìn Nguyễn Tuấn có chút ngạc nhiên. Hôm nay chàng ăn vận khác ngày thường, khố trắng dài hai vạt thường ngày được thay bằng một cái
màu đen ngắn đến gối, ngực có tấm chắn tâm khắc hình sơn điểu, sau lưng
đeo theo khiên đồng và rìu chiến, bên hông giắt thêm gươm ngắn và xà
tích, trên đầu đội vòng đồng mào quạt.

Lạc Cơ không kiềm được phải bật lên. “Trông chàng uy vũ chẳng kém gì
hình đúc Kinh Dương Vương trên cán dao giết gà của thầy bà cả!”

“Kinh Dương Vương làm… dao giết gà?” Dao Sùng run rẩy, trong lòng đã thầm quỳ bái thầy bà này một vạn tám ngàn lần.

Nguyễn Tuấn không phản ứng gì trước lời khen của nàng, chỉ chớp mắt
vài cái. Sau đó, chàng nói lão trưởng bản thấy bọn chàng không phải
người thường, có lòng muốn nhờ họ giúp lão bắt giết con chằn***** thành
tinh trong rừng, vốn mấy tháng nay đã bắt ăn trâu bò cùng một vài dân
bản. Chàng từ nhỏ đã được dân tôn làm thánh, được sơn mẫu Ma Thị Cao Sơn dạy cho lễ nghĩa một đấng sơn thần, dĩ nhiên đối với những chuyện này
sẽ tự động ra sức giúp đỡ con dân. Chàng muốn Lạc Cơ ở lại bản chờ đợi,
để chàng cùng Dao Sùng đi chém chằn tinh. Có ngờ lạc nữ nọ đã xa chàng
nửa ngày nên rất nhớ, lập tức nằng nặc đòi đi theo.

“Thật ra hồn tôi cảm thấy có nữ chủ Lạc Cơ đi theo cũng không phải
chuyện xấu, thánh chủ cũng nên suy xét lại.” Dao Sùng cúi đầu tâu lên.

Nguyễn Tuấn lắc đầu. “Nàng như trái cây đang chín, sẽ càng tỏa hương
lôi kéo ruồi bọ đến ăn. Trong rừng có nhiều yêu quái, thể nào cũng bị
nàng dẫn dụ kéo đến.”

“Như thế càng không tiện hơn ạ, thưa thánh chủ? Nghe trưởng bản nói,
con chằn này hóa thân từ nước, rất khó phát hiện, chúng ta nếu có mồi sẽ càng dễ dàng dụ nó ra hơn. Huống chi thương thế của người vẫn chưa
khỏi…”


Nguyễn Tuấn dời mắt lên gương mặt háo hức trông đợi của Lạc Cơ, lại
đến vẻ kiên quyết của Dao Sùng, không muốn dông dài nên lãnh đạm đồng
tình, phẩy tay ra dấu lên đường.

Lạc Cơ mừng như điên, nhất thời không kiềm được, kiễng chân lên tỳ
môi vào má chàng, lúc rời khỏi còn để lại chút ươn ướt trên da thịt.

Sơn thánh không cử động, nhưng bề tôi của chàng thì miệng há hốc. “Lạc Cơ, nữ chủ… làm vậy là sao?”

“Rất thích nên hôn vậy thôi.” Ai đó hồn nhiên đáp, y hệt lời của đứa trẻ năm tuổi nào đó.

Nghe Lạc Cơ kể lại lúc sau, Dao Sùng chỉ biết dọc đường liên tục lắc đầu lẩm bẩm, trẻ con bản này không được rồi…

Lúc sau có gã trai bản tên La Dực chạy đến xin theo, nghe hắn nói là
kẻ sống sót duy nhất sau lần bị chằn tinh tấn công, do trưởng bản sai
phái đi theo dẫn đường và giúp đỡ sơn thánh. Nguyễn Tuấn chỉ liếc sơ qua hắn, không nói gì tiếp lục cất bước. Cả bốn di chuyển dọc theo đường
suối vì trong rừng đường đi hiểm trở, theo đường suối sẽ dễ hơn trong
việc xác định hướng. Đến một nơi bằng phẳng tụ thành ao thì La Dực dừng
lại, đề nghị lập trại nghỉ ngơi lấy sức.

Nguyễn Tuấn tuy không muốn mất thời gian, lại nhìn sang sơn tướng của mình cũng đã thấm mệt, đành thuận theo ngồi xuống bên bờ ao.

“Thục Phán…”

Bên cạnh có sự mềm mại tựa vào, chàng không chút phản ứng, để mặc
nàng lấn ép. Lạc Cơ là người ơn, vì vậy chàng nghĩ bản thân có trách
nhiệm chiều theo nàng. Ngay cả khi nàng cầm tay chàng lên mân mê, nghịch ngợm, chàng cũng chẳng màng giật ra.

Chơi đùa một lúc, giống như nhớ lại điều gì đó, nàng xòe năm ngón tay ra đan vào tay chàng nắm chặt lại, đoạn quay lên nhìn chàng toét miệng
cười tươi tắn.

“Lạc Cơ nhớ ra, năm xưa Thục Phán có nói sẽ tay nắm tay cùng Lạc Cơ
bước qua nhân tình thế thái, đến tận bạc đầu. Thì ra đây chính là cảm
giác tay nắm tay.”

Nguyễn Tuấn sững ra một lúc, biểu hiện thoáng chút nghi vấn, song vẫn không quay sang nhìn nàng. “Thích sao?”

Nàng gật gật, vẫn nụ cười tươi.

“Thích thì cứ nắm.”

“Thật sao?”

Nguyễn Tuấn gật đầu. “Lạc Cơ là người ơn. Người ơn muốn gì ta cũng sẽ đều đáp ứng.”

“Vậy Thục Phán hôn Lạc Cơ đi.”

Lúc này chàng mới quay đầu lại nhìn kỹ thiếu nữ bên cạnh, mắt mang
chút e dè trước gò má trắng hồng đang được dâng lên, cuối cùng cũng rụt
rè cúi xuống tỳ môi lên má nàng.

Mắt tròn hé mở, hơi nhíu lại. “Hình như có chút gì không đúng. Chàng làm lại lần nữa.”

Kẻ nọ cũng ngoan ngoãn cúi xuống hôn thêm lần nữa.

“Thêm lần nữa.”

“Lần nữa…”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.