Đọc truyện Đông A Nông Sự – Chương 40: Dị Tượng
Mọi người ngẩng mặt nhìn lên thì vầng thái dương đang lúc cực thịnh nhưng vẫn rõ ràng có hai quầng, bên ngoài đỏ tươi, bên trong sắc vàng lóng lánh.
Lê Văn Hưu thấy thế quỳ ngay xuống:
– Thần Lê Văn Hưu, Hàn Lâm Học Sĩ kiêm Quốc Sử Viện Giám thượng tấu!
– Khanh cứ nói.
– Thần thường biên dẫn điển tích, tra cứu sử liệu của tiền nhân.
Thấy có ghi rằng: Tiền triều, Năm An Vũ Chiêu Thắng thứ sáu, mặt trời có hai quầng, lấy lại được châu Quảng.
Năm Hội Tường Đại Khánh thứ hai, mặt trời có hai quầng, lại được mùa to.
Năm Hội Tường Đại Khánh thứ tám mặt trời có hai quầng, nước Chiêm Thành thần phục, dâng 3 đoá hoa vàng.
Xét những việc trên thì thấy: mặt trời có hai quầng là điềm lành.
Lại xét triều ta hai vua đều cùng quản việc nước, với điềm lành này lại càng ứng nghiệm.
Như quẻ Địa Thiên Thái, trời ở trong mà đất ở ngoài.
Ví Quan gia là vầng thứ nhất có sắc vàng, ví Thái thượng hoàng là vầng thứ hai, bao bọc vầng thứ nhất như cha bảo vệ con, có sắc đỏ.
Quẻ này là đại cát, chủ thiên địa hòa xướng chi tượng, tượng trời đất giao hòa.
Nay chúng thần thay mặt thiên hạ, chúc mừng hai vua.
Mong cho cơ nghiệp vững bền, non sông nghìn thủa vững âu vàng.
Ối! Bách bây giờ mới biết người xưa học văn là để làm gì.
Những lời kia tuyệt không phải là ai cũng nói được, đây mới đúng với chữ nịnh.
Là nịnh có kiến thức, nịnh có nghiên cứu.
Mỗi từ nói ra có chứng có cứ, mỗi câu thốt ra như gang như thép.
Sau này phải học hỏi.
Văn Hưu à, tiểu đệ bội phục không bằng.
Lê Văn Hưu nói xong, quần thần đồng thanh quỳ xuống:
– Mong cho cơ nghiệp vững bền, non sông nghìn thủa vững âu vàng.
Thái Tông ngửa mặt cười lớn, Thánh Tông đứng bên cha mặt rồng phấp phới, hai vua đứng ra giữa kỳ đài, chịu quần thần và bách tính triều bái.
Quang Khải ở phía sau, thấy cha và anh mình vẻ vang như thế, khuôn mặt tự hào.
Xong lần triều bái này có lẽ cái Thiên cẩu thực nhật hồi đầu tháng đã chả còn nghĩa lý gì nữa.
Vua quan trên lầu vui vẻ, lúc này Quang Khải mới quay sang Trần Quốc Tuấn:
– Có lẽ Hưng Đạo Vương không quên 2000 quan của ta chứ.
Quốc Tuấn cưới đáp:
– Hôm nay đúng là vận khi ta không tốt, thua tất cả các bên.
Ngay cả việc mặt trời mọc ở đăng tây là Ma Lĩnh kia ghi bàn mà cũng xảy ra thì chỉ trách ta đen đủi thôi.
Xin Quang Khải yên tâm, tiền ta sẽ sai người mang tới, chỉ là đến cuối năm nếu Vạn Kiếp có thư lên, nói Quốc Tuấn hết gạo, nhà không còn cái ăn.
Xin Thượng hoàng và Quan Gia nể mặt cho vay thóc.
Mọi người nghe thế thì cười rộ.
Thái Đường thấy mọi người đều vui thì phụng phịu:
– Chỉ có ta là không thắng được phụ hoàng, chuyến này xôi hỏng bỏng không?
Thái Tông lại xoa đầu nàng, cười nói:
– Nào có chuyện ấy, ta phải thấy may mắn vì không có đội nào ghi thêm bàn nữa, còn con làm ăn không vốn thì kêu ca cái gì?
Mọi người lại cười rộ lên.
Thái Tông lại tháo cái trâm vàng xuống, đưa sang tay nàng.
Thái Đường bẽn lẽn cầm lấy, nở nụ cười vui sướng.
Lúc này, Trần Hưng Đạo mới quay lại nói:
– Thần nghe nói Chiêu Minh Vương đêm nằm mộng, thấy trời loan báo, biết hôm nay sẽ giáng điềm lành ứng vào hai vua.
Người trong nước từ nay không còn tơ tưởng đến tiền triều nữa.
Đúng là phúc đức của nhà ta.
– Hưng Đạo Vương quá khen rồi! Nào có nằm mộng gì.
Ta là được cao nhân chỉ bảo, biết trước thiên tượng nên nhân đấy làm kế để cho người trong nước kính sợ đấy thôi.
Không chỉ Trần Hưng Đạo, quần thần ai nấy khiếp sợ.
Trước cũng chỉ nghe nói có chuyện mộng mị chỉ lối mới chiêm bốc được tương lại.
Nay lại nghe được có người thần toán, tính được cả dị tượng, ai mà chẳng hãi hùng.
Trần Hưng Đạo cũng là người tài hoa, lại là tướng soái, chủ việc hành quân đánh trận nên tinh thông các thuật tinh tượng nên tò mò hỏi:
– Cao nhân ấy là ai mà tài học vượt cả quỷ thần như vậy?
– Cao nhân đấy nay đã vân du gót hạc.
Nhưng đệ tử thì còn đây, tên là Hoàng Bách, người Tam Giang Phủ.
Chính người này đã hiến cho triều đình thiên tượng hôm nay.
Trần Quốc Tuấn chuyển ánh mắt, nhìn sang Bách.
Thấy y một thân thư sinh non nớt, nhưng khuôn mặt chính trực, không có vẻ là người tiểu nhân.
Bèn hỏi:
– Ngươi là đệ tử cao nhân?
Bách thấy Quốc Tuấn nhìn mình.
Nói thật hắn ở thời trước đã 35, nay Quốc Tuấn mới 30 tuổi, trong mắt hắn thì còn là hậu sinh.
Nhìn thẳng vào Quốc Tuấn trả lời:
– Chính là ta!
– Thầy ngươi quý tính là gì?
– Thầy ta đến từ quốc gia bên kia bờ Đông Hải.
Thầy nhũ danh là Cung, nhưng xưng mình là Ái Quốc, biệt hiệu là Nam Sơn.
– Ái Quốc! cái tên hay quá! Vậy Nam Sơn cư sĩ theo học phái gì?
– Thầy tiếp thu tinh hoa bốn bể, khi còn trẻ đi khắp năm châu tìm đường cứu nước, thực hiện xong nguyện vọng thì ẩn cư nhàn tản, tự lập học phái, gọi là Minh Triết.
– Quả là kỳ sự! Vậy học phái này đã truyền ra những đâu?
– Chưa truyền đến đâu.
Chỉ truyền cho mỗi ta.
Bá quan nhìn hắn, có người cười khẩy.
Chỉ có một người mà tự xưng học phái, đúng là lời đứa trẻ con.
Lúc này, Trần Ích Tắc lại nhìn Bách thú vị, hắn thấy ở đây chỉ có hắn là bé nhất, sau là đến thiếu niên này, sinh ra đồng cảm.
Bèn nói:
– Thầy ngươi có một mình ngươi là đồ đệ, lại mới khai tông lập phái, nhân số ít là đúng rồi.
Nguyên việc tính được thiên tượng đã là môn học mà không học phái nào làm được.
Ngươi có thể dạy ta không?
– Được! Nhưng để tính được thiên tượng ngươi cần học giỏi toán học và bác vật học đã.
Lúc này một người trong đám quan lại bước ra.
Người này trạc hơn 30 tuổi, nhìn Bách khinh thường nói.
– Ngươi nói vậy là đã tinh thông toán học, bác vật học?
– Không dám nói là tinh thông, chỉ đủ để tính được thiên tượng thôi.
– Được lắm, nhóc con kiêu ngạo.
Trương Xán này từ khi bó tóc đi học tới nay, trải qua bao gập ghềnh mới được bái làm môn hạ Lưu lão quốc tử giám, nghiên cứu bảy năm, mới biết chút đường lối, cầu học không dễ, ngươi lại khinh thường học vấn như vậy.
Vậy có biết giải cửu cung? Thừng đo giếng có biết? Cách tính câu cổ có hay [1] ?
Bách cười run nói:
– Hai bốn làm vai, sáu tám làm chân, trái bảy phải ba, từ chín tới một, là cách giải cửu cung.
Giếng không biết sâu bao nhiêu, thừng không rõ dài thế nào, gấp ba vào giếng hơn bốn xích, gấp bốn vào giếng dư một xích, giếng sâu tám xích, thừng dài ba sáu xích.
Câu ba cổ bốn huyền năm, ngươi có biết tại sao lại tính được vậy không?
– Ngươi biết cách chứng minh câu cổ?
– Ta có trăm cách chứng minh câu cổ.
Nhưng tiện đây ta vẽ cho ngươi câu cổ viên phương đồ và câu cổ khuyếch phương đồ về mà nghiên cứu.
Bách xin một tờ giấy vẽ lại cách chứng minh định lý Pitago bằng phương pháp dựng hình vuông và phương pháp dựng hình tròn rồi vứt cho Trương Xán.
Hắn là người có môn đạo, nhìn hình là biết, cầm tờ giấy lẩm nhẩm, tay vẽ vẽ, chả còn để ý gì nữa.
Mọi người thấy cảnh này cũng đã nhìn ra vấn đề.
Trương Xán là ai, chính là Trạng Nguyên đương triều đấy, mà lại còn là Trại Trạng Nguyên [2], là vùng hiếu học nổi tiếng, hắn làm ở Công bộ đã mấy năm nay, nếu nói về trình độ toán học đương thời, khó ai bì kịp hắn.
Nay chịu thua dễ dàng như vậy, chứng tỏ thằng bé này có tuyệt học, ánh mắt khinh thường lập tức thu lại.
Thái Đường thấy Bách trổ tài cũng bất ngờ.
“Tên này khi ta mới gặp thì như người bất học vô thuật, khi hướng dẫn bọn Chiêu Minh xã đá cầu thì gian manh, thủ đoạn.
Nhưng những lời vừa nói thì không tầm thường, không phải là người tài cao tám đấu thì không nói được.
Ôi! Ta thích hắn mất rồi? Lần trước hắn nói nhà ở đâu nhỉ?” Nàng cắn môi suy nghĩ mông lung.
Lúc này Thái Tông mới nhìn Bách, ôn tồn hỏi:
– Ngươi là người ở đâu?
– Thần khi còn bé được sư phụ nhặt nuôi, thần có hỏi nhưng sư phụ không nói tường tận, chỉ có danh tính là vẫn giữ.
Gia sư nói tên họ để nhớ gốc gác của mình, không thể đổi bừa nên nói thần đúng là họ Hoàng.
– Họ Hoàng là họ cổ có từ thời Văn Lang ở nước ta, đến bây giờ khai chi tán diệp khắp nơi, cũng khó mà tra ra tung tích nữa.
Nhưng ta nghe nói ngươi ở nhà họ Đinh ở Tam Giang Phủ?
– Thưa đúng! Gia sư đuổi thần xuống núi, nói là ngài sắp đi xa, phất tay một cái thì thần đã lưu lạc đến Tam Giang Phủ.
Đinh lão thương tình cho thần ở lại nhà, may gặp được Quốc sử Viện giám để bẩm tấu việc lành lên Thái Thượng Hoàng và Quan Gia.
Thánh Tông lúc này mới hỏi:
– Nói như vậy là ngươi không nhớ được khi xưa ở đâu nữa sao?
– Thưa Quan Gia đúng vậy.
– Quả là việc ly kỳ.
Thái Tông lại nói:
– Việc này Chiêu Minh Vương đã tấu lên, ngươi là người có công dâng tấu điềm lành, giải cho Hoàng tộc một mối ưu lo.
Biết trước việc này ích lợi hơn dâng chim phượng, ngựa trắng, voi trắng nhiều lắm.
Nhưng xét ngươi còn nhỏ tuổi, lễ nghĩa chưa trọn vẹn, nên phong cho ngươi tước Minh Tự, cho ngươi hưởng bộc lộc trăm hộ, ở trang viên ngoại thành ở Trấn Tây, thuộc trấn Quốc Oai.
Cũng nghĩ ngươi là đứa côi cút, họ Hoàng cũng không lớn lắm nên cho ngươi mang theo trăm người vừa mãn hạn phục dịch trong quân mà lên đó khai phát.
Ngươi ở đó tu dưỡng cho tốt, khi có việc cần ta sẽ cho gọi.
– Thần tạ ơn Thái Thượng Hoàng, tạ ơn Quan Gia.
Thần về trang viên sẽ chăm lo cầy cấy, không phụ lòng bề trên.
– Tốt lắm! Có kế gì hay, làm cho dân giàu nước mạnh thì cứ dâng tấu.
Ta sẽ hết sức trọng dụng.
Bách khấp khởi trong lòng, như vậy cũng là có chỗ cắm dùi.
Hắn là người thời sau nên hiểu rõ hơn ai hết, đất đai là tư liệu sản xuất tốt nhất, chỉ cần có đất đai là nuôi sống được con người.
Đinh lão thấy hắn được phong tước, cũng mừng rỡ trong lòng, dù sao từ nay nhà họ Đinh cũng có thêm một đồng minh tin cậy.
Hai vua mặt rồng hớn hở hồi cung, dân chúng, quan lại thì túm túm bàn chuyện kỳ sự hôm nay.
Bách lại cùng Đinh lão và Lê Văn Hưu về Vương Phủ.
Thái Đường thấy hắn được phong tước cũng mừng thầm “Được lắm! Là người tứ cố vô thân, lại đã được phong tước.
Ta sẽ đến phủ hắn xem sao?”
[1] Các bài toán cổ Trung Quốc sử dụng các thuật toán hình học, định lý Pytago.
[2] Trại trạng nguyên phải sinh sống ở khu vực Hoan Châu, Diễn Châu (Thanh Hóa – Nghệ An)