Đông A Nông Sự

Chương 25: Lê Phủ 2


Đọc truyện Đông A Nông Sự – Chương 25: Lê Phủ 2


Từng món được gia nhân bưng lên, đây là mâm cỗ đãi khách tiêu chuẩn của người Việt.

Nói về cỗ bàn tinh tế thì không ai qua được người Kinh kỳ.

Mâm cỗ tuy không có gì đặc biệt nhưng được chế biến hết sức cẩn thận.

Nguyên một việc chuẩn bị món gà luộc cũng đã rất cầu kỳ rồi.

Con gà phải là loại gà trống thiến được vỗ béo theo phương pháp đặc biệt.

Luộc gà cần có phương pháp canh lửa để gà ngoài chín trong mềm.

Cục mỡ gà vàng ươm, thơm ngon sau khi luộc sẽ dành phần khách.

Bách nhìn miếng gà trong bát là thấy ngấy.

Hắn là người hiện đại, hiểu rõ gà là món ăn ngon nhưng da và mỡ gà không nên ăn nhiều quá.

Tuy nhiên, điều kiện sản xuất thiếu thốn thời xưa làm cho việc dư thừa chất béo là điều xa xỉ.

Ra đường 10 người ở kinh thanh mới có một hai người béo.

Điều này làm Bách quay sang nhìn Đinh Nhu, tên thổ phỉ đang cầm đùi gà lớn, gặm say sưa.

Hắn lén gắp miếng gà béo của mình sang cho hắn.

Đỗ lão thái thái tinh ý nhìn ra, quay sang hỏi:
– Cháu không thích thịt gà sao?
– Dạ không, cháu không quen ăn nhiều mỡ gà và da gà thôi ạ.
– Thế thì lạ thật! Ai cũng đều thích ăn những thứ này.


Làng Đường Lâm còn có cuộc thi nuôi vỗ béo gà trống thiến.

Để nuôi được con gá mía đúng chuẩn là kỳ công lắm đấy.
– Cháu cũng biết! Nhưng về dưỡng sinh học, những chất béo trong động vật càng lớn tuổi càng nên tránh xa.
– Cháu cũng biết về dưỡng sinh học?
– Dạ có biết chút ít.

Sư phụ cháu ngày xưa vì bôn ba việc nước, có lúc cũng nguy đến tính mạng.

Sau lần đấy, lão nhân gia cũng nghiên cứu về dưỡng sinh và có một số tâm đắc.
Người già luôn hứng thú với chuyện này, Đỗ lão thái nghe vậy thì rất chuyên chú nghe Bách nói:
– Sư phụ nói con người như một cỗ xe, càng sử dụng thì càng suy kiệt, chính vì vậy cần kiên trì bảo dưỡng mới có thể sử dụng lâu dài.

Người ta hay để cho bệnh đã thành hình rồi sau mới chạy thuốc, cũng như loạn đã nổi lên rồi mới nghĩ cách trị.

Như thế nào có khác chi đợi đến lúc khát nước rồi mới đào giếng, giặc đã đánh đến nơi rồi mới tạo vũ khí, như thế chẳng hoá ra muộn màng lắm sao?
– Vậy bảo dưỡng cơ thể như thế nào?
– Lão nhân gia đúc kết ra được việc “Thuận theo cái lý của tự nhiên thì không vật gì làm tổn thương thân thể” từ đó là thấy cần dưỡng sinh theo bốn mùa vận chuyển của tự nhiên:
– Mùa xuân mộc vượng nên khí của gan mạnh mà khí của thận yếu.

Nên ngủ sớm thức sớm, tập thể dục nhẹ nhàng, hít thở khí lành, không nên ngồi một chỗ.

Mùa hè thuộc hỏa nên tâm hỏa vượng, mà thận thủy yếu, phải chú trọng dưỡng tâm khí, bổ thận, trợ phế, điều vị.

Không nên ăn no, tránh món béo, tăng mặn, bớt ngọt để bổ thận tạng.

Mùa thu thuộc kim lệnh nên phế khí vượng, kim khắc mộc, mộc chủ can nên can khí rất yếu, gan dễ bị bệnh.

Do đó trong ăn uống nên tăng vị chua, giảm vị cay để dưỡng gan.

Mùa đông vạn vật bế tàng, thủy vượng nên thận khí mạnh mà tâm phế yếu, phải chú ý giữ ấm nhưng không quá nóng.


Trong ăn uống phải giảm mặn tăng đắng để trợ thần khí.
– Giờ đã từ xuân sang hè, chính vì vậy cháu tránh ăn béo, ăn ngọt để cơ thể thanh mát, tránh hoả vượng, dễ sinh mụn nhọt, các chứng nhiệt táo.
– Quả là như thế! Mùa hè nên ăn những món thanh nhiệt giải độc, ít béo, ít ngọt.

Cháu còn nhỏ mà kiến thức đáng nể.
Đinh Tú cũng đã nghe Đinh Đang kể về thanh niên này, hứng thú nghe hắn nói một hồi.

Nàng vốn cũng không có thiện cảm với nam nhân từ bé, đặc biệt lại nghe Đinh Đang nói cha dành nhiều ưu ái, nhận hắn làm đệ tử nên càng không thích.

Trong suy nghĩ của nàng tên này có cái gì mà đáng được như vậy, sự yêu thương của cha chỉ mình với các huynh hưởng là được rồi.

Thấy hắn thao thao bất tuyệt mới nhẹ nhàng nói:
– Con người sống nhiều quy tắc vậy thì còn gì hứng thú nữa.
Đỗ lão thái nghe thế thì cười:
– Lúc còn thanh niên thì ai cũng nghĩ thế.

Nhưng Tú nhi à! Khi bằng tuổi ta con sẽ hiểu, muốn sức khoẻ không phải cho mình, sống thêm vài năm nữa để thấy con cháu trưởng thành rồi cũng yên dạ mà ra đi.
Lê Văn Hưu không vui nói:
– Sao mẹ lại nói những chuyện này, mẹ sinh con rồi một tay nuôi nấng.

Bây giờ Lê gia tuy không phải tông to họ lớn, nhưng cũng là nhà có danh tiếng, đã đến lúc mẹ hưởng phúc.

Không cho mẹ nói chuyện sống chết nữa.
Vợ Lê Văn Hưu là Nguyễn Thị cũng quay sang an ủi Đỗ lão thái, rồi lại nói với Bách.
– Ta nghe nói tiểu đệ họ Hoàng.

Vậy họ Hoàng nhà đệ có nguồn gốc ở đâu?
– Lê phu nhân ưu ái rồi, đệ bất hạnh, được sư phụ nhặt nuôi từ bé, cũng không tỏ tường gốc tích của mình.


Khi còn nhỏ cũng gặng hỏi sư phụ nhưng sư phụ cũng không nói rõ.
Bách qua nhiều lần nói dối, cũng dần nhập vai vào cái thân thế đệ tử cao nhân này.

Hắn quả thực cũng không có mục đích bịa đặt nhưng càng có người hỏi, hắn lại càng ý thức hơn về việc phải tạo ra một thân phận thật sự cho mình.

Thân phận này phải kỳ ảo, không ai điều tra được, nhưng cũng cần đặc sắc, thuận tiện cho việc đôi khi hắn lòi ra một kiến giải từ tương lai.

Nếu không đạt được hai tiêu chí này thì người nghe dễ dàng cành giác với lời hắn nói.
Họ Hoàng là họ lớn, có cả ở Việt Nam, Trung Quốc và cả Triều Tiên.

Nhiều cứ liệu cho thấy họ Hoàng ở Việt Nam đã hình thành lâu đời, thời Hùng Vương đã có ghi chép về lạc tướng Hoàng Quí Minh, hiện nay một số nơi vẫn có đền thờ.

Xuyên suốt quá trình lịch sử sau đó, họ Hoàng luôn phát triển, xuất hiện nhiều danh nhân nhưng chưa từng nắm quyền lớn trong nước, chính vì vậy, người họ Hoàng thường không bị nghi kỵ.
Nguyễn Thị, thấy hắn là người đĩnh đạc, lại côi cút một mình, nhẹ giọng:
– Ôi! đứa bé đáng thương.

Nếu đệ không chê thì ta muốn nhận đệ làm nghĩa đệ.
Bách cảm kích nhìn Nguyễn Thị, nàng thương cảm cho cái thân phận mồ côi của hắn, có ý tốt như vậy, mình không thể từ chối được, vả lại việc này có gì là xấu, bèn chắp tay:
– Đệ mong muốn còn không được, xin cảm ơn Nghĩa tỷ.
Đỗ lão thái vui vẻ nói:
– Quả là việc vui.

Con dâu ta hôm nay có thêm một chú em, nhà họ Lê cũng có thêm họ hàng.

Mọi người cùng cạn một chén nào?
Lê Văn Hưu và Đinh lão là gia chủ, cũng thấy đây là việc vui, chỉ gắn kết thêm tình cảm hai nhà.

Đinh lão vẫn theo lệ quay sang hỏi:
– Hiền điệt thấy việc này thế nào?
– Đinh lão không biết, việc nhà ta đều do mẹ ta và nương tử quyết định.

Ta có muốn cũng không thể chối từ.
Đinh lão cười ha hả:
– Quả là quân tử nên đội vợ lên đầu mà sống.


Mời hiền điệt cạn chén.
Đinh Tú lúc này mới nói:
– Con chỉ mong sau này tìm được người như ca ca, yêu thương nương tử hết mực, lại văn tài xuất chúng.

Lũ thái học sinh bây giờ sao toàn lũ xuẩn ngốc.
– Đấy là tiêu chuẩn của muội quá cao, lũ thái học sinh đấy là người đã được tuyển lựa từ khắp các vùng trên cả nước.

Con còn đòi hỏi gì nữa.
– Muội nghe nói khi xưa đại ca vì muốn lấy được tẩu cũng dùng trăm phương ngàn kế.

Lũ ngu ngốc ấy bây giờ theo đuổi con gái.

Một chút trí tuệ cũng không có?
Nói đến đây làm Nguyễn Thị đỏ mặt:
– Muội muội quá lời rồi, chuyện của ta và Nhị Lang có gì đâu mà cần bàn đến.
– Muội nói ta mới nhớ, ta biết một người tính được chu vi hồ Giám, cách đo lại rất giống muội, kết quả đo ra tương tự, muội có muốn biết không?
Đinh Tú tỏ vẻ ngạc nhiên, đây là một công thức toán học thô sơ, nhưng nàng cũng phải dốc công tìm hiểu khá lâu.

Nay nghe nói có người biết được, tuy thấy cũng không lạ nhưng cũng có vẻ thất thần:
– Người ấy là ai?
– Rồi muội sẽ biết thôi, ta nói điều ấy để muội biết nhân tài trong thiên hạ nhiều lắm.

Ta và lũ Nguyễn Hiền, Đặng Ma La cũng chưa tính là tài.

Rồi một ngày muội sẽ gặp được người vừa ý.
– Chỉ mong là như thế, muội chán ngấy lũ thái học sinh, ngày ngày trích cú tầm chương, làm vài bài thơ, ra vài câu đối rồi tỏ vẻ với nhau rồi.
Lúc này Đỗ lão thái mới quay sang:
– Chán ngấy thì làm gì, khi xưa chả phải cháu nói không lấy chồng, ở với ta cả đời sao?
Cả nhà cười vang, Đinh Tú thẹn đỏ mặt.

Nàng quả không có ý đó.

Nguyện ước của nàng đúng là không lấy chồng, chuyên tâm nghiên cứu học vấn.

Chỉ là bọn tự xưng văn nhân tài tuấn cứ đeo bám nàng mãi, nàng nói cũng chỉ muốn so học vấn, nhưng mọi người nghe ra ý khác.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.