Đông A Nông Sự

Chương 16: Đua Thuyền


Đọc truyện Đông A Nông Sự – Chương 16: Đua Thuyền


Thấm thoát đã đến ngày 10 tháng 3, từ sáng sớm Trần Quốc Lặc đã dẫn bộ thuộc đến bến Bến Tam giang đợi sẵn.

Bến này ở nơi hợp lưu của ba côn sông: Sông Thao – sông Đà – sông Lô.

Bạch Hạc được Vua Hùng chọn làm kinh đô đầu tiên của Nhà nước Văn Lang xưa còn gọi là Bạch Hạc Phong Châu, là vùng đất “địa linh nhân kiệt”.
Chờ tới giờ mão thì thấy xa xa có một đoàn thuyền lớn, dẫn đầu là một thuyền ngự, trên có hai tầng, khí thế hùng tráng.

Theo sau là ba bốn chục thuyền mông đồng [1] sơn son láng bóng.

Hai mạn thuyền tả hữu đều có lỗ để xỏ mái chèo.
Đoàn thuyền từ từ đến gần, Trần Quốc Lặc ra hiệu cho bộ hạ tấu nhạc.

Tức thì, tiếng kèn loa hùng tráng phát ra.

Khi thuyền ngự đến nơi, mới thấy cửa khoang thuyền chạm long vân, sơn đỏ, trên che đệm có đằng văn, dưới trải chiếu lác mịn màu xanh lục, lò đốt kỳ nam, hộp vàng bày cau trầu, có đủ các thứ gối tựa, ống nhổ.

Từ trên thuyền bước ra hai người, theo sau là tả hữu hộ vệ hơn hai chục người.

Một thanh niên dáng người cao lớn, mắt sáng mày rậm, đẹp tựa như Phan An, Tống Ngọc, lại mang cái khí thế vương hầu.

Đầu đội tử kim quan màu tía pha biếc làm thành sáu tua, đính vào đai ngang sau mũ, hoàn làm bằng vàng, quần áo cũng màu tím đính sợi vàng.

Người còn lại trạc 30, mặc mặc bào phục trơn, đội phốc đầu cánh chuồn dài màu xanh.

Dáng người thư sinh, mặt mày hiền hoà lễ độ.

Lúc bước xuống thì trán người thanh niên nhăn lại, nhưng càng như vậy càng đẹp.

Đám phụ nhân đón rước xung quanh bến, tuy ở cách một đoạn xa nhưng ai nấy tim đập loạn xạ.

Thiếu nữ đôi mươi thì hồn vía đã lên mây hết cả.

Trần Quốc Lặc bước đến, vái chào:
– Lặc cùng phụ lão phủ Tam Giang cung nghênh Chiêu Minh Đại Vương, Quốc sử viện giám.

Chúc vương gia hồng phúc tề thiên, quốc sử viện giám thân thể an khang.
Thanh niên đã bỏ vẻ ưu phiền trên trán, lại tươi cười, dang tay đỡ Trần Quốc Lặc:
– An Phủ Sứ không cần đa lễ.
– Mời vương gia lên đài quan sát.

Nhân dân Bạch Hạc có tổ chức bơi chải, đây là truyền thống trong các dịp Hội đền Hùng.

Mong Vương gia đừng chê.
– Rất hay! Dân ta chuộng võ, giỏi việc thuỷ quân hay không là nhờ các hội thi thế này.

Năm nay ta có thưởng thêm: đội nhất năm mươi lượng bạc.

Nhờ An Phủ Sứ thông tri.
– Hay lắm! thay mặt các đội thi, tạ ơn Vương gia.

Loan báo ngay tin này.
Lúc này, một hầu cận trong đám người lên đài cao, dùng loa phóng thanh nói vọng xuống:
– Vương gia có chỉ: “Thưởng thêm, đội nhất năm mươi lượng bạc”.
Hai bên bờ sông vang lên tiếng hò hét, vỗ tay:
– Vương gia thiên tuế, thiên tuế …
Cùng với đó không khí như nóng lên, các đội thi sắp sẵn thuyền đua.

Đây là loại thuyền nhỏ, thân dài, chứa được 22 người.

Khi đua sẽ có 01 người chèo lái, 01 người chỉ huy, 20 người chèo.

Các đội thi sẽ bơi thuyền một vòng rồi quay trở lại điểm xuất phát.

Cự lý nếu tính theo độ dài thời nay vào khoảng 3km.


Đa số các làng đều chọn những thanh niên trai tráng khoẻ mạnh nhất làng.

Bách nhìn những thanh niên cởi trần tất cả đều xăm mình.

Các hình xăm này lấy chủ đề rồng, rắn, thuỷ quái rất ghê rợn, tính thẩm mỹ không cao nhưng trên tay và trên lưng người nào cũng có những chữ “Nghĩa dĩ quyên khu” và “hình vu báo quốc”.

Bách hỏi thì Đinh lão nói những chữ này là để tỏ lòng yêu nước.

Khi quân Nguyên sang đánh nước ta, ai cũng xăm những chữ này để tỏ cái lòng trung với triều đình.

Từ đấy thành lệ trong dân gian.
Các đội thi lúc này đã vào vị trí, cờ hiệu phất lên.

Đinh Nhu là Đội trưởng cầm lái của làng Thậm Thình.

Người chỉ huy ra sức đánh trống theo nhịp để đội viên đội mình chèo đúng nhịp, tinh tuý của môn này là nhịn điệu chứ không hẳn là sức khoẻ.

Lúc đầu đội làng Cổ tích dẫn đầu.

Đinh Đang tức điên lên, cô bé la hét rồi quay lại nói:
– Đại ca làm gì vậy, ta mà được lên thuyền thì làm gì có lý đó.
Bách cười thầm, thân hình cô bé thế kia, lên thuyền thì làm gì được chứ? Đến cột hiệu vòng lại, do phối hợp không tốt mà đội Thậm Thình dành được lợi thế, từ đó băng băng về đích.

Nhân dân Thậm Thình hò hét khản cổ.

Đại hoàng thì như điên rồi, ư ử cắn vào chân vì không nhìn thấy gì.

Đinh Đang phải bế Đại hoàng lên cho nó nhìn.

Bách thấy thế thay cô bế con chó.


Cô bé chạy ngay ra chỗ anh nhảy nhót ăn mừng.

Đôi má hồng lên, các thanh niên trong đội đua của làng Thậm Thình thì như phát rồ, nhảy hết cả xuống sông.

Bách quay sang nhìn thì Đinh Bình đang cười không ngậm được mồm, trong đội đua này năm thanh niên từ nhà họ Đinh ra.

Hai ba năm rồi đều bị thua bởi các làng khác, năm nay Vương gia tới xem lại giành được ngôi đầu, Lý trưởng các làng khác đang nhìn lão đỏ cả mắt.
Trần Quang Khải trao giải cho các làng, động viên một hồi rồi thì Trần Quốc Lặc nói:
– Mời vương gia xa giá đến trang viên ở Kim Đức nghỉ ngơi, hạ quan có chuẩn bị tiệc tẩy trần cho ngài.
– An Phủ Sứ chu đáo rồi.

Ta vâng lệnh Quan gia đến đây làm lễ tế quốc tổ Hùng Vương.

Nhưng cũng muốn bàn bạc với An Phủ Sứ vài truyện.

An Phủ Sứ cứ làm sao cho đơn giản, đừng sách nhiễu nhân dân địa phương, ta không phải là người quá cầu kỳ chuyện ăn uống, nghỉ ngơi.
– Vâng lệnh vương gia, mọi thứ chuẩn bị cho tế lễ ngày mai hạ quan đã làm xong.

Tuy nhiên nhân dân quanh vùng trước giờ chưa có dịp được diện kiến dung nhan của Vương gia, nên các hương thân phụ lão tổ chức tiệc tẩy trần là muốn tỏ lòng hiếu kính với ngài.

Mong Vương gia đừng từ chối, sẽ làm hương thân phụ lão thất vọng.
– Vậy được! ta sẽ tham gia cùng các ngươi.

Lão sư đi cùng ta chứ?
Trần Quang Khải quay sang hỏi người bên cạnh.
– Xin Vương gia cho phép! ta có người họ hàng, vốn là học trò của ngoại công ta.

Nay đang làm Thủ từ trên đền Hùng.

Qua thư ta cũng đã hứa sẽ về nhà lão thăm hỏi.
– Nếu là học trò của Đỗ lão thì phải là người tài năng rồi? Người này tên gì? Ta cũng muốn gặp.
– Người này tên Đinh Bản.

Đinh lão học với thầy ta từ nhỏ.

Nhưng sức khoẻ yếu quá không tham gia khoa cử được, đành ẩn thân về đây, Đinh lão cũng đã sáu mươi, sợ không còn phục vụ triều đình được nữa.

– Thật đáng tiếc! Vậy lão sư đi đi để cố nhân khỏi chờ mong.

Ngày mai hẹn nhau trên đền vậy?
Trần Quang Khải nói rồi lên ngựa, đoàn người lục đục kéo về trang viên Kim Đức ở chân đền.

Lão Đinh chỉ chờ có thế đi lại chỗ Lê Văn Hưu chào hỏi:
– Hiền điệt! lão thái thái có được mạnh khoẻ không?
– Cảm ơn Đinh lão! Mẫu thân sức khoẻ vẫn an khang.

Thường nhắc đến Đinh lão, đôi khi còn kể chuyện khi xưa ở ở quê, bắt nạt Đinh lão học toán Tôn Tử, ngũ kinh giải toán như thế nào.
– Xấu hổ quá, sư muội vẫn còn nhớ đến chuyện xưa.

Đúng là con người càng ngày càng trẻ ra.
Bách ở bên cạnh Đinh lão, quan sát kỹ hơn về một danh nhân mà hắn đã nghe rất nhiều vào đời sau.

Thấy người này là điển hình của văn sĩ, tướng mạo rất thanh tao.

Đặc biệt, đôi bàn tay rất đẹp.

Là nam nhân mà tay như búp sen.

Bách thầm thở dài, Văn Hưu đúng là Văn Hưu.

Làm sử gia thì được, đôi bàn tay kia quả không phải tướng của người cầm binh ra trận.
Đinh lão lúc này mới quay sang Bách:
– Đây là Hoàng Bách, cũng coi như một nửa lại học trò của ta.
Lê Văn Hưu có vẻ thắc mắc:
– Sao gọi là một nửa học trò, chả phải Nhất tự vi sư, bán tự vi sư sao?
– Trong chuyện này có nhiều khúc chiết, chúng ta cứ về nhà đi rồi nói.

Mời hiền điệt lên ngựa.
– Vậy chúng ta cứ về nhà đã.
[1] Mông đồng hay Mông đồng thuyền (chữ Hán 艨艟船) là một loại thuyền chiến phổ biến và lâu đời của thủy quân phong kiến Việt Nam.

Đây là loại thuyền chiến nhỏ, nhanh nhẹn nhưng trang bị đầy đủ, đóng góp lớn lao vào những chiến thắng của Việt Nam thời phong kiến.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.