Đọc truyện Đông A Nông Sự – Chương 157: Tập Trận 2
Thánh Tông đi ra phía trước, lên đài cao nhất.
Bọn tướng tá cao cấp theo sau.
Những người có nhiệm vụ thì đi sắp xếp vị trí.
Phía dưới đài cao có một khoảng sân rộng.
Đủ đứng được ngàn người, xa hơn ở dưới sông, quân thuyền xếp ngăn nắp chỉnh tề, khí thế uy nghiêm.
Ba quân tướng sĩ thấy Thánh Tông lên đài, im phăng phắc.
Thánh Tông đưa tay:
– Hỡi ba quân tướng sĩ, trẫm ba năm trước được thượng hoàng truyền ngôi, chính là sau khi giặc Thát sang quấy nhiễu.
Nói không ngoa, ngôi báu này chính là do ba quân tướng sĩ gìn giữ cho trẫm.
Thế mới thấy việc quân là không thể xem thường.
– Ba năm trước, giặc Thát mang theo 5 vạn quân sang xâm phạm nước ta.
Tuy ít hơn về lực lượng song chúng có lợi thế về kỵ binh.
Quân ta khi ấy chỉ có không quá 1 vạn kị binh, còn quân Thát có khoảng 2 – 3 vạn kị binh.
– Qua thực tế chiến đấu ở Bình Lệ Nguyên, kỵ binh Thát cũng giỏi hơn chúng ta về kỹ năng.
Chúng có tính cơ động hơn hẳn, cho phép nhanh chóng tập trung lực lượng đánh vào chỗ mỏng yếu trong trận hình phòng thủ, hoặc sẽ rút lui nhanh nếu thấy bất lợi.
– Kỵ binh Thát cũng rất giỏi bắn cung trên lưng ngựa, có thể vừa phi ngựa vừa bắn cung từ xa mà không sợ bị đánh trả.
Vì vậy, quân ta tại Bình Lệ Nguyên đông gấp hai lần nhưng vẫn bại trận.
– Tuy nhiên, các ngươi cũng đừng nản chí.
Kỵ binh Thát, trong chiến tranh Mông-Kim, chỉ có khoảng 12 vạn quân mà đã đánh bại quân đội gần trăm vạn người của nhà Kim.
Nhà Kim quốc lực hơn ta nhiều lắm mà còn thất bại.
Chúng ta giành chiến thắng ở Đông Bộ Đầu, đuổi được giặc ra khỏi bờ cõi.
Đủ thấy ba quân Đại Việt kiêu dũng như thế nào.
– Đại Việt chúng ta tuy nhỏ yếu nhưng những chiến thắng trong trận chiến mấy năm trước đã gợi ý cho Hưng Đạo Vương và Thuỷ quân Đại tướng quân những chiến thuật mới đối phó với kỵ binh.
Lần này tập trận, ta muốn các khanh dàn quân đối mặt trên sông.
Lấy hiểm địa như chín bãi trên sông ở Bạch Hạc để làm cái thế công thủ.
Như vậy chúng ta sẽ thấy được sức mạnh binh lực thuỷ quân của nước ta.
Lại cũng sẽ thấy được cái khó khăn của giặc khi vượt sông đối chiến.
Các khanh cố gắng bàn bạc, phối hợp cho tốt.
— QUẢNG CÁO —
Phía dưới vạn người như một đồng thanh:
– Chúng thần nghe rõ, xin tạ ơn Quan gia khích lệ.
Thánh Tông trên đài lại phất tay, quân sĩ bắt đầu di chuyển đội hình.
Trên đài, Thánh Tông quay sang chỗ Hưng Đạo Vương:
– Lần này tập trận ở Bạch Hạc, Hưng Đạo Vương có suy nghĩ thế nào?
– Bẩm Quan gia! Bạch Hạc là nơi hiểm địa, giặc phương Bắc vào nước ta.
Thường là đi qua ba con đường.
Nếu đi đường biển thì nhất định qua Vân Đồn để theo Bạch Đằng Giang mà vào nước ta.
Ngô Vương chính là đánh tan Nam Hán ở đây.
Nếu đi được bộ thì đi qua hai đường.
Đường thứ nhất là từ Quảng Nguyên theo Như Nguyệt Giang Lộ tiến về Thăng Long, Thái uý Lý Công chính là chặn giặc Tống ở đường này.
Đường thứ hai chính là qua Tam Giang Lộ.
Muốn qua Tam Giang Lộ chắc chắn phải hội quân ở Bạch Hạc, đưa quân từ bờ bắc sang bờ nam để tiến đánh Thăng Long.
– Theo thần dự đoán, nếu lần sau giặc sang xâm phạm, sẽ dốc binh lực lớn gấp mấy lần lần trước.
Chúng ta phải phòng ngự cả ba đường này.
Nhưng sẽ tập trung ở Tam Giang Lộ.
Chính vì vậy, thần và Bảo Nghĩa Hầu chọn đây là nơi để lên kế hoạch bảo vệ kinh sư.
– Bệ hạ từ kinh thành lên đây có thể thấy: Chúng ta không có phên dậu phía Bắc.
Lần trước chấp nhận hủy bỏ phòng ngự phía bắc sông Cái cũng có nghĩa là đối với giặc Thát mà nói, duy có một phòng tuyến chính là khu vực Bạch Hạc.
Nếu vượt qua vùng này, tập trung quân lực thuỷ bộ, vậy thì phía Tây Bắc Thăng Long hoàn toàn nằm trong tay giặc.
– Điều này khiến cho thần luôn do dự không quyết.
Cố giữ biên giới Tây Bắc, hay bỏ mặc luôn là điều thần đắn đo?
— QUẢNG CÁO —
Nói đến đây, Hưng Đạo Vương thở dài.
Thánh Tông cũng ngẫm nghĩ hồi lâu.
Bách nghe hai người đối thoại.
Đúng là không thể không phục thiên tài quấn sự của Hưng Đạo Vương.
Lần thứ hai xâm phạm, đúng như Hưng Đạo Vương dự đoán.
Giặc Nguyên tập trung đường bộ đúng là qua Tam Giang Lộ.
Chỉ là … biết mà không có cách nào phòng chống.
Việc quân hắn cũng không dám nhiều lời.
Từ khi đến thế giới này, hắn đã lo sợ một điều.
Những thứ hắn làm liệu có làm lịch sử trượt ra khỏi quỹ tích hay không? Ngộ nhỡ việc đó xảy ra, chẳng phải hắn trở thành tội nhân thiên cổ hay sao?
Sau này, làm quen với Cao gia, hắn từ trong đó biết được một điều.
Thế giới này thật sự có thứ gọi là số phận.
Nhưng số phận không phải sắp đặt, mà do con người luôn thúc đẩy.
May mắn chỉ đến với những người biết cố gắng.
Nhà Trần chiến thắng Nguyên – Mông không phải do may mắn.
Do nhiều lý do lắm, kể ra cũng không hết.
Nhưng nếu mấy gã thầy tướng số sang Đại Việt lúc này.
Nhìn tướng tá hoàng tộc nhà Trần, có thế tự tin mà phán một câu.
“Không thể bại được, chắc chắn không bại được”.
Chỉ nhìn Hưng Đạo Vương, Chiêu Minh Vương, rồi đám Nhật Duy, Quốc Khang … người nào không uy vũ.
Lại nhìn sang Thánh Tông.
Đây là tướng ông vua mất nước làm nô lệ sao? CMN không tin được, đẹp còn hơn tranh vẽ.
Bọn phản thần Lê Tắc sau này sang nương nhờ nhà Nguyên cũng không thể nói xấu ông.
Viết sách An Nam Chí Lược còn phải tả ông “dáng người hòa nhã, khôi ngô, có nhã lượng”.
Thế thì hắn sợ gì mà không dám thay đổi chút ít lịch sử.
Dù sao chỉ có tốt lên, không thể làm cho chiến công của họ bị phai mờ trong lịch sử được.
Đến đây, Bách ngứa mồm nói một câu:
– Theo thần nghĩ thì không nên bỏ.
Còn phải từ từ mở rộng lên Tây Bắc.
Thánh Tông và Hưng Đạo Vương thấy hắn mở miệng, cười mỉm.
Thánh Tông hỏi lại:
— QUẢNG CÁO —
– Sơn Tây Hầu hiếm khi bàn việc quân, thử nói kiến giải.
– Thần ngu dốt, Quan gia đừng cho là bàn bạc việc quân.
Thần nhìn mọi thứ theo góc độ kinh tế, còn nó có đúng với định hướng quân sự không thì Quan gia và Hưng Đạo Vương mới là người rõ nhất.
Hưng Đạo Vương nói:
– Ngươi cứ nói đi.
– Thần đọc sách, chỉ thấy quân vương luôn muốn mở rộng lãnh thổ quốc gia, chứ chưa có ai muốn làm ngược lại.
Nhưng mở rộng đến mức nào, thì còn phải xem quốc lực.
Không phải cứ mở rộng là thể hiện đất nước đang hưng thịnh.
Thần và Thái sư, Chiêu Minh Vương đã tính toán rồi.
Đại Việt rộng lớn, dân cư thưa thớt, không gian phát triển còn nhiều.
Nhu cầu mở rộng lãnh thổ chưa phải là bức thiết.
Nếu chúng ta đưa dân số lên khoảng ngàn vạn người mới phải đắn đo tiếp.
– Tuy nhiên, với những vùng hiểm địa và đất đai biên viễn, không mở rộng được nhưng luôn phải khống chế.
Đó chính là phên dậu cần thiết.
Nếu để mất thì khi công cũng không được, mà thủ cũng không xong.
Khi giặc xâm phạm lần trước, chúng ta phải bỏ trống Thăng Long là như vậy.
– Thần còn nghe nói, nước Tần thời cổ dùng cách viễn giao cận công của Phạm Thư đề ra.
Theo đó, với các nước gần, Tần sẽ dùng vũ lực uy hiếp, chiếm thành chiếm đất, với các nước xa không đem quân đi được thì lại dùng ngoại giao dụ dỗ làm đồng minh.
Cứ như vậy Tần nhanh chóng trở thành bá chủ của cả sáu nước chư hầu, tạo điều kiện cho Tần Thuỷ Hoàng nhất thống Trung Nguyên.
Vậy hà cớ gì chúng ta bỏ bê biên viễn..