Đọc truyện Đông A Nông Sự – Chương 139: Việc Làng 2
Trong đình, đã bắt đầu sắp cỗ.
Năm nay tính đủ số thì trong làng có ba người đủ năm nhăm tuổi.
Ngoài những thứ mâm cúng thì đúng là có ba mâm xôi con gà thật.
Bách tò mò hỏi Lý trưởng, nếu đã năm nhăm mà không có tiền mua xôi gà thì phải làm sao? Lý trưởng cười:
– Hầu gia không biết, đấy là lệ làng rồi.
Triều ta trên 18 tuổi thì sổ đinh gọi là Hoàng nam.
Ở làng gọi là thằng cu, người nào chưa đủ tuổi cũng đều là cu hết.
Ví như lão Tỵ vừa rồi, chưa làm lễ lên lão làng, ra đình vẫn bị gọi là “cu Tỵ”.
Đến năm nhăm mà chưa khao đình lên lão làng được, thì khi có việc làng xấu hổ lắm …
– Vậy ta cũng gọi là cu sao?
– Chúng tôi nào dám, đấy là với bọn dân đen chúng tôi thôi.
Những người có chức tước nằm ngoài phạm vi này.
– Đúng là phép vua thua lệ làng mà!
Lúc này đã hạ lễ, có người bưng cỗ xuống chiếu giữa đình, còn những mâm khác bầy đầy quanh sân đình.
Lúc này giọng Mõ làng với vào:
– Bẩm các cụ làm bao nhiêu cỗ?
Lý trưởng lên giọng:
– Mày chặt ba gà thành sáu mâm cỗ.
Ở đầu dãy phản tay phải, thấy có tiếng hỏi:
– Còn cỗ phần nữa.
– Vậy mày chặt thành 8 đĩa, để dành hai đĩa làm phần.
Người ta bưng lên thềm hai thúng bát đĩa, một con dao, một cái thớt, một liễn nước mắm và hai chồng mâm.
Thằng Mõ lễ bễ bưng mâm xôi gà ra thềm.
Nó nhấc con gà sang chiếc mâm khác, rồi chữa cỗ xôi hình tròn ra hình vuông.
Bách phải giả vờ đứng dậy ra sân để đến tận nơi xem thằng Mõ chia gà.— QUẢNG CÁO —
Thằng Mõ đặt thử con dao lên mặt cỗ xôi, hắn tính lẩm bẩm giây lát, rồi xắn một chiều làm hai, một chiều làm bốn.
Sau khi lấy một miếng xôi véo ra một tí để phụ vào các miếng kia, hắn nhấc mâm xôi sang một bên cạnh và kéo cái thớt vào chỗ trước mặt.
Hắn với sang thúng đĩa lấy đủ tám chiếc, bầy la liệt trên mặt thềm.
Quay lên thấy Bách đang nhìn, cười:
– Bẩm Hầu gia, băm thịt gà cần phải dao sắc, thớt phẳng.
Nếu mà dao cùn thớt trũng thì thịt sẽ bong hết da!
Quả thật cái thớt mới nguyên, sắc gỗ nghiến còn đỏ đòng đọc.
Nhanh nhảu, hắn sờ ngón tay vào lưỡi con dao, xem có bén không.
Và hắn lật cái trôn bát liếc luôn ba lượt thật mạnh.
Bấy giờ mới giở đến bộ lòng gà.
Mề, gan, tim, phổi, các thứ đều được thái riêng và được bày riêng vào một góc đĩa.
Tuy nó mới chỉ một dúm cỏn con, nhưng trong tám đĩa không đĩa nào thiếu một thứ nào.
Rồi hắn nhấc cả con gà ra thớt.
Bắt đầu chặt lấy ba cái sỏ, sau mới chặt đến phao câu.
Thình lình thấy nó đứng lên ngoảnh mặt vào phía trong:
– Thưa trình các cụ, hôm nay sỏ gà pha mấy? Phao gà pha mấy?
Một ông trong bọn nhìn qua vào đám nhiều tuổi, hình như để đếm đầu người, rồi đáp:
– Cái đầu và mồng của con gà lão Tỵ nuôi, để riêng cho Hầu gia.
Còn lại ở đây chỉ có mười cụ và tám ông đàn anh.
Vậy thì một sỏ gà pha năm, phao gà pha bốn.
Thằng Mõ lại ngồi xuống chỗ cũ.
Trước hết ghè dao vào giữa hai miếng mỏ gà để cắt cái sỏ ra làm hai mảnh.
Rồi hắn úp cả đôi mảnh xuống thớt, chặt mảnh mỏ dưới làm đôi và mảnh mỏ trên làm ba.
Bách không biết những miếng thịt gà này có đều nhau không, chỉ thấy tất cả năm miếng, miếng nào cũng có dính một tí mỏ.
Tiếp đến cuộc pha phao câu.
Công việc tuy không lấy gì làm khó, nhưng hắn làm cũng vẫn có vẻ khác người.
Bốn miếng phao gà, miếng nào cũng có đầu bàu, đầu nhọn, chẳng khác nào một cái chũm cau chẻ tư.
Sỏ gà bày vào một đĩa, phao gà bày vào một đĩa.
Hắn lại cắt lấy hai chiếc cánh gà, chặt luôn làm hơn mười miếng và bày với đôi chân gà làm thêm một đĩa nữa.
Bây giờ thì đến mình gà.
Hắn lách lưỡi dao vào sườn con gà, cắt riêng hai cái tỏi gà bỏ góc mâm.
Rồi lật ngửa con gà lên thớt, hắn ướm dao vào giữa xương sống và giơ dao chém luôn hai nhát theo chiều dài cái xương ấy.
Con gà bị tách ra làm hai mảnh.
Mỗi mảnh đều có một nửa xương sống.
Một tay giữ thỏi thịt gà, một tay cầm con dao phay, hắn băm lia lịa như không chú ý gì hết.
Nhưng mà hình như tay hắn đã có cỡ sẵn, cho nên con dao của hắn giơ lên, không nhát nào cao, không nhát nào thấp.
Mười nhát như một, có khi chỉ lên khỏi mặt thớt độ khoảng một gang, và cách cái ngón tay hắn độ vài ba phân.
— QUẢNG CÁO —
Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt, nhịp nhàng như tiếng mõ của phường chèo, không lúc nào mau, cũng không có lúc nào thưa.
Mỗi tiếng cốc là một miếng thịt gà băng ra.
Miếng nào cũng như miếng ấy, đứt suốt từ xương đến da, không còn dính nhau mảy may.
Trông những miếng thịt gà của hắn bốc ra góc mâm, mới đẹp làm sao! Không giập, không nát, không bong da, nó giống như tập cánh con bươm bướm.
Nếu để trước môi mà thổi, có thể bay được mười thước.
Hắn băm xong tám đĩa gà.
Bách thiếu điều quỳ xuống, quay sang hỏi lão Tỵ mời biết nhà hắn ba đời làm Mõ, thì mới thạo được như thế.
…..
Hắn ở Trang viên mấy hôm rồi lên núi Đá Chông xem Trường Cung xây cất đến đâu rồi.
Bách theo Cao lão mời đến bến thuyền, đã được Điền Công và Trường Cung đón vào khu nhà tạm đang ở.
Xây dựng học phủ vẫn đang tiếp tục, rất thuận lợi.
Triều đình phái tới vô số tiểu lại của công bộ … Bọn này vừa làm vừa học sử dụng những thứ mới.
Trường Cung thấy hắn đến, đã ca thán:
– Hoàng Bách, ta không muốn dùng đám đần độn đó, chưa nói không biết cái gì cả, còn không chịu học, tiếp thu rất kém.
– Người để ý đến chúng làm gì, chú ý vào việc của ngươi đi, nếu có kẻ nào không phục thì bảo Đinh Đang đánh cho một trận, rồi cứ đổ tội cho ta là được.
– Thật sao?
– Sao lại không được, ta biết nhà ngươi có nhiều cách đối phó bọn chúng, chỉ là nể mặt ta nên không làm.
Không sao! Trên đời này chúng ta muốn hoàn thành mục tiêu lớn thì phải bỏ qua lũ ruồi bọ vo ve.
“Chó cứ sủa còn đoàn người cứ đi” mới được.
– Ta hiểu rồi.
Điền Công quay sang chỗ Cao lão:— QUẢNG CÁO —
– Con và Trường Cung có điều chỉnh một chút, lại vẽ chi tiết bản vẽ lại rồi, cha xem xem.
Hắn nói đoạn trải một bản vẽ ra trước bàn làm việc.
Cao lão tức thì chú ý, chỉ thấy trên bức vẽ đã thể hiện ngọn núi nhô lên chính giữa, trên là học phủ, xung quanh ngọn núi là phòng xá chi chít, còn có mấy kiến trúc hùng vĩ dựng trước núi, sông Đà uốn lượn, thành cảnh trí của học phủ, bốn phía xung quanh có tường thành cao lớn bao vây, nhấp nhô trên núi như con rắn khổng lồ.
Bách nhìn bản vẽ cũng kinh hãi:
– Cao gia không hổ là gia tộc có sức tưởng tượng nhất trên đời.
Hắn hỏi Trường Cung:
– Dự trù kinh phí thế nào?
– Học phủ cần trưng dụng hai vạn lao công, hao phí không dưới hai vạn quan, dùng hai năm có hi vọng xây lên.
– Tốt lắm, phần học phủ chính thì bao giờ xong?
– Từ đầu năm đã khởi công được 8 tháng rồi, cuối năm nay có thể cho bọn học sinh vào học, những phần khác xây tiếp, đến cuối năm sau có thể hoàn thành.
Còn những kiến trúc cầu kỳ thì năm ba năm không chừng.
– Nhanh như vậy?.