Đọc truyện Đông A Nông Sự – Chương 1: Long Nhãn Trì
Đền Hùng năm 2018, một nhóm bạn trẻ đang hồ hởi leo núi Nghĩa Lĩnh.
Trong khí sắc tươi đẹp của mùa xuân, cảnh núi non thật tráng lệ.
Đứng trên núi Nghĩa Lĩnh nhìn ra bốn bề, có thể thấy phía xa xa là Ngã ba Bạch Hạc, nơi sông Lô nhập dòng với sông Hồng.
Phía bên trái là dãy Tam Đảo hùng vĩ.
Phía bên phải là ngọn Ba Vì mờ mờ xanh ẩn hiện … Đồng ruộng, đồi cọ, vườn chè, làng xóm trù phú, cảnh đẹp như tranh, vùng trung du trải rộng ra trước mắt.
Đây đó rải rác những đầm hồ lớn lấp loáng như gương.
Nhóm bạn trẻ này chừng 20 tuổi, tràn đầy khí tức thành xuân.
Người dẫn đầu là một nam nhân chừng 35 tuổi, mắt sáng, dáng người cao gầy, vai đeo một balo to.
Tuy không tính là đẹp trai nhưng có phong phạm của người tri thức, miệng luôn nở nụ cười, liên tục nhắc nhở:
– Các em đi cẩn thận.
Luôn nhớ câu “lên núi dễ, xuống núi khó, đừng tưởng lên đền Thượng rồi đi xuống sẽ dễ hơn, rất nhiều người đã bị ngã ở đoạn đường này.
Người này tên Hoàng Bách, là một Giảng viên đại học.
Hắn 22 tuổi tốt nghiệp đại học, 25 tuổi học xong cao học sau đó du học Trung Quốc lấy bằng Tiến sĩ, 30 tuổi thì đại công cáo thành về nước, một bụng muốn phát triển quê hương.
Cha là một thầy thuốc còn mẹ là giáo viên, sinh hắn ở một vùng quê nghèo nên quyết chí học làm kỹ sư nông nghiệp để phát triển kinh tế địa phương.
Đến nay cũng làm giảng viên được 5 năm, có một vài khoá học sinh ra trường.
Hôm nay, hắn dẫn một nhóm sinh viên đi thực tế về Phân loại thực vật.
Đây là một nhóm sinh viên nông nghiệp năm thứ 3, đã có hiểu cơ bản về ngành này, chuẩn bị bước vào quá trình đào tạo chuyên sâu.
Chuyến đi thực tế bắt đầu từ sáng sớm.
Hắn đã cho các em thu thập rất nhiều mẫu cây trồng ở những cánh đồng sản xuất nông nghiệp.
Nhưng muốn học sinh tiếp cận thêm kiến thức nên đưa các em lên núi Nghĩa Lĩnh, vừa là khu di tích lại vừa là một khu rừng quốc gia với hệ thực vật phong phú.
Cô bé lớp trưởng vừa đi vừa hỏi Bách:
– Thầy ơi lúc lên đền Hùng, ở cổng vào có 4 chữ Nho, những chữ đấy có nghĩa gì thưa thầy?”
Bách trầm ngâm:
– Đấy là bốn chữ “Cao sơn cảnh hành” có nghĩa là “Lên núi cao, nhìn được xa”
Cô bé ra chiều thắc mắc:
– Em chưa hiểu, tại sao cổng đền mà lại nói đến điều này? chả thấy có gì liên quan cả.
Bách cười đáp:
– Bốn chữ ấy vốn được lấy trong Kinh Thi.
Đầy đủ là “Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ” nghĩa là: Núi cao để ngưỡng trông, đường lớn dùng để đi.
Rõ ràng lên núi cao nhìn ngắm, lên núi thì phải có đường, mà con đường lớn để đồng bào và nhân dân cùng đi, cùng theo tạo nên sự đoàn kết một lòng của toàn dân tộc.
Nên mới khắc bốn chữ này ở con đường từ chân núi lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh.
Ai đã lên đền Hùng đều biết, lộ tuyến tham quan đền là đi từ cổng đền ở chân núi, đi lên Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng.
Rồi lại từ đền Thượng theo một lối đi khác để xuống đền Giếng.
Mỗi một đền đều mang ý nghĩa thiêng liêng.
Như cái giếng Mắt rồng [1] trước mắt, nằm phía sau đền Hạ, tương truyền chính là nơi khi xưa Tổ mẫu Âu Cơ hạ sinh bọc trăm trứng.
Truyền thuyết này rất ly kỳ: Tổ mẫu Âu Cơ mang thai, trải ba năm, ba tháng, mười ngày, thấy trên núi Nghĩa Lĩnh có mây lành ngũ sắc xán lạn.
Đến giờ Ngọ, ngày 25 tháng 12 năm Giáp Tý, Âu Cơ thấy bào thai chuyển động.
Ngày 28, hương lạ đầy nhà, hào quang khắp phòng, bà sinh một bọc trăm trứng.
Đến ngày rằm 15 tháng Giêng, trăm trứng vỡ ra đều thành trăm người con trai.
Được khoảng một tháng, không phải bú mớm mà tự trưởng thành.
Tất cả các con đều có hình dáng đẹp lạ, tướng mạo phương phi.
Truyền thuyết về nguồn gốc người Việt ta hình thành như thế đấy.
Đoàn người đi từ từ xuống các bậc đá cao, nghỉ chân tại giếng Mắt rồng.
Tuy xung quanh giếng đã được kè đá nhưng vẫn thường có kẻ mê tín vứt tiền xuống giếng.
Đây cũng là một dị đoan của người Việt, đi đến đền chùa miếu mạo là rắc tiền lẻ khắp nơi, mong được thần linh chiếu cố.
Trong đoàn có mấy sinh viên nam rất nghịch ngợm, nhanh chân đi trước đến bên miệng giếng.
Bách đang lững thững theo sau thì nghe có tiếng kêu, sau đó cô bé lớp trưởng quay lại hoảng hốt:
– Thầy ơi bạn Tân bị ngã xuống giếng rồi.
Bách giật mình chạy lại, thấy cậu sinh viên tên Tân đã rơi khỏi miệng giếng, nhưng may do người ta có đan tấm lưới, cách miệng giếng chừng 5 mét để tránh người dân vứt tiền xuống.
Tân rơi xuống được tấm lưới cản lại, tay bám vào gờ tảng đá bên thành giếng, chân đã bị thương.
Nhưng có lẽ tấm lưới không được thiết kế để chịu sức nặng của một người, cũng sắp bung ra khỏi thành giếng.
Bách nhìn quanh, cũng may một sinh viên tên Thức đã tìm được thang và sợi dây thừng.
Đây là loại thang chuyên thiết kế để leo giếng, có một đầu quặt vào hình chữ U để bám vào miệng giếng, có lẽ là ban quản lý khi thiết kế tấm lưới để lại.
Bách nói với sinh viên:
– Giờ thầy sẽ dùng thang xuống dưới đấy.
Buộc bạn Tân vào sợi dây rồi các em gắng sức kéo lên, chân bạn đã bị thương nên không thể leo thang được.
Còn lớp trưởng, chạy ngay đi tìm người giúp đỡ nhé.
Nói đoạn Bách bắc thang rồi leo xuống, hắn một tay đỡ sinh viên rồi nhận dây thừng để buộc.
Hắn nhớ ra trong balo có móc khoá và một con dao nên gọi sinh viên ném balo xuống.
Xong xuôi thì bên Ban quản lý cũng có người chạy đến.
Bách ở dưới giếng nói với lên:
– Giờ tôi hô thì các anh kéo lên, còn tôi sẽ đẩy người bị nạn từ dưới, mọi người chú ý nhé.
1,2,3 …”
Dưới lực kéo từ nhiều người bên trên thì Tân đã gần lên đến miệng giếng.
Lúc này tấm lưới dường như đã không còn chịu được sức nặng.
Bách khẩn trương bám tay vào tảng đá ở thành giếng nhưng không kịp.
Hắn rơi tự do xuống giếng.
Lúc này đầu óc hắn đột nhiên mơ màng.
Một luồng sáng ập vào mắt rồi lại tối đen.
Hắn đã không còn nhận thức được gì nữa.
[1] Di tích Giếng Mắt rồng hiện nay được các nhà khảo cổ khai quật tại vị trí phía sau Đền Hạ – Khu DTLS Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ