Bạn đang đọc Đơn Phương Không Vô Nghĩa – Chương 72: “Tremblement de terre” (hay Ngoại truyện Vũ Nam Phương)
So với những nơi khác trên đất nước Nhật Bản, mùa hè ở Nagano có thể coi như là dễ chịu, với nhiệt độ trung bình chỉ hơn 30°C. Nhờ những làn gió từ cao nguyên thổi tới, đây có thể coi là địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng.
Dù vậy, Vũ Nam Phương mười ba tuổi, đến Nagano không phải để nghỉ dưỡng. Thay vào đó là gấp rút chuẩn bị cho cuộc thi piano Quốc tế Frederick Chopin dành cho lứa tuổi U17 lần thứ XX được tổ chức tại Nhật Bản.
Ở độ tuổi 13, tiếng tăm của thần đồng âm nhạc Vũ Nam Phương đã vang đến lẫy lừng toàn nước Pháp. Đôi bàn tay với những ngón xinh đẹp thon dài bắt đầu được công nhận là “bảo vật quốc gia”. Dù vậy, vấn đề lớn nhất mà Phương gặp phải, để có thể hoạt động một cách chuyên nghiệp nhất, chính là giải thưởng.
Được giới phê bình trong nước đánh giá như một hiện tượng âm nhạc, bản thân lại sở hữu một lượng sáng tác cá nhân đáng kể, dù vậy, Vũ Nam Phương CHƯA HỀ có một giải thưởng quốc tế nào.
Nguyên nhân đều là tại ông bố Trường Giang đáng ghét, từ nhỏ đã ngăn cấm không cho Nam Phương đi theo con đường âm nhạc. Thay vào đó hướng con trai vào vị trí kế thừa phát triển đế chế hàng hiệu xa xỉ của gia đình, phục vụ cho công cuộc trả thù dai dẳng. So với người anh trai Trường Thịnh, mức độ độc đoán, khắt khe của ông Giang chỉ hơn chứ không kém.
Mùa hè năm chín tuổi, Vũ Nam Phương bị xích vào chân giường, không cho tham dự cuộc thi piano quốc tế chính là bằng chứng.
Chính trong năm đó, có một nhân vật chín tuổi ngu ngốc khác, vừa chân ướt chân ráo về nhà họ Vũ đã giở thói anh hùng rơm, giống như khỉ con đu dây trèo lên ba tầng lầu, để giải thoát cho người “em họ” mới vài lần chạm mặt.
Dĩ nhiên, kế hoạch thất bại thê thảm. Vũ Trọng Khanh bị ba nuôi đem ra đánh một trận thừa sống thiếu chết. Vũ Nam Phương tuy không bị đánh, nhưng phải chịu nửa năm ròng “bế quan tỏa cảng”. Mối quan hệ ngọt ngào ngoài mặt giữa hai nhà, bởi vậy lại càng thêm căng thẳng. Khi mà ông Giang đã suy diễn ra rằng, hành động của Khanh ngày ấy là do ông Thịnh giật dây, chứ một đứa trẻ chín tuổi cơ bản không thể liều mạng được như vậy.
Tuy nhiên, những chuyện thâm cung bí sử này, có thể tạm gác qua một bên.
Khi mà bốn năm đã trôi qua, cuộc thi Frederick Chopin danh giá bậc nhất lại một lần nữa được tổ chức. Và Nam Phương, từ sau sự ra đời của em trai Nam Anh, đã thuận lợi có được sự tự do hẳng mong muốn.
Dài dòng nhiêu đó chỉ để khẳng định lại một điều, Vũ Nam Phương mười ba tuổi, đến Nagano không phải để nghỉ dưỡng.
“Phương! Đem đống chai nhựa trong bao tải ở trong nhà kho mang ra siêu thị trả, rồi tiền đó chú ấy đứa mua kem.” Giọng chú Quý sang sảng vọng lại từ ngoài vườn.
Phương dừng tay đàn. Tuy vậy, vẫn chưa muốn đứng lên khỏi ghế. Thật chứ, ông chú này nghĩ cậu là ai? Chỉ bằng vài cây kem, lại muốn tước đoạt thời giờ vàng ngọc của Vũ Nam Phương. Biết vậy, ngay từ đầu cậu đã không nghe theo lời chú ta dụ dỗ, thuê đại một khách sạn ở cho rồi. Đáng tiếc, bất động sản duy nhất của nhà họ Vũ ở đất nước Nhật Bản, lại chính là cơ man đồng xanh rừng rú ven thung lũng Kiso, cùng với ngôi nhà gỗ ọp ẹp cổ lỗ sĩ này. Tất cả đều thuộc về ông chú, họa sĩ Vũ Cao Quý, người nổi tiếng lập dị nhất họ.
Chung quy đều tại cây dương cầm ba chân quý giá, có tuổi thọ hơn 100 năm của hãng Pleyel, khiến cho cậu không thể cưỡng lại được.
“Chú… cứ để cháu với anh Khanh đi trả. Nam Phương đang phải tập luyện…” Một giọng con gái thỏ thẻ từ ngoài vườn vang lên.
“Bống cứ tập xe đạp tiếp đi. Cả Ếch nữa, cứ nhổ cỏ tiếp. Chú là chú muốn bắt thằng Phương đi kìa!” Ông chú chẳng ngại ngần, khích một tràng, nói thật to để ở trong nhà nghe thấy. “Con trai con đứa mới nhỏ mà đã thích ngồi chết dí một chỗ. Hay ho gì chứ! Thảo nào mười ba tuổi đầu mà trông cứ ẻo lả như con gái. Bống mà biết đi xe đạp là con giỏi hơn nó rồi đấy!”
“CHÁU ĐI! ĐI LÀ ĐƯỢC CHỨ GÌ!” Phương gắt. Vừa ngồi trên bậc thềm trông ra khu vườn nhỏ xỏ dép. Một tay cầm bao tải to tướng đựng đầy vỏ chai bằng nhựa.
Nam Phương khi ấy mười ba tuổi, vẫn chưa cao lớn lắm. Đi dép lê loẹt quẹt trên con đường mòn nắng cháy, tay lại kéo lê bao tải to bằng cả người. Vừa đưa tay quẹt mồ hôi, vừa tự hình dung giai điệu của bản Polonaise sở trường cậu sẽ trình diễn trong vòng loại.
Xét cho cùng, Vũ Nam Phương không giống Vũ Trọng Khanh. Sinh ra đã ngậm thìa vàng trong miệng, bệnh “công tử” chính là khó tránh khỏi. Vừa cao ngạo khinh người, lại vừa khó tính bậc nhất. Kể từ độ tuổi bắt đầu có ý thức, Phương đã tự chắt lọc ình một môi trường sống, một chế độ sinh hoạt cũng như tập luyện, đi kèm thực đơn ăn uống hoàn hảo. Đến mức độ, nếu cậu chủ chỉ cần hơi không vừa ý, thì người làm kẻ ở nhà họ Vũ bên Pháp từ trên xuống dưới sẽ phải đứng trước nguy cơ bị đuổi thẳng cổ.
Vậy thì đây là cái gì?! Phương cay đắng nghĩ, trong khi móc ra mấy đồng bạc lẻ từ máy đổi vỏ chai tự động. Ngần ngừ một thoáng, cậu quay trở vào siêu thị.
BỊCH!
Nam Phương lạnh lùng ném túi kem xuống bậc thềm. Rồi lẳng lặng đi vào phòng tập. Chú Quý đã sai vặt được thằng cháu công tử ít nhất một lần, dường như vẫn chưa hài lòng.
“Ở lại ăn kem với mọi người đã!”
“Cháu không thích.” Phương hừ giọng. Rồi như nhận thấy biểu hiện của mình có hơi quá vô lễ, liền bổ sung. “Cháu để bụng ăn cơm.”
“Chopin sẽ không vui đâu.” Giọng điệu chế nhạo của Tường Lâm bấy giờ mới lên sàn.
Lại được cả ông thần này nữa!
“KỆ EM!” Phương sẵng giọng, kéo cửa đóng cái RẦM.
“Này! Nhẹ tay thôi! Nhà chú xây kiểu truyền thống, yếu lắm, sập bây giờ!” Chú Quý nghe thấy la om sòm.
Nhà chú không chỉ yếu. Nhà chú còn cách âm không ra một cái gì hết! Một căn phòng ở tít bên trong mà vẫn nghe rõ mồn một tiếng nói chuyện ngoài vườn. Chú đặt cây piano quý giá này ở đây làm cái sự sỉ nhục gì không biết! Phương nghĩ bụng, trước khi ngồi xuống mở nắp đàn. Cố gắng gạt khỏi tai âm thanh cười đùa bát nháo của đám người đang ăn kem.
Vòng I, 1 bản Nocturne, 2 Etudes và 1 Polonaise. Để xem nào… Hoàn hảo. Tham gia cuộc thi này không phải để có giải, mà phải được giải nhất. Bằng không, sẽ không có ý nghĩa gì cả. Sẽ không còn mặt mũi nào tiếp xúc với truyền thông nữa. Danh tiếng Vũ Nam Phương sẽ đi tong…
“ÔI! KEM! Ở đâu ra thế! Cho em ăn với!”
Một giọng con gái chói lói vang lên từ ngoài vườn. Vũ Thủy Linh, hay còn gọi là Bống, không có cái giọng dễ ghét này. Còn lại trong vườn toàn đàn ông con trai, bao gồm chú Quý, Vũ Trọng Khanh, hay còn gọi là Ếch, và Nguyễn Vũ Tường Lâm.
Điều đó có nghĩa là gì.
Ái Vân đã biết đường mò đến tận nơi này.
Nam Phương thật muốn đập đầu vào cạnh đàn. Bốn kẻ ngu ngốc ngoài kia đã khiến cho cậu không thể luyện tập được cái gì ra hồn suốt từ sáng hôm qua. Giờ đây, biệt đội phiền phức cản phá Nam Phương đến với danh hiệu quán quân lại kết nạp thêm một thành viên.
Cánh cửa “mỏng manh” lại được kéo ra một lần nữa.
“Anh Phương! Em BIẾT là anh ở đây mà!” Ái Vân mười hai tuổi, vừa nhảy loi choi vừa kêu chiêm chiếp.
Tuy vậy, Vân chưa kịp nhảy lên thềm ôm chầm lấy “người trong mộng” thì đã bị Phương phũ phàng gạt ra, suýt chút nữa ngã lăn xuống vườn, nếu như không được chú Quý nhanh tay đỡ lấy.
“Nam Phương! Cháu làm gì vậy! Mang tiếng nghệ sĩ mà đối xử với một quý cô như vậy hả?” Chú Quý nghiêm giọng.
Phương ngay từ đầu đã chẳng coi những lời phàn nàn của ông chú lập dị ra kí lô nào, cũng chưa bao giờ coi con nhỏ rách việc kia là một “quý cô”. Nên cậu chỉ hừ giọng, tuyên bố thẳng thừng.
“Tối nay, cháu chuyển ra ở khách sạn, từ giờ cho đến lúc thi.”
Rồi chưa để cho ai có ý kiến, cánh cửa yếu ớt mong manh đã lại bị đóng sập.
Chiều tối hôm ấy. Bầu trời đổ cơn mưa lớn.
Đó không chỉ là mưa rào. Đó là một cơn giông bão. Đất hai bên sườn núi sạt lở. Đường vào thung lũng trở nên vô cùng nguy hiểm. Taxi mà Phương đã gọi, vì vậy không thể đến được.
Công tử họ Vũ vẫn giữ nguyên vẻ mặt lạnh lùng, ngồi thẳng lưng ăn cơm. Coi như không thấy những ánh mắt chằm chằm vây quanh mình. Đúng vậy, ngoại trừ Vũ Trọng Khanh thiên hạ ngoại hạng ngốc, những người còn lại đều đang nhìn Phương. Linh tỏ ra ái ngại, Ái Vân thì say đắm, trong khi chú Quý và Tường Lâm chết tiệt đều cười thầm trong bụng.
Sao chứ? Ánh nhìn chế giễu của hai người họ chỉ khiến cho tâm hồn nghệ sĩ thanh cao của Nam Phương khinh bỉ. Các người tưởng ở đó làm ầm ĩ thì ta sẽ không thể tập luyện? Đến ngày thi, dù có phải gọi trực thăng đến, leo thang dây đi lên thì Vũ Nam Phương vẫn phải tới nhà hát Tokyo giật giải nhất.
Vòng thi thứ II, 3 Preludes, 2 Mazurkas, 1 bản Waltz và 1 bản Ballad… Phương vừa chờ mọi người ăn xong vừa nhẹ nhàng gõ nhịp lên bàn.
“Ếch với Bống dọn bát đĩa rồi Phương rửa nhé.” Chú Quý vui vẻ.
“Đừng chú ơi!” Tường Lâm hốt hoảng chen vào. “Nó không biết rửa bát đâu! Để nó rửa vớ vẩn bát đĩa còn dính xà phòng nhà mình ăn vào đau bụng chết!”
“Để em giúp anh ấy!” Ái Vân hăng hái đứng dậy, giơ tay như học sinh phát biểu.
“Em đập vỡ hết, mai lấy gì ăn?” Lâm bật cười, chọc Ái Vân mặt đỏ bừng, khói bốc ra đằng trán.
Rốt cuộc, Bống, hay còn gọi là Thủy Linh, cùng với Nam Phương chịu trách nhiệm rửa bát.
Chủ yếu là Linh rửa, còn Phương chỉ tráng nước. Lần này Linh đã làm cho Phương khá ngạc nhiên. Theo trí nhớ của cậu thì Thủy Linh cũng chưa từng bao giờ sống ở một nơi không có máy rửa bát. Bà Lưu Thủy và ông Thịnh cũng chẳng phải dạng người bắt con gái tiểu thư phải học mấy công việc chân tay mà cả đời chắc chắn sẽ không đụng đến này. Cớ sao lại có thể rửa thành thục như vậy?
“Anh Khanh dạy Linh đấy.” Linh buột miệng. Vô tình lại đáp trúng vấn đề Phương đang thắc mắc.
À, vâng. Nói theo ngôn ngữ của Tường Lâm thì Linh đã bị lây “virus nông dân” từ Khanh. Bao gồm cả việc không dưng vật vã tập xe đạp. Cái gì xe đạp chứ? Nam Phương cũng chưa bao giờ biết đi xe đạp. Một bước lên máy bay hai bước xuống xe hơi. Tập xe đạp làm gì? Thể thao thì chạy bộ là quá đủ.
“Nam Phương, đã lâu lắm rồi mấy anh em mình mới được cùng nhau nghỉ hè như thế này.” Linh lại tiếp tục thỏ thẻ phát biểu cảm nghĩ. Đôi mắt nâu sáng long lanh, cô bé tỏ ra thật hạnh phúc. “Phương phải vui lên mới đúng.”
“Nhưng…” Còn cuộc thi quan trọng, bốn năm mới tổ chức một lần…
“Nếu Phương chịu dành chút thời gian ọi người, thì Linh nghĩ chú Quý và anh Lâm sẽ không quấy rầy Phương luyện tập nữa đâu.” Linh nhẹ nhàng góp ý.
“Chị nghĩ vậy thật hả?” Phương ngớ ngẩn hỏi lại. Không thể phủ nhận, cậu có chút xiêu lòng khi nghe giọng điệu ngọt như mía lùi của cô chị họ bằng tuổi.
“Nhìn kìa!” Linh không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, thay vào đó là chỉ ra hướng vườn.
Mưa đã tạnh hẳn. Trong khu vườn đẫm ướt, đom đóm lặng lẽ bay trên những cành lá vừa được gột rửa, tỏa ánh sáng đẹp đẽ như một khung cảnh thần tiên.
“Lâm! Mang quả dưa hấu ra đây. Mọi người ra hiên nhà ngồi bổ dưa ăn!” Chú Quý hào hứng ra lệnh, không quên bổ sung. “Cả thằng Phương nữa!”
Nam Phương hết nhìn ra khoảng vườn đầy đom đóm bay, vừa phân vân nhìn lại căn phòng ở cuối hành lang, nơi đặt cây piano gỗ sồi quý hiếm.
Suýt chút nữa, Phương đã theo mọi người ra vườn, nếu như không nghe thấy lời “khích lệ” đầy tính cạnh khóe của Tường Lâm.
“Phải đó, cứ làm như không ôn luyện một buổi sẽ lụt nghề đi không bằng…”
Rầm! Rốt cuộc, lại một cánh cửa yếu ớt nữa lại đứng trước nguy cơ tan rã trước lực cánh tay tưởng chừng mảnh khảnh của thiên tài họ Vũ.
…
Phương mở nắp đàn, bắt đầu dượt lại một lượt bản Concerto số 2 đã định sẽ biểu diễn ở vòng chung kết cùng dàn nhạc giao hưởng. Cậu chắc chắn sẽ vào đến vòng chung kết nên sự chuẩn bị này không có gì là thừa thãi. Piano Concerto số 2 của Chopin, bấy giờ cũng là một cậu bé mới lớn. Đầy hoài nghi về bản thân, mỗi nốt nhạc đều như một lời tự vấn… Nhiều nhà phê bình cho rằng, âm nhạc của Chopin luôn mang một sự khờ dại và tâm trạng bị ruồng bỏ… Khoan đã, cái gì bị ruồng bỏ? Nghĩ đến đây, Phương lại càng cảm thấy bực bội. Rốt cuộc, lại dừng tay đàn giữa chừng.
Rõ là vì thời tiết quá nóng bức. Ừ thì Nagano. Ừ thì gió từ cao nguyên thổi tới. Ừ thì mới chỉ trên 30°C. Nhưng những ngày này, đặc biệt là trước cơn mưa bão kinh hoàng ban nãy, trời oi khủng khiếp. Đối với một người con của xứ sở ôn đới như Phương, khí hậu như vậy thật có chút không quen thuộc.
Đưa tay với lấy cốc nước tinh khiết để ngay trên hộp đàn, Phương không rõ có phải mình hoa mắt hay không, nhưng rõ ràng chất nước bên trong vừa sóng sánh một cách bất thường.
Cậu cầm lên ly nước, chưa uống được một nửa đã nghe tiếng reo hò ầm ỹ vọng ra từ phòng sinh hoạt đối diện khu vườn.
“Ha ha, em thắng rồi! Một, hai, ba… Mười sáu! Em được nhiều bài nhất!” Giọng Ái Vân chói lói vang lên.
“Lần đầu tiên em chơi Karuta mà thắng đấy!”
“Em đương nhiên thắng!” Tường Lâm hừ giọng. “Ở đây chỉ có em học tiếng Nhật từ mẫu giáo! Con Linh thằng Khanh thậm chí mới sang chưa đầy một năm!”
“Chú Quý ở đây mười năm rồi!” Vân gân cổ cãi.
“Chú ấy nhường em thôi!” Lâm hừ giọng. “Chẳng có gì đáng tự hào!”
“MẤY NGƯỜI KHÔNG THỂ TRẬT TỰ ĐƯỢC MỘT GIÂY HAY SAO?!”
Cánh cửa yếu ớt đáng thương lại “được” kéo ra một cách thô bạo.
Trong giây lát, chiếc cốc thủy tinh chứa chất nước trong suốt văng từ trên hộp đàn rơi xuống, va đập vào chân ghế vỡ tan.
RẸT|||…
“TƯỜNG LÂM! NẰM XUỐNG!”
Tatami rung động. Đèn treo lắc lư. Chuông gió kêu leng keng còn bình hoa trên bàn chao đảo rồi đổ ập, nước rơi lênh láng.
Phải mất chừng ba, bốn phút. Mọi chuyện mới trở lại bình thường.
Ở trên sàn nhà, tất cả vẫn chưa hoàn hồn. Chú Quý lúc nào cũng vật vờ thiếu nghiêm túc, lại là người phản ứng nhanh nhất đã đẩy cả hai anh em Khanh, Linh ngã ra rồi ngồi úp xuống để che chắn cho hai đứa, trước khi hét lên ra lệnh cho cháu ruột.
Rốt cuộc, tiếng khóc thút thít của Ái Vân đã trả lại sinh khí cho căn phòng.
“Em khóc cái gì?! Nếu có bị làm sao thì anh chết trước, còn muốn gì nữa?!” Nam Phương cũng vừa mới hoàn hồn, bực mình buông Vân ra, rồi đứng dậy.
Cô tiểu thư nhà Tôn Nữ vẫn ngồi nguyên tại chỗ, hai tay ôm mặt, nghe thấy vậy, khóc càng to hơn. Thủy Linh bấy giờ mới lồm cồm bò dậy, bản thân mặt xanh như tàu lá, vẫn cố gắng lết đến bên cạnh Vân, ôm lấy cô nhóc trấn an.
“Mọi người có thấy trùng hợp không? Có nghĩ tại sao đang yên đang lành tự dưng lại có động đất không?” Tường Lâm đã ngồi xếp bằng, vừa vuốt lại mái tóc hơi rối, vừa giả bộ ngây thơ lên tiếng, không hề tỏ ra sợ hãi tình huống nghiêm trọng mới rồi.
“Tại Nam Phương nói lớn quá.” Khanh thản nhiên, vừa đứng dậy kiếm dụng cụ thu dọn những mảnh vỡ.
Giọng điệu thật thà của Khanh khiến cho cả nhà phá lên cười. Ngay cả Ái Vân đang mếu máo cũng thành ra bật cười.
Rốt cuộc, đến cả Nam Phương chịu hết nổi cũng bật cười thành tiếng. Vỏ bọc công tử kiêu căng khó tính, cuối cùng đã rạn nứt chỉ vì một cơn động đất.
Ngoài kia, bằng cách nào đó, đom đóm vẫn bay dưới vòm cây.
“Nếu vừa rồi, là một trận động đất 9,0 độ richte thì Ái Vân là vui vẻ nhất, chết khi vừa thắng Karuta.” Chú Quý cười hiền lành, ngồi chồm hỗm xoa đầu cô cháu gái.
Nước mắt trên gương mặt tròn trịa của cô bé đã khô ráo, nhường chỗ cho nụ cười sáng lấp lánh.
“Còn cháu là đáng thương nhất. Chết khi chưa có cái giải nào ra hồn.” Phương hừ giọng. Nhưng lại ngồi xuống tatami, với tay lấy bộ bài.
Trước ba, bốn cặp mắt ngạc nhiên đang hướng về phía mình, Phương giơ bộ bài Karuta lên ngang mặt Vân.
“Chơi lại đi. Lần này em không thể thắng được đâu. Vì đã có anh rồi.”
…
Rốt cuộc, ván bài của ngày hôm đó, Ái Vân thua nhưng chú Quý mới là người chiến thắng. Khi thu dọn bộ bài, chú có nói một câu.
“Mỗi khi cháu thua cuộc, đều là vì suy nghĩ, cân nhắc quá nhiều. Trong cờ bạc, trong nghệ thuật và cả trong tình yêu, ăn thua là ở trực giác.”
Không rõ lời nhận xét này có thể chạm vào lòng một cậu thiếu niên mười ba tuổi hay không, nhưng cuộc thi piano quốc tế Chopin năm ấy, Vũ Nam Phương đạt giải cao nhất đầy thuyết phục. Cũng trong cái đêm chơi bài trong thung lũng đó, Phương đã sáng tác ra một nhạc phẩm gây tiếng vang không kém gì “Cô gái nhặt hạt dẻ” của ba năm về trước.
Nhạc phẩm mang tên “Tremblement de terre” – “Động đất.”
…
Hai năm sau, chú Quý thật sự đã ra đi bởi một trận động đất 9,0 độ richte.
Bởi vậy, mùa hè năm ấy, cũng là lần cuối cùng họ còn tập trung đông đủ.
Từ đó trở đi, trong hành trang lưu diễn khắp thế giới của thiên tài nhạc cổ điển Vũ Nam Phương, không bao giờ thiếu đi một mảnh gỗ sồi màu đỏ, nguyên là một phần của giá nhạc bằng gỗ, tàn tích cuối cùng của cây đàn Pleyel ngày ấy, mà trong nhật ký được tìm thấy giữa đống hoang tàn, người chú họa sĩ đã khẳng định sẽ để lại cho đứa cháu thân yêu nhất.
Chín năm nhàn nhạt trôi qua. Nam Phương trưởng thành có thể từ bỏ thói quen “suy nghĩ quá nhiều” để tìm ra hạnh phúc thật sự hay không, lại là một câu chuyện khác.
—