Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra

Chương 59


Đọc truyện Đôn Kihôtê – Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra – Chương 59

Đôn Kihôtê đã gặp những chuyện gì trên đường đi thăm tình nương là Đulxinêa làng Tôbôxô?

Amêtê Bênêhenli mở đầu chương tám này bằng câu: “Cảm ơn thánh Ala toàn năng!” và nhắc đi nhắc lại ba lần. Ông giải thích sỡ dĩ thốt lên những lời cảm tạ đó vì ông nhìn thấy Đôn Kihôtê và Xantrô lên đường, và độc giả cuốn sách lý thú của ông có thể tin tưởng được rằng từ đây trở đi bắt đầu những công tích của Đôn Kihôtê cũng như những câu nói đậm đà của bác giám mã. Ông yêu cầu độc giả hãy quên những chiến công mà nhà quý tộc đã giành được trên cánh đồng Môntiel 1 và hãy chú ý tới những chiến công tương lai mà chàng sẽ lập trên con đường đi tới Tôbôxô. Kể ra, yêu cầu của ông cũng không quá cao so với điều ông hứa hẹn. Ông kể tiếp như sau:

Lúc này, trên con đường chỉ còn lại Đôn Kihôtê và Xantrô Panxa. Cậu Tú Xanxôn Caraxcô vửa đi khỏi thì con Rôxinantê bắt đầu hí vang và con lừa cũng lên tiếng khiến chàng hiệp sĩ và bác giám mã coi là điềm vô cùng tốt lành. Nói của đáng tội, tiếng kêu và tiếng thở dài của con lừa to hơn tiếng hí của con ngựa khiến cho Xantrô kết luân rằng vận may của bác phải lớn hơn của chủ. Không hiểu có phải bác căn cứ vào khoa chiêm tinh học mà bác nắm được không, sách không nói rõ điều này. Chỉ biết mỗi khi bác vấp hoặc ngã, người ta lại nghe thấy bác lẩm bẩm: “Thà đừng bước ra khỏi nhà vì một lần vấp ngã chỉ tổ rách giày và gẫy xương sườn”. Tuy ngốc nghếch, bác nói câu đó không đến nỗi sai lầm.

Lúc này, Đôn Kihôtê bảo bác:

– Anh bạn Xantrô ạ, chúng ta càng đi thì trời càng tối, tối quá mức cần thiết khiến chúng ta không thể nhìn thấy Tôbôxô vào đầu ngày mai được. Tôi quyết tâm tới đó trước khi lao vào một cuộc phiêu lưu mới để xin nàng Đulxinêa vô song ban phúc và cho phép ta ra đi. Sau khi được phép của nàng, ta nghĩ và tin chắc sẽ giải quyết một cách tốt lành mọi cuộc phiêu lưu mạo hiểm vì không có gì trên đời này làm cho một hiệp sĩ giang hồ trở nên dũng cảm hơn sự chở che của tình nương.

– Tôi cũng nghĩ như vậy, Xantrô đáp; tuy nhiên, tôi thấy ngài khó có thể nói chuyện được với bà ta hoặc gặp được bà ta ở nơi nào thuận tiện để nhận lời chúc phúc trừ phi bà ta leo lên bức tường ở sân nuôi gà vịt để ban phúc cho ngài. Chính tại đây, lần đầu tiên tôi gặp bà ta khi tôi đem đến bức thư kể những hành động ngớ ngẩn và điên rồ của ngài trong núi Môrêna sâu thẳm.

– Xantrô, sao anh dám nói là đã gặp con người kiều diễm, xinh đẹp ấy ở sân nuôi gà vịt, một con người mà bao nhiêu lời ca ngợi cũng không đủ? Chắc hẳn phải gặp nàng trong hành lang và sân trước của một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ.


– Có thể như vậy, Xantrô đáp. Tuy nhiên, nếu tôi không thiếu trí nhớ, tôi cảm thấy đó là sân nuôi gà vịt.

– Xantrô, ta lên đường thôi, Đôn Kihôtê bảo; miễn là ta gặp được nàng, dù ở sân nuôi gà vịt hay trong vườn hoa. Chỉ cần sắc đẹp của nàng rọi một ánh hào quang vào mặt ta cũng đủ soi sáng trí tuệ và khích lệ trái tim ta, khiến ta trở thành một con người trí dũng vô song.

Xantrô đáp:

– Quả thật khi tôi nhìn thấy ánh hào quang của bà Đulxinêa làng Tôbôxô, tôi chẳng thấy nó rực rỡ gì lắm để có thể tỏa ra những tia sáng cả. Có thể là lúc đó lệnh bà đang sàng thóc, bụi mù như mây đen ám cả mặt.

– Sao, anh Xantrô, anh vẫn một mực nghĩ, tin và nói rằng nàng Đulxinêa của ta sàng thóc ư? Đó là một công việc và một nghề hoàn toàn xa lạ đối với những yếu nhân sinh ra trên đời để làm những việc khác, đứng cách xa một tầm nỏ cũng thấy được tính chất quan trọng của những công việc đó. Ôi, Xantrô, anh quên mất rồi những câu thơ của một thi sĩ miêu tả công việc của bốn nữ thần ở động pha lê, khi họ từ lòng sông Tahô đáng yêu nhô đầu lên và ngồi xuống thảm cỏ xanh dệt những tấm vải quý bằng vàng, bằng lụa, bằng ngọc. Chắc là khi anh gặp tình nương của ta, anh cũng thấy cảnh đó, trừ phi có một pháp sư xấu xa đem lòng ghen ghét, biến tất cả những cái gì hay của ta thành dở. Chính vì vậy mà ta e rằng cuốn sách in viết về những chiến công của ta, tác giả – nếu như là một pháp sư thâm thù ta – sẽ đưa ra những câu chuyện bịa đặt, trong một nghìn chuyện giả mới có một chuyện thật, hoặc kể lại sự việc lạc đề làm mất liên tục của toàn bộ câu chuyện. Ôi, ghen ghét, nguồn gốc gây nên bao tai họa, sâu mọt đục khoét những đức tính của con người! Anh Xantrô, tật xấu nói chung chứa đựng một cái đáng yêu, riêng tật ghen ghét chỉ đem lại kinh tởm, hiềm thù và tức giận.

– Tôi cũng nghĩ như ngài, Xantrô nói, và tôi đoán rằng trong cuốn sách mà cậu Tú bảo là có thấy người ta viết về ngài và tôi, người ta đem tôi ra bêu giếu hết lời. Lấy danh dự của một người quân tử, tôi không hề nói xấu một pháp sư nào, và tôi cũng chẳng có cái gì để thiên hạ phải tức tối. Thực tình, tôi cũng vào loại ranh ma, xỏ lá ba que cũng được, song tất cả những cái đó được che đậy dưới bộ mặt chất phác thật thà, không chút giả dối của tôi. Một khi tôi giữ vững lòng tin sắt đá và chân thành vào Chúa và tin vào tất cả những gì mà giáo hội công giáo Rôma tin, một khi tôi là kẻ tử thù của bọn Do thái, chắc các sử gia sẽ thương tới tôi và nói tốt về tôi. Nhưng thôi, tùy họ muốn nói gì cũng được, tôi sinh ra trần trụi và cũng chẳng được gì; cứ biết là tôi có tên tuổi trong sách và sách đó được chuyển từ tay người này sang tay người khác khắp thế gian, ngoài ra họ muốn gì về tôi, tôi cũng chẳng quan tâm.

– Thế thì cũng giống như câu chuyện một thi sĩ nổi danh thời nay. Ông ta làm một bài thơ châm biếm các mệnh phụ trong triều; trong bài thơ đó, ông ta không nêu tên một bà mà người ta không biết có phải là mệnh phụ hay không. Không thấy nhắc tới mình trong bài thơ, bà ta bèn phàn nàn với nhà thơ, nói rằng: “Ông coi tôi như thế nào mà không liệt tôi vào hàng những mệnh phụ kia. Xin hãy kéo dài thơ ra để nói về tôi. Nếu không, hãy coi chừng”. Nhà thơ phải thêm một đoạn nữa, trong đó ông ta châm biếm bà ta một cách sâu cay; riêng bà ta lấy làm hài lòng vì thấy mình được nổi tiếng, mặc dù tiếng xấu. Lại có một chuyện tương tự, kể một anh chàng chăn cừu muốn cho tên tuổi mình được sống mãi trong các thế kỷ tương lai, đã châm lửa đốt ngôi đền nổi tiếng thờ nữ thần Điana, một trong bảy kỳ quan thế giới; và mặc dù có lệnh cấm không ai được nhắc tới tên chàng đó – hoặc bằng miệng, hoặc nhắc trên giấy – để cho anh ta không đạt được nguyện vọng, người ta vẫn biết tên anh chàng là Erôxtratô. Lại có một chuyện khác cũng giống như chuyện bà mệnh phụ nọ, đó là chuyện đại đế Carlô thứ năm ở Rôma. Một hôm, hoàng đế muốn thăm ngôi đền Rôtunđa nổi tiếng. Thời trước, người ta gọi là đền thờ các vị thần, còn ngày nay gọi là đến thờ các vị thánh. Trong số những ngôi đền do người dị giáo lập nên, đó là công trình còn nguyên vẹn nhất nói lên tất cả tính chất vĩ đại của những người xây dựng nó. Ngôi đền Rôtunđa trông như trái cam bổ đôi, rộng mênh mông, bên trong rất sáng sủa, mặc dù ánh sáng chỉ lọt qua một khung cửa sổ, hay nói đúng hơn, một cái cửa mắt bò ở trên nóc. Từ trên cái cửa tròn đó, hoàng đế nhìn xuống ngôi đền. Một triều thần La Mã đứng bên cạnh giới thiệu những đường nét tinh xảo của công trình kiến trúc vĩ đại và tuyệt vời này. Khi hai người rời khỏi ngôi đền, viên quan mới thưa với hoàng đế: “Muôn tâu bệ hạ, một nghìn lần thần đã nảy ra ý định ôm chặt lấy thánh thể và gieo mình từ trên cửa sổ mắt bò xuống đất để được mãi mãi nổi tiếng trên đời”. Hoàng đế đáp: “Trẫm cảm ơn ngươi đã không thực hiện ý nghĩ tai hại đó. Từ nay trở đi, trẫm sẽ không để cho ngươi có dịp nào khác thử thách lòng trung thành của mình nữa, bởi thế trẫm truyền từ nay ngươi không bao giờ được nói với trẫm và đứng bên cạnh trẫm”. Nói rồi, nhà vua ban thưởng cho viên quan. Xantrô, qua những điều kể trên, ta muốn nói rằng, lòng ham danh vọng của con người thật vô cùng mãnh liệt. Anh có biết ai đã đẩy chàng Ôraxiô mình đầy vũ khí từ trên cầu xuống sông Tibrê sâu thẳm không? Ai đã thiêu cháy tay và bàn tay của Muxiô? Ai đã thúc đẩy Curxiô lao mình xuống vực sâu nóng bỏng ngay giữa thành Rôma? Ai, mặc dù nhìn thấy điềm không lành, đã thúc giục Huliô Xêxar vượt sông Rubicôn? Lại còn những ví dụ gần đây hơn. Ai đánh đắm chiến thuyền của các chiến binh dũng cảm Tây Ban Nha ở Tân thế giới do ngài Cortêx chỉ huy khiến cho họ thất điên bát đảo? Tất cả những sự việc kinh thiên động địa ấy cùng bao nhiêu những chuyện khác, đã, đang và sẽ là kết quả của lòng ham danh vọng mà người đời coi là phần thưởng quý giá đưa họ tới chỗ bất diệt mà họ xứng đáng được hưởng. Thế nhưng, những người Kitô giáo và những hiệp sĩ giang hồ như chúng ta không ham muốn những hư danh mỏng manh của thời hiện tại. Chúng ta muốn vươn tới vinh quang của những thế kỷ tương lai, một vinh quang vĩnh cửu trên cõi đời thanh khiết. Danh vọng, dù bền lâu đến mấy, cũng sẽ tiêu tan cùng thế giới này, một thế giới không tồn tại mãi mãi. Bởi vậy, anh Xantrô ạ, chúng ta không được hành động ngoài khuôn khổ quy định của tôn giáo mà chúng ta đang theo. Chúng ta phải diệt bỏ tính kiêu ngạo bằng cách trừ bỏ bọn khổng lồ, chúng ta phải khắc phục tính ghen ghét bằng tấm lòng độ lượng và cao thượng, nỗi tức giận bằng sự kiềm chế và thư thái của tâm hồn, tính ham ăn ít ngủ bằng ăn ít và thức nhiều, tính dâm đãng bằng lòng chung thủy với con người ta tôn thờ là nữ chủ nhân của linh hồn ta, và cuối cùng, người ta khắc phục tính lười biếng bằng cách đi khắp thiên hạ tìm những cơ hội khiến cho chúng ta – những người Kitô ngoan đạo – trở thành những hiệp sĩ nổi danh. Xantrô, đó là những biện pháp đạt tới đỉnh cao của vinh quang, kết quả của một sự nổi danh chính đáng.


– Tất nhiên những điều ngài vừa nói, tôi đều hiểu hết, Xantrô đáp. Tuy nhiên, tôi mong ngài giả đáp cho một thắc mắc mới nảy ra trong đầu óc tôi.

– Xantrô, chắc anh định nói giải đáp, Đôn Kihôtê bảo. Được, cứ nói, ta biết tới đâu sẽ trả lời tới đó.

– Xin hỏi ngài, Xantrô tiếp tục, các ông Huliô, Agôxtô cùng tất cả các hiệp sĩ có công mà ngài vừa kể ra không còn sống ở trên đời này nữa, vậy bây giờ họ ở đâu?

– Chắc chắn là những người dị giáo ở dưới địa ngục, Đôn Kihôtê đáp; còn những người Kitô giáo ngoan đạo ở nơi luyện tội hoặc ở trên thiên đàng.

– Tốt lắm, Xantrô nói, song ta cần biết một điều sau đây: phía trước những ngôi mộ trong đó nằm những ông tai to mặt lớn có đặt những cây đèn bằng bạc không? Và trên bức tường những nhà thờ các ông có bày biện gậy, khăn liệm, trâm và mắt bằng sáp ong không? Nếu không có những thứ đó thì bày cái gì?

Đôn Kihôtê đáp:


– Những phần mộ của người dị giáo đa số là những ngôi đền nguy nga. Di hài của Huliô Xêxar được đặt trên một kim tự tháp bằng đá rất to mà ngày nay ở Rôma người ta gọi là đỉnh nhọn Xan Pêđrô. Mộ của hoàng đế Ađrianô là một tòa lâu đài to bằng cả một cái làng, tên gọi trước kia là Môlêx Ađriani, nay là lâu đài Xantanhel ở Rôma. Hoàng hậu Artêmixa xây cho đức ông chồng là nhà vua Maoxôlêô một ngôi mộ được coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Nhưng tất cả những ngôi mộ của người dị giáo đều không có bày khăn liệm hoặc những cúng vật khác, chứng tỏ những người nằm trong đó đã hóa thánh.

– Đến đây, tôi xin hỏi thêm: trong hai việc là làm sống lại một người chết và giết một tên khổng lồ, việc nào tốt hơn? Xantrô hỏi vặn.

– Câu trả lời ở trong tầm tay, Đôn Kihôtê đáp, làm người chết sống lại tốt hơn chứ.

– Thế là ngài thua tôi rồi nhé! Xantrô reo lên. Như vậy tức là những ai làm cho người chết sống lại, người mù nhìn thấy ánh sáng, người què cứng chân, mạnh tay, người ốm trở lại khỏe mạnh, những ai khi chết có thắp đèn sáng trên ngôi mộ của mình, những người đó còn nổi tiếng trong thế kỷ này và các thế kỷ sau hơn cả tất cả các hoàng đế dị giáo và các ông hiệp sĩ giang hồ trên đời này.

– Ta cũng công nhận sự thật đó, Đôn Kihôtê nói.

Xantrô lại tiếp:

– Như vậy là thi hài và di hài của các vị thánh được hưởng tiếng tăm và mọi sự ưu tiên ưu đãi. Được giáo hội chấp thuận và cho phép, mộ của các vị đó cũng có đèn bằng bạc, nến cây, khâm liệm, gậy, hình vẽ, tóc, mắt và chân bằng sáp khiến cho danh tiếng của họ càng nổi lên và người đời càng thêm ngưỡng mộ. Vua chúa cũng khiêng thi hài hoặc hài cốt của các vị đó, hôn từng khúc xương và đem về trang trí trong phòng cầu nguyện cũng như bàn thờ của mình.


– Xantrô, tất cả những điều anh nói, anh định đi đến kết luận gì? Đôn Kihôtê hỏi.

– Tôi định nói rằng, thầy trò ta phải làm sao trở thành thánh để được nổi danh một cách nhanh chóng hơn, Xantrô đáp. Xin ngài biết cho rằng, hôm qua hoặc hôm kia (có thể nói như vậy vì câu chuyện mới xảy ra được ít bữa nay), có hai thầy tu khổ hạnh được phong thánh hoặc á thánh. Mọi người coi như một niềm hạnh phúc lớn khi được hôn và sờ vào những xiềng sắt mà hai vị đã buộc quanh người để tự làm nhục thể. Theo lời đồn, những dây xiềng đó được tôn sùng hơn cả thanh gươm to của Rôlđan bày trong phòng vũ khí của Đức vua chúng ta. Bởi vậy, thưa ngài, thà làm một thầy tu bình thường của bất kỳ dòng thánh náo còn hơn làm một hiệp sĩ giang hồ dũng cảm. Chịu hai tá roi phạt còn được Chúa thương hơn là đâm hai ngàn ngọn giáo vào những tên khổng lồ và những con quái vật.

– Đúng thế đấy, Đôn Kihôtê đáp; tuy nhiên chúng ta không thể làm thầy tu hết được, và Chúa còn nhiều con đường khác để dẫn con người tới cõi trời. Hiệp sĩ đạo cũng là một tôn giáo và có những hiệp sĩ-thánh trên thiên đường.

– Phải, Xantrô đáp; nhưng tôi nghe nói trên trời có nhiều thầy tu hơn hiệp sĩ giang hồ.

– Đúng, Đôn Kihôtê nói; vì rằng số nhà tu đông hơn số hiệp sĩ.

– Có nhiều nhà giang hồ đấy chứ, Xantrô vặn lại.

– Nhiều đấy, song có ít người xứng danh là hiệp sĩ.

Với những câu đàm thoại như vậy hoặc tương tự, đêm hôm đó và cả ngày hôm sau trôi qua, không có chuyện gì đáng kể, khiến Đôn Kihôtê phiền lòng lắm. Ngày hôm sau nữa, vào lúc sẩm tối, hai người nhìn thấy thành Tôbôxô vĩ đại. Đôn Kihôtê khấp khởi mừng thầm, còn Xantrô thì buồn ủ rũ. Số là bác không biết nhà Đulxinêa ở đâu. Cũng như chủ bác, cả đời bác chưa nhìn thấy nàng bao giờ, thành thử cả hai thầy trò đều bồn chồn tấc dạ, một người vì mong gặp mặt, người kia vì chưa gặp bao giờ. Xantrô không thể tưởng tượng nổi mình sẽ ăn nói ra sao đây một khi chủ bảo đi tìm nhà Đulxinêa. Cuối cùng, Đôn Kihôtê chờ đợi, họ nghỉ chân dưới một khóm cây sồi mọc ở bên ngoài thành Tôbôxô. Giờ hành động đã điểm, hai người vào thành, tại đó họ gặp hết chuyện này đến chuyện khác.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.