Đợi Một Loài Hoa Nở

Chương 13: Về quê


Đọc truyện Đợi Một Loài Hoa Nở – Chương 13: Về quê


//
– Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com – – Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com –

(Ảnh: Internet)

Một tuần nữa trôi qua, tôi ôm đồm hết những công việc quản lý, thu ngân, giao hàng. Vừa làm chủ vừa làm nhân viên, tôi chạy như con thoi trong lòng thành phố, tất nhiên với chiếc khẩu trang trên mặt. Nếu để mặt “mộc” ra bán như tuần đầu tiên, tôi đảm bảo một ngày bán chỉ có hai ổ bánh mì thôi, một cho ông lão Phật Di Lặc tốt bụng, hai cho chị bán bánh ướt thân thiện. Tôi thầm cười trong lòng.

Ban ngày tôi hoàn thành những đơn hàng của khách gọi điện tới đặt trước, có khi còn cả những đơn cung cấp cho khách du lịch, các em học sinh đi tham quan, hoặc cho những anh chị nhân viên làm văn phòng. Tối đến, tôi bày xe bánh mì ngay khu công nghiệp lớn có vốn đầu tư của nước ngoài, phải khó khăn lắm mới có được một chỗ bán nhỏ xíu như vậy, nhưng đổi lại không tệ chút nào. Công nhân, nhất là các bạn nữ thích mua bánh mì của tôi lắm. Họ bảo nó ngon, lạ, giá cả phải chăng, chỉ cần bỏ ra tầm mười đến mười lăm nghìn đã có một bữa tối no bụng để tăng ca.

Làm thì vất vả, nhưng tôi không cảm thấy mệt mỏi, ngược lại tôi thấy mình dẻo dai hơn, sức khoẻ tốt hơn và đặc biệt tin thần ngày càng phấn chấn. Hạnh phúc khi được cầm trên tay những đồng tiền từ sức lao động chính đáng của mình, nhờ vậy tôi nghĩ ra được nhiều cái mới mẻ trong phương pháp thu hút khách hàng, tăng số lượng sản phẩm tiêu thụ. Chẳng hạn dịp Tết cổ truyền này, khách hàng nào đặt số lượng bánh mì trên năm ổ sẽ được tặng móc khoá handmade hình hoa mai vàng bằng gỗ đáng yêu, một mặt là những câu châm ngôn bổ ích, mặt kia là logo (biểu trưng) vô cùng ấn tượng của thương hiệu “Mix Bread” do tôi tự tay thiết kế. Và nếu như trên mười ổ thì ngoài tặng móc khoá và miễn phí ship (phí giao hàng) sẽ được giảm giá 15% tổng đơn hàng.

Hai mươi chín âm lịch cũng tới. Hân hoan thu dọn hành lý, lọc cọc đem hết những thứ đồ linh tinh đóng gói, khoá lại phòng trọ, tôi lái con ngựa sắt một đường về thẳng quê. Từ mấy ngày trước, tôi đã đăng tin tạm nghỉ Tết cho mọi người biết. Chuẩn bị đâu vào đó cho nên tôi mới có tâm trạng về quê quên đi những căng thẳng, lo lắng và cực kỳ thư thái như vậy.

Đường hôm nay đông nghịch. Lạ! Sao ai cũng tranh nhau về vào những ngày cận Tết thế nhỉ? Tôi nghĩ mọi người phải về từ mấy ngày trước chứ, nào ngờ cũng còn lắm kẻ “tham công tiếc việc” như tôi, lắc đầu, tôi cười thầm. Len lỏi trong dòng người nhích từng chút một, mỗi năm giây tôi chỉ xê dịch được có vài ba mét, với đoạn đường hơn trăm ki lô mét, chừng nào tôi mới về tới nhà đây? Quả thật tôi đã được mở rộng tầm mắt thế nào là “đặc sản” giữa thành phố nhộn nhịp này. Vậy mà tôi vẫn về được tới nhà, may quá! Từ thành phố về tới quê, tôi ngoạn mục kéo dài thời gian gấp ba lần bình thường. Thở hắt ra, tự thưởng: “Tôi thật là tài năng!”


Được đặt chân về lại mảnh đất thân thuộc làm lòng lâng lâng lạ thường. Tôi yêu Tết quê hương vì ở đó có gia đình, có người thân yêu và có cái gọi là nhà. Đợi cả một năm dài đằng đẵng cuối cùng hoa mai trong vườn cũng nở! Loài hoa báo hiệu sự chuyển mình của đất trời và của những gì thiêng liêng nhất.

Tối đến, tôi với em gái đi xem chợ hoa, mệt mỏi quá nên ghé qua nhà hàng sân vườn nhỏ của chú Chín sát bên hông chợ nghỉ, ngồi ở nơi quen thuộc ngay sát cửa sổ lớn trông xuống đường, ở tầng một có thể phóng tầm mắt thưởng thức chợ hoa lung linh bên dưới thì còn gì bằng.

Năm nào phiên chợ Tết cuối cùng vào đêm hai mươi chín âm lịch quê tôi cũng đông vui náo nhiệt, nhưng không hiểu sao năm nay lại lặng lẽ hơn năm trước? Hình như nó cũng biết buồn khi bà không còn nữa. Tôi cười nhạt rồi nâng cốc cà phê đậm đặc lên môi uống một hớp, vị nguyên chất của hạt cà phê còn đọng lại làm tê đầu lưỡi. Bị mùi vị ấy làm cho say, tôi chợt hiểu ra được một cái gì đó. Có lẽ tôi đã quá bảo thủ, trải qua bao nhiêu chuyện đắng cay ngọt bùi tôi nên cho bản thân một cơ hội, tha thứ cho những lỗi lầm trong quá khứ. Từ một ngóc ngách chật chội nào đó của  tâm hồn tôi đang thì thầm: “Ngoại ơi! Ngoại tha thứ cho con nhé! Con đã mệt mỏi rồi, có được không ngoại?”

Chốc chốc, tôi lại nhìn ra dòng người ngoài kia. Xe máy hai hàng xuôi ngược chen nhau tiến tới từng chút một, giống như vô số con ốc sên chậm chạp với cái mũ quái gở trên đỉnh đầu đang cố bò nhanh nhất có thể trên lòng đường chật hẹp. Hai bên lề, những người chủ bán hoa trông chờ khách hàng mà chẳng thấy ai, thỉnh thoảng họ ngó ra dòng người đang nhìn chòng chọc những bông hoa của họ mà không mua lấy một chậu nào, họ ngán ngẩm ngáp một cái hình như tôi còn nghe được cả tiếng thở lê thê kéo theo sau. Thôi suy nghĩ, tôi bưng cả cốc cà phê lên, uống cạn, như uống hết những điều phiền muộn của cuộc đời. Cà phê rất đắng, đắng như chính tâm trạng lúc này của tôi!

Do mệt mỏi nên tôi không nhớ em gái đèo tôi về nhà như thế nào nữa. Thôi kệ đi vậy, tôi cười rồi nhanh chóng leo lên giường, đắp chăn ngủ. Trằn trọc đến ba giờ sáng mà tôi vẫn không tài nào chợp mắt được. Chợt gió nổi lên, thổi tung cửa sổ tôi khép hờ, bóng nhành mai vàng in trên tấm rèm hoa nhảy nhót. Đáng lý ra tôi phải hét lên rồi bất chấp lao ra khỏi phòng bằng mọi cách, nhưng không có, một chút sợ hãi cũng không có. Trong vô thức tôi đứng dậy, chân nhẹ tênh như lướt trên mây hướng về phía cánh cửa đang không ngừng đóng mở nhịp nhàng.

– Đẹp quá! – Tôi khẽ nói rồi chòm người ra cửa sổ.

Rừng mai nhỏ sáng bừng trong đêm tối, thứ ánh sáng huy hoàng nhưng rất đỗi dịu dàng, không phải mặt trời càng không phải mặt trăng mà chính là một tà lụa trắng, tà lụa trắng của tiên nhân trong giấc mơ tôi đã gặp.

– Mai Cô! – Âm thanh ấy lại vang lên như mời mọc.


Bàn tay thon dài vươn ra, những ngón tay lấp lánh. Lụa trắng không ngừng tung bay. Khoảnh khắc tôi không thể kiềm chế trái tim, bàn tay rục rịch giơ lên, bắt lấy. Lụa trượt qua tay, cảm giác mát rượi dễ chịu bị tước đoạt. Ánh sáng vụt tắt, bóng tối bủa vây, tôi hét lên:

– Đợi đã!

Vừa mở mắt ra thì đã rớt xuống giường.

– Ôi má ơi, thì ra là mơ! – Tôi thở phào, quẹt mồ hôi trên trán nói.

Bao lâu rồi, tôi đã sớm quên đi giấc mơ về tiên nhân áo trắng? Vì sao tôi lại mơ thấy anh, phải chăng đây là một điềm báo? “Bậy bạ, bậy bạ! Giấc mơ chỉ là giấc mơ mà thôi. Chỉ cần bản thân không tin là được.” Tôi tự trấn an mình trong khi đầu óc chờn vờn ý nghĩ muốn nhìn được gương mặt của tiên nhân kia. Nhưng rồi tôi liền đập lên trán rõ đau, cười bảo:

– Trời, là mơ mà! Mày nghĩ đi đâu vậy, Mai Cô?

Dứt lời tôi *** cồm bò dậy, vươn vai, theo thói quen dụi mắt một cái nhìn chiếc đồng hồ quả lắc.

– A… – Tôi la lên không tin vào mắt mình nữa.


Mai Kha cùng mẹ ngay lập tức chạy vội vào phòng tôi, thấy tôi mặt mày hớt hải còn không ngừng trỏ tay lên chiếc đồng hồ đang treo trên cột gỗ khiến hai người họ cũng lấy làm khó hiểu.

– Trời ơi! Hai giờ chiều rồi sao không gọi chị dậy? Cái con nhỏ này. Chị… chị thật tức quá đi mất! Á… – Lại hét lên, hai tay nắm tóc giật mấy cái, trông tôi chẳng khác nào một tên hề.

Nó giả vờ giận dỗi, mắt nó nheo lại như khóc:

– Chị này kỳ ghê! Thấy chị tối qua mất ngủ, nên em muốn để chị ngủ thêm chút nữa. Vậy mà chị còn không cảm ơn em, lại còn trách em nữa chứ.

– Em con nói đúng đó, thấy con ngủ say như vậy nên nó mới để con ngủ thêm, đừng có la nó, em nó thương con mà!

Mẹ với vẻ quan tâm thật lòng trong khi em gái Mai Kha lén sau lưng mẹ cười tủm tỉm, chêm lời:

– Phải rồi đó, chị hai! Em thương chị chứ bộ.

Đúng là tồi tệ mà! May mắn hôm nay không phải là ngày đầu năm mới nếu không chắc tôi hận và sẽ tự trách bản thân mình. Mấy năm trước vào ngày này, lúc nào tôi cũng dậy từ sáng sớm làm những công việc cuối cùng cho năm cũ thật nghiêm túc. Nhưng năm ngoái tôi cũng ngủ quên, thế là ngày cuối năm chẳng làm được việc gì ra trò, cũng chính vì lẽ đó tôi đã dằn vặt suốt cả đêm giao thừa. Người ta thường hay nói Tết thế nào cả năm thế ấy không sai mà, cả năm nay tôi lúc nào cũng sống trong tình trạng hối hận, lòng không thoải mái, cảm thấy bản thân như bỏ lỡ một thứ gì đó rất quan trọng.

Cái tính tôi là thế! Đến cả tôi cũng phải sợ, một khi đã không làm thì một móng cũng không động, đánh răng rửa mặt cũng muốn tiết chế, nếu thở cũng ngừng được thì tôi cũng đã ngừng luôn cho đỡ phiền. Còn một khi đã làm rồi phải làm cho đến cùng dù khó khăn cỡ nào cũng không nản chí, không làm tôi bỏ cuộc được. Cho nên nếu như có một việc gì đó dù là nguyên nhân vô tình hay cố ý không thể hoàn thành hoặc bỏ qua cũng làm tôi khó chịu đến mất ăn mất ngủ cũng nên, thậm chí là hết lần này đến lần khác mang ra đem vào tự làm khổ bản thân. Khổ là bản thân tôi khổ, nhưng người trong gia đình tôi luôn lấy đó làm niềm vui khi chứng kiến tôi phải vật lộn với lương tâm, nhất là em gái Mai Kha luôn coi điều đó là một trò cười và sẽ không bao giờ thôi cũ đối với nó. Cơ hội béo bở lần này, nó sẽ không dễ dàng bỏ qua. Lòng tôi thật chua chát vô cùng. Tôi tự cười nhạt một cái, cười cho chính bản thân mình.


Mẹ đi rồi, em gái cũng đi ra, nhưng trước khi đi nó còn nhướng mày rồi cong môi rất giảo hoạt, giống mấy nhân vật vai phản diện trong phim điện ảnh, thật là giống vô cùng.

Thôi suy nghĩ, tôi chạy ào vào phòng vệ sinh làm những gì cần làm một cách nhanh nhất có thể. Sau đó hối hả lấy bút viết lên nhiệm vụ “to lớn” trong giây phút cận kề thềm năm mới. Xong xuôi, đã tổng kết lại hết tất cả công việc cũng không nhiều lắm, chỉ có mười mấy gạch đầu dòng, hai việc cuối cùng là học gói bánh Tét và bằng mọi giá phải cùng gia đình ăn bữa cơm tất niên đầm ấm.

Một nhiệm vụ nữa đã hoàn tất với kết quả hoàn hảo, ngôi mộ của bà được tôi lau dọn tỉ mỉ, sạch sẽ, tất cả các mạng nhện giăng lên bởi những con nhện đầu chó chăm chỉ đêm qua, một chút tơ nhỏ cũng không còn. Ngồi nghỉ một lát, ôm cây đàn vào lòng bắt đầu ngân nga đôi ba câu cổ nhạc mà ngoại thường hay hát, hát cho bà, cho ông và cho một chuyện tình đi vào quá khứ.

Giai điệu nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu lắng làm tôi nhớ tới những ngày tháng còn vui vẻ, những ngày tháng có ngoại bên cạnh. Lúc đó tôi thật sự là người hạnh phúc nhất vậy mà tôi đã nhẫn tâm không nhận ra được. Không ai đoán trước được điều gì. Qua ngày hôm nay thôi, sẽ kết thúc một năm năm tháng lẻ sáu ngày đầy đau thương và mất mát này, quãng thời gian tôi sẽ không bao giờ quên và cũng sẽ không bao giờ muốn nhớ. Đây đúng là một trò đùa quá trớn của tạo hoá, tôi thầm mong cho nó chỉ là cơn ác mộng, ngày mai ngày đầu của năm mới tôi sẽ tỉnh giấc sẽ được gặp lại bà, ngoại của con!

Mà thôi, tôi không thể nào cứ cố chấp như vậy được. Hai mươi mấy tuổi, hơn một phần ba đời người; thử hỏi đời người có sáu mươi năm, rốt cuộc là dài hay ngắn? Biết là thế nhưng tôi lại vô tình lãng phí nó. Điều quan trọng nhất của tôi bây giờ không phải là tiếc nuối cho khoảng thời gian đã đánh mất, mà tôi phải nhanh nhanh sử dụng khoảng thời gian sắp tới của cuộc đời mình một cách hiệu quả nhất cho gia đình yêu quý hiện tại.

Nghĩ thông, tôi cầm cây đàn lên, đứng phắt dậy, sửa một tư thế hiên ngang nhất cho mình. Nếp nhăn trên trán giãn ra, hai vệt hằn giữa đôi lông mày cũng biến mất, khuôn mặt tươi vui lạ thường. Nụ cười trên môi không biết nở khi nào, trong lòng dâng lên cảm giác vui sướng, có thêm một chút bối rối giống như tôi vừa nhận ra được giá trị của cuộc sống này chính là biết quý trọng nó?!

Từ trong gian nhà bếp vọng ra tiếng gọi của cô em gái Mai Kha:

– Chị ơi! Vào chuẩn bị lá cho mẹ đi chị. Nhanh lên chị, để kịp gói bánh nữa đó!

– Ừ, nghe rồi! Chị vào ngay!

Tôi bước vào nhà, từng bước chân thong dong nhưng vững chãi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.