Bạn đang đọc Độc Thủ Phật Tâm (Ma Chưởng Ân Cừu) – Chương 48: Trong Tửu Lâu Phát Sinh Án Mạng
Từ Văn ngẩn người ra. Chàng thấy đối phương ăn mặc theo kiểu thư sinh, người
thanh tao mà ốm nhom, vào trạc hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi. Gã là một người lạ
chưa từng gặp mặt bao giờ. Chàng nghi ngờ hỏi lại :
– Phải chăng ông bạn kêu tại hạ ?
Thư sinh hỏi :
– Có phải thiếu hiệp họ Từ không ?
Từ Văn giật mình kinh hải. Việc chàng hóa trang, ngoài Diệu Thủ tiên sinh chẳng
một ai hay, thế mà sao người lạ mặt này lại nói trúng họ chàng, thì chàng không kinh
hãi sao được.
Từ Văn hỏi lại :
– Cách xưng hô ông bạn thế nào đây ?
Thư sinh lạ mặt đáp :
– Tại hạ là Huỳnh Minh. Người giang hồ gọi Thiểm Điện Khách chính là tại hạ…
Từ Văn hỏi :
– Thiểm Điện Khách ư ?
Huỳnh Minh đáp :
– Vô danh tiểu tốt, thiếu hiệp đừng cười.
Từ Văn lại hỏi :
– Sao Huỳnh huynh biết tại hạ họ Từ ?
Thiểm Điện Khách Huỳnh Minh nở nụ cười thần bí, đáp :
– Tại hạ vâng lệnh đến đây đón thiếu hiệp.
Từ Văn hỏi :
– Huỳnh huynh vâng lệnh ai ?
– Gia sư.
– Lệnh sư là ai ?
– Diệu Thủ tiên sinh.
– Ủa !
Từ Văn chợt tỉnh ngộ, bụng bảo dạ :
– Gã đã là đệ tử của Diệu Thủ tiên sinh, thì chuyện gã biết chân tướng mình cũng
chẳng có chi là lạ.
Huỳnh Minh nổi lên tràng cười sang sảng, nói :
– Gia sư rất quí trọng thiếu hiệp. Người cho là trong vòng trăm năm nay, bây giờ
mới có bậc kỳ tài như vậy.
Từ Văn bẽn lẻn nói :
– Đó là lệnh sư quá khen mà thôi.
Huỳnh Minh ngoẹo đầu ngoẹo cổ hỏi :
– Huỳnh mổ lớn tuổi hơn thiếu hiệp, muốn kêu thiếu hiệp bằng hiền đệ được
chăng ? Hai chữ Thiếu hiệp có điều không thuận miệng…
Từ Văn thấy đối phương là người mau lẹ, liền nẩy ra mối hảo cảm, chàng tủm tỉm
cười nói :
– Cái đó có chi mà chẳng được ?
Huỳnh Minh sung xướng nói :
– Như vậy là tiểu huynh tự đại quá ! Có phải hiền đệ định đi Khai Phong không ?
Từ Văn đáp :
– Phải rồi ! Huỳnh huynh có điều chi dạy bảo ?
Huỳnh Minh bật cười đáp :
– Đừng khách sáo nữa. Cái gì mà dạy bảo với không dạy bảo ? Tiểu huynh vâng
lệnh gia sư gọi hiền đệ đến một nơi để xem một việc.
Từ Văn nghi ngờ hỏi :
– Việc gì ? Ở đâu ?
Huỳnh Minh đáp :
– Hiền đệ tới nơi sẽ rõ. Bây giờ hãy còn sớm, chúng ta hãy vào thị trấn uống mấy
chén được chăng ?
Từ Văn thấy việc đi Khai Phong không có chi gấp rút, sớm muộn một ngày cũng
chẳng làm gì, liền gật đầu đáp :
– Được lắm !
Hai người rẽ vào thị trấn, tìm đến một tửu lâu lớn nhất. Huỳnh Minh dường như là
khách quen, nên đi thẳng lên lầu kiếm một phòng riêng biệt vào ngồi.
Điếm tiểu nhị thò đầu vào cửa ngó, cười hì hì nói :
– Huỳnh tướng công ! Tiểu nhân sắp dọn như trước nhé !
Huỳnh Minh không thèm ngoảnh đầu ra, vẩy tay đáp :
– Ừ ! Thêm vào bốn hồ lạnh nữa.
– Rượu phải không ?
Huỳnh Minh gật đầu đáp :
– Thứ Hoa điêu.
– Dạ !
Tiểu nhị trở gót lui ra. Lát sau gã đặt chén bát, bốn đỉa quả khô, hai chung trà.
Chẳng mấy chốc rượu nhắm bày lên đầy bàn.
Từ Văn quen ăn uống nhiều thứ thuở nhỏ, chàng thấy lắm thức ăn cũng lấy làm
khoái chí.
Tửu lâu này khá lớn. Hành lang chạy riễu bốn mặt. Chính giữa là một tòa lầu dùng
để thiết yến đải khách. Hai mé Đông, Tây đều có những phòng nhỏ quay mặt ra
đường. Những dãy phòng này chia làm sáu căn nhỏ rất trang nhả. Từ Văn cùng Huỳnh
Minh lấy căn bìa mé hữu.
Huỳnh Minh rất vui tính và lẹ miệng. Hắn đem những câu chuyện hiếm có trên
chốn giang hồ ra kể. Từ Văn nghe không chán tai.
Hai người đang cao hứng ăn uống, chuyện trò, thì trước cửa phòng một gã áo đen
xuất hiện, mặt có vẻ rất nghiêm trọng.
Huỳnh Minh ngừng lại, nghiêm nét mặt hỏi gã :
– Có việc gì vậy ?
Hán tử hỏi lại :
– Có cần úy kỵ gì không ?
Huỳnh Minh đưa mắt ngó Từ Văn, đáp :
– Đồng hội đồng thuyền, bất tất phải nghi ngại.
Từ Văn biết ngay là Huỳnh Minh bảo gã có việc gì cứ nói, không cần dấu diếm
mình.
Gã áo đen rảo bước đi vào còn cách chừng ba bước thì quỳ một gối xuống. Hai tay
gã bưng một cái hộp gỗ giơ cao lên đỉnh đầu, dỏng dạc nói :
– Môn có môn qui, Gia có gia pháp. Không đạo sâu xa, tám chử mà tra. Đệ tử thuộc
hàng chữ Thổ, xin tham kiến thượng bối.
Huỳnh Minh bệ vệ, vẩy tay nói :
– Bất tất theo lễ thường. Ngươi đứng lên mà nói.
– Tạ ơn thượng bối.
Hán tử áo đen đứng dậy, bưng hộp gỗ để xuống trước ngực, thái độ rất cung kính.
Từ Văn nhớ lại khi ở núi Bạch Thạch tranh đoạt Thạch Phật, Diệu Thủ tiên sinh chỉ
nói mấy câu môn qui là Tụ Bảo Hội chủ Quách Vân Hương đã sợ co vòi, riu ríu đưa
Thạch Phật ra. Xem thế đủ biết địa vị Diệu Thủ tiên sinh ở trong Không đạo rất cao
trọng. Huỳnh Minh là đệ tử của lão, tất địa vị cũng không kém lắm.
Chàng còn đang ngẫm nghĩ, thì Huỳnh Minh lại hỏi :
– Giờ nào khai đường ?
– Vào lúc chính ngọ.
Huỳnh Minh lại hỏi :
– Trong lò cắm bao nhiêu nén hương ?
– Một trăm lẻ tám.
– Đầu hương là ai ?
– Ngũ trụ.
– Đỉnh lò ?
– Chữ Điện ở đầu.
– Đưa tro lò đây.
Hán tử áo đen tiến lên một bước. Gã cầm hộp gỗ, rồi mở ra.
Từ Văn đưa mắt nhìn vào trong hộp, bất giác trợn mắt há miệng, lông tóc đứng
dựng cả lên. Trong hộp đựng một cánh tay máu chảy đầm đìa.
Huỳnh Minh thò tay cầm lấy cánh tay đó, vung lên trước mặt Từ Văn một cái rồi
đặt vào hộp, nói :
– Được rồi !
Hán tử áo đen đậy nắp hộp. Kính cẩn thi lễ, rồi lui ra.
Từ Văn kinh hãi ngó Huỳnh Minh toan hỏi, nhưng lại nghĩ tới đây là việc bí mật có
quan hệ đến bang phái người ta. Mình là người ngoại cuộc, chẳng thể xen miệng vào
được. Nhưng không hỏi cho biết thì mối kinh nghi trong lòng vẫn xao xuyến. Vẻ mặt
chàng lộ ra rất băn khoăn.
Huỳnh Minh cất tiếng hỏi :
– Hiền đệ dã nhìn rõ chưa ?
Từ Văn ngơ ngác hỏi lại :
– Nhìn rõ cái gì ?
– Chiếc cánh tay đứt.
– Ồ ! Huỳnh huynh ! Tiểu đệ không hiểu…
Huỳnh Minh ngắt lời :
– Cái đó cốt để cho hiền đệ coi.
Từ Văn kinh hãi, run lên hỏi :
– Huỳnh huynh bảo vâng lệnh sư phụ muốn cho tiểu đệ coi một việc, phải chăng là
cái này ?
Huỳnh Minh đáp :
– Chính thế !
– Huỳnh huynh nói rõ thêm một chút được chăng ?
Huỳnh Minh nói :
– Hiền đệ còn nhớ gã Lục Quân không ?
Từ Văn đáp :
– Gã là Thiếu Hội chủ Tụ Bảo Hội. Gã làm sao ?
Huỳnh Minh đáp :
– Chiếc cánh tay đứt đó là của gã.
Từ Văn giật nẩy mình lên, hỏi :
– Cách tay của Lục Quân đấy ư ?
Huỳnh Minh đáp :
– Phải rồi ! Phái Không đạo tuy môn hộ phức tạp, rắn rồng lẫn lộn, nhưng luật lệ
của sư tổ để lại rất nghiêm minh. Lục Quân tuy được luật lệ bản môn cho thu thập đồ
báu, nhưng chẳng khoan dung việc lừa gạt nữ sắc. Hiền đệ đã hiểu chưa ?
Từ Văn chợt tỉnh ngộ. Chàng nhớ lại Diệu Thủ tiên sinh đã cho chàng hay Lục
Quân biển thủ tài vật, lại lường gạt nữ sắc là một điều mà môn qui chẳng thể tha thứ.
Không ngờ lời nói của lão xem nặng bằng non. Lục Quân vì muốn lấy được Thạch
Phật mà phải dùng thủ đoạn đê hèn gây cảm tình, lừa bịp thiếu nữ áo hồng Thượng
Quan Tử Vi, lại xâm phạm cả trinh tiết của nàng, khiến cho nàng đã mấy phen toan tự
tử. Chính chàng cũng đã hứa với nàng là sẽ giết Lục Quân để báo thù…
Chàng gật đầu đáp :
– Tiểu đệ biết rồi.
Huỳnh Minh nâng chung lên nói :
– Nào ! Chúng ta uống rượu đi !
Trời đã gần tối, tiểu nhị đã thắp đèn lên. Bây giờ chính là lúc tửu khách đến đông.
Khắp tòa tửu lâu chìm đắm vào trong những tiếng hô sai quyền hành lệnh, lẫn với
tiếng đàn hát.
Từ Văn không uống được nhiều rượu, chàng vươn vai hỏi :
– Chúng ta động thân thôi chứ ?
Huỳnh Minh trái lại tửu hứng chưa thỏa, tủm tỉm cười đáp :
– Chúng ta hãy cạn bình này nữa được chăng ?
Từ Văn không tiện khiến cho người bạn sơ giao phải cụt hứng, liền gật đầu đáp :
– Được lắm !
Giữa lúc ấy tiếng nhả nhạc ở nhà bên cạnh nổi lên một khúc ca.
Trên trời có đám mây xanh
Dưới đất hoa đỏ, chung quanh hoa vàng
Gió Tây hây hẩy hơi hương
Nhạn bay từ Bắc vội vàng xuống Nam
Phân ly lệ thảm ai làm ?
Rầu rầu ngọn cỏ đầm đầm sương mai
Vó câu vùn vụt xa vời
Dây đâu mà buột con người ra đi ?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Tiếng hát tới đây dừng lại.
Từ Văn nghe xong, ngẩn người ra. Trong đầu óc chàng hiện lên một bức họa xúc
động can trường. Chàng hồi tưởng lại quang cảnh năm xưa : Trong chốn đình viện
quạnh hiu tịch mịch, một ả tiểu tỳ nhỏ tuổi mặc áo xanh ngồi trên chiếc đôn đá dưới
bóng hoa. Trước mặt cô là một cậu bé trai chừng sáu, bảy tuổi, chăm chú lắng tai
nghe.
Tiểu tỳ áo xanh được trời cho giọng hát trong trẻo, ca khúc Thôi Oanh Oanh Tống
Biệt Trương Quân Thụy mà dường như cô cũng bị mối biệt ly đau khổ của Thôi
Oanh Oanh làm cho xúc động.
Thằng nhỏ chẳng biết có hiểu gì không, cứ dương cặp mắt đen láy nhìn cô, ít ra nó
cũng biết giọng hát của thị tỳ rất ngọt tai.
Đấy là bức hoạt họa ngày chàng còn nhỏ tuổi.
Từ Văn nhớ lại cảnh cũ, bất giác chàng buông tiếng thở dài, cặp mắt long lanh ngấn
lệ…
Khúc hát lại vang lên bằng thanh điệu thê lương áo nảo :
Não nùng tiếng khóc lâm ly
Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh
Đoái trông mười đặm trường đình
Hỏi ai ai có thấu tình chăng ai ?
Tiếng hát chấm dứt mà thanh âm vẫn còn văng vẳng bên tai.
Trên má Từ Văn, hai giọt lệ bằng hạt đậu đọng lại.
Bức họa đau lòng lại nổi lên trong đầu óc chàng không biết mấy lần. Thảm cảnh
ruộng bể nương dâu, nhà tan người chết, khiến cho dòng máu cừu hận chạy rần rần
trong thân thể chàng.
Huỳnh Minh phát giác Từ Văn có trạng thái khác lạ thì không khỏi kinh hãi, hất
hàm hỏi :
– Hiền đệ ! Hiền đệ làm sao vậy ?
Từ Văn vẫn chìm đắm vào giấc mộng ngày còn thơ, nên chàng không trả lời.
Huỳnh Minh lại hỏi :
– Hiền đệ ! Chuyện này là thế nào đây ?
Từ Văn buột miệng hỏi lại :
– Ai hát khúc vừa rồi ?
Huỳnh Minh ngơ ngác :
– Sao ? Ai hát gì đâu ?…
– Huỳnh huynh không nghe thấy hay sao ?
– Ủa ! Đó là mụ ở căn giáp vách, tiểu huynh không hiểu rõ đầu đuôi. Có điều mụ
hát kiếm tiền khá lâu rồi, nên các bạn ở đây kêu mụ ta là Oanh Oanh…
– Oanh Oanh ư ?
Huỳnh Minh gật đầu đáp :
– Phải rồi ! Vì mười lần thì có đến chín là mụ hát khúc Thôi Oanh Oanh tống biệt
Trương Quân Thụy.
Từ Văn lại hỏi :
– Mụ độ bao nhiêu tuổi ?
Huỳnh Minh đáp :
– Chừng độ ba mươi. Hiền đệ hỏi mụ làm chi ?
Từ Văn ngập ngừng :
– Vì…
Chàng chưa dứt lời thì phòng bên có tiếng rên ư ử.
Từ Văn chấn động tâm thần. Chàng liền đứng dậy mở rèm đi ra, thì vừa trông thấy
bóng người vượt qua hành lang, hấp tấp xuống lầu. Chàng trông bóng sau lưng dường
như rất quen thuộc, bỗng chàng ngẩn người ra, tự hỏi :
– Bóng người này là ai ?
Bỗng chàng la hoảng :
– Đúng hắn rồi !… Khách qua đường !…
Từ Văn chạy vội ra cửa cầu thang..
– Ủa !
Tiếng kinh ngạc này do Huỳnh Minh phát ra. Từ Văn dừng bước ngoảnh đầu lại
nhìn, thấy Huỳnh Minh một chân ở trong cửa phòng bên cạnh, và gã thò đầu ra cất
tiếng run run gọi :
– Hiền đệ ơi ! Mụ chết rồi !
Một ý niệm trực giác khiến Từ Văn bỏ việc rượt theo Khách qua đường. Chàng
vội quay gót trở lại tiến vào phòng âm nhạc.
Tửu khách có người nghe tiếng, nghển cổ trông, nhưng không thấy gì khác lạ lại
ngồi xuống.
Từ Văn đảo mắt nhìn vào trong thì thấy một người đàn bà áo đen nằm sóng sượt
dưới đất. Chàng tới gần coi, bất giác la hoảng :
– Mai Hương ! Đúng là ngươi…
Huỳnh Minh kinh hãi hỏi :
– Hiền đệ nhận biết mụ ư ?
Từ Văn run lên đáp :
– Mụ là người thị tỳ luôn luôn kề cận gia mẫu.
– Trời ơi !…
Từ Văn cúi xuống ôm người đàn bà đặt lên ghế, gọi luôn mấy tiếng :
– Mai Hương ! Mai Hương !…
Người đàn bà áo đen chỉ còn thoi thóp thở, xem chừng sắp chết đến nơi. Chàng đưa
mắt nhìn người mụ một lượt rồi nghiến răng nói :
– Mụ bị trúng độc.
Chàng vội lấy thuốc giải trong mình ra, nhét vào miệng Mai Hương ba viên.
Huỳnh Minh lấy một cốc nước đổ cho người đàn bà áo đen nuốt thuốc. Gã hỏi Từ
Văn :
– Trúng độc ư ?
Từ Văn gật đầu.
– Liệu còn cứu được không ?
Từ Văn lắc đầu đáp :
– Vô phương mất rồi.
Huỳnh Minh ngập ngừng :
– Hiền đệ rất tinh thông về Độc đạo…
Từ Văn nói ngay :
– Chất độc này kêu bằng Diêm Vương Lệnh, tiểu đệ không giải trừ được.
– Vừa rồi hiền đệ cho y uống thứ gì ?…
Từ Văn thất vọng đáp :
– Đây chỉ là thứ giải độc thông thường, cho uống tạm thời để họa may mụ còn nói
được mấy câu chăng.
Chàng vừa nói vừa điểm vào mười mấy huyệt đạo trong mình người đàn bà áo đen.
Người đàn bà áo đen thở mạnh hơn một chút, chừng nửa khắc sau, mụ dương mắt
lên.
Từ Văn mồ hôi trán nhỏ giọt, chàng cất tiếng run run gọi :
– Mai Hương ! Mai… Hương… !
Người đàn bà áo đen đảo cặp mắt thất thần, hồi lâu mới ú ớ hỏi :
– Tướng công là ai ? Sao biết… tỳ tử…
Từ Văn khích động vô cùng, hỏi lại :
– Mai Hương ! Ngươi không nhận được ta ư ?
Huỳnh Minh nói xen vào :
– Hiền đệ quên là mình đã cải trang…
Từ Văn sực tỉnh ngộ, vội nói :
– Mai Hương ! Ta là nhị cô tử… đã thay hình đổi dạng.
– Ủa !…
Da mặt người đàn bà áo đen co rúm lại. Mụ cố gắng máy môi, đỏ cả mặt mũi mới
lên tiếng được :
– Nhị công tử… đấy ư ?
Từ Văn vội đáp :
– Phải rồi ! Mai Hương ! Ngươi còn nghe được thanh âm ta không ?
– Nghe… được.
– Mẫu thân ta… nhị phu nhân hiện ở đâu ?
– Bà… ở Nam Triệu…
– Nam Triệu ư ? Phải chăng ở biệt thự tại phía Tây thành ?
– Phải rồi…
Từ Văn nghi ngờ tự hỏi :
– Mẫu thân ta không bị chủ nhân của Khách qua đường bắt giữ ư ? Tại sao ở Nam
Triệu ? Chẳng lẽ chỗ đó cũng bị đối phương chiếm cứ rồi chăng ?
Chàng hỏi tiếp :
– Mẫu thân ta bình yên chứ ?
– Bình… yên…
Từ Văn lại hỏi :
– Sao ngươi lại đến đây làm nghề hát rong ?
– Vâng mệnh… nhị phu nhân… trốn ra đây kiếm nhị công tử…
Từ Văn giật mình hỏi :
– Ngươi trốn ra đây kiếm ta ?
– Phải rồi !…
Từ Văn hỏi :
– Để làm gì ?
– Nhị phu nhân… bảo tỳ nữ… cảnh giác nhị công tử…
Sau tiếng nói nhỏ quá nghe không rõ.
Từ Văn rất đổi bồn chồn, run lên hỏi :
– Mai Hương ! Cố gắng lên ! Cảnh giác ta điều chi ?
Người đàn bà áo đen miệng lắp bắp mà không phát ra thanh âm được. Mục quang
thất thần, toán loạn…
Huỳnh Minh run lên nói :
– Mụ nguy mất rồi.
Từ Văn lòng nóng như lửa đốt, trán nổi gân xanh, nắm lấy vai người đàn bà áo đen
lắc mấy cái, lớn tiếng hỏi :
– Người bắt giữ nhị phu nhân là ai ?
Người đàn bà áo đen cố gắng đến cùng cực mới thốt ra được hai tiếng :
– Hắn… hắn…
Rồi thị ngoẹo đầu tắc hơi.
Từ Văn trợn mắt nghiến răng rú lên một tiếng, miệng hộc máu tươi.
Huỳnh Minh tay chân luống cuống, vội khuyên giải :
– Hiền đệ !… Hiền đệ hãy bình tỉnh…
Từ Văn bổng ngửng đầu lên, nói bằng một giọng rất xúc động :
– Huỳnh huynh ! Chúng ta tuy mới sơ giao, song tiểu đệ có hai việc ký thác.
Huỳnh Minh ngắt lời :
– Hiền đệ có việc gì ? Nói đi !
Từ Văn đáp :
– Một là xin Huỳnh huynh vì tiểu đệ mà mai táng cho Mai Hương…
Huỳnh Minh giục :
– Được rồi ! Còn gì nữa ?
Từ Văn lấy chiếc vòng tay ngọc ra, nói :
– Nhờ Huỳnh huynh đem vật này đến Tưởng phủ ở Khai Phong, trả lại cho thế thúc
là Tưởng Úy Dân.
Huỳnh Minh ngần ngừ :
– Cái này…
Từ Văn ngắt lời :
– Huỳnh huynh có sẳn lòng giúp cho tiểu đệ không ?
Huỳnh Minh lại ấp úng hỏi :
– Hiền đệ ! Hiền đệ nói vậy là nghĩa làm sao ?
Từ Văn nghiến răng đáp :
– Gia mẫu hiện bị bắt giữ, tiểu đệ cần đi ngay để tìm cách cứu viện.
Huỳnh Minh nói :
– Theo ý gia sư thì bất luận hiền đệ trước khi hành động điều gì cũng nên thương
nghị với Tưởng tiền bối ở Khai Phong trước…
Từ Văn chận lời :
– Tiểu đệ lòng nóng như lửa đốt, không thể nhẩn nại được nữa. Xin Huỳnh huynh
thể tất cho việc này.
Huỳnh Minh hỏi :
– Nhưng hiện giờ gia sư đang thám thính tình hình cừu gia cho hiền đệ. Sao hiền đệ
không ẩn nhẩn một chút ?
Từ Văn lắc đầu đáp :
– Xin Huỳnh huynh miển thú cho, tiểu đệ không tài nào chờ đới một ngày nào được
nữa.
Huỳnh Minh hỏi :
– Hiền đệ định đến Nam Triệu hay sao ?
Từ Văn gật đầu đáp :
– Đúng thế !